Trang

Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

Chàng trai trẻ nuôi lợn thành tỉ phú

Về thôn 2, Thạch Thán (Quốc Oai, Hà Nội) hỏi Nguyễn Qúy Hào ai cũng biết. Anh là một trong những thành viên tích cực trong phong trào thanh niên phát triển kinh tế của xã và là một trong những nhà nông trẻ giỏi toàn quốc được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh.

“Cất” bằng đại học làm nông dân

Nguyễn Qúy Hào sinh ra và lớn lên ở vùng ven ngoại thành Hà Nội. Cuộc sống của anh từ thuở nhỏ đã quen lắm với công việc trồng trọt, chăn nuôi bởi bố Hào đều là những người nông dân “chân lấm tay bùn”.

Anh Hào tâm sự: “Trước đây, bố mẹ mình đã chọn chăn nuôi gia súc, gia cầm là chủ yếu để phát triển nghề nông nghiệp. Từ những ngày bắt đầu học trường trung học, hình ảnh bố mẹ mỗi sáng sớm tất bật với công việc buôn phên, bán cám, nuôi đàn lợn, chăn đàn vịt…đã khiến mình ý thức được sự lam lũ, vất vả nhưng lại không nản chí với nghề nông.

Lúc đó, mình nghĩ rằng, nếu biết cách làm thì sẽ giàu lên bằng chính nghề nông nghiệp, bởi sẵn đất đai, sự hỗ trợ của Nhà nước. Đấy là những điều kiện rất thuận lợi cho nông dân có điều kiện phát triển”.

Điều khiến Nguyễn Qúy Hào tâm đắc nhất là tự bản thân đứng ra làm chủ, tạo công ăn việc làm và thu nhập xứng đáng nhất trên chính mảnh đất quê hương mà không phải đi đâu xa. Suy nghĩ làm giàu từ nghề nông và phục vụ chăm sóc, chữa bệnh gia súc, gia cầm cho các hộ chăn nuôi trở thành ước mơ thôi thúc anh thi đỗ chuyên ngành Thú y, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội.

Anh Hào nói: “Mình xác định học xong sẽ tiếp tục phát triển đàn vật nuôi của gia đình nên chọn ngành học phù hợp với ý định đó”.

Trong suốt thời gian học tập ở trường đại học, anh tích cực về các trang trại để học thực hành và thực tập. Những kì nghỉ hè Hào về nhà cùng bố mẹ chăm sóc đàn gia gia súc của gia đình.

Nguyễn Qúy Hào tại trang trại.

Năm 2004, chủ trương của Nhà nước về giao thầu đất cho bà con nông dân lập trang trại, chuyển diện tích lúa năng suất thấp sang phát triển mô hình V– A- C triển khai về tới xã. Anh viết đơn trình bày nguyện vọng của mình và được giao đất, phát triển kinh tế theo mô hình trang trại.

Sau khi nhận 4.500 m2 đất, gia đình anh phân chia rạch ròi, dùng gần 3.000m2 vào chăn nuôi lợn, gà. Còn lại hơn 1000m2 sử dụng vào trồng rau và cây ăn quả. Anh Hào tập trung đầu tư nhiều hơn vào nuôi đàn lợn giống ngoại.

Nguyễn Qúy Hào chia sẻ: “Những buổi ban đầu luôn khó khăn, từ vốn cho tới kĩ thuật chăn nuôi. Mặc dù mình đã được học ở trường đại học lí thuyết rất căn bản nhưng thực tế sống động hơn nhiều. Bởi vậy, mình tìm đến và học hỏi kinh nghiệm từ nhiều người làm trang trại ở một số địa phương lân cận”.

Phải mất một thời gian khá dài, anh mới có đủ kiến thức thực tế chăm sóc đàn lợn ngoại. Ban đầu, đàn lợn chỉ hơn chục con. Sau giai đoạn nuôi “thử nghiệm”, lợn tăng trưởng bình thường và như mong đợi, anh Hào mua thêm con giống, tăng số lượng, củng cố chuồng trại tiến tới mô hình trang trại “chuyên nghiệp”.

Thành công bởi yêu động vật


Trang trại chăn nuôi của anh được thiết kế tương đối khoa học, gồm khu lợn nái sinh sản, khu lợn đẻ nuôi con, khu nuôi lợn con mới tách cai sữa, khu nuôi lợn thương phẩm, đảm bảo chăn nuôi theo quy trình khép kín.

Trong khu chăn nuôi lợn lắp hệ thống điều hòa giữ nhiệt độ 25 đến 27 độ, nhiệt độ chuồng không được nóng quá vào mùa hè, không lạnh quá vào mùa đông vì sức đề kháng của giống lợn ngoại không cao trong điều kiện môi trường, khí hậu tại Việt Nam. Vì vậy, người chăn nuôi phải thật sự cẩn trọng, quan tâm sát sao để ngăn ngừa dịch bệnh.

Anh Hào cho hay: "Trang trại lúc nào cũng có lợn sinh sản, cứ sau gần một tháng, mình tách đàn lợn con khỏi lợn mẹ để cai sữa và cho ăn cám. Cũng từ thời gian tuổi đó, nếu có khách mua là mình có thể xuất bán lợn con. Giống lợn ngoại mau lớn, da hồng hào hiệu quả cao, giá bán cũng cao hơn giống lợn nội".

Trong chăn nuôi, khâu vô cùng quan trọng là tiêm phòng dịch bệnh và chăm nom đầy đủ cho vật nuôi. Anh Hào luôn trăn trở về đàn gia súc, nhiều đêm thức trắng, chăm sóc, “đỡ đẻ” cho lợn trở thành chuyện thường xuyên…

Đến giờ tổng đàn lợn của anh lên tới 80 con nái đẻ và gần 400 con lợn thịt. Anh đang tiếp tục đầu tư xây dựng thêm khu chuồng nuôi để tăng số lượng đàn lợn. Không dừng lại ở lĩnh vực chăn nuôi, anh Hào còn trồng cây ăn quả, cây cảnh các loại…

Duy trì và phát triển trang trại tới nay đã được gần chục năm, vượt qua nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, thời tiết, tiền vốn, kĩ thuật…Tổng doanh thu từ trang trại của anh Hào đạt trên 6,5 tỷ đồng/năm.

Chia sẻ về những thành quả đạt được, anh Hào nói: “Mỗi người chọn cho mình một nghề phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, để thành công trong bất cứ con đường nào đều cần có niềm đam mê. Mình yêu thích động vật nên đủ lòng nhiệt tình để theo đuổi và làm giàu từ nghề chăn nuôi”.

Anh luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm làm giàu với bất kì ai. Mô hình phát triển kinh tế trang trại của anh đã được nhân rộng tại xã Thạch Thán cũng như nhiều địa phương trong huyện Quốc Oai. Người nông dân sáng tạo, chịu thương chịu khó như anh góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn của vùng nông thôn, ngoại thành Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, Nguyễn Qúy Hào còn là đoàn viên thanh niên tiêu biểu luôn đi đầu trọng công tác Đoàn, Hội, được Huyện đoàn Quốc Oai tặng giấy khen nhiều năm liền; đạt danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2011; Thành đoàn Hà Nội tặng bằng khen tại Festival thanh niên nông thôn Thủ đô năm 2012; Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét