Trang

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Săn châu chấu kiếm tiền triệu mỗi ngày - Quỳnh Lưu (Nghệ An)

Lưới đã giăng sẵn, người dân huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) căng cuộn dây dài thành hàng vừa đi vừa đuổi châu chấu bay thẳng vào lưới.



Sáng tinh mơ, khi mặt trời chưa lên, một tốp người gồm 4 nam và 1 nữ đã có mặt trên cánh đồng trước hợp tác xã Lam Cầu (xã Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu, Nghệ An) để bắt châu chấu. Đồ nghề là một cuộn lưới dài 50-60m, những thanh tre nhỏ và cuộn dây dài cả trăm mét cột những đoạn bao bì đựng lúa cắt nhỏ, tốp người bắt đầu ngày làm việc.

Cả đội dùng cuộn dây dài căng thành hàng vừa đi, vừa xua châu chấu về khu vực đã giăng lưới sẵn. Thấy bị xua đuổi, cả đàn châu chấu sợ hãi bay theo "sự chỉ đạo" của những người săn bắt. Chỉ trong phút chốc, châu chấu đã bám đầy lưới và nhóm người đi săn chỉ việc gom lưới lại rồi trút thành quả vào bao tải. Mỗi mẻ đánh bắt, họ thu được 30-40 kg châu chấu.

Nghề săn châu chấu của người dân huyện Quỳnh Lưu có từ 4-5 năm nay. Xã Quỳnh Thanh là địa phương đầu tiên khai sinh ra nghề này. Ban đầu, người săn bắt chỉ chạy xe máy dọc các cánh đồng và dùng vợt chao châu chấu. Nhưng cách làm đó khá tốn công, hiệu quả lại không cao. Khi giá thành châu chấu lên chóng mặt, người dân nơi đây đã nghĩ ra bộ đồ nghề trên.

Có thâm niên 5 năm trong nghề, anh Hồ Văn Tảo, ở xóm 3, xã Quỳnh Thanh, xem việc đánh bắt châu chấu là một nghề để kiếm sống. Lấy vợ muộn nên dù đã 40 tuổi, đứa con đầu của anh chỉ mới học lớp Ba. Cả bốn đứa con thơ dại, vợ chồng anh đều nhờ ông bà nội chăm sóc để đi kiếm ăn.
Để săn được nhiều châu chấu, người dân phải chịu khó đi nhiều nơi, thức dậy thật sớm. Ảnh: Duy Ngợi.

Thời điểm gặt lúa chính là thời kỳ ăn nên làm ra của những người đi săn châu chấu. Bất kể nắng mưa, họ đều có mặt trên các cánh đồng để hành nghề. Những ngày này, vợ chồng anh Tảo cùng những người anh em trong xóm chạy xe khắp nơi.

Thời kỳ cao điểm (tháng 7 vừa qua), châu chấu tươi có giá lên tới 50.000 đồng một kg, anh Tảo cùng các anh em họ hàng không chỉ bắt châu chấu ở Quỳnh Thạch mà còn chạy xe máy vào tận Đức Thọ, Hương Sơn (Hà Tĩnh) hay Tĩnh Gia, Quảng Xương (Thanh Hóa).

Hằng ngày, họ làm từ sáng tinh mơ đến chiều xế bóng mới về. Có hôm gặp cánh đồng nhiều châu chấu, một đội 4-5 người có thể thu được vài tạ trong một buổi sáng. Đánh bắt được bao nhiêu, họ lại mang về bán lại cho những người chuyên thu mua để mang ra Hà Nội tiêu thụ. Trừ chi phí đi lại, ăn uống, vợ chồng anh Tảo mỗi người cũng kiếm được tiền triệu. "Nghề ni tuy mệt nhưng nhanh về, nhanh có tiền. Vợ chồng tui đi được nên ngày mô ít cũng có bạc triệu", nhanh tay trút châu chấu vào bao, anh Tảo cho hay.

Thấy nghề này "hái ra tiền", không chỉ người dân ở xã Quỳnh Thanh mà cả người dân các xã khác cũng đua nhau sắm đồ nghề. Hiện giờ, trong xã có tới hàng trăm người theo nghề.
Châu chấu nhỏ được chế biến thành các món nhậu yêu thích ở Hà Nội. Ảnh: Duy Ngợi.

Do nhiều người săn bắt nên giá cả châu chấu ngày càng giảm sút. "Ngày trước, ít người săn bắt nên châu chấu được giá, nhưng giờ nhiều người làm nghề ni quá, chỉ còn 17.000-20.000 đồng một kg thôi. Chăm chỉ, chịu khó thì vẫn dễ kiếm tiền hơn khối nghề đó", anh Lê Văn Phương, 32 tuổi, ở xã Quỳnh Thanh, cùng đội với anh Tạo, nói.

Châu chấu đánh bắt xong được chuyển cho những người thu mua. Bao lưới có châu chấu được cho xuống nước giũ sạch mùi hôi rồi để vào thùng xốp có đá lạnh đem ra Hà Nội tiêu thụ. Anh Trần Văn Nam, một người thu mua châu chấu, cho biết: "Do nhu cầu thị trường cần nhiều nên bao nhiêu châu chấu chúng tôi cũng thu mua. Thứ này dễ tiêu thụ lắm, chúng tôi gửi hàng theo xe ra Hà Nội bán cho những nhà hàng, quán nhậu cao cấp”.

Ở các hàng nhậu tại Hà Nội, mỗi đĩa châu chấu rang (khoảng 100 g) có giá từ 60.000 đến 80.000 đồng.

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Thoát nghèo nhờ hoa cúc

Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng nhưng bằng nghị lực và tinh thần vượt khó của mình, chị đã vươn lên làm giàu với nghề trồng hoa trên chính mảnh đất của gia đình, đó là chị là Trần Thị Thoa, 34 tuổi ở xã Hải Châu. 

Trước khi đến với nghề trồng hoa, chị đã từng trải qua rất nhiều nghề. Năm 2001, cả gia đình chị vào Đắk Nông với mong ước lập nghiệp trên nương rẫy bằng các loại đỗ, đậu, càphê, hồ tiêu... Hơn 5 năm bám trụ với vùng đất Tây Nguyên mà không thu được kết quả gì, kinh tế gia đình chị ngày càng khó khăn hơn. Với mong muốn phát triển kinh tế gia đình, con cái được học hành đến nơi đến chốn, chị đã quyết định quay về quê hương để bắt đầu làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng.

Trở về, gia đình chị không có nhà để ở do đã bán lấy tiền đầu tư trồng càphê trong Đắk Nông, chị đưa cả gia đình về ở nhờ bố mẹ đẻ. Thấy trồng lúa không mang lại hiệu quả kinh tế, chị mạnh dạn vay vốn ngân hàng 50 triệu đồng để mua một mẫu đất nhằm ổn định chỗ ở và bắt đầu phát triển kinh tế. Trên mảnh đất của mình, chị đào ao nuôi cá và bắt đầu trồng hoa cúc, loại hoa rất được ưa chuộng tại địa phương.



Ban đầu, chị chỉ trồng thử nghiệm một khoảng đất nhỏ để bán cho người dân vào những dịp lễ, Tết. Nhưng sau đó, nhận thấy hoa cúc vừa dễ trồng lại cho thu nhập cao, năm tiếp theo, chị mạnh dạn đầu tư trồng nhiều hơn trên toàn bộ diện tích vườn. Đồng thời chị cũng chú trọng mở rộng thị trường tiêu thụ qua các vùng lân cận. Hiện với hơn 2 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) đất thâm canh hoa cúc, mỗi năm trừ chi phí, chị thu lãi hàng chục triệu đồng. Từ chỗ không có nhà ở, chị đã trả hết nợ, xây được nhà khang trang, mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt và nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn.

Đưa chúng tôi đi thăm một vòng vườn cúc xanh tốt, chị tâm sự: “Tôi đã phải đi nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm trồng hoa. Sau đó tự áp dụng, đúc rút kinh nghiệm riêng cho mình. Vì vậy, sản lượng và chất lượng hoa nhà tôi luôn đạt yêu cầu, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng”. Chị Thoa cho biết thêm: Muốn trồng hoa hiệu quả thì phải nắm vững các quy trình kỹ thuật, đặc biệt công đoạn làm đất phải thật kỹ. Khi trồng hoa phải trải qua 3 lần bón phân, mỗi lần cách nhau 7 ngày, sau đó vun đất vào gốc. Khi hoa được 50 ngày tuổi tiếp tục bón phân lần nữa. Tưới nước cho hoa phải nhẹ nhàng và đều tay, đảm bảo đủ độ ẩm nhưng không làm gãy hoa và lá. Người trồng hoa phải có tính kiên trì, tỉ mỉ, thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật, chú trọng phòng trừ sâu bệnh. Mùa hè, phải có vòm lá che chắn mưa nắng; mùa đông thời gian đầu phải thắp điện cho cây phát triển tốt.

Qua nhiều năm trồng hoa, chị Thoa đã có thể tự nhân giống, giảm đáng kể chi phí, dự kiến năm nay sẽ đầu tư mở rộng vườn hoa. Ngoài ra, chị sẽ trồng thêm các loại hoa hồng, lay ơn, huệ... giúp đa dạng các loại cây trồng, tăng thêm thu nhập.

Thấy chị trồng hoa thoát nghèo, nhiều hộ trong xã có hoàn cảnh khó khăn cũng học tập và làm theo, bước đầu cho kết quả khả quan.

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Người “thuần hóa” rau rừng

Rau nhíp là một loại rau rừng được đồng bào Xtiêng tại Bình Phước dùng làm thực phẩm và được nhiều hàng quán ưa chuộng. Để không mất đi loại rau rừng từng gắn bó bao đời, một người dân tộc bản địa đã chủ động lên rừng tìm rau mang về trồng.

Đến thăm vườn điều trồng xen ca cao của gia đình anh Điểu Đang tại xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, Bình Phước, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi thấy có nhiều rau rừng tại đây. Anh Điểu Đang kể, đời sống của đồng bào dân tộc luôn gắn với rừng từ bao đời nay, thế nên trong bữa ăn thường có các loại rau rừng. Hàng ngày, đi làm nương về, anh thường lên rừng để đào củ mài, măng rừng hoặc hái lá nhíp, cà dại về xào, nấu canh... Nhưng càng ngày các loại rau rừng càng khan hiếm, việc tìm kiếm rau rừng về ăn không còn dễ dàng như trước đây. Vì vậy anh đã nảy sinh ra ý nghĩ mang rau rừng về trồng để vừa bảo tồn loại rau có từ đời cha ông, vừa để cải thiện bữa ăn hàng ngày.


Nghĩ là làm, hàng ngày anh lặn lội lên rừng, ra bờ suối tìm các loại rau rừng về trồng trong vườn nhà. Dần dần khu vườn nhà anh đã có nhiều loại cây rừng, từ các loại cây dùng để làm thuốc, làm rau, đến loại cây dùng để ngâm rượu. Trong đó nhiều nhất phải kể đến là rau nhíp. Loại rau này được anh trồng xen canh với cây điều và ca cao trên diện tích 1,3ha. Các hàng rau nhíp được anh trồng thẳng tắp giữa hàng điều và ca cao, tạo sự thông thoáng cho vườn.

“Mặc dù là loại cây rừng, nhưng khi mang về trồng, rau nhíp phát triển rất nhanh, lá tươi tốt quanh năm. Hiện rau nhíp đang được ưa chuộng, không chỉ người dân tộc biết ăn mà các nhà hàng, quán ăn cũng tìm mua rất nhiều. Với giá từ 40.000- 50.000 đồng/kg, mỗi tháng cả nhà thu được gần 2 triệu đồng từ tiền bán rau nhíp. Gia đình tôi có thể sống khỏe quanh năm từ rau nhíp và ca cao” - anh Đang nói.

Cũng theo anh, địa hình vườn điều và ca cao của nhà anh dốc, mùa mưa đất thường bị xói mòn. Từ khi trồng rau nhíp xen vào giữa các hàng điều và ca cao, đất vườn nhà đã không còn lo bị trôi hay xói mòn nữa. Đất trong vườn luôn giữ được độ ẩm nhất định, lượng phân bón cho cây cũng giảm đi.

Trao đổi với chúng tôi, anh Điểu Đang cho biết mô hình trồng rau nhíp xen canh điều, ca cao không chỉ giúp mang lại thu nhập cho gia đình, chống xói lở đất mà điều ý nghĩa hơn đối với anh là giữ gìn được loại rau rừng quen thuộc với đồng bào dân tộc mình. Qua đó làm phong phú thêm bữa ăn hàng ngày của đồng bào dân tộc bản địa cũng như người dân địa phương.

Nghề nuôi dông: Cơ hội làm giàu cho người dân ven biển miền Trung


Ở Ninh Thuận, nhiều gia đình đã thành công trong việc đưa vào chuồng nuôi con dông hoang dã, loài bò sát sinh sống trên những động cát.


Anh Võ Minh Sơn, một trong những người đầu tiên xây dựng mô hình chuồng nuôi dông thành công ở làng Từ Tâm, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), cho biết: “Mô hình này ví như một động cát tự nhiên được thu nhỏ. Dùng gạch xây cao lên 1,2m; dưới đáy chuồng đổ một lớp xi-măng dày khoảng 2cm (để con dông không thể đào hang chui ra) nhưng phải đảm bảo không bị ứ nước khi trời mưa. Sau đó, đổ lớp cát dày 1m lên đáy chuồng; đắp gò, trồng cỏ… tạo khoảng trống cho con dông chạy nhảy, đào hang. Thức ăn ưa thích nhất của dông là giá đậu, rau và hoa quả. Tỷ lệ sống đạt 95%, đặc biệt chúng sinh sản nhanh, mau lớn và không bị dịch bệnh”.

Anh Phạm Trung Nhớ, ở làng Hòa Thủy, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, xây chuồng trên đồi cát rộng 500m2, cách khu dân cư vài trăm mét. Đầu năm ngoái, anh thả nuôi 10.000 con giống, đến nay đàn dông tăng hơn 70.000 con. Anh Nhớ cho biết: “Dông sinh sản rất nhanh, một lần đẻ từ 6 - 8 trứng; 30 ngày sau trứng nở ra dông con. Và năm kế tiếp đàn dông con trưởng thành, tiếp tục sinh sản. Dông chỉ lên khỏi hang kiếm ăn một lần vào khoảng giữa trưa, thức ăn chủ yếu là các loại rau, quả như cà chua, dưa hồng, rau muống... tươi, được rửa sạch”. Cách đây hai tháng, anh Nhớ thu được hơn 80 triệu đồng khi xuất lứa dông loại I, chủ yếu là dông đực (từ 8 - 12 con/kg) cho các thương lái đến từ TP.HCM, Nha Trang, Bình Dương…

Theo cách tính của anh Nhớ, mỗi tháng chi ra 3 triệu đồng tiền mua thức ăn cho 70.000 con dông; nếu giá thị trường từ 120.000 - 140.000 đồng/kg, thì sau một năm chăm sóc, trừ chi phí, lãi hơn 100 triệu đồng. “Khi đưa dông hoang dã vào chuồng nuôi cần chú ý đến 3 điểm: trước hết là diện tích chuồng nuôi phải rộng (trên 200m2); mùa khô phải thường xuyên phun nước tạo độ ẩm; chuồng phải cách xa khu dân cư, tránh sự rượt bắt của mèo, chuột cống. Hiện tại, nhiều chủ trại nuôi không muốn bán dông cái đã sinh sản, chỉ bán giống (3.000 đồng/con bằng ngón tay út), nên dông thịt rất khan hiếm, không đủ cung cấp cho thị trường”,anh Nhớ tâm sự.

Trừ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, ở Ninh Thuận hiện có rất nhiều hộ nuôi dông quy mô lớn (từ vài ngàn đến vài chục ngàn con). Dông đạt trọng lượng từ 6 - 12 con/kg, với giá bình quân 120.000 đồng/kg, người nuôi sẽ lãi từ 5 - 100 triệu đồng/chuồng/năm. Nghề nuôi dông ở Ninh Thuận phát triển rất nhanh, nhiều người ở Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Định… đến tìm hiểu, mua con giống về nuôi. Mô hình này đã hé mở cơ hội làm giàu cho người dân ven biển miền Trung.

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Làm giàu từ nghề nuôi cá nheo

“Năng động và dám nghĩ dám làm” là nhận định của những ai đã từng đến thăm cơ sở nuôi cá của gia đình anh Nguyễn Văn Bình - ở xã Vũ Linh huyện Yên Bình.


Là một trong những hộ mạnh dạn đi đầu trong việc phát triển giống cá nheo với số lượng lên tới vài nghìn con.

Sau nhiều năm lăn lộn với đủ nghề nhưng những công việc chỉ mang tính thời vụ. Lênh đênh trên hồ đánh bắt cá tôm, cuộc sống vẫn không đủ ăn, anh Bình lại đi làm thuê làm mướn công việc lúc có lúc không nên anh quyết định chuyển hướng hùn vốn cùng bạn bè đi buôn. “ Tiền cũng kiếm được nhưng may rủi chẳng biết thế nào, lúc có sức khỏe thì có tiền, lúc ốm đau thì cực lắm vì tính ra làm cũng chỉ đủ miếng ăn. Công việc phải suốt ngày nay đây mai đó”. Anh Bình tâm sự. Bởi vậy luôn mong muốn cho mình có một cái nghề ổn định, phát triển lâu dài.

Năm 2010, được nghe thông tin về giống cá nheo, loại cá đặc sản đem lại hiệu quả kinh tế cao được huyện đưa vào nuôi thử nghiệm, anh bắt đầu tìm hiểu qua các kênh thông tin thấy cá nheo là loài cá nước ngọt, ở địa phương lại chưa có ai nuôi, cách chăm sóc khá đơn giản và đặc biệt là cá nheo có khả năng chống chịu bệnh tốt. Nắm được tiềm năng thế mạnh của vùng nơi mình sinh sống đó là: có diện tích mặt nước hồ rộng, sạch nên khá thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản. Bắt tay vào công việc mới với niềm tin, hi vọng sẽ thành công.

Đầu tiên anh nuôi thử nghiệm 10 lồng cá nheo theo dự án của Chi cục thủy sản tỉnh. Cẩn thận từ việc lựa chọn con giống đến việc chăm sóc và phòng bệnh. Theo anh Bình thì công việc không khó nhưng cần sự tỉ mỉ và cẩn thận. Môi trường sống của cá yêu cầu phải sạch, hàng ngày anh phải vệ sinh lồng bằng cách vớt sạch rác và thức ăn thừa, thức ăn của cá nheo chủ yếu là cá tép, tôm, cua… lượng thức ăn cho cá phụ thuộc vào trọng lượng cơ thể. Cá nheo khoảng 1,5 - 2 kg là có thể xuất bán, với giá 150. 000 đồng/kg. Thời gian khoảng 5 -6 tháng là cá vào vụ, vụ cá đầu tiên anh Bình đã thu về trên 100 triệu đồng trừ các khoản chi phí tính ra anh cũng lãi được trên 50 triệu đồng.

Bước đầu thấy được hiệu quả của việc nuôi cá nheo anh quyết định đầu tư, mở rộng diện tích nuôi. Nhanh nhạy trong việc nắm bắt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, năm 2011 anh Bình xây dựng đề án mở rộng chăn nuôi trình lên lãnh đạo các ngành chức năng để xin nhận 50 ha diện tích mặt nước vừa để sử dụng, vừa bảo vệ, quản lí.

Nguồn vốn tự có không nhiều anh mạnh dạn vay ngân hàng cùng sự giúp đỡ của anh em bạn bè phát triển thêm lồng cá. Hiện nay anh Bình đang sở hữu 20 lồng cá bằng tre và 16 lồng lưới. Mỗi lồng tre số lượng cá là 200 con. Ước tính vụ thu hoạch tới anh sẽ xuất khoảng trên 3 tấn cá thu về gần 500 triệu đồng. Ngoài ra anh còn nuôi thêm 1.000 con gà, giống gà ta, chất lượng.

Để có được thành công ban đầu, anh Bình không chỉ thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, tiếp cận khoa học kỹ thuật do Chi Cục Thủy sản tỉnh phối hợp với Phòng Nông Nghiệp huyện Yên Bình tổ chức mà còn không ngừng tìm hiểu, củng cố kiến thức chăn nuôi thông qua báo, đài, chủ động nguồn tiêu thụ... Với suy nghĩ thật giản dị không gì bằng việc được làm giàu trên mảnh đất quê hương mình. Anh Bình chia sẻ: “Thời gian tới tôi định sẽ mở rộng thêm diện tích, đồng thời nghiên cứu, nuôi thử nghiệm một số loài thủy sản khác nữa như cá quất, ba ba… Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như giúp đỡ các hộ trong và ngoài tỉnh có nhu cầu chăn nuôi và phát triển cá nheo”.

“Khắc tinh” của đầm lầy

Từ nhỏ cha mẹ đã dặn anh “phi thương bất phú”, thế mà vừa mới “đủ lông, đủ cánh”, anh lại bỏ sạp hàng thu lãi chục triệu đồng mỗi tháng để chinh phục cả khu đầm lầy với khát vọng sớm thành tỷ phú.


Sinh ra, lớn lên ở thị trấn Thổ Tang - vùng quê sầm uất nhất huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, từ nhỏ cha mẹ đã dặn anh “phi thương bất phú”, thế mà vừa mới “đủ lông, đủ cánh”, anh lại bỏ sạp hàng thu lãi chục triệu đồng mỗi tháng để chinh phục cả khu đầm lầy với khát vọng sớm thành tỷ phú.

Anh là Vũ Trung Học - chủ HTX Nông nghiệp tư nhân Ánh Dương ở thị trấn Thổ Tang - người được đề cử danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013”.

Có quyết tâm, đầm lầy cho bạc tỷ
“Thực tế đã chứng minh quyết định bỏ chợ về đồng của vợ chồng mình là đúng đắn. Chẳng được học cao như nhiều bạn bè cùng trang lứa, vợ chồng mình động viên nhau, cố gắng tạo dựng cơ nghiệp để các con có điều kiện học hành đến nơi đến chốn...” - dẫn chúng tôi đi một vòng trang trại tổng hợp rộng 5ha của gia đình, chị Lăng - vợ anh Học chia sẻ.
Chị kể, anh Học có sở thích đọc, nghe và tìm hiểu những tấm gương vượt khó làm giàu, những ý tưởng táo bạo, độc đáo trong kinh doanh, những mô hình kinh tế trở thành hình mẫu trong tương lai... Quyết định chuyển nghề của anh một phần không nhỏ chịu ảnh hưởng từ sở thích đó.

Từ bỏ công việc buôn bán ở chợ năm 2007, để lại cửa hàng cho người khác thuê, trong tay chỉ có khoản vốn nho nhỏ, Học đăng ký thầu 5ha đầm Sung lầy thụt để thực hiện kế hoạch làm giàu. Khi tiền đã nộp, giấy tờ cầm trong tay, nhìn ra đầm lầy từ trước đến giờ chưa ai dám đầu tư, mọi người đều lắc đầu bảo “có lẽ do đọc báo nhiều quá, bị ngộ nên Học mới quyết định liều lĩnh như thế”. “Không chỉ bố mẹ, anh em mà bạn bè ai cũng ái ngại trước quyết định của tôi. Mọi người bảo, khu vực đầm Sung trước sau gì cũng nhấn chìm toàn bộ vốn của vợ chồng tôi...” - anh Học nhớ lại.

Dồn toàn bộ tiền, anh thuê nhân công be bờ, đào ao, bơm nước thau chua, tôn đất, dựng chuồng theo mô hình trang trại chăn nuôi, thả cá, trồng cây ăn quả. Thách thức đến với Học ngay vụ đầu tiên năm 2008, do rét đậm kéo dài cộng với dịch bệnh lây lan lại chưa có kinh nghiệm chăn nuôi quy mô lớn, 2.000 con gà, 4.000 con vịt cùng hàng trăm con lợn giống vừa chết, vừa chậm phát triển, thua lỗ khoảng 300 triệu đồng.

Sau nhiều đêm thức trắng kiểm điểm lại quy trình sản xuất của mình để rút ra bài học, anh gõ cửa những người thân huy động vốn để tiếp tục “đánh bạc” cùng đầm lầy. Anh tìm gặp những người đi trước tham khảo kinh nghiệm; liên hệ với cán bộ khuyến nông thị trấn và Trung tâm Khuyến nông huyện; tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; mượn sách báo, tài liệu chuyên môn về nghiên cứu. Sau hơn một năm “ăn tại bờ đầm, ngủ trong lán, quần áo cả ngày bết đất”, cuối cùng 3ha ao thả cá, 1,5ha vườn chuồng, 500m2 nhà xưởng đã đem lại cho anh nguồn thu ngày càng lớn.

Năm 2009, với sự trợ sức của Quỹ Tài năng trẻ thanh niên, Học thành lập HTX Nông nghiệp tư nhân Ánh Dương, mở rộng thêm 2 ao cá, quanh bờ ao trồng cam, bưởi, ổi, chuối, xoài và hàng chục loại cây ăn quả có giá trị cùng hệ thống chuồng trại chăn nuôi gà, vịt, lợn, thỏ, chim cút sinh sản. Trang trại của anh cũng là địa chỉ đầu tiên trong vùng áp dụng kỹ thuật nuôi cá chuồn, cá nheo, cá chình theo hướng bán công nghiệp thả xen canh. Từ năm 2010, bằng việc xuất ra thị trường trên 20 tấn cá, khoảng 40 tấn thịt lợn thương phẩm, hàng chục tấn lợn giống cùng với nguồn thu từ vườn cây ăn quả, Học đã có trong tay tiền tỷ.

Khách đến thăm, chẳng ai nhận ra khu đầm Sung lầy lội năm nào. Học thở phào: “Vậy là ván bạc thứ hai trong canh bạc cùng đầm lầy, mình đã thắng...”. Từ đó, mọi người đặt cho anh biệt hiệu “Khắc tinh của đầm lầy”.

Giúp nhiều thanh niên cùng giàu
Sinh năm 1979, nhưng trong tay Học đã có khối tài sản cả chục tỷ đồng. Trang trại tổng hợp của Vũ Trung Học đã nổi tiếng khắp vùng với 5 khu ao nuôi các loại cá có diện tích từ 500-1.000m2/ao; 3 khu trại gà nuôi gần 4.000 gà đẻ siêu trứng; 3 khu trại lợn nuôi hơn 200 con lợn thịt, trên 100 con lợn sinh sản, khoảng 2.300 con vịt cùng khu nuôi thỏ, chim câu, chim cút và một khu liên hợp nhà hàng ăn uống, phòng giải trí karaoke có tổng vốn đầu tư gần 4 tỷ đồng, có thể phục vụ cùng lúc cả trăm thực khách.

Trang trại của Vũ Trung Học là địa chỉ đầu tiên trong vùng áp dụng kỹ thuật nuôi cá chuồn, cá nheo, cá chình theo hướng bán công nghiệp thả xen canh.

Từ giữa năm 2012 đến nay, vợ chồng anh sắm phông bạt, loa đài cùng các điều kiện vật chất đủ nhận phục vụ 3 đám cưới cùng một lúc. Anh khoe, dịch vụ phục vụ đám cưới đã giải quyết việc làm theo thời vụ với thu nhập khá cho cả chục thanh niên địa phương. Bởi anh chỉ thu tiền bán thực phẩm, các khoản thu khác những người làm trực tiếp hưởng. “Đó cũng là cách mình hỗ trợ hợp lý cho những thanh niên có chí hướng nhưng thiếu vốn làm ăn... ”- Học tâm sự.

Chính suy nghĩ chân chất đó nên mặc dù bận rộn với cả núi công việc nhưng Học vẫn dành rất nhiều thời gian tham gia và tài trợ cho các hoạt động đoàn thể, xã hội ở địa phương. Bên cạnh trọng trách là Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên, anh còn là hội viên ND tiêu biểu của thị trấn Thổ Tang, tích cực tham gia vào những hoạt động trao đổi kinh nghiệm và tạo điều kiện giúp đỡ vốn, giống, kiến thức để bà con, nhất là những thanh niên trẻ làm giàu bằng mô hình trang trại tổng hợp. “Tôi luôn tâm niệm, kinh nghiệm thực tiễn phải kết hợp với tri thức từ nhà trường, sách vở thì thành công mới vững chắc...” - tỷ phú đầm lầy cởi mở chia sẻ.

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Một mô hình nuôi cá chép Nhật thành công


“Cá chép Nhật (cá Koi) có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng được nuôi và phổ biến thành một môn nghệ thuật tại Nhật Bản. Cá chép Nhật có thể sống trên 100 năm và điểm đặc biệt của loài cá này là hoa văn trên thân cá rất đẹp và phong phú. Có lẽ do những đặc tính trên mà loài cá này được người Nhật cho là điềm may mắn”.

Sau hơn 2 năm theo nghề nuôi cá cảnh mô hình cá chép Nhật, cơ sở cá cảnh Công Bằng của ông Đinh Thanh Sơn (khóm Tân Bình, phường An Hòa, TX.SaĐéc - Đồng Tháp) đã có những bước đầu khởi sắc và hiện là nơi nuôi cá cảnh thí điểm thành công của tỉnh.

Nhiều năm theo nghề sản xuất cá giống khi chuyển sang mô hình nuôi cá cảnh, ban đầu ông Sơn lo nhất là kinh nghiệm chăm sóc cá. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông và Chi cục nguồn lợi thủy sản, ông đã có bước thuận lợi ban đầu là được cung cấp nguồn cá giống. Hơn nữa, ông còn có cơ hội đi học hỏi kinh nghiệm nuôi cá cảnh ở TP.HCM. Đây cũng chính là nơi đã phát triển rất thành công mô hình nuôi cá chép Nhật.

Theo ông Sơn: “Cá chép Nhật (cá Koi) có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng được nuôi và phổ biến thành một môn nghệ thuật tại Nhật Bản. Cá chép Nhật có thể sống trên 100 năm và điểm đặc biệt của loài cá này là hoa văn trên thân cá rất đẹp và phong phú. Có lẽ do những đặc tính trên mà loài cá này được người Nhật cho là điềm may mắn”. Cá chép Nhật có nhiều màu sắc khác nhau: trắng pha đỏ, trắng pha đỏ đen, trắng pha đen, vàng pha đen, xám bạc... Một con cá chép Nhật được đánh giá đẹp phải hội tụ các yếu tố cơ bản như: dáng bơi phải thẳng và uyển chuyển, đường biên giữa các mảng màu phải sắc nét, mảng màu hai bên thân cá phải cân đối, râu đều...

Những đợt tập huấn và giao lưu về nuôi cá cảnh là cơ hội cho ông Sơn tiếp nhận nhiều kiến thức bổ ích trong nghề về quy trình, kỹ thuật nuôi cá và quan trọng là thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ông Sơn chia sẻ: “Để nuôi cá chép Nhật thành công thì người nuôi cần trang bị những kiến thức cơ bản về cách chọn con giống, chuẩn bị hồ nuôi, điều kiện môi trường nước, thức ăn... Tuy nhiên, so với các loại cá cảnh khác thì cá chép Nhật là loài khá dễ nuôi, rất phù hợp với môi trường khí hậu Việt Nam”.

Với quy mô hiện tại khoảng 1.000 m2 mặt nước nuôi 28.000 con, gia đình ông Sơn dự định sẽ mở rộng lên 4.000 m2 mặt nước nuôi và sản xuất giống cá chép Nhật. Từ đầu năm nay, cơ sở của ông Sơn bắt đầu tự sản xuất được con giống. Không lệ thuộc con giống từ nơi khác, nên việc sản xuất kinh doanh cũng thuận lợi hơn. Hiện thị trường tiêu thụ cá cảnh từ cơ sở của ông chủ yếu là ở TPHCM, Cần Thơ, Vĩnh Long và An Giang. Cá chép Nhật hiện có giá bán khoảng 50.000 đồng/con, mô hình này đã mang lại thu nhập cho gia đình ông khá ổn định. Tuy nhiên, điều ông Sơn trăn trở hiện nay là người nuôi cá cảnh vẫn chưa liên kết được thị trường cung ứng, tiêu thụ sản phẩm.

Thành quả của mô hình nuôi cá chép Nhật không chỉ là lợi nhuận về kinh tế mà điều khiến ông hạnh phúc nhất là từ mô hình này ông có điều kiện vừa làm việc, vừa được tận hưởng thú vui tao nhã ngắm nhìn cá cảnh.

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Thu tiền tỉ từ nghề nuôi rắn, kỳ đà, rùa

Với trang trại rộng hơn 4.000m2, anh Huỳnh Chí Công (xã Phước Vĩnh An, Củ Chi, TP.HCM) đã thu hàng tỉ đồng từ nghề nuôi rắn, kỳ đà và rùa để xuất khẩu.

Xuất bán kỳ đà tại trang trại anh Huỳnh Chí Công (Củ Chi, TP.HCM)

Từ đầu năm đến nay, trang trại này đã xuất khoảng 2 tấn rùa sang Trung Quốc với giá gần 400.000 đồng/kg. Theo anh Công, chỉ riêng năm nay trang trại này có thể xuất khẩu khoảng 4 tấn kỳ đà và rùa thương phẩm với giá dao động 400.000-600.000 đồng/kg.

Một trang trại có diện tích không lớn nhưng trong đó là hàng trăm chuồng với hàng nghìn con vật nuôi giá trị cao, đem lại lợi nhuận hàng tỉ đồng mỗi năm.

Anh Công cho biết bốn năm trước anh là tài xế xe khách, trong một lần qua Bình Phước được người quen giới thiệu về mô hình nuôi rắn. Tìm hiểu qua sách báo và được bạn giúp đỡ thấy hứng thú với nghề nuôi rắn, anh bỏ hẳn nghề lái xe để về mảnh đất Củ Chi dựng trang trại nuôi thử.

Sau hơn một năm thấy nghề nuôi rắn có triển vọng, anh đã mở rộng quy mô trang trại. Hiện trang trại anh có 200 chuồng nuôi rắn với hơn 2.000 con thương phẩm và 100 cặp bố mẹ.

“Một năm tôi xuất khẩu trên 1 tấn rắn thương phẩm với giá dao động từ 600.000-1,2 triệu đồng/kg tùy loại. 100 cặp rắn bố mẹ mỗi năm sinh một lứa khoảng 3.000 trứng được ấp thủ công với tỉ lệ nở thành công khoảng 99%, con non nuôi trên một năm có thể xuất bán giống với giá 1,2 triệu đồng/con” - anh Công cho biết.

Không chỉ có rắn mà kỳ đà và rùa tại trang trại anh cũng đã được xuất khẩu. Theo anh Công, hiện nay tại trang trại có trên 500 con kỳ đà và 700 con rùa. “Chúng tôi chủ yếu xuất sang Trung Quốc và một số nước Trung Đông. Với lượng xuất khẩu rắn, kỳ đà và rùa hiện tại mỗi năm tôi thu về hơn 1,5 tỉ đồng, trừ chi phí lãi khoảng 50%” - anh Công cho hay.

Theo anh Công, hiện cơ sở anh đã liên kết với năm hộ nông dân tại địa phương và một số trang trại ở Bình Phước và Đồng Tháp để gom hàng khi cần, nhưng theo anh nguồn cung hiện nay như “muối bỏ biển” so với nhu cầu.

“Nhiều lúc trong hai tháng nhưng công ty thu mua đặt đến 4 tấn rắn, kỳ đà, cố gom hàng chúng tôi cũng chỉ đáp ứng được khoảng 50%. Các tháng giáp tết và ra tết thị trường Trung Quốc rất cần nên giá bán cao hơn mức bình thường từ 10-20%” - anh Công nói.

Theo lời anh Công, các loài vật nuôi này đang được anh cung cấp theo hợp đồng cho trang trại Thái Dương tại TP.HCM, đơn vị trực tiếp xuất khẩu qua Trung Quốc. Đầu ra mặt hàng này rất ổn định do rắn, kỳ đà, rùa chỉ phát triển với khí hậu nóng, Trung Quốc có mùa lạnh kéo dài, đặc biệt những tháng cuối năm nên nhu cầu rất lớn.

“Sắp tới, khi lượng ổn định tôi sẽ xin giấy phép để xuất khẩu trực tiếp” - anh Công dự tính.

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

“Nữ tướng” trồng rau thủy canh

Tuy là phận nữ nhi, nhưng chị Đoàn Thị Hoa (36 tuổi) ở khu phố 4, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh, không kém cánh mày râu, đã năng động, mày mò xây dựng mô hình trồng rau thủy canh, để hàng tháng thu lãi từ rau cải khoảng 15 triệu đồng. 

Chị Hoa cho biết, năm 2010, chị tự mua ống nhựa, tấm cách nhiệt, lắp đặt dàn ống, thử nghiệm trồng rau trên diện tích 100m2. Vừa làm vừa nghiên cứu thêm tài liệu, vừa bổ sung những chỗ khiếm khuyết, sau hơn 1 năm chị đã hoàn chỉnh được hệ thống trồng rau thủy canh của mình. Sau khi trồng thử nghiệm thành công, đầu năm 2012, chị Hoa phát triển diện tích lên 2.000m2 và tung bán rau ra thị trường. Hàng ngày đều có người đến thu mua tại vườn với số lượng nhất định, nên đầu ra khá ổn định. Để đảm bảo đầu ra hàng ngày, chị Hoa trồng theo kiểu cuốn chiếu, mỗi ngày chỉ thu hoạch 100kg rau, thu hoạch tới đâu, trồng lại tới đó.

Hiện nay, giá mỗi kg rau khoảng 15.000 - 17.000 đồng, sau khi trừ hết các chi phí, chị còn lãi từ 400.000 - 500.000 đồng/ngày. “Hiện mình đang lập dự án vay theo nguồn vốn ưu đãi của UBND TP.HCM, thông qua Hội Nông dân để phát triển thêm 17ha trồng rau thủy canh tại huyện Củ Chi, nhằm có nguồn hàng giao cho các siêu thị” - chị Hoa thông tin. Hiện chị đã thành lập được câu lạc bộ trồng rau thủy canh ở thành phố, có trên 100 hội viên tham gia. Các hộ này chủ yếu trồng trên sân thượng, để đảm bảo nguồn rau sạch sử dụng trong gia đình. Ông Lê Văn Đức - Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Hiệp Bình Chánh cho biết, mô hình trồng rau thủy canh của chị Hoa hay và phù hợp với chủ trương chuyển đổi nông nghiệp theo hướng đô thị của thành phố, cần được nhân rộng trong vùng. Hiện Hội đang giúp chị lập dự án vay vốn phát triển thêm diện tích trồng, nhằm đảm bảo thêm một nguồn rau sạch cho người dân thành phố.

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Dựng cơ nghiệp từ... gà đẻ trứng, thu bạc tỷ mỗi năm

Từ tay trắng, giờ đây vợ chồng ông Nguyễn Quý Thảo (khu 3, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đã thu hàng tỷ đồng mỗi năm từ nuôi gà đẻ trứng.


Sinh 5 đứa con, vợ chồng chủ yếu kiếm sống từ mấy đám ruộng, nên gia cảnh đã qua nhiều năm tháng nghèo khó. Năm 1997, tích góp được ít tiền, vay mượn thêm bà con họ hàng, vợ chồng ông mua 100 con gà giống về nuôi. Nhờ chăm lo chu đáo, gà đẻ trứng nhiều, vợ chồng ông bắt đầu có lãi. Thấy được hiệu quả, ông đầu tư mở rộng chuồng trại, mua thêm con giống về nuôi. Từ 100 con, rồi 200, 500, 1.000 con... thu nhập của vợ chồng ông theo đó cũng tăng lên. Các khoản nợ được ông thanh toán hết.

Năm 2008, được cho thuê 2,7ha đất tại thôn Nam Phước, xã Đại Tân để làm trang trại. Năm 2009, tôi đầu tư gần 3,5 tỷ đồng làm trang trại khép kín trên diện tích 5.000m2. Ông vay thêm ngân hàng để đầu làm 5 nhà nuôi gà, mua máy xay xát, con giống, đào ao thả cá... Hiện, trang trại của ông thường xuyên có 15.000 gà đẻ trứng.

Ông còn nuôi gối đầu 5.000 gà con giống và đào ao thả cá trê lai, trồng cây ăn quả, thả vịt… Theo ông Thảo, với giá trứng hiện nay, mỗi tháng doanh thu của ông trên 650 triệu đồng, mỗi năm gần 8 tỷ đồng.

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Dựng cơ nghiệp từ... gà đẻ trứng, thu bạc tỷ mỗi năm

Từ tay trắng, giờ đây vợ chồng ông Nguyễn Quý Thảo (khu 3, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đã thu hàng tỷ đồng mỗi năm từ nuôi gà đẻ trứng.


Sinh 5 đứa con, vợ chồng chủ yếu kiếm sống từ mấy đám ruộng, nên gia cảnh đã qua nhiều năm tháng nghèo khó. Năm 1997, tích góp được ít tiền, vay mượn thêm bà con họ hàng, vợ chồng ông mua 100 con gà giống về nuôi. Nhờ chăm lo chu đáo, gà đẻ trứng nhiều, vợ chồng ông bắt đầu có lãi. Thấy được hiệu quả, ông đầu tư mở rộng chuồng trại, mua thêm con giống về nuôi. Từ 100 con, rồi 200, 500, 1.000 con... thu nhập của vợ chồng ông theo đó cũng tăng lên. Các khoản nợ được ông thanh toán hết.

Năm 2008, được cho thuê 2,7ha đất tại thôn Nam Phước, xã Đại Tân để làm trang trại. Năm 2009, tôi đầu tư gần 3,5 tỷ đồng làm trang trại khép kín trên diện tích 5.000m2. Ông vay thêm ngân hàng để đầu làm 5 nhà nuôi gà, mua máy xay xát, con giống, đào ao thả cá... Hiện, trang trại của ông thường xuyên có 15.000 gà đẻ trứng.

Ông còn nuôi gối đầu 5.000 gà con giống và đào ao thả cá trê lai, trồng cây ăn quả, thả vịt… Theo ông Thảo, với giá trứng hiện nay, mỗi tháng doanh thu của ông trên 650 triệu đồng, mỗi năm gần 8 tỷ đồng.

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Thành công với rau trên cát

Trên diện tích chỉ 2.500 m2, ông Trịnh Tấn Ưu (56 tuổi, trú thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều, H.Thăng Bình, Quảng Nam) có thể sản xuất gần 4 tấn rau/tháng, doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Bình Triều là một vùng cát trắng bỏng chân vào mùa hè. Người dân ở đây bao đời nay gắn bó với nghề trồng rau nhưng vẫn không khá được vì thiếu kỹ thuật, đất đai không được màu mỡ. Cũng như bao người nông dân khác, ông Ưu bắt đầu trồng rau từ năm 1985 với sản lượng chỉ hơn 2 tấn rau/tháng, chi phí cho hạt giống, nhân công, phân bón… đã chiếm hết 70% doanh thu nên tiền lãi mỗi năm ông thu về không đáng là bao. “Không thể luẩn quẩn với cách canh tác cũ mãi được, năm 1990, tôi tự xây dựng cho mình một quy trình trồng rau theo hướng sạch và an toàn. Qua đó, tôi đã đầu tư hệ thống lưới che, mua giống mới để gieo trồng… Áp dụng khoa học trong từng công đoạn”, ông Ưu cho biết.

Theo ông Ưu, nếu làm được rau sạch, an toàn cho người tiêu dùng thì người trồng rau sẽ sớm khẳng định được thương hiệu và làm ăn bền vững hơn. “Cũng là bó rau nhưng bó rau được đóng gói sau sơ chế, được dán nhãn mác, nguồn gốc… thì có giá trị lớn hơn. Sau nhiều năm trồng rau, tôi nhận thấy, nếu trồng có kế hoạch thì rau ra thị trường tiêu thụ rất nhanh. Trồng rau sạch không lo bị ế...”, ông Ưu nói.

Áp dụng quy trình mới, thời gian trồng rau rút ngắn nhờ được che chắn cẩn thận bằng lưới nên trên diện tích 2.500 m2 đất cát, ông Ưu có thể sản xuất được trên dưới 40 lứa rau mầm (7-8 ngày tuổi/lứa) mỗi năm. Các loại rau thông thường như cải thìa, cải bẹ, rau gia vị… vẫn trồng được trong khoảng thời gian trái vụ (mùa khô hạn) nên số lần canh tác đã tăng lên 12 lứa/năm (trước đây chỉ khoảng 8 lứa). “Ở vùng cát trắng quê tôi, có thể kiếm được hàng trăm triệu đồng mỗi năm đâu có dễ, nhưng nhờ trồng rau theo quy trình kỹ thuật đúng hướng nên tôi đã nuôi được các con ăn học đàng hoàng, nhà cửa khang trang”, ông Ưu tâm sự.


Vườn rau sạch của ông Ưu cho doanh thu cao vì được áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt - Ảnh: Hoàng Sơn

Năm 2010, ông Ưu được chính quyền địa phương chọn thí điểm mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt).

“Trồng rau trên đất cát khổ nhất là về mùa hạn khi mạch nước bắt đầu cạn kiệt. Tuy nhiên nhờ đào hố tích nước, khoan giếng… nên tôi vẫn đảm bảo nguồn nước cho rau. Ngoài ra, để tiết kiệm nước vào mùa khô, người trồng rau trên cát nên chủ động lắp đặt hệ thống tưới phun sương”, ông Ưu chia sẻ. Theo ông, một khi áp dụng trồng rau theo chuẩn VietGAP, người nông dân có thể tiếp cận được nhiều kỹ thuật mới trong cách gieo, làm đất. Tuy nhiên theo kinh nghiệm bản thân, ông cho rằng hai khâu quan trọng cần lưu ý là: làm đất và xử lý phân bón. Để an toàn cho người sử dụng và trong quá trình vận chuyển rau không bị hư hại, trước khi bón phân chuồng cho rau, người làm vườn phải phơi loại phân này cho mục rã để giảm lượng đạm. Ngoài ra, để cây sinh trưởng tốt, sau khi thu hoạch rau xong, phải vệ sinh luống kỹ, rải vôi, làm và phơi đất… Cùng với đó, để “cắt” nguồn sâu bệnh cần phải luân canh giống rau… “Nhờ làm ăn uy tín mà rau tôi trồng đã có một công ty bao tiêu sản phẩm. Sức khỏe hạn chế nhưng tôi chưa cho đất “nghỉ” được, vì mới đây qua mạng internet, tôi lại nhận thêm mấy đơn hàng…”, ông Ưu phấn khởi kể.
Điện thoại của ông Trịnh Tấn Ưu: 0903586065

Mô Hình Nuôi Con Đặc Sản Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Được thuê đất với diện tích gần 2.000 m2, ông Nguyễn Công Nguyên (xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn) đã đầu tư xây dựng chuồng trại, quy hoạch nuôi các con nuôi đặc sản: Lợn rừng, lợn Mường, baba, gà thuốc, gà Lương Phượng, gà Hoàng Gia, chim bồ câu… mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Nuôi lợn rừng tại trang trại của ông Nguyễn Công Huân


Nói về quá trình xây dựng trang trại nuôi các con đặc sản, ông Nguyên cho biết: Bắt đầu từ năm 2010, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, ông được thuê đất có thời hạn 49 năm. Bằng nguồn vốn của gia đình cùng vốn vay Ngân hàng, ông đã đầu tư xây dựng chuồng trại, đào ao nuôi các con nuôi đặc sản.Trong đó, ông đã dành một phần diện tích để nuôi lợn rừng theo phương pháp quây nhốt. Thời điểm bắt đầu nuôi, ông gặp không ít khó khăn do tập tính hoang dã của con giống. Sau khi tìm hiểu loài vật nuôi này, ông đã khắc phục được khó khăn trên, đàn lợn giống sinh sản tốt và đã cho thành phẩm là lợn rừng giống và lợn rừng thương phẩm.

Hiện trang trại của ông lúc nào cũng có trên 10 con lợn rừng sinh sản và vài chục con lợn rừng nuôi thương phẩm. Theo ông, để nuôi thành công lợn rừng theo phương pháp nuôi nhốt cần quan tâm đến việc chọn con giống, đồng thời phải nghiên cứu kỹ về tập tính của con vật và áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, cách phòng và điều trị bệnh thường gặp cho vật nuôi. Chuồng trại phải đảm bảo ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè, nền chuồng bằng phẳng có độ dốc từ 1-2 độ để thoát nước bẩn và phải cao hơn vùng đất xung quanh. Là động vật hoang dã nên việc bố trí sân chơi là rất cần thiết, xung quanh khu vực sân chơi có thể dùng lưới thép B40 kiên cố và đảm bảo chắc chắn.

Về kỹ thuật nuôi lợn rừng sinh sản, với lợn đực cần nuôi riêng và tỷ lệ phối giống là 1 lợn đực cho 5-10 lợn cái. Lợn cái trong thời gian mang thai ngoài các thức ăn thường gồm rau, củ, quả, ngũ cốc các loại, cần bổ sung thêm thức ăn giàu dinh dưỡng, nhất là đạm, khoáng và sinh tố. Đối với lợn con mới đẻ nên cho bú mẹ sữa đầu càng sớm càng tốt. Lợn rừng cũng mắc các bệnh như lợn nhà, vì vậy cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và thường xuyên theo dõi những biểu hiện khác thường của lợn nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời. Do nắm vững kỹ thuật nuôi lợn rừng, cùng công tác phòng bệnh tốt nên đàn lợn rừng của trang trại ít bị bệnh, tỷ lệ sinh sản đạt cao, chất lượng lợn thương phẩm đảm bảo.
Cùng với nuôi lợn rừng, lợn Mường, ông Nguyên đã đầu tư xây dựng 6 ao nuôi ba ba, mỗi năm cung ứng ra thị trường trên 3.000 con ba ba thương phẩm. Trang trại của gia đình ông Nguyên còn nuôi gà thuốc, gà Lương Phượng, gà Hoàng Gia, chim bồ câu... Đây đều là những con nuôi vốn dĩ sống và thích nghi với điều kiện tự nhiên nên chúng rất dễ nuôi, nhưng lại có giá trị kinh tế cao. Ví dụ như gà thuốc là giống gà quý, rất bổ dưỡng, giá mỗi kg gà lên tới 300 nghìn đồng, đắt gấp hơn 2 lần so với gà ta. Nhờ vậy, mỗi tháng thu nhập của gia đình ông Nguyên lên đến hàng chục triệu đồng từ nuôi gà và chim.

Sau khi trừ chi phí, mỗi năm trang trại mang lại cho gia đình ông Nguyên nguồn thu nhập trên 500 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho 3-4 lao động với thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng. Sự thành công của trang trại chăn nuôi các con đặc sản của ông Nguyên đã tạo ra hướng đi mới trong phát triển sản xuất chăn nuôi, đa dạng hoá các đối tượng nuôi, đặc biệt là các đối tượng nuôi mới, đặc sản có giá trị kinh tế cao.

Ông Nguyễn Công Nguyên cho biết thêm: Do trang trại chăn nuôi các con nuôi đặc sản của gia đình ông gần với khu du lịch nên hiện nay cùng với việc phát triển, mở rộng các con nuôi đặc sản, ông đang xây dựng nhà hàng phục vụ các món ăn đặc sản được nuôi từ trang trại. Khách du lịch sẽ được tham quan trang trại và thưởng thức các món ăn bổ dưỡng từ các con nuôi đặc sản.

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Khi “bần” không có nghĩa là nghèo

Sáng ý và chăm chỉ, một phụ nữ chân yếu tay mềm ở tỉnh Trà Vinh đã đi tiên phong trong việc hồi sinh lại những hàng bần xanh mướt, góp phần tạo nên một món ăn ngon, hấp dẫn thực khách trong Nam ngoài Bắc.

Khám phá tình cờ

Người phụ nữ đó chính là bà Võ Thị Cúc, mọi người thường gọi là dì Tư Cúc (ở cù lao Long Trị, ấp Long Trị, xã Long Đức, TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh). Xuất phát từ ý tưởng lấy những trái bần vừa chua, vừa chát- một loại trái mà cho cũng chẳng ai thèm lấy, dì Tư Cúc đã khéo léo chế biến thành món ăn nổi tiếng khắp vùng. Và cũng từ đó, nhiều hàng bần ở các tỉnh miền Tây đang dần được hồi phục, góp phần chống xói lở do tác động của biến đổi khí hậu, triều cường dâng, giúp cuộc sống của nhiều lao động nghèo được cải thiện đáng kể.


Dì Tư Cúc bên hàng bần đang hồi sinh.


Trò chuyện với chúng tôi, dì Tư Cúc cho biết: Việc dùng trái bần để chế biến ra sản phẩm và tạo được thương hiệu cho đến tận ngày hôm nay là một việc làm hết sức tình cờ. Khoảng 8-9 năm về trước, có một đoàn khách du lịch ghé vào quán ăn của bà dùng bữa. Một trong những vị khách thấy nơi đây nhiều bần quá nên yêu cầu tôi nấu lẩu bằng trái bần thay vì nấu bằng me như thường lệ. Chiều khách, tôi “làm liều” nấu lẩu cá bông lau bằng trái bần, không ngờ sau khi thưởng thức mọi người ai nấy cũng đều hít hà, tấm tắc khen ngon.

Kể từ đó, các món lẩu trong quán của dì Tư Cúc được chuyển hẳn sang nấu bằng trái bần. Nhu cầu của thực khách ngày càng nhiều, ngặt nỗi cây bần lại cho trái theo mùa, trái bần chín không thể bảo quản lâu được. Nhiều đêm dì Tư Cúc trằn trọc, nghĩ làm cách nào để bảo quản được trái bần? Cuối cùng dì cũng tìm được giải pháp là xay nhuyễn trái bần ra thành bột để dự trữ và bảo quản.

Vị ngọt của kiên trì và trí tuệ

Nói thì dễ, nhưng làm thì “khó ăn” hơn nhiều. “Lúc đầu bắt tay vào làm thử, tôi để nguyên trái nấu cho mềm rồi chà cho nhuyễn nhưng màu lại đen nên bị hỏng. Tôi đổi cách làm là để nguyên trái bóp sống rồi chà lấy hột. Do vỏ trái bần có màng cát nên lần này bột bị cát lại hư nữa” - dì Tư Cúc nói.

Sau nhiều lần thất bại, bà rút ra được kinh nghiệm và thay đổi phương thức chế biến cuối cùng cũng làm ra được thành phẩm là bột bần. Nhiều thực khách đến quán thưởng thức món lẩu nấu từ bột trái bần cảm thấy lạ lẫm, ngon miệng nên thường xuyên hỏi mua đem về biếu người thân làm quà.

Thấy nhu cầu của khách ngày càng nhiều, nếu làm theo kiểu thủ công thì rất mất thời gian, trái lại cung sẽ không đủ cầu. Thế là bà tự mày mò, tìm hiểu thiết kế máy móc nào là máy đánh, máy tách hạt, máy khuấy, máy xay đường… rồi thuê thợ về làm theo ý mình. Để tạo ra sản phẩm bột bần phải trải qua rất nhiều công đoạn. Trước tiên, phải rửa sạch trái bần, sau đó gọt vỏ đưa vô máy đánh trái cho nhừ ra. Công đoạn tiếp theo là “cân nước”, cứ 1kg bần cộng với 300g nước, sau đó đưa qua máy chà bột và tách hạt rồi đưa vào chảo, thêm gia vị khuấy đều trong vòng 3 tiếng đồng hồ, để nguội rồi vô keo.

Bà Tư Cúc còn nhờ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Trà Vinh tập huấn kỹ thuật, tư vấn về quy trình sản xuất, hoàn thiện sản phẩm, thiết kế mẫu mã, bao bì, chất lượng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền… Sau đó, Trung tâm tiếp tục hỗ trợ tổ chức hội thảo, trình diễn kỹ thuật sản xuất và tiếp cận thị trường.

Tháng 8.2009, sản phẩm mứt bần và bột lẩu bần của bà Tư Cúc đã được công nhận bảo hộ nhãn hiệu độc quyền. Để có đủ nguồn nguyên liệu sản xuất mỗi ngày cơ sở sản xuất của bà thu mua từ 200 - 400kg trái bần chín từ khắp nơi đem đến bán. Hiện nay, ngoài hai sản phẩm chủ lực là mứt bần, bột bần, bà Tư Cúc còn đưa ra thị trường các sản phẩm nước chấm, dưa chua, kẹo… làm từ trái bần và đang “thử nghiệm” làm rượu ủ lên men làm từ trái bần.

Nhờ trái bần mà bà Tư Cúc nổi tiếng khắp xứ Trà Vinh, cũng nhờ trái bần bà nhận được hàng loạt bằng khen từ cấp tỉnh đến trung ương.

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Biến đất hoang thành trang trại tiền tỷ

Trong khi nhiều chủ trang trại nuôi lợn khác đang phải đau đầu với bài toán lỗ lãi do giá thịt lợn bấp bênh, trang trại của chị Trần Thị Thuấn Hoa ở xã Nam Cường (huyện, Tiền Hải, Thái Bình) vẫn có thu nhập hơn 60 tỷ đồng, lợi nhuận 6 tỷ đồng mỗi năm.

Chị Trần Thị Thuấn Hoa .

“Trang trại của chị Hoa to lắm, dễ tìm lắm. Anh lên bờ đê đi đến Đồn Biên phòng Cửa Lân, rồi rẽ trái đi thêm khoảng 2 cây số nữa là đến trang trại của chị Hoa”, người đàn ông địa phương cho biết vậy khi chỉ đường.

Bỏ phố về quê

Mới 31 tuổi nhưng chị đã sở hữu hai trang trại nuôi lợn rộng gần chục ha. Năng động, quyết đoán, không ngại thử thách là những cảm nhận đầu tiên khi gặp người phụ nữ này.

Không giống như nhiều người cũng đầu tư trang trại nuôi lợn, chị Hoa chọn hướng đi khác. “Ngay từ bắt đầu, tôi đã quan tâm đến vấn đề môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm. Trang trại gây ô nhiễm, người dân phản đối thì không thể làm ăn được. Môi trường tốt, chất lượng sản phẩm mới đảm bảo mới có thể phát triển lâu dài”, chị Hoa mở đầu câu chuyện.

Tốt nghiệp THPT, không giống các bạn cùng trang lứa coi đại học là con đường lập nghiệp, chị Hoa quyết định đi làm việc theo diện xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Và những năm làm việc bên đó, chị Hoa thấy và học tập cách làm trang trại nuôi lợn hiện đại ở Hàn Quốc. Chị nuôi ý tưởng làm giàu từ con lợn.
Về nước, lấy chồng có điều kiện kinh tế nhưng chị Hoa không chịu yên phận hưởng sự an nhàn mà quyết định bất ngờ là bỏ phố về quê mua đất làm nông dân.

Năm 2008, chị cùng chồng về xã Nam Cường, huyện Tiền Hải thuê hơn 3 ha đất xây dựng trang trại nuôi lợn thịt. Ban đầu, bố mẹ hai bên phản đối gay gắt. Còn bạn bè bảo chị là “hâm”, nhà cao cửa rộng chẳng ở, lại về vùng đất hoang vu ăn sương nằm gió.

Chưa có kinh nghiệm chăn nuôi nhưng chị vẫn dốc toàn bộ tài sản hàng tỷ đồng vào trang trại. “Mới đầu cũng lo lắm, như ngồi trên đống lửa, nhưng vì niềm đam mê và muốn khẳng định mình nên tôi vẫn quyết làm. Nếu không mạo hiểm sao có được thành quả như bây giờ”, chị Hoa nói.

“Vợ chồng tôi cũng không nghĩ, lập nghiệp lại gian khổ đến thế. Ở đây là vùng đất trũng, nước ngập mênh mông. Suốt hai tháng trời ròng rã thuê người đổ cát mới thấy mặt bằng. Da đen sạm đến nỗi người thân xuống chơi không nhận ra”.

Nhưng đất chẳng phụ công người. Một trang trại quy mô, hiện đại mọc lên trên vùng đất bỏ hoang. Ngay năm đầu tiên, chị xuất hơn 500 tấn lợn thịt, thu lãi cả tỷ đồng.

Thành công đã tiếp sức cho người phụ nữ giàu nghị lực thực hiện kế hoạch dài hơi, xây dựng trang trại nuôi lợn khép kín lớn nhất miền Bắc.

Làm ăn lớn

Hai năm đầu nuôi lợn thịt, tuy có lãi nhưng lợi nhuận chưa cao. Sau khi đi tham quan một số trang trại ở các tỉnh miền Bắc, tham vấn một số chuyên gia chăn nuôi, chị nhận thấy, nếu chỉ nuôi lợn thịt chỉ là phát triển phần ngọn. Phải xây dựng quy trình chăn nuôi khép kín từ nuôi lợn nái lấy con giống, rồi nuôi lợn thịt
mới mang lại lợi ích kinh tế cao.

Năm 2010, chị thuê gần 6 ha đất trũng ở xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải để mở trang trại nuôi lợn nái. Chị đầu tư hơn 20 tỷ đồng vào trang trại, thuê công ty chăn nuôi tư vấn thiết kế, xây dựng.

Đột phá trong cách phát triển trang trại của chị Hoa là áp dụng tối đa khoa học kỹ thuật vào quy trình chăn nuôi. Đơn cử như việc thụ tinh cho lợn nái ở trang trại của chị với 1.600 con lợn nái đều được thực hiện bằng máy, đảm bảo chất lượng con giống đồng đều.

Chị Hoa cho biết, dù là công nhân trong trang trại hay người ngoài đều phải qua phòng sát trùng mới được vào trong và được giám sát bằng thiết bị hình ảnh. Nhờ vậy mà trang trại của chị luôn vô sự trước dịch bệnh.

Hiện, mỗi tháng chị xuất trên 2.500 con lợn giống, mang về hơn 5 tỷ đồng. Tổng cộng, hàng năm, trang trại cho tổng thu nhập trên 60 tỷ đồng, tạo việc làm cho 50 lao động địa phương.

Trang trại của chị đã trở thành mô hình “kiểu mẫu” và được bà con nông dân trên toàn quốc về tham quan, học hỏi và chị trở thành “kỹ sư chăn nuôi” tận tâm hướng dẫn cách xây dựng trang trại.
Với những đóng góp tích cực cho xã hội, chị đã được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen. Mới đây, chị đã được tôn vinh là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu. Chị cũng được bầu làmĐại biểu HĐND tỉnh Thái Bình nhiệm kỳ 2011 - 2016, kiêm Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi tỉnh Thái Bình.

Đang dở câu chuyện, chuông điện thoại của chị reo, đầu dây bên kia là đề nghị của đoàn nông dân TP Hà
Nội muốn đến tham quan, tìm hiểu cách làm trang trại nuôi lợn của chị!

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Con đường trở thành tỷ phú cao su của một công nhân

Trước năm 1999, ông là công nhân của Nông trường Việt Trung, kinh tế gia đình còn gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân ông đã có nhiều trăn trở, suy nghĩ phải làm thế nào để phát triển kinh tế, thoát khỏi đói nghèo, ổn định cuộc sống gia đình. Và ông đã quyết định xin ra khỏi biên chế của Nông trường, bàn với vợ dắt cả gia đình vào khu đất gần đập Đá Mài để khai hoang lập nghiệp.

Ông là Trần Viết Lượng, hiện là Hội viên Hội nông dân - Giám đốc Doanh nghiệp Cao su Thanh Long, ở tiểu khu 9, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.


Hiện ông Lượng đã có trong tay 20 ha cây cao su, trong đó 18 ha đã cho khai thác mủ với sản lượng 150 tấn mủ nước/năm

Khởi nghiệp từ cây dưa hấu

Phấn khởi sau một năm sản lượng mủ cao su, cũng như doanh thu của doanh nghiệp tăng khá cao so với trước đây, hội viên nông dân Trần Viết Lượng dẫn tôi đi tham quan khu vườn trồng cao su bạt ngàn, rộng 20 ha, cũng như tìm hiểu về những dây chuyền chế biến mủ cao su hiện đại, khép kín đang ăn nên làm ra của gia đình ông. Hồi ức lại quá trình lập nghiệp của mình, hội viên nông dân Trần Viết Lượng cho biết có được như ngày hôm nay ông đã trải qua bao khó khăn, vất vả trước đó.

Sau mấy năm “nếm mật nằm gai” khai hoang được 20 ha đất đồi núi, ông liền nghĩ đến hướng làm ăn “lấy ngắn nuôi dài”. “Muốn có vốn liếng để đầu tư phát triển kinh tế trang trại, thì phải có vốn. Mà muốn có vốn, trước mắt phải trồng cây dưa hấu để tích lũy dần dần”. Sau khi bàn bạc và được sự thống nhất của gia đình, ông Lượng đã về xã Lý Trạch để học hỏi nghề trồng dưa hấu.

Khi đã có nguồn thu nhập ổn định từ dưa hấu, ông Lượng bắt đầu tính kế làm ăn lâu dài là trồng và phát triển diện tích cây cao su.

Thấy gia đình ông Lượng đang ăn nên làm ra từ cây dưa hấu, nhiều người trong vùng bắt đầu làm theo. Thế là chỉ sau 5 năm kể từ ngày ông đưa cây dưa hấu lên đất này, số hộ trồng dưa, số diện tích cũng như sản lượng dưa hấu ở thị trấn Nông trường Việt Trung nói riêng, ở Bố Trạch nói chung đã tăng lên một cách “chóng mặt”. “Nhà nhà trồng dưa, người người trồng dưa với một mong muốn được đổi đời nhờ cây dưa, vì thế, giá cả bán ra không ổn định, nhiều lúc người nông dân bị tư thương ép giá.

Bỏ dưa trồng cao su

Trước thực trạng khó khăn chung của cây dưa hấu, biết rằng sẽ rất khó làm giàu từ dưa, ông Lượng quyết định bỏ hẳn nghề trồng dưa và tập trung vào đầu tư cho 20 ha cao su của gia đình.

Trong đợt khai thác mủ đầu tiên, ông quyết định vừa tiếp tục làm nghề khai thác mủ cao su của gia đình, vừa làm thêm dịch vụ mua bán mủ cao su cho bà con trong vùng để tăng thu nhập.
Công việc buôn bán mủ cao su ngày càng thuận lợi, ông lại bàn với gia đình phải “cơm đùm gạo bới” sang tận Trung Quốc để học hỏi công nghệ chế biến mủ cao su. Sau khi trở về, vừa thu hoạch mủ trong vườn cao su của gia đình, vừa thu mua thêm của bà con nông dân trong vùng, ông Lượng quyết định đóng thùng thuê xe chở cao su đi bán khắp nơi – từ Bắc vào Nam. Tuy các xe hàng của ông đã được khách hàng thu mua hết, nhưng do chi phí vận chuyển bỏ ra quá cao, mấy xe hàng liên tục, ông chẳng lời lãi được bao nhiêu.

Đúc rút được kinh nghiệm từ những thất bại trong quá trình vận chuyển mủ cao su đi bán, ông Lượng đã quyết định dành tất cả vốn liếng tích cóp được bấy lâu, đầu tư 3,5 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su SVR 10, SVR 3L công suất 1.300 mủ khô/năm ngay tại quê ông và thành lập Doanh nghiệp Cao su Thanh Long hoạt động trên lĩnh vực trồng, chăm sóc, khai thác, thu mua và chế biến mủ cao su.

Để đáp ứng cho nhu cầu phát triển lâu dài của Doanh nghiệp, ông Trần Viết Lượng đã quyết định đầu tư 1,5 tỷ đồng xây dựng khu xử lý nước thải, đảm bảo cho hoạt động của Nhà máy không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Từ một người nông dân nghèo, đến nay hội viên Trần Viết Lượng đã có trong tay 20 ha cây cao su, trong đó 18 ha đã khai thác mủ với sản lượng 150 tấn mủ nước/năm, 02 ha tiêu có sản lượng 01 tấn/năm. Hiện nay, Doanh nghiệp Cao su Thanh Long của hội viên nông dân Trần Viết Lượng thu mua và chế biến được 1.200 tấn mủ cao su/năm, mang lại tổng thu nhập gần 20 tỷ đồng và tạo việc làm ổn định cho 15 – 10 lao động tại địa phương, với thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng tùy theo công việc được giao.
Mở rộng quy mô, Doanh nghiệp của ông lượng hoạt động ngày càng thuận lợi và hiệu quả, có nguồn thu nhập gần 20 tỷ đồng mỗi năm.

Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Trần Viết Lượng còn có nhiều đóng góp quan trọng trong các phong trào hoạt động của Hội Nông dân thị trấn Nông trường Việt Trung nói riêng và phong trào nông dân của cả tỉnh nói chung. Để giúp cho hội viên trong vùng thoát nghèo, ông Lượng đã quyết định cắt 3 ha cao su của mình tặng cho một nông dân khuyết tật nặng ở trong vùng, giúp gia đình này thoát nghèo và có cuộc sống khá giả. Ngoài ra, Doanh nghiệp của ông còn bỏ ra gần 70 triệu đồng hỗ trợ nhiều gia đình khó khăn và con em hội viên nông dân vươn lên học giỏi…

Với những thành tích tiêu biểu trong các phong trào, năm 2008, ông Trần Viết Lượng đã được Hội Nông dân tỉnh tặng giấy khen năm 2008; UBND huyện Bố Trạch tặng giấy khen năm 2010; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Cúp “Vì Nông dân Việt Nam” năm 2009; Bộ Tài chính tặng bằng khen năm 2011…