Trang

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

Lãi tiền tỷ từ trồng cải bó xôi

Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại và tìm được đầu ra cho sản phẩm, trang trại rau bó xôi của ông Nguyễn Văn Thi thu lãi mỗi năm cả tỷ đồng.


Ngày trước, cũng trên mảnh đất này, đầu tắt mặt tối quanh năm, may mắn lắm, gặp lúc cây rau trúng gia đình ông Nguyễn Văn Thi mới dư được vài chục triệu đồng. Còn khi sâu bệnh hoành hành, mưa bão triền miên, sương muối gây hại, giá cả chạm đáy thì kiếm được vài trăm nghìn đối với ông Thi đã là may mắn. Bạn bè kinh doanh, buôn bán thành công xây biệt thự, tậu xe hơi mà gia đình ông sau nhiều năm vợ chồng con cái đua nhau làm mà nhìn lại vẫn chẳng có gì.

"Chạy vạy đủ tiền để làm một ha nhà kính đạt tiêu chuẩn để canh tác rau công nghệ cao đã làm cho cả nhà tôi toát mồ hôi. Hoàn thành nhà kính, bước vào sản xuất rau bó xôi còn khó khăn hơn nhiều, tôi và vợ lo lắng, phờ phạc cả người", ông Thi bộc bạch.

Ông Nguyễn Văn Thi bên nông trại bó xôi đang cho thu hoạch.


Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, ông Thi quyết định phải đổi mới kiểu canh tác, sản xuất hướng tới thị trường tiêu thu sản phẩn có chất lượng và thương hiệu của riêng mình. Quyết đoán, nghĩ là làm, lại được sự ủng hộ của vợ con, nông dân này mạnh dạn xóa bỏ cây bắp sú, xà lách, khoai tây… mà bấy lâu nay vẫn trồng, gia đình ông cũng đoạn tuyệt với kiểu canh tác nhỏ lẻ, mạnh mún để đến với sản xuất rau theo hướng công nghệ cao. Lần này, ông quyết định chuyên sản xuất cây bó xôi để cung cấp cho thị trường TP HCM.

Bao nhiêu vốn liếng tích góp được trong nhiều năm làm nông, vay mượn thêm của bạn bè, người thân trong gia đình, ông Thi chuyển toàn bộ một ha đất ngoài trời thành nông trại rau bó xôi trong nhà kính. Nhưng làm nông công nghệ cao không dễ dàng như ban đầu ông Thi nghĩ. Ngoài việc đầu tư thì yếu tố kỹ thuật canh tác và đầu ra cho sản phẩm cũng là một vấn đề nan giải, không thể thiếu.

Những lứa bó xôi đầu tiên gặp nhiều khó khăn, phần thiếu kỹ thuật canh tác, phần bế tắc đầu ra. Chính vì vậy, ngoài việc cậy nhờ kỹ thuật trồng bó xôi từ những người đi trước, ban đêm vợ chồng ông Thi còn lên mạng mày mò, tìm kiếm những trang thông tin điện tử hướng dẫn cách trồng, chăm sóc và bảo quản rau sau thu hoạch để đảm bảo rau bó xôi có chất lượng tốt nhất.

Theo ông Thi, rau bó xôi là một cây khó tính, nếu chỉ trồng ngoài trời và chăm bón không đúng quy trình thì rất khó phát triển, khả năng thất bại chiếm tỷ lệ rất cao. Bó xôi cũng là cây thân mềm nên rất khó bảo quản, vận chuyển. Để tiêu thụ ở các tỉnh xa cần phải có xe đông lạnh chuyên dụng. Khó khăn không thể khiến gia đình anh Thi nản lòng. Chịu khó học hỏi, tìm tòi, gia đình ông nhanh chóng nắm vững được kỹ thuật canh tác rau bó xôi để cho ra sản phẩm tốt nhất.

Tuy vậy, đầu ra cho sản phẩm vẫn là vấn đề nan giải, thị trường tiêu thụ vẫn bấp bênh. Kinh nghiệm trồng rau nhiều năm của ông cho thấy, khi bó xôi được giá, thương lái đổ xô tới tranh nhanh thu mua. Lúc rau rẻ, chuyện chủ vườn năn nỉ thương lái thu mua nông sản với giá rẻ bèo để khỏi bị đổ bỏ vẫn thường xuyên xảy ra. Không thể cứ mãi thụ động ở khâu tiêu thụ, gia đình ông Nguyễn Văn Thi đem rau xuống các chợ đầu mối và một số siêu thị chào hàng. Sau nhiều lần như thế, loại rau chất lượng cao của ông Thi cũng đã bắt đầu được người tiêu dùng tín nhiệm. Nhiều cửa hàng và một siêu thị tại TP HCM đã biết tiếng và đặt hàng. Và cứ thế đơn đặt hàng từ khắp nơi nườm nượp đổ về với những hợp đồng giá bán cao và ổn định, đến với nông trại của ông Thi yên tâm sản xuất.

Giờ đây, ông dân Nguyễn Văn Thi đã thực sự trở thành một ông chủ của trang trại bó xôi dưới chân núi Langbiang sau nhiều năm vật lộn với đủ các loại cây trồng. Để ngày nào cũng có rau bó xôi xuất đi TP HCM, trong một ha nhà kính, ông chủ trang trại này cứ vài ngày lại cho xuống giống một lần.

Hiện mỗi ngày nông trại của gia đình anh Thi cho thu hoạch ổn định 7 tạ rau một ngày. Với giá cả thị trường ổn định, sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông thu lãi gần 100 triệu đồng một tháng. Ông Thi tiết lộ: “Trước đây, cũng với diện tích đất này, cả nhà làm mờ mắt nếu trúng mùa được giá cũng chỉ được chút đỉnh. Thú thật, từ khi chuyển sang trồng bó xôi trong nhà kính mỗi năm trừ mọi chi phí đầu tư, ăn uống, nuôi công nhân,tôi còn bỏ túi cả tỷ đồng”.

Yếu tố giúp ông thành công đó chính là dám nghĩ, dám làm và kiên trì học hỏi, xúc tiến mở rộng thị trường. “Lúc đầu mới trồng đúng là gặp vô vàn khó khăn nhưng khi có kỹ thuật rồi, mình trồng và chăm sóc đúng quy trình thì cây đã phát triển tốt. Điều quan trọng là phải hết sức lưu ý khâu chọn giống và sử dụng phân bón. Chất lượng sản phẩm tốt, người tiêu dùng tin chọn thì tự khắc các đầu mối nhận bao tiêu sản phẩm họ tự tìm tới với mình thôi. Giờ đây, nông trại rau sạch của tôi phần lớn là cung cấp ổn định cho BigC và Metro”,ông Thi chia sẻ.

Nói về nông trại trồng rau bó xôi của gia đình ông Thi, ông Trần Phi, một cán bộ khuyến nông xã Lát cho biết, đây là mô hình trồng rau bó xôi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao có quy mô và bài bản nhất tại địa phương. Mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm với hệ thống siêu thị là mô hình hay. “Chúng tôi nghiên cứu, xem xét để nhân rộng mô hình của gia đình anh Thi cho người dân địa phương, hỗ trợ nông dân nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích", ông Trần Phi nói.

Nuôi rắn, kiếm hàng nghìn "đô" mỗi tháng

Mỗi năm, anh Bùi Hoàng Bằng, 34 tuổi, ở ấp 2, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) xuất bán từ 6.000 rắn giống với giá 80.000 - 100.000 đồng/con (tùy theo trọng lượng) và cộng với số tiền bán rắn thương phẩm mỗi năm anh Bằng thu 400 triệu đồng/năm.

Vài năm trở lại đây, người dân trong và ngoài tỉnh đều biết đến mô hình nuôi rắn ri cá sinh sản trong vèo của anh Bằng. Anh Bằng tâm sự: “Khi mới lập gia đình, ngoài làm công việc nhà nước còn muốn tận dụng thời gian rảnh rỗi (thứ 7, chủ nhật) để tăng thêm thu nhập gia đình.

Đầu năm 2009, với việc đầu tư gần 50 triệu đồng xây dựng chuồng trại thả nuôi 150 thỏ con, do thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi nên thỏ bị dịch bệnh và việc chăn nuôi thất bại. Không từ bỏ quyết tâm, cuối 2009, anh quyết định chuyển sang đầu tư nuôi rắn ri cá, ri voi cho kết quả khả quan.

Anh Bằng nhớ lại, ban đầu thấy bà con trong vùng đặt dớn có rắn con nên anh mua 50 con để nuôi thử nghiệm, năm đầu tiên thu nhập trên 30 triệu đồng. Thấy việc nuôi rắn có hiệu quả nên anh mở rộng mô hình.


Thất bài từ nghề nuôi thỏ, năm 2009 anh Bằng quyết định chuyển sang nuôi rắn ri voi trong vèo cước


Lựa chọn loài vật nuôi phù hợp và cách tính nhạy bén để phát triển kinh tế gia đình. Anh Bằng so sánh, nuôi rắn ri cá có lợi thế và lợi nhuận hơn rắn ri voi, chi phí đầu tư về con giống, thức ăn nhẹ hơn nhiều mà giá bán của 2 loại này chênh lệch không quá lớn.

Rắn ri voi thương phẩm bán với giá 800.000 đồng/kg, 100.000 đồng/con (rắn giống), rắn ri cá 600.000 đồng/kg, 60.000 đồng/con. Đầu tư cho 1kg rắn ri cá khoảng 190.000 - 210.000/kg, rắn ri voi 420.000 đồng/kg.

Qua tìm hiểu các nguồn thông tin và học hỏi kinh nghiệm anh quyết định đầu tư xây dựng nuôi rắn theo quy mô trang trại. Mô hình nuôi được thiết kế nuôi trong vèo lưới kết hợp với thả lục bình. Anh Bằng chia sẻ: "Nuôi rắn có nhiều cách nuôi nhưng đối với việc xây dựng nuôi vèo lưới và thả lục bình sẽ giảm chi phí đầu tư và mang lại hiệu quả cao hơn. Một vèo khoảng 6 m2, mật độ thả nuôi 17 con/m2, vèo được thiết kế bên trong bằng lưới cước mịn, bên ngoài lưới cước lỗ để tránh các loài cá lớn, cua, chuột…phá lưới, bên trong thả lục bình sẽ có tác dụng lọc nước, che mát cho rắn phát triển, xung quanh rào lưới B40".


Tận dụng nguồn cá mồi để nuôi rắn, trung bình tiếu tốn khoảng 190.000 - 210.000 đồng, rắn đạt trọng lượng 1kg

Mỗi vèo cắm 6 - 8 cọc tre xung quanh để mắt lưới, ao nuôi đặt cống để nước vô ra theo thủy triều. Còn đối với những vùng nguồn nước không tốt có thể nuôi không đặt ống cống mà 10 - 15 ngày xử lí nước bằng vôi bột, muối… tạc ao và giữ nước 3 ngày sau đó tháo nước ra. Với cách nuôi này sẽ tạo ra môi trường hoang dã và hạn chế dịch bệnh.

Theo anh Bằng, rắn ri cá là loại dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, kháng bệnh tốt. Nguồn thức ăn đa dạng, nhu cầu thị trường nhiều và ổn định. Nuôi rắn đẻ 1 tuần cho ăn 1 lần, rắn thịt 3 ngày cho ăn 1 lần, thức ăn từ nguồn cá tạp, cá rô phi, sặc, cá mè. Mỗi năm rắn đẻ một lần, mỗi con đẻ từ 10 - 30 rắn con. Rắn giống nuôi từ 15 - 18 tháng có thể đạt trọng lượng từ 1,1 - 1,7 kg/con.


Với giá bán rắn 80.000 - 100.000 đồng/con rắn con và 600.000 đồng/kg rắn thịt, mỗi năm anh Bằng có thu nhập khoảng 400 triệu đồng

Đối với việc nuôi rắn sinh sản, từ tháng 5 - 6 âm lịch cho rắn giao phối, thả nuôi tỉ lệ 50% rắn đực, 50% rắn cái để giao phối với nhau. Rắn bố mẹ phải có trọng lượng từ 800 - 1.300 gram trở lên mới cho sinh sản. Khi chọn rắn con để nuôi cần đồng đều, không dị tật, nhanh nhẹn.

Từ chỗ nuôi đơn lẻ 50 con rắn ban đầu anh Bằng chuyển sang nuôi bầy đàn. Hiện anh có 15 vèo nuôi với tổng số trên 1.000 con, trong đó có 400 rắn bố mẹ. Mỗi năm anh xuất bán từ 6.000 rắn giống với giá 80.000 - 100.000 đồng/con (tùy theo trọng lượng) trừ chi phí thu lãi trên 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh cũng thu nhập cả trăm triệu đồng từ việc bán rắn thương phẩm.

Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Nuôi rắn, kiếm hàng nghìn "đô" mỗi tháng

Mỗi năm, anh Bùi Hoàng Bằng, 34 tuổi, ở ấp 2, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) xuất bán từ 6.000 rắn giống với giá 80.000 - 100.000 đồng/con (tùy theo trọng lượng) và cộng với số tiền bán rắn thương phẩm mỗi năm anh Bằng thu 400 triệu đồng/năm.

Vài năm trở lại đây, người dân trong và ngoài tỉnh đều biết đến mô hình nuôi rắn ri cá sinh sản trong vèo của anh Bằng. Anh Bằng tâm sự: “Khi mới lập gia đình, ngoài làm công việc nhà nước còn muốn tận dụng thời gian rảnh rỗi (thứ 7, chủ nhật) để tăng thêm thu nhập gia đình.

Đầu năm 2009, với việc đầu tư gần 50 triệu đồng xây dựng chuồng trại thả nuôi 150 thỏ con, do thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi nên thỏ bị dịch bệnh và việc chăn nuôi thất bại. Không từ bỏ quyết tâm, cuối 2009, anh quyết định chuyển sang đầu tư nuôi rắn ri cá, ri voi cho kết quả khả quan.

Anh Bằng nhớ lại, ban đầu thấy bà con trong vùng đặt dớn có rắn con nên anh mua 50 con để nuôi thử nghiệm, năm đầu tiên thu nhập trên 30 triệu đồng. Thấy việc nuôi rắn có hiệu quả nên anh mở rộng mô hình.


Thất bài từ nghề nuôi thỏ, năm 2009 anh Bằng quyết định chuyển sang nuôi rắn ri voi trong vèo cước


Lựa chọn loài vật nuôi phù hợp và cách tính nhạy bén để phát triển kinh tế gia đình. Anh Bằng so sánh, nuôi rắn ri cá có lợi thế và lợi nhuận hơn rắn ri voi, chi phí đầu tư về con giống, thức ăn nhẹ hơn nhiều mà giá bán của 2 loại này chênh lệch không quá lớn.

Rắn ri voi thương phẩm bán với giá 800.000 đồng/kg, 100.000 đồng/con (rắn giống), rắn ri cá 600.000 đồng/kg, 60.000 đồng/con. Đầu tư cho 1kg rắn ri cá khoảng 190.000 - 210.000/kg, rắn ri voi 420.000 đồng/kg.

Qua tìm hiểu các nguồn thông tin và học hỏi kinh nghiệm anh quyết định đầu tư xây dựng nuôi rắn theo quy mô trang trại. Mô hình nuôi được thiết kế nuôi trong vèo lưới kết hợp với thả lục bình. Anh Bằng chia sẻ: "Nuôi rắn có nhiều cách nuôi nhưng đối với việc xây dựng nuôi vèo lưới và thả lục bình sẽ giảm chi phí đầu tư và mang lại hiệu quả cao hơn. Một vèo khoảng 6 m2, mật độ thả nuôi 17 con/m2, vèo được thiết kế bên trong bằng lưới cước mịn, bên ngoài lưới cước lỗ để tránh các loài cá lớn, cua, chuột…phá lưới, bên trong thả lục bình sẽ có tác dụng lọc nước, che mát cho rắn phát triển, xung quanh rào lưới B40".


Tận dụng nguồn cá mồi để nuôi rắn, trung bình tiếu tốn khoảng 190.000 - 210.000 đồng, rắn đạt trọng lượng 1kg

Mỗi vèo cắm 6 - 8 cọc tre xung quanh để mắt lưới, ao nuôi đặt cống để nước vô ra theo thủy triều. Còn đối với những vùng nguồn nước không tốt có thể nuôi không đặt ống cống mà 10 - 15 ngày xử lí nước bằng vôi bột, muối… tạc ao và giữ nước 3 ngày sau đó tháo nước ra. Với cách nuôi này sẽ tạo ra môi trường hoang dã và hạn chế dịch bệnh.

Theo anh Bằng, rắn ri cá là loại dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, kháng bệnh tốt. Nguồn thức ăn đa dạng, nhu cầu thị trường nhiều và ổn định. Nuôi rắn đẻ 1 tuần cho ăn 1 lần, rắn thịt 3 ngày cho ăn 1 lần, thức ăn từ nguồn cá tạp, cá rô phi, sặc, cá mè. Mỗi năm rắn đẻ một lần, mỗi con đẻ từ 10 - 30 rắn con. Rắn giống nuôi từ 15 - 18 tháng có thể đạt trọng lượng từ 1,1 - 1,7 kg/con.


Với giá bán rắn 80.000 - 100.000 đồng/con rắn con và 600.000 đồng/kg rắn thịt, mỗi năm anh Bằng có thu nhập khoảng 400 triệu đồng

Đối với việc nuôi rắn sinh sản, từ tháng 5 - 6 âm lịch cho rắn giao phối, thả nuôi tỉ lệ 50% rắn đực, 50% rắn cái để giao phối với nhau. Rắn bố mẹ phải có trọng lượng từ 800 - 1.300 gram trở lên mới cho sinh sản. Khi chọn rắn con để nuôi cần đồng đều, không dị tật, nhanh nhẹn.

Từ chỗ nuôi đơn lẻ 50 con rắn ban đầu anh Bằng chuyển sang nuôi bầy đàn. Hiện anh có 15 vèo nuôi với tổng số trên 1.000 con, trong đó có 400 rắn bố mẹ. Mỗi năm anh xuất bán từ 6.000 rắn giống với giá 80.000 - 100.000 đồng/con (tùy theo trọng lượng) trừ chi phí thu lãi trên 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh cũng thu nhập cả trăm triệu đồng từ việc bán rắn thương phẩm.

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Tỷ phú thanh long xuất thân từ mồ côi


Anh Lê từ hai bàn tay trắng, giờ đây trở thành tỷ phú trồng thanh long.




Khởi nghiệp gian nan

Sinh ra nơi vùng quê thuộc xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cha mẹ Bùi Ngọc Lê đều mất sớm. Ba anh em côi cút rau cháo nuôi nhau trong cảnh thiếu đói, rách rưới. Anh Lê bắt đầu nói về cuộc đời của mình bằng câu chuyện bầy gà 10 con mà anh phải bán đi để có tiền thực hiện chuyến Nam tiến đầu tiên trong đời.

Bán gà, Bùi Ngọc Lê cầm những tờ bạc ít ỏi trên tay mà lúng túng không biết chi tiêu bằng cách nào để vừa phải đủ mua vé tàu, vừa có cái ăn dọc đường. Cuối cùng anh quyết định nhảy tàu lụi, trốn chui trốn lủi trong các toa tàu, đói lắm thì mới dám mua ổ bánh mì ngồi gặm cho qua bữa. Đôi mắt đượm buồn, anh Lê cho biết đó là những ngày của tháng 8/1982, một cái mốc thời gian đánh dấu cuộc ra đi tha hương cay đắng và rất nhiều nước mắt của anh sau đó.

Khi vào tới ga Mương Mán, Lê lẫn theo đoàn người xuống ga, rồi ngay trong đêm mưa gió, anh vừa hỏi đường vừa đi bộ hơn hai mươi cây số để tìm nhà người bà con mà tình cờ biết được địa chỉ. Sau đó, ông chú họ tên là Bùi Xong ở thị trấn Thuận Nam đã nhận anh làm chân phụ bán tạp hóa. 5 năm sau, khi lấy vợ là Trần Thị Thái Hòa, Lê được ông anh vợ tặng cho ba sào đất rẫy để trồng trọt, sinh sống. Cuộc sống của gia đình anh cũng thay đổi từ đó.

Anh Lê kể: Mùa khô năm 1994, vụ cháy rừng ở khu vực này làm cho toàn bộ khu rẫy 200 trụ thanh long hai năm tuổi, đã chuẩn bị ra trái của gia đình anh bị thiêu rụi. Bao nhiêu năm vợ chồng đổ không biết cơ man nào là mồ hôi, nước mắt, những trụ thanh long với anh Lê lúc ấy là bát cơm, là niềm hy vọng, là tất cả đối với gia đình anh, nhưng chỉ trong thoáng chốc họ đã trở về tay trắng.

Nhìn khu rẫy phủ đầy tro than, hai vợ chồng Lê gục xuống bàng hoàng, rớt nước mắt. Sau một thời gian làm thuê khắp nơi vẫn không đủ chi phí cho gia đình, Lê đi theo đoàn người tìm trầm vượt rừng Sa Thầy (Kon Tum) sang tận vùng giáp biên giới Lào với giấc mơ đổi đời. Nhưng sốt rét rừng, thiếu ăn thiếu uống đã làm cho Lê thật sự suy sụp, ốm yếu, tay trắng vẫn hoàn trắng tay, Lê ủ rũ quay về.

Chính sự chịu cực chịu khổ, sẵn sàng chia sẻ của vợ đã giúp anh Lê vững vàng vượt lên. Họ bắt tay vào trồng bầu, bí, dưa leo là những loại cây trồng ngắn hạn để nhanh chóng giải quyết cái ăn cái mặc cho cả nhà.

Đến mùa thu hoạch, Lê phải mượn xe bò, xe cải tiến chở bầu bí đi bán tận các chợ Tân Nghĩa, Hàm Minh, Tân Lập cách nhà hàng mấy mươi cây số. Mùa bầu bí đầu tiên vợ chồng anh đã dành dụm đào được cái giếng, mua được máy bơm và làm được sổ đỏ cho khu đất ba sào ấy…

Không muốn ai lặp lại nỗi đau khổ của mình


Năm 1996 là cái mốc của sự phát triển với gia đình Lê, vì đó là lần đầu tiên anh mang sổ đỏ đi vay từ Agribank số tiền 20 triệu đồng để đúc trụ bê tông xuống giống cho ba sào thanh long, thay cho số trụ gỗ đã cháy sạch năm nào. Hai năm thấm thoát, thanh long đã cho mùa trái đầu tiên. Thời gian sau đó, vợ anh Lê cũng bắt đầu xin được việc làm tại công ty Bảo hiểm Prudential, cùng phụ với anh cho có đồng ra đồng vào.

Kinh tế gia đình bắt đầu ổn định dần. Cũng nhờ sự giúp đỡ của ông anh vợ, Lê quyết định vay thêm tiền, mua thêm đất, thu được bao nhiêu dành dụm đầu tư hết vào rẫy thanh long.

Ngày nay, rẫy thanh long của anh Lê đã lên đến 10.000 trụ. Năm 2007, anh là người thứ 7 trong toàn tỉnh chấn chỉnh toàn bộ khu vườn, sản xuất theo tiêu chuẩn Global Gap nên thu nhập của anh khá ổn định. Trừ đi 60% chi phí đầu tư các loại, hiện hàng năm anh đã có dư trên 1,5 tỷ đồng.

Khi nói về người nông dân chịu khó chịu cực đã bứt phá đi lên ngoạn mục này, ông Trần Xuân Thủ, Phó chủ tịch thường trực Hội Nông dân huyện Hàm Thuận Nam nhận xét: “Với mức thu nhập như anh Lê thì ở huyện nhà cũng đếm được hơn số đầu ngón tay.

Nhưng có hai sự khác biệt lớn để chúng tôi thống nhất quyết định đưa anh Lê vào danh sách bầu chọn của tỉnh cho đợt tôn vinh nông dân năm nay: Thứ nhất, anh là người nông dân thực sự vượt khó, chí thú làm ăn vươn lên thành công xuất sắc từ hai bàn tay trắng; Thứ hai, anh là con người biết quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ một cách đặc biệt tới những số phận đau khổ, khó khăn quanh mình...”.

Quả vậy, từ việc lớn như xây nhà tình thương, sửa lại nhà cho người nghèo khi mùa mưa đến, quà Tết cho người già cô đơn đến tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, thậm chí anh còn tìm hiểu trả tiền bệnh viện thay cho những bệnh nhân quá khó khăn. Anh giúp nhiều người đến mức hễ xung quanh ai có việc gì khó khăn là tự khắc bà con lối xóm, người quen gọi điện thoại cho Lê ngay và bao giờ cũng vậy, anh nhanh chóng có mặt với nụ cười rất hiền, giúp người vô điều kiện.

Lần đầu tôi hỏi anh về việc giúp đỡ người xung quanh, anh phẩy tay: “Có gì đâu”. Khi tôi hỏi nhiều lần thì anh tâm sự: Mình ước mơ có thật nhiều tiền để giúp được nhiều hơn những số phận khốn khổ cùng cực… Mình không muốn ai lặp lại nỗi đau khổ của mình.

Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Làm giàu từ chăn nuôi

Khởi nghiệp từ một con heo nái giống, sau nhiều năm lao động cần cù và tiết kiệm, ông Phạm Thanh Tân, 48 tuổi, ở xóm 2, thôn Minh Thành, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh(Quảng Ngãi) đã thực hiện được ước mơ làm giàu ngay trên quê hương mình. Hiện nay ông Tân đã phát triển được một trại chăn nuôi heo hướng nạc theo quy trình khép kín với trên 100 con heo, mỗi năm sau khi trừ chi phí thu lãi từ 70 đến 100 triệu đồng.


Sau hơn 10 năm bôn ba ở Sài Gòn làm đủ thứ nghề để kiếm sống nhưng "cái khó, cái nghèo" vẫn không buông tha vợ chồng ông Phạm Thanh Tân, ở xóm 2 thôn Minh Thành, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh. Không trụ nỗi nơi đất khách quê người, năm 2002, vợ chồng ông đành trở về quê với hai bàn tay trắng. Sau nhiều đêm trăn trở, hai vợ chồng quyết định vay mượn tiền của bà con, hàng xóm để làm ăn. Khởi nghiệp từ 1 con heo nái, nhờ sự siêng năng, cần cù, chịu khó nên chỉ sau 8 tháng nuôi heo mẹ đẻ được 10 con heo con và đàn heo cứ phát triển dần lên. Tích cóp nhiều năm, gia đình ông đã có được vốn dắt lưng và nuôi chí làm giàu. Hiện trại chăn nuôi heo của gia đình ông Tân đã có trên 100 con và hàng năm cho thu nhập ổn định.

Trại nuôi heo của ông Tân có tổng diện tích hơn 110 mét vuông, được xây dựng với 11 ô chuồng, trong đó có 8 ô chuồng nhỏ, mỗi ô chuồng nuôi từ 7 đến 8 con và 3 ô chuồng lớn, mỗi ô chuồng nuôi từ 15 đến 20 con. Đến nay, trại nuôi heo của ông có 5 con heo nái và 120 con heo thịt. Với qui trình chăn nuôi heo khép kín, chủ động hoàn toàn con giống nên công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn heo của gia đình ông được thực hiện khá hiệu quả. Theo ông Tân, một năm gia đình ông xuất bán khoảng từ 7 đến 8 lần, bình quân một lần bán từ 10 đến 20 con heo thịt, mỗi con nặng từ 50-100 kg, thu nhập khoảng từ 20 đến 70 triệu đồng.

Không chỉ dừng lại ở việc nuôi heo, vợ chồng ông Tân còn nuôi hơn 50 con gà thả vườn và 50 con vịt. Bình quân mỗi năm sau khi trừ chi phí ông thu nhập từ gà, vịt trên 30 triệu đồng. Từ thành công mô hình chăn nuôi của gia đình mình, ông Tân dự định sẽ tiếp tục mở rộng qui mô đầu tư chuồng trại chăn nuôi nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Nhờ tính cần cù, năng động, sáng tạo, vợ chồng ông Phạm Thanh Tân, thôn Minh Thành, xã Tịnh Minh đã vươn lên làm ăn khá giả, có cơ sở chăn nuôi khá qui mô tại địa phương.

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

Anh xe ôm thành triệu phú

Từ anh chạy xe ôm, giờ đây mỗi năm gia đình anh Hoàng Ngọc Công, thị trấn Hải Lăng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị bỏ túi hàng trăm triệu đồng từ nghề làm bún.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em, hàng ngày anh Công phải chạy vạy tìm việc để phụ giúp gia đình. Hết làm thuê làm mướn rồi đến nghề phụ hồ, bốc vác... Gom góp được chút vốn, anh mua 1 xe máy để hành nghề xe ôm tại thị trấn Hải Lăng. Trong những lần rong ruổi trên đường, anh đã gặp cô Hoàng Thị Hằng làm nghề bán bún rong.

Hai người đã thành vợ chồng và có với nhau 3 con. Mặc dù vợ chồng anh quần quật làm việc, nhưng vẫn thiếu trước, hụt sau. Gia đình anh nằm trong "tốp" hộ nghèo của thị trấn. "Nghề bán bún dạo của vợ thì chỉ bòn mót từng đồng lẻ của thiên hạ.

Còn nghề xe ôm của tui lại không ổn định, khi có khách thì ngày cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng. Con cái mỗi ngày mỗi lớn, tiền ăn, tiền học ngày một nhiều hơn. Nhiều lúc thấy con không có tiền nộp học phải nghỉ học, vợ chồng tui buồn rơi nước mắt..." - anh Công nhớ lại.


Anh Công vo gạo chuẩn bị xay bột làm bún.

Được Hội động viên và cho vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ ND rồi bảo lãnh để ngân hàng cho vay vốn ưu đãi, năm 2009, anh mạnh dạn mua máy để xản xuất bún. Công suất của máy sản xuất trên 15 tạ bún/ngày, nhưng ban đầu anh chỉ làm khoảng 1 tạ vì chưa có thị trường tiêu thụ. Vợ chồng anh đến các quán bún, các chợ trong huyện chào hàng.

Cả hai vợ chồng đều khéo tay, làm được nhiều loại bún sợi lớn nhỏ, có độ dẻo dai, thơm ngon và có thể bảo quản lâu ngày nên nhanh chóng được nhiều khách hàng biết đến. Nhờ đó, lượng bún vợ chồng anh làm ngày càng nhiều.

"Ban đầu tui cũng lo lắm, gia đình mình nghèo mà đi vay mượn cả trăm triệu đồng về làm ăn, nhỡ có mệnh hệ gì thì gia đình chỉ có nước bỏ xứ ra đi. Nhưng giờ thì thuận lợi rồi, gia đình tui không những thoát nghèo mà còn có của ăn của để" - chị Hằng vừa cân bún cho khách hàng vừa nở nụ cười mãn nguyện.

Hiện nay, mỗi ngày cơ sở làm bún anh đưa ra thị trường 5 - 6 tạ bún, với thu nhập 35 - 40 triệu đồng/tháng. Hàng năm, trừ chi phí vợ chồng anh lãi ròng 400 - 500 triệu đồng.

Gia đình anh liên tục nhiều năm được tuyên dương hộ SXKD giỏi cấp tỉnh.

Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

Kiếm tiền tỷ mỗi năm từ cá bống bớp

Bắt tay ươm giống cá bớp cách đây 6 năm với quy mô gia đình, đến nay, ông Minh đã làm chủ trang trại hơn 3ha, với doanh thu khoảng 3,5 tỷ đồng mỗi năm.

Sinh năm 1958, ông Hoàng Văn Minh tại Nghĩa Hưng, Nam Định từng theo học ngành thủy sản khi còn trẻ. Sau đó, suốt từ năm 1990, ông theo các đoàn nghiên cứu đi phối hợp, hỗ trợ bà con ở các tỉnh miền Tây trong việc nuôi tôm. Cách đây khoảng chục năm, các viện có chương trình đưa tôm ra một số tỉnh phía Bắc để triển khai. Được một thời gian ông Minh quyết định về quê để xây dựng đầm tôm riêng, an cư lúc tuổi già. Tuy nhiên, nhận thấy khí hậu ở miền Bắc nuôi tôm không phù hợp, rủi ro nhiều nên ông Minh tìm tòi hướng đi khác.

Khi đó, ở Nam Định, người dân hay nuôi cá bống bớp nhưng dựa vào giống tự nhiên nên có thời điểm bị khan hiếm. Hơn nữa, loại giốn này không đáp ứng được kích cỡ, số lượng và mùa vụ nên người dân muốn triển khai lớn cũng gặp khó khăn. Lúc đó, ông Minh nảy ra ý tưởng tìm hiểu việc ươm giống cá bớp. 


Ông Hoàng Văn Minh (bên phải) hiện là chủ trang trại cá bống bớp và nuôi tôm, với diện tích hơn 3ha. 


Thời gian đầu do kỹ thuật chưa thuần thục nên việc ươm giống còn gặp nhiều khó khăn, thành công không lớn nên dự định mở rộng quy mô của ông Minh chưa thực hiện được.

"Khi đó, tôi mới được chuyển giao công nghệ, trong khi đó giữa lý thuyết và thực tế thường khác xa nhau nên thành công chưa lớn. Tôi chưa dám tính đến việc mở rộng quy mô mà vẫn mày mò làm rồi nghiên cứu, điều chỉnh phương pháp để giảm chi phí sản xuất", ông Minh kể lại.

Sau đó, ông Minh tìm được công trình nghiên cứu về việc ươm giống cá bống bớp của một chuyên gia tại Hải Phòng và nhận chuyển giao lại. Triển khai được một thời gian thì thấy hiệu quả rõ rệt, đến năm 2009 ông mở rộng trang trại, số lượng ươm tăng dần và chuyên môn hóa quy trình sản xuất.

Hiện trang trại của ông Minh rộng khoảng 3ha, trong đó diện tích đào ao chiếm khoảng 65%, còn lại là phần xây dựng các công trình và trồng cây ăn quả. Riêng hệ thống trại sản xuất giống rộng khoảng 1.000m2 với hơn 20 bể nuôi.

Ông cho biết cá bớp giống ươm trong khoảng 40 ngày thì được xuất bán. Hàng năm trang trại của ông sản xuất giống có hai vụ là vào khoảng tháng 3 âm và tháng 8. Trung bình, mỗi năm ông xuất ra thị trường khoảng 4-5 triệu cá giống mỗi năm, tùy thuộc vào nhu cầu thị trường.

Ngoài ươm giống, ông còn triển khai nuôi thành phẩm và phổ biến phương pháp cho bà con quanh vùng. Giá thành phẩm mặt hàng này thời điểm đắt thì vào khoảng 320.000 đồng một kg, khi rẻ cũng tầm 200.000 đồng.

Để giải quyết vấn đề về môi trường, ông Minh tiếp tục duy trì nuôi xen canh cá bống bớp và tôm. Hiện trang trại của ông thuê 2 cán bộ kỹ thuật, cùng nhiều nhân công là người thân, họ hàng.

Ông Minh cũng chia sẻ, mỗi năm, trang trại đạt doanh thu khoảng 3-3,5 tỷ đồng. Mặt hàng cá giống có thể cho lãi được 50% giá thành. Với cá thành phẩm và tôm thì mức lãi thấp hơn, khoảng 30-40%. Ông cho biết, nuôi cá bống bớp lấy thịt có ưu điểm là mức đầu tư không lớn, kỹ thuật cũng không quá phức tạp nên người dân Nghĩa Hưng triển khai khá nhiều. Mỗi ha ao một vụ thu được 3,5 đến 4 tấn cá thịt.

Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Kiếm bạc tỷ mỗi năm nhờ lao vào nghề đang "chết yểu"

Hơn chục năm về trước, có một người nông dân tay ôm khư khư bó tre từ Quảng Ngãi ra tận Thái Bình luôn bị nhà xe từ chối chở khi chưa biết ông đi mua máy chẻ tre, phải mang cây đi để thử máy...

Quyết định chọn mây tre làm xuất phát điểm để khởi nghiệp khi nghề này đang lâm vào cảnh “chết yểu” vì không cạnh tranh nổi với mặt hàng nhựa, inox… ai cũng bảo ông gàn dở. Thế nhưng, sau gần 15 năm, ông Nguyễn Tấn Sinh, ở thôn Cộng Hòa 1, xã Tịnh Ấn Tây (TP. Quảng Ngãi) đã làm hồi sinh cả làng nghề.

Bơi ngược dòng

Sau khi đi bộ đội, về quê hương vào năm 1990, ông Sinh “ngã ngửa” vì hụt hẫng, khi thấy chẳng còn mấy người gắn bó với nghề. “Lúc đi, trong thôn có đến 95% gia đình làm nghề. Còn khi về, chỉ còn lác đác vài hộ. Tiếng chẻ tre, cảnh người gồng gánh thúng tre, cót tre…đi bán cũng vắng hẳn”, ông Sinh hồi tưởng.

Hầu hết các khâu sản xuất đều được ông Sinh làm bằng máy. Mang tre ra tận Thái Bình để... thử.


Thoi thóp được thêm chục năm, đến năm 2000, ngoài những người già đan tre lúc nhàn rỗi, số hộ gắn bó với nghề ở Cộng Hòa 1 chỉ còn có 7. Lúc đấy, ông Sinh sau cả chục năm gắn bó với đồng ruộng mới chợt giật mình: “Không lẽ nghề truyền thống của Tịnh Ấn Tây đến đây thì đứt?”.

Thế là ông gác lại chuyện cuốc cày, để khởi nghiệp lại từ nghề tre đan. Quyết định của ông chẳng khác nào như bơi ngược dòng, bởi thời điểm ấy, sản phẩm làm ra không có ai mua, người làm nghề thì cũng đã chuyển nghề hoặc ly hương để kiếm sống.

Ngay đến vợ ông mà cũng cản ngăn, nhưng ông vẫn cương quyết dò la khắp nơi để tìm mối hàng.

“Đồ nhựa tràn ngập thị trường. Nên khi tôi chạy đôn chạy đáo đi tìm bạn hàng, thì ai cũng lắc đầu. May sao có chủ vựa thu mua cau cho biết sọt đựng cau họ phải mua ở TP.Hồ Chí Minh, chứ Quảng Ngãi không có ai bán”, ông Sinh kể.

“Chớp” được tia hy vọng đầu tiên sau cả năm trời bế tắc, ông Sinh quyết không để vuột mất. Nhìn thoáng qua sọt tre, ông về nhà làm thử rồi mang ngay ra cho chủ vựa cau. Nhận được cái gật đầu hài lòng của khách hàng đầu tiên, ông Sinh càng có thêm động lực để gắn bó với nghề. Trung bình mỗi ngày, ông làm ra được gần 40 sọt tre để giao cho bạn hàng. Tiếp đó ông làm luôn sọt đựng trái cây để bỏ sỉ cho các chợ. Khi tiếng lành đồn xa và đơn đặt hàng đến dồn dập, người ta bắt đầu tìm về Tịnh Ấn Tây để đặt hàng. Và các hộ dân khác, cũng theo ông, trở về nghề cũ.

Trở thành "kiến trúc sư" chân đất

Xưởng sản xuất lúc nào cũng có từ 10-15 lao động. Hàng làm ra không kịp bán, nhất là từ tháng 10 âm lịch trở đi. Thế nhưng ông Sinh vẫn chưa chịu hài lòng. Bởi với ông: “Cây tre đâu phải chỉ để làm mấy cái giỏ, cái thúng bình thường. Nên mình phải tập làm dòng sản phẩm cao cấp hơn”.

Nghĩ trong đầu vậy thôi, chứ dân nông sinh ra từ gốc rạ, ông Sinh chẳng biết phải mày mò từ đâu. May sao, internet về làng, ông dặn dò lũ trẻ con tìm giùm trên mạng, hễ ở đâu bán máy móc gì liên quan tới tre, hoặc nơi nào dạy nghề về tre thì cứ bảo ông. Thế rồi ông đi học. Ông tìm về các làng ven sông, tìm hỏi cách làm bờ xe nước. Rồi ông ra Hội An học cách ngâm tre trong bùn, hun khói xử lý độ bền, sử dụng đinh tre phù hợp với từng cấu trúc tre…

Nhờ chịu khó học hỏi, mà giờ đây, ông không chỉ làm ra được bờ xe nước thu nhỏ, hay nội thất từ tre, mà còn “kiêm” luôn việc thiết kế, sắp xếp bố cục và lắp đặt nhà tre. Đã có gần 40 nhà hàng, quán cà phê trên địa bàn tỉnh tìm đến nhờ ông thi công. Với giá mỗi mét vuông cho cả thiết kế và thi công là 500 nghìn đồng, nhiều công trình, ông Sinh thu về gần cả trăm triệu đồng.

Xưởng sản xuất sản phẩm tre thông dụng và tài “lẻ” thiết kế, thi công nhà tre hằng năm mang về cho ông Sinh khoảng 1 tỷ đồng.

Nhìn cơ ngơi của ông ngày hôm nay, ít ai có thể nghĩ rằng, hơn chục năm về trước, có một người nông dân tay ôm khư khư bó tre từ Quảng Ngãi ra tận Thái Bình. “Năm đó đi mua máy chẻ tre, nhưng tre mỗi nơi có độ cứng mỗi khác, nên phải vác cả bó tre ra tận nơi để thử chứ. Khổ nỗi tre cồng kềnh vậy, nên lúc đầu chưa hiểu chuyện, nhà xe nhất định không cho tôi lên xe”, ông Sinh cười hồn hậu.

Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

Ông giáo nuôi hươu

Ông là Trần Quốc Hào ở ấp 1, xã Phú Điền, huyện Tân Phú (Đồng Nai), giáo viên văn và cũng là PGĐ Trung tâm Cộng đồng xã. Nói chuyện với tôi, ông luôn mong muốn nâng cao trình độ dân trí nơi mình sinh sống.

Phú Điền qua lời kể của ông là một xã nghèo của Đồng Nai. Kinh tế mới phát triển được hơn 1 năm trở lại đây, người dân đã bắt đầu biết đến các mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả cao như nuôi cá sấu, bồ câu, chồn hương... thay vì nuôi heo như trước. Nhưng cái ông đang lo là trẻ em bỏ học còn nhiều, cha mẹ chưa ý thức được tầm quan trọng, chủ yếu để con đi kiếm tiền sớm. Gặp tôi, đúng lúc ông vừa mới đi vận động một số cha mẹ cho con đi học về.

Ông cũng như bao người ở đây đều muốn xã mình giàu hơn, đầy đủ hơn, mà trách nhiệm của người giáo viên kiêm PGĐ Trung tâm cộng đồng lại càng lớn. Nuôi lợn bấp bênh, dịch bệnh nhiều, giá cả thấp nên năm nào cũng lỗ, ông ấp ủ nuôi con vật khác lãi cao hơn.


Ông Trần Quốc Hào bên chuông nuôi hươu, nai của gia đình

Đầu năm 2011, thấy ở Hà Tĩnh nuôi nai, hươu bán nhung mà nhà nào cũng lãi lớn, ông quyết định đầu tư 1 cặp nai với giá 13 triệu đ/con. Lúc đó, khá bất ngờ là nai nuôi rất dễ, không phải chăm sóc nhiều do tính chất hoang dã. Nó dễ ăn, thứ gì cũng được, vệ sinh chuồng trại không cần ngày nào cũng dọn, 1 tuần 1 lần là được. Chỗ ở cho nai ông thu xếp từ chuồng heo cũ, làm mới, đóng cọc gỗ bự bằng cả bắp chân. Ông nói: "Phải đóng cọc to vì nai đến tuổi lớn là hay dùng sừng cà vào thành, cọc nhỏ là gãy liền".

Hươu nai môt năm sinh sản 1 lần, trung bình từ 1 đến 2 con. Những con nhỏ thì đem vào nhốt chung với bố mẹ để chăm sóc, lớn thì để chuồng riêng. Con già nhất của ông mua về cũng đã gần 5 năm tuổi, cao cả vài mét. Được cái, càng già, nhung hươu cho càng nhiều, càng chắc, nặng cả vài kg, hiệu quả kinh tế đem lại là rất lớn. Nhưng cũng đừng để nó quá tuổi thì sức khỏe sẽ yếu dần, bệnh tật nhiều, lúc đó nhung mất giá trị sử dụng.

Trung bình, 1 năm lấy nhung hươu, nai 1 lần, phải cao hơn 20 cm mới cắt. Mỗi lần lấy là phải 4 - 5 người giữ chân, đầu, để cắt. Không được phép tiêm thuốc mê vì hươu, nai rất nhạy cảm, thứ đó vào người dễ mắc nhiều bệnh nghiêm trọng khác.

Năm đầu cho thu nhập, số tiền lãi của ông thu về lên tới 50 triệu đồng. Một con số mơ ước với bước đầu khởi điểm. Ông vui mừng kể: "Nuôi chúng dễ dàng, ít tốn kém, thức ăn tận dụng từ thiên nhiên. Ít phải chăm sóc, tôi có nhiều thời gian hơn cho công tác xã hội của mình".

Dẫn tôi vào chuồng hươu, nai của mình, ông chia sẻ: "Tôi vừa mới bán đợt nhung cách đây vài ngày. Trung bình mỗi bộ nặng từ 1 - 2 kg, thành ra lãi hơn vụ đầu cả chục triệu".

Ngoài tiền lương nhà giáo, con vật này đang là nguồn thu nhập chính của gia đình ông. Lãi lớn, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư cũng không quá lớn, ông quyết định đem chúng đi phổ biến cho bà con trong xã, vận động người dân mạnh dạn nuôi thử. Hiện tại, đã có vài hộ nhen nhóm nuôi 1 hoặc 2 cặp.

Mong muốn làm giàu vùng quê, ông Trần Quốc Hào đã và đang cố gắng nỗ lực trong phong trào công tác xã, tâm huyết với nghề giáo của mình. Với chuồng hươu lãi lớn, ông quyết mở rộng nó, giới thiệu với bà con trong xã và bên ngoài, để tạo thu nhập ổn định và hiệu quả lâu dài.

Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Nuôi tôm theo quy trình sinh học

Ở tuổi gần 60, ông Phan Thanh Châu ở ấp Giáp Nước, xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu rất thận trọng trong việc đầu tư nuôi nuôi tôm công nghiệp. Chính điều đó đã giúp ông vượt qua những khó khăn ban đầu và vươn lên gặt hái được thành công trong nhiều năm liền.


Năm 2000, phong trào nuôi tôm công nghiệp - BCN ở TP. Bạc Liêu bắt đầu phát triển mạnh, ông Châu cũng bị cuốn hút theo. Năm đó, ông chuyển đất làm lúa của mình sang nuôi tôm bán công nghiệp. Với 1ha đất đang canh tác lúa ông ủi cải tạo làm 4 ao nuôi tôm, trong đó dành 1 ao làm ao lắng, mỗi ao rộng từ 2.000-3.000m2. Do ban đầu chưa nắm vững kiến thức kỹ thuật nên tôm nuôi chậm lớn, chi phí cao, lãi ít, tôm của ông đôi khi bị rớt đáy lác đác. Ông sử dụng hóa chất để xử lý nhưng tôm vẫn bị bệnh. Để nâng cao kiến thức kỹ thuật, ông Châu không ngừng tìm tòi, học hỏi ở sách vở, đồng nghiệp nuôi tôm đi trước và tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật từ cán bộ kỹ thuật khuyến ngư. Từ đó đã giúp ông củng cố thêm niềm tin vào nghề nuôi tôm công nghiệp.

Qua nhiều năm phấn đấu, ông đã đưa được sản lượng tôm nuôi công nghiệp tăng lên, năm sau cao hơn năm trước. Trung bình mỗi năm ông Phan Thanh Châu thu lãi trung bình từ 200 - 250 triệu đồng. Với diện tích ban đầu từ 1 ha đến nay diện tích nuôi mặt nước của ông lên được 3 ha. Ông Châu cho biết từ 6 năm trở lại đây, ý thức được việc sử dụng chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi, ông luôn sử dụng chế phẩm định kỳ, ổn định môi trường.

Được hỏi trong nuôi tôm yếu tố nào là quan trọng nhất, ông cho chúng tôi biết yếu tố thời tiết và quản lý môi trường là quan trọng nhất, tuy nhiên nếu có quản lý được 2 yếu tố này mà lơ là chất lượng con giống cũng không được.

Ông cho biết thêm, việc sử dụng vi sinh trong nuôi tôm an toàn hơn hóa chất, kháng sinh. Cụ thể là khi môi trường nước không đẹp, đáy ao bẩn thì ta sử dụng vi sinh tốt hơn là dùng hóa chất, điều quan trọng là việc sử dụng vi sinh trong khi nuôi sẽ giảm chi phí nuôi nhiều hơn là việc sử dụng hóa chất. Riêng vụ tôm năm 2010 mới đây, vì tuổi cao, sức yếu, không người chăm sóc cho tôm nên ông sang đất cho người khác bớt. Ông chỉ để lại 7 ao nuôi, mỗi ao nuôi chia làm 1.500 m2, mật độ thả ban đầu từ 25 – 30 con/m2, thời gian nuôi từ 5 – 6 tháng, ông Châu thu được trên 6,5 tấn tôm với cỡ tôm từ 28 – 30 con/kg giá bán mỗi kg trung bình từ 170.000 – 195.000 đồng/kg, tổng doanh thu năm 2010 được trên 1,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí tất cả ông còn lãi trên 630 triệu đồng. Hiện ông nuôi tiếp vụ 2, tôm được gần 3 tháng tuổi, hứa hẹn một mùa bội thu tiếp theo. Với việc nuôi tôm thành công nhiều năm liền ông được Hội nông dân thành phố Bạc Liêu và tỉnh tặng giấy, bằng khen nhiều năm liền trong phong trào nông dân sản xuất giỏi tại địa phương.

Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

Mít Thái + gà ta

Vài năm trở lại đây, mô hình trồng mít Thái Changai của gia đình anh Ngô Văn Thủy, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) trở thành một điểm tham quan, học hỏi kinh nghiệm đầy thú vị với những người say mê loài cây này.

Mỗi năm anh Thủy cung ứng hàng vạn cây mít Changai giống ra thị trường. Độc đáo hơn, người đàn ông này còn kết hợp nuôi gà ta dưới tán cây mít, lợi nhuận thu về cả tỉ đồng.

Nhập không đủ bán

Anh Thủy nhớ lại, thời gian đầu khi đưa giống mít có tên Changai (xuất xứ Thái Lan) từ HTX Phú Lợi A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang về trồng, đa phần mọi người đều chưa tin tưởng. Không từ bỏ ý định, ngay trong năm đó, Thủy đã vay tiền thuê 1 ha đất rồi mua 300 cây mít Changai giống về trồng thử nghiệm. Sau gần 2 năm bám rễ trên mảnh đất Sóc Sơn, 300 cây mít Changai của anh đã cho những trái chín đầu tiên.

Những cây mít chỉ cao hơn đầu người chừng vài gang tay nhưng quả sai bó từ gốc, bám lấy nhau mà leo lên. Thời điểm đó, với giá bán cho thương lái là 20.000 đ/kg, gấp cả chục giá lần mít ta. Mít Changai của Ngô Văn Thủy dần được người dân cũng như chính quyền địa phương chú ý. "Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn đã nhờ tôi đặt 1.000 cây giống để cấp phát cho người dân nhân rộng mô hình", anh Thủy nhớ lại.


Anh Thủy bên một cây mít Changai

Hôm tôi đến thăm trang trại, anh Thủy cho biết, hiện có rất nhiều đơn hàng mua mít Changai giống nhưng cây thì đang trên đường chuyển ra. Khi được hỏi mỗi năm bán được bao nhiêu cây, anh Thủy chia sẻ: "Chắc vài vạn gì đó". Số mít Changai giống được anh chuyển từ HTX Phú Lợi A ra thẳng Hà Nội bằng xe công ten nơ.

"Changai giống hoàn toàn phải là đời F1, nếu như nhân giống bằng cách chiết, ghép hay hạt thì cây rất dễ bị thoái hóa. Một khi cây đã bị thoái hóa sẽ rất lâu cho quả, quả chín sẽ không ngon", anh Thủy chia sẻ kinh nghiệm.

Từ công ten nơ, mít giống được chuyển xuống, tập kết ngay tại sân nhà để khách đến mua. Có những chuyến, mít chuyển về quá nhiều, anh phải tận dụng khắp ngóc ngách trong nhà, ngoài ngõ lấy chỗ để. Từ những người mua nhỏ lẻ vài cây đến những người mua hàng nghìn cây đều được anh đáp ứng. Hiện tại, giá bán lẻ một cây mít Changai tại nhà là 50.000 đồng.

Khách từ khắp các tỉnh Bắc Kạn, Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên... ùn ùn kéo nhau về tham quan mô hình và mua cây giống. Năm 2010, đoàn tham quan của Hội Làm vườn Tân Kỳ (Nghệ An) sau khi ra trại mít của anh đặt luôn đơn hàng 1 vạn cây về cấp phát cho người dân. Trạm Khuyến nông huyện Kim Bôi (Hòa Bình) lấy 1.200 cây. "Còn Thái Nguyên, Hải Dương lấy vài nghìn cây gì đó, thú thật là không nhớ nữa", Thủy cười khà khà.

Tuy bị "trần" cho ra bã bằng xe công ten nơ hàng ngàn cây số nhưng tỉ lệ sống của giống mít Changai đạt gần như 100%. Đi khắp cả vùng đồi gò của huyện Sóc Sơn, đâu đâu cũng thấy người dân trồng mít Changai. Nhà ít thì một vài cây làm bóng mát, nhà nhiều cũng vài trăm cây.

Tuy sản lượng khá nhiều, nhưng anh Thủy cũng như những người trồng mít chưa bao giờ phải lo chuyện đầu ra. Đến mỗi vụ mít chín chính vụ, thương lái cứ đến trang trại nhà anh xếp hàng dài để đặt hàng. Mà giá một cân mít Thái đâu có rẻ! "Anh bán buôn cho thương lái đã 30.000 đ/kg. Chú cứ thử ra ngoài chợ xem, ít nhất bổ ra họ cũng bán được với giá gấp đôi", anh Thủy gật gù. Không chỉ mua quả, cây giống, nhiều người đến thăm trang trại mê quá bèn ngỏ ý mua lại luôn cả những cây mít quả đang sai bó trên cành. Cây rẻ thì dăm triệu, cây nào đẹp, sai quả thì 20 - 25 triệu.

Nuôi gà dưới tán mít

Diện tích đất vườn rộng, nhà lại neo người nên việc làm cỏ, chăm sóc cho mít gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng cũng chính vì thế, anh Thủy chợt nảy ra ý tưởng nuôi gà dưới tán cây mít để...diệt cỏ. Nghĩ là làm, đầu năm 2012, từ số vốn của Quỹ Khuyến nông Hà Nội, anh Thủy đầu tư mua 300 con gà mái ta về nuôi.


"Mấy năm nay tôi tìm đủ mọi cách để mở rộng diện tích trang trại mà đành bất lực. Nếu thuê đất ở gần thì đắt, còn thuê ở xa thì không có người trông coi, chăm sóc", anh Thủy tâm sự.

Dẫn tôi đi quanh trang trại một vòng, anh Thủy hồ hởi: "Chú thấy không, vườn không một cọng cỏ, đỡ mất nhân công lại có tiền bán gà, bán trứng". Cộng với đó, phân từ gà lại là một nguồn dinh dưỡng để cây mít hấp thụ. Một ngày, đàn gà nhà anh cho khoảng trên 100 trứng. Với giá bán 5.000 đ/quả, tính sơ sơ, một tháng anh Thủy cũng bỏ túi được vài chục triệu từ việc bán trứng.

Không dừng lại ở con số 300 con, trong năm nay, anh đang nhân rộng số lượng gà lên đến 5.000 con. "Chú có để ý cái nhà to to anh xây ở góc vườn không, chỗ trú của 5.000 con gà mái sắp nhập về đấy", anh Thủy chỉ tay. Số tiền mua 5.000 con gà mái kể trên hoàn toàn được sự hỗ trợ của Quỹ Khuyến nông Hà Nội. Hiện tại mọi thủ tục, giấy tờ xin vốn đến việc đặt mua gà, xây chuồng trại đều được anh Thủy hoàn thành. Doanh thu từ trại mít, 300 con gà anh Thủy nhẩm tính sơ sơ một năm cũng được trên dưới 1 tỉ đồng. Nếu như "dự án" nuôi 5.000 con gà dưới tán mít của anh thành công, chắc chắn lợi nhuận sẽ rất "khủng".

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

Lão nông sáng chế máy “5 trong 1”

Để chứng minh công dụng chiếc máy "thần kỳ" do mình sáng chế, ông lão 86 tuổi nhanh thoăn thoắt đổ một thúng ngô vào "miệng" máy, chưa đầy 1 phút 10 bắp ngô đã được tách hạt, lõi và hạt tuồn riêng sang hai bên ống...

Đó là chiếc máy nông nghiệp đa năng "5 trong 1" của lão nông Đinh Công Viên ở thôn Khuyến Công, xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Chiếc máy thông dụng được thực hiện với đầy đủ chức năng phục vụ SX như tuốt lúa, vò đậu tương, lạc, tách ngô, vò đậu xanh.

Chúng tôi tìm đến nhà ông không khó, bởi nhắc đến cái tên Đinh Công Viên thì người dân xã Khả Phong ai cũng biết. Tiếp chúng tôi lão nông sáng chế tài ba cho biết: "Ngày trước khổ lắm, ban ngày đi làm quần quật, tối về đến nhà ăn cơm xong cũng không kịp nghỉ ngơi lại phải gù lưng ra bóc tách ngô. Nhiều hôm bóc miết sưng vù cả mười đầu ngón tay. Hàng ngày nhìn thấy vợ con làm mệt mỏi tôi nghĩ phải chế tạo ra máy tách hạt ngô để giải phóng sức lao động".


Ông Viên đang đổ ngô vào máy

Năm 1998 ông bắt tay vào nghiên cứu, phải tháo máy ra tháo máy vào mất 3 lần, 9 tháng sau thì hoàn thành. Sáng chế thành công ra chiếc máy đối với ông là muôn vàn khó khăn. Phải mất bao đêm suy nghĩ, vạch ra sơ đồ cấu tạo máy trên giấy. Để có các thiết bị lắp ráp, ông thường mò mẫm đến các cửa hàng phế liệu nhặt nhạnh và mua lại các loại máy công nghiệp hư hỏng để thực hành.

Cấu tạo của chiếc máy "5 trong 1" của ông rất đơn giản nhưng không ai cũng làm được, bao gồm bộ phận đầu nổ, bệ đặt máy, bánh xe để lăn, vỏ bao bọc để khỏi tung tóe, bộ phận làm việc có có quả lu, băng tải, dây cu loa, sàn lăn hạt, sàn xả lõi, bộ phận tách bóc...

Năm 2001, ông hoàn thiện thêm một chức năng cho máy là hỗ trợ thêm công phụ vò đậu xanh. Hướng dẫn cho chúng tôi xem về hoạt động của chiếc máy "5 trong 1", ông Viên lấy một rổ ngô lớn đổ vào "miệng" của chiếc máy đa năng. Chỉ trong chốc lát, rổ bắp đã được bóc sạch sẽ và chạy ra 1 bên ống máy, còn lõi thì ra 1 bên ống, rất tiết kiệm thời gian, công sức. Cũng chiếc máy, ông lấy một nắm rau xanh bỏ vào, sau một lát bó rau được thái nhỏ không nát và rất gọn.


Chiếc máy giúp tiết kiệm rất nhiều công sức lao động chân tay

Ông cho biết, công suất của máy làm có thể tuốt được gần 4 sào lúa hay 5 sào đậu tương chỉ trong 1 giờ, gấp 15 lần người làm việc bằng chân tay quần quật cả ngày. Anh Vũ Văn Trung, một người dân thường xuyên nhờ ông mang máy đến tận nhà phục vụ, chia sẻ: "Chúng tôi rất phấn khởi khi ông Viên chế tạo ra được chiếc máy đa năng thông dụng này, giúp người dân tiết kiệm sức lao động".

Hiện chiếc máy "5 trong 1" của ông giá khoảng 4 - 5 triệu đồng và đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành. Đặc biệt năm qua, ông vinh dự nhận giải Ba cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ IV của Bộ KH-CN.

Giàu bởi trồng ổi trái vụ

Vườn của ông Quảng rộng 1 mẫu, với khoảng 200 gốc ổi và 100 gốc nhãn. Điều đặc biệt là ông chỉ trồng cây cho quả trái vụ. Theo ông Quảng, "quả trái vụ luôn được giá và không bao giờ lo ế" .
Ông Trần Xuân Quảng (xóm 1, Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam) xuất ngũ trở về quê hương với thương tật 51%. Ông kể, ông bắt đầu trồng ổi cách đây 7 năm. Vườn của ông rộng 1 mẫu, với khoảng 200 gốc ổi và 100 gốc nhãn. Điều đặc biệt là ông chỉ trồng cây cho quả trái vụ. Theo ông Quảng, "quả trái vụ luôn được giá và không bao giờ lo ế" .

Để có được một khu vườn như ngày hôm nay, ông phải ròng rã trong 3 tháng, đào mương nhỏ, ao chứa nước, rãnh quanh vườn để thoát nước, vượt đất... để đảm bảo tưới tiêu". Chỉ sau 1 năm, vườn ổi của ông đã cho trái. Việc cải tạo giống ổi để đạt chất lượng tốt hơn cũng luôn được ông tìm tòi.


Ông Quảng phân loại ổi để bán.

Ông thường xuyên tìm tới những nơi trồng ổi ngon để học hỏi cách trồng, chăm sóc. Ngoài ra ông còn học thêm chiết ghép để cải tạo giống ổi quê mình. Ông chia sẻ: "Giống ổi Nhân Hậu đã có từ lâu, nhưng quả hơi nhỏ và giòn xốp, tôi học ghép chiết để có được giống quả to hơn, giòn và ngọt như hôm nay".

"Mùa hoa, gia đình tôi phải đi bẻ hết từng nụ hoa một và vun đất, bón phân cho cây phát triển, hết mùa quả mới kích cho ổi ra hoa. Cứ như vậy, vườn ổi luôn cho quả trái vụ, rất ngon"- ông Quảng cho biết. Sau khoảng 1 tháng ổi trổ hoa, ông bắt đầu buộc bao bóng cho ổi để tránh sâu mòng. Sau 3 tháng thu quả thì diệt rệp để đảm bảo cho vụ kế tiếp...

Ổi chính vụ rất rẻ, nhiều khi mang ra chợ chẳng có người mua, nhưng ổi nhà ông thì luôn có người tới tận nhà nhập. Bình thường, giá ổi dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, vào vụ tết 25.000 - 30.000 đồng/kg. Mỗi năm, vườn ổi của ông cho khoảng 8-10 tấn. Cộng cả vườn nhãn trái vụ, bình quân mỗi năm ông thu khoảng 250 triệu đồng.

Nông dân quanh vùng thường xuyên tới nhà ông học hỏi kinh nghiệm trồng ổi, nhãn trái vụ. Chia sẻ bí quyết thành công của mình, ông nói: "Làm vườn không được giấu dốt, phải luôn học hỏi kiến thức mới... ".