Trang

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Nuôi heo bằng thức ăn ủ men

Sử dụng thức ăn ủ men giúp tiết kiệm hơn thức ăn công nghiệp 570.000 đ/con heo.

Anh Nguyễn Phi Long với đàn heo thịt sử dụng thức ăn ủ men

Đó là mô hình nuôi heo của anh Nguyễn Phi Long ngụ tại ấp Trảng Sắn, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, Bình Dương.

Sử dụng thức ăn ủ men giúp anh tiết kiệm hơn thức ăn công nghiệp 570.000 đ/con heo. Với khoảng 600 heo thịt nuôi xuất chuồng hàng năm (1 năm nuôi 2 lứa heo thịt) cho anh thêm lợi nhuận 342 triệu đồng.

Sử dụng thức ăn ủ men cho heo ăn cho kết quả tốt hơn khi sử dụng thức ăn công nghiệp, cụ thể là đối với heo nuôi thịt giúp giảm mùi hôi trong chăn nuôi, giảm 80 - 90% bệnh tiêu chảy ở heo, đặc biệt là giai đoạn heo con; heo thịt khỏe mạnh, da hồng hào; tiêu hóa tốt và heo ăn nhiều hơn, phân thải ra ít hơn; chất lượng thịt tốt, thương lái rất thích mua heo ăn thức ăn ủ men này.

Đặc biệt là khi dùng thức ăn ủ men giá thức ăn giảm 10% (khoảng 1.000 đ/kg thức ăn ) và rút ngắn thời gian nuôi 10 - 15 ngày so với cách nuôi truyền thống.

Đối với heo nái mang thai và heo nái nuôi con, khi sử dụng thức ăn ủ men cũng cho kết quả rất tốt.

Heo nái nuôi con cho sữa tốt, heo con bú sữa mẹ hồng hào, mập mạp, phân thải ít do tỷ lệ tiêu hóa tăng.

Heo nái sau cai sữa mau lên giống và vẫn giữ được thể trạng rất tốt sau 2 tháng nuôi con.

Theo anh Long, sau 25 ngày nuôi heo con (thời điểm cai sữa) thì đến ngày thứ 27, nghĩa là sau 2 - 3 ngày tách heo con thì heo mẹ đã lên giống và tỷ lệ phối đậu thai đạt cao trên 95%; mặt khác sử dụng thức ăn ủ men chi phí thức ăn giảm hơn 10% so với thức ăn công nghiệp.

Kinh nghiệm ủ men cho heo từ 20 - 40 kg nuôi thịt đơn giản như sau: Hòa 1 gói men vi sinh hoạt tính (0,5 kg) cùng với 1 kg gỉ mật đường vào 30 lít nước sạch và ủ kín 2 ngày. Sau đó trộn đều hỗn hợp trên với 55 kg bắp nghiền và 25 kg cám gạo, cho vào bao nilon buộc kín miệng tại tạo môi trường yếm khí, sau ủ 2 ngày có thể lấy ra cho heo ăn.

Nếu lấy ra cho ăn và lại cột kín lại thì hỗn hợp ủ này có thể để 10 ngày. Trước khi cho heo ăn, trộn hỗn hợp ủ này với 20 kg thức ăn heo thịt đậm đặc (46% đạm). Có thể cho heo ăn trực tiếp hỗn hợp trên hoặc hòa với nước.

Bà con có nhu cầu tìm hiểu, học hỏi phương pháp nuôi heo bằng thức ăn ủ men vi sinh hoạt tính, có thể liên hệ với anh Nguyễn Phi Long ngụ tại ấp Trảng Sắn, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, Bình Dương số điện thoại 0983353332.

Hiệu quả mô hình cá - lúa - sen ở xã Vĩnh Hòa (Thanh Hóa)

Cả một vùng đầm được quây bờ cẩn thận, quy củ, ngút tầm mắt... đó là kết quả sau nhiều năm khai phá của anh Trần Ngọc Thắng, thôn Quang Biểu 2, xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc - Thanh Hóa). Mô hình cá – lúa – sen mà anh Thắng áp dụng tại khu đầm đã mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Anh Thắng còn tiếp tục đầu tư vốn, công sức mở rộng mặt ao và trên bờ trồng cỏ nuôi thêm trâu, bò...

Nhờ đó gia đình anh đã có cuộc sống đủ đầy với ngôi nhà mới khang trang, nhiều tiện nghi sinh hoạt có giá trị, có điều kiện nuôi dạy con cái đến nơi đến chốn. Ngoài ra, anh còn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội ở địa phương, tạo việc làm thường xuyên cho một lao động với thu nhập 3 triệu đồng/tháng và 10 lao động thời vụ..., mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu lãi hơn 100 triệu đồng.


Mô hình cá - lúa - sen của gia đình anh Trần Ngọc Thắng, thôn Quang Biểu 2, xã Vĩnh Hòa cho thu nhập cao. 

Mô hình cá - lúa - sen không phải là mới ở nhiều địa phương. Song, những năm gần đây, mô hình này mới phát huy hiệu quả, cho thu nhập ổn định, đồng thời mở ra hướng canh tác mới cho người dân vùng đồng trũng xã Vĩnh Hòa. Năm 2013 thực hiện nghị quyết của đảng ủy, HĐND, UBND xã về đăng ký mô hình đột phá phát triển kinh tế với UBND huyện, xã Vĩnh Hòa đã tập trung chuyển đổi một số diện tích hiệu quả kém sang nuôi trồng các loại cây, con phù hợp với đồng đất và đã được 8 hộ dân lựa chọn đầu tư phát triển với diện tích 23,2 ha. Ngoài ra, xã cũng đã khuyến khích nông dân chuyển đổi 30 ha đất bãi trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây mía nguyên liệu, 7 ha trồng cây ớt ngọt xuất khẩu; xây dựng 4 trang trại tổng hợp, 4 trang trại lợn...

Ông Phạm Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa, cho biết: Nghị quyết kỳ họp thứ 4, HĐND xã khóa 18 đưa mục tiêu phát triển kinh tế trang trại, gia trại là khâu đột phá trọng tâm của địa phương. Nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế trong nông nghiệp, từng bước làm thay đổi nhận thức từ chăn nuôi truyền thống nhỏ lẻ, manh mún sang quy mô tập trung lớn hơn, nhất là mô hình cá – lúa – sen kết hợp đã cải tạo đất khá tốt. Cứ độ tháng mười hai tiến hành sản xuất vụ chiêm - xuân, sang tháng một thả cá, đến tháng tư, tháng năm thu hoạch lúa thì trồng sen. Sen rất dễ trồng, có thể nói là nghề "làm chơi, ăn thật" vì gần như không cần chăm bón, không có sâu bệnh, mức đầu tư cũng rất thấp... nếu áp dụng tốt công thức luân canh này thì mỗi ha đồng ruộng trũng có thể thu hoạch đến cả trăm triệu đồng/năm.

Ông Ngọc cho biết thêm: Vùng đất chiêm trũng ở đây hầu hết vào mùa mưa ngập nước rất sâu nên mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ lúa chiêm hoặc đánh bắt từ nguồn cá tự nhiên. Năm nào thời tiết tốt, ít sâu bệnh, thì thu được khoảng 250 kg lúa/sào, trừ chi phí, một sào thu khoảng 1,5 triệu đồng/năm. Từ khi áp dụng mô hình mới đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, thu nhập bình quân khoảng 79 triệu đồng/ha/năm, tăng 49 triệu đồng so với khi chưa chuyển đổi. Năm 2014 này, xã vẫn chọn đây là hướng đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương và tiếp tục chuyển sang nuôi cua đồng trên một số diện tích của các hộ làm mô hình cá - lúa (hiện trên địa bàn xã có một hộ đang làm thí điểm cho hiệu quả kinh tế cao), dự kiến sẽ triển khai 5 sào với 5 hộ tham gia, các hộ sẽ được đầu tư đồng bộ, quây bờ tấm lợp, được hỗ trợ nguồn giống và đầu ra cho sản phẩm.

Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

An Giang: Lươn giống Mười Ngọt

Anh Nguyễn Văn Đường (ấp Vĩnh Phước, xã Vĩnh Bình, Châu Thành - An Giang) được đào tạo "Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi lươn đồng" do Trung tâm Giống thủy sản An Giang tổ chức, là một trong số ít nông dân thành công với mô hình làm ăn mới sau khi học nghề. Thông qua việc đầu tư cơ sở "Lươn giống Mười Ngọt", mỗi năm, anh Đường có thu nhập trên 300 triệu đồng.


Đầu tháng 6 này, Nguyễn Văn Đường giao về Ninh Thuận 10.000 con lươn giống, cỡ 450 con – 500 con/kg, giá 1 triệu 350 ngàn đồng/kg. Trước đó, anh bán về Vĩnh Long 30.000 con lươn giống; còn miệt Bến Tre, Cà Mau đã đặt tiền cọc và chờ ngày giao hàng.

"Trung tâm Giống thủy sản An Giang và Hội Nông dân xã, huyện giúp cho tôi có được cái nghề này. Mấy năm nay, gia đình tập trung sản xuất và bán lươn giống" – anh phấn khởi. Khi còn làm ruộng, anh cũng tập tành nuôi lươn để kiếm thêm thu nhập, song hồi đó chỉ biết sử dụng con giống đánh bắt thiên nhiên, đâu nghĩ tới chuyện cho con lươn sinh sản nhân tạo.

Giữa tháng 4-2011, anh học lớp "Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi lươn đồng", rồi được tỉnh chọn là 1/4 mô hình thí điểm "vừa học, vừa làm" để chuyển giao tiếp theo phần nâng cao kiến thức. Cùng thời điểm, Sở Khoa học – Công nghệ An Giang đầu tư cho anh Đường 8 triệu đồng trang bị dụng cụ, mua 300 con lươn cái và 30 con lươn đực khỏe mạnh, do nông dân đánh bắt ngoài thiên nhiên để thử nghiệm theo mô hình.

"Bài bản vận dụng tối đa, cố gắng dữ lắm, mà kết quả hổng được như ý muốn. Tỉ lệ lươn đẻ trứng, ấp nở con, dưỡng nuôi thành con giống... không đạt yêu cầu. Tiếc thật!" – anh kể.

Dẫu biết rằng, vạn sự khởi đầu nan, nhưng cũng hơi chán nản. Gần như 6 tháng cuối năm 2011, anh chỉ xoay trở việc sản xuất con lươn giống, mà chưa có sản phẩm buôn bán gì cả. Thấy vậy, cán bộ chuyên ngành động viên, giúp tìm ra khiếm khuyết để hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất. Bấy giờ, Nguyễn Văn Đường mới yên tâm, bám lấy với nghề mới và hy vọng sẽ có sự thay đổi nhất định.


Anh Nguyễn Văn Đường theo dõi lươn giống.

Với 12m2 bồn ny-lon, 300 con lươn cái và 30 con lươn đực, anh tiếp tục thử nghiệm, tỉ lệ đẻ trứng, ấp nở và dưỡng nuôi thành con giống nâng dần lên được 30%. "Mừng lắm anh ơi. Coi như thành công rồi. Đúng là kỳ công thiệt" – Nguyễn Văn Đường hồ hởi.

Từ đó, anh bắt đầu chú ý yếu tố thời tiết, thời điểm chọn lựa lươn bố mẹ và thời vụ thả vào bồn cho sinh sản đạt hiệu quả cao hơn. Đến giữa năm 2012, anh cho ra lứa lươn giống bằng phương pháp sinh sản nhân tạo đầu tiên, được nông dân trong khu vực đón nhận và đồn đãi khắp nơi qua Đại hội tuyên dương nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp.

Công việc làm ăn trên đà thuận lợi, sẵn trớn Nguyễn Văn Đường chuyển sang tập trung sản xuất và bán lươn giống, không còn bám víu vài công đất lúa kém hiệu quả và chẳng đảm bảo chi tiêu cho 4 – 5 miệng ăn.

Sau hơn 3 năm chuyển đổi trồng lúa sang tập trung sản xuất và bán lươn giống, anh Nguyễn Văn Đường đầu tư mở rộng quy mô cơ sở, từ vốn hỗ trợ ban đầu 8 triệu đồng nay đã tích lũy trên 200 triệu đồng.

Hiện tại, 23 bồn (15 m2/bồn), với 5.000 con lươn cái và 1.000 con lươn đực, anh cho sinh sản trên 200.000 con lươn giống mỗi năm. Cơ sở "Lươn giống Mười Ngọt" cung cấp chủ yếu trong tỉnh và các khu vực lân cận vùng ĐBSCL. Theo đó, anh còn tư vấn kỹ thuật, khuyến cáo các biện pháp nuôi lươn đạt hiệu quả đối với từng vùng, miền khác nhau. Về phần mình, hàng năm, anh dành trên 50 triệu đồng cho việc tuyển chọn lươn bố mẹ, đảm bảo con giống luôn khỏe mạnh để khi sinh sản cũng sạch bệnh, tác động tốt trong quá trình nuôi lươn thương phẩm và đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu dùng.

Những năm gần đây, việc nuôi lươn trong bồn ny-lon trở nên phổ biến ở nhiều địa phương, bạn nhà nông xem đây là nguồn thu nhập kinh tế gia đình bên cạnh cây lúa. Giá dao động khoảng 125.000 đ/kg lươn thương phẩm, từ 200 – 300 gr/con trở lên. Nếu nuôi lươn sinh sản nhân tạo (khoảng 3 tháng), xuất công lao động bắt ốc, cua làm thức ăn pha trộn thì sau 8 tháng nuôi, sẽ cho lãi cỡ 60% so giá bán. Trước nhu cầu sử dụng con giống ngày càng trở nên khan hiếm trong thiên nhiên, cơ sở "Lươn giống Mười Ngọt" góp phần tạo ra nguồn cung ứng con giống sạch bệnh theo phương pháp "an toàn và chất lượng" sản phẩm thủy sản nước ở An Giang.

Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

Mô hình nuôi cá sặc rằn đạt hiệu quả cao ở Long Phú (Sóc Trăng)

Ở nông thôn hầu như nhà nào cũng có ao mương, nên việc khai thác diện tích mặt nước để nuôi các loại cá nước ngọt được các địa phương trong tỉnh Sóc Trăng quan tâm, nhằm giúp nông dân tăng thu nhập, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, như mô hình nuôi cá sặc rằn ở huyện Long Phú.



Tháng 10 năm 2013, hộ ông Nguyễn Văn Truyền ở ấp Phú Thứ, xã Phú Hữu, huyện Long Phú được Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng chọn làm điểm thử nghiệm mô hình nuôi kết hợp cá thát lát cườm và cá sặc rằn.

Hai loại cá này khá phù hợp khi sống chung trong ao vì cá thát lát ăn tạp nhưng thiên về ăn động vật, cá sặc rằn có kích thước tăng trưởng tương đương nên sẽ không bị cá thát lát ăn. Hơn nữa cá sặc rằn ăn rong, tảo, chất thải và thức ăn thừa của cá thát lát cườm, nhờ đó hạn chế sự ô nhễm trong ao nuôi và giảm chi phí thức ăn. Tính đến nay đã hơn 8 tháng, ông Truyền sắp thu hoạch đợt cá này. Theo ông nuôi cá thát lát đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc khắt khe hơn, lại là lần đầu áp dụng chưa có kinh nghiệm nên cá hao hụt khá nhiều, 6000 con giống ban đầu hiện chỉ còn khoảng 800 con, mỗi con gần 500g, giá cá thát lát khoảng 70 – 75 ngàn đồng/ký, ông thu về hơn 28 triệu đồng, nếu trừ chi phí xử lý ao, chăm sóc và thức ăn thì nuôi cá thát lát không có lời. Ông Truyền chia sẻ: "Cá thát lát có giá nhưng khó nuôi, do tôi vẫn chưa có kinh nghiệm nên tỷ lệ hao hụt lớn".

Bù lại cá sặc rằn lại đang có kết quả rất tốt, 30 kg giống ban đầu, ông Truyền ước tính thu hoạch được khoảng 400 kg, giá mỗi kg thấp nhất khoảng 40 ngàn đồng, tính ra cũng được hơn 16 triệu đồng. Ông Truyền cho biết ban đầu tập trung cho cá thát lát và xem cá sặc rằn chỉ là đối tượng nuôi kèm, nhưng ngược lại cá sặc rằn lại đang cho hiệu quả cao hơn. Ông Truyền cho biết thêm: "Nuôi cá sặc rằn tôi thấy được hơn, tôi đang mê vì lời gần như hoàn toàn, cá chủ yếu ăn rong tảo và thức ăn thừa nên chi phí cũng ít hơn cá thát lát".

Đặc biệt, cá sặc rằn sinh sản rất nhiều, sau khi tát ao bắt cá lớn, ông Truyền còn lời được đàn cá con để nuôi tiếp; Thấy cá sặc rằn con cũng dễ ương dưỡng nên ông đã mạnh dạn mua cá sặc rằn bột về nuôi, sau hơn một tháng chăm sóc là có thể bán cá giống cho các hộ có nhu cầu. Mô hình này cho lợi nhuận khá cao, như đợt cá vừa rồi, ông mua 5 triệu con cá bột với giá 10 triệu đồng, sau hơn một tháng ông bán được hơn 90 triệu, trừ thêm chi phí thức ăn ông còn lời khoảng 65 triệu đồng. Một năm ông có thể ương được 5 đợt cá bột, như vậy chỉ tính riêng mô hình ương cá sặc rằn bột ông đã thu về trên 300 triệu đồng.

Khách hàng ở Sóc Trăng và các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu... tìm đến nhà ông mua cá giống rất nhiều, chứng tỏ mô hình đang có sự thu hút rất lớn. Tuy nhiên, người nuôi thủy sản cũng cần nhạy bén nắm bắt tình hình, tránh tình trạng tập trung nuôi ồ ạt một loại thủy sản, rất dễ bị dội chợ, rớt giá, thất thu cho nông dân.

Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

Những sáng chế bắt nguồn từ thực tế

Anh Võ Quốc Kiệt, chủ nhiệm Hợp tác xã chăn nuôi và thủy sản Gò Công (phường 3, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) là người có nhiều sáng kiến độc đáo bắt nguồn từ thực tế, mang lại hiệu quả tích cực trong sản xuất...



Tốt nghiệp Trường đại học nông nghiệp 4 TP.HCM (nay là Đại học nông lâm TP.HCM) năm 1977, chuyên ngành chăn nuôi thú y, kỹ sư trẻ Võ Quốc Kiệt đã ứng dụng những kiến thức được học ở trường vào thực tế và mang lại hiệu quả thiết thực. Vào năm 2000, phong trào chăn nuôi gà phát triển mạnh do nhu cầu thị trường gia tăng. Để gia tăng lượng gà thịt cung ứng, sau thời gian suy nghĩ và qua gợi ý của người thầy cũ (ở trường đại học), anh Kiệt bắt tay vào nghiên cứu phương pháp gieo tinh cho gà. Ứng dụng phương pháp gieo tinh vừa giúp tiết kiệm lượng gà cồ hay gà trống (1 gà cồ có thể lấy tinh để gieo cho 50 gà mái so với phối giống truyền thống, số lượng gà cồ tiết giảm 5 lần), vừa tăng lượng gà trên cùng diện tích (mỗi con mái giống được nuôi riêng trong một ô và chuồng được thiết kế nhiều tầng). Đặc biệt, chất lượng con giống tốt và gà ít bị lây lan dịch bệnh do quá trình phối giống. Với sáng kiến này, anh Kiệt đoạt giải khuyến khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ V (năm 2003).

Niềm vui kéo dài không lâu, do sau đó dịch cúm gia cầm bùng phát, nghề nuôi gà lại bị teo tóp. Nhận thấy nông dân sau đó chuyển sang nghề nuôi lươn khá nhiều, anh Kiệt quyết định bắt tay vào nghiên cứu phương pháp "ấp nở lươn nhân tạo" để cung cấp lươn giống sạch bệnh cho bà con có nhu cầu. Qua khảo sát, anh chọn mua lươn bố mẹ tự nhiên do người dân đặt vến ở sông hay đặt lợp, nò, gió... về làm giống (có sức đề kháng tốt). Đầu tiên, anh đắp ụ đất để làm ổ cho lươn đẻ. Tuy nhiên, qua theo dõi, anh nhận thấy sau khi đẻ trứng, nếu để nở tự nhiên thì lươn con sẽ bò đi mất, còn nếu làm động ổ này, ổ khác sẽ bị lươn mẹ ăn hết. Sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu và thử nghiệm, anh quyết định đợi cho trứng vừa già (5 ngày sau khi đẻ) anh tiến hành vớt và chuyển qua ấp nhân tạo (sục khí oxy) và kết quả mang lại như ý muốn. Với sáng kiến này, anh đoạt "Giải B" Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ VIII (năm 2009).

Sau khi dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh được khống chế, người nuôi gà lại tiếp tục tái đàn và mở rộng quy mô chăn nuôi, song song với nghề sản xuất lươn giống, nhận thấy, việc nuôi gà công nghiệp đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, mặt bằng rộng, gà tuy tăng trọng nhanh nhưng giá bán không cao, chất lượng thịt không ngon bằng gà đất hay gà ta (gà tàu, gà nòi)... anh suy nghĩ phải lai tạo ra một giống gà vừa có năng suất cao, chất lượng thịt đảm bảo không thua kém so với gà đất.

Thế là anh lại bắt tay vào nghiên cứu, cho gà mái ta phối giống với gà cồ Rhode Island Red (nhập khẩu từ Anh Quốc) để tạo ra dòng gà mái lai với năng suất đẻ khoảng 180 trứng/năm (gà ta bình thường chỉ đẻ khoảng 70 trứng/năm). Sau đó, cho gà mái lai phối giống với gà trống nòi để tạo ra giống gà mới - gà ta Gò Công (máu nội chiếm 75%). Gà ta Gò Công có ưu điểm là sức đề kháng cao, thịt ngon, dai, tỷ lệ nạc nhiều hơn gà nội, đặc biệt không có lớp mỡ dưới da (chất lượng thịt không thua gà ta, giá bán từ 60 - 75 ngàn đồng/kg). Sáng kiến này đoạt "Giải C" Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ VII (2007 - 2008). Sáng kiến này có ý nghĩa rất quan trọng bởi nó gắn với sự ra đời của Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi và thủy sản Gò Công (năm 2007) do anh làm chủ nhiệm. Qua 7 năm hoạt động, HTX đã góp phần khuếch trương cho thương hiệu gà ta Gò Công - một sản phẩm "độc nhất, vô nhị" của Tiền Giang. Hiện tại, HTX có 50 hộ (xã viên) nuôi giống gà trên với quy mô 120 ngàn con, mỗi tháng cung cấp khoảng 100 ngàn con giống cho xã viên (được ưu tiên) và các trại chăn nuôi thuộc các tỉnh...

Hơn 14 năm gắn bó với nghề, kỹ sư Võ Quốc Kiệt luôn tận tụy với công việc, không ngừng tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo ra nhiều giải pháp hữu ích phục vụ sản xuất và đời sống. Với những thành tích nổi bật trên, anh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong công tác, lao động, sản xuất từ năm 2000 - 2004; được Chủ tịch UBND tỉnh tặng danh hiệu "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" nhiều năm liền và danh hiệu "Trí thức khoa học - công nghệ tiêu biểu năm 2013"... Đặc biệt, với vai trò là người thuyền trưởng, anh đã chèo lái, giúp HTX chăn nuôi và thủy sản Gò Công từng bước vươn lên trở thành một trong những đơn vị kinh tế tập thể điển hình của tỉnh trong thời kỳ đổi mới...

Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Trưởng thôn giỏi nuôi rắn hổ mang

Ở thôn Vạn Tuế, xã Tân Việt (Thanh Hà, Hải Dương), anh Nguyễn Đắc Hồng không chỉ được biết đến là một trưởng thôn tận tụy với công việc, mà còn là người nhẫn nại, sáng tạo khi học nghề nuôi rắn hổ mang và duy trì nghề này ở thôn.

Khu chuồng rắn hổ mang của anh Hồng hiện đang nuôi khoảng 600 con rắn. Để có được kết quả như vậy, anh Hồng đã trải qua rất nhiều khó khăn và thất bại. Là một nghề khá mới mẻ và đòi hỏi sự mạo hiểm, anh Hồng đã đi nhiều tỉnh, tham quan nhiều mô hình để học hỏi kinh nghiệm.


Con rắn hổ mang được anh Nguyễn Đắc Hồng chăm sóc hơn 1 năm. P.H

Anh bắt tay vào nghề từ năm 2010 với 65 con rắn giống và tìm hiểu kỹ các điều kiện cấp phép nuôi, buôn bán động vật hoang dã để đăng ký nuôi hợp pháp. Thời điểm đó, giá con giống lên tới 700.000 đồng/con, do anh vẫn bỡ ngỡ về kỹ thuật chăn nuôi nên rắn mắc bệnh và chết nhiều, 50 triệu đồng vốn đầu tư ban đầu gần như mất trắng. Chị Nguyễn Thị Hương - vợ anh Hồng tâm sự: "Số tiền đó chúng tôi vay ngân hàng để đầu tư nên gia đình cũng rất lo, nhưng anh vẫn quyết tâm theo đuổi nên tôi cũng phải theo chồng".

Rút ra bài học từ lần đầu thất bại, thay vì mua những con rắn có kích cỡ lớn về nuôi, anh Hồng chuyển sang mua những con rắn nhỏ và áp dụng cách nuôi gối. Rắn giống được mua từ Hà Nam và Vĩnh Phúc, loại rắn hổ mang đen và trắng được người dân nuôi phổ biến vì chúng dễ thích nghi với môi trường.

Thức ăn của loài rắn chủ yếu là cóc giá 40.000-50.000 đồng/kg, trung bình lượng thức ăn cho 1kg rắn là 7kg mồi. Để tiết kiệm chi phí, anh Hồng cho đàn rắn làm quen với nguồn thức ăn rẻ hơn là gà, vịt hỏng từ các trang trại. Sau 2 năm, rắn có thể đạt trọng lượng từ 1,5 - 2kg/con và có thể xuất bán.

Anh Hồng cho biết, nuôi rắn đòi hỏi kỹ thuật cao, từ việc chọn con giống đến việc điều chỉnh thuốc phòng bệnh khi thay đổi thức ăn và thời tiết. Nhưng cái khó không phải là kỹ thuật, mà là thị trường. Gần đây thị trường rắn đột nhiên xuống giá, trước đây mỗi đợt rắn bán ra đạt từ 800.000 đến 1 triệu đồng/kg, nhưng giờ giảm xuống còn 500.000-600.000 đồng/kg.

Gặp phải khó khăn như vậy, không ít hộ gia đình đã phải bỏ nghề để chuyển sang nuôi con khác, nhưng anh Hồng vẫn kiên trì theo đuổi nghề, có những bước phát triển mới, cải thiện được cuộc sống gia đình rõ rệt.

Trong quá trình nuôi rắn, anh Hồng không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ các trang trại của những gia đình khác, tìm tòi từ sách báo, tài liệu. Nhờ vậy, từ lần nuôi thứ 2 anh đã áp dụng thành công kỹ thuật tự cho rắn cái ấp nở và tạo được những giống có chất lượng cao. Trong nhà anh hiện có 17 thùng nuôi rắn, mỗi thùng có 25-30 con, mỗi tháng thu lãi từ 5-7 triệu đồng. Gần đây nhất, anh bán được hơn 1 tạ rắn sau 1,5 năm nuôi, thu về 130 triệu đồng.


Ông Nguyễn Quang Mật - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Việt cho biết: "Anh Hồng là người dám nghĩ dám làm, mạnh dạn ứng dụng KHKT vào chăn nuôi rắn. Từ mô hình nuôi rắn của anh Hồng, chúng tôi sẽ vận động hội viên đến tham quan học tập kinh nghiệm để từng bước nhân rộng".


Hiện nay, những người bắt đầu làm nghề nuôi rắn đều đến nhà anh Hồng học hỏi kinh nghiệm, 2 mô hình nuôi ở xã Cẩm Chế đã thành công nhờ việc trao đổi này.

Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

Trồng điều kết hợp chăn nuôi

Nông dân Lý Ngọc Phúc (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) đã thu được hiệu quả kinh tế cao nhờ biết kết hợp trồng điều và nuôi heo, gà thả vườn...


Biết tính toán và chăm sóc cẩn thận, cây điều sẽ cho trái ngọt

Sau 23 năm gắn bó với cây điều, anh Lý Ngọc Phúc vẫn có thu nhập đều đặn nhờ năng động trong việc kết hợp cây - con trong vườn điều một cách khoa học.

Anh sinh ra ở TPHCM, nhưng khi bước vào tuổi trưởng thành, hoàn cảnh đưa đẩy anh đến huyện Thống Nhất để lập nghiệp. Ở đây anh cưới vợ và mua được 5.000 m2 đất rẫy ở xã Hưng Lộc để trồng bắp, sau đó trồng cà phê. Do khu vực này thường xuyên thiếu nước nên cà phê không sinh trưởng được. Anh liền bán số rẫy trên và tìm đến xã Bàu Hàm 2 mua hơn 1 ha rẫy tiếp tục trồng cà phê.

Anh kể: "Trồng cà phê quan trọng nhất là phải có nước, vì thế tôi phải khoan giếng sâu 47 m. Vậy nhưng, nhiều lần ngồi chờ bơm nước nóng cả ruột mà nước bơm lên rất ít. Vì thiếu nước nên gần 5 năm trồng cà phê, tôi lại đón nhận sự thất bại, chán nản vô cùng.

Giữa lúc này có phong trào trồng điều, tôi liền làm theo. Cây điều quả cũng lạ, có sức sống mãnh liệt, không chỉ chịu được nắng hạn, thiếu nước mà cả đất cằn cỗi bạc màu vẫn sống khỏe. Vườn điều của gia đình tôi nhanh chóng thu được hạt chỉ sau vài năm kiên trì chăm sóc!".

Theo Cục Trồng trọt, cây điều sẽ được quan tâm hỗ trợ tối đa để phát triển đúng với tiềm năng. Trong đó, chương trình tái canh, cải tạo khôi phục vườn điều có vai trò đặc biệt quan trọng, là cơ hội để nâng cao chất lượng vườn điều, tăng năng suất, hiệu quả và xác định vị thế cây điều trong cơ cấu cây trồng nước ta.
Cục Trồng trọt cũng tham mưu Bộ NN-PTNT trình Chính phủ sớm ban hành quyết định về một số chính sách hỗ trợ trồng mới, tái canh bằng giống điều có năng suất, chất lượng cao và thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.

Anh Phúc cho biết, thuận lợi lớn nhất là cây điều ít công chăm sóc. Ví dụ như làm cỏ, chỉ vài năm đầu, sau khi lớn cành giao nhau, coi như không phải làm cỏ. Rồi bỏ phân cũng chỉ 2 đợt/năm, đợt 1 thu hoạch xong, đợt 2 sắp hết mùa mưa bón phân NPK kêt hợp với phân chuồng. Đặc biệt, để tăng thu nhập, anh Phúc còn có sáng kiến chăn nuôi heo gà trong vườn điều. Hiện tại, anh nuôi tới 100 con heo và 200 con gà thả vườn.

"Ngoài thu tiền bán heo gà, tôi còn tận dụng được phân hữu cơ để bón cho cây điều, vừa giảm được chi phí vừa giúp đất không bị bạc màu", anh nói.

Do biết kết hợp các yếu tố kỹ thuật trồng, chăm sóc nên đến nay 1 ha điều của anh mặc dù đã hơn 20 năm tuổi vẫn cho năng suất trên dưới 1,5 tấn. Tuy điều so với các cây trồng khác thường bị so sánh hiệu quả kinh tế không cao, nhưng nhờ biết kết hợp mô hình điều - heo - gà nên gia đình anh Phúc có thu nhập khá.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài mô hình của anh Phúc, xã Bàu Hàm 2 có vùng chuyên canh điều rộng gần 70 ha ở Đồi Đỏ, nhưng do không được đầu tư nên SX vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún.

Anh Phúc cho biết, muốn hiệu quả hơn thì người trồng điều ở đây cần phải linh hoạt trong cách nghĩ, cách làm. Phải chăm sóc, cải tạo lại vườn điều để tăng năng suất, chất lượng; đồng thời kết hợp chăn nuôi để có thêm thu nhập.

"Nhà nước cần tiếp tục có thêm chính sách để hỗ trợ cho bà con nông dân như vốn, giống, kỹ thuật để hỗ trợ cây điều phát triển. Tôi thấy rằng, nhờ có chính sách tốt mà cây thanh long ở ngay vùng cát nóng Bình Thuận, Ninh Thuận đã trở thành cứu cánh giúp nhiều nông dân khá giả.

Vậy không lý gì người trồng điều ở vùng đất Đồng Nai, Bình Phước lại không vực dậy cây điều hiệu quả hơn, khi được quan tâm đúng mức. Nếu có chính sách tốt và giá ổn định, thì điều không chỉ là cây thoát nghèo mà chắc chắn có thể giúp nhiều nông dân làm giàu", anh Phúc khẳng định.

Đồng Nai có khoảng 47.000 ha trồng điều tại các huyện Xuân Lộc, Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán, Cẩm Mỹ, sản lượng đạt trên 50.000 tấn, năng suất bình quân 1,1 tấn/ha. Lợi nhuận bình quân của người trồng điều ước khoảng 20 triệu đ/ha. Mặc dù lợi nhuận cây điều chưa cao, nhưng đây là cây có khả năng phát triển tốt trên vùng đất xám bạc màu và không chủ động được nước tưới.

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

Người tù hoàn lương nuôi chim bồ câu

Bị liệt nửa người, anh Đỗ Văn Kỳ và vợ vẫn tự nuôi 1.500 chim bồ câu trong ngôi nhà 7 tầng ở xã Thượng Mỗ (Đan Phượng, Hà Nội).

Hơn 5h sáng, anh Kỳ đã trở dậy. Người đàn ông 39 tuổi lật miếng ván bên cạnh giường, ở đó có sẵn vòi nước, bàn chải, khăn mặt để vệ sinh răng miệng. Vẫn ngồi trên giường, anh xem thời sự, lướt web trong khi chị Nguyễn Thị Phượng, vợ anh, chuẩn bị đồ ăn sáng. Chừng một tiếng sau, hai vợ chồng bắt đầu ngày làm việc.

Để di chuyển, anh Kỳ dồn sức vào hai tay, nâng nửa cơ thể bị liệt ngồi vào chiếc xe lăn rồi bấm thang máy lên các tầng từ 3 đến 7. Đôi chân bất động nhưng đôi tay anh thoăn thoắt, vừa đẩy xe, vừa bốc ngô, lúa, thay nước, dọn phân cho chim. Một lúc sau, 1.500 con chim bồ câu và gần 100 chú gà tre được ăn no nê.

Cho chim ăn xong, chị Phượng giúp chồng ngồi lên chiếc xe máy có gắn thêm xe kéo phía sau để chở chim cho khách hoặc đi thu mua nông sản. Buổi tối, vợ chồng anh dành khoảng một tiếng đồng hồ đi soi trứng và kiểm tra lại chuồng nuôi.



Sau một tai nạn lao động năm 29 tuổi, anh Đỗ Văn Kỳ bị liệt nửa thân dưới. Anh khởi nghiệp nuôi chim bồ câu và có được thu nhập tốt từ công việc này. Ảnh: Phan Dương.


Năm 2012, anh Kỳ xây ngôi nhà 7 tầng này định làm khách sạn mini. Đến nay ngôi nhà đã hoàn thành việc xây dựng nhưng chưa có nhiều đồ đạc. Thấy thời điểm này kinh doanh nhà nghỉ khó khăn nên anh quyết định biến 5 tầng với 12 phòng nghỉ thành nơi nuôi chim.

"Khi làm nhà, tôi đã tính toán phù hợp với sức khỏe của mình. Thang máy đưa tôi di chuyển lên các tầng. Bậc thang phải làm thoải, tiện cho người khuyết tật đi lại. Hệ thống điện bố trí ngay đầu giường, vòi nước cạnh đó tiện cho tôi nhất. Nhà vệ sinh cũng được làm hợp lý, không cần phải nhờ đến vợ con", anh Kỳ cho hay.

Trước đây, anh Kỳ từng phải chịu án 7 năm tù vì buôn hàng cấm. Sinh ra trong gia đình 6 người con, Kỳ chỉ học đến lớp 3 thì bỏ. Lớn lên anh lang bạt vào miền Nam làm đủ nghề sinh sống. Tuổi trẻ nông nổi, anh đã đi theo con đường lầm lạc. Thời gian ở tù, anh mong mỏi cải tạo tốt, được trở về quê làm ăn lương thiện, lấy vợ sinh con.



Từng nuôi lợn, chó, dế, anh Kỳ thấy, nuôi chim bồ câu là phù hợp nhất với sức khỏe của mình. Mỗi tháng, riêng chim bồ câu mang lại cho anh khoảng 35 triệu đồng tiền lãi. Ảnh: Phan Dương.


Năm 2004, khi đã chịu án được 4 năm thì trong một lần lao động, anh bị cây đè ngang người, máy cưa rơi vào chân, chẩn đoán mất 95% sức khỏe. Anh Kỳ giãi bày: "29 tuổi, tôi đột ngột bị liệt phải nằm bất động trên giường. Tuyệt vọng, hai lần tôi tìm đến cái chết. Cán bộ trại giam phải bố trí một người chăm sóc. Mẹ già từ ngoài Bắc cũng được cho vào trông nom. Tôi cứ nằm như vậy cho đến ngày ra tù hai năm sau đó".

Hơn chục năm xa nhà, anh Kỳ trở về quê hương với hai bàn tay trắng, một thân hình bất động cùng tai tiếng vào tù ra tội. Bị anh em coi khinh, xóm giềng thương hại, anh vẫn gượng dậy quyết chí bắt đầu lại cuộc đời. Để có sức khỏe, anh bắc xà đơn trên giường tập hít lên xuống. Luyện tập nhiều, anh có thể ngồi dậy đi xe lăn được. Với 10 triệu đồng mẹ giúp, anh nuôi lợn nái, chó, giun đất, dế mèn... Qua 3 năm, anh đã nhân lên được vài trăm triệu đồng.

"Thời điểm đó khổ cực, nhục nhã vô cùng. Trợ cấp cho người khuyết tật được hơn 100.000 đồng, tôi dành để mua bã đậu nuôi lợn. Tôi mua thêm cá mắm về nuôi lợn và nhặt những con chưa nát mấy để ăn", anh hồi tưởng, hai mắt hoe đỏ.



Gia đình hạnh phúc của anh Kỳ, vợ và con gái. Vợ chồng anh đang chuẩn bị làm thụ tinh ống nghiệm để có một đứa con chung. Ảnh: Phan Dương.


Trong một lần mua dế giống năm 2010, anh Kỳ gặp được một nửa của mình là chị Nguyễn Thị Phượng, quê Vĩnh Phúc. Chị Phượng là một người mẹ đơn thân, làm nghề gánh gạch nuôi con. Ngay khi gặp, anh nói rõ mình bị tàn tật, không thể có con. Chẳng ngờ ba ngày sau, chị Phượng chủ động gọi điện báo sẽ sang nhà anh chơi.

"Vài lần đi lại, tôi cảm phục nghị lực của anh ấy, thương anh chỉ một thân một mình làm lụng. Tôi muốn ở bên cạnh, làm đôi tay, đôi chân cho anh. Dù gia đình phản đối, tôi vẫn dắt theo con gái 3 tuổi về ở với anh", chị Phượng cho biết. Sau 4 tháng, họ tổ chức đám cưới, rồi về nhà ngoại tạ lỗi. Một năm sau, hai người mới đăng ký kết hôn.

Có chị Phượng giúp sức, anh Kỳ quyết định chuyển sang nuôi chim bồ câu. Đợt đầu, vợ chồng anh mua 200 đôi với chi phí 44 triệu đồng, nhưng về tới nhà đàn chim chết gần hết. Sau đó, anh tìm được một trang trại giống đảm bảo và từ đó chỉ nhập hàng ở đây. Nuôi chim mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với các vật nuôi trước đó. Với 1.400 con, mỗi tháng anh lãi khoảng 35 triệu đồng. Ngoài ra, Kỳ còn nuôi gà tre cảnh và có thêm một số hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ khác.

Người đàn ông 39 tuổi ước ao có một đứa con chung nên vợ chồng dự tính làm thụ tinh ống nghiệm. Sang năm chị Phượng mới mang bầu nhưng hiện tại anh đã thuê thêm hai người làm, giúp vợ san sẻ công việc.


Bà Nguyễn Thị Sen, Chủ tịch hội Chữ thập đỏ huyện Đan Phượng (Hà Nội), cho biết, anh Đỗ Văn Kỳ là một người khuyết tật nhưng có nghị lực vươn lên làm giàu. Mô hình nuôi chim tại nhà của vợ chồng anh cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, cơ sở của anh là đầu mối cung cấp chim bồ câu giống Pháp cho toàn huyện.

"Cơ thể không lành lặn nhưng anh Kỳ rất chăm chỉ, có đầu óc làm kinh tế. Anh ấy còn tích cực làm từ thiện, giúp đỡ nhiều gia đình khó khăn. Vừa rồi anh Kỳ được tặng bằng khen Tấm lòng vàng của Hội chữ thập đỏ thành phố và của huyện vì giúp đỡ nhiều gia đình cũng nuôi chim như anh", bà Sen cho biết thêm.

Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

Vườn điều ông Gẫm

Ông Nguyễn Văn Gẫm ở ấp Tam Bung, xã Phú Cường, huyện Định Quán, Đồng Nai là chủ nhân của một trang trại trồng điều rộng 12 ha.


Vườn điều ông Gẫm Kiên trì cải tạo vườn điều sẽ giúp bà con có thu nhập ổn định

Nhờ kiên trì trồng điều, ông đã cất được nhà mặt tiền quốc lộ 20 và trở thành một trong những người khá giả nhất vùng này.

Chúng tôi gặp ông Gẫm trong vườn điều rộng thênh thang được gia đình ông gây dựng suốt mấy chục năm qua. Biết trước có khách đến chơi, ông bảo người nhà mang một đĩa hạt điều còn nóng hổi, thơm lừng mời khách.

Ông nói: "Khách tới nhà không trà thì bánh, các chú thông cảm, ở đây không có trà, không có bánh, chỉ có hạt điều bà xã vừa rang xong thôi, các chú dùng thử, coi có ngon không?".

Không biết hạt điều ngon hay chủ khéo mời, tôi bốc một nhúm hạt ăn thử. Phải công nhận, một thứ hạt tưởng chừng rất bình thường, nhưng khi ăn lại cảm nhận được rất nhiều mùi vị, thơm thơm, béo béo, ngậy ngậy, rất đặc trưng. Ở miền Bắc vào mùa đông, những ngày rét đậm mà có đĩa hạt điều rang, vừa ăn vừa uống nước trà thì không gì tuyệt bằng.

Hồi tưởng lại những tháng ngày đầu vất vả, ông Gẫm kể: "Khu vực này trước đây còn hoang sơ lắm, hầu như không có dân, chỉ có công nhân làm nông trường trồng dứa, trồng mía, củ mì... Do làm ăn không hiệu quả, vài năm sau nông trường giải thể, một số người bỏ về quê hoặc chuyển đi nơi khác làm ăn. Chính vì vậy đất đai lúc đó rẻ lắm. Thấy thế, tôi gom hết vốn liếng trong nhà và mượn thêm tiền bạn bè mua liền 5 ha đất.

Năm 1987 tôi bắt đầu trồng điều (giống điều hạt) và nhanh chóng vườn điều đơm bông kết trái. Những năm đầu thu hoạch điều vừa trúng giá, vừa được mùa, nên bao nhiêu tiền có được, tôi lại tiếp tục đầu tư mua thêm đất để trồng. Tới giờ gia đình đã có 12 ha điều cho thu hoạch năng suất cao, kinh tế gia đình ngày một ổn định hơn...".

Nhằm nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm, tới đây ông Gẫm sẽ phá bỏ một số diện tích giống điều hạt già cỗi, chuyển sang trồng giống điều ghép cho năng suất cao hơn.

Theo ông Gẫm, cây điều trồng được trên nhiều loại đất, nhưng thích hợp nhất là loại đất đỏ. Cây điều là cây lâu năm, bà con lưu ý nên trồng thưa, khoảng cách từ 10 - 12 m/cây. Nếu trồng dày quá cây điều ít trái, hoặc không có trái. Ngoài kỹ thuật bón phân, hằng năm phải tỉa cành, tạo tán, làm vệ sinh đồng ruộng, bón phân sau thu hoạch để bổ sung dinh dưỡng cho cây.

Đặc tính của cây điều hạt phải trên chục năm trở đi năng suất mới cao và ổn định. Nếu phá đi phải mất nhiều năm sau mới gây dựng lại được. Mấy năm gần đây, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, cây điều bị kém năng suất, giá cả không ổn định, người dân thi nhau chặt điều trồng các loại cây khác, như cây cao su, tiêu, sầu riêng...

Tuy nhiên, ông Gẫm vẫn kiên trì vì năng suất điều luôn đạt từ 3 - 3,5 tấn/ha, giá có xuống thấp vẫn cho thu nhập đều đặn.

Qua nhiều năm gắn bó với cây điều, ông Gẫm đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm để chia sẻ với bà con. Ông nói: "Năm nay thời tiết bị lạnh nhiều, xuất hiện nhiều bọ xít muỗi đỏ và bọ trĩ (con rầy lửa) chích bông, làm cho hạt phát triển kém, hạt không bóng láng. Cách phòng trừ bọ xít muỗi đỏ là vệ sinh vườn điều, dọn sạch cỏ dại, hun khói vào sáng sớm hoặc chiều tối.

Khi phát hiện vườn điều bị bệnh thì phun thuốc vào lúc cành lá non (tháng 10), lúc cây ra bông (tháng 12) và lúc trái non rộ (tháng 2, 3). Chú ý phun thuốc vào lúc sáng sớm, chiều mát mới phát huy được hiệu quả.

Các loại thuốc đặc trị bọ xít muỗi đỏ là Dibamerin 10EC, Cyperan 10EC, Phiromin 50SC. Chú ý, khi phải sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh gây hại cho cây điều nên dùng các loại có độ độc thấp và phun xịt theo phương pháp 4 đúng (đúng thuốc, đúng nồng độ, đúng thời điểm và đúng cách).

Sau nhiều năm kiên trì tích góp nhờ trang trại trồng điều, gia đình ông Gẫm đã xây được nhà kiên cố ở mặt tiền quốc lộ 20. Ông còn mua sắm được nhiều máy móc để phục vụ cho SX nông nghiệp (máy cày, máy tưới, máy xịt thuốc sâu...); đồng thời tạo điều kiện cho 20 lao động làm theo thời vụ với thu nhập 120.000 - 150.000 đồng/ngày/người.

Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Trở thành tỉ phú từ trồng hoa ly

Trồng 4 mẫu hoa ly, trung bình mỗi năm, anh Bùi Tuấn Hải (SN 1981, trú tại xã Song Phượng, Đan Phượng, Hà Nội) thu nhập gần một tỉ đồng.

Anh Hải kể, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Xây dựng (năm 2003), anh làm việc tại một công ty xây dựng, đúng với chuyên ngành đã học. Tuy nhiên, thu nhập thấp không đủ tiền chi tiêu, chăm lo cho cuộc sống của bản thân và gia đình, anh chuyển sang đi buôn bán tạp hóa và bán hoa vào những dịp lễ tết.


Sau thời gian buôn bán, anh quen một người bạn bán củ giống hoa ly và biết được rằng, giá của củ hoa ly làm giống chỉ 14– 15 nghìn đồng/củ. Trong khi cứ mỗi dịp lễ tết, giá hoa ly bán lẻ tại các chợ nội thành lên tới 40- 60 nghìn đồng/cành, thậm chí còn hơn thế nữa.


Tại nhiều cửa hàng hoa lớn ở trung tâm thành phố Hà Nội, ngày 30 Tết gần như “cháy” hoa ly. Do bền màu, dáng đẹp, bắt mắt, dễ bài trí, nên hoa ly được nhiều người dân ưa chuộng.


Bùi Tuấn Hải


Sau khi được bạn giới thiệu về mô hình trồng hoa ly không quá phức tạp mà hiệu quả kinh tế cao, thực tế cho thấy, so với trồng lúa hoặc rau màu, hoa ly mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần, anh Hải mạnh dạn chuyển đổi cách làm kinh tế sang trồng hoa ly làm giàu.


Năm 2010, anh Hải đầu tư 5 sào đất và trồng ly. Từ đất trồng lúa ban đầu, anh cải thiện lại mặt ruộng, chất đất và hạ tầng phù hợp với loài hoa này. Tuy nhiên, kinh nghiệm, kĩ thuật chăm sóc giống hoa ly anh chỉ học qua mạng và sách vở nên áp dụng vào thực tế có sự vênh nhau, hoa bị hỏng nhiều, kém năng suất, rất khó bán. Khoản đầu tư ban đầu hết 500 triệu đồng, anh thu hoạch chỉ được 400 triệu đồng/5 sào ly.


Bị lỗ, anh cũng có lúc nao núng tinh thần, chán nản nhưng ý chí quyết tâm không đầu hàng. Năm 2011, anh tăng lên 10 sào Bắc bộ. Nhưng lần này, anh Hải đi học hỏi kinh nghiệm rất tỉ mỉ từ làng hoa Tây Tựu. Anh thực hiện các khâu trồng, chăm sóc hoa rất bài bản, khoa học hơn. Vụ thu hoạch này, anh đã lãi 400 triệu đồng/10 sào ly.


Tuy nhiên, để có những đóa hoa tươi thắm, đẹp mắt đó, anh và người vợ trẻ cùng những người lao động làm thuê cho anh phải “một nắng hai sương”, vất vả lo toan, tất bật chăm sóc tỉ mỉ từng cây hoa. Anh Hải chia sẻ: “Xác định theo nghề nông nghiệp, trồng hoa thì phải chân lấm tay bùn, phải yêu hoa thì mới có thể thành công”.


Trải qua hơn 3 năm trồng hoa làm kinh tế, anh Hải rút ra nhiều bài học chăm sóc giống hoa ly. Mỗi năm một trải nghiệm, kinh nghiệm cũng thêm dầy dặn hơn, anh bàn với vợ và gia đình đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị, khung giàn thép, ni lông che phủ, củ giống hoa và mở rộng diện tích gieo trồng. Đến năm nay, trang trại ly của gia đình anh rộng 4 mẫu.


Diện tích tăng lên, thị trường ổn định, anh thường bán buôn cho các tỉnh phía bắc và bán ngoài chợ Quảng Bá (Hà Nội), nghề trồng hoa của anh cũng đỡ vất vả hơn, thu nhập cao hơn. Bình quân hàng năm, với 4 mẫu hoa ly, gia đình anh thu về cả tỉ đồng.


Hiện nay, ngoài việc phát triển kinh tế của gia đình, anh Bùi Tuấn Hải còn giúp đỡ những người có mong muốn làm giàu từ hoa ly. Với anh kiếm được thu nhập trên chính đồng đất quê hương là điều mong mỏi nhất. Vì vậy, anh luôn có thiện chí truyền đạt kinh nghiệm của mình cho nhiều người khác để cùng nhau phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương.


Anh Bùi Tuấn Hải còn hăng hái trong các hoạt động xã hội, tích cực tham gia đoàn thể, hỗ trợ thanh niên địa phương làm giàu, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, giúp đỡ mọi người nhân rộng mô hình…

Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

Cặp cử nhân trồng rau mầm!

Đang có chỗ làm tốt với thu nhập khá, vợ chồng cử nhân trẻ mới tốt nghiệp Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp VN) từ bỏ công việc nhiều người mơ ước, trở về nhà SX rau mầm.


Chị Toan kiểm tra, chăm sóc rau mầm tại cơ sở Châu Anh

Đó là vợ chồng anh Nguyễn Duy Tuấn, chị Đoàn Thị Toan ở thôn 4, xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, Hà Nội, chủ cơ sở SX rau mầm Châu Anh, một trong 5 đơn vị đầu tiên được Chi cục BVTV Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Một chiều cuối tháng 7, chúng tôi tới thăm cơ sở Châu Anh khi chị Toan đang cặm cụi với những giá rau mầm sắp đến ngày thu hoạch. Không ngờ, với diện tích nhà xưởng khiêm tốn khoảng 100 m2 mỗi ngày tại đây cung cấp hàng chục kg rau mầm cho người tiêu dùng Thủ đô.

Giới thiệu khu nhà xưởng với hệ thống kệ, giá trồng rau mầm xếp san sát, chị Toan chia sẻ, sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành BVTV, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội như bao sinh viên cùng trang lứa, anh Tuấn, chồng chị đầu quân làm tại DN thuốc BVTV, còn chị công tác ở một tổ chức phi chính phủ. Sau 5 năm làm công tác thị trường, đi nhiều nơi ở miền Bắc, bản thân anh chị cảm thấy lo lắng trước thực trạng sử dụng thuốc BVTV.

Trong quá trình công tác có tham gia một dự án về rau mầm, chị Toan nhận thấy ý nghĩa, tiềm năng của mặt hàng rau sạch này nên bàn với chồng mở xưởng trồng rau cung cấp cho nhà hàng, siêu thị tại các quận nội thành của Hà Nội.

Lãnh đạo Chi cục BVTV Hà Nội cho biết, đơn vị đã cấp giấy chứng nhận cho 5 cơ sở đủ điều kiện ATTP trong SX, sơ chế rau mầm tại Hà Nội. Ngoài cơ sở Châu Anh còn có cơ sở SX rau mầm sạch Hoàng Đo (Chương Mỹ); cơ sở SX rau mầm Thanh Hà (Thường Tín); hộ SX rau mầm Nguyễn Thế Tuấn (Đông Anh) và Cty CP Công nghệ sinh học (Nam Từ Liêm).

Nghĩ là làm, được sự động viên của vợ, anh Tuấn xin nghỉ việc cùng vợ thực hiện ước mơ SX rau xanh, trước là phục vụ bữa ăn của gia đình, sau là cung cấp cho người tiêu dùng.

Đang dở câu chuyện, anh Tuấn vừa giao hàng về nhanh miệng góp chuyện, để có được kỹ thuật, mối hàng như hiện nay, vợ chồng anh mất trắng không biết bao nhiêu mẻ rau mầm.

Anh tâm sự: "Trồng rau bình thường đã khó, trồng rau mầm còn khó hơn nhiều, đặc biệt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thất thường như tại miền Bắc nước ta. Rau mầm rất khó tính, nếu không tưới đủ nước chúng sẽ chết khô mà tưới nhiều nước là cây chết úng nên nhiều bữa vợ chồng tôi vừa tưới xong vào ăn được bát cơm ra đã thấy những khay rau xanh mơn mởn thối không còn cọng nào".

Theo vợ chồng anh Tuấn, thường mùa đông dễ trồng rau mầm hơn mùa hè. Hiện tại, cơ sở Châu Anh trồng chủ yếu 5 loại rau mầm là củ cải trắng, củ cải đỏ, rau muống, hướng dương và thỉnh thoảng có thêm giá đỗ theo đơn đặt hàng.

Trong các loại rau mầm trên, củ cải trắng và đỏ đang là 2 loại rau mầm được tiêu thụ với số lượng lớn nhất. Bình quân, mỗi ngày cơ sở Châu Anh cung cấp cho các siêu thị, nhà hàng, cửa hàng tại nội thành Hà Nội từ 25 - 30 kg rau mầm, trong đó mầm cải chiếm tới 70 - 80%. Thu nhập mỗi tháng gần 20 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 2 lao động địa phương.

Được biết, 1 kg hạt rau cải có thể trồng được ra khoảng 5 kg rau mầm, còn 1 kg rau muống chỉ trồng được khoảng 3 kg rau mầm (do kích thước hạt rau muống to). Với mùa hè, từ lúc gieo hạt đến khi thu hoạch 5 - 7 ngày, còn mùa đông 8 - 10 ngày. Chị Toan khẳng định, cùng với nấm thì rau mầm là loại thực phẩm xanh, sạch nhất hiện nay vì ngay cả nước tưới cũng phải sạch.

Chị Toan tâm sự: "Cơ sở chúng tôi phải tự ý thức làm ra sản phẩm chất lượng nhất. Trạm BVTV huyện Gia Lâm ngày nào cũng cử 1 cán bộ tới cơ sở của chúng tôi giám sát và cấp tem chứng nhận rau an toàn nên người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm. Chúng tôi nhận thấy, từ ngày cơ sở Châu Anh được dán tem nhận diện, việc tiêu thụ rau mầm thuận lợi hơn, người tiêu dùng cũng yên tâm hơn".

"Rất nhiều người tiêu dùng sau khi ăn rau mầm xong thấy bụng khó chịu có gọi điện hỏi vợ chồng chúng tôi nghi ngờ về chất lượng. Nhân đây, chúng tôi xin lưu ý rằng, rau mầm có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, nếu ăn quá nhiều hay bị "rực bụng" thì cần có khẩu phần ăn ở mức độ vừa phải", anh Nguyễn Duy Tuấn, chủ cơ sở rau mầm Châu Anh.

Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

Chủ trại gà quý phi nghìn con

Vất vả khởi nghiệp với trại nuôi dế, có lúc phải đi bán rong để chào mời khách, đến khi thành công, anh Hợi ở Hưng Yên lại tiếp tục chuyển qua nuôi gà quý phi.

Xuất thân trong một gia đình nghèo khó ở nông thôn, Trần Huy Hợi (sinh năm 1983) huyện Phủ Cừ, Hưng Yên luôn nuôi mong ước làm giàu để có thể phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, với sức học kém nên anh Hợi không dám theo đuổi giấc mơ làm giàu từ con đường khoa cử.

Tốt nghiệp cấp 3, anh lên đường vào Nam làm đủ nghề từ phụ hồ, làm thuê tại các trang trại chăn nuôi, cho đến công nhân. Có thời điểm anh được cất nhắc làm tổ trưởng trong nhà máy nhưng anh vẫn nghĩ, nếu cứ đi làm thuê, sống xa quê thì cũng chẳng phụ giúp được nhiều cho gia đình. Năm 2006, anh Hợi bỏ về quê, tìm con đường làm giàu riêng.

Với suy nghĩ, ngành chăn nuôi đã cũ nhưng mình phải tìm ra những con gì người khác chưa làm, mới phát triển được. Do đó, anh lặn lội đến nhiều trang trại chăn nuôi từ cá tra, cá basa, cá chuối, kỳ đà, nhím... để học hỏi, phụ giúp, thậm chí không nhận tiền công. Khi trở về với số vốn 15 triệu đồng tích cóp suốt những năm đi làm thuê, anh Hợi quyết định mua dế giống về nuôi vì thấy đây là một mô hình mới ở miền Bắc. 

Anh Trần Huy Hợi bên trang trại gà quý phi. Ảnh: NVCC

Lúc đó những người dân ở quê còn xa lạ với món ăn từ dế nên đều can ngăn khi cho rằng anh sẽ không thành công. Thật không may, nuôi chưa được bao lâu, dế chết khá nhiều, anh bị thiệt hại khá lớn. Sau khi tìm ra nguyên nhân, anh vẫn tiếp tục mạo hiểm thêm một phen khi tăng số dế giống lên gấp 6 lần với khoảng 300 chậu dế. Rất may, số dế sinh trưởng tốt và có thể bán thương phẩm.

Tuy nhiên, bài toán đầu ra cho sản phẩm cũng không dễ dàng vì món dế lúc đó còn khá xa lạ với các nhà hàng tại miền Bắc. Có thời gian, anh phải mang dế đi bán rong, chào mời các nhà hàng, thậm chí là xào thử cho họ ăn. Khi dế bắt đầu được các nhà hàng mua nhiều, lúc đó anh quyết định thành lập Công ty TNHH Huy Lợi và xuất mặt hàng này sang Trung Quốc.

Công việc làm ăn khá thuận lợi, tuy nhiên, anh Hợi lại nghĩ đã đến lúc phải mở rộng mô hình, kết hợp thêm vật nuôi khác để phát triển đa dạng hơn. Đầu tiên, anh nuôi chim trĩ vì khi đó mặt hàng này còn khá mới. Vừa nuôi chim trĩ thương phẩm, vừa nhân giống, với đầu ra thuận lợi anh mạnh dạn đầu tư mở rộng số lượng. Cùng với đó, anh thuê đất của hợp tác xã để đầu tư xây dựng trại nuôi có quy mô hơn 1.000m2 với khoảng 1.000 con chim trĩ đỏ. Có lúc cao điểm, số chim trĩ tại trại của anh gấp 2-3 lần con số này.

Đầu năm 2011, tìm hiểu trên mạng và một số nơi, anh Hợi quyết định nuôi thêm gà quý phi khi thấy loại gà này đang được ưa chuộng, giá trị lại cao. Anh đã phải lặn lội đến nhiều hộ nuôi giống gà này và thuyết phục họ bán cho 50 con gà giống với tổng chi phí 75 triệu đồng. Ban đầu, khi gà mới sinh sản thì phát triển tốt. Tuy nhiên đến khoảng 15 ngày tuổi thì gà lăn ra chết dần.

Trong suốt 3 tháng, gà con chết hàng loạt khiến anh thiệt hại khoảng 40 triệu đồng. Nhưng bằng kinh nghiệm thực tế, rồi học hỏi trên mạng, suy ngẫm, anh tự đưa ra cách xử lý là giảm khẩu phần ăn, giữ ấm, thay đổi nhiệt độ theo mùa... cho đàn gà. Thoát được cửa ải đầu tiên, tưởng thành công đã mỉm cười thì anh lại vấp tiếp chướng ngại vật thứ hai. Gà được khoảng 4 tháng tuổi thì tiếp tục chết nhiều không rõ lý do. Lại mất một thời gian tìm hiểu, anh mới tìm ra nguyên nhân nhưng đã bị thiệt hại khoảng 150 triệu đồng.

Hiện anh Hợi đã giảm việc nuôi dế và chim trĩ đỏ để tập trung cho phát triển gà quý phi. Trại nuôi của anh có 1.000 con gà đẻ, mỗi tháng bán ra thị trường 500 gà thịt khoảng 1,3-1,5kg. Anh cho biết, chi phí cám và thuốc cho mỗi con gà đến lúc xuất chuồng tầm 100.000 đồng. Thức ăn cho gà chủ yếu gồm thóc, lúa, cám tổng hợp, rau xanh...

Theo anh Hợi, giá gà quý phi khá ổn định, khoảng 250.000 đồng một kg vì hiện nay nguồn cung không nhiều. Đầu ra của sản phẩm, chủ yếu anh bán cho các nhà hàng hoặc khách đến tận trại mua về làm quà biếu... Ngoài gà thịt, anh còn xuất bán hàng nghìn con giống với giá 30.000-40.000 đồng, gà làm cảnh khoảng 500.000-600.000 đồng mỗi con.

Hiện anh Hợi phải thuê thêm 2 người phụ giúp. Ông chủ trẻ hi vọng thời gian tới sẽ mở rộng diện tích nuôi, thậm chí triển khai một số trang trại ở các địa phương khác để cung cấp giống cũng như gà thương phẩm ra thị trường.

Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

Trồng rong nho trong ao tôm bỏ hoang thu bạc triệu

Tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, có hơn 1.000ha mặt nước hồ nuôi trồng thủy sản.

Những năm qua, nghề nuôi tôm thất bát nên nhiều hồ ao đành bỏ hoang. Mới đây, mô hình thí điểm trồng rong nho Nhật Bản trong ao nuôi tôm bỏ hoang tại hộ ông Nguyễn Đức Xuyên, thôn Bình Trung, xã Tam Hải, trên diện tích mặt nước 1.000m2, bước đầu đã thành công...


Rong nho và sản phẩm rong nho được trồng tại ao nuôi tôm của ông Nguyễn Đức Xuyên cho thu nhập cao.

Theo ông Nguyễn Đức Xuyên, được sự giúp đỡ về kỹ thuật và giống của Viện Nghiên cứu thuỷ sản III Nha Trang và Phòng NNPTNT huyện Núi Thành, ông tự ươm được 4,2 tạ giống rong nho. 3/4 giống rong, ông thả trong ao nuôi, số còn lại ông cho vào vỉ đan bằng tre.

"So với nuôi tôm trước đây, tôi thấy mô hình trồng rong nho Nhật Bản này hiệu quả hơn hẳn. Cây rong nho không đòi hỏi kỹ thuật cao, ít tốn thời gian, dễ chăm sóc, phát triển nhanh và thời gian thu hoạch ngắn, khoảng hơn 1 tháng đến 2 tháng sau khi trồng. Rong nho thả nuôi chừng 1 tháng, có độ dài khoảng 6 phân là tôi bắt đầu thu hoạch".

Đến nay, qua 3 tháng trồng thử nghiệm, tôi đã thu hơn 3 tấn rong nho từ ao nuôi tôm bỏ hoang này. Qua sơ chế, bán với giá 60 ngàn đồng/kg, tôi thu lợi gần 90 triệu đồng. Hiện sản phẩm rong nho của tôi đã đóng hộp, gửi giới thiệu sản phẩm ở một số nhà hàng, cửa hiệu ở TP.Tam Kỳ và đưa vào tiêu thụ ở Nha Trang (Khánh Hòa)".

Bà Hồ Thị Thương- Chủ tịch Hội ND xã Tam Hải cho biết: "Mô hình trồng rong nho trong ao nuôi tôm rất phù hợp với xã biển Tam Hải. Vì hiện tại, xã có nhiều ao nuôi bỏ hoang. Mặt khác, nó không ảnh hưởng đến môi trường, chi phí đầu tư thấp mà hiệu quả kinh tế lại cao. Tôi đang vận động nông dân dân hưởng ứng nhân rộng mô hình trồng rong nho trong ao nuôi tôm trên địa bàn xã".

Còn ông Nguyễn Đình Sơn- Phó phòng NNPTNT huyện Núi Thành khẳng định: "Mô hình trồng rong nho trong ao nuôi tôm bỏ hoang ở xã Tam Hải cơ bản đã thành công. Rong nho là đối tượng nuôi hấp dẫn ở một số nước như Philippines, Nhật Bản...

Ở nước ta, rong nho được trồng phổ biến ở huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa và TP.Cam Ranh. Rong nho là loại thức ăn ngon, bổ dưỡng, có tác dụng chữa hoặc làm giảm một số bệnh như đường ruột, tiểu đường, huyết áp cao... Rong nho biển còn có tác dụng kích thích tiêu hóa và diệt khuẩn.

Hiện tại, huyện Núi Thành đang hoàn chỉnh đề tài trồng rong nho trong ao nuôi tôm để nhân rộng ra trên toàn địa bàn huyện".

Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Thành triệu phú nông dân nhờ nuôi chim cút

Xã Đại Mạch, Đông Anh (Hà Nội) có hơn 100 hộ gia đình nuôi chim cút. Trong số đó, không ít người làm giàu từ loài gia cầm này, thu hàng trăm triệu mỗi năm.


Nuôi chim cút lấy trứng và thịt từ lâu đã là ngành nghề chính của các hộ nông dân Xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội. Những năm gần đây, nghề này đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho người nông dân, phần nào giúp xã Đại Mạch hoàn thành được các chủ trương xóa đói giảm nghèo. Trong các hộ gia đình nuôi chim cút nhiều tại xã Đại Mạch có gia đình anh Chiến ở thôn Đại Đồng. Nhà anh đang nuôi khoảng 15.000 chim cút trưởng thành, mỗi ngày gia đình thu được khoảng 13.000 trứng cút cung cấp cho các lò ấp và thị trường thực phẩm quanh Hà Nội.


Việc nuôi chim cút cũng giống như nuôi các gia cầm khác, có nhiều công đoạn khác nhau. Trứng chim cút đưa vào lò ấp khoảng 12 - 14 ngày rồi đưa một số ra bán trứng cút lộn, một số để đến 17 - 18 ngày thì nở. Sau khi chim cút nở sẽ được nuôi úm trong vòng 1 tháng rồi phân loại chim cút trống - mái và cho lên chuồng, tỷ lệ 1 trống - 2 mái. Các chim cút loại sẽ được bán làm chim thực phẩm lần một, mỗi chim được chừng 100g. Số chim này giao tới các lái buôn với giá 2.000 - 2.500 đồng/con.


Anh Chiến tiết lộ, có những thời điểm, lái buôn còn tìm đến hỏi mua những chim cút non 6 - 8 ngày tuổi với giá khoảng 1.500 đồng để giao cho các cửa hàng thực phẩm chế biến giả chim sẻ. Theo anh Chiến, chim này tuy không độc hại nhưng còn non, khách hàng không tinh ý sẽ bị lừa. Tuy nhiên, thời gian gần đây người dùng cũng cảnh giác hơn nên ít lái buôn mua loại chim này. Hơn nữa những người chăn nuôi như anh Chiến đều không muốn bán khi chim còn quá non vậy.


Chim cút nuôi chuồng từ lúc nở đến tháng thứ 2 thì cho ra trứng, tỷ lệ 8 trứng - 10 chim mỗi ngày. Giá trứng cút thay đổi theo giá thị trường, bình quân nhà anh bán với giá 500 đồng/quả, có thời điểm lên tới 750 đồng/quả nhưng cũng có những lúc chỉ 350 đồng/quả. Hiện tại, giá trứng cút đang ở mức khá cao, khoảng 700 đồng/quả. Một lứa chim cút thường kéo dài khoảng 6 tháng thì loại thành chim thực phẩm lần 2, mỗi chim được chừng 400g, bán cho các lái buôn giá 13.000 - 14.000 đồng/kg.


Một năm, gia đình anh Chiến nuôi 2 lứa chim cút, thu nhập từ chim cút sau khi trừ tất cả các chi phí thức ăn, thuốc phòng dịch, nhân công, chuồng trại, gia đình anh thu lại được chừng 500 -600 triệu đồng. Cơ ngơi này của gia đình anh Chiến có được cũng là từ nuôi chim cút, gà. Từ lúc trong tay không có một đồng vốn, anh đánh liều vay mượn ngân hàng và anh chị em bạn bè để đấu thầu đất canh tác và gây giống chăn nuôi. Thời điểm đầu kiến thức kinh nghiệm không có, thất bát nhiều, nợ nần tưởng không trả nổi, anh Chiến đã từng nghĩ đến bỏ cuộc. Nhưng được sự động viên của gia đình, bạn bè, anh chiến lại tìm cách đứng dậy làm lại. Những cái sai thì rút kinh nghiệm, lại đi học hỏi kiến thức nuôi trồng từ những hộ nuôi trồng lâu năm và những chuyên gia. Dần dần anh Chiến bắt đầu có lãi từ chăn nuôi, lại mạnh dạn đầu tư lớn hơn.


Tuy thu nhập ước tính như vậy, nhưng theo anh Chiến đó là may mắn 3 năm mới có được 1 năm thuận lợi từ chăn nuôi cho đến tiêu thụ. Thực chất chăn nuôi là nghề bấp bênh, người nông bị phụ thuộc vào sức mua thị trường, bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch. "Có những lúc trứng cút 200 đồng/quả mà không ai thèm mua, cũng có lần gặp dịch phải tiêu hủy cả đàn, thậm chí chỉ nghe thông tin về dịch, người tiêu dùng đã quay lưng với sản phẩm thịt, trứng gia cầm, khiến người nuôi khóc ròng" , anh Chiến chia sẻ.


Ngoài ra trên mảnh đất hơn 1.000m của mình anh Chiến còn nuôi khoảng 300 con gà thịt, 200 gốc bưởi diễn và 100m2 ao cá. Nghề chăn nuôi giúp gia đình anh trở thành 1 trong số những hộ gia đình có kinh tế tốt ở Xã Đại Mạch.


Anh Chiến tâm sự, trước kia Đại Mạch có đến hơn 300 hộ chăn nuôi, trong đó có đến hơn 200 hộ nuôi chim cút. Tuy nhiên sau rất nhiều lần bệnh dịch, thất bát, con số này giảm xuống còn hơn 100 hộ. Anh Chiến cho biết, người nông dân không ngại khó, ngại khổ, nhưng cũng luôn mong nhận được sự hỗ trợ, quan tâm nhiều hơn liên quan đến vấn đề vốn vay, tập huấn kiến thức, hướng dẫn. Ngoài ra anh cũng mong sở vệ sinh phòng dịch cũng theo sát hơn với tình hình thực tế, điều tra xét nghiệm kỹ trước khi công bố dịch, khi có dịch thì khoanh vùng chặt và cụ thể hơn. Có như vậy mới giúp người chăn nuôi sống và làm giàu được từ mảnh đất của mình.

Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Kiếm tiền tỷ từ việc đưa sản phẩm làm từ bèo ra nước ngoài

Với việc sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm từ mây, tre, cói và bèo tây chị Phả (Hà Nội) đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động, đồng thời đưa các sản phẩm làm từ bèo của Việt Nam đến với bạn bè năm châu.

Chị Nguyễn Thị Phả chủ cơ sở sản xuất hàng mây tre đan, bèo cói xuất khẩu Ngọc Phú, xã Tri Trung (Phú Xuyên - Hà Nội) bắt đầu làm nghề mây tre đan từ năm 1992. Đến năm 2000, chị bắt đầu làm thêm các sản phẩm thủ công từ nguyên liệu là bèo tây. Khi được hỏi về cơ duyên đưa chị đến với những sản phẩm từ cánh bèo, chị cười bảo: “Năm 2000, tôi nhận được một chiếc khay làm từ bèo tây từ trong Nam gửi ra, họ hỏi tôi có làm được chiếc khay như thế không? Tôi tháo ra để xem người ta làm bằng cách nào, cuối cùng tôi cũng làm được và bắt đầu làm các sản phẩm từ bèo”.
Bằng sự khéo léo chị Phả đã biến những cánh bèo tây thành đồ mỹ nghệ tinh xảo. Ảnh: Dân Việt.

Bằng bàn tay tài hoa và óc sáng tạo, chị Phả đã biến những cánh bèo mỏng manh thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp, tinh xảo với nhiều hình dáng, kích cỡ khác nhau.

“Mỗi năm chúng tôi làm khoảng 100 loại sản phẩm với kích cỡ, hình dáng khác nhau. Tôi thường tự tìm hiểu rồi sáng tạo ra những sản phẩm có kiểu dáng mới, lạ để số lượng mặt hàng thêm phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, chị chia sẻ.

Bằng bàn tay tài hoa và óc sáng tạo, chị Nguyễn Thị Phả đã biến những cánh bèo mỏng manh thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp, tinh xảo với nhiều hình dáng, kích cỡ khác nhau.

Sản phẩm thủ công làm từ mây, cói và bèo được thị trường ưa chuộng, nhất là sản phẩm làm từ bèo. Mỗi bộ sản phẩm làm từ bèo trên thị trường có giá 150.000 - 300.000 đồng (tùy theo hình dạng và kích cỡ của sản phẩm), một bộ có từ 2-3 sản phẩm. Sản phẩm thủ công làm từ bèo khá đa dạng như túi xách, khay đựng hoa quả, giỏ đựng đồ, thảm trải sàn...

Cơ sở sản xuất mây tre đan bèo, cói xuất khẩu Ngọc Phú hiện có 300 thợ thủ công, thu nhập trung bình đạt 2-2,5 triệu đồng một người một tháng. Ngoài ra, cơ sở cũng tạo việc làm cho nhiều nông dân trong xã lúc nông nhàn, các hộ gia đình có thể nhận sản phẩm về nhà làm, thu nhập tính theo số lượng sản phẩm, trung bình đạt 1,5-2 triệu đồng một tháng. Ở Tri Trung có khoảng 50 hộ đang làm gia công cho cơ sở sản xuất của chị Phả.

Cuối năm 2013, do nhu cầu thị trường, chị Phả mở thêm 1 cơ sở sản xuất ở Ninh Bình, hiện cơ sở này có khoảng 200 thợ thủ công. Mỗi tháng, 2 cơ sở của chị sản xuất khoảng 2.000-3.000 bộ sản phẩm, doanh thu khoảng 4-5 tỷ đồng một năm, trừ chi phí, lãi khoảng 250 triệu đồng.

Các sản phẩm thủ công do cơ sở sản xuất của chị Phả làm ra chủ yếu để xuất khẩu; các sản phẩm này đã có mặt ở rất nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Nga…

Bằng nhiệt huyết và lòng đam mê, chị Phả đã gắn bó với nghề hơn 20 năm nay. Năm 2013, chị vinh dự được công nhận là nghệ nhân, được Uỷ ban nhân dân huyện Phú Xuyên khen thưởng vì “Đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển làng nghề huyện Phú Xuyên giai đoạn 2011-2013”.

Khi được hỏi về dự định trong tương lai, chị Phả chia sẻ: “Sắp tới, tôi sẽ mở rộng cơ sở sản xuất hiện có và thành lập thêm một cơ sở sản xuất nữa để đáp ứng nhu cầu sản phẩm thủ công làm từ bèo của thị trường”.