Trang

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

Người tù hoàn lương nuôi chim bồ câu

Bị liệt nửa người, anh Đỗ Văn Kỳ và vợ vẫn tự nuôi 1.500 chim bồ câu trong ngôi nhà 7 tầng ở xã Thượng Mỗ (Đan Phượng, Hà Nội).

Hơn 5h sáng, anh Kỳ đã trở dậy. Người đàn ông 39 tuổi lật miếng ván bên cạnh giường, ở đó có sẵn vòi nước, bàn chải, khăn mặt để vệ sinh răng miệng. Vẫn ngồi trên giường, anh xem thời sự, lướt web trong khi chị Nguyễn Thị Phượng, vợ anh, chuẩn bị đồ ăn sáng. Chừng một tiếng sau, hai vợ chồng bắt đầu ngày làm việc.

Để di chuyển, anh Kỳ dồn sức vào hai tay, nâng nửa cơ thể bị liệt ngồi vào chiếc xe lăn rồi bấm thang máy lên các tầng từ 3 đến 7. Đôi chân bất động nhưng đôi tay anh thoăn thoắt, vừa đẩy xe, vừa bốc ngô, lúa, thay nước, dọn phân cho chim. Một lúc sau, 1.500 con chim bồ câu và gần 100 chú gà tre được ăn no nê.

Cho chim ăn xong, chị Phượng giúp chồng ngồi lên chiếc xe máy có gắn thêm xe kéo phía sau để chở chim cho khách hoặc đi thu mua nông sản. Buổi tối, vợ chồng anh dành khoảng một tiếng đồng hồ đi soi trứng và kiểm tra lại chuồng nuôi.



Sau một tai nạn lao động năm 29 tuổi, anh Đỗ Văn Kỳ bị liệt nửa thân dưới. Anh khởi nghiệp nuôi chim bồ câu và có được thu nhập tốt từ công việc này. Ảnh: Phan Dương.


Năm 2012, anh Kỳ xây ngôi nhà 7 tầng này định làm khách sạn mini. Đến nay ngôi nhà đã hoàn thành việc xây dựng nhưng chưa có nhiều đồ đạc. Thấy thời điểm này kinh doanh nhà nghỉ khó khăn nên anh quyết định biến 5 tầng với 12 phòng nghỉ thành nơi nuôi chim.

"Khi làm nhà, tôi đã tính toán phù hợp với sức khỏe của mình. Thang máy đưa tôi di chuyển lên các tầng. Bậc thang phải làm thoải, tiện cho người khuyết tật đi lại. Hệ thống điện bố trí ngay đầu giường, vòi nước cạnh đó tiện cho tôi nhất. Nhà vệ sinh cũng được làm hợp lý, không cần phải nhờ đến vợ con", anh Kỳ cho hay.

Trước đây, anh Kỳ từng phải chịu án 7 năm tù vì buôn hàng cấm. Sinh ra trong gia đình 6 người con, Kỳ chỉ học đến lớp 3 thì bỏ. Lớn lên anh lang bạt vào miền Nam làm đủ nghề sinh sống. Tuổi trẻ nông nổi, anh đã đi theo con đường lầm lạc. Thời gian ở tù, anh mong mỏi cải tạo tốt, được trở về quê làm ăn lương thiện, lấy vợ sinh con.



Từng nuôi lợn, chó, dế, anh Kỳ thấy, nuôi chim bồ câu là phù hợp nhất với sức khỏe của mình. Mỗi tháng, riêng chim bồ câu mang lại cho anh khoảng 35 triệu đồng tiền lãi. Ảnh: Phan Dương.


Năm 2004, khi đã chịu án được 4 năm thì trong một lần lao động, anh bị cây đè ngang người, máy cưa rơi vào chân, chẩn đoán mất 95% sức khỏe. Anh Kỳ giãi bày: "29 tuổi, tôi đột ngột bị liệt phải nằm bất động trên giường. Tuyệt vọng, hai lần tôi tìm đến cái chết. Cán bộ trại giam phải bố trí một người chăm sóc. Mẹ già từ ngoài Bắc cũng được cho vào trông nom. Tôi cứ nằm như vậy cho đến ngày ra tù hai năm sau đó".

Hơn chục năm xa nhà, anh Kỳ trở về quê hương với hai bàn tay trắng, một thân hình bất động cùng tai tiếng vào tù ra tội. Bị anh em coi khinh, xóm giềng thương hại, anh vẫn gượng dậy quyết chí bắt đầu lại cuộc đời. Để có sức khỏe, anh bắc xà đơn trên giường tập hít lên xuống. Luyện tập nhiều, anh có thể ngồi dậy đi xe lăn được. Với 10 triệu đồng mẹ giúp, anh nuôi lợn nái, chó, giun đất, dế mèn... Qua 3 năm, anh đã nhân lên được vài trăm triệu đồng.

"Thời điểm đó khổ cực, nhục nhã vô cùng. Trợ cấp cho người khuyết tật được hơn 100.000 đồng, tôi dành để mua bã đậu nuôi lợn. Tôi mua thêm cá mắm về nuôi lợn và nhặt những con chưa nát mấy để ăn", anh hồi tưởng, hai mắt hoe đỏ.



Gia đình hạnh phúc của anh Kỳ, vợ và con gái. Vợ chồng anh đang chuẩn bị làm thụ tinh ống nghiệm để có một đứa con chung. Ảnh: Phan Dương.


Trong một lần mua dế giống năm 2010, anh Kỳ gặp được một nửa của mình là chị Nguyễn Thị Phượng, quê Vĩnh Phúc. Chị Phượng là một người mẹ đơn thân, làm nghề gánh gạch nuôi con. Ngay khi gặp, anh nói rõ mình bị tàn tật, không thể có con. Chẳng ngờ ba ngày sau, chị Phượng chủ động gọi điện báo sẽ sang nhà anh chơi.

"Vài lần đi lại, tôi cảm phục nghị lực của anh ấy, thương anh chỉ một thân một mình làm lụng. Tôi muốn ở bên cạnh, làm đôi tay, đôi chân cho anh. Dù gia đình phản đối, tôi vẫn dắt theo con gái 3 tuổi về ở với anh", chị Phượng cho biết. Sau 4 tháng, họ tổ chức đám cưới, rồi về nhà ngoại tạ lỗi. Một năm sau, hai người mới đăng ký kết hôn.

Có chị Phượng giúp sức, anh Kỳ quyết định chuyển sang nuôi chim bồ câu. Đợt đầu, vợ chồng anh mua 200 đôi với chi phí 44 triệu đồng, nhưng về tới nhà đàn chim chết gần hết. Sau đó, anh tìm được một trang trại giống đảm bảo và từ đó chỉ nhập hàng ở đây. Nuôi chim mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với các vật nuôi trước đó. Với 1.400 con, mỗi tháng anh lãi khoảng 35 triệu đồng. Ngoài ra, Kỳ còn nuôi gà tre cảnh và có thêm một số hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ khác.

Người đàn ông 39 tuổi ước ao có một đứa con chung nên vợ chồng dự tính làm thụ tinh ống nghiệm. Sang năm chị Phượng mới mang bầu nhưng hiện tại anh đã thuê thêm hai người làm, giúp vợ san sẻ công việc.


Bà Nguyễn Thị Sen, Chủ tịch hội Chữ thập đỏ huyện Đan Phượng (Hà Nội), cho biết, anh Đỗ Văn Kỳ là một người khuyết tật nhưng có nghị lực vươn lên làm giàu. Mô hình nuôi chim tại nhà của vợ chồng anh cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, cơ sở của anh là đầu mối cung cấp chim bồ câu giống Pháp cho toàn huyện.

"Cơ thể không lành lặn nhưng anh Kỳ rất chăm chỉ, có đầu óc làm kinh tế. Anh ấy còn tích cực làm từ thiện, giúp đỡ nhiều gia đình khó khăn. Vừa rồi anh Kỳ được tặng bằng khen Tấm lòng vàng của Hội chữ thập đỏ thành phố và của huyện vì giúp đỡ nhiều gia đình cũng nuôi chim như anh", bà Sen cho biết thêm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét