Trang

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Chàng kỹ sư xây dựng bỏ phố về quê chăn nuôi kiếm tiền tỷ

Đang làm kỹ sư xây dựng ở TPHCM với mức thu nhập không hề thấp, nhưng Võ Ngọc Sơn, chàng trai xứ Quảng bỗng dưng bỏ nghề, trở về quê lập trang trại bắt đầu nghề mới: Chăn nuôi.

Hẹn vài ba lần, tôi mới được anh chàng này đồng ý gặp ở trang trại chăn nuôi ở xã Duy Tân (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Hỏi ra mới biết, dù là chủ có cả chục người làm nhưng mọi việc điều do anh quán xuyến, từ mua thức ăn, bán sản phẩm đến chăm chút đàn gà, đàn heo ở trang trại của mình đều do anh đảm trách nên anh rất bận rộn.

Đàn heo thịt trong trang trại của Sơn

Dù đã hẹn trước nhưng khi vào đến trang trại, những người làm công mới đi gọi “anh kỹ sư xây dựng” từ ngoài chuồng vào. Giống như một anh kỹ sư chăn nuôi đúng nghĩa với quần áo lấm lem, Võ Ngọc Sơn chạy ra bảo: “Đợi em chút, em thay quần áo rồi tiếp mấy anh”.

Sơn kể, năm 2001 tốt nghiệp ĐH Bách khoa TPHCM chuyên ngành xây dựng. Khi ra trường, mục đích là kiếm thật nhiều tiền nên cứ chỗ nào lương cao thì “nhảy” đến. Cuộc sống ở TPHCM cũng thoải mái với thu nhập hàng tháng vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, một ngã rẻ bất ngờ đến với Sơn vào năm 2013 khi về quê ở xã Duy Tân.

Sơn kể: “Năm 2013, trên đường về quê, mình đi ngang cánh đồng hoang vắng thuộc thôn Phú Nhuận ở xã Duy Tân rộng khoảng 10ha bỏ không. Đất này không thể trồng lúa hay hoa màu được nên mấy năm nay, huyện không thể giao cho ai trồng trọt. Chỉ có chăn nuôi là thích hợp nhưng chưa thấy ai đầu tư”.

Mạnh dạn hỏi lãnh đạo xã Duy Tân rồi làm việc với huyện. Không ngờ, khi nghe Sơn trình bày ý định sẽ mở trang trại chăn nuôi thì lãnh đạo huyện đồng ý liền và tạo điều kiện giao đất.

Khi được giao đất, Sơn tiến hành cải tạo và lập trang trại nuôi gà đẻ trứng làm nền tảng. Lúc đầu Sơn đầu tư 2 ngàn con gà, nhưng mọi việc không dễ dàng với chàng kỹ sư xây dựng vừa chân ướt chân ráo chuyển nghề. 2 ngàn con gà đẻ trứng không trụ nổi, trứng gà đẻ ra bán không đủ bù chi, lỗ liên tục.

Trang trại gà với 12 ngàn con đang đẻ trứng

“Cơ bản là do giá trứng bấp bênh và chưa có kinh nghiệm nên bị lỗ vốn. Đó cũng là bài học đầu tiên khi bước chân qua lĩnh vực trái với ngành đã học”, Sơn tâm sự.

Không nản chí, Sơn bàn với anh em trong HTX chuyển hướng đầu tư qua con heo vì “thịt heo không theo thời vụ như trứng hay thịt gà nên chắc chắn sẽ ổn hơn”. Với suy nghĩ như vậy nên Sơn quyết định đầu tư nuôi 300 heo thịt để thử nghiệm. Kết quả thật mỹ mãn, lứa heo đầu tiên nuôi có lãi, và cứ thế đến nay lúc nào trong chuồng của Sơn lúc nào cũng có 100 heo nái đẻ và đàn heo thịt 2.000 con gối đầu.

Tuy thất bại với con gà nhưng sau khi rút kinh nghiệm và bỏ công học hỏi nhiều nơi, đến nay trong chuồng của Sơn cũng có đàn gà lên đến 12 ngàn con đẻ trứng quanh năm. Sơn bảo giờ đã “có kinh nghiệm đầy mình rồi” nên không sợ lỗ nữa.

Theo tính toán, với 12 ngàn con gà đẻ mỗi ngày Sơn thu được 11 ngàn quả trứng. Với giá trứng bán sỉ khoảng 2.200 đồng mỗi quả thì mỗi năm Sơn bán 250 tấn trứng thu về khoảng 7,2 tỉ đồng. Sau khi trừ chi phí, Sơn “bỏ túi” từ 70-80 triệu đồng một tháng.

Đối với đàn heo, bình quân mỗi năm Sơn xuất chuồng 200 tấn heo thịt với giá heo hơi 45 ngàn đồng/kg, mỗi năm Sơn thu về khoảng 9 tỉ đồng. Sơn cho biết, sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm lãi khoảng hơn 1 tỉ đồng.

Với số vốn vay đầu tư ban đầu 7 tỉ đồng để xây dựng chuồng trại, cải tạo đất, con giống... đến nay đã trả nợ còn hơn 2 tỉ đồng. “Cố gắng sang năm sẽ trả được hết nợ”, Sơn cho biết.

Chỉ trong 2 năm, thành công của Sơn mới chỉ là bước khởi đầu. Tuy nhiên, mọi chuyện không dễ dàng chút nào đối với một người chuyên môn là xây dựng. Sơn kể, lúc đầu cũng khó khăn lắm. Khi đầu tư chuồng trại, mấy anh em cũng phải chạy vạy khắp nơi để vay vốn rồi học tập kinh nghiệm ở các nơi.

Theo Sơn, khó khăn nhất vẫn là nguồn vốn vì cái gì mình cũng muốn làm từ sản xuất con giống đến đầu tư sản xuất thức ăn để tự cấp tự túc. Sơn tính toán, mỗi ngày trang trại tiêu thụ 3 tấn thức ăn, mỗi tháng 90 tấn. Với giá thức ăn mà các công ty cung cấp cho trang trại chỉ cần lời từ 2-3 ngàn đồng một ký, nếu tự sản xuất được thì mỗi năm Sơn “lời” từ việc này tính ra cũng tiền tỉ. “Cái này ao ước nhưng chưa làm được vì không có vốn để đầu tư”, Sơn tâm sự.

Khó khăn nữa là ngành chăn nuôi cũng bấp bênh về giá. Chỉ cần tăng hay giảm vài ngàn đồng mỗi ký bán ra là có thể lãi hay lỗ hàng chục triệu đồng. Sơn cho hay, thị trường đầu ra cũng phụ thuộc vào thương lái, do thương lái quyết định giá chứ không phải thị trường. Ví dụ như giá thịt heo ngoài chợ bán cho người tiêu dùng vẫn ổn định nhưng giá heo hơi của thương lái mua tại trại thường hay trồi sụt thất thường.

Hơn nữa, chính những người chăn nuôi cũng đang “kiềm” nhau. Ví dụ, trang trại ông A cần vốn để xoay thì thương lái hạ xuống 1-2 giá cũng bán, trong khi chỉ cần các chủ trang trại liên kết với nhau cùng giữ giá thì cùng có lợi. Việc này khó giải quyết với nhau vì ai cũng có cái khó của mình.

Sơn tự hào hiện nay ngoài đàn gà và heo, trong trang trại còn nuôi 30 con trâu, 200 ngàn con cá dưới ao để tận dụng thức ăn thừa của heo, gà. Ngoài ra, Sơn đang đầu tư một trang trại heo quy mô 6 ngàn con ở xã Đại Tân (huyện Đại Lộc) và chuẩn bị xuống giống.

Hỏi về nghề xây dựng đã học, Sơn cười bảo: “Em hiện là anh chăn nuôi rồi, nghề xây dựng coi như đã quên rồi. Giờ em là kỹ sư chăn nuôi chứ không còn là kỹ sư xây dựng nữa”.

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Đầu tư tiền tỷ khởi nghiệp với vườn lan Dendro

Nghỉ việc kế toán, mạnh tay vay ngân hàng 5 tỷ đồng, anh Phan Trọng Chinh đầu tư trồng 2 hecta lan Dendro ở Củ Chi và dự tính sau 3 năm sẽ có lãi.


Anh Chinh đã gắn với công việc kế toán gần 20 năm, nhưng niềm đam mê thật sự với anh vẫn là nông nghiệp.

Năm 2010, sau khi suy tính, anh quyết định nghỉ việc rồi cùng người em dốc vốn thành lập công ty kinh doanh cây kiểng tại quận 7, TP HCM. Một thời gian sau, nhận thấy mặt hàng hoa lan ở trong nước không đủ cung cấp cho nhu cầu của thị trường và phải nhập khá nhiều từ Thái Lan, nên anh Chinh bắt đầu nghiên cứu thị trường, tính toán kỹ rồi lập đề án trồng lan với tổng mức đầu tư lên đến 20 tỷ.

Năm 2013, sau khi hoàn thành pháp lý dự án, công ty triển khai đầu tư xây dựng và cuối năm 2014 đưa vào trồng hoa lan trên diện tích 2ha của giai đoạn một với vốn vay 5 tỷ đồng từ ngân hàng. Tự mày mò học hỏi, tham gia các lơp học để nắm vững lý thuyết cơ bản, anh Chinh còn đi tìm những người có kinh nghiệm để nghiên cứu thêm trong thực tế.

Anh Chinh bên vườn lan ở Củ Chi đã cho thu hoạch. Ảnh: Diễm Phạm

Nhận thấy nghề trồng lan của người Thái phát triển rất mạnh, đi trước Việt Nam cả trăm năm, anh Chinh sang tận nơi mua giống về trồng. Vì chưa từng có kinh nghiệm, anh yêu cầu phía cung cấp cử chuyên gia kỹ thuật qua tận vườn để chuyển giao công nghệ cũng như cách chăm sóc vườn cây. “Giữa lý thuyết và thực tế rất khác nhau, hơn nữa nghề trồng lan đòi hỏi kinh nghiệm vì thế tôi chấp nhận trả mức lương cao để thuê chuyên gia kỹ thuật về chăm sóc vườn trong 3 tháng đầu tiên và định kỳ mỗi tháng một lần để giám sát quá trình phát triển của cây con”, anh nói.

Với 2 hecta đầu tiên, anh dành ra gần 3 tỷ để mua cây giống, chủ yếu là giống lan Dendro (loại lan trồng trên giàn); số tiền còn lại dùng xây dựng cơ sở vật chất từ làm giàn, vỉ trồng đến hệ thống phu sương. Hiện nay vườn lan của anh có 250.000 cây với 20 loại khác nhau. Bắt đầu trồng từ tháng 12/2014, đến nay 80.000 cây lan đã cho thu hoạch.

Trồng lan cần nguồn kinh phí lớn, vì thế anh Chinh chọn phương pháp trồng gối đầu để nhanh thu hồi vốn. Từ cây con đến lúc thu hoạch tầm 6 tháng đến một năm. Một tháng, vườn lan của anh cho cắt từ 3 đến 4 đợt. Mỗi bông có giá 600 đồng, cành lan trung bình bán ra ở mức 10.000 đồng. Anh cho biết, sau hai đợt bông đầu là có thể thu hồi được vốn cây giống, còn hai đợt bông sau có thể trả chi phí cho việc đầu tư cơ sở vật chất, công nhân…

Chia sẻ về việc chọn giống lan Dendro để trồng, anh Chinh cho biết: “Ở Việt Nam ít người trồng loại lan này vì khó trồng hơn so với lan Mokara (loại lan trồng dưới đất). Mặc dù cây giống rẻ hơn lan Mokara (60.000 - 70.000 đồng một cây), nhưng tính luôn cây con và chi phí làm giàn trồng thì lan Dendro tiết kiệm chi phí hơn”.

Lan có nhiều loại, nhiều màu, nhưng anh Chinh chủ yếu trồng lan cho hoa màu tím và trắng, vì hai loại màu này rất được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, anh còn đầu tư trồng bằng chậu để bán vào những dịp lễ, Tết.

Khác với những loại lan trồng dưới đất hoặc trồng bằng than, vườn lan của anh Chinh chủ yếu trồng bằng sơ dừa và trồng trên giàn, nên phải đầu tư khá kỹ để xây dựng hệ thống vỉ đựng, chậu, bành. So sánh với việc trồng lan bằng than anh phân tích: “Tôi tận dụng sơ dừa từ miền Tây với mức kinh phí bỏ ra thấp hơn so với việc trồng bằng than. Tuy nhiên, sơ dừa giữ nước lâu, không thoát nhanh như than vì thế cần đặc biệt chú trọng cách tưới để đảm bảo lượng nước cần thiết cho cây”, anh Chinh nói và cho biết thêm lan khá nhạy cảm, nắng trực tiếp sẽ làm cháy lá. Có loại lan cần 40-50% hoặc 80% ánh sáng để trổ bông, vì thế cần phải chọn loại lưới phù hợp với từng loại cây. Đối với những loại sâu bệnh, anh Chinh chủ trương sử dụng thuốc sinh học để bảo vệ môi trường, tuy có đắt hơn nhưng sẽ hạn chế được những rủi ro vì lan rất nhạy cảm. Thuốc trừ sâu thông thường có thể trị tận gốc mầm bệnh nhưng làm lan mất sức và rất khó hồi phục.

Hiện nay vườn lan của anh có 6 công nhân và sẽ đầu tư giai đoạn 2 với 2,3ha còn lại vào quý IV/2015, trong đó có phòng cấy mô hiện đại nghiên cứu sản xuất cây con giống. Quy mô khi hoàn thành dự án là 500.000 cây hoa lan và hàng tháng đưa ra thị trường khoảng 100.000 cành. Với thị trường ổn định hiện nay, Công ty dự kiến khoảng 3 năm sẽ thu hồi vốn.

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

"Tỉ phú" 
vịt trời

Vịt trời vốn là loài biết bay sống trong tự nhiên, thế nhưng vài năm trở lại đây chúng được nuôi thành công trong một số trang trại. 

lVịt trời sắp xuất bán được nuôi nhốt trong những ngăn chuồng riêng biệt - Ảnh: YẾN TRINH


Những đàn vịt trời nuôi này luôn biết trở về với chủ, giúp chủ vượt khỏi thân phận nghèo khó để trở thành “phú ông”.

Trang trại rộng 2,5ha của anh Nguyễn Đăng Cường (37 tuổi) nằm sâu trong vùng đồng ruộng thuộc xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đi từ xa nghe tiếng vịt kêu vang không khác gì đàn vịt nhà.

Nghề nuôi cũng lắm công phu

Nông dân cấy lúa gần đó bảo: “Thằng Cường nó hay lắm, nuôi vịt trời mà không bay mất”. Thật vậy, khi chúng tôi đi sát lại mặt ao nơi vịt trời đang tập trung đông, chúng không hề bay. Lý giải tại sao vịt có thể “ngoan ngoãn” ở với mình, anh Cường cho biết chủ yếu là do việc cho ăn hợp lý.

Mỗi ngày, anh Cường cho đàn vịt ăn hai lần với thức ăn là cám gạo trộn với bèo tây. “Tôi tốn khoảng 10 xe cút kít thức ăn một ngày cho đàn vịt.

Có lẽ nhờ ăn đầy đủ nên chúng không màng đến việc bay đi kiếm ăn. Và ăn cám trộn với bèo theo một tỉ lệ pha trộn nhất định còn giúp thịt vịt chắc, ít mỡ” - anh nói.

Dẫn chúng tôi đi xem từng mặt ao với vịt trưởng thành, vịt đẻ, vịt giống, từng ngăn chuồng nhốt vịt con 3-5 ngày tuổi, vịt sắp xuất bán…, anh cho biết hiện đàn vịt của anh là 4 vạn con.

Rồi anh kể: “Dĩ nhiên vịt trời cũng bay, đặc biệt vào chiều mát. Từng cụm từng cụm mấy chục con bay vèo ra mấy cánh đồng gần đó, nhưng sau đó chúng lại bay về”.

Mỗi khi sắp bắt vịt bán, anh Cường phải quây lưới ở một mặt ao rộng rồi lùa vịt vào, vì khi dồn bắt vịt hoảng sợ rất dễ… bay đi biệt tích. Và nuôi vịt trời đã gần bảy năm nên anh cũng quên đi cảm giác phập phồng mỗi khi đàn vịt bay đi bởi sợ chúng không trở về nữa!

Còn với trang trại của ông Tô Quang Dần (44 tuổi, xã Đông Phú, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang), bí quyết của ông là với vịt lứa F1, những ngày đầu ông thường cắt lông cánh để chúng khỏi bay xa. Một điều ông luôn nhớ đó là luôn cho vịt ăn đầy đủ để dù chúng có bay đi đâu cũng nhớ về ăn.

Khác với trang trại anh Cường, đàn vịt của ông Dần được cho ăn thức ăn tùy thuộc từng giai đoạn sinh trưởng, chủ yếu là cám và lúa.

“Vịt mới nở những ngày đầu nên cho chúng ăn cám viên loại nhỏ, sau đó chuyển sang loại cám khác. Sau ba tháng chủ yếu cho ăn lúa để thịt chắc…” - ông Dần nói.

Xưa nay có lẽ chuyện hái lá thuốc nấu cho vịt uống chỉ có ở trang trại anh Cường. Anh làm vậy mỗi ngày để vịt giảm nguy cơ nhiễm bệnh.

“Tôi biết điều này khi tham gia học lớp kỹ sư chăn nuôi. Cây thuốc tôi trồng xung quanh trang trại nên việc hái nấu cũng nhanh chóng đơn giản mà lại phòng bệnh được cho đàn vịt” - anh nói.

Đồng thời để không lâm vào cảnh mất trắng vì bệnh dịch, anh thường xuyên vệ sinh chuồng trại, quan sát theo dõi sức khỏe của đàn vịt để có gì bất thường thì phát hiện ngay.

Theo kinh nghiệm của anh, vịt trời tuy sức đề kháng cao hơn vịt nhà do tập tính hoang dã nhưng người nuôi phải chú ý tiêm phòng đầy đủ cho chúng, đặc biệt vào đầu năm thời tiết 
thất thường.

Ông Tô Quang Dần, chủ trang trại vịt trời ở Bắc Giang (ảnh nhỏ) - Ảnh: T.Hiên


Khởi nghiệp từ 
60 con vịt

Anh Cường đã khởi nghiệp từ việc nuôi vịt nhà nhưng không thành công. Rồi anh chuyển qua nuôi các giống gia cầm khác, hiệu quả không cao.

Năm 2007, một lần tình cờ được ăn thịt vịt trời, anh mới nhờ người bạn mua giúp khoảng 60 con vịt giống nguồn gốc Campuchia.

Được vài tháng, phân nửa số vịt chết không rõ nguyên nhân. Nhìn số vịt trời lèo tèo còn lại, anh thấy nản nhưng chẳng lẽ lại bỏ cuộc! Vậy là anh kiên trì chăm sóc, không ngờ hai tháng sau chúng đẻ lứa đầu tiên, nhưng khi anh đem ấp thì đều hỏng.

Phải đến vài lứa sau, mẻ ấp đầu tiên mới nở ra… vịt trời. Để tránh xôi hỏng bỏng không, anh giữ chúng năm ngày đầu trong chuồng, sau đó lông cánh mọc đủ mới cho xuống nước. Dần dần, đàn vịt lên 50 con, rồi 100 con, và sinh sôi nảy nở đông đúc như bây giờ.

Người ngoài nhìn vào khó có thể thấy được công sức mà người chủ trang trại này đã bỏ ra, những tháng năm mà anh đùa vui là mình chỉ sống với vịt. Nay thì anh đã có vợ và sắp đón đứa con đầu lòng, cả nhà sẽ sống cùng nhau ở nơi vịt kêu đồng, cách xa thị thành này.

Trong khi đó, ông Dần bén duyên với vịt trời từ vài con vịt giống mà ông chăm như chăm con cách đây ba năm. Ở vùng đồi núi heo hút thuộc tỉnh Bắc Giang, chuyện có người nuôi vịt trời là điều gì đó rất lạ lùng.

Bỏ ngoài tai những lời gièm pha, ông Dần lọ mọ chăm sóc, ngày nào cũng cho vịt ăn đúng giờ đầy đủ. Ban đầu chúng rất sợ người nhưng sau hai tháng ông thả chúng ra ao nước nhỏ có rào lưới và đặt sẵn máng thức ăn.

Sau đó thả tự do thì chúng bay vút lên cao tưởng chừng không về nhưng đến chiều tối vào giờ cho ăn, ông ngó ra thì thấy chúng đứng sẵn ở máng thức ăn. “Lúc đó tôi mới thở phào nhẹ nhõm” - ông Dần nói.

Từ vài con vịt ban đầu, ông nhân giống, xây chuồng trại và mở rộng chăn nuôi. Có được cơ ngơi kha khá từ việc “điên rồ” ban đầu khi nuôi vịt trời trong chuồng gà cũ, ông Dần luôn nhỏ nhẹ nói đó là do mình may mắn.

Ngoài nuôi vịt thương phẩm, ông Dần và anh Cường đều chú ý chọn ra chừng 60 con vịt giống để nhốt riêng, nhằm giữ giống vịt cho chất lượng thịt gần với vịt trời tự nhiên nhất.

Ông Dần nói việc nuôi vịt trời thú vị ở chỗ ông thường xuyên ghi chép, rút kinh nghiệm từ việc quan sát đặc tính của chúng. Khi chọn vịt giống, kinh nghiệm cho ông biết nên chọn giống vịt trọng lượng lớn, màu da màu lông khỏe, mỏ vàng.

Còn tại trang trại vịt trời của anh Cường, ao nước nhốt vịt giống được ngụy trang cây lá hệt như ngoài đồng hoang. Mỗi con vịt giống bố mẹ được anh buộc khoen chân cẩn thận để tránh việc nhân giống cận huyết.

Món ăn thường ngày?

Trang trại của anh Cường mỗi ngày cung cấp hàng trăm con vịt trời cho một số nhà hàng tại TP Bắc Ninh. Nhiều người đã tìm đến trang trại học hỏi mô hình nuôi vịt khá mới mẻ này. Chỉ trong buổi sáng anh đã đón bốn người đến tham quan.

Ông Bùi Công Hoàng, nhà ở tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết: “Tôi đang có trang trại nuôi vịt cỏ rộng 5ha nhưng nghe nói ở đây có giống vịt trời thuần hóa nên đến xem thử, thấy hiệu quả kinh tế khá cao. Đợt này chắc tôi mua 50 con giống về nuôi thử xem sao”.

Anh Cường nói thêm số lượng người đến tìm hiểu khá nhiều nhưng về nuôi gặp thất bại không ít bởi không kiên trì thực hiện đúng các tiêu chuẩn nuôi vịt trời.

Người nuôi nào cũng muốn sản phẩm của mình đến được với càng nhiều người càng tốt. Nhưng hiện nay giá vịt trời trung bình các chủ trang trại bán cho các quán ăn nhà hàng là 180.000 - 200.000 đồng/kg, giá chế biến ở nhà hàng là từ 600.000 đồng/con nên đây vẫn là giá khá cao đối với người muốn dùng vịt trời trong bữa cơm gia đình.

Nắm được điều này, anh Cường cho biết trang trại của anh đang mở rộng quy mô để tăng năng suất, giảm giá thành. Anh đang cố gắng để số lượng đạt 100.000 con vào năm 2018. “Có như vậy thì bà con mới có vịt trời để ăn thường ngày” - anh nói.


“Đặc sản” trong nhà hàng

Từ một vài trang trại nuôi lẻ tẻ, hiện trên cả nước có khoảng 10 trang trại nuôi vịt trời ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu..., chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng quán ăn tại một số đô thị.

Tại Hà Nội, một số cửa hàng bán thực phẩm sạch đã bán thịt vịt trời với giá khoảng 220.000 
đồng/kg như cửa hàng Clever Food, trang web vittroi... bán với giá 250.000 đồng/kg, quảng cáo có hai loại là vịt trời Bắc Mỹ và vịt châu Á.

Theo một số chủ trang trại, thịt vịt trời được ưa chuộng bởi chắc, ít mỡ và nhỏ xương. Vịt nuôi đến năm tháng có thể xuất bán, nặng chừng 800g đến 1kg.

Mới “đáp” xuống chưa bao lâu nhưng vịt trời đã xuất hiện khá nhiều trong thực đơn của các nhà hàng quán ăn thị thành.

Quản lý của nhà hàng GK (đường Nguyễn Khang, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Quán bổ sung thực đơn món vịt trời chừng nửa năm nay, lượng khách gọi món này chiếm đa số nhưng có bữa chúng tôi không có hàng để bán. Mấy bữa nay nhân viên quán cũng đang dò hỏi thêm mối cung cấp vịt trời”.

Thật vậy, chừng 16g là quán đã kín bàn. Các món ăn chế biến từ vịt trời được khách ưu ái gọi vì lạ và ngon.

Tại nhà hàng MQ ngay trung tâm TP Bắc Ninh, nhân viên nhà hàng cho biết sáng nào cũng chia nhau đến trang trại cách đó 20km để lấy chừng 50 con vịt về chế biến.

Nhiều khách đến mua về nhà nhưng nhà hàng đành từ chối vì không đủ số lượng cung cấp cho khách ăn tại chỗ. Theo đó, mỗi ngày phải trên 100 con vịt trời thì nhà hàng mới đáp ứng hết nhu cầu của thực khách.

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Chàng trai biến muối thành 'vàng'

Sinh ra tại xã Giao Thủy, tỉnh Nam Định - vựa muối lớn nhất miền Bắc nhưng tính trung bình mỗi tháng, người nông dân làm muối chỉ thu được vẻn vẹn 400.000-600.000 đồng.


Tuy vậy, người dân ở đây vẫn chọn muối là nghề chính, có lẽ một phần bởi nghề muối là nghề truyền thống đã tồn tại từ hàng trăm năm ở vùng đất này và nhiều người vẫn cố gắng giữ gìn như một nghề chân truyền.

Năm 2011 là thời điểm khó khăn nhất của nghành muối Việt Nam, bán 10 kg muối không mua nổi 1 kg thóc. Trở về nhà, cầm trên tay tấm bằng cử nhân ngành Quản trị doanh nghiệp, bất lực nhìn những cánh đồng muối không bán được, Phạm Văn Cương đã cháy lên quyết tâm phải thay đổi.

Anh Cương bên sản phẩm của mình.

Tìm hiểu và có cơ hội gặp gỡ, Phạm Văn Cương rất thích mô hình làm muối sạch của thạc sĩ Bùi Sơn Long - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ muối biển. Sau một thời gian dài quan sát,học hỏi, Phạm Văn Cương bắt tay vào thực hiện quyết tâm của mình. Có máy móc, có công nghệ nhưng để triển khai được cần phải có 4.000 m2 đất, gần vùng nguyên liệu và đảm bảo môi trường.

Để xin được đất làm dự án thì lại phải lo chi phí xây dựng cầu, đường, suy đi tính lại, anh liều thuê một khu đất ngoài bờ sông đang bị ngập trong nước khoảng 2 m, mỗi ngày mua mấy thuyền cát về để san lấp tạo nền đất.

Phải mất 8 tháng đêm ngày để san lấp, mất hơn một vạn khối cát để tạo bãi nền vững chắc rộng 4.000 m2. Khó khăn nối tiếp khó khăn, sau khi san lấp được mặt bằng, tiến hành xây xưởng lại gặp khó về kỹ thuật.

Vốn không phải dân kỹ thuật, sau khi có bản thiết kế vì không biết đọc bản vẽ nên thi công chậm tiến độ mà thuê kiến trúc sư thì không đáp ứng được thời gian, tiền bạc, vừa nhờ bạn bè giúp đỡ kết hợp với lên mạng tìm hiểu, trong hơn một năm, anh Cương mới xây xong xưởng và lắp đặt thiết bị kỹ thuật.

Tháng 8/2013, cơ sở sản xuất muối sạch của anh bắt đầu đi vào hoạt động. Phải mất thêm 6 tháng nữa vừa học vừa làm vừa sửa để vận hành trơn tru.

Thành công đến không phụ lòng người

Hiện nay cơ sở sản xuất muối của Phạm Văn Cương không chỉ giúp anh sinh lời mà còn biến muối thành “ vàng”. Anh có một xưởng chế biến muối tinh 22.000 tấn/năm (4 tấn/giờ); một xưởng chế biến muối tinh sấy 10.000 tấn/năm (3 tấn/giờ), sản lượng muối lên đến 22.000 tấn/năm, có chất lượng cao, giá muối sạch cao gấp 1,4 lần so với muối thường, giá trị sản xuất muối tăng bình quân từ 7-8 triệu đồng/ha, đảm bảo cho sự ổn định và phát triển bền vững của nghề muối tại 3 huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng.

Không những thế, anh Cương còn tổ chức tập huấn và bao tiêu sản phẩm cho bà con địa phương để xây dựng vùng muối Giao Thủy thành một trong số ít vùng sản xuất muối sạch của cả nước. Lợi nhuận từ 1,2 đến 1,5 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 20 lao động địa phương.

Năm 2014, Phạm Văn Cương vinh dự được Bộ trưởng Bộ Công Thương tặng bằng khen doanh nghiệp đã có thành tích xuất sắc trong công tác thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam năm 2014 và nhiều khen thưởng cao quý khác.

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

“Tỷ phú” tuổi 25 với thu nhập đáng kinh ngạc

Sinh năm 1989, Nguyễn Thế Phước (Nam Sách – Hải Dương) đã nổi danh khắp địa phương với thu nhập 6-7 tỷ mỗi năm từ cá chép giòn. Với hơn 80 lồng cá, hiện anh là “tỷ phú” trẻ nhất huyện Nam Sách, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.

Thu nhập 6-7 tỷ/năm từ cá lồng


Dòng sông Kinh Thầy (Hải Dương) đoạn chạy qua Nam Sách không chỉ nổi tiếng qua thơ của Trần Đăng Khoa mà còn được biết đến với hàng nghìn bè nuôi cá tại đây. Có được nguồn nước phù hợp, con cá trên các lồng nuôi ở sông Kinh Thầy cũng đem về thu nhập không nhỏ cho người dân địa phương và là nguồn mưu sinh chính của nhiều hộ gia đình.

Tuy nhiên, lớp trẻ địa phương ít người ở nhà bập bềnh nghiệp nuôi cá trên sông, đa số thoát ly tìm cơ hội nơi thành phố. Trên những lồng bè chỉ còn những người trung tuổi. Với độ tuổi 25, Nguyễn Thế Phước chọn quê hương là nơi phát triển sự nghiệp sau những năm tháng mưu sinh ở thành phố.

Nguyễn Thế Phước cho hay, anh muốn lập nghiệp, làm giàu trên chính quê hương của mình, dựa vào chính thế mạnh địa phương mình có.

Từng học Cao đẳng tại Hà Nội, ra trường Phước làm nhiều nghề. Có thời gian anh đi lắp hệ thống âm thanh cho các quán Karaoke, phòng trà, thậm chí ăn ở tại sân bay để làm việc cho các công ty kinh doanh âm thanh. Nhưng sau đó, anh quyết định từ bỏ công việc trưởng phòng kinh doanh với mức lương 15 triệu/ tháng tại Hà Nội để về quê gắn bó với con cá chép giòn.

Hiện cơ sở của anh có tới hơn 80 lồng cá với nhiều lứa cá kích cỡ khác nhau, có cả cá giống. Với đặc tính thịt dai, ngon, nhiều dinh dưỡng hơn nhiều loại cá nuôi nên giá trị kinh tế các chép giòn mang lại cũng lớn hơn nhiều. Với mức giá dao động từ 150-200.000/kg, cá chép giòn mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều người dân tại Hải Dương.

 
Toàn cảnh lồng cá của gia đình Nguyễn Thế Phước

Theo anh Phước, cá chép giòn chính là loại cá chép thường, sau khi nuôi đạt trọng lượng khoảng 1kg/con, người nuôi sẽ vỗ béo cá bằng đậu tằm. Loại đậu có hàm lượng protein 31%, gồm đủ 8 loại axit amin thiết yếu, hàm lượng tinh bột 49%... chính là yếu tố quyết định thay đổi chất lượng thịt của cá, tăng độ dai cơ thịt nên cá chắc giòn.

Anh Phước cũng cho biết, loại cá này cũng phải nuôi khoảng 9 tháng bằng thức ăn công nghiệp cũng giống như các loại cá khác. Sau đó, người nuôi chọn lọc cá đạt trọng lượng 1 kg trở lên để tiến hành vỗ béo riêng biệt bằng thức ăn đậu tằm. Ở giai đoạn này, để cá đạt từ 1,2 đến 1,5 kg/con phải mất thời gian 3 tháng. Và cứ 1 tấn cá nuôi tiêu tốn khoảng 1,5 tấn đậu tằm. Còn cá đạt trọng lượng 1 kg tiêu tốn 2kg thức ăn công nghiệp.

 
Anh Phước cho cá ăn thức ăn công nghiệp và đậu tằm ngâm

Để có được vùng nguyên liệu đảm bảo cho chất lượng cá ngon, anh Phước xây dựng cho mình 2 vùng nguyên liệu ở Tây Bắc và Bảo Lộc, Lâm Đồng để cung cấp thức ăn cho cá với khối lượng lên đến hàng tấn thức ăn các loại mỗi ngày. Anh tự hào rằng cá nuôi tại cơ sở của anh 100% nội địa hóa Việt Nam, không có thức ăn kém chất lượng từ Trung Quốc.

Không ngại khó khăn

Tuy nhiên, ước mơ lập nghiệp không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Để đạt được thành công như ngày hôm nay, anh Phước đã gặp khá nhiều khó khăn khi khởi nghiệp vì thất bại. Khi về quê, anh Phước về tiếp quản hai bè cá của bố nuôi trên sông Kinh Thầy, nhưng anh muốn mở rộng quy mô nuôi cá gấp 10 lần. Để có tiền, hai bố con xoay sở ngược xuôi, vay mượn ngân hàng, người quen, cầm cố, thế chấp nhà cửa.“Bè cá ở đây còn thích hơn ở nhà, bè cá là tất cả tài sản, mất nó là mất cả nhà cả cửa”, anh Phước nói.

 
Đàn cá đang chen chúc nhau phát triển

Đầu tiên, anh Phước bắt tay vào nuôi cá điêu hồng. Anh mua 10 tấn cá giống, nhưng sau đó bị chết mất 8 tấn. Nguyên nhân là do anh chưa có kinh nghiệm, vận chuyển cá giống bằng xe gắn máy nên cá chết do sốc. Mỗi kg cá giống có giá 45.000 đồng, đã lấy đi của anh Phước hàng trăm triệu tiền vốn. Tuy nhiên, thất bại này không thể lấy đi ý chí làm giàu của anh.

 
Sau khi được san sang lồng khác vì quá chật chội, đàn cá vẫn còn rất đông đúc

Sau này, anh bắt đầu thử nuôi cá chép giòn và thời kì đầu anh ra bờ đê cắt cỏ chỉ, mang thóc của nhà ra ngâm cho cá ăn. Lứa cá cứ thế lớn dần, tuy nhiên, cá rất to nhưng phát triển không đều. Anh Phước lại lục lọi tìm hiểu, hỏi han để chăm sóc cho cá vừa đẹp về hình thức, vừa cho chất lượng tốt.

Sau đó, anh Phước cho cá ăn phối trộn theo tỷ lệ và giai đoạn nhất định và cách làm này đã giải quyết được sự không đồng đều trong tăng trưởng của cá. Lứa cá chép giòn mang về lợi nhuận cho anh, và tiếp đó, anh mở rộng đầu tư loại cá này. Mặc dù cá chép giòn chỉ đóng 40% sản lượng nhưng lại chiếm tới 80% giá trị kinh tế do giá trị của cá chép giòn cao gấp 2-3 lần các loại cá khác.

 
Cá điêu hồng được nôi nhiều nhất trong các lồng của Nguyễn Thế Phước

 
Đàn cá chép giòn đang vào bữa trưa

Cho đến nay cá của Phước đã có được thị trường ở nhiều nơi trên cả nước, thu nhập đảm bảo cho mở rộng đầu tư.

Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, anh Phước cho biết: “Tôi sẽ nhân rộng mô hình nuôi cá chép giòn ra nhiều vùng khác, hướng tới xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm”. Anh cũng chia sẻ thêm, hiện nay có nhiều người trong miền Tây cũng đã nuôi thành công loại cá này, thu về lợi nhuận khá. Thỉnh thoảng anh Phước cũng chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá với những người tìm đến học hỏi kinh nghiệm.

 
Cận cảnh căn lán chăm sóc cá của anh Nguyễn Thế Phước

Anh Phước cũng cho biết, ở nhiều nhà hàng, thỉnh thoảng anh bắt gặp những món ăn chế biến từ cá chép giòn với giá rất đắt. “Như mới đây, món cá chép om dưa có giá đến 450.000 đồng/kg”, anh nói.

 
450 nghìn/kg cá chép giòn om dưa 

Với hơn 80 lồng cá đem lại nguồn thu nhập 6-7 tỷ mỗi năm, hiện anh Phước là “tỷ phú” trẻ nhất huyện Nam Sách, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.

Bên cạnh việc kinh doanh, anh Phước còn là người năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động của thôn, xóm, địa phương. Anh cũng thường xuyên trao các học bổng cho học sinh đạt thành tích cao trong trường học của địa phương mình.

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Nghe "ông trùm" cá sấu kể chuyện làm giàu

Từ mô hình nuôi cá sấu, ông Trương Thanh Mai, ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long (Bạc Liêu) đã trở thành doanh nhân tỷ phú, có đối tác ở nhiều nước...

Ông Mai khởi nghiệp nghề nuôi cá sấu từ năm 1997, với 100 con cá sấu nước ngọt (cá sấu Xiêm). Chỉ 2-3 năm sau, cá sấu thương phẩm của ông đã có mặt tại thị trường Trung Quốc, rồi năm 2010 mở rộng thị trường sang Hàn Quốc, Nhật, Ý…

Ông Mai cho biết: “Cá sấu xuất sang Trung Quốc là xuất nguyên con, trọng lượng 15 – 25kg/con. Các nơi khác lại chỉ lấy da, 80% giá trị của cá sấu nằm ở bộ da. Da cá sấu loại I hiện dao động từ 650.000 – 700.000 đồng/con (cá sấu trên 2 năm tuổi); loại 2 là 550.000 đồng/con (cá sấu 1,5 - 2 năm tuổi; loại 3 cũng 450.000 đồng/con (trên 1 năm tuổi)”.

Nghề nuôi cá sấu của ông Mai được khẳng định bằng giấy phép Cites (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp). Trang trại của ông có hơn 28.000 con cá sấu đủ kích cỡ, mỗi năm cung cấp khoảng 60.000 con cá sấu giống mang thương hiệu Phương Tín ra khắp “lục tỉnh” miền Tây.

 

Ông Mai giới thiệu về ấp trứng và nhân nuôi cá sấu giống. Ảnh: VŨ THỐNG NHẤT

Mấy năm đầu, thị trường Trung Quốc là đích đến chủ lực nhưng ông Mai nhanh chóng nhận ra: Thị trường, đối tác nơi đây kém bền vững; giá cả bấp bênh. “Cũng bầm giập, trằn trọc nhức đầu lắm. Suốt từ năm 2002 - 2006, đầu ra của cá sấu hầu như chỉ dồn vào cửa Trung Quốc nên họ ép giá suốt mấy năm trời. Lúc đó chỉ mong huề vốn, công mình bỏ đi” - ông Mai nhớ lại.

Ông đã tập trung mở rộng, xuất trực tiếp cá sấu cho các thị trường ngoài Trung Quốc. Để chủ động hơn, bên cạnh việc xây nhà ấp trứng, ông Mai còn liên kết với công ty thức ăn chăn nuôi nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất thức ăn công nghiệp cho cá sấu. Chúng tôi hỏi, tài sản ông ước tính bao nhiêu từ nuôi cá sấu, ông Mai cười cười trả lời: “Chỉ biết riêng thức ăn cho cá mỗi ngày đã hết 37 triệu đồng. 60.000 con giống bán mỗi năm với thời giá hiện nay 500.000 đồng/kg thì giá trị đã lên tới con số 30 tỷ đồng”.

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Chàng trai 9x bỏ đại học về quê nuôi thú làm du lịch

Như nhiều bạn bè cùng trang lứa khác, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Lưu Minh Tuấn cũng có ước mơ bước chân vào giảng đường đại học. Tuy nhiên sau một năm đèn sách, chàng trai ấy bước sang một ngã rẽ khác và anh đã thành công.

Trên diện tích gần 500m2 với nhiều loài thú như: nai, nhím, chồn hương, chuột, cá sấu… phục vụ khách tham quan, là mô hình du lịch tại gia của ông chủ 9x, Lưu Minh Tuấn (sinh năm 1992, thôn 2, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng). Mỗi ngày nơi đây đón hàng trăm lượt du khách trong và ngoài nước dừng chân tham quan.

“Đại học không phải là con đường duy nhất”

Chàng trai 9x Lưu Minh Tuấn tâm sự: sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, anh thi đậu vào ngành Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Đà Lạt. Nhưng sau khi học được hơn 1 năm, Tuấn suy nghĩ sau 4 năm nữa khi ra trường liệu mình có xin được một công việc ưng ý để phụ giúp cha mẹ. Cùng với đó do gia đình nhiều vườn rẫy, thiếu người lao động, thương bố mẹ vất vả anh đã quyết định một bước ngoặt mà gia đình và bạn bè đều hết sức bất ngờ.

Với suy nghĩ giảng đường đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp , chàng trai 9x đã quay về phụ giúp gia đình phát triển sản xuất nông nghiệp. Khi về gắn bó với ruộng vườn, Tuấn thấy con đường trước nhà mình (tỉnh lộ 725 - PV) hàng ngày có nhiều khách du lịch đi qua và thường vào các hộ gia đình để tìm hiểu đời sống, sản xuất của người dân địa phương.

Từ đó, anh nảy ra ý định tận dụng lợi thế diện tích đất mặt tiền của gia đình để làm du lịch tại gia. Lúc đầu, ý tưởng của Tuấn là chỉ mở một trạm dừng chân để du khách nghỉ ngơi và mua sắm một số sản phẩm đặc trưng của địa phương.


Tuấn thành công bên trại nhím của mình

Tuy nhiên, vì trên tuyến tỉnh lộ 725 đã có nhiều mô hình trạm dừng chân hoạt động từ trước nên Tuấn nghĩ phải tạo nên sự mới lạ trong mô hình của mình. Qua quá trình tìm tòi, suy nghĩ, cuối cùng, anh đã chọn mô hình nuôi thú để phục vụ du khách tham quan.

Bước đầu ý tưởng đó thực hiện không hề dễ dàng. Nhưng với sự năng động và nhiệt huyết của tuổi trẻ, nghĩ là làm, Tuấn đã tìm tòi qua sách báo, mạng internet và nhờ bạn bè giúp đỡ để tìm mua con giống cũng như cách thức chăm sóc nuôi dưỡng các loài động vật. Anh đã tìm mua được một số thú như: chuột lang, chuột bạch, nhím, chồn, heo rừng, cá sấu… để về nuôi.

Lúc đầu, do chưa quen với khí hậu, thức ăn và môi trường nuôi nhốt nên nhiều con vật không phát triển được. Tuấn không nản lòng mà tiếp tục nghiên cứu, rút kinh nghiệm và không ngừng mở rộng quy mô chuồng trại, sưu tập thêm những loài thú lạ, mới. Sau một quá trình gây dựng, phát triển, đến cuối năm 2014, mô hình “du lịch thú” của Tuấn mở cửa đón khách tham quan.

Nuôi thú “gọi” khách du lịch

“Lúc đầu mới xây dựng mô hình, em gặp rất nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm, thiếu vốn đầu tư cũng như khó tìm mua con giống. Tuy nhiên, được sự động viên giúp đỡ của gia đình, người thân nên em vẫn quyết tâm làm”, Lưu Minh Tuấn chia sẻ.

Đến nay, ngoài những con vật ban đầu, trong mô hình của Tuấn còn có thêm bò cạp, giông cát, hươu sao, dúi và một số động vật hoang dã khác. Hiện, một số loài thú không những phát triển tốt mà còn sinh sản, nhân giống phục vụ tham quan và bán cho khách mua về nuôi làm cảnh.

Du khách khi đến với mô hình “du lịch tại gia” của ông chủ trẻ Lưu Minh Tuấn, ngoài được ngắm nghía, chụp hình lưu niệm với những loài thú lạ và động vật hoang dã còn được tham quan lò nấu rượu thủ công của gia đình và thưởng thức những ly rượu nồng.

Du khách thích thú với những loại rượu của Tuấn

Ngoài ra, trong mô hình của Tuấn còn trưng bày, giới thiệu và bán một số sản phẩm đặc trưng như mật ong, phấn hoa, cà phê chồn, rượu gạo và những mặt hàng lưu niệm thủ công của địa phương.

Chị Lan Hương- một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh vui vẻ cho biết: “Mô hình này khá là thú vị, một điểm dừng chân mà ngoài mua đồ lưu niệm còn được tham quan nhiều loại thú nuôi nên bọn trẻ nhà tôi rất thích”.

“Thật tuyệt vời! Đây là một điểm dừng chân rất lý tưởng. Đến đây tôi được thưởng thức rượu gạo của Việt Nam và được ngắm nhìn nhiều loài thú lạ”, Ông Philippe - một du khách đến từ Pháp cho biết.

Được nhiều du khách ủng hộ, không dừng lại ở những gì đang có, ông chủ trẻ dự định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại, làm thủ tục đăng ký với chính quyền địa phương và tìm mua các loài thú lạ và động vật hoang dã khác để về nuôi phục vụ khách tham quan. Hiện nay, mô hình “du lịch tại gia” của 9x Lưu Minh Tuấn đang mở cửa cho du khách tham quan miễn phí, chưa thu tiền vé.

Mô hình của ông chủ 9X thu hút khách tham quan du lịch

Chị Giáp Thị Thủy - Bí thư Huyện Đoàn Lâm Hà (Lâm Đồng) đánh giá cao về mô hình của “ông chủ 9x” : thời gian qua đã có nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển sản xuất, xây dựng mô hình làm giàu trên quê hương. Đoàn viên Lưu Minh Tuấn là một điển hình tiêu biểu.

Với việc nuôi thú làm “du lịch tại gia”, ông chủ 9x Lưu Minh Tuấn đang tạo cho mình một hướng đi riêng và thành công trong phát triển kinh tế. Qua đó, cũng góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của Lâm Đồng.

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Vườn cây cảnh tiền tỷ của cô chủ 9X

Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, trong khoảng thời gian chờ xin việc làm, cô gái trẻ Đỗ Mai Châu đã mạnh dạn đầu tư xây dựng một cơ sở hoa cảnh quy mô 2.000m2, cung ứng cho thị trường toàn quốc mang lại thu nhập hằng chục triệu đồng mỗi tháng.

Luôn học hỏi và mạnh dạn thử nghiệm


Gặp gỡ Đỗ Mai Châu (24 tuổi, ngụ phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) chúng tôi không khỏi bất ngờ trước ý tưởng táo bạo trong kinh doanh khi Châu đã “mạnh tay” đầu tư khoảng 1 tỷ đồng để lập cơ sở. Được Châu dẫn đi tham quan khu vườn rộng 2.000m2 với trên 1.000 loại cây cảnh được chủ nhân chăm sóc tỉ mỉ cẩn thận tất cả mọi khâu trước ngày xuất xưởng, mới thấy được những ý chí tiềm tàng trong cô gái nhỏ nhắn này.

Mai Châu bên vườn cây cảnh của mình

Châu tâm sự, sau khi vừa tốt nghiệp cao đẳng Châu đã ấp ủ và nảy ra ý định kinh doanh về loại cây cảnh loại nhỏ (tiểu cảnh), chủ yếu là loại cảnh mini để bàn làm việc. Được sự ủng hộ, giúp đỡ của chị gái vào tháng 6/2014, Châu chính thức kinh doanh mặt hàng cây cảnh với hình thức kinh doanh và quảng cáo bán hàng trên các trạng mạng xã hội và nguồn hàng nhập hoàn toàn từ Đà Lạt (Lâm Đồng) về sau đó bán lại.

Sau khi đưa hàng và quảng cáo bán trên mạng, Mai Châu vui mừng khi liên tiếp nhận được hằng trăm đơn đặt hàng từ khắp nơi gửi đến. Để đáp ứng như cầu và nguồn hàng Châu thường xuyên qua Đà Lạt để nghiên cứu những loại cây cảnh mới đưa về bán, đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán vừa qua Châu đã bán được hàng ngàn chậu cảnh với doanh thu lên đến hàng trăm triệu đồng.

Mạnh dạn đầu tư vào kinh doanh

Tuy nhiên, cô gái nhỏ nhắn này vẫn chưa thực sự hài lòng về những gì làm được, với sự ham học hỏi và đam mê nghiên cứu Châu đã bàn bạc với gia đình xin mở xưởng để tự đem giống cảnh về trồng, tự nhập chậu sứ về để làm thành sản phẩm hoàn thiện thay vì nhập hoàn toàn từ Đà Lạt để giảm đi chi phí đầu ra.

Ban đầu, ý tưởng này của Châu nhanh chóng bị gia đình phản đối vì bố mẹ muốn Châu sẽ đi dạy học thay vì tự mày mò kinh doanh và cũng vì số vốn đầu tư cho việc này lên tới 1 tỷ đồng, nhưng ý chí lớn cộng thêm sự quyết tâm cao độ, Châu đã thuyết phục được gia đình đồng ý cho thử sức mình.


Trên 1.000 loại cây cảnh tại cơ sở của Châu

Bắt tay vào công việc, Mai Châu đã lựa chọn mảnh đất rộng 2.000 m2 tại buôn Prông A (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) làm địa điểm sản xuất và chủ động đi nghiên cứu mang các giống cảnh về trồng. “Ban đầu mình qua Đà Lạt nhiều lần, đi nhiều vườn cây cảnh để học cách chăm sóc và tìm hiểu nhiều giống cảnh mới. Sau đó đem về trồng thử nghiệm tại Buôn Ma Thuột, do khí hậu ở địa phương mình nóng hơn nhiều so với Đà Lạt nên lúc đầu cây chết khá nhiều, lúc đó bố mẹ cũng góp ý nếu làm không được thì bỏ để làm công việc khác, nhưng mình cố gắng làm để chứng minh với mọi người rằng thực hiện mô hình này là sự lựa chọn đúng”, Châu chia sẻ.

Cô chủ nhỏ bên vườn ươm xương rồng

Sau nhiều đợt cây cảnh chết, Châu không nản chí mà đã chủ động thay đổi khá nhiều thứ từ xây dựng hệ thống nhà vườn có mái che đến việc chọn đất để trồng cảnh, phân bón, cách tưới tiêu cho phù hợp…, kết quả lượng cây cảnh chết giảm đi đáng kể mang lại sự hứng khởi cho cô gái trẻ.

Muốn phát triển thương hiệu riêng

Không chỉ nhập giống cây cảnh từ Đà Lạt, Châu còn nhập từ Hà Nội, Hưng Yên và cả một số giống cây cảnh lạ của Trung Quốc, Thái Lan… đem về nhân giống tại mô hình của mình. Riêng với chậu đựng cây, Châu nhập hàng từ Hà Nội về, ngoài ra Châu cũng tự mình thiết kế các loại chậu cây handmade rất được khách hàng ưa chuộng.

“Khách hàng của mình hiện tại khá đa dạng từ học sinh, sinh viên, nhân viên… đa số đều thích các sản phẩm mới lạ, độc đáo nên mình cũng cố gắng tìm hiểu thị hiếu hiện nay để phục vụ khách hàng tốt nhất. Phương châm kinh doanh của mình đó là "bao đổi trả hàng 100% nếu chất lượng cây cảnh không làm hài lòng khách hàng”, chính vì vậy khi mua hàng của mình nhiều người rất an tâm”, Châu cho hay.

Chậu cảnh thủ công được khách hàng ưa chuộng

Châu cũng cho biết, các sản phẩm bán đắt hàng nhất hiện tại cơ sở của mình là: cỏ long thảo (cỏ may mắn), xương rồng sen đá, sen cánh bướm, các loại xương rồng của nước ngoài… mỗi sản phẩm có giá từ 35.000 – 200.000 đồng/chậu, riêng với các loại nhập từ nước ngoài có giá từ 1,5 triệu đồng/chậu trở lên.

Hiện tại, các sản phẩm của Châu được phân phối tại hệ thống siêu thị Co.opmart trên toàn quốc, các hệ thống bán lẻ cây cảnh ở các tỉnh phía Nam, các đại lý bán lẻ trên địa bàn tỉnh, các hội chợ và cả hệ thống bán lẻ trên internet. Với việc mở rộng thị trường, chú trọng chất lượng và tạo thương hiệu cho sản phẩm đã giúp Châu mang lại thu nhập trung bình trên 200 triệu đồng/tháng và trong các dịp lễ tết doanh thu còn tăng lên nhiều.

Công nhân chăm chút từng sản phẩm trước khi xuất xưởng

Không chỉ vậy, cơ sở của Châu còn là nơi giải quyết việc làm cho 6 nhân công tại địa phương với mức thu nhập từ 3 – 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Châu cũng ưu tiên cho các học sinh đến cơ sở của mình để làm thêm dịp hè với mức lương 100 ngàn đồng/ngày.

“Nhiều bạn học sinh đến xin để vừa học cách làm, vừa làm kiếm thêm thu nhập trong thời gian được nghỉ hè, em cũng tạo điều kiện cho các em làm những công việc nhẹ, hướng dẫn thêm về những kỹ thuật trồng cảnh cho các em đa số đều rất hào hứng”, Châu cho hay.

Chia sẻ về dự định sắp tới, Châu cho biết bản thân đang ấp ủ dự định sẽ mở rộng chính tại thị trường tại các thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ…, đồng thời trong dịp Tết tới sẽ ký hợp đồng cùng một số ngân hàng, công ty, trường học… để lấy sản phẩm cây cảnh của cơ sở tặng cho các khách hàng, đối tác quan trọng.

Cô chủ nhỏ tâm đắc với chậu cảnh hình khung tranh do mình thiết kế

Riêng đối với bản thân mình, Châu cho biết sẽ không chỉ kinh doanh cảnh mà còn xin đi dạy để không uổng phí những năm đèn sách, “Sang năm tới, mình sẽ đi dạy ở trường nhưng vẫn sẽ tiếp tục duy trì kinh doanh và nhân rộng mô hình này. Mình sẽ cố để cân bằng và làm tốt cả 2 công việc, vừa là cô giáo ở trường vừa là công nhân tại cơ sở. Hiện nay, việc đưa thương hiệu cây cảnh được trồng tại TP. Buôn Ma Thuột đến với đông đảo khách hàng trên toàn quốc là điều mình luôn luôn muốn hướng tới, đó cũng là mục tiêu lớn nhất của mình”, Châu chia sẻ.

Nhiều mặt hàng với hình thù bắt mắt


Các chậu cảnh mini để bàn làm việc


Nhiều sản phẩm độc lạ được ưa chuộng


Các chậu cảnh hình thù ngộ nghĩnh


Vườn cảnh được đầu tư kỹ lưỡng


Các loại xương rồng sen đá được trồng thành công


Mai Châu tự tay thiết kế chậu cảnh


Chăm chút tỉ mỉ cho từng giống ươm

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

Kiếm tiền tỷ nhờ trồng bơ sáp ở Bình Phước

Ghép và trồng thành công giống bơ sáp cao sản, ông Dương Mã Dưỡng ở Bù Gia Mập, Bình Phước thu về hơn 3 tỷ đồng mỗi năm.


Chuyện trồng bơ của ông Dưỡng cũng rất tình cờ khi được người bạn tặng một chậu quýt giống để trồng cách đây hơn 20 năm. Không biết lấy gì để đáp lễ, ông chọn mua một cây bơ và trái để tặng lại. Người bạn hỏi ông bơ ngon vậy sao không trồng và ghép giống để bán, nhưng ông Dưỡng nghĩ có ghép giống cũng không ai mua vì thời đó chưa nhiều người biết đến loại trái này.

Năm 1995, khi vườn cà phê và tiêu ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã trưởng thành, ông Dưỡng bắt đầu nghĩ đến việc trồng bơ nên ra chợ mua thử 100 cây giống về trồng. Cũng không chăm sóc và hy vọng gì nhiều, nhưng sau ba năm những cây giống đầu tiên này lại cho năng suất rất cao.

Thấy cây bơ mẹ cho trái to và đẹp, ông Dưỡng quyết định đầu tư trồng lớn, kết hợp với ghép cây giống để bán và xây dựng thương hiệu bơ Mã Dưỡng.

“Khi đó, nông dân nơi đây chưa tin tưởng giống bơ này, vẫn ưu tiên phát triển nông sản khô như cà phê, tiêu, điều, vì thu hoạch xong có thể phơi khô và bán lúc nào cũng được. Còn riêng với trái bơ khi vào mùa, trái chín không ai mua thì chỉ có đổ cho heo, bò ăn thôi”, ông Dưỡng chia sẻ.

Ông Dương Mã Dưỡng nhận giải thưởng Gương mặt nhà quản lý tài năng trong thời kỳ hội nhập kinh tế.


Ban đầu, ông Dưỡng tìm hiểu cách ghép trên mạng nhưng chỉ dẫn này quá chung chung, tỷ lệ cây sống sót thấp nên ông quyết định qua Thái Lan để học. Nông dân này cho biết, lúc đầu cứ lấy bo (mầm của cây mẹ) để ghép, tỷ lệ cây con sống rất thấp. Sau này có học hành bài bản rồi, ông mới biết cách lấy bo ra sao, chọn mắt nào ghép để tăng tỷ lệ sống cho cây con...

Ghép giống bơ quan trọng nhất là học hỏi kinh nghiệm từ chính những người nông dân đã ghép thành công, kết hợp học thêm ở các kỹ sư nông nghiệp. Ông Dưỡng cho biết, hiện nay tỷ lệ ghép thành công của ông đạt 97%. “Để cho ra được cây giống tốt, cây mẹ khi ghép phải có năng suất cao, độ tuổi một năm, thường có lá già và ngọn chuẩn bị phóng đọt lá lần thứ hai, không được bỏ phân trước đó một tháng”, ông Dưỡng chia sẻ kinh nghiệm và cho biết thêm, trong khi giống bơ bán ngoài thị trường đa số cho ra hoa đơn tính, chủ yếu là hoa đực nên tỷ lệ thụ phấn rất thấp, thì cơ sở của ông lại cung cấp được bơ giống cho ra hoa lưỡng tính, tỷ lệ thụ phấn cao, đặc biệt trong những ngày mưa. Hiện mỗi năm cơ sở của ông bán được trung bình 10.000 cây bơ giống, giá bán 50.000 đồng một cây, thu về trên 500 triệu.

Thấy cây bơ cho doanh thu tốt, năm 2010, khi 7 ha tiêu ở Bù Gia Mập, Bình Phước liên tục mất giá, ông Dưỡng quyết định chuyển qua trồng chuyên canh bơ. Sau 5 năm, hiện mỗi năm ông thu 50 tấn bơ, một cây đạt trung bình 1,3 tạ, mỗi trái nặng từ 700gram đến 1kg, doanh thu hơn 2 tỷ đồng.

Chia sẻ kỹ thuật trồng bơ trái, ông Dưỡng cho biết thường xuyên bón lót, cắt bớt những trái ở chùm nhiều, mỗi chùm chỉ nên để dưới 10 trái. Ngoài ra, ông chuyển dần sang trồng theo tiêu chí xanh khi chỉ dùng phân hữu cơ và thuốc sinh học để chăm sóc. Ông mua phân gà, phân bò kết hợp với bã cà phê, men phân hủy cấy chế phẩm sinh học trichoderma và ủ trong vòng 45 ngày.

Ở Bình Phước, nền nhiệt cao, thích hợp cho việc trồng các loại cây trái nhiệt đới. Nhưng nắng gay gắt khiến trái bơ thường bị nám. Vì thế, ông Dưỡng phải tưới nhiều nước và sử dụng những loại thuốc sinh học để phòng tránh bơ bị nám ngay từ lúc trái còn nhỏ. “Thuốc thuốc trừ sâu sinh học ít độc với người và môi trường, không làm hại đến các sinh vật có lợi cho cây trồng”, ông nói.

Giải thích chuyện thị trường bơ trong nước rất dồi dào, nhưng giá trị đem lại không cao, ông Dưỡng cho rằng nông dân nhiều nơi vì ham lợi nhuận nên thường cắt bơ sớm bán để có giá cao, vô hình trung đã làm giảm đi chất lượng sản phẩm. Để có bơ chín ngon, 4 tháng sau khi ra trái mới nên thu hoạch, và chỉ thu hoạch những trái màu ngả về hơi vàng, da bắt đầu già hơn.

Vì được trồng theo phương pháp xanh, sản phẩm bơ Mã Dưỡng hiện được bán với giá khá cao 60.000 đồng một kg, trong khi giá bơ trên thị trường dao động ở mức 35.000 - 40.000 đồng. Ông Dưỡng cho biết mình chỉ tập trung hướng đến tiếp thị sản phẩm tại vườn, để khách hàng mắt thấy, tai nghe, và thưởng thức thử bơ trước khi mua. Do đó, dù trồng ở phía Nam, nhưng Hà Nội hiện là thị trường tiêu thụ bơ lớn nhất của trang trại ông Dưỡng.

Ngoài cây bơ, hiện ông Dương Mã Dưỡng còn phát triển thêm dự án trồng xen canh giữa bơ cao sản và na Thái để lấy ngắn nuôi dài. Na Thái rất dẻo, ngọt, hạt nhỏ, vỏ mỏng và không có cát, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi trái na Thái đạt trung bình 800gram - 1kg với giá bán 85.000 đồng một kg. Mỗi ha trồng xen canh na Thái có thể thu về từ 700 triệu đến một tỷ một năm.

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

Trở thành tỷ phú nhờ những giống bơ lạ

Ông là nhà nông đầu tiên ở Bảo Lâm (Lâm Đồng) táo bạo cưa trắng cả chục hécta cà phê giống cũ để ghép giống mới, sau đó lại tiên phong trồng xen cây bơ vào trang trại cà phê để thu lợi gấp 2 - 3 lần. Toàn bộ 2.500 cây bơ của ông được công nhận là cây đầu dòng để nhân giống khắp nơi.

Ông Trung trong vườn bơ sáp


Cha đẻ của những giống bơ lạ

Ở thôn Tiền Yên (xã Lộc Đức, Bảo Lâm) nhiều hộ trồng cây keo che bóng cho cà phê, nhưng ông Nguyễn Đăng Trung lại có cách nghĩ khác. Ông quyết định chọn cây bơ vì vừa làm cây che bóng vừa cho quả. Thấy năng suất, chất lượng của giống bơ thực sinh (trồng bằng hạt) còn thấp, ông tìm đến một trung tâm nghiên cứu cây ăn quả ở thành phố Bảo Lộc mua giống bơ ghép về trồng. Cây phát triển không được như mong đợi nên ông đi tìm những cây bơ cho quả ngon để cắt chồi mang về tự ghép.

Lang thang tìm kiếm ở nhiều vùng trồng bơ nổi tiếng trong nước nhưng cây bơ ngon nhất lại ở ngay trung tâm huyện nhà (Bảo Lâm). Đó là cây bơ cổ thụ của gia đình cô Tuyết, được trồng từ thời Pháp thuộc. Ông Trung xin cắt một số chồi về ghép. Lúc đầu do thiếu kinh nghiệm, chưa rành về kỹ thuật nên cây bị thối rễ chết gần hết.

“Tôi học hỏi kinh nghiệm, đầu tư làm vườn ươm theo công nghệ cao với nhà lưới và hệ thống tưới nước, bón phân tự động để có thể điều tiết nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng. Nhờ vậy đã ghép thành công và trồng đại trà giống bơ mới này”, ông Trung nói. Một thời gian sau, bơ phát triển tốt, quả lúc lỉu, nhiều quả nặng cả ký hoặc hơn, dài từ 30 - 40 cm trông như trái mướp, thịt màu vàng, mịn và dẻo, hàm lượng chất béo cao.

“Tôi may mắn tìm thấy cây bơ sáp độc nhất vô nhị này khi cây còn sung sức và kịp xin chồi về ghép. Bây giờ thì lão bơ đã cằn cỗi, suy kiệt lắm, chắc không sống được lâu nữa! Nguyên nhân do cây nằm ven đường (thuộc thị trấn Lộc Thắng-PV) mà mỗi khi sửa chữa, nâng cấp đường, người ta lại chặt bớt cành, làm tổn hại rễ hoặc trầy xước thân cây”, ông thổ lộ. Sau đó ông Trung còn tìm được cây bơ độc đáo khác cũng tại huyện Bảo Lâm, lấy chồi về ghép cho ra loại bơ có quả như cái bầu nước, dài từ 17-20 cm, nhiều quả nặng trên dưới cả ký. Vỏ mỏng, màu xanh lục đậm, thịt mềm và co màu vàng nhạt, vị ngọt thanh, hột nhỏ.

Năm 2009, Sở NN&PTNT Lâm Đồng tổ chức “Hội thi cây bơ năng suất cao, chất lượng tốt tỉnh Lâm Đồng lần thứ 3”. Ông mang 2 cây này đi dự thi và giành luôn 2 giải nhì. Năm đó, hội thi không có giải nhất. Hội đồng khoa học đã công nhận đây là những giống bơ đầu dòng và đặt tên là BLD (Bơ Lâm Đồng) 034 và BLD 036.

Từ những thành công ban đầu, ông Trung tuyển chọn thêm một số giống bơ phù hợp khí hậu địa phương để ghép tạo ra thế hệ bơ mới kháng bệnh tốt, có năng suất và chất lượng cao. Mỗi cây bơ từ 5 - 6 tuổi trở lên cho cả trăm quả mỗi năm, mỗi hécta đạt 5-6 tấn quả. Tùy vào kích cỡ quả, bơ chính vụ hay trái mùa mà giá bán dao động từ 30 - 60 ngàn đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với bơ bình thường. Các doanh nghiệp đưa bơ của ông vào bán trong nhà hàng, siêu thị với giá từ 100 -110 ngàn đồng/kg.

Xen canh bơ - cà phê thu lợi nhuận gấp đôi

Sau thời gian dài canh tác, đến năm 2000, vườn cà phê của ông Trung đã già cỗi, sâu bệnh nhiều nên năng suất thấp. Qua sách báo và các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, biết chuyện cưa gốc rồi ghép chồi cà phê hoặc trồng mới bằng giống cao sản, ông Trung quyết định thử nghiệm trên diện tích 2 ha. Sau đó, thấy có triển vọng nên cưa trắng hoặc nhổ bỏ cả chục ha cà phê già cỗi để ghép và trồng mới. Năng suất từ 2-3 tấn/ha đã tăng lên gấp đôi, thậm chí hơn 2,5 lần do cây ít bị sâu bệnh, tán nhiều, mắt trái đều, ít bị rụng quả…

Trên cao nguyên nắng gió, cà phê cần được che bóng mà bơ rất thích hợp với khí hậu và chất đất nơi đây nên ông trồng xen cây bơ vào vườn cà phê. Sau nhiều mô hình thử nghiệm, ông nhận ra trồng bơ với khoảng cách 6x6m là phù hợp nhất.

“Nếu độc canh cà phê trên diện tích 10 ha, mỗi năm chỉ cho thu hoạch 70 tấn cà phê nhân. Khi trồng xen thêm cây bơ, sản lượng cà phê không giảm, trong khi lại thu hoạch thêm 70 tấn bơ. Giá bơ tương đương với cà phê, như vậy trồng xen canh cho thu hoạch gấp đôi. Đến khi bơ khép tán (khoảng từ 8 -10 năm tuổi), tôi sẽ chặt toàn bộ cà phê để giữ cây bơ vì sản lượng cà phê không tăng nhưng bơ thì tăng đều kể từ năm thứ 6”, ông Trung chia sẻ.

Vườn cây của ông Trung được doanh nghiệp và nông dân từ nhiều tỉnh thành đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, đặt vấn đề mua chồi và cây giống. Trung bình mỗi năm ông bán cả triệu chồi cà phê, hang trăm ngàn cây giống bơ ghép và cà phê cao sản. Lợi nhuận từ quả bơ, cà phê, chồi và cây giống lên đến nhiều tỷ đồng mỗi năm.


Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến đã tham quan trang trại, đánh giá cao mô hình xen canh bơ - cà phê cũng như chất lượng vườn cây đầu dòng; mong muốn ông Trung tiếp tục làm đầu tàu để giúp các hộ nông dân khác cùng phát triển.

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Tỷ phú hoa cảnh khởi nghiệp từ 4 triệu đồng

Anh Hồ Hoàng Tâm, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Giống nông nghiệp hoa Hoàng Tâm Dư ở ấp Hòa Phụng A, thị trấn Kinh Cùng (Phụng Hiệp, Hậu Giang) từng là thanh niên nghèo hành nghề hớt tóc dạo. Hiện HTX có trên 60.000 chậu cây cảnh trị giá trên 5 tỷ đồng.

Anh Hồ Hoàng Tâm bên vườn cây cảnh của mình. Ảnh: Hòa Hội.


Khởi nghiệp từ vay 4 triệu đồng

Anh Tâm là con thứ 2 trong gia đình 9 anh em. Nhà nghèo lại không ruộng đất, học hết lớp 6 anh phải nghỉ giữa chừng để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ trang trải cuộc sống gia đình và đàn em ăn học. Sau khi nghỉ học, anh Tâm đi làm thuê quanh xóm rồi dần dần học nghề hớt tóc, bơm gas, sửa hộp quẹt. Đến khi lành nghề thì anh bắt đầu bôn ba khắp các tỉnh ĐBSCL để kiếm sống.

Anh Tâm kể: “Hồi đó trên người chỉ có bộ đồ nghề và 2 bộ quần áo với chiếc xe đạp chạy cọc cạch đi từ tỉnh này sang tỉnh khác. Đi tới đâu không có tiền thuê nhà trọ ở thì xin ngủ nhờ nhà dân, cứ thế mà làm hơn 5 năm trời”. Cũng trong thời gian này, thấy người dân chơi cây cảnh anh để ý xem. “Tôi đi tới đâu thấy người ta trồng cây cảnh là khoái cứ nhìn mãi đến lúc họ đuổi đi mới thôi rồi mê cây cảnh lúc nào không hay”, anh Tâm nhớ lại.

Năm 2002 anh về quê tham gia công tác ở địa phương, được bầu làm Phó Bí thư chi Đoàn ấp và bắt đầu sự nghiệp hoa cây cảnh của mình. Anh cho biết, nhờ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phụng Hiệp cho vay 4 triệu đồng để mua cây giống trồng trên diện tích 1.000 m2 đất thuê của người bà con. Anh Tâm nghĩ, nếu đất làm lúa thì chưa chắc có lãi nhiều mà lại tốn công nên quyết tâm trồng 1.000 cây mai vàng vào đó với hy vọng sau 3 năm có lãi khoảng 10 triệu đồng sẽ ngon hơn làm lúa mà quan trọng là thỏa niềm đam mê của mình.

Từ đó, anh Tâm bắt tay vào thực hiện nhưng trong thời gian đầu gặp không ít khó khăn như chưa có kinh nghiệm chăm sóc, ít vốn, mua cây về trồng chết, cắt hư cây… Sau đó, nhờ bà con giới thiệu anh sang Vĩnh Long, Bến Tre nơi có truyền thống trồng cây cảnh nổi tiếng ở ĐBSCL để tìm thầy học nghề. Sau 3 năm, thương lái đến mua 1 mai vàng giá 150.000 đồng/cây. Lúc đó anh chỉ bán 300 cây thu được số tiền 45 triệu đồng để lấy vốn đầu tư. Số còn lại anh tiếp tục nuôi dưỡng và nhân rộng ra để bán.

Giúp nhiều thanh niên có việc làm

Năm 2012, anh Tâm mở rộng quy mô bằng cách thuê gần 500m2 đất ở gần chợ Kinh Cùng, có điều kiện thuận lợi để kinh doanh. Từ đó, trang trại hoa cảnh của anh ngày càng được nhiều người biết đến. Tháng 7/2014 anh đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) giống nông nghiệp hoa cảnh Hoàng Tâm Dư với 7 thành viên, vốn điều lệ 300 triệu đồng, trong đó anh chiếm trên 50% cổ phần, giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX.

Từ mô hình trang trại gia đình chuyển sang HTX, anh Tâm bộc bạch: “Làm một mình nhỏ lẻ khó tìm đầu ra và tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất nên cùng với anh em thành lập HTX để áp dụng hình thức làm ăn mới, tăng sức
cạnh tranh”.

Năm 2014, anh bán gần 20.000 chậu hoa cảnh các loại với doanh thu trên 600 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng. Theo anh Tâm, hiện tại ở HTX có trên 60.000 chậu cảnh với hơn 20 loại trị giá trên 5 tỷ đồng. Ngoài việc bán hoa cảnh anh còn nhận thiết kế công trình hoa cảnh ở các cơ quan, doanh nghiệp. Hiện nay anh đang thuê thêm 3 ha đất ở cùng huyện trồng cam sành và chanh không hạt sắp cho thu hoạch và đang tiếp tục tìm đất để thuê trồng thêm cây ăn trái.

Sắp tới, anh Tâm dự định sẽ đầu tư trên 300 triệu đồng để mở rộng thêm 1 vườn ươm cây giống diện tích 500 m2 và mở cơ sở sản xuất chậu hoa cảnh để phục vụ nhu cầu của HTX và cung cấp cho người dân ở trong và ngoài tỉnh.

Theo anh Tâm, trong năm 2014, HTX đã tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 10 lao động với thu nhập gần 4 triệu đồng/tháng, đặc biệt trong 3 tháng dịp Tết đã giúp cho hàng chục thanh niên ở địa phương với hơn 1.000 ngày công lao động, tổng số tiền trên 150 triệu đồng bằng việc đan bội, làm chậu hoa, chăm sóc cây cảnh…

Anh Nguyễn Thanh Thi, Bí thư Đoàn thị trấn Kinh Cùng cho biết, mô hình của anh Tâm đem lại hiệu quả rõ rệt vì đã giúp nhiều đoàn viên thanh niên ở địa phương có việc làm.

“Chúng tôi chỉ đạo chi đoàn ấp là khi HTX có nhu cầu việc làm là sẵn sàng đáp ứng ngay. Ngoài ra, Đoàn thị trấn cùng với HTX của anh Tâm đang triển khai hỗ trợ nhau về lao động và việc làm. Cụ thể, trong thời gian tới anh Tâm mở rộng sản xuất sẽ nhận thêm nhiều thanh niên để dạy nghề hoa cảnh, sản xuất chậu. Chúng tôi giới thiệu thanh niên đến tham gia với mong muốn giúp thanh niên có nghề và việc làm ổn định để thoát nghèo bền vững”, anh Thi cho biết.

Anh Trần Minh Lâm, Trưởng Ban Thanh niên nông thôn- Công nhân đô thị Tỉnh Đoàn Hậu Giang cũng cho biết, mô hình của anh Tâm đã mang lại hiệu quả, đặc biệt là vấn đề giải quyết việc làm cho thanh niên địa phương.


Năm 2014, anh bán gần 20.000 chậu hoa cảnh các loại với doanh thu trên 600 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng. Theo anh Tâm, hiện tại ở HTX có trên 60.000 chậu hoa cảnh với hơn 20 loại trị giá trên 5 tỷ đồng.

Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

Nữ tỷ phú đông trùng hạ thảo

Sau 9 năm nghiên cứu, chị Nguyễn Thị Hồng (SN 1980, Thanh Oai, Hà Nội) là người đầu tiên tại Việt Nam chinh phục thành công đông trùng hạ thảo loại cordyceps militaris.

Chị Nguyễn Thị Hồng, người bỏ ra gần 10 năm nghiên cứu và trở thành người đầu tiên tại Việt Nam nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo cordyceps militaris


Hiện, chị có 2 cơ sở sản xuất, một trụ sở chính tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) và một cơ sở tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng). Mỗi năm, chị thu 12 tỷ đồng từ sản xuất đông trùng hạ thảo, đồng thời cung cấp nguồn thuốc quý cho những người mắc bệnh hiểm nghèo.

Kỳ công chinh phục

Năm 2003, chị Hồng tốt nghiệp Khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội. Lúc này, chị đi làm công cho một người chuyên nghiên cứu về các loại nấm. Từ đây, chị bắt đầu đọc những tài liệu về nấm linh chi. “Một lần tôi vô tình tìm được một bài báo bằng tiếng Anh, liên quan đến đông trùng hạ thảo, loại cordyceps militaris. Tôi cảm thấy đề tài này quá hay. Khi đó ở Việt Nam chưa ai làm thành công nên đã nảy ra ý tưởng nghiên cứu về đông trùng hạ thảo”, chị Hồng tâm sự.


“Theo nghiên cứu và thẩm định, lượng cordyceps militaris (chất quan trọng nhất của đông trùng hạ thảo) trong đông trùng hạ thảo của chị Hồng chiếm 70% so với lượng cordyceps militaris nguồn Tây Tạng. Nhưng lại cao hơn rất nhiều so với loại của nước khác, như: tỷ lệ lượng cordyceps militaris trong đông trùng hạ thảo của Trung Quốc nói chung là 1,8 và Thái Lan là 2,1 thì sản phẩm của chị Hồng là 6,7”.

GS.TS Phạm Văn Ky, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Dược Hà Nội


Sau 6 năm nghiên cứu tài liệu, đến 2009 chị Hồng bắt đầu nuôi, cấy. Sau nhiều lần nhờ bạn bè mua giống từ Hàn Quốc, Nhật Bản không được, đầu năm 2009, chị tự sang Tây Tạng (Trung Quốc) mua một lọ giống trị giá 5 triệu đồng. Từ lọ giống này, chị nghiên cứu, tạo ra hợp chất có cấu tạo giống hệt loài nhộng tằm mà đông trùng hạ thảo thường ký sinh ngoài tự nhiên.

Chị Hồng kể, để có không gian nuôi cấy đông trùng hạ thảo, chị phải bán mảnh đất mặt đường để vào trong làng mở xưởng. “Mọi người bảo tôi là đầu óc có vấn đề. Người ta muốn ra mặt đường ở, còn mình lại chui vào trong làng”, chị Hồng nói. sau 3 năm nghiên cứu nguồn giống, năm 2012, chị Hồng bắt đầu nuôi cấy với quy môn lớn nhưng liên tiếp gặp phải rủi ro. Khi đông trùng hạ thảo mọc ra được 1cm thì bị một loại côn trùng khác ký sinh trong lọ cắn chết chỉ sau một, hai đêm. 5.000 lọ đông trùng hạ thảo mất trắng, thiệt hại hơn 300 triệu đồng. Cuối 2012, chị tiếp tục nuôi hơn một vạn lọ, nhưng vẫn thất bại, thiệt hại hơn 600 triệu đồng.

Chị Hồng nhớ lại: “Hơn một vạn lọ đông trùng hạ thảo bị hỏng và cả căn phòng bốc mùi khủng khiếp không ai muốn vào dọn. Lúc ấy tôi phải dùng tới 7 khẩu trang, quần áo bảo hộ cẩn thận để vào dọn dẹp”.

Không buông xuôi, chị Hồng không nuôi cấy nữa mà tập trung nghiên cứu nguyên nhân. “Tôi bắt đầu nghiên cứu từ nguồn giống, kiểm tra nguyên liệu (nguồn gạo, nước). Khi đó, anh Tuấn Anh (đồng nghiệp cùng nghiên cứu - PV) phải sang Trung Quốc, Hàn Quốc để nhờ các chuyên gia phân tích nguyên nhân. Mỗi lần đi như vậy mất khá nhiều tiền”, chị Hồng cho biết.

Không nản chí, chị Hồng tiếp tục vay vốn ngân hàng để đầu tư nghiên cứu và đi học lớp bồi dưỡng kiến thức. “Năm 2013, tôi tính bài toán mở rộng, tiếp tục làm thử 20 lọ thì chẳng sao nhưng khi làm càng nhiều lại càng hỏng”, chị nói.

Sau nghiên cứu, chị phát hiện giống đông trùng hạ thảo mua từ Tây Tạng đã bị thoái hóa. Từ nguồn giống 5 triệu, chị đánh liều chuyển sang nguồn giống 50 triệu. Cùng với việc tạo ra một môi trường nhân tạo: Ánh sáng phải điều chỉnh từ đèn điện, dùng máy phun nước để tạo độ ẩm, dùng điều hòa để điều chỉnh nhiệt độ. Ngay sau đó, mẻ đông trùng hạ thảo đầu tiên đã thành công. “Niềm vui vỡ òa như đón một đứa con đầu lòng ra đời”, chị Hồng chia sẻ.

Dù nuôi cấy thành công, nhưng không một ai tin sản phẩm của chị là đông trùng hạ thảo thật. Chị Hồng phải mang sản phẩm cho một số đối tượng uống hoàn toàn miễn phí trong 2 năm.

Trở thành tỷ phú

Sau mỗi mẻ thu hoạch, chị Hồng đều phải mang sản phẩm đến Viện Thực phẩm chức năng để thẩm định chất lượng. Hiện tại, mỗi tháng cơ sở của chị xuất xưởng đông trùng hạ thảo 1 tấn loại tươi, 2 tạ dạng khô và 1,5 tấn dạng bột sinh khối. Sản phẩm còn được gửi sang các nước Nhật Bản, Singapore, Đức.

Từ năm 2014, cơ sở của chị bắt đầu bán giống đông trùng hạ thảo cho những người có ý định nuôi cấy. Hiện, chị đã bảo tồn, lưu giữ được nguồn gene giống gốc đông trùng hạ thảo cordyceps militaris như: chủng cordyceps sinensis; chủng cordyceps militaris loại Thái Lan, Nhật Bản và Việt Nam.

Đến nay, dự án đang được chuyển giao mở rộng việc nhân nuôi sản phẩm này trên một số tỉnh thành như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đà Lạt, Mộc Châu (Sơn La). Riêng Đà Lạt, chị Hồng chọn là nơi sản xuất đại trà quy mô công nghiệp.

“Đông trùng hạ thảo là một loại nấm dược liệu quý hiếm nhất, có hơn 600 loài khác nhau, trong đó có hai loài chứa các hoạt chất sinh học quý là cordyceps sinensis và cordyceps militaris. Nếu như đông trùng hạ thảo hàng chính hãng 100% của Tây Tạng bán với giá 1,8 tỷ đồng/kg thì đông trùng hạ thảo loại cordyceps militaris của chị Hồng bán với giá bằng 1/10, tức là 180 triệu đồng/kg”, anh Phạm Tuấn Anh, người đồng hành cùng chị Hồng cho biết.

Được biết, do nhu cầu cao nên loài này bị khai thác gần như cạn kiệt. Nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới nỗ lực tìm cách nuôi nhân tạo loại này nhưng đến nay chưa có công bố nào nhân nuôi thành công.

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

Thu lãi 1 tỷ mỗi năm từ trồng cam sành

Từ miền Tây khăn gói lên mảnh đất Lâm Đồng lập nghiệp, nhờ chịu thương, chịu khó tìm tòi và biết áp dụng kỹ thuật trồng cam. Đến nay, anh Lê Hoàng Minh (35 tuổi, ở xã Đại Lào, TP Bảo Lộc) đã có một vườn cam sành thu lãi khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm.


Đến thôn 7, xã Đại Lào (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) không khó để tìm đến nhà anh Minh- “Triệu phú cam sành” là cái tên thân thương người dân địa phương thường gọi anh. Bởi anh chính là người đầu tiên chinh phục giống cam miền Tây trên đất Đại Lào và đã thành công với nó.

Ghé vườn cây trái của gia đình anh Minh, chúng tôi không khỏi bất ngờ với vườn cam sành rộng 1,5 ha xanh tốt, trĩu quả. Vừa hái những trái cam anh Minh vừa vui vẻ chia sẻ, đây là năm thứ 2 vườn cam nhà anh cho thu hoạch. Vườn cam này, mỗi năm cho thu 2 vụ.

“Năm nay, ước tính cả 2 vụ thu được khoảng trên 60 tấn quả. Bình quân, cam được bán với giá từ 20 - 25 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, tính sơ sơ gia đình tôi thu về được khoảng 1 tỷ đồng”, anh Minh cho biết thêm.

Theo anh Minh, cam sành trồng được trên rất nhiều loại đất, kể cả đất pha cát. Điều quan trọng là phải chủ động được nguồn nước để tưới cho cam. Tất cả các yếu tố từ thổ nhưỡng, khí hậu và nguồn nước ở vùng đất này đều rất thuận lợi để cây cam phát triển.

Là người miền Tây, nên từ nhỏ anh đã được làm quen với nghề trồng cam sành, vốn đã nổi tiếng của vùng đất Cái Bè. Từ cách chọn giống, đến kỹ thuật trồng và chăm sóc cam, anh đều nắm rất kỹ lưỡng.

Nhờ nắm bắt kỹ thuật tốt nên vườn cam nhà anh Minh luôn đạt năng suất cao

Được biết, năm 2009, sau khi lập gia đình, anh “khăn gói” về quê vợ ở xã Đại Lào (TP Bảo Lộc) lập nghiệp. Sau khi vay mượn hai bên gia đình, vợ chồng anh mua được 1,5 ha đất sản xuất và anh chọn cây cam để trồng. Từ đó, anh bắt tay vào làm đất, lên luống rồi quay trở lại miền Tây mua giống cam.

Hiện nay, vườn cam của anh có khoảng 4.000 gốc. Trong đó, 1 ha (với 2.700 gốc) đã cho thu hoạch, 5 sào còn lại bắt đầu cho quả bói.

Chia sẻ về kỹ thuật trồng cam anh Minh cho biết: “Trồng cam sành không khó, nhưng để thành công đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật, từ cách chọn giống đến các khâu chăm sóc, bón phân, xịt thuốc… làm sao để cam cho trái đều, quả không bị sâu bệnh”.

“Để phòng bệnh cho cam có hiệu quả, ngoài việc xịt các loại thuốc bảo vệ thực vật chuyên dụng cho cam theo định kỳ, thì cần tưới nước thường xuyên để rửa các loại nấm bệnh, côn trùng bám đậu trên lá. Đặc biệt, từ khi cây ra hoa kết trái đến khi thu hoạch cần phải bón đủ phân và đảm bảo nguồn nước tưới thường xuyên 2 lần/ngày cho cam. Ngoài ra, trước khi trồng cam cần phải lên luống sẵn, sau đó mới đào hố để trồng. Thông thường, trồng hàng cách hàng 2 mét và cây cách cây 1,5 mét”, anh Minh nói thêm.

Từ hiệu quả mang lại của vườn cam này, một số hộ dân trong xã Đại Lào đã chủ động tìm đến học hỏi kinh nghiệm về để nhân rộng mô hình. Vì vậy, cùng với việc ngày ngày chăm sóc vườn cam, anh Minh còn sản xuất cây giống để cung cấp cho những người có nhu cầu tại địa phương.

Chỉ tính riêng năm 2014, anh đã xuất bán được hơn 10.000 cây giống cam, với giá từ 12 - 14 ngàn đồng/cây. Ngoài ra, anh còn tận tình tư vấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cam cho người dân quanh vùng khi muốn phát triển loài cây này.

Bà Đoàn Thị Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Lào (TP Bảo Lộc), cho biết : Mô hình trồng cam của anh Minh là mô hình phát triển kinh tế “điểm” và có hiệu quả cao của xã.

“Anh Minh đã giúp đỡ rất nhiều hộ trong xã cùng phát triển cây cam. Với sự hỗ trợ này, đến nay, toàn xã Đại Lào đã có 6 hộ đầu tư trồng cam, với diện tích từ 3 - 5 sào/1 hộ. Từ hiệu quả thực tế này, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có phương án để vận động bà con nông dân kết hợp trồng thêm cam sành để tăng thu nhập ”, bà Thuận chia sẻ thêm.

Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

Kiếm tiền tỷ mỗi năm từ trồng rau mùi Pháp

Nhận thấy mô hình trồng rau mùi tây , theo hướng nông nghiệp sạch đem lại hiệu quả kinh tế cao, bà Phạm Thị Cúc (64 tuổi, Lạc Dương, Lâm Đồng) đã mạnh dạn đầu tư. Đến nay, mỗi năm vườn mùi mang lại cho bà Cúc thu nhập hơn 1 tỷ đồng.

“Bà chúa rau thơm”

Không khó để tìm đến nhà vườn của bà Cúc, dù nó nằm sâu trong vùng rừng núi ở tiểu khu 227A, thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). “Đại gia rau mùi” hay “bà chúa rau thơm”... là những danh xưng thân thiện mà người dân nơi đây “đặt” cho bà Cúc với sự thành công trong nông nghiệp sạch.

Được biết, sau khi nghỉ nghề giáo, bà Cúc cùng gia đình đầu tư vào kinh doanh bất động sản và bị thua lỗ. Nhằm mưu sinh, năm 2001 gia đình bà thuê đất ở TP. Đà Lạt để trồng rau và kinh doanh du lịch.

Bà Cúc bên vườn mùi tây nhà mình

Mới bước chân vào nghề trồng rau, bà thấy công việc này khá bấp bênh nhưng hàng ngày việc chăm sóc những luống rau xanh tươi khiến bà thấy thích thú. Cũng chính sự “mê vườn” đã giúp bà gắn bó với công việc trồng rau sâu đậm hơn. Sau vài năm làm vườn bà cũng tích cóp được một số tiền và mua miếng đất ở Đạ Nghịt để trồng rau và trồng hoa.

“Mới bắt đầu làm vườn thì tôi trồng tùm lum các loại rau, cứ người ta bày cái gì thì làm cái đó, quy mô lúc đấy nhỏ mà chỉ trồng theo phương pháp thường”, bà Cúc chia sẻ. Nhận thấy thị trường rau Đà Lạt thiếu một gia vị mà du khách nước ngoài hay quan tâm tới, sau khi thảm khảo sách báo bà Cúc “nảy” ra ý tưởng trồng rau mùi giống Pháp.

Tuy nhiên, điều khó khăn nhất lúc này là rau mùi tây chỉ hướng tới người dùng nước ngoài. Tức là chiếm lượng tiêu thụ rất ít, trong khi chi phí đầu tư sản xuất và hạt giống nhập khẩu giá cao, khả năng thua lỗ là rất lớn nhưng bà vẫn quyết định thực hiện.

Khó khăn lớn nhất mà bà Cúc không thể ngờ tới đó là, mua hạt giống rau mùi tây không dễ dàng. Chật vật tìm hiểu một thời gian bà cũng mua được một số lượng nhỏ hạt giống như: chervil (ngò rí tây), basil (quế tây), chocolate mint (bạc hà tây tím), thyme (xạ hương ), rosemary (hương thảo), parsley (ngò tây), dill (thì là tây)...

Ngay khi có hạt giống, bà Cúc bắt tay vào trồng thử nghiệm ngay. Nhưng những loại rau “Tây” này còn khá lạ lẫm với người Việt, qua tìm hiểu thì không ai biết trồng loại rau này ra sao. Cuối cùng, bà Cúc đành tự mò mẫm gieo trồng, chăm sóc y như trồng các loại rau công nghệ cao ở Đà Lạt, vừa làm vừa theo dõi để điều chỉnh kỹ thuật canh tác.

Sau gần hai tháng, vườn rau mùi Tây trong nhà kính với gần 20 loại đã đâm chồi, phủ xanh mặt đất và cũng đến độ cho thu hoạch. Trước khi bắt tay vào trồng mùi Tây, bà Cúc cũng đã tiếp cận được một siêu thị lớn trong nước đứng ra nhận bao tiêu sản phẩm cho gia đình bà.

Tuy nhiên, số lượng tiêu thụ rất nhỏ mỗi ngày chỉ bán được 2-3kg, phần còn lại đều phải đổ bỏ. Cứ như vậy hơn nhiều tháng liền, sản phẩm làm ra không bán được dẫn đến thua lỗ nhưng bà Cúc vẫn kiên trì sản xuất và đưa ra thị trường để người tiêu dùng làm quen dần, hy vọng sẽ tìm được “chỗ đứng” trong tương lai.

Mãi đến năm 2006, rau mùi bà Cúc dần chiếm lĩnh được thị trường và được mọi người ưa chuộng hơn. Lúc này, khi đã đảm bảo được đầu ra, bà bắt đầu đầu tư mạnh hơn vào trồng rau theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.

Nhật ký làm vườn

“Mỗi ngày khi làm vườn tôi đều ghi nhật ký, nhờ ghi chép đầy đủ và theo dõi cây sinh trưởng hàng ngày nên tôi mới dễ dàng rút ra kinh nghiệm để điều chỉnh cách chăm sóc cây. Chính điều đó giúp tôi thành công với loại rau Tây này”, bà Cúc chia sẻ.

Từ cuốn nhật ký hàng ngày, bà Cúc đã nghiệm ra được rất nhiều bài học từ việc tưới nước, bón phân, xử lý sâu bệnh như thế nào và tính được thời gian sinh trưởng, phát triển của cây ra sao.

Cũng theo bà Cúc, cây được trồng trên luống trong nhà kính và tưới bằng hệ thống nhỏ giọt cũng quan trọng một phần, nhưng quan trọng nhất đối với cây rau mùi là phải xử lý đất thật tốt trước khi trồng bằng phân hữu cơ và thường xuyên làm tơi xốp đất, thoáng khí, giữ vườn sạch sẽ, rau mới phát triển tốt và có mùi thơm nhiều hơn.

“Nếu phát hiện có dấu hiệu sâu bệnh, côn trùng gây hại thì cần dùng các loại dầu từ thực vật như dầu tỏi, dầu cam... để xua đuổi và đảm bảo được cây luôn sạch, an toàn cho người tiêu dùng”, bà Cúc nói.

Nhờ làm ăn uy tín, có đối tác đảm bảo đầu ra và cung cấp thêm cho các nhà hàng lớn trong nước, bà Cúc mở rộng dần diện tích lên 5.000 m2 trồng 20 loại rau mùi có nguồn gốc từ Pháp trong nhà kính, theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.

Hiện mỗi ngày vườn nhà bà Cúc cung cấp ra thị trường từ 30 - 40 kg rau mùi các loại, có ngày nhiều thì lên đến 50 kg, với giá từ 70.000 - 250.000 đồng/kg, tổng thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động là người dân tộc tại chỗ.

Thứ Năm, 6 tháng 8, 2015

Nông dân trồng dâu làm du lịch vườn thu tiền tỷ

Ngoài nguồn thu nhập hơn 1 tỷ đồng từ vườn dâu rộng 5ha, ông Lê Minh Tâm ở khu vực 7, phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bãy (Hậu Giang) tận dụng vườn dâu thực hiện mô hình “Du lịch sinh thái”, nhờ đó giúp ông có thêm nguồn thu trên 200 triệu đồng/năm.


Cách nay khoảng 20 năm, vườn của ông Tâm cũng như bao khu vườn khác trên địa bàn, bởi chỉ trồng toàn các loại cây tạp, thu nhập mỗi năm chỉ vỏn vẹn vài chục triệu đồng.

Là một người có chí hướng nên ông Tâm quyết định đi đầu trong việc chuyển đổi giống cây trồng ở địa phương bằng viêc trồng 2 giống dâu là bòn bon và Gia Bảo trên diện tích 0,8ha đất. Sau 4 năm chăm sóc, vườn dâu của gia đình ông đã cho thu hoạch lứa trái đầu tiên.

Nhận thấy lợi nhuận từ trái dâu mang lại cao gấp 3 - 4 lần so với các cây tạp trong vườn nên ông Tâm bàn bạc với các anh, em trong gia đình tự nhân giống dâu để mở rộng diện tích, vừa giảm chi phí, tạo ra nguồn cây giống sạch bệnh cũng như tìm thêm nguồn giống dâu xiêm và dâu Hạ Châu. Đến nay, diện tích trồng dâu trong gia đình đã tăng lên đến 5ha.

Mỗi năm vườn dâu đã mang lại cho anh Tâm thu nhập cả tỷ đồng

Đứng trước vườn dâu rộng bạt ngàn, ông Tâm nói: “Do trước đây chưa có nguồn cây giống nên diện tích được mở rộng mỗi năm từ 0,5 – 1 ha. Ngoài việc trồng dâu bòn bon, Gia Bảo vườn còn trồng thêm dâu xiêm, Hạ Châu. Đến nay, vườn dâu của tôi cây thấp nhất cũng được 5 năm tuổi, lớn nhất lên đến 17 năm”.

Nhờ vào sự nổ lực của bản thân cũng như việc tìm tòi học hỏi kinh nghiệm mà vườn dâu ông Tâm chưa bao giờ bị cảnh thất mùa hay mất giá. Nói về việc này, ông Tâm chia sẻ: “ Ngoài việc tìm nguồn giống sạch, còn phải biết ghi chép và chọn đúng thời điểm để xử lí ra hoa, thụ phấn như vậy mới đạt được hiệu quả cao”.

Vườn dâu được đầu tư đúng kỹ thuật nên ngoài cho trái sum suê còn tạo nên sự bắt mắt bởi màu sắc sặc sỡ, bóng đẹp. Vì vậy, năm 2013, ông Tâm quyết định bỏ ra gần 300 trăm triệu đồng để xây dựng con đường đi bộ bằng bê tông cùng căn tin để phục vụ cho việc tham quan, ăn uống ngay trong khu vườn để làm du lịch vườn.

Ông Tâm, bộc bạch: “Mới đầu, một số khách du lịch hỏi vào tham quan vườn dâu nên tôi đồng ý. Lúc đầu chỉ vài ba đoàn khách và chỉ trong thời gian ngắn đã tăng lên gấp nhiều lần. Thấy vậy, đầu năm tôi quyết định đầu tư con đường bê tông và căng tin để mở ra điểm tham quan”.

Ngoài ra, ông Tâm còn tận dụng con kênh thủy lợi để làm đường giao thông đưa đón du khách vào tham quan vườn dâu rộng hút ngàn bằng thuyền và tới đây vườn dâu sẽ đầu tư thêm một bãi đậu xe, mở thêm một cổng vào trên đường 3/2. Như vậy, vườn dâu có 2 lối vào sẽ thuận tiện cho việc tham quan, vận chuyển hàng hóa.


Với diện tích 5 ha cho sản lượng thu hoạch trên 150 tấn trái, nếu bán với giá 12.000 - 15.000 đồng/kg mang lại nguồn lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng cho gia đình anh Tâm

Vườn dâu rộng 5 ha, ông Tâm chia ra làm 4 khu vực để tiến hành xử lý ra trái cách nhau từ 1 – 2 tuần. Việc này, theo ông Tâm là để vừa kéo dài việc tham quan vườn dâu của du khách, đồng thời dâu không bị ùn ứ, bán được giá cao.

Mùa du lịch dâu cao sản của gia đình ông Tâm bắt đầu từ tháng 3 – 8 (âm lịch). Mặc dù, chỉ mới mở ra điểm tham quan mà có trên 10.000 lượt khách từ các tỉnh đổ về nườm nượp. Mỗi vé vào cổng có giá từ 15.000 – 25.000 đồng/người/lượt (tùy lớn nhỏ).

Với diện tích 5 ha cho sản lượng thu hoạch trên 150 tấn trái, lúc ít biến động được bán với giá từ khoảng 12.000 - 15.000 đồng/kg, thấp nhất cũng trên dưới 10.000 đồng/kg, đem lại nguồn lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng.

Ông Tâm, bộc bạch: “Trồng dâu với diện tích lớn thì chẳng thương lái nào ép giá được và cũng tiện cho việc phát triển du lịch vườn. Mỗi năm tới mùa dâu khách du lịch đến tham quan, thấy họ mừng mình cũng vui”.

Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

Trồng nha đam trong thùng xốp lãi nửa triệu đồng/ngày

Từ những thùng xốp cũ các hộ dân ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đã tận dụng để trồng nha đam quanh nhà. Nhờ vậy, sau gần 1 năm trồng nha nhiều hộ đã bắt đầu thu hoạch, trong đó có hộ kiếm nửa triệu đồng/ngày.


Từ vài bụi nha đam làm kiểng trước nhà, nhưng chị Trần Thị Mộng Tuyền ở ấp Phú Khởi, xã Thạnh Hòa đã nhân giống lên với số lượng hàng chục thùng, vì chị nhận thấy được hiệu quả kinh tế từ loài cây này.

Đang thu hoạch những bẹ nha đam xanh mướt giao cho thương lái, chị Tuyền cho biết: “Thu gom những thùng xốp đã qua sử dụng nhiều lần, sau đó mang đi đục lỗ phía dưới, cho đất nhuyễn, phân hữu cơ, bã dừa vào trong, rồi trồng 2 – 3 cây con vào. Sau khoảng hơn 10 tháng chăm sóc nha đam sẽ cho thu hoạch”.


Tận dụng các thùng xốp cũ, người dân ở xã Thạnh Hòa trồng nha đam quanh nhà cho thu nhập ổn định

Lý giải về việc trồng nha đam trong thùng xốp thay vì trồng trực tiếp xuống đất chị Tuyền nói: “Trồng nha đam trong thùng xốp sẽ nhẹ được công tưới nước và làm cỏ, chất lượng cao hơn so với trồng ngoài đất, đặc biệt trồng trong thùng sẽ không bị xảy ra tình trạng ngập úng, ít sâu bệnh nên lượng phân, thuốc giảm đáng kể, đặc biệt là tận dụng được diện tích quanh nhà, giá bán cao hơn từ 3.000 – 4.000 đồng, vì chất lượng thịt nha đam ngon”.

Được biết, hiện tại 30 thùng nha đam được chị Tuyền được thu hoạch mỗi ngày giao cho thương lái với giá từ 10.000 – 15.000 đồng/kg. Mỗi bụi cắt được từ 2 - 3 bẹ với trọng lượng từ 2kg, như vậy chị Tuyền có nguồn thu nhập từ khoảng hơn 150.000 – 200.000 đồng/lần thu hoạch. Thấy việc trồng nha đam nhẹ nhàng nhưng thu nhập cao nên chị Tuyền đang thu mua các thùng xốp cũ để chuẩn bị nâng cao số lượng thùng lên với số lượng hàng trăm.

Cách nhà chị Tuyền không xa là gia đình của ông Trịnh Văn Mỹ và bà Trần Thị Phương, nhận thấy được sự hút hàng từ nước uống nha đam nên vợ chồng ông Mỹ đã đầu tư mua hẳn máy xay và máy đóng nắp để tự chế biến nước uống nha đam.

Ông Mỹ cho biết: “Hơn một năm trước nhận thấy được nhu cầu từ nước uống nha đam, nên tôi quyết cất công tìm đến hội chợ ở TP. Hồ Chí Minh để mua cây giống về trồng. Sau gần 1 năm trồng và nhân rộng thì số lượng thùng nha đam đặt trên diện tích 500m2, cho thu nhập khoảng 600.000 đồng/ngày”.

Với diện tích thùng đặt trên 500m2 đất ông Mỹ có nguồn lợi nhuận 500.000 đồng/ngày

Để cung ứng cho thị trường, sau khi nha đam được thu hoạch thì vợ chồng ông Mỹ tiến hành rửa, làm sạch vỏ, xay ra, sau đó nấu cùng với đường phèn và nước sạch, để nguội cho vào lon rồi đóng nắp, rồi đi giao hàng cho các căng tin trên địa bàn.

Nói về kinh tế từ nha đam mang lại, bà Phương (vợ ông Mỹ) chia sẻ: “Mỗi ngày, sau khi bán quần áo ở chợ xong, vợ chồng lại nấu nước và đóng nắp trên 200 lon nước nha đam, sau đó mang đi bỏ sỉ với giá 3.000 đồng/lon, sau khi trừ đi chi phí tiền đường, lon… khoảng 100.000 đồng thì lợi nhuận còn lại là 500.000 đồng/ngày”.

Ông Mỹ cho biết thêm, tới đây ông sẽ tăng thêm diện tích gieo trồng cũng như mở rộng quy mô sản xuất sẽ lớn hơn để đủ cung ứng cho thị trường và mong muốn sẽ trở thành những hộ nông dân đầu tiên của địa phương thành công với mô hình trồng nha đam trong thùng xốp. Vì ông cho rằng, đây là giống cây dễ trồng, ít công chăm sóc, trồng một lần là thu hoạch lâu dài không cần phải ươm lại cây giống.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng nha đam ngày càng tăng, ngoài việc làm thức uống, nha đam còn được dùng trong việc chăm sóc sắc đẹp và là một dược liệu quý trong điều trị rất nhiều bệnh như: Gan, bệnh ngoài da, mỏi mắt…Rõ ràng, cây nha đam là một hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp giảm nghèo nên được nhiều nông dân ở Hậu Giang nhân rộng.

Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

Người phụ nữ nghèo thành chủ trang trại nấm linh chi bạc tỷ

Từng phải sống nhờ vào tiền hỗ trợ hộ nghèo, bà Thiện đã quyết tâm vươn lên bằng nghề trồng nấm và trở thành bà chủ hợp tác xã (HTX) có doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng mỗi năm.


Trên chuyến xe điền dã ngoại thành Hà Nội, nhiều người kể câu chuyện làm giàu của bà Đào Thị Thiện (55 tuổi) ở Quảng Hội (Quang Tiến, Sóc Sơn, Hà Nội). Bằng ý chí vươn lên, cần cù, chịu khó, người phụ nữ "nghèo rớt mồng tơi" ngày nào giờ thành giám đốc một hợp tác xã (HTX) trồng nấm.

Đón đoàn từ đầu đường thôn Quảng Hội là ông Nguyễn Xuân Thìn, Phó giám đốc HTX. Ông cho biết, bà giám đốc trang trại đang hướng dẫn cho một số lao động mới tới học nghề.

Sau khi men theo dọc chân núi Sóc Sơn, băng qua một con đập lớn giữa cánh đồng, xe dừng lại ở dưới chân dải đồi trồng keo. Các thành viên không khỏi choáng ngợp bởi trang trại trồng nấm linh chi trải rộng giữa cánh đồng. 

Bà Thiện đang hướng dẫn cho những bạn trẻ tới tham quan học nghề. Ảnh: Ngọc Lan.


Chủ trang trại tất tưởi chạy ra đón đoàn từ đầu ngõ. Sau khi dẫn khách vào nhà, bà rót nước linh chi mời khách. “Mọi ngưởi ở đây quanh năm uống loại nước này. Cây nhà lá vườn hơi đắng nhưng tốt lắm!”, bà hào hứng nói.

Bà Thiện cho biết, quyết định "làm liều" để thoát nghèo được nảy ra sau một lần tình cờ bà xem chương trình trồng nấm cho thu nhập cao trên tivi. Cùng với 2 triệu đồng gom góp được, bà làm đơn xin vay ngân hàng thêm 8 triệu đồng từ Quỹ Tình thương phụ nữ nghèo huyện Sóc Sơn.

Với số tiền ít ỏi, người phụ nữ nghèo chia nhỏ làm các khoản để mua nguyên liệu và chi phí đi lại. Trước khi về mở lán trồng nấm, bà sang các xã lân cận học và tham khảo mô hình. Sau 1 tháng triển khai, lứa nấm đầu tiên đã cho thu hoạch. Có hiệu quả, bà tiếp tục mở rộng quy mô trồng nấm lên 200 m2, sau đó tìm xuống Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền Nông nghiệp Hà Nội) để học hỏi kỹ thuật và mua sách về tự học.

“Khi ấy, vốn ít, tôi phải trồng nấm trong cái lán nhỏ, mái che bằng bạt và bao xi măng. Những khi mưa gió khốn đốn vô cùng. Sản xuất nhỏ lẻ nên mỗi lần thu hoạch xong, tôi lại lọc cọc xe đạp chở nấm sang xã khác gửi người ta bán hộ. Cứ lần này gửi thì lấy tiền của lần trước”, bà giám đốc HTX nhớ lại.

Những bằng khen của bà Thiện được đặt ngay ngắn trong căn nhà mới xây. Ảnh: Ngọc Lan.


Sau 6 tháng trồng nấm, gia đình bà dư ra 40 triệu đồng. Bà Thiện tiếp tục dùng tiền lãi để mở rộng quy mô trang trại. Đến năm 2010, tổng diện tích trồng nấm lên tới 650 m2. Sản lượng đạt 350-400 kg một ngày, giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động.

Với sản lượng tăng lên mỗi ngày, người phụ nữ này trực tiếp liên hệ với các nơi để tìm đầu ra. Không ngờ, nhu cầu sử dụng nấm cao hơn so với bà mong đợi. Các đơn vị kinh doanh đều chấp nhận tiểu thụ sản phẩm. Song song đó, bà vận động bà con trong xã góp vốn và xin thành lập HTX nuôi trồng nấm, do bà làm Giám đốc. Ngoài giúp đỡ bao tiêu đầu ra, bà còn tình nguyện dạy nghề không công.

Gia đoạn 2014-2015, HTX gồm 25 thành viên ở 5 tỉnh thành. Quy mô lán trại là 11.400 m2, sản lượng nấm các loại đạt 75-77 tấn một năm, doanh thu 3,170 tỷ đồng. Trừ các chi phí, số tiền lãi thu được là 750-800 triệu đồng. Hiện tại, HTX tạo việc làm cho 66 lao động, trong đó một nửa làm thời vụ. Công nhân thu nhập đạt 1-4 triệu đồng. Sản phẩm từ 5 loại nấm (mỡ, rơm, sò, mộc nhĩ, linh chi) tiêu thụ cho 18 siêu thị và các cửa hàng trong cả nước.

Ông Nguyễn Văn Sáng (56 tuổi) là một trong những người đầu tiên tham gia HTX. Theo thành viên này, trước đây, 2 vợ chồng cấy vài sào ruộng, cả năm thu nhập 4-5 triệu đồng. Thế nhưng từ ngày làm nấm, cộng cả tiền công, mỗi tháng gia đình bỏ túi ngót 30 triệu đồng. Một nửa số tiền ông lại góp vốn để tái đầu tư.

Theo ông Sáng, trồng nấm dễ rủi ro. Vì thế, từ khâu làm nguyên liệu, chăm sóc đến khi thu hoạch, người làm phải thực hiện đúng kỹ thuật. "Vào những mùa hái nấm, chúng tôi phải thu hoạch thâu đêm suốt sáng cho kịp thời vụ. Vất vả nhưng có thu nhập nên ai ai cũng phấn khởi", ông Sáng chia sẻ.

Gần đây, HTX mở thêm lớp dạy nghề trồng nấm. Học phí mỗi khóa là 1 triệu đồng. Ông Nguyễn Xuân Thìn, Phó giám đốc cho biết, từ năm 2008 đến nay, HTX đã có 365 học viên tham gia. Trong đó, hầu hết các thành viên đã nuôi trồng thành công và cho thu nhập cao.

Trong gian nhà mới xây còn hơi mùi vữa, chủ trang trại nấm cho biết: “Trước đây tôi nhát lắm. Nhưng từ hồi trồng nấm, phải học nhiều, hỏi nhiều rồi đến khi thành công, năm nào tôi cũng được Nhà nước mời tham dự các hội thảo, trao bằng khen, thậm chí là phát biểu cảm nghĩ trên truyền hình”.

Cầm từng tấm bằng khen, bà chia sẻ đó là cả gia tài. “Cái này không bán được thành tiền nhưng có nhiều tiền cũng không mua được đâu!”, bà chủ trang trại tự tin chia sẻ.

Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Ông trùm sầu riêng lãi bạc tỷ mỗi năm

Từng khởi nghiệp với 400.000 đồng, gần chục năm trồng sầu riêng "bị điếc" nhưng nhờ kiên trì, quyết tâm theo nghề, nay ông Cường hiện thu lãi ròng hơn một tỷ đồng mỗi năm.

Vườn sầu riêng sum xuê trái của ông Nguyễn Thanh Cường nức tiếng ấp 9, xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai). Ông là người tiên phong đưa giống sầu riêng Thái về trồng. Từ thành công của ông Cường, nhiều hộ cũng hưởng ứng trồng theo, biến nơi đây thành “vương quốc sầu riêng” nổi tiếng không kém những vùng miệt vườn ở miền Tây.

Ông Cường chia sẻ, sau giải phóng, ông cùng gia đình từ Bình Dương di cư về Đồng Nai khai hoang lập nghiệp. Khi cưới vợ được bố mẹ cho 7 sào đất để trồng trọt mưu sinh. Lúc đầu chủ yếu trồng vườn tạp với đủ loại cây như cà phê, sầu riêng, tiêu…theo phương thức lấy ngắn nuôi dài chứ chưa nghĩ đến chuyện làm giàu. Có nhiều gốc sầu riêng đã trồng 10 năm chưa ra hoa đậu trái vì bị điếc nhưng vì yêu cây quý nghề, ông vẫn không nản lòng, quyết tâm theo đuổi.

Đến năm 1996, doanh nghiệp tại Đồng Nai nhập về giống sầu riêng Thái cho hiệu quả kinh tế cao. "Tôi quyết tâm đầu tư trồng giống này trên toàn bộ diện tích vườn”, ông Cường kể.

Ông Cường bên gốc sầu riêng trĩu quả tại Đồng Nai. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam


Thời gian đầu, dù quyết tâm cao nhưng bị kẹt vốn, ông cứ loay hoay tìm vay khắp nơi không được. Cuối cùng người nông dân đành bàn với vợ đem bán chiếc nhẫn kỷ niệm ngày cưới được 400.000 đồng để mua hết cây giống sầu riêng về trồng. Từ đó, ông mày mò học cách ghép để chiết nhánh cây sầu riêng Thái ghép vào gốc sầu riêng hạt đã có sẵn. Ông tìm đến các nông trường ghép cao su, cà phê để quan sát và học cách ghép cành rồi về tự mình áp dụng kỹ thuật ghép sầu riêng. Do nắm bắt kỹ thuật nhanh, ông ghép cây nào cũng sống và sinh trưởng tốt.

Ưu điểm của việc ghép cây sầu riêng là giảm được chi phí đầu tư, rút ngắn thời gian ra trái. Thông thường trồng sầu riêng phải từ 5-6 năm mới có quả, nhưng cây ghép chỉ trong vòng 3 năm đã có thể thu hoạch. Tuy nhiên, suốt 6 năm đầu, vườn sầu riêng của ông hầu như mất trắng vì cây đậu trái rất ít.

Mỗi lần mưa xuống, ra thăm vườn thấy hoa, trái rụng đầy gốc khiến ông đau xót, nhưng lại tự an ủi mình và quyết tâm tìm cách khắc phục. Thấy ông đem cây sầu riêng Thái về trồng thất bại, nhiều người chê ông làm những việc không giống ai và chẳng ai tin ông sẽ thành công.

Mấy năm đầu trồng ghép cây sầu riêng Thái gần như bị mất trắng, mỗi mùa vườn chỉ đậu vài cây ra hoa nhưng bù lại cây cho trái rất to. Khi những trái sầu riêng này chín, vợ chồng ông đem đi bán và bất ngờ vì khách rất ưa chuộng, bán giá bao nhiêu cũng mua. "Thật không ngờ, khách đến xem sầu riêng xong trả 16.500 đồng/kg, giá cao nhất thời đó. Khi bán xong tôi đếm được 480.000 đồng. Mừng quá tôi mua ngay một chỉ vàng đem về trả nợ cho bà xã. Đến nay cây sầu riêng cho trái to ấy vẫn còn trong vườn, được ưu ái đặt tên là cây một chỉ vàng", ông nói.

Tìm thấy nguồn động viên to lớn từ cây sầu riêng Thái này, ông Cường kiên trì tự mày mò, tìm hiểu kiến thức trên sách, báo để trao dồi kỹ thuật. Ông còn gặp những người có nhiều kinh nghiệm trồng sầu riêng để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm.

Nghề dạy nghề, tích lũy nhiều năm kinh nghiệm nên bây giờ chỉ cần nhìn lá sầu riêng là ông có thể biết mùa nào thắng, mùa nào thua. Do vậy, trừ khi gặp thiên tai đành phải chấp nhận, còn đến nay năm nào vườn nhà ông cũng được mùa thắng lớn. Khi đã có lời, gia đình ông tiếp tục đầu tư mở rộng vườn sầu riêng.

Đến nay, gia đình ông đã có hơn 4 ha sầu riêng, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 70 tấn. Sau khi trừ chi phí, ông còn lời khoảng 1,2 tỷ đồng và cái tên Cường sầu riêng, ông trùm sầu riêng bắt đầu vang xa, được nhiều người biết đến. Thấy mô hình làm ăn của gia đình ông đạt hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ xung quanh cũng chuyển sang chuyên canh sầu riêng và được người nông dân này nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm.

Bà Phạm Thị Tuyết, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Nhơn Nghĩa: "Sầu riêng là cây trồng chủ lực của xã Nhơn Nghĩa, giúp bà con làm giàu. Hiện toàn xã có gần 200 ha sầu riêng, chiếm một phần tư diện tích đất nông nghiệp. Xã đã hỗ trợ cho 18 hộ lắp đặt hệ thống tưới nước tự động để trồng cây sầu riêng cho năng suất cao.