Trang

Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Giàu nhờ nghề nguy hiểm: Nuôi rắn hổ trâu

Khi số lượng rắn còn ít, chị Dung phải mang đi bán cho từng quán ăn, sau khi đã có “thương hiệu”, nhiều nhà hàng đã tìm đến thu mua với giá khá cao, từ 600.000 đồng- 1 triệu đồng mỗi kg.

Gia đình chị Hoàng Thị Dung và anh Phan Đình Công ở thôn 5, xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) có 7 người, trong đó 4 con nhỏ đều trong độ tuổi ăn học. Trước đây tất cả mọi chi tiêu trong nhà đều phụ thuộc vào số tiền ít ỏi thu từ mấy sào cà phê của hai vợ chồng nên cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn, thuộc diện nghèo trong thôn xóm. Với suy nghĩ không thể cứ mãi luẩn quẩn trong cái vòng nghèo đói, chị Dung đã tìm hiểu nhiều mô hình sản xuất, học hỏi nhiều hình thức kinh doanh trong và ngoài tỉnh để vươn lên thoát nghèo.

Trong một dịp về thăm quê ở tỉnh Hà Nam, thấy mô hình chăn nuôi rắn hổ trâu đã giúp nhiều hộ gia đình nơi đây làm giàu, anh chị quyết định thử sức với nghề nuôi rắn. Ban đầu chị Dung nhập rắn của một người bà con ở Hà Nam về nuôi. Nhưng do vận chuyển đi xa, mất nhiều thời gian, lại chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên rắn yếu dần rồi chết.

Nhờ người trong xóm mách nước, anh chị đến tham quan mô hình, học tập cách nuôi và nhập rắn giống ở một trang trại trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Để chuẩn bị cho kế hoạch lâu dài, anh Công đã chủ động liên hệ với Chi cục Kiểm lâm xin cấp giấy chứng nhận đăng ký nuôi rắn và bắt tay vào việc xây dựng chuồng trại. Ngoài kiến thức đã học được từ thực tiễn, chị Dung còn tìm hiểu qua sách, báo, tài liệu hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi và xây dựng hệ thống chuồng trại đúng quy cách để nuôi rắn hiệu quả.

Ban đầu, anh chị chỉ nhập rắn về nuôi lấy thịt bán. Nhưng sau thấy chăn nuôi đơn giản, ít tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc, thu nhập từ rắn cao, nên chị đã tìm hiểu cách nhân giống, gây đàn và đã thành công. Chị Dung cho biết: “Loài rắn hổ trâu thường ăn cóc, nhái. Cứ 2 ngày mới cho rắn ăn và vệ sinh chuồng trại một lần. Chúng sinh trưởng rất nhanh, ít bệnh tật, trung bình một năm đạt từ 1,7kg-3kg/con. Rắn sinh sản 2 lần trong năm, mỗi lần đẻ từ 13-17 trứng. Sau 3 năm chăn nuôi, gia đình tôi đã có hàng trăm cặp rắn bố mẹ, rắn nuôi lấy thịt và rắn con”.


Chị Dung đã thoát nghèo nhờ nuôi rắn hổ trâu.

Ban đầu, khi số lượng rắn còn ít, chị Dung phải chủ động mang đi bán cho từng quán ăn trong huyện. Đến nay, sau khi đã có “thương hiệu” trong vùng, nhiều nhà hàng đã tìm đến thu mua với giá khá cao, từ 600.000đ – 1.000.000 đ/kg. Nhờ chăm chỉ làm ăn, từ một hộ nghèo của xã, giờ đây thu nhập của gia đình chị đã lên đến hơn 200 triệu đồng/năm.

Thấy chị Dung thoát nghèo nhờ nuôi rắn, nhiều người trong xóm cũng đến tìm hiểu, học hỏi mô hình nuôi rắn và được chị nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn giống tốt giúp bà con làm ăn. Từ khi nuôi rắn, chị Dung cũng tập làm quen với các bài thuốc trị rắn cắn. Cũng chính chị là người đã nhân rộng việc trồng cây thuốc nam trong vườn nhà cho bà con trong xóm. “Ban đầu nuôi rắn chưa quen nên bị rắn cắn là điều bình thường, mặc dù hổ trâu là loài rắn không độc nhưng mình vẫn phải chủ động phòng tránh” chị Dung nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét