Trang

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Bà chủ vườn cà chua khổng lồ chuyển sang trồng rau thủy canh

Nổi tiếng với những cây cà chua 1kg mỗi trái ở Đà Lạt, bà Phạm Thị Cúc đang thành công cùng vườn rau xà lách 18 giống khác nhau canh tác bằng phương pháp thủy canh hồi lưu theo tiêu chuẩn châu Âu.

Tháng 10/2014, bà Cúc cùng hơn 10 nhà vườn, doanh nghiệp trồng rau ở Đà Lạt được Công ty Rijk Zwaan của Hà Lan (chuyên cung cấp hạt giống) mời sang Malaysia tham quan mô hình trồng rau thủy canh theo công nghệ châu Âu. Bà Cúc rất tâm đắc với mô hình này, nhưng lo ngại chi phí đầu tư quá cao.

Về nước, bà tính toán, nếu đã có sẵn nhà kính đạt tiêu chuẩn như vườn của bà (khoảng 200 triệu đồng 1.000 m2 - một sào), muốn trồng rau thủy canh theo chuẩn châu Âu phải bỏ thêm tiền lắp đặt thiết bị trên 400 triệu nữa. Nhưng do quá thích mô hình này, bà Cúc vẫn quyết định làm thử một sào đầu tiên tại thôn Đạ Nghịt, Lạc Dương (Lâm Đồng), và phía Rijk Zwaan nhanh chóng giới thiệu những nhà cung cấp thiết bị của Malaysia, Thái Lan và Ấn Độ trực tiếp qua thực tế vườn của bà để đo đạc diện tích cũng như tư vấn về cách lắp đặt thiết bị. Không lâu sau, các thiết bị như ống máng, dây dẫn nước, van khóa… cùng hạt giống xà lách nhập khẩu được chuyển đến tận vườn rau của bà Cúc với giá 600 triệu đồng.

Hạt giống được cho vào ly nhỏ có chứa xơ dừa đã qua xử l‎ý và ươm trong 15 ngày tại vườn trước khi cho lên máng thủy canh. Ảnh: Quốc Dũng.


Tháng 3/2015, bà Cúc làm đợt rau thủy canh đầu tiên nhưng không thành công. Khi biết thông tin, phía Rijk Zwaan cử ngay nhân viên kỹ thuật qua Việt Nam để hướng dẫn và tư vấn để bà tiếp tục sản xuất. Nhờ đó, đợt rau thứ 2 đã đạt kết quả tốt, hiện được hệ thống siêu thị Metro và VinMart bao tiêu sản phẩm với giá từ 40.000 đến 50.000 đồng một kg, tùy loại.

Theo tính toán của bà Cúc, để làm 1.000m2 rau thủy canh theo công nghệ châu Âu, chi phí ban đầu không dưới 800 triệu đồng, riêng hạt giống có giá 1.000 - 3.000 đồng một hạt. Hiện bà trồng tổng cộng 18 giống xà lách khác nhau. Bà Cúc cho biết, canh tác theo phương pháp này hoàn toàn không phun xịt bất cứ loại thuốc phòng trừ sâu bệnh nào trên lá của rau, các dưỡng chất cho cây được cung cấp hòa theo nước chảy luân hồi 24/24 giờ từ nguồn cung của 3 bồn nhựa loại 5.000 lít kết nối với hệ thống máy bơm, máy phát điện dự phòng... Tất cả đều được thiết kế nằm sâu dưới mặt đất vì nước cung cấp cho cây phải dùng máy bơm, còn nước hồi trả về bồn phải có độ thấp nhất định so với mặt ruộng.

Tuy cây rau phát triển hoàn toàn nhờ vào nguồn nước cấp liên tục, nhưng bà Cúc cho biết lượng nước hao tốn rất ít, chỉ khoảng 2.000 lít cho một sào.

Hệ thống tưới được thiết kế nằm sâu dưới lòng đất. Ảnh: Quốc Dũng.


"Tuy không phải là người đầu tiên trồng rau thủy canh, nhưng để rau chắc và đầy đặn như của tôi, phải hoàn toàn nhờ vào kỹ thuật công nghệ được chuyển giao", bà Cúc nói và cho biết thêm, trung bình 1.000m2 bà trồng được 25.000 cây rau.

Để đáp ứng việc chăm sóc, nhu cầu tiêu thụ, bà buộc phải canh tác theo hình thức cuốn chiếu, tức chia làm nhiều đợt xuống giống. Hạt giống được cho vào ly nhỏ có chứa xơ dừa đã qua xử l‎ý và ươm trong 15 ngày tại vườn trước khi đưa lên máng thủy canh. Khi cây đã lên máng sẽ được nuôi dưỡng bằng nguồn nước luân chuyển 24/24 giờ, các dưỡng chất nuôi cây cũng được pha trộn chung vào nước và cung cấp theo chu kỳ, từng đợt. Trung bình sau 30-35 ngày (từ khi cho cây con lên máng) là có thể thu hoạch thành phẩm, mỗi năm làm được 9- 10 lứa rau.

Rau thủy canh thu hoạch tại vườn nhà bà Cúc có trọng lượng mỗi cây trên dưới 200 gam, 1.000m2 có thể thu 5 tấn mỗi đợt. Với giá bán từ 40.000 đến 50.000 một kg, bà Cúc thu trung bình trên 230 triệu đồng cho 1.000 m2, mỗi đợt và lãi trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Ưu điểm của mô hình mà bà Cúc đang làm là tỷ lệ hư hao rất ít, gần như lá nào cũng dùng được do khâu bảo quản tốt và tuyệt nhiên không bị lấm đất.

Hiện bà chủ nhà vườn Bạch Cúc đang tiến hành nhập thêm thiết bị để tiếp tục mở rộng quy mô vì được các hệ thống siêu thị bao tiêu theo giá cố định. Để mô hình này phát triển rộng rãi, theo bà Cúc giá thiết bị phải hạ thấp hoặc các nhà sản xuất trong nước có thể tự làm để cung cấp, khi đó tự khắc giá thành sản phẩm sẽ giảm, đồng thời công tác xúc tiến thương mại xuất khẩu cần được các doanh nhiệp, cơ quan quản lý chú ‎trọng ‎ hơn.

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Chàng kỹ sư kiếm tiền tỷ từ rau sạch

Trước nhu cầu tự trồng rau sạch ngày càng cao của người dân, kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Văn Cao (ngụ Quảng Ngãi) đã nghiên cứu và chuyển giao thành công nhiều mô hình trồng rau công nghệ cao, đạt doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.



Sau 10 năm bươn chải với đủ ngành nghề ở nhiều nơi, năm 2011, kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Văn Cao (ngụ xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) về địa phương, nghiên cứu các mô hình sản xuất rau sạch. 



Sau hai năm thử nghiệm "ngốn" hết khoảng 400 triệu đồng, Cao đã tìm ra nhiều công thức dinh dưỡng (các nguyên tố đa lượng, vi lượng, trung lượng...), đưa ra tỷ lệ pha trộn phù hợp đáp ứng cho nhu cầu các loại rau, quả mang lại hiệu quả kinh tế cao. 



Từ kết quả nghiên cứu, anh lập công ty, đầu tư máy móc, chuyển giao kỹ thuật, lắp ráp các hệ thống trồng rau sạch bằng công nghệ thủy canh và tưới nhỏ giọt cho nhiều hộ gia đình, đơn vị trong cả nước. "Xem trên mạng thấy mô hình sản xuất rau sạch tiện ích của anh Cao, tôi đã liên hệ nhờ anh lắp đặt hệ thống nhằm cung ứng rau sạch quy mô lớn cho nhà hàng của gia đình ", bà Châu, chủ một nhà hàng ở Thừa Thiên Huế bộc bạch. 



Mỗi ngày, anh Cao cung ứng hàng trăm lít dinh dưỡng trồng rau sạch cho thị trường. 



Anh Cao đang lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho rau sạch bằng công nghệ Isarel.



Chàng kỹ sư đang hướng dẫn cho người dân ở TP Quảng Ngãi trồng rau sạch trên hệ thống thủy canh hồi lưu tự động. "Do không gian hạn hẹp, gia đình tôi đầu tư 5 triệu đồng để lắp đặt hệ thống trồng rau sạch trên sân thượng, mỗi ngày thu gần nửa kg thành phẩm. Hệ thống này ít tốn công chăm sóc, đảm bảo an toàn thực phẩm cho gia đình", ông Dương Quốc Đạt, người dân TP Quảng Ngãi nhìn nhận. 



Mô hình trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh tĩnh của anh Cao rất đơn giản, chỉ cần thùng xốp, nước, dinh dưỡng. "Khoảng 25 ngày thì mỗi gia đình có thể thu hoạch rau sạch cho bữa ăn", anh Cao nói.



Sản phẩm dinh dưỡng cho rau, quả của anh Cao được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận sản phẩm tin cậy. Ngoài ra, anh còn được Ban chấp hành Trung ương Đoàn vinh danh, cấp bằng chứng nhận đạt giải thưởng Lương Định Của dành cho nhà nông trẻ xuất sắc (năm 2013). 



Từ kết quả triển khai thành công ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, Cao hy vọng, trong tương lai gần, mô hình trồng rau sạch này có thể ứng dụng ở những vùng đảo xa, nơi có thời tiết khắc nghiệt, quỹ đất hạn hẹp và nước tưới. Hiện, trung bình mỗi năm doanh nghiệp của anh cung ứng sản phẩm công nghệ, dinh dưỡng trồng rau sạch ra thị trường cả nước đạt doanh thu hơn 2 tỷ đồng. 

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

Thu hơn 3 tỷ mỗi năm từ trồng lan vũ nữ

Nhận thấy mô hình trồng lan vũ nữ đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông Trần Chung Thứ (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) đã mạnh dạn đầu tư. Đến nay vườn lan của gia đình cho thu nhập khoảng hơn 3 tỷ mỗi năm.

Theo chân ông Thứ đến vườn lan vũ nữ vừa bung nở tại xã Hiệp Thạnh (Đức Trọng), chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi một màu vàng rực và quy mô khu vườn của gia đình này.

Quanh năm gắn bó với nghề nông, với những cây trồng truyền thống quen thuộc như cà chua, khoai tây, xà lách… không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhà vườn thường phải đối mặt với cảnh “được mùa rớt giá, được giá mất mùa”.

Sau khi tìm hiểu qua sách, báo và bạn bè về kỹ thuật trồng lan, ông Trần Chung Thứ đã mạnh dạn rẽ sang một hướng mới và bắt đầu đầu tư trồng lan vũ nữ.

Ông Trần Chung Thứ cho biết: “Trước đây mình chỉ quen trồng cà chua, bắp cải, hành, ớt… còn lan vũ nữ là một cây trồng khá mới mẻ và đòi hỏi vốn đầu tư cao. Lan vũ nữ phải được trồng trong nhà kính, làm giàn và tưới bằng hệ thống phun sương mới đạt hiệu quả, hoa mới chất lượng”.

Như vậy, chi phí đầu tư cho 1.000 m2 lan tốn khoảng 500- 600 triệu đồng. Lúc đầu ông Thành còn khá rụt rè khi chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm, nhưng khi được một Công ty Kinh doanh đóng tại huyện Đức Trọng nhận bao tiêu sản phẩm, đồng thời cung cấp nguồn giống chất lượng, gia đình ông mới yên tâm chuyển từ một số cây trồng khác sang gắn bó với lan vũ nữ.

“Nhận được lời mời của doanh nghiệp, tôi cũng suy nghĩ đắn đo nhiều lắm. Nhưng khi được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cung cấp giống, được chuyển giao khoa học kỹ thuật nên tôi mới mạnh dạn huy động nguồn vốn gia đình và vay thêm ngân hàng để đầu tư trồng lan, đến nay quyết định đã đem lại hiệu quả”, ông Thứ cười nói thêm.

Ông Thứ bên vườn lan vũ nữ tiền tỷ nhà mình

Hiện nay, gia đình ông Trần Chung Thứ đang có 7.000 m2 diện tích trồng lan vũ nữ, trong đó có hơn 70.000 chậu lan đang sinh trưởng phát triển tốt. Trung bình một chậu lan vũ nữ có giá bán khoảng 50 ngàn đồng, như vậy với 70.000 chậu trong vườn mỗi năm mang về cho gia đình ông thu nhập hơn 3,5 tỷ đồng.

Được biết, lan vũ nữ đang được nhiều người tiêu dùng trong nước ưa chuộng vì màu sắc thanh tao thể hiện sự sang trọng và cắm được lâu. Hiện nay, ngoài gia đình ông Thứ trên điạ bàn huyện Đức Trọng cũng có khoảng 20 hộ đang trồng và có thu nhập cao từ loài lan mới này.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Trọng cho biết: “Hiện, lan vũ nữ đang được phát triển ở địa phương và là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông dân Đức Trọng (Lâm Đồng), tiêu biểu như gia đình anh Trần Chung Thứ. Đây cũng đang là hướng đi mới của một số nông hộ tại huyện nhà”.

“Tuy nhiên, các địa phương cũng cần hướng dẫn khuyến cáo người dân không nên chuyển đổi và phát triển cây lan vũ nữ một cách ồ ạt, tự phát mà cần nghiên cứu thị trường liên kết để sản xuất bền vững, tránh tình trạng “cung vượt quá cầu””, ông Tuấn nhấn mạnh thêm.

Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

Lãi nửa tỷ đồng/năm từ cặp đôi “lợn- cá”

Về xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa, Nghệ An, chúng tôi được ông Đoàn Xuân Hải – Chủ tịch Hội ND xã dẫn đi thăm trang trại tổng hợp của hội viên ND Nguyễn Thị Cầu, ở xóm Phú An.

Ông Hải bảo: “Cả khu trang trại lợn, cá, gà với diện tích 1,3ha, nhờ biết cách bố trí hợp lý theo hình thức khép kín, nên trang trại cho doanh thu hơn 2 tỷ đồng/năm, trừ chi phí, lãi hơn 500 triệu đồng”.

 
Bà Cầu chăm sóc đàn lợn nái siêu nạc của gia đình. Ảnh: Thu Hà

Bà Cầu cho biết, trước đây cuộc sống gia đình vất vả trăm bề, bà một nách 2 đứa con thơ, công việc không ổn định. Năm 2006, bà vay ngân hàng 15 triệu đồng về xây chuồng nuôi lợn với quy mô 50 con/lứa, mỗi năm 3 lứa. Cùng với nuôi lợn, bà tận dụng diện tích mặt nước sẵn có để thả cá. Chỉ sau 1 năm, bà trả hết vốn và lãi cho ngân hàng.

Nhận thấy việc chăn nuôi lợn có lãi tốt, cuối năm 2008, bà thế chấp nhà vay ngân hàng 180 triệu đồng mở rộng chuồng trại nuôi lợn, mua thêm con giống. Từ năm 2009, bà Cầu hoàn thiện trang trại tổng diện tích 1,3ha với 11 ô chuồng nuôi lợn thịt, 2 dãy chuồng nuôi lợn nái và 2 ao nuôi cá với diện tích hơn 3.000m2.

Hiện tại, gia đình bà nuôi 50 lợn nái siêu nạc, mỗi năm xuất chuồng trên 700 lợn thịt, sản lượng cá đạt 6 tấn, ngoài ra còn có gà (mỗi lứa 300 con) và 5 con bò. Bà Cầu tiết lộ: Nhờ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn và dạy nghề chăn nuôi thú y do Hội ND xã và Hội ND huyện tổ chức, tôi áp dụng được kiến thức đã học vào đàn vật nuôi, nên gần 10 năm nay, chưa bao giờ vật nuôi bị dịch bệnh.

Làm ăn giỏi, từ năm 2008 bà Cầu được bà con trong xóm tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Hội ND xóm Phú An. Không chỉ lo cho gia đình mình, bà Cầu còn cho những gia đình khó khăn mua chịu con giống, thức ăn cho đàn lợn không lấy lãi, khi xuất bán lợn mới trả tiền.

Bạn đọc muốn tìm hiểu kinh nghiệm chăn nuôi của bà Cầu, có thể liên hệ số điện thoại: 01666.231.048

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

Cử nhân xây dựng thu trăm triệu từ gà hiếm, chim quý

Nhờ đi tiên phong trong việc đưa về nuôi gà Đông Tảo (còn gọi là gà tiến vua), chim công, vịt trời..., anh Nguyễn Văn Anh (31 tuổi, thôn Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà, TP. Quảng Ngãi) đã thu lợi nhuận gần 200 triệu đồng/năm.

Anh Nguyễn Văn Anh quê ở tỉnh Phú Yên. Sau khi lấy bằng cử nhân xây dựng năm 2004, anh lập gia đình. 2 vợ chồng đưa nhau vào TP. Hồ Chí Minh làm việc. Thu nhập của 2 vợ chồng chỉ đủ trang trải cuộc sống nên cả hai về quê vợ (thôn Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà, Quảng Ngãi) để lập nghiệp. Tại đây từ sự gợi ý và giúp đỡ của người anh vợ là anh Trần Văn Bốn, vào đầu năm 2002, vợ chồng anh Nguyễn Văn đầu tư 50 triệu đồng để mua 3 cặp gà Đông Tảo giống ở Hưng Yên về nuôi.

Anh Anh bên con gà Đông tảo giống trị giá trên 15 triệu đồng.

Nhờ nắm vững kỹ thuật và chăm sóc tốt nên từ số trứng của gà giống đã đẻ, anh đã cho ấp, nở và trở thành người đầu tiên ở Quảng Ngãi nuôi và phát triển thành công giống gia cầm tiến vua này. Gà Đông Tảo nuôi không khó so với giống gà truyền thống. “Đây là con vật quen chạy nhảy nên chuồng trại càng rộng rãi thì càng tốt, gà mau lớn và thịt đảm bảo chất lượng. Thức ăn chủ yếu là lúa, bắp, rau...” - anh chia sẻ.

Hiện anh bán gà giống Đông Tảo từ 1-1,5 tháng tuổi với giá từ 700.000 - 1 triệu đồng/cặp. Còn gà giống đã đạt trọng lượng 3-5 kg/con, anh bán từ 7-15 triệu đồng/con. Sau hơn 3 năm nuôi, đàn gà Đông Tảo của gia đình anh Anh đã tăng lên trên 200 con. Từ bán gà con giống, trưởng thành đã mang lại cho gia đình anh hơn 100 triệu đồng/năm.

 
Chim công trong trại nuôi của anh Nguyễn Văn Anh.

Cùng với gà tiến vua, anh Anh còn nuôi chim công, với số lượng khoảng 20 con sinh sản để bán cho những người chơi cảnh, với giá 4 - 5 triệu đồng/con chim con; chim trưởng thành trên 10 triệu đồng/con. Cách đây 1 năm, anh Anh đã đầu tư và cũng ấp nở thành công đối với vịt trời, với tổng đàn trên 200 con...

Nói về thu nhập, anh Anh không giấu giếm: Hiện tổng đàn lớn nhỏ ở tại trang trại này khoảng 800 con các loại. Mỗi năm tiền bán con giống và thịt được trên 500 triệu đồng; trừ các khoảng chi phí thức ăn, công chăm sóc..., anh còn lãi 200 triệu đồng/năm.

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

Mười Cương - “Nông dân của thế giới”

Nông dân, nhưng giỏi hai thứ tiếng Anh, Pháp, biết dùng Facebook để hỗ trợ kinh doanh, ông Lâm Thế Cương (Mười Cương, 65 tuổi, ngụ ấp Mỹ Ái, xã Mỹ khánh, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ) đã trở thành một điển hình nông dân thời hội nhập đáng ngưỡng mộ.

Được Hội ND TP.Cần Thơ giới thiệu, chúng tôi đã tìm gặp ông Mười Cương và được ông giới thiệu về sự nghiệp gắn bó với cây ca cao cũng như những việc làm để phát triển loại cây có hương vị đặc biệt trên vùng đất Tây Đô này.

Cả đời gắn bó với cây ca cao

“Cây ca cao rất hợp thổ nhưỡng ở huyện Phong Điền nên cho trái tốt và có mùi vị thơm đặc biệt hơn các địa phương khác, khi chế biến ra các sản phẩm như sôcôla, mỹ phẩm hay nước uống sẽ không nơi nào sánh được. Đó là lý do mà tôi đã dành cả cuộc đời để phát triển loại cây này” – ông Mười Cương mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi.


Ông Mười Cương nói, sau khi đất nước giải phóng, cuộc sống người dân ở TP.Cần Thơ bắt đầu ổn định thì ngành nông nghiệp huyện cấp phát cây ca cao cho người dân trồng (mỗi hộ được 300 cây), trong đó có gia đình ông. 3 năm sau đó cây ca cao bắt đầu cho trái thì cũng là lúc phần lớn diện tích đã bị chặt bỏ bởi vì người dân không biết sử dụng trái ca cao để làm gì. Riêng gia đình ông Mười Cương thì giữ lại, tiếp tục chăm sóc.

“Lúc đó, cây ca cao phát triển tốt và cho trái sai lắm, đốn bỏ thì không nỡ. Cũng nhờ mày mò từ sách, báo mà tôi dần tìm hiểu được một số công dụng của hạt ca cao và dần học cách chế biến tay (thủ công) thành những sản phẩm như sôcôla, bột ăn hoặc uống...để sử dụng trong gia đình vào dịp đám giỗ, lễ, tết. Vì sản phẩm làm ra ngon, được mọi người khen ngợi nên mỗi khi đến mùa thu hoạch ca cao, tôi đều làm và dần cải thiện về mặt chất lượng” - ông Mười Cương nhớ lại.

Ông Mười Cương đang chế biến thành phẩm từ cây ca cao.

Để làm ra mỗi sản phẩm từ ca cao, ông Mười Cương phải mất rất nhiều thời gian, phải trải qua khá nhiều công đoạn. Cụ thể, từ trái tươi, ông Mười Cương tách hạt, lấy hạt ủ lên men 7 ngày, sau đó đem ra phơi cho hạt thật khô rồi đem rang đến khi hạt chính thơm. Sau khi rang, ông tiếp tục tách vỏ hạt (vỏ lụa) lấy phần nhân hạt xay nhuyễn thành bột nhão (ca cao nhão). Ca cao nhão khi cho vào khuôn để qua đêm sẽ tự khô lại thành ca cao khối. Từ ca cao khối, ông cho vào một dụng cụ có lực ép mạnh sẽ ra 2 loại: Bơ ca cao trắng (có nhiều vitamin và collagen, dùng làm sô cô la, mỹ phẩm – kem dưỡng da, son môi) và bột ca cao khô (dùng pha nước uống).

Sản phẩm ca cao của ông Mười Cương dần được nhiều người dân trong huyện biết và đến học hỏi cách làm. Theo đó, ngành chức năng địa phương, một số khách từ Liên Xô, Đông Âu cũng tổ chức nhiều đoàn đến tham quan, tìm hiểu. Không lâu sau, giá trị của cây ca cao cũng đã được các bộ, ngành T.Ư quan tâm. Nhận thấy ca cao có khả năng xuất khẩu nên năm 1980, ngành nông nghiệp đã có chương trình hỗ trợ người dân ở các địa phương vùng ĐBSCL trồng, phát triển cây ca cao. Theo đó, ông Mười Cương được cung cấp, hợp tác với Trường Đại học Cần Thơ ươm 200.000 cây giống ca cao để phân phối, hướng dẫn cho người dân trong vùng sản xuất.

Về lĩnh vực sản phẩm làm ra từ ca cao, lúc đầu, gia đình ông Mười Cương chỉ làm với số lượng ít để đãi khách và tặng về làm quà. Về sau, khách du lịch và một số công ty du lịch ở Cần Thơ như: Công ty Du lịch Cần Thơ (Ninh Kiều), Công ty Khách sạn Cần Thơ, các công ty như Vinacafe, Bánh kẹo Biên Hòa và một chế công ty chế biến thực phẩm khác đã gọi điện đặt hàng với số lượng ngày càng tăng.

Qua sự giới thiệu của Trường Đại học Cần Thơ, năm 1990, ông Mười Cương đã đồng ý chuyển giao quy trình công nghệ chế biến ca cao dạng thủ công cho Công ty Ca cao Cửu Long (Vĩnh Long) – một công ty nhà nước sản xuất sản phẩm ca cao đầu tiên ở ĐBSCL. Theo đó, ông Mười Cương đã dành thời gian 3 tháng đến công ty, thiết kế máy, hướng dẫn cho công nhân làm theo đúng quy trình.

Làm du lịch để quảng bá nông sản


Năm 2000, được sự tài trợ của Hội ND Mỹ và một số tổ chức của Hà Lan, Bộ NNPTNT tiếp tục giao cho các ngành chức năng, Viện trường trên cả nước nhân giống và đưa xuống cho dân trồng ca cao. Thế nhưng, không bao lâu sau, giá ca cao sụt giảm, khiến cho người dân hoang mang, không đầu tư chăm sóc hoặc đã đốn bỏ phần lớn diện tích ca cao để trồng bưởi. Riêng ông Mười Cương thì ngược lại, không những không đốn bỏ mà ông còn bỏ thêm vốn đầu tư chăm sóc cho trên 2.000 cây ca cao trong 1,2ha vườn của mình. Ngoài ra, ông còn đầu tư xây thêm đường, trang trí khu vườn của mình trở thành điểm tham quan du lịch.

 
Ông Mười Cương làm du lịch theo hình thức homestay để quảng bá cây ca cao của quê hương.

Theo đó, khách đến vườn ca cao của ông Mười Cương sẽ được hướng dẫn và trải nghiệm làm nông dân, đặc biệt là tập làm thủ công từ trái ca cao thành sô cô la, bơ, bột ca cao,...và thưởng thức các sản phẩm do chính mình làm ra. Đồng thời, du khách cũng được thưởng thức các món ăn dân gian vùng ĐBSCL như: Canh rau tép, cá tai tượng chiên cuốn bánh tráng, chả giò… các loại trái cây theo mùa và nghỉ lại tại nhà ông (kiểu kiến trúc truyền thống Nam Bộ xưa) theo hình thức homestay. Ông Mười Cương thông tin: “Ở TP.Cần Thơ, chỉ có tôi làm homestay theo đúng nghĩa, có nghĩa là khách sẽ cùng làm, cùng ăn, cùng chia sẻ với gia đình tôi. Từ đó, họ sẽ hiểu biết rõ hơn về cuộc sống bình yên, nét văn hóa của người nông dân vùng quê Nam Bộ chân chất, hiếu khách”.

“Tôi muốn làm du lịch để giới thiệu đến bạn bè thế giới về cây ca cao ở Việt Nam nói chung và ở huyện Phong Điền nói riêng. Trung bình, mỗi tháng tôi đón tiếp khoảng trên 100 người khách nước ngoài tham quan, còn khách ở homestay là hàng chục người. Chúng tôi nhiệt tình, quý khách như người trong nhà nên khách rất thích. Tôi cũng rất mừng là thời gian qua, tôi được sự phối hợp, giúp đỡ của Trung tâm Xúc tiến thương mại du lịch huyện Phong Điền và Sở VHTTDL TP.Cần Thơ” – ông Mười Cương khoe.


Ông Mười Cương chụp ảnh lưu niệm với học sinh quốc tế tại homestay gia đình.


Để đón tiếp khách được chu đáo, ông Mười Cương đã in sẵn chương trình du lịch homestay (2 ngày, 1 đêm) rất hấp dẫn và bài bản. Theo chương trình này thì du khách phương xa sẽ được đón từ trung tâm quận Ninh Kiều. Sau đó, du khách sẽ được đi bằng tàu xuôi theo dòng sông Cần Thơ hướng đến Mỹ Khánh. Khi đến ấp Mỹ Ái, du khách sẽ được các thành viên trong gia đình ông Mười Cương đón tiếp và bắt đầu khám phá.

Gia đình ông Mười Cương không chỉ tiếp khách nước ngoài mà còn tiếp rất đông khách trong nước và là nơi hướng dẫn sinh viên ngành nông nghiệp làm luận văn cuối khóa. Theo ông Mười Cương, khu vườn của ông còn là nơi thực tập của rất nhiều đoàn sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp trên địa bàn thành phố. Nhận lời mời của các trường, đến nay, ông cũng đã đứng lớp, giảng dạy hàng chục lớp cho hàng trăm sinh viên các trường về cách trồng, chăm sóc cây ca cao và chế biến ca cao.

Ông Mười Cương còn cho biết thêm, với sự tư vấn, hướng dẫn thêm của GS Phan Phước Hiền – Trường Đại học Nông lâm Thủ Đức, ông vừa làm thành công rượu vang ca cao. Để làm được sản phẩm này, ông đã ép hạt ca cao tươi để lấy nước mật, rồi sẽ lấy loại nước này cho lên men trực tiếp thành rượu vang. Theo đó, 1 tấn trái ca cao sẽ làm ra 20 lít rượu vang, với độ cồn khoảng 9-10oC, loại rượu này rất thơm ngon, hợp khẩu vị nhiều người nên ông dùng tiếp khách du lịch vào buổi cơm trưa hoặc tối.

Nông dân thời hội nhập

Một điều làm chúng tôi bất ngờ khi trò chuyện với ông Mười Cương là ông rất thành thạo trong việc sử dụng máy vi tính. Theo chúng tôi tìm hiểu, ông Mười Cương đã tích góp tiền mua bán ca cao trong vài năm để mua được máy vi tính và trang bị thêm hệ thống mạng wifi từ khi nó mới xuất hiện trên thị trường Việt Nam. Sau khi mua máy, ông đã tự mày mò cách lên mạng internet. Điều đặc biệt hơn nữa là ông Mười Cương còn có thể nói, viết và hiểu rành về tiếng Anh, tiếng Pháp. Ông Mười Cương cho biết, ngay từ lúc nhỏ, ông đã được cha mẹ cho đi học tiếng Pháp ở Trường Trung học cơ sở Phan Thanh Giản (nay là Trường Châu Văn Liêm, TP.Cần Thơ). Năm 1969, ông còn được đi sang Mỹ học 2 năm nên biết rành về tiếng Anh. Ông cũng từng là giáo viên dạy bằng ngôn ngữ tiếng Anh cho các học viên sửa chữa thiết bị máy bay, động cơ phản lực ở sân bay Biên Hòa (Đồng Nai).

 
Ông Mười Cương lên mạng internet tìm hiểu thông tin, giá cả về ca cao.

Không những biết 2 thứ tiếng trên, ông Mười Cương còn biết ngôn ngữ một số nước khác qua nhiều lần tiếp xúc, nói chuyện với du khách tại homestay của mình. Cũng nhờ vốn tiếng nước ngoài trên, ông dần hiểu được văn hóa, dễ tiếp cận những yêu cầu của khách. “Hiểu được ngôn ngữ của khách nước ngoài rất thuận lợi cho mình, tôi có thể nói chuyện, tâm sự thâu đêm với khách, có thể chế biến món ngon hợp khẩu vị của họ. Cần nói thêm là việc thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp còn giúp tôi tham khảo được nhiều tài liệu nước ngoài về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ca cao” – ông Mười Cương chia sẻ.

Hiện nay, ông Mười Cương là đầu mối thu mua ca cao của nhiều nhà vườn ở TP.Cần Thơ. Những cuộc triển lãm, giới thiệu sản phẩm về nông nghiệp đều có sự tham gia của ông. Mô hình homestay của ông cũng đã được nhiều du khách biết đến, tham quan và không ngớt lời khen ngợi. Mô hình này đã giúp cho địa phương phát triển mạnh về du lịch và góp phần to lớn trong việc nâng cao giá trị của cây ca cao, giúp cho xã nông thôn mới Mỹ Khánh ngày càng phát triển.

Bà LêThị Hoa - Phó trưởng Ban Kinh tế (Hội ND TP.Cần Thơ)


Hiện nay, ngoài bán các sản phẩm từ ca cao cho khách du lịch tại nhà, ông Mười Cương còn tổ chức mua, bán lại hạt ca cao khô đã lên men cho một số công ty trong nước và Cargill – Tập đoàn mua bán nông sản lớn nhất thế giới. Riêng đối với Cargill, để có thể giao dịch mua bán, hằng ngày, ông Mười Cương lên mạng internet xem giá (biến động từng ngày) trên sàn giao dịch của tập đoàn này ở Mỹ, nếu thấy giá phù hợp, có lời (trên 60.000 đồng/kg) thì ông liên hệ bằng điện thoại với họ.

Để giao lưu, học hỏi với bạn bè thế giới về cách trồng, chế biến và làm du lịch vườn ca cao, ông Mười Cương còn in card visit, trong đó có một mặt in bằng tiếng Anh và một mặt in bằng tiếng Việt. Mới đây, ông còn tham gia trang mạng xã hội facebook với địa chỉ “Mười Cương”. Trên trang mạng xã hội này, ông đăng nhiều hình ảnh, thông tin, bài viết với 2 thứ tiếng Anh, Việt và kết bạn với nhiều bạn bè trong và ngoài nước có kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây ca cao.

Ông Mười Cương vừa mở địa chỉ facebook của mình vừa nói: “Ông Robert Travers – chuyên gia Marketing Du lịch thuộc Chương trình Phát triển năng lực Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do EU tài trợ đã từng đến điểm du lịch nhà tôi để tham quan. Sau khi về nước, ông này đã gửi thư khen ngợi cách làm của tôi, đặc biệt là khen các sản phẩm được chế biến từ ca cao rất ngon và đặc biệt”.

 
Khách quốc tế tham quan, thưởng thức các sản phẩm làm từ ca cao. 

Được sự giới thiệu của ông Robert Travers, thời gian qua, trên facebook, ông Mười Cương đã làm quen được một người bạn tên Juan Cho ở BeliZe. Bên bạn Juan Cho có nhiều thứ cần học hỏi, nhất là nghề truyền thống trồng ca cao lâu đời của họ. Cũng từ facebook, nhiều người bạn đã lặn lội đường xa đến bằng được gia đình ông và giới thiệu nhiều bạn bè, kết nối tour du lịch đến đây.

Khi chúng tôi hỏi về kế hoạch trong thời gian tới, ông Mười Cương cho biết, sẽ tiếp tục phát triển vườn ca cao sẵn có. Hiện ông đang chào hàng cho một công ty của Bỉ. Thông tin từ công ty này cho ông biết, tới đây sẽ mở nhà máy ở Củ Chi và muốn mua sản phẩm của ông và nhờ ông thu mua ca cao trong vùng ĐBSCL cung cấp cho họ. “Hiện nay, ca cao khô là không có để bán, trên thế giới đang “khát” và theo nhiều thông tin dự đoán, vào năm 2020, thế giới thiếu khoảng trên 1 triệu tấn. Đây là cơ hội tốt cho nông dân trồng ca cao nước ta. Nông dân chúng ta không nên thấy rớt giá là chặt thay vào cây khác vì ít nhiều loại cây này cũng đã giúp cho nhiều nông dân có cuộc sống tốt hơn, hơn nữa theo quan niệm của một số người dân quốc tế đây là “món ngon của thần thánh”. Phía Nhà nước cần có sự can thiệp kịp thời, giúp dân tìm hướng ra cho sản phẩm” – ông Mười Cương nhận định.

Ông Mười Cương từng được Ban chủ nhiệm Liên hiệp Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hậu Giang tặng giấy khen trong kỳ thi sáng tác mặt hàng mới; được Huy chương Bạc tại Hội chợ triển lãm thành tựu kinh tế kỹ thuật Việt Nam về sản phẩm ca cao. Năm 2013 và năm 2014, ông Mười Cương cũng được Hội ND TP.Cần Thơ công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thành phố.

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

Từ một thợ may nức tiếng đến tỷ phú vịt trời

Người nổi lên “như diều gặp gió” ấy là anh Nguyễn Văn Luyến ở xã Đông Phú, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, kẻ có máu liều, hám của lạ thích nuôi những con vật “có một không hai” như vịt trời, le le…

Từ một thợ may nức tiếng…

Dù được ông Vũ Đức Việt – Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phú tận tình chỉ đường nhưng chúng tôi cũng khá vất vả để phi xe trên con đường mòn đầy dốc, qua mấy ngọn đồi bạch đàn mới tìm đến được trang trại của gia đình anh Luyến. Anh Luyến cho biết: “Dù đường giao thông khó khăn thế nhưng cứ nuôi được lứa vịt trời nào là khách tìm đến tranh nhau lấy, nhiều lúc gia đình phải bán cầm chừng không sợ mất giống đấy”.

Anh Nguyễn Văn Luyến cho ăn và kiểm tra chất lượng vịt thịt trước khi xuất bán trong trang trại của gia đình. 

Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại, anh Luyến vừa kể về quá trình gian nan lập nghiệp của mình. Sinh năm 1974, trong một gia đình có nghề may truyền thống, từ nhỏ, Luyến đã được cha mẹ truyền nghề. Nhờ thông minh, ham học, anh đã sớm nắm bắt và nhanh chóng nức tiếng thợ may khéo tay khắp làng trên, xóm dưới. “Ban đầu cũng nghĩ con trai theo nghề may trong khi bạn bè cùng trang lứa lên thành phố học cũng e ngại lắm, nhưng học làm dần, có sản phẩm bán cho bà con, được khen nhiều nên tôi yêu nghề lắm” – anh Luyến kể.

Nghề may của gia đình đang phát triển thịnh vượng thì đến đầu năm 2000, khi đó do hàng quần áo giá rẻ từ Trung Quốc tràn về nhiều, khiến thị trường thời trang bão hòa, không chỉ hiệu may của anh mà hàng trăm hiệu may khác trong xã, huyện phải đóng cửa. Đúng lúc đó, tỉnh có chủ trương khuyến khích chuyển đổi sang trồng vải thiều, thấy cơ hội đến, anh Luyến bàn với vợ dùng số tiền vốn sẵn có thuê máy móc về cải tạo vườn tạp để trồng vải thiều.

Chỉ sau 3 năm cải tạo, trồng mới trên 2ha vải thiều, gia đình anh đã bắt đầu có nguồn thu nhập khá. Kết hợp với trồng vải, anh Luyến đầu tư vào chăn nuôi lợn, quy mô trang trại của gia đình thời điểm từ năm 2004 - 2011 luôn có từ 80 đến 100 con lợn thương phẩm, trung bình mỗi năm xuất bán ra thị trường khoảng trên 20 tấn lợn thịt, có tổng doanh thu từ chăn nuôi lợn và bán vải mỗi năm cũng đạt gần 1 tỷ đồng.

... đến tỷ phú vịt trời

Việc nuôi lợn đang ổn định thì đầu năm 2012, dịch tai xanh tràn đến xã, không những giá lợn lao dốc mà đàn lợn của gia đình anh gặp dịch chết dần cả đàn, tổn thất lên đến hàng tỷ đồng. “Lần thất bại này, gia đình tôi điêu đứng, bao nhiêu tiền của đổ vào bỗng chốc trắng tay, nên bỏ nghề nuôi lợn luôn từ đó” – anh Luyến nhớ lại.

Đàn vịt trời bơi tung tăng trong ao tại trang trại của gia đình anh Luyến. 


Chưa hết thê thảm, vào vụ thu hoạch vải năm 2012, gia đình anh tiếp tục đón nhận thất bại với cây vải, khi phần lớn số cây vải trong vườn đều trồng lâu năm, đất xấu cằn đã có dấu hiệu thoái hóa dẫn đến sản lượng quả thấp, bé, chất lượng kém nên bị thương lái ép giá còn có 3.000 - 4.000 đồng/kg nhưng anh vẫn phải bán vì để ở vườn, vải hỏng sẽ trắng tay. Anh Luyến cho biết: “Thu hoạch xong, tôi đã thuê người chặt tỉa gần hết vườn, chỉ để lại ít cây khỏe để chăm cho đỡ nhớ nghề chứ càng để nhiều càng thêm hại đất”.

Đúng lúc đang thất nghiệp, tìm đến nhà bạn ở trong huyện chơi thấy có mô hình vịt trời mới, sẵn trí tò mò, anh Luyến dò hỏi thì được bạn giới thiệu và chiêu đãi anh một bữa thịt vịt trời. “Nhìn bề ngoài vịt trời cũng khá giống với vịt nhà, nhưng có màu lông sẫm, trắng khá đặc trưng, ăn thịt lại rất ngọt lạ miệng, càng ăn càng mê, nên lúc đó tôi đã quyết định mua về nuôi thử nghiệm luôn” – anh Luyến kể.

Anh Luyến là một trong số ít nông dân dám liều nuôi thử nghiệm vịt trời và đã thành công thu tiền tỷ mỗi năm, không những thế từ mô hình của anh đã mở ra hướng làm giàu mới cho người dân nơi đây khi mà cây vải thiều đã dần thoái hóa, cằn cỗi không còn phù hợp.

Ông Vũ Đức Việt – Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phú


Anh mua luôn 30 con vịt trời bố mẹ về làm giống, và quyết định bỏ gần 100 triệu đồng đầu tư xây chuồng trại, đào ao trên diện tích đất trồng vải vừa mới phá bỏ để nuôi. Hàng ngày, cứ chiều tối là anh lại đạp xe sang nhà bạn để học hỏi kinh nghiệm nuôi thực tế. Sau 1 năm, đàn vịt trời của anh đã dần dần phát triển, rồi tăng liên tục, từ 30 con bố mẹ đã sinh sản ra được hơn 1.000 con vịt thịt. Khi có vịt thịt, anh Luyến mang vịt đến các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh để bán. “Ban đầu, khách hàng không ai biết đến, bởi thế nên khi giao bán, tôi mang gia vị đến tận nhà hàng, khách sạn đó để làm thịt, chế biến cho họ ăn trực tiếp, nên mọi người mới thích dần và nhận mua nhiều” – anh Luyến tiết lộ.

Lần đầu cũng chỉ gửi 1 – 2 con/nhà hàng nhưng sau đó thì các khách hàng đã liên tục gọi điện và họ cử người trực tiếp đến gia đình xem có đúng vịt do anh nuôi hay là lấy ở đâu về. Một vài con đầu gửi ở quán thì anh không lấy tiền nhưng sau đó, các chủ hàng thống nhất trả cho anh mỗi con 250.000 đồng trên cơ sở tham khảo giá các loại chim và ngỗng.

 

Đàn vịt trời của anh Luyến.

Tiếng lành đồn xa, vịt của anh Luyến đã đến được với thị trường Ninh Bình, rồi Hà Nội. Vợ chồng anh tiếp tục đầu tư mở rộng thêm quy mô và nhân đàn thêm, mỗi năm trung bình cho khoảng trên 10.000 con thương phẩm. Dù nuôi được nhiều nhưng đàn vịt của anh cũng không đủ cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. “Vịt trời là loài vật nuôi mới, con trưởng thành xuất chuồng cũng chỉ từ 1,2 đến 1,5kg, nhưng giá trị dinh dưỡng cũng như kinh tế thì luôn cao hơn vịt thường nhiều lần, nên được thị trường rất ưa chuộng, nuôi bao nhiêu cũng không đủ cung cấp” – anh Luyến khẳng định.

Chia sẻ về kỹ thuật nuôi vịt trời, anh Luyến cho biết, từ lúc vịt nở thì cần cho ăn cám của gà con, còn sau 20 ngày, cần chú ý chuyển qua cho vịt ăn cám của vịt đẻ. Tới tháng thứ 3, bà con bắt đầu cho vịt ăn thóc, khoảng 4 - 5 tháng sau mỗi con nặng khoảng trên dưới 1kg (khi lúc này thịt đã săn chắc, đủ dinh dưỡng) là có thể xuất bán. Nếu muốn nuôi đẻ, phải kéo dài tới 7 tháng. Trung bình mỗi năm, một con vịt trời đẻ được khoảng 100 trứng. Để ấp trứng có hiệu quả, các chủ trang trại cần mua máy ấp để ấp với số lượng trứng lớn chứ không nên để vịt tự ấp, rủi ro sẽ cao.

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

Nuôi lợn siêu nạc, bỏ túi 300 triệu đồng/năm

Đến xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) hỏi tìm nhà ông Dương Việt Long - bà Nguyễn Thị Đào, gần như ai cũng biết, bởi đây là gia đình chăn nuôi lợn siêu nạc giỏi nhất nhì xã này.

Lúc chúng tôi đến thăm, bà Đào đang tất bật đổ cám cho đàn lợn, con nào con nấy mông vai nở nang béo tròn, nhìn rất thích mắt. Ngơi tay trò chuyện, bà Đào cho biết, hiện mỗi năm gia đình bà duy trì 12 lợn nái. Trung bình mỗi lứa, mỗi lợn nái đẻ 12 con, bà để nuôi thành lợn thương phẩm, sản lượng xuất ra thị trường đạt khoảng 24 tấn thịt/năm, với giá bán khoảng trên dưới 45.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu vào, gia đình bà có mức thu nhập trên dưới 300 triệu đồng/năm.

“Thời gian đầu, nuôi lợn nái gặp nhiều khó khăn, do đây là giống lợn mới, chúng tôi còn lúng túng, nhưng một thời gian sau cố gắng học hỏi, mua sách kỹ thuật về học thì áp dụng được luôn” – bà Đào nhớ lại.

 
Bà Trịnh Thị Đào chăm sóc đàn lợn tại trang trại của gia đình.Ảnh: Hải Đăng

Từ 2 lợn nái ban đầu, đẻ ra lứa nào, ông bà đều để nuôi. Để tiết kiệm chi phí thức ăn, vợ chồng bàn nhau nấu rượu vừa để bán, vừa để lấy bã nuôi lợn. Nói về kinh nghiệm nuôi lợn siêu nạc, bà Đào cho biết: Để mọi hoạt động của lợn không bị xáo trộn, không ảnh hưởng tới khả năng sinh trưởng, phát triển của đàn lợn, người chăn nuôi cần vệ sinh chuồng trại, các vật dụng chăn nuôi cũng như khu vực xung quanh sạch sẽ, đảm bảo thoáng mát, đầy đủ ánh sáng, oxy cho lợn nhanh lớn.

Trong quá trình nuôi lợn, chủ trang trại cần quan sát, kiểm tra định kỳ mọi hoạt động diễn biến bất thường của từng con lợn để có biện pháp phòng chống kịp thời; kiểm tra tất cả số lượng đầu vào, đầu ra, thành phần, hàm lượng thức ăn… để có sự điều chỉnh cho thích hợp.

Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

Nên triệu phú từ… tối hậu thư của vợ!

Khi anh Cường quyết định chuyển đổi 11.000m2 ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang đào ao, thả cá, trồng cây ăn quả và chăn nuôi lợn, gà..., vợ anh là chị Đông đã ra tối hậu thư: Nếu anh không thành công thì đừng nhìn mặt vợ con nữa!

Chúng tôi tới thăm gia đình anh Đỗ Văn Cường và vợ là chị Đỗ Thị Đông (thôn Phạm Kham, xã Lạc Hồng, Văn Lâm, Hưng Yên) khi anh chị đang tất bật dọn dẹp phân gà. Từng bao tải phân gà được anh chị xếp gọn gàng, ngay ngắn. Anh Cường giải thích: “Đống phân gà này sau khi ủ một thời gian đem ra bón cho 100 gốc bưởi Diễn thì tuyệt vời. Vừa tốt cây vừa tiết kiệm được chi phí mua phân bón”.

 
Anh Cường chăm sóc đàn gà lai Đông Tảo của gia đình. Ảnh: T.H

Trước đó, khi lập gia đình, anh Cường ở nhà làm ruộng và chăn nuôi, chị Đông đi làm công nhân. Năm 2001, UBND xã có chủ trương dồn điền đổi thửa, anh Cường mạnh dạn chuyển đổi 11.000m2 ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang đào ao, thả cá, trồng cây ăn quả và chăn nuôi lợn, gà.

Quyết định này gặp phải sự phản đối của người thân trong gia đình, còn chị Đông thì ra tối hậu thư: Nếu anh không thành công thì đừng nhìn mặt vợ con nữa! “Lúc đó cả khu này đều là ruộng trũng, sình lầy đầy rắn rết. Người dân nơi đây bỏ hoang chẳng buồn cấy lúa, vì vậy mọi người trong gia đình phản đối cũng dễ hiểu” - anh Cường nhớ lại.
Sau một năm rưỡi khai hoang san lấp, trang trại của anh chị cũng dần hình thành với diện tích ao cá lên đến 7.000m2. Trên bờ, anh chị trồng 100 gốc bưởi Diễn và xây chuồng chăn nuôi lợn với quy mô lớn. Sau 2 năm, anh chị đã trả hết nợ và bắt đầu có tích lũy.

Năm 2010, anh mua 200 con gà giống lai Đông Tảo (gà bố giống Đông Tảo lai với mẹ là gà ri) về nuôi thử. Thấy có lãi cao, anh quyết định chọn giống gà này là vật nuôi chủ lực và đầu tư 2 lò ấp trứng (công suất 15.000 quả trứng/lò) để chủ động con giống và bán giống gà ra thị trường.

Từ việc phát triển nuôi 2.000 con gà thịt/lứa, mỗi năm 2 lứa và làm dịch vụ cung ứng gà giống, doanh thu mỗi năm của gia đình anh đạt 1,5 tỷ đồng. Trừ chi phí, gia đình anh thu về trên 300 triệu đồng. Nếu tính cả khoản thu từ việc xuất bán cá thương phẩm và hơn 2.000 quả bưởi diễn, mỗi năm anh chị thu về khoảng 100 triệu đồng nữa.

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

Tỷ phú không biết chữ: Bắt đất "đẻ" ra tiền

Người đàn ông ấy năm nay đã bước sang tuổi 41. Ông không biết chữ, nhưng lại biết cách bắt đất “đẻ” ra tiền, nhờ đó mà trở thành tỷ phú nhờ nghề ươm cây giống.

Trong một lần trò chuyện cùng tôi, một cán bộ ở Hội Nông dân (ND) huyện Quảng Trạch, Quảng Bình nói: “Chú có tin không, một người ND không biết chữ nhưng ham học hỏi, cần cù làm ăn mà trở thành tỷ phú…”. Câu chuyện thật mà tưởng như đùa ấy đã thôi thúc chúng tôi tìm về nhà ông Phạm Xuân Hùng (41 tuổi) ở thôn 8, xã Quảng Liên, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình để được nghe hành trình trở thành tỷ phú của một người ND không biết chữ.

Mê chim đến quên… học chữ

Ngôi nhà khang trang của ông Hùng nằm cạnh Quốc lộ 12A nhưng đóng cửa, người hàng xóm cho biết: “Bây giờ muốn gặp ông Hùng, các anh phải ra vườn ươm cây giống”.

 

Tuy không biết chữ, nhưng bằng kinh nghiệm học hỏi từ thực tiễn cuộc sống, ông Hùng tự thiết kế vườn ươm như một kỹ sư được đào tạo bài bản. Ảnh: Thanh Phương

Tiếp chuyện chúng tôi ngay tại vườn ươm cây giống, ông Hùng tỏ ra bối rối, ngần ngại, vì ông không muốn nhiều người biết chuyện đời mình, vì ở thời buổi này mà nói là không biết chữ thì chẳng hay ho gì. Nhưng rồi, trước sự chân thành của chúng tôi, ông Hùng bắt đầu cởi mở, chia sẻ về cuộc đời của mình. Ông kể: Lúc nhỏ vì quá đam mê bẫy chim mà ông đã nhiều lần theo những thanh niên trai tráng ở làng lặn lội tìm chim ở các vùng núi rừng trong tỉnh, có khi ra tận Hà Tĩnh để bẫy chim. Đã bao lần nhận những trận đòn nhừ tử từ bố vì cái tội trốn học, bỏ nhà đi chơi, mà Hùng vẫn không dứt ra được. Chưa học xong lớp 2, Hùng mải đi theo tiếng chim hót mà bỏ học, và rồi cũng dần quên hết mặt chữ…

Nhưng rồi khi lấy vợ sinh con, gánh nặng cơm áo đã đẩy lùi cái thú đam mê bẫy chim của Hùng. Năm 2004, khi đã bước vào tuổi 30, ông Hùng vẫn tay trắng vì không biết chữ, không nghề nghiệp. Cuộc sống của cả gia đình 4 miệng ăn chỉ dựa vào 2 sào ruộng mà bố mẹ cắt cho. Những năm đó, phong trào “phủ xanh đất trống đồi núi trọc” nở rộ, cần rất nhiều cây giống, ông Hùng đã chớp ngay cơ hội ấy, thuê đất làm vườn ươm. Tuy nhiên do không có kinh nghiệm và kiến thức, lại làm thủ công nên thu nhập của ông Hùng vẫn bấp bênh...

“Người bình thường học một, tui phải học trăm lần”

Năm 2012, thấy không thể gò lưng làm vườn ươm theo lối thủ công nữa, ông Hùng lặn lội vào tận huyện Trảng Bom (Đồng Nai) để học cách làm vườn ươm áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. “Công việc làm vườn ươm theo hình thức mới đối với người biết chữ đã khó, nay gặp tui không biết chữ lại khó vạn lần. Người biết chữ thì có thể đọc thêm sách hướng dẫn, còn tui thì chỉ có thể học qua thực tiễn, nhìn người ta làm mà học. Người biết chữ học một thì tui phải học gấp trăm lần…” – ông Hùng chia sẻ.

Dù vậy, vốn là một người sáng dạ, cần cù học hỏi, cuối cùng ông Hùng cũng tiếp thu được cách làm vườn ươm theo hình thức áp dụng kỹ thuật mới, đó là đưa hệ thống tưới tự động vào vườn ươm để giảm sức lao động. Ông về triển khai ngay kỹ thuật ấy tại vườn ươm của gia đình mình. Dẫn chúng tôi ra xem vườn ươm của gia đình với hệ thống ống nước được ông thiết kế rất khoa học, giảm thiểu tối đa sức lao động phải bỏ ra, ông Hùng chia sẻ: “Điều quan trọng trong làm vườn ươm cây giống là phải chọn đất phù hợp (đất chưa trồng loại cây gì, phải là đất đồi), tiếp đến là đặt ống dẫn nước, lắp hệ thống bơm, tỷ lệ đất trồng tại các bầu om, pha chế thuốc... tất cả phải thật hợp lý, đúng quy trình. Đặc biệt, khi tưới cây phải tuân thủ theo quy luật sinh trưởng. Đối với cây mới đưa vào bầu om thì 2-3 phút phải tưới 1 lần; cây 5-7 ngày phải tưới 5 phút 1 lần; cây 10 ngày tuổi thì khoảng 10 phút tưới 1 lần…

Nghe ông Hùng trình bày những kỹ thuật khi làm vườn ươm cây giống, chúng tôi cứ tưởng ông là một kỹ sư lâm nghiệp thực thụ, được đào tạo bài bản tại một ngôi trường nào đó chứ không phải là một người nông dân không biết chữ. “Cái cốt lõi khi làm vườn ươm cây giống là sự chịu khó, quần áo cả ngày không khi nào ráo mồ hôi. Không thức khuya, dậy sớm thì thành quả lao động của mình sẽ không có gì cả...” – ông Hùng bộc bạch.

Lấy chữ tín làm đầu

Qua bao năm gây dựng, bây giờ vườn ươm cây giống với nhiều loại giống từ thông dụng đến quý hiếm của gia đình ông Phạm Xuân Hùng đã trở thành một thương hiệu cho người dân trồng rừng khắp trong tỉnh Quảng Bình và nhiều tỉnh khác như: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng... tìm đến. Họ tìm đến với ông Hùng không chỉ vì chất lượng cây giống của ông tốt, mà là cách ông làm việc luôn đặt chữ tín lên hàng đầu.


Do không biết chữ nên tôi làm cái gì cũng khó. Với người bình thường học một thì tui phải học gấp trăm lần. Nhưng dù khó khăn đến đâu, tui cũng không nản, không bỏ cuộc. Nhờ vậy tui mới thành công như ngày hôm nay...

Ông Phạm Xuân Hùng

Ông Hùng kể, mới đây ông xuất hơn 1,2 vạn cây giống cho một thương lái ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, tuy nhiên khi đưa cây vào trồng tại địa phương thì chủ cây gọi điện thoại cho ông và bảo rằng đã xảy ra tình trạng vàng lá. Sau nhiều đêm trăn trở tìm nguyên nhân, so sánh lứa cây mình xuất cho họ và cây mình trồng tại nhà thì ông mới biết rằng, số cây đó đã bị phun thuốc diệt cỏ nên mới xảy ra tình trạng như vậy. Sau đó ông đã điện thoại ngay cho chủ cây bảo sẽ bù đầy đủ số cây giống bị hư hỏng…

Cũng nhờ làm ăn có uy tín nên khách hàng tìm đến vườn ươm của ông ngày càng nhiều. Nhìn cơ ngơi của ông Hùng, khách hàng của ông ai cũng yên tâm, tấm tắc khen ông chịu khó học hỏi và dám làm. Họ càng khâm phục hơn khi biết ông là một người không biết chữ. Hiện tại vườn ươm của ông có diện tích khoảng 8 sào với gần 1,5 triệu cây giống, trị giá lên tới vài tỷ đồng.

Theo ông Hùng, mỗi năm, nếu gặp thời tiết thuận lợi, gia đình ông xuất bán hơn 4 triệu cây giống. Sau khi đã trừ chi phí, gia đình có khoản lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm. Không những thế, vườn ươm của gia đình ông còn tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động với thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài việc làm vườn ươm, ông Hùng còn có gần 10ha rừng trồng thông, keo, bạch đàn xanh tốt, dự kiến đến kỳ thu hoạch sẽ cho gia đình ông thu nhập tiền tỷ.

Bây giờ khi đã trở thành tỷ phú, nhưng lúc nào ông Hùng cũng trăn trở về sự học dang dở của mình. Bao năm vất vả, ông Hùng thấm lắm cái sự mù chữ của mình. Vì vậy giờ đây ông chú tâm đầu tư vào việc học hành cho 2 đứa con của mình, với hy vọng mai sau lớn lên sẽ có tương lai xán lạn hơn mình. “Nói thật với các anh, chuyện không biết chữ cũng chẳng hay ho gì, tôi làm gì, đi đâu cũng phải nhờ vợ cả, từ làm hợp đồng đến ký các loại giấy tờ, nhận tiền” – ông Hùng thật thà nói.

Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

8x kiếm hàng trăm triệu từ 2 sào đất cát

Chỉ với 2 sào đất cát ở vùng Ninh Thuận khô cằn, sau nhiều lần thất bại, anh Hoàng Qúy Dương hiện đã có thu nhập 250 triệu đồng mỗi năm từ cây nho và đang lên kế hoạch mở rộng mô hình.


Xuất thân trong gia đình nghèo, học đến trung học phổ thông thì phải nghỉ để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình, Hoàng Quý Dương, sinh năm 1982 ở Ninh Thuận trải qua rất nhiều nghề nhưng thu nhập vẫn bấp bênh. Năm 2007 anh quyết định chọn con đường xuất khẩu lao động với mong mỏi cuộc sống gia đình sẽ khấm khá hơn.

“Đặt chân sang Angola làm nhân viên bán hàng, nhưng mức lương cũng không cao hơn bao nhiêu so với Việt Nam, trong khi đó lại phải xa gia đình. Trăn trở trước thực tế đó tôi quyết định nghỉ việc sau 4 năm”, anh Dương bộc bạch.

Anh Dương (bên phải) cùng người bạn khảo sát vườn nho.

Khi trở về nước, thời gian đầu anh cũng không biết nên làm giàu với nghề gì vì bằng cấp không có. Mặt khác, đất đai của gia đình lại khiêm tốn, chủ yếu là đất thịt pha cát nên kinh doanh hay chăn nuôi gì cũng khó. Mày mò tìm hiểu một thời gian, anh Dương biết được cây nho nếu canh tác tốt sẽ phù hợp với chất đất này, mức sinh lời khá cao lại không tốn nhiều diện tích, nên quyết định thử nghiệm ngay trên 2 sào đất (2.000m2).

“Với số vốn 150 triệu đồng, tôi bắt đầu mua cây giống, cải tạo đất và trang bị cho mình một cái máy tính để học hỏi kinh nghiệm từ trên mạng”, anh Dương nói.

Theo anh Dương, thông tin trên mạng nhiều nhưng không phải cách thức nào cũng phù hợp với khu vườn của anh. Vì thế anh đã phải tiến hành thử nghiệm rất nhiều lần để cho ra kỹ thuật chăm sóc cũng như bón phân phù hợp nhất. Thế nhưng, vụ đầu tiên anh chỉ thu được chưa đến một tấn nho nên không có lời. Sang vụ thứ 2 và 3, sản lượng cũng không đáng kể nên áp lực càng đè nặng.

“Chăm chỉ, kỹ càng trong khâu chăm sóc nhưng năng suất cũng như chất lượng của trái vẫn rất kém, nhiều khi tôi muốn bỏ cuộc để canh tác một loại cây khác. Nhưng suy nghĩ đây là giống cây phù hợp nhất mà không phát triển được thì các loại khác còn gian nan hơn. Vậy nên tôi quyết định theo đuổi để tìm ra nguyên nhân khiến cây cho trái ít và chất lượng thấp”, anh Dương chia sẻ.

Sau nhiều ngày tìm hiểu thông tin và phân tích, anh nhận thấy, nếu cây không đủ chất dinh dưỡng sẽ khó phát triển, mà thừa thì chất lượng cũng không cao nên tiến hành điều chỉnh lượng phân bón. Đồng thời, tùy từng đợt khí hậu, vụ mùa mà anh chăm sóc với chế độ khác nhau. Nhờ vậy, sang vụ thứ tư năng suất tăng gấp ba so với thời kỳ đầu, chất lượng trái của vườn anh cũng đã cải thiện rõ rệt, thu được tổng cộng 4 tấn trị giá 170 triệu đồng. Riêng vụ Đông Xuân vừa rồi, anh Dương thu được 6 tấn và nhận về 240 triệu đồng. Sau khi trừ tất cả chi phí anh lãi 150 triệu đồng.

“Thông thường một năm thu được gần 3 vụ, trong đó vụ Đông Xuân cho năng suất cao nhất. Nếu không bị tác động bởi thời tiết, mỗi năm tôi đạt doanh thu khoảng 350 triệu đồng, lãi 250 triệu đồng chỉ trên 2 sào đất”, Dương nói.

Vườn nho nhà anh Dương hai phần ba là nho loại một.

Vì là loại nho xanh, chất lượng tốt, nên nho vườn nhà anh Dương được thương lái đến tận nơi thu gom với giá dao động 30.000-45.000 đồng một kg. Anh cho biết, do được chăm sóc và bón phân hợp lý nên nho loại một của anh chiếm tới hai phần ba vườn.

Chia sẻ về bí quyết để nho cho trái khít, đều và sum suê, anh nông dân 8x này cho hay, ngoài chọn giống cây, việc làm giàn leo cho nho hết sức quan trọng. Muốn nho ra trái, phải trồng ở những nơi nhiều nắng, thoáng mát. Dàn cao cách mặt đất 1,5-2m vừa thuận tiện cho việc chăm sóc, vừa dễ dàng thu hoạch. Khi nho bắt đầu ra hoa, cần chăm sóc và giúp hoa thụ phấn đều.

Ngoài ra, để trái có độ ngọt nhất định và mọng cần bổ sung canxi và magie cho cây như NPK, kali… Thường xuyên làm cỏ, xới đất tơi xốp giúp cây hô hấp được thông thoáng. Một năm nên xới đất một lần để cây tạo bộ rễ mới, thường là tiến hành sau thu hoạch. Khi trồng nho nên chú ý, nho thường có sâu nên phải tiến hành phun thuốc mỗi năm một lần để phòng tránh. Tiến hành trước khi thu hoạch 3-2 tháng, tránh lúc cây ra hoa vì sẽ gây ảnh hưởng tới quá trình thụ phấn.

Mặc dù đang trong quá trình phát triển thuận lợi, nhưng anh Dương rất cẩn trọng trong việc nhân rộng mô hình vì lo thiếu đầu ra. Do đó, thay vì chỉ trông chờ vào thương lái, nên sau khi anh tìm thêm đối tác là 2 người bạn góp vốn, đất đai để mở rộng diện tích lên 3ha, mỗi người sẽ đảm nhiệm một khâu khác nhau từ chăm sóc cho tới định hướng đầu ra.

"Hiện chúng tôi cũng đã đi giới thiệu hàng ở các đại lý, siêu thị để phát triển sản phẩm và tạo cơ hội trong nhân rộng mô hình”, anh Dương nói.

Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

Nuôi cá chạch đồng, thu nửa tỷ đồng/năm

Trại nuôi cá chạch giống của ông Trương Văn Chiên (ở xóm 6, xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh, Ninh Bình), nằm sát con mương giữa cánh đồng. Với nghề nuôi chạch giống, mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 500 triệu đồng.

Trước khi đến với nghề nuôi cá chạch đồng, ông Chiên đã từng nuôi cá mè, cá trôi và cả trắm đen. Thấy nuôi các giống cá trên thu nhập không cao, ông Chiên chuyển hướng làm ăn. “Gần 2 năm trời đi không biết bao nhiêu nơi, Bắc -Nam đủ cả nhưng tôi vẫn loay hoay không chọn được. Năm 2012, tình cờ về thăm trang trại cá chạch đồng hơn 2ha ở Nam Định. Thấy chạch đồng dễ nuôi, cho hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện địa phương, tôi bén duyên với nghề nuôi cá chạch đồng từ đó”- ông Chiên tâm sự.



Ông Chiên bên ao cá trạch giống của mình. Ảnh: T.H

Lúc đầu ông nuôi thử nghiệm với số lượng ít trên nền diện tích 1 sào. Sau 4 tháng, ông thu lứa chạch đầu tiên. So với nuôi cá truyền thống thì chạch đồng cho lãi gấp 7 - 8 lần. Tiền bán cá chạch ông đầu tư mở rộng diện tích mặt nước lên 21 sào nuôi cá chạch đồng thương phẩm. Không dừng lại ở đó, năm 2013 nhận thấy nhu cầu mua cá chạch giống khá cao, ông bèn thuê 8 sào đất lúa để làm con giống chạch.


Theo ông Chiên, nuôi cá chạch đồng có nhiều ưu điểm như: Tăng trọng nhanh, chu kỳ nuôi ngắn (3-4 tháng/lứa), sức đề kháng cao, ít bệnh tật, thịt cá thơm, ngon, bổ dưỡng, giá bán cao, thị trường tiêu thụ thuận lợi (tư thương đặt hàng mua số lượng lớn). Thức ăn của chạch lúc nhỏ là cám công nghiệp, khi chúng lớn có thể tận dụng những cây cỏ có sẵn hoặc các loại sinh vật phù du trong môi trường nước để nuôi.

Điều đáng nói là chỉ với 8 sào nuôi con giống chạch, trừ 2 tháng nghỉ đông không làm con giống, đều đặn mỗi tháng còn lại, ông có doanh thu hơn 100 triệu đồng từ việc xuất bán 500.000 – 600.000 con giống, trừ chi phí, ông thu về 50 triệu đồng/tháng. Mỗi năm, gia đình ông thu về khoảng 500 triệu đồng từ nghề làm con giống chạch.


Bạn đọc muốn học hỏi kinh nghiệm nuôi chạch đồng, có thể liên hệ với ông Chiên qua số điện thoại: 01669.106.960

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

Lãi tiền tỷ từ mô hình cho heo nghe nhạc, ngủ ngày

Sau nhiều lần thua lỗ vì dịch bệnh, ông Sơn (Đồng Tháp) đã tự nghiên cứu để tìm ra phương pháp nuôi heo mới bằng cách cho nghe nhạc, kết hợp với ngủ ngày.

Giai đoạn 2009 - 2013, khi giá heo hơi lên xuống thất thường, dịch bệnh tràn lan khiến nhiều trại heo lớn ở Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp phải giảm đàn, còn những hộ nuôi nhỏ rơi vào tình trạng thua lỗ. Trang trại của ông Phạm Hoàng Sơn (Ba Sơn), ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười cũng chung cảnh ngộ.

“Lúc ấy tôi nuôi khoảng 10 con heo nái và 30 con heo thịt nhưng giá bán thấp hơn giá thành nên phải liên tục bù lỗ, đôi khi muốn dừng lại để chuyển đổi mô hình làm ăn. Nhưng vì đam mê chăn nuôi nên tôi cố gắng gượng”, ông Sơn bộc bạch.

Ông Sơn kiểm tra sức khỏe và chăm sóc heo mỗi ngày. Ảnh: Nam Lê.

Vốn ham học hỏi và tìm tòi, ông Sơn quyết tâm tìm ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Từ nền tảng kỹ thuật chăn nuôi truyền thống, ông quyết định phải chuyển sang một phương pháp hoàn toàn mới thì mới có thể giảm chi phí đầu vào, đảm bảo ổn định chất lượng đầu ra giúp tăng lợi nhuận trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn.

“Trong một lần cho heo ăn, tình cờ tôi phát hiện đàn heo phản ứng với tiếng nhạc. Nếu cho nghe nhạc trữ tình, mắt chúng sẽ lim dim và buồn ngủ. Liên hệ tới cách nuôi bò sữa, tôi nhận thấy người ta cho bò nghe nhạc thì chất lượng sữa sẽ tốt, do đó nếu áp dụng với heo chắc chắn sẽ hiệu quả. Từ đó tôi quyết định thay đổi nhịp sinh học của đàn heo”, ông Sơn kể.

Song song đó, ông bắt đầu thiết lập chế độ chăn nuôi “cực kỳ lạ đời”. Thay vì cách nuôi thông thường là cho heo ăn ban ngày, ngủ ban đêm thì lão nông này làm ngược lại.

Ban đầu, nhiều người cho rằng cách làm của ông không thiết thực và kỳ lạ, tuy nhiên, ông cho biết đã nghiên cứu rất kỹ mới dám áp dụng. Và đúng là thời kỳ đầu ông Sơn đã phải rất kiên trì tạo thói quen cho heo, dần dần chúng đã thích nghi với việc ngủ ngày, ăn đêm.

Để so sánh hiệu quả, ông đã tiến hành phân khu hai đàn heo, một nuôi bằng phương pháp cũ, một theo cách mới. Sau thời gian dài khảo sát và đối chứng, ông nhận thấy cách làm mới giúp rút ngắn được thời gian nuôi khoảng 10 ngày nhưng heo vẫn tăng trọng tốt và ít dịch bệnh. Bởi theo ông, thời tiết ở Việt Nam rất nóng nên sẽ không kích thích được heo ăn nhiều, bên cạnh đó, heo cũng tiêu tốn một lượng calorie không nhỏ khi vận động. Trong khi đó, thời tiết về đêm mát dịu sẽ khiến heo ăn nhiều hơn, giúp mau lớn hơn.

Việc thay đổi nhịp sinh học của đàn heo kết hợp với việc cho heo nghe nhạc tạo nên một sự đột phá mới, giúp ông Ba Sơn tiết kiệm được rất nhiều chi phí và sức lao động trong chăm sóc. Cùng với thành công của heo thịt, ông còn nhận ra rằng việc cho heo nái và heo hậu bì nghe nhạc, kết quả còn ngoài mong đợi.

“Heo nái đang trong giai đoạn cho con bú, nếu được cho nghe nhạc lượng sữa sẽ nhiều hơn, trong khi đó, đối với heo hậu bì sẽ cho giống tốt và tỷ lệ đậu thai cao”, ông Sơn nói.

Thay vì ngủ đêm heo của ông Sơn thường ngủ ngày. Ảnh: Nam Lê.


Sau khi thử nghiệm mô hình mới, riêng heo thịt mỗi năm ông Sơn thu được vài trăm triệu đồng, còn heo giống lãi hơn cả. Do đó, sau một thời gian cân nhắc ông Sơn đã chuyển từ chăn nuôi heo thịt thương phẩm sang đầu tư sản xuất heo giống. Trung bình một năm trại chăn nuôi của ông Sơn có thể cung cấp cho thị trường khoảng 2.500 - 2.600 con heo giống. Với giá dao động 1,6 - 1,8 triệu đồng mỗi con, doanh thu một năm của trại hiện trên 4 tỷ đồng. Sau khi trừ tất cả chi phí ông thu lãi khoảng gần 1,2 tỷ đồng.

Theo đánh giá của ông Sơn, đầu tư sản xuất heo giống cho lợi nhuận cao gấp nhiều lần nuôi heo thịt, nhưng để thành công người nuôi phải có kỹ thuật tốt, đặc biệt phải tuân thủ khắt khe các quy tắc phòng bệnh. Hiện tại, heo giống của trại chăn nuôi Ba Sơn không những được tiêu thụ mạnh trên địa bàn tỉnh mà còn là địa chỉ tin cậy cho các tỉnh thành lân cận.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm nuôi heo, ông Sơn cho biết, vấn đề khó giải quyết nhất của người nuôi lớn là việc xử lý chất thải trong chăn nuôi. Nếu không quản lý tốt thì việc phát triển số lượng tổng đàn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh. Do vậy, người nuôi cần đầu tư hệ thống xử lý chất thải quy củ mới mong phát triển bền vững.

“Chất thải tại trang trại của tôi được giữ lại và xử lý bằng men vi sinh trong các ao lắng, phần nước thải sau ao lắng được dùng để sử dụng bón trực tiếp cho ruộng lúa”, ông Sơn chia sẻ.

Chính nhờ cách làm này, cộng với số tiền tích lũy nhiều năm từ việc nuôi heo, ông Sơn đã tiếp tục đầu tư trồng khoảng 10 ha lúa thay vì chỉ có 2 ha như thời kỳ đầu.

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

'Công tử' 9x nuôi thỏ thu tiền tỷ

Từ chối công việc vào cơ quan Nhà nước được "rải thảm đỏ", Hiếu tìm về quê người yêu, vùng cát trắng xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam mở trang trại nuôi thỏ.


Vương Đình Hiếu sinh năm 1990 ở phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Khi đang ngồi trên ghế giảng đường đại học đã được gia đình “rải thảm đỏ” đưa vào một cơ quan Nhà nước làm việc sau khi tốt nghiệp.

Thế nhưng, Hiếu từ bỏ tất cả, tìm về quê người yêu, vùng cát trắng xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam mở trang trại nuôi thỏ. Thanh niên 9x này vừa mở thêm trang trại thứ 3 tại xã Điện Nam Trung (Điện Bàn, Quảng Nam) có vốn đầu tư 700 triệu đồng.


Giám đốc kiêm bác sĩ thú y Vương Đình Hiếu.

Hiếu kể, mình xuất thân trong một gia đình 6 người con, trước Hiếu là 5 chị gái. Hiếu là con trai một nên được gia đình nuông chiều. Mẹ Hiếu làm chủ xưởng đồ thủ công mỹ nghệ, sau chuyển qua buôn bán. Cha làm cán bộ Nhà nước, cuộc sống gia đình thuộc diện khá giả. 5 người chị gái, tốt nghiệp đại học đều làm kế toán ở các công ty, doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước.

Tuổi nhỏ, Hiếu không thiếu thốn một thứ gì, thích gì là được đáp ứng ngay. Cuộc sống chỉ biết ăn học, không đụng tay, đụng chân đến một công việc nào. Năm 2012, Hiếu tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. Lúc này, cha mẹ và các chị đã nhắm xin việc vào một cơ quan Nhà nước. Thế nhưng Hiếu không chịu.

Hiếu tìm về quê người yêu là Mai Thị Lê học ngành Tài chính - Ngân hàng, cùng trường với Hiếu.

Đôi bạn trẻ ngỏ lời với ông Mai Thanh Chiến, cha của Lê về ý định mở trang trại nuôi thỏ. Lời nói chưa dứt, Hiếu - Lê đã “ăn” ngay “một gáo nước lạnh”. Ông Mai khước từ lời đề nghị và bảo: “Ba đầu tư tiền của cho ăn học, mong con có việc làm ở thành phố, ai lại học xong trở về quê nuôi thỏ. Thôi xin hai đứa dừng ngay ý tưởng điên rồ này lại”.

Cũng chẳng khác gì gia đình Lê, gia đình Hiếu kịch liệt phản đối. Còn đám bạn nghi ngờ Hiếu bị điên, bị khùng, cuộc sống “công tử” không chịu hưởng thụ, ai lại đi làm nông.

Mặc kệ mọi người dèm pha, Hiếu - Lê vay mượn được 300 triệu đồng. Tất vả số tiền nay đầu tư vào trang trại, còn dư được 50 triệu đồng, hai người ra Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây để mua 50 con thỏ giống New Zeland.

Trên đường vận chuyển bằng xe khách, gần một nửa thỏ bị chết, số thỏ còn lại nuôi được chừng 15 ngày lại chết gần hết. Không nản chí, Hiếu ra Đà Nẵng vay nóng 30 triệu đồng, với lãi suất tới 20% một tháng. Lần này, Hiếu mua 50 con thỏ loại nhỏ hơn ban đầu. Hết tiền mua thức ăn, Hiếu tìm đến các đại lý ký cam kết mua chịu và thanh toán dần.

Tưởng đã thuận đường, ai ngờ đợt nắng lịch sử năm 2013, chỉ trong một tuần đàn thỏ lăn đùng ra chết vì bệnh cầu trùng. Cha mẹ và 5 người chị của Hiếu vào thuyết phục nếu Hiếu bỏ nuôi thỏ về Đà Nẵng làm việc thì thích cái gì, các chị chiều cái đó. Xe máy đắt tiền, điện thoại xin, máy tính tốt… sẽ mua cho. Đặc biệt không những Hiếu có việc làm, mà Lê cũng vậy. Nhưng Hiếu lắc đầu, quyết tâm bám trụ vùng đất cát để nuôi thỏ.

Hết đường vay mượn, hai người lên kế hoạch, Hiếu tiếp tục chăm sóc 15 con thỏ còn sống sót, còn Lê rời trại ra Đà Nẵng làm gia sư kiếm tiền. Số tiền của Lê làm ra thì tiếp tục đổ vào nuôi thỏ.

Đôi bạn trẻ Hiếu - Lê.


Gắn bó gần 3 năm với thỏ, Hiếu “công tử bột” ngày nào có làn da trắng như trứng gà bóc, nay đã lột xác hoàn toàn. Hiếu trở thành giám đốc, thầy dạy nuôi thỏ cho bà con nông dân, kiêm bác sĩ thú y với làn da đen sạm.

Từ trang trại thỏ ban đầu tại xã Bình Nam nuôi 150 thỏ mẹ, nay Hiếu thêm 2 trại thỏ khác. Trong đó, trại thỏ tại huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi có tổng diện tích gần 4.000 m2, nuôi 500 con thỏ mẹ và trang tại ở xã Điện Nam Trung, huyện Điện Bàn, Quảng Nam với diện tích 2.500 m2, nuôi 300 con thỏ mẹ.

Cả 3 trang trại thu hút hơn 10 lao động, với mức thu nhập 3,5 - 4 triệu đồng một tháng.

Hiếu hạch toán một cách dễ hiểu: Một con thỏ mẹ đẻ 5 - 7 lứa mỗi năm, mỗi lứa 4 - 9 con. Thỏ 3 tháng tuổi nặng khoảng 2,3 - 3kg là có thể xuất chuồng. Thức ăn của thỏ đơn giản là rau, cỏ và bột.

Với giá thỏ hiện nay là 80.000 - 140.000 đồng một kg, mỗi năm, trừ chi phí một thỏ mẹ có thể mang về lợi nhuận cho người nuôi từ 1,1 - 1,5 triệu đồng. Tính ra, 950 con thỏ mẹ, Hiếu và Lê thu về hơn 1 tỷ đồng một năm. Tuy nhiên, với phương thức lấy ngắn, nuôi dài nên có được khoản thu nhập nào, Hiếu tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô nuôi thỏ.

Đã làm chủ 3 trại thỏ, nhưng Hiếu vẫn chưa hài lòng, mới đây Hiếu đã thuê được 4ha đất ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng mở trang trại nuôi thỏ kết hợp phát triển du lịch sinh thái. “Ở nước ngoài, mô hình này phát triển nhiều, bởi càng ngày, con người thích gần gũi với thiên nhiên”, Hiếu đánh giá.

Theo tính toán của Hiếu, việc mở rộng nuôi thỏ chắc chắn sẽ phát triển. "Trước đây, thỏ chủ yếu cung cấp cho siêu thị, nhưng nguồn này chẳng được bao nhiêu. Mới đây, tôi mở rộng thị trường cung cấp cho các khách sạn, resort...", Hiếu cho biết.

Đơn cử như một khách sạn 4 sao tại Đà Nẵng, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 100 con thỏ, trong khi đó, Thành phố này có đến hàng chục khách sạn. Ngoài ra, còn thị trường Hội An, Huế, Quảng Ngãi…

Mới đây Hiếu còn qua Lào tìm kiếm thị trường và có nhiều nơi đặt hàng với số lượng lớn, sẽ có hàng nghìn con thỏ được xuất khẩu. Chưa kể đến việc đã không ít lần Công ty Nippon Zoki (Nhật Bản) đặt vấn đề cung cấp thỏ để sản xuất thuốc với số lượng lớn, tuy nhiên số thỏ mấy trang trại của Hiếu còn ít nên đã từ chối.

Không chỉ làm giàu cho riêng mình, trong những năm qua, Hiếu liên kết với bà con phát triển chăn nuôi. Có thời điểm, Hiếu bắt tay với 100 hộ từ Quảng Ngãi ra đến Thừa Thiên- Huế. Người dân nuôi, Hiếu lo đầu ra cho bà con.

Tuy nhiên, cách làm này cũng đã cho Hiếu nếm phải “trái đắng”. Có thời điểm, giá thỏ lên cao, trong khi ký hợp đồng với siêu thị vẫn giữ nguyên. Thấy vậy, bà con bán cho thương lái, khiến Hiếu không có thỏ cung cấp cho siêu thị, hợp đồng đổ vỡ.

Đầu năm 2014, Hiếu thành lập Công ty TNHH MTV Thực phẩm Chiến Huy, với mong muốn sẽ "chiến thắng huy hoàng". Hiếu làm giám đốc chuyên phụ trách chăn nuôi và còn được các xã, huyện mời giảng dạy cho người dân nuôi thỏ. Còn Lê, chức vụ phó giám phụ trách giao dịch với khách hàng. Hai bạn trẻ Hiếu - Lê có dự định cuối năm nay tổ chức đám cưới nên duyên vợ chồng.