Trang

Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Phận nữ làm giàu trên đồi hoang

Dẫn chúng tôi băng qua những tán rừng tràm xanh mướt, bà Cao Thị Cúc (trú thôn Liên Phong, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) tự tin kể: “Trước đây khi đi trên vùng đất này, bước chân phải hết sức cẩn thận, mỗi nhát cuốc đưa lên là một lần tim nhảy ra khỏi lồng ngực vì sợ cuốc trúng bom đạn còn sót lại sau chiến tranh. Nay thì chú thấy đó, rừng tràm đã phủ xanh đất trống bạc màu”.

Năm 1992 sau khi có 3 mặt con, bà rời vùng quê nghèo xã Triệu Giang lên vùng kinh tế mới Tây Triệu Phong lập nghiệp. Chồng bà vướng vào rượu chè be bét, nên người phụ nữ chân yếu tay mềm như bà trở thành trụ cột gia đình.


 

Đàn bò của bà Cao Thị Cúc cho thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng.


Dù gặp bộn bề khó khăn nhưng bà không nản chí. Hàng ngày, bà một mình cơm đùm gạo bới khai khẩn đất đai quyết tâm trồng rừng. Cứ thế, suốt 3 năm, bà Cúc trồng được 5ha tràm.

Lấy ngắn nuôi dài, năm 1996, khi được Dự án trồng rừng 327 cho vay 2,8 triệu đồng, bà Cúc mua 2 con bò về chăn thả để gây đàn. Hàng ngày, ngoài thời gian trồng rừng, tranh thủ lúc chăn bò, bà Cúc kiếm củi, hái rau đem về xuôi bán kiếm tiền nuôi 3 đứa con ăn học.

Nhờ chăm chỉ làm ăn, chịu thương chịu khó nên đến nay bà Cúc đã có một cơ ngơi khang trang với gia trại bề thế của mình. 8 năm nay, đàn bò của bà Cúc đã phát triển thêm, bà luôn duy trì số lượng 30 con, trong đó có 15 bò cái sinh sản, mỗi năm cho thêm 15 con bò giống. Sau một năm chăm bẵm, mỗi con được xuất bán với giá 15-18 triệu đồng. Nhẩm tính, mỗi tháng “chăn bò”, gia đình bà Cúc thu về 18-22 triệu đồng. 5ha rừng tràm có vòng đời 5 năm thu hoạch một lần, tính trung bình bà Cúc có thêm thu nhập từ 25-30 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Không chỉ giỏi làm ăn, bà Cúc còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ bà con xóm giềng về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để mọi người cùng làm giàu.

Ông chủ trẻ kiếm bộn tiền từ cây “vạn năng”

Cũng bình thường như bao người nhưng nhờ lao động chăm chỉ, anh Nguyễn Tiến Dương đã trở thành triệu phú với thu nhập 300 triệu/năm nhờ cây vạn năng chùm ngây.

Người đầu tiên trồng và phát triển giống cây quý tại miền Bắc


Anh Nguyễn Tiến Dương ( Sóc Sơn- Hà Nội) tuy xuất thân từ một vùng quê gắn liền với cây lúa nhưng lại được sinh ra trong gia đình khá giả khi bố mẹ có cơ sở sản xuất chè lớn nổi tiếng khắp vùng. Được bao bọc bởi gia đình, tương lai là người kế nghiệp xưởng chế biến chè mà nhiều người hàng mong ước, thế nhưng anh Dương lại muốn tạo dựng cho mình con đường sự nghiệp riêng để thử thách bản thân. Và anh đã quyết định lập một trang trại trồng chùm ngây với diện tích rộng 5000m2.

 

Anh Nguyễn Tiến Dương làm giàu trên mảnh đất nghèo khó quê hương

Là một người trầm tính, ít nói, từ nhỏ đến lớn anh chưa hề có ý niệm về ngành nông nghiệp: trồng trọt, chăn nuôi song khi bắt tay tạo dựng trang trại, anh Dương lại trở nên tháo vát, thạo mọi công việc như đã thân thuộc từ lâu lắm khiến nhiều người kinh ngạc.

Hiện nay, khi các khu công nghiệp được mọc lên nhiều hơn, người dân tại các vùng quê bỏ đất canh tác nông nghiệp để đi làm công nhân nên diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang ngày càng lớn. Và chính anh đã biến những mảnh đất ruộng bỏ hoang trở nên xanh tốt bởi một loại cây được ví là cây “vạn năng”.

Ở Việt Nam, chùm ngây được phát hiện mọc hoang từ lâu đời tại nhiều nơi như Ninh Thuận, Bình Thuận. Chỉ vài năm gần đây, khi được mang hạt từ nước ngoài về Việt Nam, được trồng có chủ định và qua nghiên cứu, người ta thấy được lợi ích to lớn từ loại cây này.

Sự hiểu biết của người dân về loại cây quý này cũng còn hạn chế. Vậy mà, một chàng trai mới học hết cấp 3 đã tìm hiểu, nghiên cứu và nhân giống được một trang trại chùm ngây với số lượng hơn 3 nghìn cây và trở thành người đầu tiên trồng và phát triển giống cây dược liệu quý giá này tại miền Bắc.

Anh Dương cho biết: "Chùm ngây vừa là dược liệu, vừa là một thực phẩm rất tốt. Ngoài khả năng thanh lọc nước và cho giá trị dinh dưỡng cao, cây chùm ngây còn là một dược thảo quan trọng trong việc điều trị một số bệnh. Nó có tính kích thích, giúp lưu thông máu huyết, giúp dễ tiêu hóa, tác dụng trên hệ thần kinh, làm dịu đau; ngoài ra, hạt và nhựa cây cũng giúp giảm đau rất tốt”.

Quá trình lập nghiệp làm giàu từ cây chùm ngây

Cũng giống bao trang trại khác, ý định ban đầu của anh Dương chỉ là đào ao thả cá, nuôi gà, nuôi trâu, trồng rau để phục vụ gia đình. Thế nhưng cơ duyên đến bất ngờ với anh khi gặp chú Phan Văn Ngũ ( huyện Bảo Yên- tỉnh Lào Cai), người đã tìm hiểu về cây chùm ngây trước đó và được biết giá trị tiềm năng về kinh tế nên đã thuyết phục anh Dương thử nghiệm với loại cây trồng mới này.



 

Anh Dương cho biết nên thu hoạch rau chùm ngây vào buổi sáng sớm là thích hợp nhất.

Anh Dương tìm hiểu thông tin về loại cây chùm ngây trên mạng, qua những hội thảo về công dụng chùm ngây mang lại và quyết đoán với ý định nhập giống cây về trồng tại trang trại. Vì đây là loại cây rất dễ trồng nên anh càng hăm hở hơn với công việc mới. Tuy nhiên, càng hy vọng bao nhiêu thì lại thất vọng bấy nhiêu khi những cây non cứ chết dần chết mòn

Khi cây giống bị chết hàng loạt như vậy, anh Dương có nhờ đến chi cục bảo vệ thực vật của huyện Sóc Sơn tìm hiểu nguyên nhân nhưng chưa có kết quả cụ thể vì đây là một loại cây mới nên chưa có công trình nghiên cứu về các loại bệnh mà cây mắc phải.

Không chấp nhận mất số tiền vốn và công sức ban đầu đã bỏ ra, anh Dương kiên trì theo đuổi tới cùng, anh khắc phục sai sót trong khâu ươm cây giống và tiếp tục phát triển những cây chùm ngây của mình.

Cây chùm ngây có thể trồng từ hạt, hom cành, hom củ và trồng được quanh năm. Những vùng thiếu nước nên trồng vào mùa mưa, tức khoảng tháng 4, tháng 5.

Loài cây này chuộng đất ráo nước, nhiều cát, dù là đất xấu cũng dễ mọc. Tuy nhiên cây không chịu được úng ngập và dễ chết nếu không được thoát nước tốt. Chính vì vậy, để trồng những cây chùm ngây này, anh Dương phải tạo những luống rộng khoảng 2m, cao khoảng 20-30 cm và chuẩn bị các rãnh để thoát nước tốt. Mỗi luống có thể trồng 2 hàng chùm ngây với khoảng cách của các cây là 1m nếu trồng cây để lấy rau. Và nếu trồng cây để lấy hạt và hoa thì cần khoảng cách lớn hơn.

Theo kinh nghiệm của anh Dương, khi cây ươm lên mầm cao khoảng 15cm - 20cm thì sẽ đem ra ruộng trồng và chỉ cần 3 tháng trở đi là có thể thu hoạch được. Điều đặc biệt, cây chùm ngây không có sâu nên không cần phun thuốc vì vậy mà mọi người có thể trực tiếp ngắt lá chùm ngây ăn sống được.

Thu 300 triệu/năm nhờ cây "thần dược"

Để chăm sóc tốt hơn cho trang trại của mình, anh Dương thuê thêm 6 công nhân cố định với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Hiện tại vườn chùm ngây của anh Dương tập trung vào để thu nhập lấy rau là chủ yếu. Loại rau này có giá bán trên thị trường dao động từ 70.000 - 100.000 đồng/kg. Và thị trường chủ yếu của trang trại anh Dương là những cơ sở bán rau sạch trên địa bàn Hà Nội. Trung bình mỗi năm, cơ sở anh Dương cung cấp khoảng 3000 cây chùm ngây, tương đương với 300 triệu đồng.

Chị Mai Thị Hạnh ( Nghĩa Tân- Cầu Giấy- Hà Nội) người trực tiếp lấy rau chùm ngây của anh Dương để bán buôn cho biết: "Tôi lên mạng tìm hiểu thì được biết rau chùm ngây có rất nhiều chất dinh dưỡng và đã bắt đầu kinh doanh rau chùm ngây, thời gian đầu tôi chỉ kinh doanh online, người ta dùng và phản hồi lại rất thích loại rau này, tốt cho mọi người đặc biệt đối với trẻ con và phụ nữ mới sinh”.

Ngoài việc trồng chùm ngây để thu hoạch sản phẩm, anh Dương còn đầu tư phát triển vào cây chùm ngây giống để cung ứng giống cho trang trại cũng như cung ứng giống cho những hộ xung quanh.

Để phát triển rộng rãi mô hình cây trồng chùm ngây, anh Dương đã đầu tư cây giống và phân bón cho những hộ nông dân tại địa phương. Tổng diện tích các hộ dân trồng hiện nay đã lên tới 6 héc ta.

“Được phổ biến từ hội cấp trên từ năm 2012, tôi thấy Dương trồng được loại cây này rất có tiềm năng nên đã đưa hội viên tới thăm quan, học hỏi và hiện tại diện tích trồng của xã tôi đã lên 3,5 héc ta dựa trên nguồn cung cấp giống của anh Dương”- ông Nguyễn Văn Muộn (Chủ tịch hội làm vườn xã Mai Đình- huyện Sóc Sơn) cho biết.

Dự định trong tương lai anh Dương sẽ đầu tư máy móc để chế biến các sản phẩm từ cây chùm ngây như đóng trà túi lọc, nghiền lấy bột,…và lập một trang web giới thiệu về loại cây cũng như công dụng của nó mang lại để nhiều người được biết tới.


Chùm ngây là loại cây chứa hơn 90 chất dinh dưỡng tổng hợp bao gồm 7 loại vitamin, 6 loại khoáng chất, 18 loại acid amin, 46 chất chống ôxi hóa, liều lượng lớn các chất chống viêm nhiễm, các chất kháng sinh, kháng độc tố, các chất giúp ngăn ngừa và điều trị ung thư, hạ cholesterol, bảo vệ gan…nên được ví là cây vạn năng.

Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

Chàng trai Hà Nội thu nhập hơn 1 tỷ mỗi năm nhờ cây Phật thủ bonsai

Sau nhiều năm nghiên cứu thất bại, cuối cùng anh Nguyễn Bá Chính (Hà Nội) và 2 đồng nghiệp đã thành công trong việc tạo ra cây Phật thủ bonsai – loại cây cảnh vô cùng độc đáo có giá lên đến 8-10 triệu/cây và thu về hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.


2-4 triệu đồng/cây, doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm

Một cải biến của thú chơi quả “bàn tay Phật”, cây Phật thủ bonsai mới xuất hiện trong vòng hai năm nay đã thu hút được khá đông người chơi cây cảnh dịp Tết. Với dáng nhỏ gọn, giá cả vừa phải, loại cây cảnh này đang hứa hẹn là một hướng đi mới cho người dân đất “Phật thủ” Đắc Sở (Hoài Đức – Hà Nội) nói chung và nhóm của anh Nguyễn Bá Chính nói riêng.

“Phật thủ là cây truyền thống của địa phương, đã có thương hiệu trong tâm trí người dân gần xa. Không muốn đi theo lối mòn nên tôi và hai người bạn đã góp vốn, học hỏi kỹ thuật và thành lập khu vườn này. Đây là loại Phật thủ bonsai duy nhất ở Việt Nam hiện nay”, anh Nguyễn Bá Chính chia sẻ.


Anh Nguyễn Bá Chính và hai người bạn đồng nghiệp đã trồng thành công cây Phật thủ bonsai hút khách

Để tạo ra những cây Phật thủ bon sai có kiểu dáng và quả đẹp, ít ai biết anh Chính và hai người bạn của anh đã phải tốn công sức đến thế nào. Vừa mất thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, vừa lao tâm khổ tứ trong một khoảng thời gian dài, và cả một số tiền lớn đã đổ vào nhưng rồi thất bại.

“Lúc mới làm, vì thiếu kiến thức, áp dụng sai kỹ thuật và bị sâu bệnh phá hoại nên chúng tôi không thể tạo ra được loại Phật thủ bonsai hoàn thiện. Thậm chí có lần, tưởng đã thành công và xuất cho một đại lý là một cô bé mới tập tành khởi nghiệp nhưng cuối cùng hàng không bán được nên 28 Tết cô bé ấy đem đến trả. Chúng tôi vẫn nhận lại dù biết mức độ tổn hại rất nhiều. Ước tính qua mấy lần thất bại cũng rơi vào khoảng 2 tỷ đồng”, anh Chính ngậm ngùi cho biết.

Tuy nhiên nhờ sự kiên trì, ham học hỏi nên cuối cùng anh Chính và các đồng nghiệp đã thành công trong việc tạo ra cây Phật thủ bonsai độc đáo, với thị trường tiêu thụ rộng lớn khắp ở miền Bắc và miền Trung.

Mỗi cây Phật thủ bonsai cao chừng 50cm, có từ 4-7 quả chín vàng mọng bằng nắm tay. Có những cây được tích hợp thêm những loại quả khác. Những chậu cây Phật thủ bonsai như vậy có giá dao động từ 2-4 triệu/cây, những cây to, thế đẹp được bán với giá 8-10 triệu.

Mỗi cây Phật thủ bonsai cao chừng 50cm, có từ 4-7 quả chín vàng mọng bằng nắm tay




Hiện, cơ sở của anh Chính và các đồng nghiệp có khoảng 900 cây và vì chỉ có cơ sở của anh mới có loại Phật thủ bonsai này nên anh Chính rất tự tin sẽ tiêu thụ được hết trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

“Năm ngoái, chúng tôi thu về được hơn 1 tỷ đồng. Còn năm nay có lẽ cũng vẫn vậy, vì giá cả không biến động nhiều” – anh Chính chia sẻ.

Phật thủ bonsai - cây cảnh chơi Tết hút khách

Mặc dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng vườn cây Phật thủ bon sai lạ mắt của nhóm anh Chính đã tấp nập khách tham quan. Trong số này có nhiều người mua về làm cảnh, có người mua với số lượng lớn để kinh doanh, cũng có những người vì tò mò mà đến xem.


Cây Phật thủ bonsai có giá dao động từ 2-4 triệu/cây

Trong số đó có anh Nguyễn Văn Thắng (Bỉm Sơn – Thanh Hóa) đã cùng vợ và con gái đi hơn 100km từ Thanh Hóa ra Hà Nội để tìm mua Phật thủ bon sai. Không chỉ có ý định mua về chơi Tết và tặng bạn bè, anh Thắng còn chợt nảy ra kế hoạch kinh doanh.

“Đây là loại cây mới, chưa được phổ biến rộng rãi, ở quê tôi chưa có ai bán. Tôi nghĩ mình đầu tư vào cây này sẽ có lãi”. Anh cho biết thêm, cây Phật thủ ngoài đẹp mắt, tươi lâu còn có giá trị tâm linh nên khá được ưa chuộng trong dịp Tết”, anh Thắng nói.

Cũng như anh Thắng, anh Trần Văn Hồ (Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh) cũng hết sức tâm đắc với sản phẩm này. Anh tình cờ thấy thông tin trên mạng và quyết định ra tận nơi để “mục sở thị”, nung nấu ý định kinh doanh loại cây cảnh này tại địa phương mình vào dịp Tết.

“Loại cây này khá mới mẻ, hình thức cũng khá bắt mắt, lại gọn nhẹ. Hơn nữa, cây phật thủ để tươi lâu đến vài tháng nên mình chọn loại cây này bày trí trong gia đình đón xuân”, anh Hồ cho biết.

Vườn cây Phật thủ bonsai của anh Chính và đồng nghiệp



Mặc dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng vườn cây Phật thủ bon sai lạ mắt của nhóm anh Chính đã tấp nập khách tham quan

Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Giàu lên từ trang trại nuôi lợn siêu nạc

Từ hai bàn tay trắng, anh Nguyễn Văn Tứ đã mạnh dạn vay lãi đầu tư trang trại khép kín nuôi lợn siêu nạc. Mỗi năm cho thu lãi tiền tỷ và trở thành người chăn nuôi lớn nhất trên địa bàn huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang).



Anh Nguyễn Văn Tứ bên trang trại lợn

Sinh năm 1970 tại thôn Sơn Quả 1, xã Lương Phong, Hiệp Hòa, Bắc Giang. Ngay từ khi còn nhỏ anh Tứ đã được làm quen với nghề chăn nuôi. Bởi bố mẹ anh sống bằng nghề thuần nông. Sau khi xây dựng gia đình, vợ chồng anh được bố mẹ cho ra ở riêng với hai bàn tay trắng. Cuộc sống cơ cực hơn khi hai đứa con lần lượt chào đời. Những tháng ngày lang thang tìm việc ở các thành phố lớn, anh tích cóp được chút tiền vốn về quê bàn với vợ đầu tư vào chăn nuôi. Ban đầu anh chỉ dám làm mô hình nhỏ với mấy chục con lợn.

Sau khi được lãi lớn ở lứa lợn siêu nạc đầu tiên. Năm 2010 anh Tứ quyết định thế chấp vay Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện trên 500 triệu đồng cộng với số tiền tích cóp trong bao năm thành lập trang trại, mua ruộng của bà con để dồn điền đổi thửa, quy hoạch khu chăn nuôi cách xa khu dân cư, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường. Ban đầu, anh nuôi 100 con lợn thịt, 10 lợn nái, lợn nái sinh sản anh không tách đàn mà để lại tiếp tục nuôi lợn thịt. Sau đó, anh quyết định làm thêm đại lý cấp 1 chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi cho các hộ dân trong và ngoài địa bàn, đồng thời mở rộng chuồng trại chăn nuôi và tăng đàn của gia đình. Anh Tứ cho hay: "Tôi muốn xây dựng một mô hình chăn nuôi khép kín, có thể chủ động được từ con giống, tiêm phòng dịch bệnh, nguồn thức ăn đến đầu ra cho sản phẩm".

Đến nay, trang trại nuôi lợn của anh có diện tích 2200m2 , xây 6 chuồng khép kín có hệ thống làm mát vào mùa hè, trung bình 300 con /chuồng. Hiện trang trại của anh Tứ đang duy trì 210 lợn nái, 1200 lợn thương phẩm. Mỗi tháng cung cấp ra thị trường 30 tấn lợn thịt, xuất chuồng 100 lợn con và 650 tấn cám, trung bình mỗi con lợn anh lãi 1,2 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí thức ăn, thuốc, điện thắp sáng… Đợt giá cao có thể lãi tới 1,5 triệu đồng/con. Như vậy, riêng trang trại lợn mỗi năm gia đình anh thu lãi khoảng hơn một tỷ đồng. Để đảm bảo đàn lợn lớn nhanh, không mắc dịch bệnh, ngoài kinh nghiệm có được, anh Tứ còn thuê 2 bác sĩ thú y và 4 lao động. Anh Tứ cho biết: “Nuôi giống lợn siêu nạc vẫn được giá hơn các giống lợn khác. Thời điểm trượt giá nhất thì người chăn nuôi vẫn được lãi 500 nghìn đồng/con. Hơn nữa, gia đình tôi thường xuất cho thương lái ở các thành phố lớn, hợp đồng rõ ràng nên hầu như lúc nào cũng được giá”.

Để chăn nuôi phát triển như ngày hôm nay, anh Tứ luôn tìm tòi, học hỏi từ những người có kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Đồng thời, tuân thủ nghiêm ngặt công tác tiêm phòng dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại. Đặc biệt chú ý ngay từ khâu lựa chọn con giống. Từ khi mở rộng chăn nuôi, năm nào anh Tứ cùng tìm đến trại giống CIPI để mua giống nái siêu nạc.

Suốt ngày gắn bó với chuồng trại, anh Nguyễn Văn Tứ đã thuộc hết các quy trình, giai đoạn phát triển của con lợn, các loại vawcscin cần phải tiêm phòng. Anh bảo: “Làm nhiều nên kinh nghiệm cũng nhiều. Bây giờ tôi đã trở thành “kỹ sư chăn nuôi” của gia đình. Từ khi thành công với mô hình kinh tế trang trại, anh Tứ đã hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho nhiều người trong và ngoài huyện đến thăm quan học hỏi. Nhất là khi anh tham gia vào Hợp tác xã chăn nuôi của xã Lương Phong, nhiều hộ dân không tìm được đầu ra tiêu thụ sản phẩm, anh đã giới thiệu thương lái tới tận gia đình để thu mua, giúp người chăn nuôi không bị thua lỗ.

Kinh tế khá lên, anh luôn sẵn lòng ủng hộ địa phương làm đường giao thông nông thôn. Mới đây thôn Sơn Quả 1 có đoạn đường lầy lội, khó đi lại trong mùa mưa, anh đã tình nguyện ủng hộ 60 triệu đồng đổ bê tông. Các thôn lân cận mỗi khi xây dựng các công trình phúc lợi, anh biết đều ủng hộ vài ba triệu đồng. Ông Lưu Quang Hán, Chủ tịch UBND xã Lương Phong nhận xét: “ Anh Tứ là người dám nghĩ, dám làm, có nhiều đóng góp xây dựng quê hương giàu đẹp, nhất là trong việc ủng hộ kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương”.

Thứ Hai, 12 tháng 1, 2015

Thu gần nửa tỷ mỗi năm nhờ trồng quýt hồng trong chậu

Chăm sóc quýt hồng trong chậu rất vất vả kỳ công, nhưng nhờ quyết tâm, ông Tư Ràng ở Đồng Tháp thu hàng trăm triệu mỗi năm nhờ mô hình này.

Những năm gần đây, ngoài các loại kiểng lá, kiểng hoa chưng vào ngày Tết, thì các loại cây có trái được thị trường đón nhận nồng nhiệt. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, cộng với niềm đam mê nghệ thuật bonsai, kiểng cổ, ông Lưu Văn Ràng (Tư Ràng), ngụ ấp Khánh An, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, đã bỏ công tìm tòi, nghiên cứu và là người đầu tiên ở Đồng Tháp đưa quýt hồng vào chậu chưng dịp Tết.

"Năm 2000, nhận thấy nhu cầu của thị trường đang khan hiếm nên tôi đã gác lại việc kinh doanh ở thành phố Sa Đéc để về Lai Vung lập vườn thực hiện ước mơ và niềm đam mê của mình", ông Ràng bộc bạch.


Ông Ràng cần mẫn chăm sóc vườn quýt hồng. Ảnh: Nam Lê.

Ông cho biết, thời ấy rất hiếm quýt hồng được cho vào trong chậu để làm cảnh mà chủ yếu trồng trên đất vườn với số lượng nhỏ. Cây lại phát triển không đều nên cũng khó bán ra thị trường, giá chỉ vài chục nghìn đồng một kg. Nhưng vì niềm đam mê cải tạo giống và mong mỏi cây mang lại giá trị cao, sau nhiều năm nghiên cứu và chăm sóc, năm 2004 ông Tư quyết định thí điểm đưa cây quýt hồng vào chậu. Tuy nhiên, thời gian đầu, cây phát triển chưa theo mong muốn khiến ông tốn khá nhiều chi phí. Mặc dù vậy, ông vẫn quyết chí nghiên cứu và liên tục thay đổi kỹ thuật canh tác. Cuối cùng, đến Tết Nguyên đán 2006 ông đã tạo ra khoảng 200 chậu quýt có dáng đẹp và trái đều. Nhờ vậy, năm ấy ông kiếm được vài trăm triệu đồng.

Đến nay, sau gần 10 năm gắn bó với nghề này, vườn quýt hồng của ông Tư Ràng trở thành địa chỉ được nhiều người săn đón mỗi dịp Tết. Ông cho biết, năm nay nhu cầu của thị trường tăng cao, nên ông sẽ cung cấp khoảng 350 chậu quýt hồng. Bình quân mỗi chậu quýt lớn, có kiểu dáng đẹp giá 1,5 - 4 triệu đồng; chậu nhỏ giá dao động 700.000 - 1,5 triệu đồng một chậu.

"Dù còn gần hai tháng nữa mới đến Tết nhưng nhờ nhu cầu của khách tăng cao nên tôi đã bán được khoảng hai phần ba số chậu trong vườn trị giá gần 300 triệu đồng. Số lượng quýt còn lại cũng có giá gần 200 triệu", lão nông này nói.

Cũng theo ông Ràng, do thời tiết năm nay không thuận lợi, nhất là vào giai đoạn xử lý ra hoa nên mỗi chậu quýt cảnh tăng từ 500.000 đến 700.000 đồng một chậu so với Tết năm trước.

Chia sẻ về khó khăn trong nghề, ông Ràng cho hay, để trồng được một chậu quýt phục vụ ngày Tết, phải mất nhiều công chăm sóc và liên tục trong thời gian dài. Ban đầu phải biết cách chọn giống. Thông thường, ông giâm cây con dưới đất từ hơn một năm trước và phải dưỡng qua 30 tháng mới có được một chậu quýt cảnh hoàn chỉnh. Điều khó khăn nhất là khi cho cây vào chậu, quýt dễ bị chết, vì vậy phải có sự đầu tư chu đáo về cây giống và kỹ thuật chăm sóc mới mang lại hiệu quả.

"Chậu quýt hồng đạt chuẩn là hình dáng phải cân đối có màu xanh mượt, trung bình một chậu có khoảng 20-30 trái và phân bố đều cây. Trái phải to bóng, đặc biệt phải có màu vàng ánh đặc trưng của quýt hồng Lai Vung…", ông Ràng chỉ cách phân biệt.

Để tiếp tục phát triển thương hiệu, 2016 sắp tới, ông Ràng dự kiến sẽ tung ra thị trường khoảng 400 chậu quýt hồng, bởi theo ông thị trường quýt chậu trong thời gian tới vẫn còn rộng mở.

Hiện nay, ngoài ông Ràng, một số nhà vườn của huyện Lai Vung cũng sản xuất thí điểm quýt cảnh cung cấp vào dịp Tết. Tuy nhiên, theo nhiều nhà vườn chia sẻ, so với nhiều loại cây cảnh và hoa kiểng khác thì sản xuất quýt cảnh khó hơn rất nhiều. Bởi quýt hồng trồng ở đất thịt đã rất khó, khi đưa vào chậu, việc xử lý trái và tạo dáng để chậu quýt được cân đối, bắt mắt đòi hỏi nhà vườn phải có kỹ thuật cao và đầu tư rất công phu. Đây là lý do khiến quýt cảnh Lai Vung liên tục hút hàng trong những năm qua.

Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

Nuôi tắc kè làm giàu trên vùng đất khó

Để có được thành công, anh Viên đã chịu không ít thất bại khi tất cả số tắc kè đầu tiên nhập về đều chết sạch.

Huyện Sơn Động (Bắc Giang) là một trong 62 huyện nghèo nhất của cả nước, đời sống người dân khó khăn nhưng chàng trai trẻ Ngọc Văn Viên luôn khao khát, ước muốn được làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, anh là người đầu tiên ở Việt Nam nuôi và nhân giống thành công tắc kè miền Bắc.



Một góc chuồng trại tắc kè của anh Viên

Lập nghiệp từ chăn nuôi tắc kè

Ngọc Văn Viên (SN 1989) thôn Thượng, xã Long Sơn, huyện Sơn Động được biết đến là một người có mô hình kinh tế giỏi của thanh niên nơi đây. Học hết bậc phổ thông, Viên không thi vào đại học như mong muốn của mẹ, anh giấu gia đình xuống Hà Nội xin làm trong một trang trại chăn nuôi.

Trong thời gian đó, anh luôn mong muốn học được nhiều kinh nghiệm để về mở một trang trại nuôi lợn.

Với số đồng vốn ít ỏi trong tay, anh luôn trăn trở về dự định của mình không thể thành hiện thực. “Khi ấy, tôi đọc qua sách báo về mô hình chăn nuôi tập trung thành công mà nghĩ quê mình đất rộng, tại sao lại không làm được. Tuy nhiên, nếu tôi có làm thì vốn cũng không đủ. Trong lúc bế tắc thì tôi nhận được giấy nhập quân ngũ, đấy cũng là thời gian tôi suy nghĩ lại con đường lập nghiệp của mình”.

Trước đây ở nước ta có rất nhiều tắc kè, mỗi năm bẫy bắt tới 200-300 con vừa để đáp ứng nhu cầu nội tiêu vừa để xuất khẩu. Ngày nay do bị săn bắt quá nhiều, đồng thời môi trường sống thích hợp của tắc kè bị thu hẹp nên số lượng loài này sống trong tự nhiên bị giảm sút mạnh. Vì vậy mà anh Viên đã nghĩ ra cách nuôi tắc kè để có sản phẩm cung cấp cho thị trường.


Anh Viên đang giới thiệu về giống tắc kè miền Bắc

Xuất ngũ về quê, anh Viên nhận được 14 triệu từ kinh phí hỗ trợ của quân đội khi ra quân, anh quyết định mua 140 con tắc kè. Anh cất công sang tỉnh Quảng Ninh tìm hiểu về một số mô hình chăn nuôi và về tự mày mò xây chuồng trại, làm nơi ăn, chốn ở cho tắc kè.

Thế nhưng, được 3 tháng, đàn tắc kè lăn ra chết sạch. Con thì bệnh đau mắt, con thì bị lở miệng, con lại viêm da, 140 con gần như xóa sổ toàn bộ.

Chàng thanh niên 22 tuổi quyết lập nghiệp tại quê nghèo

Thất bại hoàn toàn nhưng anh Viên vẫn không bỏ cuộc. Trong một lần vào hiệu thuốc đông y, anh được biết thêm thông tin có hai loại tắc kè, đó là tắc kè miền Bắc và tắc kè miền Nam. Tắc kè mà anh nhập về nuôi đều là tắc kè niềm Nam, giá trị dược liệu thấp và do không phù hợp với điều kiện khí hậu của miền Bắc nên đã bị chết. Như một yếu tố bất ngờ quyết định sự thành bại trong sự nghiệp mới gây dựng, anh Viên tiếp tục đi theo con đường đã lựa chọn.

Kịp thời động viên, khuyến khích những thanh niên có chí lập thân, lập nghiệp nên xã đoàn Long Sơn đã tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên Ngọc Văn Viên làm thủ tục vay 20 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm. Cộng thêm số tiền tích góp được, anh lại xuôi về Nam Định mua con giống, học cách xử lý các bệnh dịch.

Để tìm hiểu thêm quy trình chăn nuôi, chữa bệnh, anh Viên mua thêm sách về đọc, liên hệ với những người bạn đang học thú y để hỏi về cách chữa bệnh thường gặp ở tắc kè.

Tháng 8 năm 2011, anh Viên bắt tay vào xây dựng chuồng trại và thả 40 cặp giống tắc kè đầu tiên trên diện tích 80m2. Chuồng nuôi thiết kế gồm nhiều ô nhỏ bao gồm: ô cho tắc kè sinh sản, ô dành cho việc ấp nở trứng, ô dành cho tắc kè nhỏ từ 1 -4 tháng tuổi, ô dành cho tắc kè nhỡ từ 4 - 8 tháng tuổi , ô dành cho tắc kè thương phẩm và tắc kè hậu bị và ô chữa bệnh cho tắc kè bị nhiễm bệnh.



Tắc kè ở độ tuổi khác nhau được phân chia ở khu vực chuồng khác nhau để có kế hoạch chăm sóc tốt nhất. 

Chuồng nuôi được thiết kế để ánh mặt trời có thể chiếu vào cho tắc kè phơi nắng. Đây là điều kiện cần thiết vì tắc kè là động vật máu lạnh cần có ánh nắng cho quá trình ổn định thân nhiệt và trao đổi chất. Chính vì thế mà bệnh tật của tắc kè trong chuồng trại của anh Viên được đẩy lùi và phát triển khỏe mạnh.

Hiện tại, anh Viên đang nuôi được hơn 1000 con tắc kè miền Bắc báo gồm tắc kè bố mẹ, tắc kè giống và tắc kè thương phẩm. Nuôi trọng lượng đạt 60 gam là có thể xuất bán ra thị trường. Mỗi năm anh Viên thu nhập khoảng 120 triệu đồng - là một số tiền rất lớn đối với vùng quê nghèo khó nơi đây.

Tắc kè ở độ tuổi khác nhau được phân chia ở khu vực chuồng khác nhau để có kế hoạch chăm sóc tốt nhất. Khi tắc kè được 6 đến 7 tháng tuổi đạt trọng lượng khoảng 80 gam trở lên thì bắt đầu đẻ trứng. Mỗi năm tắc kè bố mẹ của anh Viên cho ra đời khoảng 500 quả trứng, trung bình một tháng đẻ một lần mỗi lần từ 2 đến 5 quả. Chúng đẻ liên tục trong nhiều năm , trứng bám vào vách tường hoặc thân cây , sau 2 đến 3 tháng thì trứng nở.

Mùa sinh sản của tắc kè là từ tháng 4 - tháng 11 hàng năm. Để tắc kè sinh sản tốt thì cần phải ghép đàn theo đúng tỷ lệ thích hợp, một con đực và bốn con cái. Trong mùa sinh sản cần tăng lượng cho ăn, cung cấp đủ chất cho tắc kè chính vì thế mà anh Viên cũng phải quan tâm đến nguồn thức ăn chính cho tắc kè là dế mèn.

Nuôi tắc kè, làm chơi ăn thật

Hiện nay anh Viên đang cung cấp giống tắc kè và dế mèn cho các hộ gia đình tại các tỉnh niềm Bắc. Ngoài ra các tắc kè thành phẩm anh Viên cung cấp cho các cơ sở đông y và chế biến thuốc với giá 200.000 đồng/ con.

“Năm 2012, tôi cung cấp ra thị trường hơn 200 con tắc kè giống và gần 1 tạ dế mèn, trừ chi phí còn lãi 60 triệu đồng. Kết quả bước đầu đã giúp tôi trang trải được một phần vốn vay và tiếp tục phát triển, nhân rộng đàn tắc kè của mình. Có một dự án của Sở KH&CN Lào Cai dự định đặt tôi vài nghìn con giống đồng thời đề nghị tôi chuyển giao kỹ thuật cho họ” –anh Viên phấn khởi giới thiệu

Trại giống tắc kè của anh Viên là trang trại đầu tiên ở việt Nam hoàn thành quy trình nuôi giống và nhân giống tắc kè miền Bắc quý hiếm . Tắc kè miền Bắc có giá trị dinh dưỡng cao trong khi không nhiều người nuôi được loại tắc kè này. Và với những thành quả đạt được, anh Viên trở thành thanh niên điển hình tại địa phương và được mọi người coi là tấm gương sáng cho con em nơi đây học tập.

“Đối với huyện Sơn Động là một huyện nghèo nên việc phát triển kinh tế trên địa bàn huyện còn gặp rất nhiều khó khăn và trên địa bàn cũng có nhiều mô hình phát triển kinh tế thế nhưng hiệu quả ban đầu vẫn còn ở mức khiêm tốn. Chính vì thế mô hình phát triển của anh Viên được coi là điểm sáng cho thanh niên ở huyện nhà “- chị Hoàng Thị Ngân ( phó bí thư huyện đoàn Sơn Động- tỉnh Bắc Giang)

Nguyễn Văn Khoa ( bí thư đoàn xã Long Sơn- huyện Sơn Động- tỉnh Bắc Giang)-“ Đây là ý tưởng mô hình làm kinh tế mới mà chưa ai làm trước đó, những đoàn viên trên địa bàn xã cũng đang tập trung để học hỏi với mong muốn làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình”.

Dự định trong tương lai anh Viên sẽ mở rộng chuồng trại và mở cơ sở chế biến tắc kè tại gia đình.

Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015

“Đại gia” cam đường Canh trên đất Gia Lâm

Là người đầu tiên đưa giống cam đường Canh về trồng ở Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội), đến nay anh Vũ Văn Nghĩa đã sở hữu tới 4ha cam và trở thành một trong những “đại gia” nông dân với thu nhập lên tới vài tỷ đồng mỗi năm.



Anh Vũ Văn Nghĩa luôn mong muốn nhân rộng mô hình trồng cam ra toàn xã Văn Đức


Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, anh Nghĩa chỉ biết đến nghề trồng rau, tuy nhiên thu nhập từ mấy sào rau luôn bấp bênh nên lúc nào anh cũng đau đáu suy nghĩ phải thay đổi phương pháp làm ăn để nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. Trong những lần chở rau lên chợ bán, anh Nghĩa thường để ý thấy một số người chở cam từ Hưng Yên đến bán, mỗi xe cam thường có giá 1,8 - 2 triệu đồng, trong khi cả xe rau to tướng của anh chỉ thu được vài chục nghìn đồng.
Thấy cây cam cho giá trị kinh tế gấp nhiều lần trồng rau, anh Nghĩa đã sang các nhà vườn ở Hưng Yên để tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật trồng cam. Sau đó, anh vay mượn bạn bè hơn 300 triệu đồng thuê 3.000m2 đất để thử nghiệm với cây cam Canh. Anh Nghĩa cho biết: “Từ lúc mắt cam được ghép vào gốc bưởi dại, sau 2 năm chăm sóc cam mới bắt đầu cho ra hoa. Lúc này nhà vườn phải tiện gốc để giữ quả con, tuy nhiên, khi tiện cam mà gặp gió đông thì coi như hỏng”. Chính vì quy trình trồng và chăm sóc cam khó, lại thiếu kinh nghiệm nên trong 4 năm đầu, anh liên tục thất bại, số tiền thu được chỉ đủ để quay vốn chứ chưa hề có lãi.

Sau mấy năm làm quen với cây cam đường Canh, anh Nghĩa nhận thấy cây cam rất khó trồng, nhưng nếu biết cách thì vẫn có thể giành thắng lợi. Cần đặc biệt lưu ý khâu cung cấp dinh dưỡng cho cây. Giai đoạn cây con đang phát triển, nếu không có phân chuồng thì phải dùng đỗ tương nghiền trộn cùng phân lân Lâm Thao, tro bếp rồi bón cho cam. Ngoài ra có thể dùng thêm hóa chất phòng chống bệnh thối rễ. “Cam không kén đất nhưng nếu được trồng ở đất thịt thì quả sẽ ngon hơn, còn trồng trên đất cát pha thì sản lượng cao hơn” – anh Nghĩa nói. Với cách đó, vườn cam Canh của anh Nghĩa dần cho thu nhập ổn định và chỉ sau 10 năm, anh đã có tổng cộng 4ha cam, thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng.

Không chỉ là người đầu tiên trồng cam đường Canh thành công trên đất Văn Đức, anh Nghĩa thường xuyên chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật trồng cam cho hơn 10 hộ khác. Anh chia sẻ thêm về kỹ thuật ươm giống: “Cam trong vườn nhà tôi đều sống nhờ thân cây bưởi dại. Hạt bưởi gieo trong bầu, khi cây bưởi cao khoảng 40cm thì cắt mắt cam đường ghép vào là được một cây giống. Nhiều người không dùng biện pháp ươm như tôi mà thường chiết từ cây cam gốc ra, làm thế cũng được nhưng cam sẽ không khỏe, cho ít quả hơn”.