Trang

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Trồng hoa ly trong chậu thu lãi hơn nửa tỷ mỗi vụ

Xử lý và chăm sóc loại hoa ôn đới một cách hợp lý, lại tung ra thị trường đúng thời điểm đã giúp ông Phương (Đồng Tháp) thu lãi gần 700 triệu đồng một vụ hoa ly.

Từ thành công với cây hoa cát tường, ông Trần Văn Phương ở Tân Mỹ, phường Tân Qui Đông (Đồng Tháp) không ngừng học hỏi nhằm tìm một mô hình hoa ôn đớn mới mang lại năng xuất cao.

Năm 2012, ông quyết tâm bỏ công nghiên cứu và tham quan mô hình ở nhiều địa phương trong cả nước. Ông Phương nhận thấy nhu cầu thị trường về hoa ôn đới tại Đồng Tháp đang tăng cao, đặc biệt là hoa ly. Từ đó, ông đã nảy sinh ý tưởng trồng thử nghiệm nhiều loại hoa ôn đới trên mảnh vườn của mình, trong đó hoa ly được ưu tiên đầu tiên.

Hai năm đầu do chưa có được kinh nghiệm nên ông bị lỗ vốn trên 100 triệu đồng. Từ những kinh nghiệm đúc kết được ở những vụ hoa trước, năm thứ 3 chỉ với khoảng gần 3.000 chậu ông Phương lãi gần 300 triệu đồng. 



Hoa ly tại vườn nhà ông Phương: Ảnh: Nam Lê.


Với kinh nghiệm tích lũy, cùng với số vốn và đất sẵn có, ông Phương đẩy mạnh đầu tư về số lượng và trồng trên quy mô lớn. Tết Ất Mùi năm nay, ông tiếp tục cung cấp ra thị trường khoảng 6.000 chậu hoa ly với nhiều chủng loại, cũng như giá thành khác nhau. Một chậu hoa ly giá thấp nhất tại vườn của ông Phương là 90.000 đồng, cao nhất trên 150.000 đồng, gấp 3 lần hoa cúc mâm xôi và cao hơn 4-5 lần các loại hoa thông thường khác tại địa phương. Theo nhẩm tính của ông, năm nay sau khi trừ tất cả chi phí, vụ ly này ông lãi khoảng 700 triệu đồng.

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng hoa Ly, ông Phương cho biết, loài này trồng ở vùng khí hậu nhiệt đới rất khó, đặc biệt là chuyện xử lý hoa ra đúng dịp Tết Nguyên đán lại khó bộn lần. Để có được những chậu hoa ly đúng Tết, việc lựa chọn giống hoa, giá thể trồng và điều tiết nhiệt độ trong vườn… là những yếu tố cốt lõi. Hoa ly có rất nhiều loại và thời gian sinh trưởng mỗi loại cũng khác nhau. Trong đó, loại có thời gian sinh trưởng ngắn nhất là 1,5 tháng và loại dài nhất là 4 tháng. Do đó, để cho ly ra hoa đúng thời điểm mong muốn cần phải bố trí lịch gieo trồng và kỹ thuật chăm sóc thích hợp với từng loại giống.

Không trồng theo kiểu cắt cành như Đà Lạt, hoa ly của ông Phương được trồng trong chậu từ nhỏ, vì vậy người chơi hoa có thể chưng rất lâu. Đây cũng là ưu điểm mà ngày càng có nhiều khách hàng và mối lái tìm đến vườn ly của gia đình ông. 



Hoa ly được bán với giá dao động 90.000-150.000 đồng một chậu. Ảnh: Nam Lê.


Ông Phương cũng đánh giá, hiện tại nhu cầu của thị trường đối với loại hoa này vẫn còn nhiều tiềm năng. Kết thúc vụ mùa này, ông sẽ tiếp tục đầu tư thêm hệ thống phun tưới tự động, cũng như mở rộng thêm quy mô. Dự kiến trong năm 2016 tới, ông Phương sẽ trồng khoảng 15.000 chậu hoa ly. Trong đó, các giống ly có thân hình thấp thích hợp trồng trong chậu và các giống hoa được thị trường ưa chuộng sẽ được ông trồng nhiều hơn.

Một lãnh đạo ngành nông nghiệp ở Đồng Tháp cho biết, hiện ít nhà vườn nào trồng hoa ly, bởi lẽ, loại này cần có kinh nghiệm canh tác và chăm sóc hợp lý. Phần lớn các sản phẩm hoa ôn đới được bán tại Đồng Tháp đều được nhập từ Đà Lạt và Hà Nội, vì vậy giá thành của các loại hoa này khá cao so với các giống hoa nhiệt đới có tại địa phương.

Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

Đầu năm thăm khu vườn tiền tỷ của chàng trai đặc biệt

Sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu, anh Trần Kim Việt (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đã từ chối rất nhiều lời chào mời hấp dẫn của nhiều công ty để trở về nơi "chôn rau cắt rốn" lập nghiệp. Sau nhiều năm mày mò, chàng trai "khác người" đã là ông chủ của vườn ươm tiền tỷ với nhiều loại giống cây quý.

Nghị lực phi thường
Ngày đầu xuân, PV VietNamNet đã bất ngờ có cuộc gặp với chàng trai tật nguyền Trần Kim Việt - một trong những tấm gương về nghị lực phi thường, khiến nhiều người cảm phục.


Chàng trai tật nguyền Trần Kim Việt.


Đưa chúng tôi đi khắp vườn ươm với những mầm chồi xanh mơn mởn, xung quanh đó là nhiều người dân đang tới học hỏi kinh nghiệm. Chỉ tay về khu vườn ươm, Việt tự hào: "Cả một quá trình đó các anh à. Em cũng không nghĩ là mình có thể làm được như vậy".

Vừa lọt lòng mẹ, anh Trần Kim Việt (25 tuổi, trú xóm 5, xã Hương Long, Hương Khê, Hà Tĩnh) không may bị tật nguyền (chân trái bị teo cơ, chân phải phát triển không bình thường). Thấy con trai đi lại không vững, gia đình cũng không đành lòng để anh Việt tới trường.

Thế nhưng, khi thấy bạn bè đồng trang lứa hằng ngày cắp sách tới trường, Việt "nài nỉ" bố mẹ để được đi học. Năm gần 8 tuổi, khi cô em gái bắt đầu vào lớp 1, Việt nằng nặc đòi đi cùng. Chỉ với chiếc xe đạp "cọc cạch", cô em gái đã đưa Việt tới trường.

Không phụ lòng mọi người, Việt luôn cố gắng trong học tập. Không chỉ dừng lại ở những buổi học trên lớp, Việt mày mò tìm các cách giải bài khác nhau của từng câu hỏi, mỗi bài toán.

Một góc vườn ươm - nơi khởi nguồn của vườn ươm tiền tỷ của Việt.


Suốt từ năm học lớp 1 tới lớp 12, thành tích học tập của Việt luôn đạt loại ưu, có mặt trong "top" cao của lớp. Không những vậy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Việt "lấn sân" sang…"kinh doanh".

Bắt đầu từ việc buôn kem, sau đó là mở quán sửa xe đạp ngay cạnh trường. Tiếp đó, Việt còn kinh doanh máy tính Casio để kiếm thêm phụ giúp thêm cho việc học được thuận lợi.

"Mình cũng không biết máu kinh doanh nó ăn vào người từ lúc nào nữa. Khi ấy mình chỉ nghĩ kiếm ít tiền để đỡ đần bố mẹ mà thôi", anh Việt tâm sự.

Những nỗ lực không ngừng của Việt cũng được đền đáp bằng việc trúng tuyển vào ngành Nông - Lâm - Ngư trường ĐH Vinh. Để có thêm kiến thức, Việt đăng ký thêm ngành CNTT.

Nhờ đó, Việt tốt nghiệp một lúc hai bằng đại học (nông - lâm ngư và công nghệ thông tin). Tiếp đó, Việt tiếp tục bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ về khoa học cây trồng.

"Quả ngọt" cho chàng trai tật nguyền

Tuy nhiên, cứ mỗi khi về quê, hình ảnh người dân "bám mặt" vào trồng cây trầm hương vất vả nhưng thu nhập lại quá thấp. Từ đây, chàng sinh viên tật nguyền Trần Kim Việt trăn trở phải làm sao giúp đỡ bà con kiếm thêm thu nhập từ cây trầm. Việt đã từ chối lời mời vào Nam làm việc để trở về quê nhà "lập nghiệp".

“Khi biết việc nó không vào Nam làm việc mà muốn biến mảnh vườn hoang của nhà thành vườn ươm cây giống thì gia đình cũng phản đối nhưng nó đã quyết thì khó mà thay đổi được", ông Trần Kim Minh (bố Việt) chia sẻ.

Người dân tới xem và lựa chọn cây giống phù hợp.


Bằng những kiến thức được học cùng với việc chịu khó mày mò, tới cuối năm 2010, hơn một vạn cây trầm hương từ "lò" của Việt được người dân tranh nhau mua thử nghiệm đem lại cho Việt hơn 20 triệu đồng.

Với kết quả như vậy, Việt tìm cách mở rộng thị trường, không chỉ cung cấp cho người dân ở huyện Hương Khê mà cả nước. Nghĩ là làm, không chỉ tự thân vào Nam, ra Bắc để liên kết "mối làm ăn", Việt còn quảng bá vườm ươm của mình lên các trang web, các mạng xã hội. Cách làm của Việt đã mang lại hiệu quả đáng khích lệ.

Từ thu nhập hàng chục triệu bước đầu, đến nay, vườn ươm của Trần Kim Việt có hơn 50 loại cây như trầm hương, sưa đỏ, cam bù Hương Sơn, cam chanh Vũ Quang…Mỗi năm xuất khoảng 10 vạn cây giống khắp cả nước và một số nước láng giềng như Campuchia, Lào…thu về khoảng 2 tỷ đồng, trừ đi chi phí cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Không những thế, vườn ươm còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động trong xã với mức lương khoảng 3 triệu đồng/tháng.

Đối với những hộ nghèo, khi mua cây giống từ vườn ươm của Việt đều được giảm giá khoảng 20%. Sắp tới Việt cũng sẽ về từng thôn xóm của các xã để chuyển giao công nghệ trồng cây cho bà con.

Chia sẻ về dự định tương lại, Việt cho biết sẽ mở rộng diện tích vườn ươm của mình từ 1,5 ha lên khoảng 3 ha để trồng cây có múi và tăng số lượng cây giống phục vụ bà con.

Cách đây không lâu, Việt đã cho ra mắt Cty TNHH Vườn Ươm Việt (website: vuonuomviet.com). Đây là nơi để Việt quảng bá sản phẩm của mình, cũng là nơi trao đổi những kinh nghiệm của những người mê giống cây trồng.

"Không chỉ việc ươm cây giống mà màm việc gì cũng vậy, phải yêu, phải quý. Và cái quan trọng nhất là phải có cái tâm với công việc", anh Việt chia sẻ.

Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Chàng trai 9X kiếm tiền tỷ nhờ bỏ việc về quê nuôi lợn

Bỏ công việc lương cao ở thành phố, Hùng về quê với số vốn 100 triệu đồng và tự mình gây dựng sự nghiệp từ nghề nuôi lợn.


Để có được thành công như hôm nay, Đỗ Mạnh Hùng, chàng trai sinh năm 1991 ở Thái Thụy, Thái Bình kiếm gần 1 tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi lợn rừng Thái Lan đã phải trải qua không ít khó khăn. Tất cả bắt đầu từ một quyết định được coi là hết sức kỳ quặc.

Ở xã Thụy Sơn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, chỉ nhắc đến mấy từ “Hùng”, “lợn rừng”, người dân trong xã đã nói ngay: “Mạnh Hùng trang trại Nam Sơn phải không?”, rồi chỉ đường về tận nơi.

Khách đặt chân đến trang trại Nam Sơn lần đầu tiên đều sẽ ngỡ ngàng. Vườn cây ăn trái, cây cảnh, ao cá… được quy hoạch hợp lý và hiện đại. Đỗ Mạnh Hùng xuất hiện trong chiếc áo sơ mi giản dị và đeo kính cận, trông giống hệt một sinh viên vừa về quê thăm bố mẹ vài ngày. Anh có cách trò chuyện vui vẻ, gần gũi, chân thành. Vừa dẫn khách đi thăm quan trang trại, Hùng vừa kể lại câu chuyện cách đây hơn một năm anh gây dựng mô hình chăn nuôi lợn rừng Thái Lan.

Năm 2013, tốt nghiệp đại học, Hùng được nhận vào làm cho một công ty viễn thông lớn với mức lương cao. Tuy nhiên, với suy nghĩ dù lương có cao cũng vẫn là đi làm thuê, Hùng trăn trở nhiều đêm tìm hướng đi để có thể làm chủ một sản nghiệp của chính mình. 



Chàng thanh niên Đỗ Mạnh Hùng với nỗ lực làm giàu đáng khâm phục. Ảnh:Dân Việt


Không phải là một công ty hay doanh nghiệp làm về phần mềm - vốn là nghề “hot” ở thành phố, Hùng muốn làm điều khác biệt hẳn. Hướng đi mở ra khi anh đọc được về những mô hình trang trại hiện đại trên internet. Những ngày cuối tuần, Hùng lặn lội đi tìm hiểu thực tế các mô hình trang trại chăn nuôi ở Cần Thơ, Long An, Bến Tre…

Năm ấy, bố Hùng về quê gây dựng lại trang trại cũ. Thấy đúng với nguyện vọng của mình, anh quyết định xin nghỉ việc, về quê làm cùng bố. Dự định này của Hùng ngay lập tức bị bố mẹ phản đối kịch liệt, bạn bè cũng ra sức khuyên can.

Ông Đỗ Văn Chiến (bố của Hùng) nhớ lại: “Ban đầu chúng tôi không đồng ý, nhưng dần dần thấy Hùng quyết tâm tìm hiểu mô hình chăn nuôi thực tế và có nhiều ý tưởng hay, tính toán rất cặn kẽ nên tôi cũng xuôi dần, cứ để Hùng thử xem thế nào”.

Trong suy nghĩ của mọi người, bỏ việc về quê có nghĩa là bỏ phí bao nhiêu năm đại học, song đối với Hùng, những kiến thức anh tích lũy được trong 4 năm học ngành quản trị kinh doanh giúp ích rất nhiều trong việc xây dựng trang trại. Tuy nhiên, lý thuyết và thực tế luôn khác xa một trời một vực. Và đôi khi, có quyết tâm thôi chưa đủ.

Về quê với 100 triệu đồng tiết kiệm trong 3 năm làm việc ở công ty viễn thông, Hùng vay thêm tiền, thuê đất của người dân quanh vùng để làm trang trại. Ban đầu chưa có kinh nghiệm và không biết nuôi con gì, Hùng thả gà, vịt, ngan nhưng đều thất bại.

Khủng hoảng nhất là khoảng thời gian tháng 9/2013, khi cơn bão khủng khiếp đi qua đã thổi bay toàn bộ nóc nhà, trang trại. Tỉnh dậy sau một đêm thấy cơ ngơi trống trơn đổ nát, vật nuôi chết gần hết, Hùng mất trắng 300 triệu đồng. Chán nản, mệt mỏi nhưng không bỏ cuộc, Hùng nghĩ mình đã đầu tư nhiều tiền và công sức như vậy rồi, kể cả thất bại nhưng vẫn phải rút kinh nghiệm để làm lại từ đầu.

Sau sự cố ấy, Hùng lại một mình một xe máy lên đường đến các tỉnh lân cận để học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, xây dựng chuồng trại, cách ngừa dịch bệnh cho vật nuôi. Cuối cùng, Hùng đầu tư 400 triệu đồng để mua 54 con lợn rừng nhập từ Thái Lan.



Những chú lợn rừng "hái ra tiền" của chàng trai trẻ 9X. Ảnh Dân Việt


Hùng giải thích:“Giống lợn đó giá thành không cao, chỉ khoảng hơn 100.000 đồng mỗi kg, còn lợn rừng Thái Lan có giá khoảng 250.000 đồng mỗi kg. Hơn nữa, giống lợn Thái có nhiều ưu việt hơn so với lợn Việt Nam, như sức đề kháng cao, ít tốn công chăm sóc, tự thụ tinh chứ không cần sự can thiệp của con người, chuồng trại đơn giản, chi phí chăn nuôi thấp nhưng đầu ra ổn định”.

Mạnh dạn đầu tư vào vật nuôi lạ, Hùng trở thành người đầu tiên trong tỉnh theo đuổi mô hình này. Chàng trai trẻ ấy còn là người “tiếp lửa”, hướng dẫn và truyền kinh nghiệm cho rất nhiều người ở các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam… tìm đến học hỏi thực tế. Đến nay, trang trại đã được mở rộng tới 3 hecta, trung bình mỗi tháng xuất bán 40-50 con lợn, đem về thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Ông Ngô Ngọc Chiêm - Chủ tịch UBND xã Thụy Sơn cho biết: “Đây là mô hình điểm ở địa phương. Với sự thành công này, tôi hy vọng mô hình của Hùng sẽ được nhân rộng”.

Giờ đây khi trang trại đã bắt đầu ổn định, Hùng lại nghĩ đến việc du học thạc sỹ ngành Nông nghiệp ở Nhật Bản. Đối với anh, mọi thứ đều là lương duyên, quan trọng là mình có thể tìm được hướng đi đúng hay không.

Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

Ông già thành tỉ phú nhờ nuôi ba ba

Ở Hậu Giang, người dân vẫn truyền tai nhau muốn nuôi ba ba để thoát nghèo cứ tìm tới nhà ông Nguyễn Văn Hòa (xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp) mà học.

Tiếp chúng tôi vào những ngày cuối năm, người đàn ông nông dân 60 tuổi, chủ nhân trang trại nuôi ba ba lớn nhất nhì miền Tây không ngần ngại kể về quá trình lập nghiệp, cũng như hướng dẫn cặn kẽ kỹ thuật nuôi ba ba mà ông đã đúc kết trong suốt 15 năm.

 

Nghề nuôi ba ba giúp ông Hòa trở thành tỉ phú, thu nhập mỗi năm trên 2 tỉ đồng.

Ông Hòa kể trước đây từng nhiều năm trồng mía nhưng chẳng khi nào thành công, có thời điểm ông vùi vào nợ nần do thua lỗ. Trong một lần tình cờ, ông Hòa bất ngờ khi biết giá của mỗi ký thịt ba ba cao gấp 5 lần so với thịt heo. Sau lần đó ông trằn trọc và quyết định thử nuôi ba ba thịt. Khi đó là năm 2000.

Gần một tuần tìm hiểu, ông học lỏm được cách xây ao nuôi ba ba từ một trang trại ở Cần Thơ. Ngay lập tức, ông xới mảnh đất sau vườn làm ao thả ba ba. “Lứa đầu, tôi vay nợ 10 triệu đồng nuôi thử. 15 con giống đầu tiên chết sạch. Công chăm sóc 3 tháng xem như bỏ. Lúc ấy tôi chịu nhiều áp lực từ gia đình, phần vì con cái đang cần tiền ăn học” - ông Hòa nhớ lại.

Chưa bỏ cuộc, ông dành thời gian đi khắp nơi, tìm hiểu qua sách vở về kỹ thuật nuôi ba ba. Trong 4 năm đầu, ông liên tục thua lỗ, số nợ lên đến cả trăm triệu đồng nhưng cũng nhờ vậy mà ông tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong quá trình nuôi. Đến năm 2004, lần đầu tiên xuất bán, ông lãi được gần 100 triệu đồng. Kể từ đó, ông Hòa mở rộng diện tích ao nuôi lên 3 hecta, quy mô gấp 10 lần lúc ban đầu.

 

Trang trại của ông Hòa là một trong những nơi cung cấp ba ba giống lớn nhất miền Tây

Ông dần trả hết nợ nần, còn tiền lời thì không ngừng tăng lên. Hiện nay, sau khi trừ hết chi phí, trang trại ba ba của ông sinh lời gần 2 tỉ đồng. Bên cạnh ba ba thịt, ông cung ứng giống lớn nhất nhì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều người địa phương thường gọi ông là “Ông Hòa tỉ phú”.

Dẫn chúng tôi tham quan trang trại, ông Hòa cho biết trang trại của ông hiện có 22 ao, mỗi năm cung ứng gần 5 tấn ba ba thịt và trên 350.000 con giống. Nhu cầu thị trường tương đối lớn nhưng ít người đầu tư. Do đó, dù ông không ngừng mở rộng ao nuôi, nhưng vẫn không đủ cung cấp.

Chỉ tay vào một ao đang nuôi, ông Hòa khoe: “số ba ba này chỉ cần chăm sóc 2 tháng là đã lớn bằng 2 bàn tay rồi. Loài vật này dễ nuôi lại sinh sản rất nhanh, mỗi năm có thể sinh sản 8 lần với hàng trăm con giống”.

Dù đã 60 tuổi, khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ nhưng ông vẫn Hòa quyết tâm tìm hiểu để website quảng bá thương hiệu ba ba. Nhờ vậy nhiều thương lái ở khắp nơi tìm đến trang trại của ông. “Trước khi lập website quảng bá, tôi chỉ bán ba ba cho các nhà hàng tại Cần Thơ. Từ ngày có trang mạng riêng, mỗi tháng hàng trăm khách hàng và hàng chục chục người từ khắp nơi đến nhờ tôi hướng dẫn cách nuôi và nhân giống ba ba” - ông Hòa cho biết.

Theo ông, quảng bá trang trại trên internet là một điều cần nên làm trong thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin. Ngoài việc, nhiều người biết đến còn thuận lợi cho chuyện mua bán, đặt hàng. Ông Hòa tâm sự: “Có được ngày hôm nay là tôi dám làm dám nghĩ và quyết tâm với nghề”.

Đã có hàng chục nông dân khắp khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long làm ăn khấm khá, sau khi được ông Hòa hướng dẫn. Cụ thể, bà Lê Thị Vân (chủ ba ba Thốt Nốt, Cần Thơ) chia sẻ: “Không những ông Hòa nhiệt tình giúp đỡ, mà còn hướng dẫn chỉ đầu ra giúp cho gia đình tôi bán giá cao nữa”.

Trong suốt 15 năm nuôi ba ba, điều mà ông Hòa rút ra cho bản thân rằng nghề nuôi ba ba ở Hậu Giang không mới nhưng với cách làm mới, biết áp dụng khoa học, kỹ thuật cho sản phẩm chắc chắn sẽ thành công.

Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

Vượt qua lầm lỡ trở thành tỷ phú

Từ một người nghiện ma túy, với quyết tâm làm lại cuộc đời, nay mỗi năm anh Nguyễn Thuận Hồng xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã có thu nhập tiền tỷ.

Quê anh Hồng ở Quảng Trị, hết lớp 7 phải nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình. Cuộc sống khó khăn, anh theo cha mẹ vào Đắk Lắk sinh sống. Hết nghĩa vụ quân sự, anh xin làm công nhân Nông trường Cà phê Ea Ktuôr (nay là Công ty Cà phê Ea Ning).

 
Anh Hồng chăm sóc vườn tiêu.

Những năm 1990, khi gần 30 tuổi, có vợ và hai đứa con do chơi cùng mấy người bạn bị nghiện ma túy nên tập tành hút thử, và mắc nghiện lúc nào không hay. Từ khi nghiện ma túy, anh yếu dần, không làm được việc nặng rồi bị đuổi khỏi nông trường. Để có tiền chơi ma túy, anh bán hết những thứ có giá trị trong nhà, thậm chí còn trộm cắp của hàng xóm, chặn xe ngoài đường cướp giật.

Năm 1994, anh Hồng bị công an bắt và bị phạt tù vì tội trộm cắp tài sản. Ngồi trong tù, anh Hồng hối hận và quyết tâm cai nghiện. Nhiều lần dứt được cơn nghiện, nhưng về đến địa phương gặp gỡ bạn cũ anh lại tái nghiện. Vợ chồng anh quyết định chuyển sang Gia Lai làm ăn, tránh xa đám bạn xấu. Được sự hỗ trợ của vợ, hơn một năm sau anh Hồng hoàn toàn dứt bỏ ma túy, đưa vợ con trở về Ea Ning. Bỏ ngoài tai sự miệt thị của dư luận, anh quyết tâm làm lại từ đầu bằng hai bàn
tay trắng.

Nhờ sự giúp đỡ của người thân, anh mua được 5 sào đất trồng hồ tiêu. Năm 2001, Công ty Cà phê Ea Ning cho dân đấu thầu hồ nước để nuôi cá. Vợ chồng anh thế chấp sổ đỏ tham gia và trúng thầu. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, cá nuôi ở hồ và hồ tiêu đều thất bát, lâm vào cảnh nợ nần.

Biết mình thiếu kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, anh tìm đến người có kinh nghiệm tại địa phương để học hỏi. Từ đó cuộc sống và công việc dần ổn định, anh mua thêm được 1ha đất trồng tiêu. Từ một người nghiện, anh Hồng trở thành nông dân làm kinh tế giỏi tiêu biểu của xã. Hiện tại, gia đình anh thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm từ tiêu và hồ cá. Anh xây được nhà ở khang trang, mua máy xay xát lúa gạo, cà phê phục vụ cho bà con trong vùng.

Anh Hồng chia sẻ: “Một vài gia đình trong và ngoài xã có người nghiện cũng tìm tới tôi học hỏi kinh nghiệm. Tôi khẳng định, cai nghiện rất khó, nhưng bản thân quyết tâm, có gia đình, người thân tiếp sức thì sẽ làm được”.

Ông Võ Mạnh Hà trưởng thôn 11, xã Ea Ninh cho biết: Gia đình anh Hồng là một trong những hộ có tiềm lực kinh tế đứng đầu của xã. Nhiều năm liền, gia đình anh được UBND xã khen tặng “Gia đình văn hóa”. Anh Hồng còn là một tấm gương để những người lầm lỡ, vấp ngã học tập.

Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

Thu hàng trăm triệu từ cây mắc ca

Trong lúc chưa có người trồng mắc ca nào thành công tại vùng núi phía tây Thanh Hóa, anh Phạm Hữu Tú vẫn dám chặt “non” gần 2ha luồng để dành đất cho một loại cây lần đầu tiên nghe tên.

Hơn 10 năm trước anh Phạm Hữu Tú (Thành Mỹ, Thạch Thành, Thanh Hóa) được nhận khoán 20 ha rừng từ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện. Ngoài việc chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ, diện tích còn lại anh cùng gia đình tập trung đầu tư trồng luồng – loại cây rất có giá trị lúc bấy giờ.

Năm 2006 nhân chuyến đi công tác tại địa phương, nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn nhắc đến giống cây mới tên là mắc ca có giá trị rất cao, có thể mang về hàng tỷ đôla mỗi năm, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây. Lập tức, anh Tú bắt tay vào tìm hiểu về loại cây có tên lạ này.

Thực tế, lúc đó một số hộ dân tại các huyện lân cận như Ngọc Lặc, Thường Xuân đã trồng mắc ca, nhưng tất cả đều không thành công. Lặn lội lên tận nơi để dò hỏi nguyên nhân thất bại, anh nhận thấy mắc ca là cây ưa ánh sáng, trong khi các hộ trồng tận dụng phần đất hở để xen canh với nhãn hoặc cây rừng, nên dù có đến cả trăm gốc mắc ca nhưng chỉ thu được vài kg quả tươi.


Anh Tú (áo kẻ) muốn phủ kín đồi trọc quê hương bằng cây" tỷ đô" mắc ca.

Mừng vì rút được kinh nghiệm, anh Tú càng quyết tâm làm. Qua giới thiệu, anh tìm đến Trạm Nghiên cứu Giống cây trồng Ba Vì (nay là Viện Nghiên cứu Giống cây trồng Hà Nội) đặt mua 500 cây giống với giá 40.000 đồng một cây về trồng thử. Lúc này, phần lớn số diện tích đất tốt của gia đình đang trồng luồng, số còn lại là đồi trọc, xa nơi ở không tiện chăm sóc cây mắc ca. Tính toán mãi, cuối cùng anh quyết định thu hoạch luồng sớm hơn kế hoạch.

“Khi đó gần 5ha luồng được hơn 5 năm tuổi, còn ít thời gian nữa vào thu hoạch. Không còn cách nào khác, tôi phải chặt non 2ha để nhường đất cho mắc ca. Giống đã mua về, tiền cũng đã bỏ ra đành lòng thử liều một phen. Nói thật khi đó cũng rất run”, anh Tú kể lại.

Anh cho biết, mắc ca là một loại cây dễ trồng, ưa ánh sáng, kỹ thuật canh tác, chăm sóc không đòi hỏi cao nên quá trình trồng không gặp nhiều khó khăn. Nhưng khi đến lúc thu hoạch thì bắt đầu lo đến đầu ra. Do là giống cây mới, thậm chí khi đó nhiều người trong vùng còn lầm tưởng mắc ca là cây ca cao. “Người nói ra nói vào cây này ở Tây Nguyên trồng còn chưa ăn ai chứ nói gì ở vùng ‘chó ăn đá gà ăn sỏi này’”, anh Tú nhớ lại.

Tuy vậy, người nông dân vùng núi này lại nghĩ đơn giản rằng một loại quả dùng làm nguyên liệu cho ngành thực phẩm lẫn dược phẩm chắc chắn sẽ có người mua nếu như đưa ra thị trường thứ quả tốt. Có lúc, anh đã tính nếu “bí”quá đem ra chợ vừa bán vừa tuyên truyền cho mọi người biết công dụng của mắc ca.

Cứ vậy, sau 3 năm trồng thử, đến năm 2009 một số cây mắc ca bắt đầu cho quả bói, thu hoạch cũng được vài cân quả tươi. Đến năm 2011, anh Tú thu được 5 tạ quả, một năm sau đạt một tấn và năm nay sản lượng là hơn 3 tấn.

“Khó khăn rồi cũng qua hết và quả nhiên hai năm nay không có quả mà bán. Một số công ty bánh kẹo tại Hà Nội, Công ty dược phẩm Trung ương 1 cũng đặt hàng nhưng quả ra còn không kịp”, anh Tú cho biết.


Sản lượng quả mắc ca luôn tăng nên có thể cho thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.

Đang đúng thời điểm sinh trưởng tốt, sản lượng quả ngày càng tăng, giá bán ổn định ở mức 60.000-80.000 đồng một kg, mỗi năm thu về 300-400 triệu đồng, anh Tú lại đột ngột chuyển hướng.

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng cây mắc ca, nhiều hộ dân quanh xã và các khu vực lân cận cũng bắt đầu cải tạo diện tích đồi để trồng. Tin tưởng về chất lượng quả mắc ca của vườn anh Tú, mọi người đến đặt anh làm cây giống. Vì vậy, một năm trở lại đây, anh dành nhiều công sức và tâm huyết để ươm cây, lai ghép cành bán cho những ai có nhu cầu.

“Kể từ khi trồng mắc ca đến nay không gặp nhiều thất bại, nhưng khi chuyển qua tạo giống cây lại gặp nhiều khó khăn. Như vụ vừa rồi có hơn 10.000 cây chờ ghép, nhưng thời tiết mưa nhiều, ẩm thấp nên chỉ thành công được khoảng 3.000 cây, số còn lại coi như mất”, anh cho hay.

Sau mỗi lần thất bại, anh Tú lại khăn gói đi gặp các chuyên gia trồng trọt, thợ ghép cây giỏi để tìm hiểu nguyên nhân, học hỏi kinh nghiệm, xin được chuyển giao công nghệ. Nhờ đó mà tay nghề ghép cây giống của anh chuyên nghiệp hơn trước, giống cây mắc ca do anh ươm hiện đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành khu vực miền Bắc.

Thời gian tới, bên cạnh việc cung cấp cây giống, anh Tú có kế hoạch mở rộng thêm một số diện tích trồng mới. “Tôi muốn phủ kín đồi trọc của quê hương bằng giống cây này. Chắc chắn năm sau sẽ có thêm một vài ha mắc ca nữa, nếu không sẽ thụt lùi so với các hộ khác”, anh Tú nói.

Thủ lĩnh Đoàn nuôi heo thu nhập gần nửa tỷ đồng

Chị Ngô Thị Cẩm Như, 28 tuổi, Bí thư xã Đoàn Thạnh Trị (Thạnh Trị, Sóc Trăng) không chỉ là thủ lĩnh phong trào thanh niên ở địa phương mà còn trực tiếp làm giàu với mô hình nuôi heo, thu lợi gần nửa tỷ đồng mỗi năm.

Chị Như đang pha chế thuốc.


Học nuôi heo từ Internet

Giữa trưa những ngày cận Tết, tại trang trại nuôi heo nằm sâu hút trong con đường ngoằn nghèo, chị Như miệt mài chuẩn bị thuốc để tiêm cho heo. Sau vài phút pha chế, chị chỉ tay vào con heo bệnh kêu người làm hỗ trợ bắt để tiêm thuốc. Chị nói: “Con này chiều qua có dấu hiệu bệnh nên phải chích thuốc ngay để chữa, ngăn không lây sang con khác”. Chị Như cho biết, trại vừa xuất chuồng bán 40 con cách đây 4 ngày. Hiện trong chuồng còn 50 con và chuẩn bị bắt thêm 30 con nữa để nuôi.

Với gương mặt xinh xắn, dáng người cao, luôn tươi cười khi tiếp xúc với mọi người, nhìn cách chị bơm thuốc, chích ngừa heo một cách nhanh, gọn và chuyên nghiệp, tôi hỏi chắc chị Như đã học qua trường lớp thú y? Chị mỉm cười nói: “Tôi không học qua trường lớp nào cả mà chủ yếu là kinh nghiệm thực tế từ việc nuôi heo và tự học trên internet”.

Trong quá trình làm công tác tuyên truyền, vận động thanh niên tham gia các hoạt động Đoàn và phát triển kinh tế gia đình, chị Như nhận thấy, nhiều thanh niên lần lượt rời quê đi xa kiếm sống. “Thanh niên thấy quê nghèo, ngoài đồng ruộng, không có việc gì khác để có thu nhập ổn định, trong khi làm ruộng thì cha mẹ làm là đủ nên họ bỏ quê đi làm thuê. Trước cảnh đó, tôi quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất của mình cho các bạn trẻ học tập”, chị chia sẻ. Theo chị Như, sau khi đi tham quan nhiều mô hình kinh tế ở trong và ngoài tỉnh, chị thấy mô hình nuôi heo hợp với khả năng, nhất là nhà có ruộng cách xa nơi đông dân cư và chồng làm nhân viên bán hàng cho công ty thức ăn nên thuận lợi cho việc nuôi heo.

Thu lợi 500 triệu đồng/năm

Đầu năm 2012, với số vốn 30 triệu đồng từ nguồn vay của tổ chức Đoàn cộng với hơn 100 triệu đồng được gia đình giúp đỡ, chị đầu tư hệ thống chuồng trại trên diện tích hơn 0,4 ha của nhà mình, đảm bảo quy trình kỹ thuật với hầm nước tắm tự động, hầm chứa biogas, hệ thống nước thải, điện, nước. Còn giống mua ở Trung tâm giống tỉnh Sóc Trăng và của người dân.

Việc vừa làm kinh tế gia đình vừa làm việc tại cơ quan sẽ gây không ít khó khăn, nhưng theo chị Như, điều quan trọng là sắp xếp thời gian cho hợp lý. Chị Như nói: “Sáng sớm chỉ cần đổ thức ăn vào máng tự động là đủ để heo ăn cả ngày, còn tắm rửa đã có hầm nước tự động nên chỉ cần thuê 1 người làm công”.

Chị Như tính toán, một con heo nuôi trong vòng 4 tháng xuất chuồng, chi phí gần 4 triệu, đến khi bán giá trung bình (như năm nay) là 50.000 đồng/kg heo hơi, mỗi con trên 100 kg lãi hơn 1 triệu đồng. Hơn nữa, mua thức ăn với số lượng lớn, công ty giao đến tận nhà nên giá mềm hơn những người nuôi khác. Năm 2014, trang trại của chị Như bán gần 500 con heo thịt, trung bình mỗi con giá khoảng 5 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi gần 500 triệu đồng.

Mô hình kinh tế trang trại không chỉ giúp gia đình có kinh tế ổn định mà còn tạo công ăn việc làm, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho thanh niên trong xã. Với cương vị là thủ lĩnh thanh niên của xã, chị Như khẳng định: “Mình lãnh đạo thanh niên mà làm kinh tế không giỏi thì nói ai nghe”. Ngoài việc vừa làm Bí thư xã Đoàn Thạnh Trị vừa quản lý trang trại heo hàng trăm con, chị còn là chủ cửa hàng thức ăn gia súc, gia cầm và lúa giống để cung cấp cho người dân.

Chị Võ Kim Bằng, Bí thư Huyện Đoàn Thạnh Trị nhận xét, chị Như không chỉ giỏi làm kinh tế gia đình mà trong công tác luôn năng nổ, hoàn thành tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên trong xã tích cực tham gia các phong trào do Đoàn cấp trên phát động. Chị cũng luôn truyền ngọn lửa nhiệt huyết và khát vọng làm giàu chính đáng của bản thân để giúp thanh niên vươn lên thoát nghèo.

Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2015

Làm giàu từ 7 quả trứng gà rừng

Từ 7 quả trứng nhặt trong rừng, anh Hà đã mở rộng lên thành một trang trại nuôi gà rừng, mỗi năm cho thu nhập ổn định 50-60 triệu.

Đã hơn 10 năm nay, tại khu vườn của anh Phạm Văn Hà (40 tuổi) ở thôn Trà Kiệu Tây, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, hàng trăm con gà rừng màu lông rực rỡ chạy loanh quanh dưới tán rừng trồng kiếm ăn, tối đến lại vào chuồng. Nghề nuôi gà rừng được anh Hà bắt đầu từ 7 quả trứng nhặt trong rừng đem về gây giống.
Không phụ lòng chủ nhân

Nhà anh Hà ở sát chân núi, xung quanh rừng trồng cây keo, cây tràm nối đuôi nhau xanh ngút ngàn, dưới tán rừng đó là hàng trăm con gà đang tìm kiếm thức ăn. Để “quy tụ” chúng lại, anh huýt vài tiếng sáo thì từng con chạy lon ton đến mổ thóc, gạo mà không một chút sợ hãi. Gà đầy đủ chủng loại từ gà con, gà mẹ, chúng chăm ăn giống như gà nhà - một cảnh tượng rất hấp dẫn. 



Gà rừng có giá 1-1,5 triệu đồng/cặp.


Có được như ngày hôm nay, anh Hà đã mất hơn 10 năm trời để thuần chủng chúng. Gắn bó với nuôi gà rừng, anh được mọi người gắn cho cái tên - Hà "gà rừng". Khi biết được hiệu quả của gà rừng đem lại, anh dứt bỏ nghiệp “cầm vô lăng” để chuyển hẳn qua phát triển chúng. Từng con gà được anh chăm sóc và “trả ơn” cho chủ những khoản thu nhập ổn định.

Câu chuyện về việc nuôi gà rừng được nhen nhóm từ lúc Hà còn nhỏ. Bởi nhà ở gần rừng, hàng ngày Hà chứng kiến rất nhiều con gà rừng thường bay xuống nương vườn mà không có cách nào giữ chúng lại. Loại gà này màu lông rất đẹp, thịt thơm ngon nhưng đành nuốt nước bọt vào trong.

Anh Hà kể, ba mẹ anh mất sớm nên tuổi thơ sống với anh trai, hàng ngày lên rừng đốn củi đem bán. Trong một một lần đi rừng, Hà bắt được một tổ gà rừng có 2 hai con đem về nuôi. Thấy em trai mình đưa gà về, anh trai hốt hoảng. Sau đó bắt Hà phải đưa ra rừng thả, với lời căn dặn của anh trai rằng, gà rừng không nuôi được, rước chúng về nhà sẽ gặp tai họa. Vì bao đời nay không một ai nuôi chúng. Từ đó, Hà không nghĩ đến việc nuôi gà rừng nữa!

Lớn lên, Hà nhập ngũ vào quân đội, ra quân đi học lái xe. Từ đây nghề cầm vô lăng chạy khắp đất nước nhưng anh vẫn không quên vùng quê của mình, vùng bán sơn địa rộng lớn, có sông núi, đất đai màu mỡ. 



Anh Hà cho gà rừng ăn.


Trong những chuyến hành trình chinh phục các con đường, Hà bắt gặp nhiều mô hình làm ăn kinh tế từ rừng trở thành giàu có, anh chợt nghĩ, tại sao không về quê lập nghiệp, mà đi làm thuê? Quê mình chẳng khác gì ở những nơi này. Từ suy nghĩ đó, anh nhen nhóm về quê phát triển kinh tế trồng rừng. Năm 2002 Hà có chút vốn trong tay, gác lại nghề lái xe, anh về quê cưới vợ và trồng mấy ha cây keo lá tràm.

Mặc dù xa quê hàng chục năm, vậy mà gà rừng vẫn còn nhiều. Anh nghĩ, gà rừng có thể làm thịt, đặc biệt là nuôi làm cảnh, bán với giá cao. Tại sao lại không nuôi thử? Bây giờ nhà cửa đã có, không sợ anh trai đuổi ra khỏi nhà như ngày trước.

Có sẵn máu nuôi gà rừng từ nhỏ, anh theo đuổi nuôi gà rừng. Anh ra bìa rừng, nơi có những ruộng lúa mà gà rừng thường xuống ăn. Hết đặt bẫy, dùng nhựa cây để bắt chúng nhưng đều bất thành. Bởi loại gà này nhút nhát đã đành mà lại rất khôn, chúng hình như đánh hơi được bẫy, thấy là tránh xa. Khó khăn là thế nhưng Hà vẫn không nản, tìm đủ cách để bắt được chúng. 



Gà rừng thuần chủng như gà nhà.


“Tổ gà rừng rất khó tìm, chúng thường đẻ trứng ở bãi cỏ rậm rạp và ngụy trang kín đáo. Rất may, sau nhiều hôm theo đàn trâu, bò đi ăn thì tôi phát hiện được một tổ có 7 quả trứng. Chúng làm tổ trong bụi cỏ sát mặt đất, khi trâu bò đi ăn đụng phải tổ thì gà mẹ bay khỏi tổ”, anh Hà kể lại.

Thấy trứng như thấy vàng, anh mừng khôn xiết. Theo kinh nghiệm, anh bỏ trứng vào ổ gà nhà để ấp, cách làm này đã thành công. Cả quả 7 trứng thì nở được 3 con để làm vốn, 2 mái, 1 trống. Và cái nghề nuôi gà rừng của anh bắt đầu từ đây.

Gà nở ra, để có thông tin về kỹ thuật chăn nuôi, anh chịu khó tìm mua sách báo và đọc tài liệu liên quan đến việc nuôi gà rừng nhưng chẳng có, thế là anh áp dụng cách nuôi các loài vật có đặc tính gần giống, để tìm ra cách nuôi phù hợp. Từ môi trường tự nhiên thành môi trường nuôi ở nhà quả là rất khó đối với gà rừng.

Để quen với cách nuôi thả vườn, ban đầu anh nhốt từng lồng riêng sát bìa rừng, sau đó mới thả rông. Thức ăn chính là côn trùng, sau đó rồi tập ăn dần cho gạo, cám, cỏ và thóc. Qua quá trình tìm hiểu, anh từng bước xây dựng được chế độ ăn uống một cách khoa học, cũng như nắm bắt thói quen của loài gia cầm này để giữ chân chúng lại. “Nay đàn gà của tôi có thể nuôi công nghiệp, nhưng nuôi như vậy gà sẽ không đẹp, không có giá”, anh Hà cho hay.


“Khó khăn nhất là việc tập cho gà ở trong chuồng, bởi gà rừng thường đậu trên cành cây. Cứ mỗi đêm phải bắt nó vào chuồng, còn không là ngủ ngoài vườn hết. Dần mà thành quen, rồi nó cũng ngủ trong chuồng. Ở trong xã có nhiều người đến học hỏi kinh nghiệm, và mua về nuôi nhưng đều thất bại, bởi không có ai kiên nhẫn với loại vật nuôi này. Gà rừng có sức đề kháng cao, dễ nuôi, không cần nhiều thức ăn, khỏe, ít dịch bệnh, thịt chắc, thơm ngon, rất dễ bán nên thu hồi vốn nhanh”, anh Hà tâm sự.


Ngày anh nuôi gà rừng, bạn bè, làng xóm bảo anh là thằng điên, thằng khùng… Có người chỉ mặt, rảnh thì phát nương rẫy mà trồng keo bán, ai lại đi làm ba cái việc vô bổ như vậy. Nhưng anh bỏ mặc ngoài tai, anh tự động viên rằng, mình thích thì làm, chẳng làm hại đến ai mà sợ. Cho đến ngày, từng đàn gà anh huýt sáo chạy đến vây quanh chủ nhân rồi mổ thóc gạo ăn thì mọi người mới bái phục anh.

Vốn trong tay có 2 con gà mái và 1 con gà trống, anh còn tranh thủ tìm mua lại gà rừng từ những thợ săn để nhân thêm đàn. Ban đầu, anh chỉ nuôi gà rừng làm cảnh, sau đó anh giới thiệu đến mọi người, từ một đến hai… và nhiều khách hàng tìm đến đặt mua gà anh nuôi, do gà rừng có dáng vẻ đẹp và khỏe mạnh. 

Gà "bay" khắp nước

Hôm chúng tôi đến nhà tìm gặp anh thì đóng cửa cài then, chờ đến trưa cũng chưa thấy về nên quyết định hôm sau quay lại. Chúng tôi đang trên đường từ thôn đi ra, cùng lúc anh đi ngược chiều.

Thấy chúng tôi, anh dừng xe lại và hỏi: "Đến gặp Hà 'gà rừng' ạ! Tôi lấy làm khó hiểu thì được anh giải thích: “Người lạ đến thôn chỉ đến nhà tôi mua gà rừng thôi, chứ thôn này có ai đến đâu!”.

Nói về gà rừng, Hà khoe, gà của anh giờ bán đi khắp nơi. Từ Cà Mau đến Lạng Sơn đều có hết, họ đặt hàng qua điện thoại sau đó gửi đi. Hiện trang trại có hơn 200 con. Theo anh Hà, gà rừng sinh sản nhanh, mỗi năm đẻ 3 lứa, mỗi lứa từ 8 đến 10 trứng, có lứa lên đến 15 trứng. Thịt gà rừng thơm ngon, đặc biệt là làm cảnh nên được nhiều người tìm mua. Trung bình, gà thịt có giá 500.000 đồng/kg; gà nuôi cảnh 2 - 3 tháng tuổi có giá 1 triệu đồng/cặp; gà trưởng thành giá 1,6 triệu đồng/cặp.


Anh Hà bộc bạch: “Mỗi con gà rừng thương phẩm có trọng lượng 1 - 1,5 kg, thịt ăn rất ngon, nhưng không dám ăn, vì giá khá đắt. Chỉ những khi chó cắn gà bị gãy chân, gãy cánh thì có được miếng thịt gà”.



“Trước đây, tôi nghĩ chỉ nuôi vài con chơi cho vui, nhưng sau thấy nuôi gà rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu ra phong phú nên tôi bắt đầu xem đây là nghề chính. Nuôi gà rừng không khó, chủ yếu là phải đam mê và hiểu tập tính của gà rừng mới có thành quả”, anh Hà chia sẻ.

Nuôi gà rừng giúp anh Hà có thu nhập ổn định mỗi năm từ 50 đến 60 triệu đồng. Ngoài việc cung cấp nguồn gà, anh tận tình chỉ dẫn những kỹ thuật cũng như kinh nghiệm nuôi cho từng người. Bên cạnh tiếp tục mở rộng đàn gà rừng, anh Hà đang tìm hiểu để nuôi thêm một số loại chim cảnh quý hiếm. Anh luôn trăn trở đến việc bảo tồn những loài vốn sống trong môi trường tự nhiên nhưng ngày càng khan hiếm, do việc săn bắt tràn lan.

Đồng hành với phát triển gà rừng, tại trang trại của mình, anh đã đầu tư nuôi thêm gà chọi. Theo anh, ở đây phong trào đá gà cũng nhiều, nên mình nuôi bán có lời lắm. Gà chọi giá rẻ nhất là 500.000 đồng/con, còn loại “chiến đấu” tốt thì vô giá lắm. Ngoài ra, anh đang nhân giống chim bìm bịp, một loại chim quý được dân gian dùng ngâm rượu điều trị bệnh, bán với giá cao.

Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

Ông chủ vườn chuối "làm chơi" mà tậu xe hơi

Với 3ha chuối, dự kiến cho thu về hơn 3 tỷ đồng vào dịp Tết Nguyên đán năm nay, ông Nguyễn Văn Thu ở thôn Địa Mối xã An Sinh (Đông Triều –Quảng Ninh) chia sẻ, trồng chuối đúng là “làm chơi, ăn thật”.

Trẻ trồng na già trồng chuối

Các cụ có câu “trẻ trồng na, già trồng chuối”, kinh nghiệm này hiện đã rất hữu ích cho ông Nguyễn Văn Thu. Đưa chúng tôi đi thăm vườn chuối với hơn 3 vạn cây, cây nào cây đó đều thẳng tắp, được bố trí thành hàng lối ngăn nắp để áp dụng được máy móc, phía dưới tán chuối ông đang thử nghiệp cam, quýt, thanh long… khiến cho những vị khách như tôi bị lạc vào một thiên đường cây trái không tìm được lối ra.

 

Ông Thu đang chăm sóc vườn chuối của mình.

Ông Thu sinh năm 1958, sau khi xuất ngũ về quê, ông cũng như bao người nông dân khác, “gác súng gươm” về với ruộng đồng. Ngoài làm ruộng, ông Thu còn chạy chợ ngược xuôi, buôn bán đủ các nghề để nuôi 5 đứa con ăn học. Khi tích luỹ được một số vốn kha khá, ông Thu đã quyết định mua thêm đất để chuyển hướng sang làm kinh tế trang trại. “Lúc đầu, tôi trồng rất nhiều vải thiều và chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, lợn thì năm nào được giá còn có lãi, có năm thì chỉ lấy công làm lãi, thậm chí còn bị âm cả vào vốn còn vải thiều cũng trong tình trạng bấp bênh tương tự, cứ được mùa giá lại thấp, năm mất mùa thì giá lại cao nên lợi nhuận cũng chẳng được nhiều”, ông Thu nói.

Mất tới 5 năm trồng vải để cho thu hoạch nhưng sau những chuyến đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương, ông Thu trở về đã đưa ra một quyết định đầy táo bạo, chặt hết cả vườn vải 3 ha mà bao lâu nay gia đình ông dày công trồng trọt mới được tới ngày thu quả. “Nhiều người khi đó còn tới khuyên bảo tôi là không nên lãng phí như thế, để có được vườn vải phải mất 5 năm trời, dù giá có lúc thấp, lúc cao nhưng mỗi năm trừ chi phí cũng thu về hàng trăm triệu đồng thì tại sao lại phá đi. Nhưng tôi vẫn quyết định chặt hết và có người còn cho tôi là điên khùng”, ông Thu nói.

Sau khi chặt hết vải, ông chuyển sang trồng na, thời điểm đó, na trồng sau 3 năm đã cho thu quả, vừa được mùa lại được giá, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Mỗi năm, trừ hết chi phí, vườn na cũng đem lại cho gia đình ông thu nhập hơn 300 triệu đồng, gấp đôi so với thu nhập từ vườn vải trước đó. Những tương có được một vườn na với 3ha, cho thu nhập ổn định, ông Thu sẽ “yên phận” với loại cây trồng này cho tới khi về già. Tuy nhiên, chỉ sau một lần đi tham quan ở Thái Lan, thấy có những mô hình trồng chuối rất thành công, ông Thu quyết định mua giống về trồng thử. “Tôi trồng giống chuối tây lai Thái Lan này thấy rất hợp với đất và khi hậu lại dễ chăm sóc, buồng to, quả đều, có buồng còn cho 15 -16 nải. Nếu bán theo kg để xuất sang Trung Quốc cũng được 25.000 đồng/kg, tương đương với hơn 1 triệu đồng 1 cây chuối.

Trong khi, trồng na cũng có thu nhập cao, ổn định thật nhưng rất vất vả, tốn nhiều công chăm sóc, mỗi năm phải mất khoảng 300 triệu tiền thuê công nhân, chuối thì trồng lại nhàn hơn nên tôi đã quyết định chuyển đổi một lần nữa”, ông Thu nói. Cả một vườn na bao công chăm bón đang cho thu hoạch, ông Thu lại đưa máy móc và thuê nhân công chặt bỏ hết, một lần nữa, ông lại bị người dân địa phương cho là bị khùng điên. Ông chỉ cười và nói với mọi người đúng lời khuyên của các cụ để lại “trẻ trồng na, già trồng chuối”, tôi già rồi giờ chỉ trồng chuối cho nhanh được ăn, không còn đủ kiên nhẫn trồng cây lâu năm nữa, Bây giờ nhà tôi con cái lớn hết, đi làm ăn xa, không còn ai giúp đỡ, thiếu lao động nên chuyển sang trồng chuối cho ít công”, ông Thu cho biết.

Am hiểu kỹ thuật như kỹ sư nông nghiệp

Nếu một lần có dịp tới thăm vườn chuối của ông Thu với cây nào, cây ấy đều đều nhau tăm tắp, tất cả đều đang ra hoa hoặc có buồng, chuẩn bị cho thu hoạch vào đúng dịp Tết Nguyên đán như ông đã dự tính thì chắc chắn chẳng ai còn nhớ tới hay tiếc nuối vườn na trước đó của ông nữa. Những người đã từng cho rằng ông Thu là khùng, điên khi chặt bỏ na đi cũng sẽ phải trầm trồ khen ngợi, thậm chí có rất nhiều người đã tới gia đình ông mua giống chuối này về và học hỏi kinh nghiệm từ ông để trồng theo.

Đi thăm vườn chuối của ông, được nghe ông chia sẻ về những kinh nghiệm trồng trọt như kỹ sư nông nghiệp, chúng tôi mới hiểu hết, vì sao một người nông dân không hề qua trường lớp gì mà lại thành công trong nông nghiệp như ông. Ông kể lại hành chính đến với trồng chuối cũng đầy công phu. Lúc đầu, khi biết được giống chuối này ở Thái Lan là rất tuyệt với rồi, tôi cũng chỉ đem giống về trồng thử nhưng cũng bị chết hoặc năng suất rất kém. Thể là tôi bỏ lại hết việc nhà, “khăn gói quả mướp” vượt hàng nghìn km vào Đồng bằng sông Cửu Long, nơi được coi là thủ phủ của chuối tây để tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trồng chuối của họ. “Tôi còn nhớ, đã bỏ cả tháng trời để đi 13 tỉnh ở miền Tây xem họ làm gì có lợi nhuận cao nhất. Sau đó, tôi tiếp tục đi các tỉnh miền Trung để tham quan, học hỏi những mô hình thanh long, mô hình trồng bưởi, trồng mít…”, ông Thu nói



 

Ngôi nhà khang trang được xây nên từ tiền trồng chuối.

Nói về kinh nghiệm trồng chuối tây, ông cho biết, ở miền Nam người ta trồng khoảng 12 tháng nhưng nếu chăm tốt như tôi áp dụng chỉ 7-9 tháng chuối đã trổ. Chuối tây là giống ưa nhiệt nên cần phải trồng sớm, từ tháng 1-5 là phải xuống giống nhưng càng sớm thì năng suất càng cao, nếu để tới cuối tháng 5 mới trồng thì năng suất cũng sẽ kém đi. Loại chuối tây cũng rất “phàm ăn”, do đó tốt nhất là phải có phân chuồng bón lót trước khi trồng và sau khi chuối lên xanh tốt có thể bón thêm lân, đạm nhưng đặc biệt giống chuối cao này phải có kali để giúp cho cây cứng cáp, ít sâu bệnh và khi ra buồng mẫu mã sẽ bóng đẹp.

Đang trò chuyện với ông Thu, nhiều bà con cũng tìm đến hỏi kinh nghiệm: “Vườn chuối nhà tôi chẳng hiểu sao lại xuất hiện vàng lá, ông có cách chữa không?”, một người dân trong xã hỏi. Ông Thu có thể nói ngay ra được, đó là bệnh sâu tầu dẫn tới vàng lá, chỉ cần thấy xuất hiện là phun ngay thuốc sẽ chữa khỏi. Rồi ông Thu lấy ra một tờ giấy viết cẩn thận loại thuốc trừ sâu và cách thức phun hướng dẫn cho những bà con trong xã đang mắc sâu bệnh chẳng khác gì một “bác sỹ” cây trồng ở địa phương. “Trồng cây gì cũng thế, cần phải có bí quyết, từ chọn giống cho đến thời vụ và chăm sóc cũng đều phải có “bí quyết” nhưng để có được “bí quyết” thì phải chịu khó tìm tòi”, ông Thu chia sẻ. Cũng nhờ có sự mày mò, tìm tỏi học hỏi từ thực tế, nhiều cuộc hội nghị, hội thảo ở xã liên quan tới phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, cán bộ xã đều mời ông Thu lên truyền đạt những kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh cho bà con trong xã.

Với đức tính cần cù chịu khó, người nông dân chất phác, mộc mạc không ngại khổ, ngại khó, giành hết tâm huyết cho trồng trọt đã giúp ông làm giàu ngay trên mành vườn của gia đình mình. Hiện nay, mỗi năm từ trồng trọt cũng đem lại thu nhập cho ông Thu hàng tỉ đồng, riêng vụ chuối năm nay dự kiến 3 tỷ đồng. Từ trồng trọt, ông Thu đã xây được một ngôi biệt thự khang trang, sắm sửa đầy đủ các phương tiện sinh hoạt đắt tiền và đặc biệt là ông Thu còn có cả xe hơi trị giá vài trăm triệu đồng.

“Cùng với 3 vạn gốc chuối tây Thái Lan hiện tôi đang trồng xen kẽ dưới tán chuối 4.000 gốc thanh long, 2.000 gốc cam, quýt và 2.000 gốc bưởi da xanh, 500 gốc mít siêu quả…đều đã lên xanh tốt, khi phát triển là tôi lại bỏ chuối để theo đuổi tiếp cho những loại cây đặc sản mới này. Việc không ngừng thay đổi cây trồng và đa dạng hoá sản phẩm sẽ là cách luôn giữ được giá bán tốt, cho thu nhập cao”, ông Thu nói.

Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

Chàng trai trẻ nuôi lợn thành tỉ phú

Về thôn 2, Thạch Thán (Quốc Oai, Hà Nội) hỏi Nguyễn Qúy Hào ai cũng biết. Anh là một trong những thành viên tích cực trong phong trào thanh niên phát triển kinh tế của xã và là một trong những nhà nông trẻ giỏi toàn quốc được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh.

“Cất” bằng đại học làm nông dân

Nguyễn Qúy Hào sinh ra và lớn lên ở vùng ven ngoại thành Hà Nội. Cuộc sống của anh từ thuở nhỏ đã quen lắm với công việc trồng trọt, chăn nuôi bởi bố Hào đều là những người nông dân “chân lấm tay bùn”.

Anh Hào tâm sự: “Trước đây, bố mẹ mình đã chọn chăn nuôi gia súc, gia cầm là chủ yếu để phát triển nghề nông nghiệp. Từ những ngày bắt đầu học trường trung học, hình ảnh bố mẹ mỗi sáng sớm tất bật với công việc buôn phên, bán cám, nuôi đàn lợn, chăn đàn vịt…đã khiến mình ý thức được sự lam lũ, vất vả nhưng lại không nản chí với nghề nông.

Lúc đó, mình nghĩ rằng, nếu biết cách làm thì sẽ giàu lên bằng chính nghề nông nghiệp, bởi sẵn đất đai, sự hỗ trợ của Nhà nước. Đấy là những điều kiện rất thuận lợi cho nông dân có điều kiện phát triển”.

Điều khiến Nguyễn Qúy Hào tâm đắc nhất là tự bản thân đứng ra làm chủ, tạo công ăn việc làm và thu nhập xứng đáng nhất trên chính mảnh đất quê hương mà không phải đi đâu xa. Suy nghĩ làm giàu từ nghề nông và phục vụ chăm sóc, chữa bệnh gia súc, gia cầm cho các hộ chăn nuôi trở thành ước mơ thôi thúc anh thi đỗ chuyên ngành Thú y, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội.

Anh Hào nói: “Mình xác định học xong sẽ tiếp tục phát triển đàn vật nuôi của gia đình nên chọn ngành học phù hợp với ý định đó”.

Trong suốt thời gian học tập ở trường đại học, anh tích cực về các trang trại để học thực hành và thực tập. Những kì nghỉ hè Hào về nhà cùng bố mẹ chăm sóc đàn gia gia súc của gia đình.

Nguyễn Qúy Hào tại trang trại.

Năm 2004, chủ trương của Nhà nước về giao thầu đất cho bà con nông dân lập trang trại, chuyển diện tích lúa năng suất thấp sang phát triển mô hình V– A- C triển khai về tới xã. Anh viết đơn trình bày nguyện vọng của mình và được giao đất, phát triển kinh tế theo mô hình trang trại.

Sau khi nhận 4.500 m2 đất, gia đình anh phân chia rạch ròi, dùng gần 3.000m2 vào chăn nuôi lợn, gà. Còn lại hơn 1000m2 sử dụng vào trồng rau và cây ăn quả. Anh Hào tập trung đầu tư nhiều hơn vào nuôi đàn lợn giống ngoại.

Nguyễn Qúy Hào chia sẻ: “Những buổi ban đầu luôn khó khăn, từ vốn cho tới kĩ thuật chăn nuôi. Mặc dù mình đã được học ở trường đại học lí thuyết rất căn bản nhưng thực tế sống động hơn nhiều. Bởi vậy, mình tìm đến và học hỏi kinh nghiệm từ nhiều người làm trang trại ở một số địa phương lân cận”.

Phải mất một thời gian khá dài, anh mới có đủ kiến thức thực tế chăm sóc đàn lợn ngoại. Ban đầu, đàn lợn chỉ hơn chục con. Sau giai đoạn nuôi “thử nghiệm”, lợn tăng trưởng bình thường và như mong đợi, anh Hào mua thêm con giống, tăng số lượng, củng cố chuồng trại tiến tới mô hình trang trại “chuyên nghiệp”.

Thành công bởi yêu động vật


Trang trại chăn nuôi của anh được thiết kế tương đối khoa học, gồm khu lợn nái sinh sản, khu lợn đẻ nuôi con, khu nuôi lợn con mới tách cai sữa, khu nuôi lợn thương phẩm, đảm bảo chăn nuôi theo quy trình khép kín.

Trong khu chăn nuôi lợn lắp hệ thống điều hòa giữ nhiệt độ 25 đến 27 độ, nhiệt độ chuồng không được nóng quá vào mùa hè, không lạnh quá vào mùa đông vì sức đề kháng của giống lợn ngoại không cao trong điều kiện môi trường, khí hậu tại Việt Nam. Vì vậy, người chăn nuôi phải thật sự cẩn trọng, quan tâm sát sao để ngăn ngừa dịch bệnh.

Anh Hào cho hay: "Trang trại lúc nào cũng có lợn sinh sản, cứ sau gần một tháng, mình tách đàn lợn con khỏi lợn mẹ để cai sữa và cho ăn cám. Cũng từ thời gian tuổi đó, nếu có khách mua là mình có thể xuất bán lợn con. Giống lợn ngoại mau lớn, da hồng hào hiệu quả cao, giá bán cũng cao hơn giống lợn nội".

Trong chăn nuôi, khâu vô cùng quan trọng là tiêm phòng dịch bệnh và chăm nom đầy đủ cho vật nuôi. Anh Hào luôn trăn trở về đàn gia súc, nhiều đêm thức trắng, chăm sóc, “đỡ đẻ” cho lợn trở thành chuyện thường xuyên…

Đến giờ tổng đàn lợn của anh lên tới 80 con nái đẻ và gần 400 con lợn thịt. Anh đang tiếp tục đầu tư xây dựng thêm khu chuồng nuôi để tăng số lượng đàn lợn. Không dừng lại ở lĩnh vực chăn nuôi, anh Hào còn trồng cây ăn quả, cây cảnh các loại…

Duy trì và phát triển trang trại tới nay đã được gần chục năm, vượt qua nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, thời tiết, tiền vốn, kĩ thuật…Tổng doanh thu từ trang trại của anh Hào đạt trên 6,5 tỷ đồng/năm.

Chia sẻ về những thành quả đạt được, anh Hào nói: “Mỗi người chọn cho mình một nghề phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, để thành công trong bất cứ con đường nào đều cần có niềm đam mê. Mình yêu thích động vật nên đủ lòng nhiệt tình để theo đuổi và làm giàu từ nghề chăn nuôi”.

Anh luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm làm giàu với bất kì ai. Mô hình phát triển kinh tế trang trại của anh đã được nhân rộng tại xã Thạch Thán cũng như nhiều địa phương trong huyện Quốc Oai. Người nông dân sáng tạo, chịu thương chịu khó như anh góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn của vùng nông thôn, ngoại thành Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, Nguyễn Qúy Hào còn là đoàn viên thanh niên tiêu biểu luôn đi đầu trọng công tác Đoàn, Hội, được Huyện đoàn Quốc Oai tặng giấy khen nhiều năm liền; đạt danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2011; Thành đoàn Hà Nội tặng bằng khen tại Festival thanh niên nông thôn Thủ đô năm 2012; Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của...

Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2015

Lão nông thu lãi hàng trăm triệu nhờ trồng quýt hồng trong chậu

Mùa quýt hồng năm nay, hộ trồng quýt hồng trong chậu Lưu Văn Ràng - xã Vĩnh Thới (Lai Vung) sẽ tung ra thị trường 360 chậu quýt hồng, với giá bán từ 2 – 4 triệu đồng/chậu. Sau khi trừ chi phí, ông lãi hơn 200 triệu đồng.

Ông Lưu Văn Ràng cho biết, để có một chậu quýt hồng ra trái đúng dịp tết ngoài việc bỏ công chăm sóc “đặc biệt” thì người trồng phải mất thời gian đến 30 tháng. Trong khoảng thời gian này, giai đoạn khó khăn nhất là khâu chiết cành đưa xuống mô đất thuần dưỡng. Nếu ở khâu này làm đúng kỹ thuật, cây phát triển tốt thì bắt đầu đưa lên chậu, xử lý cho cây ra hoa, trung bình mỗi chậu từ 15 – 60 trái.

Để có 360 chậu quýt hồng bán dịp tết, ông Ràng đã tốn công chiết cành, chăm sóc cả ngàn cây quýt hồng mới chọn được số cây trên cho vào chậu, xử lý cho trái. Ông Ràng nói: “Năm rồi tôi làm cũng đạt, tuy nhiên vỏ trái quýt hồng còn dày, không bóng kiếng nên năm nay tôi đã khống chế được yếu điểm này, vỏ quýt mỏng và bóng lộn rất đẹp mắt.”


Nói về giá cả, ông Ràng cho biết thêm, đối với những chậu quýt hồng chưa đạt có giá từ 600 – 1.000.000 đồng/chậu; còn đối với số quýt đạt (loại I, loại II) nhưng tùy theo hình dáng, số trái sẽ có giá dao động từ 2 - 4 triệu đồng/ chậu. Tuy nhiên, theo ông Ràng cho biết có nhiều hộ trồng quýt hồng cùng địa phương còn bán với giá từ 4 - 5 triệu đồng/chậu, loại I.

Ông Ràng cho biết, hiện toàn bộ số quýt hồng của ông đã được các thương lái ở TP. Hồ Chí Minh đến đặt mua hết. Sau khi trừ đi chi phí, số quýt trong chậu của ông mang lại lợi nhuận trên 200 triệu đồng.

Trao đổi với PV Dân trí ông Huỳnh Văn Tồn – Phó phòng NNPTNT huyện Lai Vung cho biết: “Trên địa bàn huyện số hộ trồng cây quýt hồng vào chậu thành công như ông Ràng chỉ có 3 - 4 hộ. Do trồng cây quýt hồng vào chậu dễ chăm sóc, kiểm soát được sâu bệnh… dẫn đến chi phí thấp, khoảng 1 triệu đồng/chậu. Do vậy, các hộ trồng quýt hồng vào chậu hiện đang có thu nhập khá cao, tuy nhiên đòi hỏi người trồng phải nắm vững kỹ thuật, đặc biệt là khâu chăm bón, phân thuốc vì thời gian sinh trưởng của cây chỉ mới hơn hai năm tuổi nên việc xử lý cho trái là rất khó.”


Dịp tết này ông Ràng tung ra thị trường 360 chậu quýt hồng.

Để có một chậu quýt hồng đẹp như thế này, ông Ràng mất 30 tháng chăm sóc.

Tuy nhiên, để có 360 chậu quýt hồng ra trái như ý ông Ràng loại cả ngàn nhánh quýt hồng trong giai đoạn trồng ở mô đất.

Năm nay ông Ràng phấn khởi bởi ông xử lý được vỏ quýt mỏng, bóng kiếng.

Trung bình mỗi chậu từ 15 - 60 trái.

Tùy theo dáng cây và số trái trên cây sẽ có giá khác nhau, trung bình từ 2 - 4 triệu đồng/chậu.


Hơn 10 năm gắn bó với cây quýt hồng trong chậu ông Ràng hoàn toàn làm chủ được việc sử dụng phân thuốc theo công thức riêng của ông.

Với vườn quýt hồng trong chậu, mỗi năm ông Ràng thu lãi trên 200 triệu đồng.

Ngoài ra, ông Ràng hiện đang trồng 8 công (8.000m) quýt hồng chuẩn bị bán tết. Theo ông Ràng nếu bán với giá 29.000 đồng/kg thì sau khi trừ đi chi phí ông Ràng còn lời khoảng 600 triệu đồng