Trang

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Hiệu quả mô hình cá - lúa - sen ở xã Vĩnh Hòa (Thanh Hóa)

Cả một vùng đầm được quây bờ cẩn thận, quy củ, ngút tầm mắt... đó là kết quả sau nhiều năm khai phá của anh Trần Ngọc Thắng, thôn Quang Biểu 2, xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc - Thanh Hóa). Mô hình cá – lúa – sen mà anh Thắng áp dụng tại khu đầm đã mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Anh Thắng còn tiếp tục đầu tư vốn, công sức mở rộng mặt ao và trên bờ trồng cỏ nuôi thêm trâu, bò...

Nhờ đó gia đình anh đã có cuộc sống đủ đầy với ngôi nhà mới khang trang, nhiều tiện nghi sinh hoạt có giá trị, có điều kiện nuôi dạy con cái đến nơi đến chốn. Ngoài ra, anh còn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội ở địa phương, tạo việc làm thường xuyên cho một lao động với thu nhập 3 triệu đồng/tháng và 10 lao động thời vụ..., mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu lãi hơn 100 triệu đồng.


Mô hình cá - lúa - sen của gia đình anh Trần Ngọc Thắng, thôn Quang Biểu 2, xã Vĩnh Hòa cho thu nhập cao. 

Mô hình cá - lúa - sen không phải là mới ở nhiều địa phương. Song, những năm gần đây, mô hình này mới phát huy hiệu quả, cho thu nhập ổn định, đồng thời mở ra hướng canh tác mới cho người dân vùng đồng trũng xã Vĩnh Hòa. Năm 2013 thực hiện nghị quyết của đảng ủy, HĐND, UBND xã về đăng ký mô hình đột phá phát triển kinh tế với UBND huyện, xã Vĩnh Hòa đã tập trung chuyển đổi một số diện tích hiệu quả kém sang nuôi trồng các loại cây, con phù hợp với đồng đất và đã được 8 hộ dân lựa chọn đầu tư phát triển với diện tích 23,2 ha. Ngoài ra, xã cũng đã khuyến khích nông dân chuyển đổi 30 ha đất bãi trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây mía nguyên liệu, 7 ha trồng cây ớt ngọt xuất khẩu; xây dựng 4 trang trại tổng hợp, 4 trang trại lợn...

Ông Phạm Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa, cho biết: Nghị quyết kỳ họp thứ 4, HĐND xã khóa 18 đưa mục tiêu phát triển kinh tế trang trại, gia trại là khâu đột phá trọng tâm của địa phương. Nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế trong nông nghiệp, từng bước làm thay đổi nhận thức từ chăn nuôi truyền thống nhỏ lẻ, manh mún sang quy mô tập trung lớn hơn, nhất là mô hình cá – lúa – sen kết hợp đã cải tạo đất khá tốt. Cứ độ tháng mười hai tiến hành sản xuất vụ chiêm - xuân, sang tháng một thả cá, đến tháng tư, tháng năm thu hoạch lúa thì trồng sen. Sen rất dễ trồng, có thể nói là nghề "làm chơi, ăn thật" vì gần như không cần chăm bón, không có sâu bệnh, mức đầu tư cũng rất thấp... nếu áp dụng tốt công thức luân canh này thì mỗi ha đồng ruộng trũng có thể thu hoạch đến cả trăm triệu đồng/năm.

Ông Ngọc cho biết thêm: Vùng đất chiêm trũng ở đây hầu hết vào mùa mưa ngập nước rất sâu nên mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ lúa chiêm hoặc đánh bắt từ nguồn cá tự nhiên. Năm nào thời tiết tốt, ít sâu bệnh, thì thu được khoảng 250 kg lúa/sào, trừ chi phí, một sào thu khoảng 1,5 triệu đồng/năm. Từ khi áp dụng mô hình mới đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, thu nhập bình quân khoảng 79 triệu đồng/ha/năm, tăng 49 triệu đồng so với khi chưa chuyển đổi. Năm 2014 này, xã vẫn chọn đây là hướng đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương và tiếp tục chuyển sang nuôi cua đồng trên một số diện tích của các hộ làm mô hình cá - lúa (hiện trên địa bàn xã có một hộ đang làm thí điểm cho hiệu quả kinh tế cao), dự kiến sẽ triển khai 5 sào với 5 hộ tham gia, các hộ sẽ được đầu tư đồng bộ, quây bờ tấm lợp, được hỗ trợ nguồn giống và đầu ra cho sản phẩm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét