Trang

Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Bí quyết trồng bí lấy đọt thu lãi tiền triệu

Giá bán hiện nay 18.000 - 20.000 đồng/kg đọt (bán sỉ), 25.000 - 30.000 đồng/kg đọt (bán lẻ). Khoảng 1,5 tháng sau những dây bí sẽ đơm bông. Với 10 liếp trồng bí, bình quân 5 - 7 kg bông/liếp, với giá 25.000 đồng/kg bông (bán sỉ), 35.000 đồng/kg bông (bán lẻ). Tính thu nhập bình quân từ đọt và bông bí, trừ các chi phí, anh Quang lãi được khoảng 2 triệu đồng/đợt/500 m2.

Anh Phạm Văn Quang, ngụ tại hẻm 113, đường vành đai Phi Trường, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ có 500 m2 đất chuyên trồng bí lấy đọt và bông.

Anh Quang trồng bí đỏ để cắt đọt và bông, đây là loại cây dễ trồng, ít công chăm sóc và có giá. Thời vụ thuận lợi nhất SX bí đỏ là cuối mùa mưa (khoảng tháng 10-11 âm lịch). Chỉ cần lên liếp cao ráo, trộn phân rơm, cỏ mục, phân heo rồi rạch luống, rải hạt (3 hạt/lỗ), mỗi lỗ cách nhau khoảng 8 tấc.


Anh Quang bên những liếp bí lấy đọt

Hằng ngày tưới nước, nửa tháng sau bón lót cho cây phát triển nhanh. Khoảng 3 tuần, cây ra đọt non và bò lan ra mặt liếp. Thời gian này, có thể thu hoạch lứa đọt non đầu tiên để bán (khoảng 10 - 15 kg đọt), sau đó cây sẽ đẻ nhánh nhiều thêm (khoảng 3 - 4 đọt/cây) và cứ cách tuần thu hoạch 1 lần khoảng 25 - 30 kg đọt non.

Giá bán hiện nay 18.000 - 20.000 đồng/kg đọt (bán sỉ), 25.000 - 30.000 đồng/kg đọt (bán lẻ). Khoảng 1,5 tháng sau những dây bí sẽ đơm bông. Với 10 liếp trồng bí, bình quân 5 - 7 kg bông/liếp, với giá 25.000 đồng/kg bông (bán sỉ), 35.000 đồng/kg bông (bán lẻ). Tính thu nhập bình quân từ đọt và bông bí, trừ các chi phí, anh lãi được khoảng 2 triệu đồng/đợt/500 m2.

Lão nông xứ Nghệ mê lúa

Với tình yêu đặc biệt với cây lúa, ông Phan Văn Hoà ở xã Vĩnh Thành, Yên Thành (Nghệ An) đã nghiên cứu thành công giống lúa VH1 - giống lúa quý hiếm ở Việt Nam cho sản phẩm gạo có phẩm chất thảo dược quý.

Trò chuyện với chúng tôi trên cánh đồng lúa VH1 trĩu hạt, ông Hòa bảo: Tình yêu với cây lúa đã giúp tôi làm được những điều ngỡ như không tưởng: Nghiên cứu và làm nên thương hiệu gạo AC5 nổi tiếng và giống lúa thảo dược quý hiếm VH1.

Gửi tình yêu vào lúa

Ông Hòa trước cánh đồng lúa VH1 sắp vào vụ gặt.

Ông Hoà tâm sự, sau 10 năm trong quân ngũ, năm 1984, ông trở về địa phương, lấy vợ, chăm lo việc cuốc cày. Chủ trương khoán hộ ra đời, ông làm đơn xin UBND xã cải tạo 5ha đất ở đầm hoang Hói Sác để trồng lúa, nuôi cá. Mỗi năm lúa, cá đem về cho ông hơn 100 triệu đồng, nhưng ông luôn trăn trở: "Giống lúa lai đắt lại không chủ động khâu giống, có năm dân làng mua phải "giống đểu" chịu cảnh mất mùa đau lắm. Tôi ấp ủ ước mơ sẽ nghiên cứu một giống lúa chất lượng cao cho bà con”.

Năm 2001, ông làm hồ sơ trình huyện xin được thành lập HTX sản xuất giống, nhưng chờ mãi không thấy hồi âm. Nhờ người tư vấn, ông làm thủ tục, thành lập Công ty TNHH Vĩnh Hòa. Trình đề án với Sở Nông nghiệp ý tưởng tìm giống lúa thuần chất lượng cao, ai cũng ủng hộ. Lãnh đạo tỉnh gửi công văn cho các viện giống cây trồng nhờ giúp đỡ ông Hoà. “Thật may, tôi gặp Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Việt Nam. Ông đưa tôi đến Viện Cây lương thực. Viện này cho tôi 5 loại giống về trồng khảo nghiệm. Ông lại đưa tôi đến Viện Cơ điện lấy mẫu phân về ứng dụng phân vi sinh vào sản xuất lúa”- ông Hoà nhớ lại.

Về quê, ông đưa ngay giống lúa ra cánh đồng Hói Sác trồng. Trong 5 giống đó, ông chọn được giống AC5 đạt năng suất cao. Và AC5 đã đưa ông sang một trang sử mới. Ông âm thầm thử nghiệm và kết quả thành công đến không ngờ, lúa cho năng suất cao. Vụ mùa 2005, chính quyền xã Hoa Thành vận động bà con đưa vào gieo cấy giống lúa AC5, đến vụ thu hoạch, ai cũng phấn khởi.

Tiếng lành đồn xa, giống lúa AC5 của ông dần lan ra các xã trong huyện Yên Thành và các huyện Đô Lương, Hưng Nguyên, TP. Vinh... Kế hoạch tỉnh giao trồng 3.000ha lúa AC5, thời điểm năm 2009 ông đã đạt 4.000ha.

Theo ông Hòa, làm giống AC5 rẻ, năng suất cao (bình quân 7,2 tấn/ha/vụ), bán cao hơn 15 giá so với giống lúa lai. Giống lúa AC5 làm đúng quy trình kỹ thuật cho chất lượng gạo thơm ngon, dinh dưỡng cao.

Để làm được điều đó, ông Hoà đã ứng dụng thành công phân vi sinh vào sản xuất. Loại phân này có chứa các chất men vi sinh vật kháng bệnh hại lúa, như các loại vaccin tiêm phòng bệnh cho con người, vì thế giống AC5 được coi là "gạo sạch", người tiêu dùng rất thích. Ông xây dựng thương hiệu "Gạo xứ Nghệ", với bao bì kiểu dáng bền đẹp, ép chân không, được Cục Bảo vệ thực vật và Viện Dinh dưỡng kiểm định chặt chẽ chất lượng, dư lượng thuốc trừ sâu và chì đều dưới mức cho phép.

Mới đây, tại Hội chợ Techmart- ASEAN+3, Công ty TNHH Vĩnh Hoà đã mua bản quyền giống lúa AC5 của Viện Cây lương thực và cây thực phẩm. Ông Hoà cho biết: Trị giá của bản quyền là 3 tỷ đồng, nhưng ông chỉ có 500 triệu đồng. Viện đồng ý bán cho ông với lý do ông đã thành công với giống lúa này.

Công ty Vĩnh Hoà đang cung cấp giống lúa AC5 cho hơn 100.000ha ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa. Giống lúa AC5 đã được nhiều huyện của Hà Tĩnh, Thanh Hoá đón nhận. Riêng gạo AC5 chất lượng cao đã có mặt trên toàn quốc.

Thành công với giống lúa quý

Để phục vụ nghiên cứu giống lúa, ông Hoà đã ra Đại học Nông nghiệp Hà Nội học và đến các viện nghiên cứu học hỏi những giáo sư, tiến sĩ danh tiếng. Kết thúc khoá học, ông về quê bắt tay vào nghiên cứu và lai tạo giống lúa mới VH1 (do ông đặt tên). "Giống lúa này tôi ấp ủ từ năm 2007, với mong muốn có giống lúa thảo dược có lợi cho sức khỏe"- ông Hoà tâm sự.

Với cách lai tạo mới của ông, giống VH1 hình thức đẹp, hạt gạo hồng, năng suất cao, trồng được trên mọi địa hình, chịu được sự khắc nghiệt của khí hậu. Đặc tính vượt trội của giống lúa VH1 là gạo thơm ngon hơn hẳn những giống lúa khác; hàm lượng các vi chất dinh dưỡng, vi lượng và các vitamin A, B (B1, B2, B6), lipit, chất xơ, omega chống ung thư, chống loãng xương cao; khi ăn làm quên cảm giác đói, rất có lợi cho người thừa cân. Lúa kháng các bệnh bạc lá, đạo ôn, sâu cuốn lá, đốm nâu, khô vằn; cây cứng, bộ lá khỏe; đẻ nhánh khỏe; trồng được 2 vụ trong năm (vụ đông xuân và hè thu); năng suất từ 5,5 -10 tấn/ha.

Với những ưu điểm nổi trội này, các địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, An Giang, Quy Nhơn (Bình Định)... đã đến Công ty TNHH Vĩnh Hòa đặt mua giống về gieo trồng. Hiện, các địa phương này đã trồng được hơn 800ha lúa VH1. "Vụ xuân này, các địa phương trồng lúa VH1 đạt năng suất bình quân 4 tạ/sào, bà con rất phấn khởi" - ông Hòa cho biết.

Giống lúa VH1 đã được Tổ chức UPOV đồng ý bảo hộ. Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, cây trồng, phân bón quốc gia đã công nhận VH1 là giống lúa siêu nguyên chủng, quý hiếm, chất lượng cao.

PGS-TS Nguyễn Văn Tuất - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (Bộ NNPTNT) cho biết: “Giống lúa VH1 của Công ty TNHH Vĩnh Hòa đã đăng ký bản quyền. Giống lúa này đã trồng thực nghiệm 3 vụ ở Nghệ An và một số tỉnh. Đây là giống lúa cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon, có nhiều chất dinh dưỡng, nguyên tố vi lượng rất tốt cho sức khỏe con người...”.

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Trồng nấm bào ngư ở miền Tây, thu gần nửa tỷ mỗi năm

Ông Lê Văn Út, ở Thới Hưng, phường Thới An Đông, quận Bình thủy, TP.Cần Thơ là người sản xuất phối giống và trồng nấm bào ngư trong nhà, lãi mỗi năm trên 400 triệu đồng.

Từ năm 1997, khi nghề trồng nấm bắt đầu phát triển, ông Út đã có kinh nghiệm về kỹ thuật sản xuất phôi và trồng nấm mèo đen nhưng thu nhập không cao. Mãi đến năm 2009, sau khi được UBND phường cử đi tập huấn về mô hình trồng nấm bào ngư Nhật, ông mới mạnh dạn đầu tư vào mô hình này. Nhận thấy đây là một mô hình hấp dẫn, ít vốn lại không cần diện tích lớn nên ông quyết định chuyển sang trồng nấm bào ngư.


Gia đình ông Lê Văn Út đang thu hoạch nấm bào ngư bán mỗi ngày. Ảnh: Ngọc Trinh. 

Sau khi thu hoạch lứa đầu tiên thành công, ông Út cất thêm trại và đẩy mạnh việc sản xuất phôi giống để cung cấp cho người trồng. Ông cho biết, việc cất trại cũng không đòi hỏi nhiều vốn, mỗi trại có diện tích 6 x 12m, mái lợp lá, nền đất và xung quanh cần có lưới bao phủ để tạo ánh sáng và độ ẩm thích nghi. Ngoài ra, ông còn phải trang bị thêm máy phun sương tự động được gắn trên máy nhà và trang bị đồng hồ đo độ ẩm trong nhà trồng nấm. Nhiệt độ lý tưởng cho một nhà trại nấm 25 - 28 độ C và ẩm độ 75 - 85%.

Cũng theo ông Út, muốn cho phôi tăng trưởng tốt, cần phải giữ vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp, bảo đảm môi trường không bị nhiễm bệnh. Nhà trại phải cách xa chuồng trại gia súc, các nguyên liệu dùng làm phôi phải được bảo quản tốt, tuyệt đối không ẩm mốc.

Bà Nguyễn Thị Phấn, vợ ông Út, người thường xuyên theo dõi các công đoạn sản xuất cho biết, trên thị trường hiện nay, nấm bào ngư có lượng tiêu thụ khá mạnh và giá cả cũng ổn định. Mức giá cho mỗi kg dao động 35.000 đến 40.000 đồng. Với 5 nhà trại, khoảng 25.000 bịch phôi, bình quân mỗi ngày bà Phấn thu hoạch 50 - 60 kg nấm tươi. Thời gian từ khi cấy meo vào bịt phôi cho đến lúc thu hoạch nấm mất khoảng 60 ngày và thời gian phôi cho nấm kéo dài 7 - 8 tháng mới tàng. Bình quân mỗi bịch phôi từ đầu đến cuối vụ có thể cho từ 300 đến 600 gram. Thời điểm này, mỗi đợt ông nhập về một xe nguyên liệu mùn cưa khoảng 8 tấn, cho ra 8.000 bịch phôi. Sau khi trừ hết các chi phí, tiền lãi thu về khoảng 4 - 5 triệu đồng. Với cách làm nói trên, bình quân mỗi năm ông Út thu lãi trên 400 triệu đồng.

Với sự năng động và tinh thần dám nghĩ dám làm, đăc biệt là vốn kinh nghiệm tích lũy từ nhiều năm, vợ chồng ông Út không những trực tiếp trồng nấm mà còn sản xuất và cung cấp phôi giống để giao cho bà con nông dân ở một nơi như quận Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh…với giá 5.000 đồng/bịch. Sau đó ông còn đứng ra thu mua lại sản phẩm của người trồng để giao lại cho thương lái.


Từ nhiều năm nay, không ít bà con nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long nhờ trồng nấm mà tự xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là nấm rơm và nấm bào ngư.Bình quân mỗi bịch phôi giống có thể cho từ 300 – 600 gram nấm/vụ. Ảnh: Ngọc Trinh.

Ông Út khẳng định trồng nắm bào ngư không khó, cũng không vất vả như các loại nấm khác. Chỉ cần nắm vững quy trình kỹ thuật, các yếu tố liên quan đến nhiệt độ, độ ẩm, gió, ánh sáng, môi trường..., ai cũng có thể trồng nấm bào ngư. Theo ông Út, nhà trại phải có hệ thống cửa cho thông thoáng, sạch sẽ, tránh gió lùa trực tiếp, ánh sáng vừa phải, tỏa đều để nấm phát triển đều khắp. Do đó, muốn thành công trước nhất là nhà trại phải đúng quy cách. Kế đến là cách sắp xếp các bịch phôi nấm sao cho vững vàng, không bị ngã đổ và ít chiếm diện tích.

Sau khi cấy meo, phôi nấm được treo thành hàng đứng, đợi cho tơ chạy đầy thì bắt đầu tưới nước. Theo ông Út, muốn cho phôi phát triển tốt, nấm mọc dầy, chất lượng tốt, người trồng phải thường xuyên theo dõi nhiệt độ, đăc biệt là khâu tưới nước. Nước được tưới 3 - 4 lần mỗi ngày, bằng béc phun nhuyễn như sương.

Kỹ thuật sản xuất phôi cũng đòi hỏi hết sức nghiêm ngặt, vì phôi rất nhạy cảm với môi trường, nhất là hóa chất và thuốc trừ sâu. Trước và sau khi trồng, người nuôicần làm vệ sinh quanh khu vực, khử trùng tiêu độc các loài nấm dại. Ngay cả chất độn như mùn cưa cũng phải chọn những loại gỗ tốt, không có tinh dầu mới đạt yêu cầu. Sau khi cho nguyên liệu vào bịch nylon, tất cả đều được đem hấp ở nhiệt độ 200 độ C suốt 7 tiếng đồng hồ, sau đó để nguội mới bắt đầu cấy meo.


Công đoạn sản xuất bịch phôi giống của gia đình ông Út để cung cấp thị trường. Ảnh: Ngọc Trinh.

Ngoài sản xuất và mua bán phôi nấm, ông Út còn nhiệt tình hướng dẫn cho bà con nuôi trồng nấm sạch, tạo điều kiện cho nhiều hộ nông dân nuôi trồng nấm tại nhà để tăng thêm thu nhập. Trại sản xuất nấm bào ngư của ông Út cũng đã được cấp bằng độc quyền Sở hữu trí tuệ. Vì thế, đầu ra sản phẩm của ông không còn lo ngại. Khi nấm thu hoạch xong, thương lái đến tận nhà thu mua.

Bà Nguyễn Thị Hồng Điểu, Giám đốc Trung tâm khuyến nông TP. Cần Thơ cho biết, hiện nay phong trào trồng nấm bào ngư đang phát triển mạnh ở các quận Bình Thủy, Ô Môn và huyện Phong Điền, Vĩnh Thạnh. "Đây được xem là mô hình tốt, phát triển theo chủ chương nông nghiệp gắn với đô thị, thực hiện theo chỉ đạo phát triển ngành nấm của Bô Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra", bà Điểu chia sẻ.

Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Tài xế xe tải thành triệu phú nhờ nuôi gà rừng

Thuần chủng thành công giống gà rừng quý hiếm, anh Phạm Văn Hà đã có thu nhập 500 triệu đồng nhiều năm qua. Người trong vùng gọi cơ duyên thuần hóa gà rừng của anh là câu chuyện cổ tích.

Nằm giữa vùng đồi gò, bán sơn địa hoang hóa nhưng trang trại nuôi gà rừng của anh Phạm Văn Hà (40 tuổi, ngụ thôn Trà Kiệu Tây, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) 7 năm nay đã cho thu nhập gần 500 triệu đồng. Mỗi năm, anh còn xuất đều đặn hơn 150 con gà rừng giống và gà cảnh trưởng thành ra thị trường, thu về hơn 70 triệu đồng.

Từng làm nghề lái xe tải thuê kiếm sống, anh Hà tự nhận mình may mắn khi đến với nghề nuôi gà rừng. Song anh tài xế này thổ lộ:"Để nắm bắt cơ hội thành công và làm giàu từ gà rừng, người nuôi ngoài đam mê còn phải có kiến thức về chúng”.

Hà kể, từ nhỏ anh đã rất say mê các loại chim rừng, nhất những con gà rừng có tai trắng, chân chì với màu lông tía sặc sỡ. Tháng 4/2002, trong một lần phát cỏ dại gần nhà, anh Hà tình cờ nhặt được 7 quả trứng gà rừng và cho ấp cùng với ổ gà mái trong nhà. Khi 3 trong số 7 quả trứng gà rừng nở anh Hà nhen nhóm hy vọng nuôi gà rừng ngay tại vườn nhà.
Anh tài xế lái xe tải Phạm Văn Hà thành triệu phú nhờ nuôi gà rừng. Ảnh: Người Lao Động

Lúc đầu chưa có kinh nghiệm nên anh tìm mua sách báo và đọc tài liệu liên quan đến việc nuôi gà rừng và các loài vật có đặc tính gần giống để tìm ra cách nuôi phù hợp. Để giúp gà rừng quen dần với cách nuôi thả vườn, anh nhốt từng lồng riêng sát mé rừng, sau đó mới thả rông. Thức ăn chủ yếu cho gà rừng là cỏ, côn trùng và thóc.

Được nuôi trong môi trường thoáng đãng nên gà phát triển khá tốt. Ngoài 2 con mái và 1 con trống có sẵn, anh tranh thủ tìm mua lại gà rừng từ những thợ săn để gầy đàn. Ban đầu, anh chỉ nuôi gà rừng làm cảnh song nhiều khách vẫn tìm đến đặt mua do gà rừng có dáng vẻ đẹp và khỏe mạnh. “Thực tế, lúc đó tôi nuôi gà chỉ để thỏa đam mê chứ chưa có ý định kinh doanh. Hằng ngày, tôi vẫn phải tranh thủ nghề tài xế để có đồng vô đồng ra”, anh Hà nhớ lại.

Thế nhưng vì gà rừng cảnh thường là con trống với bộ lông tía sặc sỡ, tai trắng, cựa nhọn, chân chì và thon lại gáy hay nên dễ hút hồn mọi dân chơi, giá bán vì thế mà tăng theo.

Năm 2007, thôi lái xe tải thuê, anh Hà về nhà chuyên tâm mở trang trại nuôi gà rừng theo hướng bán công nghiệp. Ngoài tăng diện tích chuồng nuôi lên gần 50 m2, anh Hà quyết tâm chuyển đổi đàn gà cảnh dần thành đàn gà giống chất lượng tốt. Để bảo đảm cho đàn gà có sức đề kháng tốt, anh thường lấy rượu ngâm rết nhỏ vào miệng gà. Cách chăm sóc dân gian này giúp đàn gà rừng đủ sức chống chọi bệnh dịch và tăng trưởng nhanh. Hơn 12 năm nuôi gà rừng, chưa khi nào anh gặp cảnh gà bị dịch hay gà chết bất thường.

Với cách nuôi thả vườn khoa học (gà trống, mái kết hợp) cộng với việc áp dụng chế độ ăn tự nhiên, chủ yếu là tận dụng cỏ và côn trùng, anh Hà liên tiếp gặt hái thành công trong việc thuần hóa và nhân giống gà rừng. “Gà mái thường đẻ từ 7-9 trứng (10 ngày). Đặc biệt, gà con khi nở ra có khả năng sống cao và kháng dịch tốt. Mỗi lứa gà trưởng thành các loại sau 4 tháng nuôi là có thể xuất bán” - anh Hà cho biết. Giá gà mái cảnh trưởng thành hiện nay khoảng 600.000 đồng/con; gà trống cảnh trên 1 triệu đồng/cặp. Đối với gà sinh sản, hiện có giá hơn 1,6 triệu đồng/cặp; gà 3 tháng tuổi là 500.000/cặp...

Thị trường đang khan hiếm nguồn gà rừng lấy thịt nhưng anh Phạm Văn Hà cho biết chưa mạnh dạn nuôi vì giá cả còn thấp, lợi nhuận không cao như gà giống và gà cảnh.

Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

Thạc sĩ bỏ thủ đô lên Mộc Châu trồng cà chua

Cả gia đình can ngăn, anh Dư cũng nếm trải nhiều khó khăn trước khi thành công với trang trại đang thu lãi mỗi năm cả tỷ đồng.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Khoa học Cây trồng - Đại học Nông nghiệp I, anh Trương Văn Dư (sinh năm 1981, Phú Xuyên, Hà Nội) tìm được một công việc trong doanh nghiệp nước ngoài tại thủ đô. Đến năm 28 tuổi anh nhận tấm bằng thạc sĩ khi đang làm cho một doanh nghiệp Nhà nước với mức lương cao.

Sống trong một gia đình nghèo, từ nhỏ đã trải qua nhiều vất vả nên anh luôn nuôi quyết tâm phải làm giàu. Nhận xong bằng thạc sĩ, anh Dư rủ một số bạn bè lên Mộc Châu thuê đất để làm nông nghiệp vì thấy khí hậu ở đây rất phù hợp. Ý tưởng này vấp phải phản đối mạnh mẽ từ gia đình, đặc biệt là mẹ anh.

"Mẹ tôi nhiều lần khóc, khuyên can tôi ở Hà Nội làm việc rồi lập gia đình. Với những người thân của tôi, việc học hành bao nhiêu năm, đang đi làm ổn định, rồi lại tính về vùng đồi núi xa xôi để làm nông nghiệp thực sự là khó chấp nhận", anh Dư kể lại. Tuy nhiên, cuối cùng anh vẫn một mực lên đường. 
 
Anh Dư luôn nuôi quyết tâm phải làm giàu. 

Khi mới lên Mộc Châu, anh cùng bạn bè thuê 1,5ha đất để trồng dưa hấu. Do nguồn cầu của thị trường không lớn, bán không được giá nên chẳng mấy chốc nhóm bạn phải chịu lỗ 50 triệu đồng. Bạn bè anh rời Mộc Châu trở lại với Hà Nội, trong khi chàng thạc sĩ vẫn kiên trì, không cam chịu thất bại.

Một mình ở lại, nhưng con đường đi tiếp theo ra sao vẫn là một câu hỏi lớn khiến anh Dư đau đầu. Với suy nghĩ, nếu cứ làm những sản phẩm thông thường, theo cách quen thuộc thì khó mà thành công được nên anh Dư nảy ra ý tưởng trồng cà chua trái vụ vì mặt hàng này hiện nguồn cung ở miền Bắc khá hạn chế.

"Ở miền Bắc, cà chua chỉ trồng được một vụ. Thị trường vẫn có không ít hàng Trung Quốc, còn vận chuyển từ Đà Lạt thì chi phí quá cao", anh lý giải.

Bắt tay vào triển khai kế hoạch mới, năm 2010 anh Dư tiếp tục thuê trang trại dưa hấu với giá 60 triệu một năm. Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản như anh nghĩ. Giai đoạn từ tháng 4 đến 6, Mộc Châu thường bị ảnh hưởng gió tây, thời tiết nắng, rất khô và nóng. Do chưa có kinh nghiệm xử lý ánh nắng nên đợt giống đầu tiên, cây chết hàng loạt, anh tiếp tục lỗ vài chục triệu. Để cứu vãn tình hình, số lượng cà chua giống còn sống, anh triển khai để trồng thương phẩm. Tuy nhiên, khi gần được thu hoạch thì những trận mưa liên tiếp hàng tuần lại khiến cà chua bị nứt, phải đổ đi số lượng lớn.

"Khi đó, mẹ lên thăm tôi ở Mộc Châu, bà vừa đi hái những quả cà chua còn sót lại, vừa khóc. Và đã có những lúc tôi suy nghĩ hay trở về Hà Nội, sống cuộc sống trước kia", anh kể lại.

Tuy nhiên, cái giá anh phải trả đã quá đắt nên việc từ bỏ cũng không dễ dàng. Đúng thời điểm đó, Viện Rau quả Việt Nam mới được chuyển giao kỹ thuật lai ghép cà chua lên gốc cà tím từ trung tâm phát triển rau thế giới nhưng chưa có đối tác dám nhận thử nghiệm. Anh Dư quyết định mạo hiểm thêm một phen mặc dù chi phí đầu tư cho dự án này không phải nhỏ.

"Việc triển khai một dự án mới, vốn sẽ huy động từ đâu, tổ chức, sắp đặt sản xuất ra sao, đầu ra của sản phẩm thế nào... là những câu hỏi không dễ tìm được câu trả lời. Cuối cùng sau nhiều ngày trăn trở, tôi tính sẽ vay tiền để làm, mặc dù lúc đó cũng rất run", anh nói.

Anh cũng lý giải, việc ghép cây cà chua lên gốc cà tím sẽ hạn chế được bệnh héo xanh, một bệnh phổ biến nguy hiểm mà người trồng cà chua vụ sớm không thể tránh khỏi. Để thực hiện kế hoạch mới, anh vay một tỷ đồng từ bạn bè, gia đình để làm nhà kính và sản xuất cà chua giống ghép trên cây cà tím trên diện tích ban đầu là 8.000 m2.

Không lâu sau đó, anh đã thành công khi ghép được 18.000 cây giống đưa ra thị trường. Năm 2012 anh Dư đã quyết định thành lập Công ty cổ phần GreenFarm.

"Khi đã làm được sản phẩm có giá trị mang tính chất hàng hóa đưa ra thị trường thì mặt hàng đó cũng cần một cái tên, một địa chỉ giao dịch... mới tiến xa được", anh lý giải về quyết định của mình.

Hiện diện tích sản xuất của Green Farm đã được mở rộng và công suất ghép hàng năm được 2,5 triệu cây giống, với giá bán 1.200 đồng mỗi cây. Ngoài ra, anh còn phát triển thêm diện tích hơn 1,5ha trồng rau an toàn cung cấp cho các nhà bán lẻ ở khắp nhiều tỉnh thành. Anh cho biết, năm 2013, doanh thu từ tiền cây giống ghép khoảng 3 tỷ, sau khi trừ các chi phí thì lợi nhuận đạt trên một tỉ đồng. Còn lợi nhuận từ sản xuất rau an toàn vào khoảng 300 triệu.

Trong năm nay, anh Dư dự định sẽ nâng công suất ghép giống lên khoảng 3 triệu cây cà chua và mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn lên khoảng 5 ha.

Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

Thu lãi trăm triệu từ trồng nấm bào ngư sám

Đầu tư 350 triệu đồng để làm trại nấm, gia đình ông Dương Văn Tiến, khu phố Long Bửu (TP HCM) đã thu hoạch được đợt đầu với lợi nhuận gần 100 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Nhận thấy cây nấm bào ngư xám mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân tại phường Long Bình, quận 9 đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để trồng.

Ông Dương Văn Tiến (Khu phố Long Bửu) thông tin, cách đây hơn một năm, ông đầu tư khoảng 350 triệu đồng để xây dựng 2 trại nấm diện tích 300 mét vuông. Hiện nay gia đình ông đã thu hoạch nấm xong đợt đầu với lợi nhuận thu được từ nấm gần 100 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Ông cho biết hiện đang chuẩn bị nhập về 30 ngàn phôi nấm để trồng cho đợt 2.


Nấm bào ngư sám mang lại khoản thu nhập khá tốt cho nhiều hộ dân quận 9, TP HCM.

Anh Trà Văn Lợi (Khu phố Bến Đò, P. Long Bình) cũng cho biết đã bỏ ra hơn 200 triệu đồng để mở trại nấm bào ngư xám và đến nay trại nấm nhà anh đang cho thu hoạch đợt đầu.

“Hiện nay loại nấm này được bán ra với giá trung bình khoảng 30.000 đồng mỗi kg. Sau khi thu hoạch xong có thể tận dụng meo nấm cũ để sản xuất nấm rơm rất tốt”- anh Lợi chia sẻ.

Theo Hội Nông dân phường Long Bình, cây nấm bào ngư xám xuất hiện từ khoảng 2 năm trở lại đây. Ban đầu chỉ có vài hộ trồng, nhưng nhận thấy hiệu quả tốt nên hiện nhiều người dân rất quan tâm đến loại cây này.

Một số người dân có đất rộng và có vốn đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để lập nên các cơ sở trồng nấm bào ngư xám và đều đang cho thu hoạch tốt. Ông Đỗ Thành Núi - Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Bình cho hay, nhìn chung loại cây này mang lại giá trị kinh tế cao nên nhiều nông dân mạnh dạn trồng.

Tuy nhiên, đánh giá tổng thể thì việc trồng loại nấm này hiện chỉ mang tính chất nghề truyền nghề chứ chưa có lớp dạy nghề trồng nấm bào ngư tại địa phương. Do vậy, để trồng được loại nấm này thì nông dân phải có điều kiện ban đầu như có đất rộng, có nhiều tiền đầu tư (1 mét vuông đất trồng nấm tốn từ 1 đến 1,4 triệu đồng).

Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

Bỏ nghiệp thủy thủ về làm triệu phú nuôi lợn

Tốt nghiệp Trung cấp Hàng Hải, sau 3 năm làm thủy thủ, Trần Bá Tuấn (27 tuổi, ở thôn Hồng Long, Nam Hồng, Nam Trực, Nam Định) quyết định quay về quê hương xây dựng trang trại chăn nuôi, mang lại lợi nhuận 400-500 triệu đồng/năm.

Bỏ biển về với ruộng vườn
Sinh năm 1987, từ nhỏ Tuấn đã yêu biển và ước mơ làm "người con của biển" cũng được ấp ủ từ đó. Tốt nghiệp trung học phổ thông, Trần Bá Tuấn quyết tâm thực hiện ước mơ của mình, nộp hồ sơ thi vào Trung cấp Hàng hải Hải Phòng và đã trúng tuyển...

Tuấn chia sẻ: "Những ngày đầu được thỏa ước mơ nay đây mai đó trên các vùng biển cũng thích lắm. Mỗi chuyến đi khoảng 10 tháng, lương tháng vài chục triệu đồng nên cũng khá thoải mái".

Tuy nhiên, sau 3 chuyến đi biển thì ngành vận tải biển gặp khủng hoảng, Tuấn về quê lập gia đình. Chờ mãi không thấy công ty gọi đi làm lại trong khi sức ép kinh tế ngày càng tác động lên gia đình nhỏ, Trần Bá Tuấn quyết định phải làm gì đó để thay đổi cuộc sống, tạo thêm thu nhập.

Trong một lần tới thăm trang trại chăn nuôi của một người bạn thân của cha tại xã bên cạnh, anh mạnh dạn đề nghị mượn lại 650m2 đất để lập trang trại chăn nuôi riêng, ban đầu "các cụ" không tin lắm, bởi cha anh vẫn muốn anh theo nghề thủy thủ, nhưng thấy anh cương quyết nên đã đồng ý.

Với số vốn tích cóp được từ những ngày "là con của biển", Tuấn bỏ ra 600 triệu đồng đầu tư xây chuồng trại chăn nuôi lợn. Bắt đầu là những ngày lao động vất vả của chàng thanh niên 25 tuổi: Dọn mặt bằng, quy hoạch từng khu chăn nuôi, thiết kế đường điện, nước, thoát nước thải, dò hỏi nguồn cung ứng giống, thức ăn...

Tới nay, sau 2 năm hoạt động, trại chăn nuôi của Tuấn đã xây 24 ô chuồng khang trang, quy trình từ cho ăn đến khâu vệ sinh hết sức khoa học, khép kín.

Chọn hướng mở rộng chăn nuôi.

Hiện khu trại của Tuấn đang nuôi 180 con lợn, anh vừa bán 45 con với giá thị trường dao động từ 43.000 - 45.000 đồng/kg.

Sau khi bán lợn, anh lập tức nhập 50 con lợn giống của trại giống Hà Nam, bởi theo kinh nghiệm của những người chăn nuôi trong vùng, giống lợn của các cơ sở uy tín đảm bảo nguồn gốc, khỏe mạnh và mau lớn và quan trọng là đã được phòng dịch cẩn thận.

Vấn đề khó khăn đặt ra cho những người chăn nuôi ngoài vốn đầu tư còn là nguồn cung cấp thức ăn, nguồn xuất hàng. Hiện tại, mỗi ngày trang trại tiêu thụ 5 bao cám loại 25kg, do vậy Tuấn đã mạnh dạn ký hợp đồng mua thức ăn chăn nuôi lâu dài của Công ty Thức ăn chăn nuôi Thụy Phương (Hà Nội).

Về khâu xuất bán, Tuấn cũng đã ký hợp đồng xuất bán lợn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, các chủ thu mua lớn do anh bán với số lượng nhiều trong thời gian ngắn, bởi nếu bán lẻ vài con một sẽ bị chậm tiến độ nhập lứa giống tiếp theo. Tuấn cho biết, sau 2 năm hoạt động, trừ chi phí, mỗi năm anh thu về 450-500 triệu đồng tiền lãi.

Hiện Tuấn đang làm một dãy lồng, quây lưới xung quanh một khoảng vườn trong trang trại để nuôi khoảng 200 con chim bồ câu Pháp, chưa kể 30 con chó nhỏ cũng đang được nuôi tập trung.

Anh cũng đã thỏa thuận thuê lại một hồ nuôi cá gần trang trại nhằm tạo dựng mô hình chăn nuôi khép kín VAC. Tuấn hy vọng cuối năm nay, các dự án nuôi chim câu, lợn thịt cho thu nhập khá hơn, sẽ giúp anh có vốn mở rộng các dự án khác mà anh đang ấp ủ.

Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

Chàng trai của làng gốm Phù Lãng

Dám vượt qua những gì tưởng như cố hữu để đổi mới các sản phẩm truyền thống của địa phương và thu về lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/năm là câu chuyện của chàng trai trẻ Nguyễn Minh Ngọc - nhân vật chính của Sinh ra từ làng tuần này!

Gốm Phù Lãng là một trong ba làng gốm nổi tiếng miền Bắc

Nằm ở bờ nam sông Cầu, tỉnh Bắc Ninh, trong suốt 10 thế kỷ qua, gốm Phù Lãng là một trong ba trung tâm gốm nổi tiếng nhất miền Bắc.

Những sản phẩm chủ yếu của làng gốm Phù Lãng là chum, vò, lọ, bát đĩa tráng men da lươn vốn rất được dân gian ưa chuộng.

Nhưng sang thế kỷ 21, trước sự biến chuyển mạnh mẽ của toàn xã hội, những chiếc chum, vò màu đất của làng gốm Phù Lãng không còn giữ được vị thế của mình trên thị trường.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm gốm, trước tình hình “ế ẩm” này, Nguyễn Minh Ngọc cũng giống như nhiều bạn trẻ ở Bắc Ninh khi ấy, từng nghĩ đến việc chọn một con đường khác: thoát ly khỏi công việc nông nghiệp ở quê nhà.

Nhưng sau những lần quan sát các anh chị sinh viên về gia đình mình xin thực tập và nghiên cứu gốm Phù Lãng, tình yêu với những công việc mà Ngọc vốn thấy quá quen thuộc và nhàm chán ấy trỗi dậy mãnh liệt. Vì vậy, anh quyết tâm thi vào trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp – ngành gốm thủ công.

5 năm học tại trường là cơ hội để Minh Ngọc phát huy khả năng sáng tạo của mình và là khoảng thời gian anh ấp ủ những ý tưởng mới.

Anh Nguyễn Minh Ngọc 
Trở về quê hương, trong khi hầu hết người làm gốm vẫn trung thành với các sản phẩm tiểu sành, chum, vại đã không còn được ưa chuộng thì Minh Ngọc mạnh dạn đi theo con đường riêng mà mình đã vạch ra. Sau một thời gian mày mò, học hỏi, những sản phẩm của anh vừa mang đậm nét truyền thống lại vừa có sự phá cách, sáng tạo của tuổi trẻ.

Một số sản phẩm trang trí của xưởng gốm Ngọc

Đến nay, sau vài năm khởi nghiệp, gốm Ngọc đã trở thành một thương hiệu gốm nổi tiếng, mang lại cho anh doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm.

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

Gặp kỷ lục gia chăn nuôi tổng hợp

Phạm Bá Chinh – chàng Bí thư Đoàn quê Thái Bình mới chỉ 27 tuổi nhưng lại đang là kỷ lục gia về cây trồng, vật nuôi trong chương trình. Phạm Bá Chinh – chàng Bí thư Đoàn quê Thái Bình mới chỉ 27 tuổi nhưng lại đang là kỷ lục gia về cây trồng, vật nuôi.


Phạm Bá Chinh đang giới thiệu đàn ong của mình. Ảnh: internet

Tốt nghiệp THPT, Phạm Bá Chinh trở thành sinh viên chuyên ngành cơ khí trường CĐ Hóa chất Việt Trì. Bố mẹ mong muốn anh sẽ là viên chức Nhà nước, có công việc ổn định. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, Chinh lại về thôn Việt Tiến – xã Việt Thuận – huyện Vũ Thư lập nghiệp theo hướng đi hoàn toàn khác.

Một ngày, khi bố mẹ đi ăn giỗ, anh nhờ bạn bè đến đốn sạch 100m2 chè của nhà rồi cho đánh đủ 700 gốc si về trồng mới thay thế chỉ trong 1 giờ đồng hồ để gia đình rơi vào “sự đã rồi”.

Tiếp đó, Phạm Bá Chinh xây xong 100m2 trang trại với số tiền 20 triệu đồng dành dụm từ khi đi làm thêm thời sinh viên thì hết sạch vốn nên phải đi mua giống chịu, đối mặt với nhiều khó khăn, ngăn cản... và cả sự thất bại.

Giờ đây, 3600m2 trang trại của triệu phú nông dân này trở thành mô hình chăn nuôi tổng hợp với khu ao chuồng nuôi cá chuối, ba ba và nhiều giống gia súc, gia cầm khác nhau. Hiện tại, Chinh có trong tay 50 con ba ba thịt và gần 1,5 tạ cá chuối. Anh cũng nuôi trên 30 con lợn thịt, 100 con gà thả vườn, cùng nhiều cặp gà chọi, ngan, vịt đang cho thu hoạch.

Đặc biệt, 8 loài động vật độc đáo: Hươu, công, trĩ, tắc kè, ong, bồ câu, trăn, khỉ chính là điều làm nên kỉ lục của chàng thanh niên này. Để hỗ trợ hiệu quả cho việc chăn nuôi, Chinh tiến hành trồng nhãn, vải vừa cho quả lại vừa cho hoa để nuôi ong. Đồng thời, anh trồng la hán, tùng, lộc vừng để phát triển thêm mô hình cây cảnh, tạo không gian cho những loài vật khác nhau cùng chung sống.

Giờ đây, mỗi năm trang trại mang lại cho anh 200 triệu đồng tiền lãi và tạo thu nhập cho 6 lao động thời vụ. Bên cạnh đó, Chinh còn sáng lập CLB Kinh tế tại địa phương với nhiều thành viên đa ngành nghề để hỗ trợ nhau lập nghiệp, làm giàu…

Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Học hết lớp 9 vẫn trở thành triệu phú!

Mạnh dạn tạo sự khác biệt!
Cùng chúng tôi về xã Dương Thành, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Đó là một xã thuần nông với nghề trồng lúa và hoa màu là chủ yếu. Do địa hình đồng bằng xen lẫn với đồi núi nên người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn trong canh tác. Đa số thanh niên lựa chọn con đường làm ăn xa, rất hiếm người nghĩ tới việc làm giàu tại quê hương.

Đào Văn Hiếu hạnh phúc bên những chú ngựa bạch "đáng yêu" (Ảnh: Quốc Lê)

Làng Phẩm của xã Dương Thành có nghề nuôi ngựa bạch lâu đời. Tuy nhiên, người dân địa phương chỉ coi đây là nghề phụ với mô hình làm ăn manh mún, nhỏ lẻ. Khi thị trường các sản phẩm từ ngựa trở nên cởi mở, nghề nuôi ngựa bạch phát triển hơn nhưng không phải ai cũng dám mạnh dạn tạo nên sự khác biệt.

Đào Văn Hiếu là một trong số những người đi đầu trong việc mạnh dạn phát triển quy mô đàn ngựa bạch. Tuy nhiên, anh đã gặp phải nhiều thử thách…

Từng gặp thất bại quá lớn!

Cũng như nhiều người sinh ra từ nông thôn, cuộc sống của Đào Văn Hiếu gặp nhiều khó khăn. Năm 13 tuổi, mẹ mất, do hoàn cảnh gia đình nên việc học tập của anh dừng lại sau lớp 9. Từ năm 1996, thay vì cùng các bạn tới trường, Hiếu đã phải nhọc nhằn đi làm thuê. Cũng từ công việc vận chuyển ngựa bạch ngày ấy, Hiếu tự đặt cho mình câu hỏi: tại sao không thể tự mình tạo ra nguồn ngựa trên chính quê hương mình?

Nghĩ là bắt tay vào làm. Hiếu đã lặn lội đi tìm hiểu kiến thức về ngựa sinh sản với khát vọng lập nghiệp trên chính quê hương. Anh đã đầu tư để gây giống đàn ngựa sinh sản của mình. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm nên Hiếu đã gặp những thất bại lớn. Đàn ngựa mà anh dồn bao hi vọng bị ốm, chết hàng loạt. Đã có lúc, anh cảm giác mình không thể làm nên sự thay đổi như mong muốn. Lúc bi quan nhất, anh nghĩ có lẽ đành quay lại làm ăn như mọi người cho an toàn.

Công thức thành công!

Sau nhiều ngày mất ngủ, chàng trai trẻ đã có những quyết định quan trọng. Không từ bỏ ước mơ, điều Hiếu mong muốn là làm nên những điều mới mẻ so với mọi người để tự tìm thị trường riêng.

Trải qua nhiều thăng trầm, chàng trai trẻ từng đau đầu trước những thất bại ngày nào đã trở thành một triệu phú của làng Phẩm năm 27 tuổi. Đào Văn Hiểu trở thành thanh niên trẻ nhất làng làm giàu từ nghề nuôi ngựa bạch. Hiện anh sở hữu đàn ngựa vài chục con các loại.

Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Người làm giàu từ đất khó

Đó là anh Quách Văn Hợp đến từ xã Kim Truy, huyện Kim Bôi, Hòa Bình. Ông chủ trẻ của mô hình sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ và vươn ươm cây giống dự án KWF7 sẽ chia sẻ câu chuyện làm giàu của mình trong chương trình.


Giống như nhiều bạn trẻ nông thôn khác, khi vào đời, Quách Văn Hợp không có nhiều thuận lợi về nguồn vốn hay nắm trong tay một bí quyết để phát triển nghề nghiệp.

Sinh ra và lớn lên từ một làng quê nghèo của tỉnh Hòa Bình, năm 18 tuổi, Hợp lên đường nhập ngũ. Đây chính là thời gian quãng thời gian quý giá để anh học tập, mở mang và rèn luyện ý chí của mình.

Năm 2004 xuất ngũ trở về quê hương, Hợp đối diện với cuộc sống khó khăn ở quê nhà. Anh bắt đầu trăn trở cho việc tìm một nghề nào đó cho bản thân.

Lựa chọn đầu tiên là nghề mộc. Quách Văn Hợp đã tìm đến các xưởng mộc có uy tín để học nghề rồi về mở xưởng mộc của riêng mình. Có rất nhiều khó khăn ập tới trong những ngày tháng đầu tiên mở xưởng: vốn ít, tìm kiếm nhân công có tay nghề giỏi không dễ, diện tích xưởng hẹp… Nhưng với sự quyết tâm của Hợp và sự đồng lòng của mọi người, xưởng mộc của Hợp đã dần dần đi vào hoạt động.

Không dừng lại ở đó, Hợp tiếp tục tìm hiểu và phát triển các dự án mới, trong đó có dự án KWF7 phủ xanh đất trống đồi trọc. Sau nhiều ngày suy nghĩ, Hợp đã chọn một hướng đi mới: không chỉ trồng keo tai tượng như các gia đình khác, anh chọn lát hoa, loại cây có giá trị kinh tế cao hơn.

Có được những kết quả khả quan sau nhiều nỗ lực, Quách Văn Hợp vẫn còn nhiều khát khao trên con đường chinh phục vùng đất khó của quê hương mình. Anh chia sẻ: sắp tới sẽ tiếp tục nhân thêm nhiều dự án trồng rừng, mở rộng mô hình xưởng mộc, chăn nuôi thêm các loại con giống…

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Từ nhân viên bưu điện thành tỷ phú nông thôn

Từ một nhân viên bưu điện xã với mức lương 144.500đ/tháng, sau 3 năm Nguyễn Quyết Tiến đã trở thành tỷ phú nông thôn với lợi nhuận thu được mỗi năm lên tới hàng tỷ đồng. Hãy cùng Sinh ra từ làngtìm hiểu bí quyết làm giàu của anh!

Nguyễn Quyết Tiến chia sẻ cùng MC của Sinh ra từ làng

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, có 3 em trai, nên sau khi học xong lớp 12, Nguyễn Quyết Tiến quyết định không học lên nữa mà ở nhà tìm việc làm đỡ đần bố mẹ và giúp hai em được đi học.

Sau đó, Tiến xin được việc trong bưu điện xã. Hai năm liền đi làm, mức lương của Tiến chỉ là 144.500 đồng/tháng – số tiền không đủ nuôi sống Tiến, chứ chưa nói đến việc giúp đỡ gia đình.

Là một thanh niên có hoài bão, Tiến quyết định nghỉ việc và về nhà làm kinh tế. Như nhiều thanh niên thôn khác, gia đình muốn Tiến ổn định nên cho anh lập gia đình. Được gia đình vợ cho 4 con lợn làm của hồi môn, Tiến cũng thử đổ nền xi măng, làm một cái chuồng nho nhỏ và bắt tay vào chăn nuôi. Sau 3 tháng, 4 con lợn ban đầu mang lại cho Tiến 8 triệu đồng. Từ khó khăn của chính mình trong quá trình chăn nuôi, Tiến cho rằng chăn nuôi nhỏ lẻ may mắn lắm thì cũng chỉ đủ sống. Muốn làm giàu thì phải mở rộng mô hình chăn nuôi theo hình thức trang trại. Và để tạo thuận lợi cho quá trình chăn nuôi, Tiến lại ấp ủ mở cửa hàng tạp hóa, cung cấp thức ăn chăn nuôi…

Đến năm 2004, may mắn được Trung ương Đoàn TNCS HCM cho vay vốn, Tiến mạnh dạn đầu tư về công nghệ, mở trang trại lớn, thuê hẳn một công ty chuyên chăm sóc lợn, tiêm dịch bệnh, đầu tư máy móc hiện đại để đảm bảo nguồn ra cung cấp cho thị trường thành phố.

Nhờ có cách làm bài bản, khoa học, chỉ sau 3 năm, Tiến đã thành công. Trang trại của anh có tới hàng trăm con lợn nái, hàng nghìn con lợn thịt.

Không những làm giàu cho bản thân, Tiến còn mở ra Hội nuôi lợn xã Bắc Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội để hướng dẫn mô hình chăn nuôi cho các anh em khác trong xã.

Vậy là chỉ trong vòng 3 năm, từ một anh nhân viên bưu điện xã với mức lương 144.500đ/tháng, Nguyễn Quyết Tiến đã trở thành tỷ phú nông thôn với lợi nhuận thu được mỗi năm lên tới hàng tỷ đồng.

Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

Làm giàu với 300 nghìn tiền vốn

Bạn có tin rằng với 300 nghìn đồng tiền vốn ban đầu, bạn có thể thu lãi 60 triệu đồng mỗi năm? Đó là trường hợp của Phan Tuấn Thanh – nhân vật của Sinh ra từ làng hôm nay.

Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên từ nhỏ, Phan Tuấn Thanh đã phải bươn chải khắp nơi kiếm việc làm để phụ giúp cha mẹ. Trải qua nhiều công việc ở thành phố, Thanh nhận ra rằng công việc ở thành phố quá vất vả mà thu nhập cũng không là bao trong khi chi phí cho đời sống lại cao. Thanh quyết chí về quê lập nghiệp.

Mô hình nuôi lươn của Phan Tuấn Thanh (Ảnh: Internet)

Công việc đồng áng giúp chàng trai trẻ phát hiện một nguồn lợi mới rất có tiềm năng: nuôi lươn. Ấp ủ ý định này, sau những giờ làm việc trên đồng ruộng, Thanh lại tạt qua các gia đình có mô hình kinh tế này để học nghề. Dần dần, Thanh đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm cho mình. Và với 300 nghìn đồng tiền vốn, Thanh bắt tay vào nghề nuôi lươn.

Với quan điểm: “lập nghiệp đâu cần phải làm những thứ to tát. Điều quan trọng phải biết phát huy được những thứ ngay bên cạnh mình”, Thanh đã tự mày mò nghiên cứu cách nhân giống lươn thay cho việc phải vất vả ngày ngày ra đồng mò bắt con giống. Trong quá trình thử nghiệm, đã có lúc 2 năm liền trắng tay nhưng Thanh vẫn kiên trì, quyết tâm tìm tòi để rút ra cách nuôi lươn trên cạn ít tốn kinh phí mà hiệu quả lại cao.

Với những nỗ lực của mình, hiện nay Phan Tuấn Thanh đã xây dựng thành công mô hình kinh tế thu lợi 60 triệu đồng/năm/100m2.