Trang

Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

Thành triệu phú từ nghề trồng lan

Từ vài hộ, đến nay xã Đông La (Hoài Đức, Hà Nội) đã có khoảng 70 hộ trồng lan. Những hộ trồng lan đã thành lập hiệp hội để hỗ trợ, dạy nghề cho hội viên.

Đông La là một xã nằm ven sông Đáy của huyện Hoài Đức, với lợi thế có diện tích đất vùng bãi ruộng (khoảng 300ha) màu mỡ. Trước đây, người dân chủ yếu trồng ngô, rau màu là chính, nên giá trị kinh tế rất thấp.


Ông Nguyễn Hữu Tích, thôn Đông Lao, xã Đông La có 800 giỏ lan, 20 cây lan, lãi hơn 300 triệu đồng/năm.

Vài năm gần đây, được sự hỗ trợ của chính quyền xã, huyện, người dân đang chuyển dần sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: nhãn chín muộn, bưởi Diễn, bưởi Quế Dương, chanh đào... Đặc biệt, khoảng 5 năm trở lại đây, người dân thôn Đông Lao đã đưa về xã nghề mới là trồng hoa lan.

Xây dựng "thủ phủ" hoa lan

Theo ông Nguyễn Văn Mừng- Chủ tịch UBND xã Đông La, lúc đầu xã chỉ có vài hộ trồng lan để chơi, rồi thấy bán lan có lãi, bà con chuyển sang trồng lan kinh doanh. Ông Mừng cho biết: "Hiện xã có gần 3ha trồng lan.

Nhiều hộ trồng tới 5-6 sào lan. Tính thu nhập, năm 2012, mỗi ha lan đạt hơn 450 triệu đồng. Xã đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề để bổ túc thêm kinh nghiệm cho người dân". Cũng theo ông Mừng, xã vừa thành lập Hiệp hội sản xuất cây ăn quả, giống cây trồng, làm cây cảnh thôn Đông Lao. Nhiều hộ trong xã còn là hội viên của Hiệp hội Nhãn chín muộn của huyện Hoài Đức.

Mục đích của việc thành lập hiệp hội là để mở lớp dạy nghề, thu hút thêm hội viên, "biến" Đông Lao thành "thủ phủ" hoa lan và địa chỉ tin cậy cung cấp các giống cây trồng có giá trị.


Ông Nguyễn Hữu Tích - Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất cây ăn quả, giống cây trồng, làm cây cảnh thôn Đông Lao - cho hay: "Hiện hiệp hội có 15 hội viên, với diện tích khoảng 10ha. Đây là những hộ đang trồng lan và làm cây giống.

Mục đích của việc thành lập hiệp hội là để mở lớp dạy nghề, thu hút thêm hội viên, "biến" Đông Lao thành "thủ phủ" hoa lan và địa chỉ tin cậy cung cấp các giống cây trồng có giá trị và các giống cây trồng trái vụ như nhãn trái vụ, chanh đào trái vụ...". Ông Tích cho biết thêm, đối với những hội viên mới vào nghề sẽ được dạy rất kỹ từ cách chọn đất, phơi đất, xử lý xơ dừa, chọn cây giống... như thế nào, cách chăm sóc ra sao...

Thu 600 triệu đồng/năm

Không phải là người đầu tiên trồng lan ở Đông La nhưng ông Tích lại được nhiều người biết đến bởi có tới 800 giỏ lan và 20 cây lan các loại (có cây hơn 10 triệu đồng). Không chỉ vậy, ông còn là người rất nhiệt tình hướng dẫn, dạy nghề cho người dân và cũng là người khởi sướng thành lập hiệp hội.

Ông Tích cho hay: "Trồng lan không cần diện tích rộng, nhưng phải có kỹ thuật, vốn. Giá trị kinh tế của lan rất cao, thu vốn nhanh và lâu dài. Hiện, hầu hết các hội viên trồng lan của Hiệp hội đều có thu nhập từ 350-500 triệu đồng/ha/năm. Nếu chăm sóc tốt như gia đình tôi có thể thu nhập lên tới 600 triệu đồng/ha/năm".

Anh Tạ Công Thực, ở thôn Đồng Nhân, xã Đông Lao, chủ nhân của vườn lan gần 200 giỏ, với nhiều loại lan quý như vũ nữ, hồ điệp, tai trâu..., đến với nghề trồng lan rất tình cờ. Trong một lần sang nhà họ hàng chơi, thấy những giỏ lan nở rất đẹp và lâu tàn, anh nảy sinh ý định trồng để kinh doanh. "Đời sống của người dân ngày một nâng cao, nhu cầu thưởng thức, chơi hoa cũng tăng lên. Hoa lan không chỉ chơi trong giỏ mà còn có thể cắt bán cho các cửa hàng bán hoa tươi, trang trí hội nghị, cưới xin... Theo tôi, hiện nhu cầu hoa lan vẫn còn rất lớn" - anh Thực nhận định.

Mới học nghề rồi bén với nghề trồng lan từ năm 2009 nhưng nay gia đình chị Tạ Thị Châm (thôn Đồng Nhân) đã có hơn 600 giỏ lan và hơn chục cây lan đẹp, có giá trị. Chị Châm tâm sự: "Ở Đông Lao chủ yếu trồng lan rừng thuần chủng nên giá trị kinh tế cao, người chơi cũng thích hơn vì lan rừng bền, dễ thích nghi. Với lan giỏ, mỗi ngày chỉ cần phun nước giữ ẩm cho lan 2 lần vào sáng và chiều. Tết vừa rồi, gia đình tôi bán 300 giỏ, thu về gần 500 triệu đồng".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét