Trang

Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

Sáng kiến “hai trong một”

Là chủ cơ sở cơ khí Tín Nhân ở ấp 1A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) chuyên lắp ráp, sửa chữa máy trục đất, anh Cao Phi Hỗ luôn mày mò, cải tiến, làm sao những chiếc máy hoạt động hiệu quả, có lợi cho bà con nông dân. Trong quá trình sản xuất, sửa chữa, anh nảy sinh ý tưởng sản xuất máy xới trục liên hợp (XTLH) có nhiều ưu điểm vượt trội.

Anh Hỗ tốt nghiệp cao đẳng sư phạm kỹ thuật, nhưng anh không đi dạy mà xin vào làm ở một xưởng cơ khí công nghiệp của Nhà nước. Đến năm 1992, anh về quê vợ ở Tân Hòa mở cơ sở cơ khí Tín Nhân. Có trình độ, tay nghề nên những chiếc máy trục, máy xới anh lắp ráp, sửa chữa được khách hàng rất hài lòng. Nhờ vậy, khách hàng của anh khá ổn định, không chỉ ở trong tỉnh mà còn nhiều tỉnh, thành lân cận như: Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ...


Trình diễn máy xới trục liên hợp độc đáo của anh Hỗ, thu hút sự quan tâm của mọi người.

Trong quá trình lắp ráp, sửa chữa máy trục, máy xới, cộng với sự phản hồi của người nông dân đã cho anh nhiều ý tưởng sáng tạo. "Trước đây, cái máy trục mình lắp ráp, sửa chữa chứ mình đâu có cầm máy ra đồng chạy. Nông dân là người trực tiếp chạy máy mới phát hiện nhược điểm của máy, như cốt này không đủ lực dễ bị gãy. Qua phản ánh này mình từ từ nâng kích thước cốt máy lên, nhờ vậy mới hoàn chỉnh được máy trục chạy êm như bây giờ" - anh Hỗ bộc bạch.

Cũng từ phản hồi của nông dân về chuyện xới và trục đất để chuẩn bị đất nền gieo sạ lúa, anh nghĩ đến chiếc máy "2 trong 1", nghĩa là gộp 2 máy xới và trục riêng lẻ thành 1 máy, nhưng hội đủ 2 tính năng xới, trục. Anh đặt tên cho máy là XTLH. Anh Hỗ kể: "Mình đã lắp ráp thành công máy trục rồi, thấy nó êm quá, khách hàng gần xa tín nhiệm. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, nông dân trước khi sạ lúa thì phải dùng máy xới tay hoặc máy xới 4 bánh loại nhỏ để xới đất. Sau đó sử dụng máy trục lại rồi mới gieo sạ, nên tôi nảy sinh ý tưởng làm máy XTLH để một lúc vừa xới vừa trục, rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho nông dân".

Các khách hàng quen biết khi hay anh có ý tưởng này, họ rất hào hứng động viên anh làm. Được sự ủng hộ tinh thần của khách hàng, anh Hỗ mạnh dạn xây dựng đề tài khoa học "Máy xới trục liên hợp" để Hội đồng khoa học của huyện Châu Thành A thẩm định. Anh Hỗ trình bày trước Hội đồng khoa học rằng: Thay vì 2 công đoạn xới, trục cần đến hai máy xới và trục riêng lẻ tốn khoảng 140 triệu đồng, còn máy liên hợp của anh cùng lúc làm hai công đoạn nhanh hơn nhưng giá rẻ hơn (khoảng 65 triệu đồng/máy). Vì vậy, nông dân đầu tư máy liên hợp sẽ tiết kiệm 75 triệu đồng so với đầu tư 2 máy riêng lẻ. Với tính khả thi cao của máy XTLH, Hội đồng khoa học huyện đồng ý duyệt đề tài của anh, đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí để anh thực hiện đề tài.

Theo anh Hỗ, máy xới trục này vận hành bằng cách: dàn xới làm đất tơi xốp, bông trục bằng sắt vận hành cán phía sau cho đất phẳng lại. Đây là hai yếu tố rất phù hợp khâu làm đất trước khi gieo sạ lúa. Cũng theo anh Hỗ, điểm đặc biệt nữa của máy XTLH, là khi máy đang xới, nếu nông dân khác có nhu cầu trục đất thì chỉ cần cất dàn xới lên bằng hệ thống thủy lực, gạt tay số qua trục đất (máy có hộp số gồm 4 số tới, 2 số de, 2 số chạy trục, 2 số chạy xới). Mùa nước, đa số nông dân mướn trục gốc rạ, khi đó chỉ cần tách dàn xới ra là có thể hoạt động như một máy trục.

Sau hơn chục năm ấp ủ ý tưởng và hơn 4 tháng bắt tay vào chế tạo, nhiều lần chỉnh đi chỉnh lại, anh Hỗ cũng đã hoàn thành chiếc máy XTLH đầu tiên. Vụ Hè thu vừa rồi, anh đem ra đồng ở xã Trường Long A trình diễn, dưới sự chứng kiến của đông đảo bà con nông dân địa phương, ai nấy cũng tò mò, thích thú với chiếc máy mới lạ này. Chăm chú theo dõi máy hoạt động, nông dân Phan Ngọc Tuấn cho biết: "Là nông dân, nên máy cày, máy trục, máy xới tôi thấy nhiều, nhưng chiếc máy XTLH này lần đầu tiên tôi thấy, rất là hay, chạy đạt lắm. Sau này nếu có điều kiện tôi cũng mua một cái máy như vầy. Vì mình mướn máy xới, máy trục riêng như trước đây thì phải làm hai quận, còn cái máy này làm một quận là được rồi. Vừa rút ngắn thời gian, nhân công, tiền bạc bỏ ra cũng ít hơn".

Hôm máy XTLH của anh Hỗ ra đồng chạy thực nghiệm cũng có mặt ông Trương Thoại Khánh, giảng viên Khoa công nghệ Trường Đại học Cần Thơ, ông Khánh đánh giá: "Máy này thấy cũng đạt. Máy vừa xới, vừa trục, độ xới, độ tơi của đất chấp nhận được, có thể triển khai ra đồng ruộng cho nông dân sử dụng".

Anh Hỗ cho biết, anh đã hoàn thành hồ sơ và gửi đến cơ quan thẩm quyền đăng ký sở hữu công nghiệp để đảm bảo tính sáng tạo của tác giả. Cũng theo anh Hỗ, hiện nay có nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đến đặt hàng mua máy, nhưng cái khó hiện nay là cơ sở còn nhỏ, không đủ nguồn vốn và nhân công để sản xuất hàng loạt. Vì vậy, thời gian tới anh sẽ mở rộng cơ sở, tuyển thêm nhân công để đáp ứng các đơn đặt hàng và theo dự đoán số lượng người mua sẽ tăng cao khi chuẩn bị đất nền sạ lúa vụ Thu đông tới.

Vậy là ĐBSCL được bổ sung thêm một loại máy nông nghiệp nội địa hóa 100%, phù hợp với tập quán chuẩn bị đất nền gieo sạ của nông dân trong vùng. Mặt khác, máy XTLH của anh Hỗ đảm bảo giá rẻ hơn các loại máy bán trên thị trường cùng công dụng nên tiết kiệm kinh phí đầu tư cho nhà nông. Vì vậy, khi máy này được triển khai đại trà, từng bước hạn chế nhập máy xới Trung Quốc hay máy xới 4 bánh của Nhật đã qua sử dụng mà trước đây nông dân trong vùng hay mua về để xới, trục đất...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét