Trang

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

9x kiếm bộn tiền từ đặc sản quê

Từ số vốn 50 triệu đồng, sau 2 năm Huỳnh Thị Mỹ Oanh ở TP HCM đã có thu nhập vài chục triệu đồng mỗi tháng nhờ kinh doanh cua huỳnh đế, mủ trôm...


Trong một lần tình cờ về quê thăm gia đình chồng ở Phan Rang (Ninh Thuận), thấy được những đặc sản quê hấp dẫn, Huỳnh Thị Mỹ Oanh, sinh năm 1992, nhân viên xuất nhập khẩu ở TP HCM nảy ra ý tưởng kinh doanh để kiếm thêm thu nhập.

“Ở Phan Rang có nhiều đặc sản lắm nhưng trước giờ người dân không biết quảng bá nên tôi thấy đây là cơ hội để 2 vợ chồng trẻ thực hiện đam mê kinh doanh, đồng thời, góp phần đưa đặc sản quê hương tới nhiều tỉnh thành trên cả nước. Năm 2014, chúng tôi chính thức mở cửa hàng ở quận 10”, Oanh tâm sự.


Không chỉ là nhân viên xuất nhập khẩu Oanh còn kinh doanh thêm nhiều đặc sản Phan Rang. Ảnh: NVCC.


Vốn tự lập từ nhỏ nên khi bắt đầu kinh doanh, vợ chồng Oanh tính toán khá kỹ các hạng mục đầu tư và dùng tiền tích lũy được để mở cửa hàng. Vì cẩn trọng nên vốn ban đầu của 2 vợ chồng bỏ ra chỉ 50 triệu đồng, bao gồm chi phí thuê mặt bằng, dụng cụ buôn bán và tiền trả cho nhân viên giao hàng 2 tháng đầu tiên. Riêng chi phí xây dựng website để quảng bán sản phẩm và bán hàng online, cô chủ 9x này không mất đồng nào vì chồng là dân công nghệ thông tin.

“Chồng tôi thiết kế chỉn chu tất cả mọi thứ về hình ảnh cũng như các từ khóa tìm kiếm để cho khách hàng biết đến mình một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu vì khi bắt tay vào kinh doanh, mọi vấn đề phát sinh mới xuất hiện. Điều khiến 2 vợ chồng luôn đau đầu là khâu nguyên liệu và giao hàng”, Oanh bộc bạch và cho biết, đã phải bỏ ra cả tháng để đi tìm nguồn cung ứng sản phẩm chất lượng, ổn định.

Để khảo sát nhu cầu khách hàng, Oanh không dám nhập nhiều hàng mà chỉ nhập một số đặc sản nhất định như mủ trôm, mật ong rừng, hạt é, tỏi… với số lượng chỉ vài kg. Vì nhập số lượng ít mà di chuyển xa nên hàng về đến TP HCM tốn khá nhiều chi phí. Nhưng để lấy được khách, Oanh kiên trì bù lỗ và bán với giá phải chăng nhất.

Bên cạnh nguồn hàng thì dòng tiền mặt để duy trì kinh doanh cũng khá quan trọng vì kinh doanh mặt hàng này đòi hỏi phải có nguồn vốn xoay vòng liên tục nên toàn bộ số tiền lương mà 2 vợ chồng nhận được hàng tháng tại công ty đang làm việc đều dùng hết vào việc mua hàng.

“Nửa năm đầu tiên chúng tôi không những làm không công mà còn liên tục phải bù lỗ, nhưng đến tháng thứ 7 lượng khách bắt đầu tăng lên và doanh thu bù đắp được các chi phí bỏ ra. Lúc đó, cả hai nghĩ mình thật may mắn chỉ trong nửa năm đã thoát lỗ, sớm hơn so với kế hoạch đặt ra ban đầu”, Oanh chia sẻ

Cũng chính từ tháng thứ 7 này, vợ chồng Oanh bắt đầu đẩy mạnh marketing bằng những bài viết về địa điểm du lịch kèm giới thiệu các đặc sản hấp dẫn trên website, giúp khách hàng biết và hiểu nhiều hơn về công dụng cũng như điểm đặc biệt của sản phẩm. Sau 2 năm kinh doanh, giờ đây cửa hàng của vợ chồng cô gái 9x này đã có hàng trăm khách hàng thân thiết. Số lượng sản phẩm 100% có nguồn gốc từ Phan Rang đạt mốc con số 30 loại. Hiện, mỗi tháng, sau khi trừ tất cả chi phí vợ chồng Oanh thu lãi 35-50 triệu đồng.

Chia sẻ thêm về bí quyết kinh doanh, Oanh cho biết, để kinh doanh tốt đặc sản vùng miền và giữ chân được khách hàng thì cần giao hàng nhanh, sản phẩm chất lượng. Muốn vậy thì cần xây dựng đội ngũ giao hàng chuyên nghiệp, chọn đối tác cung cấp hàng đảm bảo, kiểm tra kỹ sản phẩm trước khi nhập.

Đối với một số loại nông sản, hải sản quý hiếm thì chỉ nên lấy theo đúng vụ mùa vì đó mới là những sản phẩm chất lượng nhất. Ngoài ra, cần có cách bảo quản sản phẩm hợp lý, an toàn.

Cụ thể, đối với các loại cua ghẹ, sản phẩm này dễ bị óp và hư hỏng nên khi nhập hàng cần lựa chọn tàu thuyền đánh bắt, bám sát để biết được thời gian cập bến và nhập hàng tươi nhất có thể. Khi thu gom, để bảo quản sản phẩm tốt thì các loại này cần gây tê bằng cách sốc nhiệt. Ví dụ như với cua huỳnh đế, cho cua vào thùng đá bảo quản ngay khi vừa đưa lên bờ. Cua tiếp xúc với nhiệt độ lạnh cao sẽ ngủ mê, trong thời gian này di chuyển chúng về cửa hàng. Khi rã đông, cua sẽ tỉnh lại, thịt vẫn chắc và ngọt.

Tôm cũng giữ tươi bằng cách này nhưng khó làm hơn nên phải gây tê từ từ, nếu để nhiệt độ không khéo tôm sẽ bị chết. Do vậy, mỗi loại sản phẩm, cửa hàng sẽ có cách giữ tươi khác nhau để đảm bảo hàng chất lượng cho khách.

Thu 5 tỷ đồng mỗi năm từ nuôi đà điểu

Sau mấy năm chật vật, thua lỗ, giờ đây anh Nguyễn Văn Trung ở xã Tản Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội) có doanh thu trên 5 tỷ đồng mỗi năm từ việc xuất bán đà điểu.


Đầu những năm 2000, khi anh Trung còn làm thợ xây có nhận thi công một số hạng mục công trình của Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Hà Nội). Những ngày làm việc tại đây, biết đến giống đà điểu, anh Trung rất thích và quyết định tìm hiểu kỹ về chúng.

Bén duyên với đà điểu, anh Trung có thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Ảnh: Thịnh Vũ.


Năm 2007, anh quyết định bỏ ra cả hơn trăm triệu đồng mua 50 con giống đà điểu tại Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương về nuôi. "Khi nghe tôi vay mượn tiền mua đà điểu về nuôi, ai cũng ngăn cản. Mọi người bảo, đà điểu là vật nuôi xa lạ, chưa có kinh nghiệm không nên mạo hiểm", anh Trung nhớ lại.

Sau một năm đầu tư, anh Trung thấy đà điểu dễ nuôi, lớn nhanh, không có dịch bệnh thức ăn chủ yếu là rau cỏ, ngô, thóc... Một lao động có thể chăm sóc 200 con đà điểu. Nhưng theo anh, khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ là đầu ra sản phẩm. "Tôi nuôi đà điểu với số lượng nhiều nên rất khó bán. Thời điểm ấy, thịt đà điểu như thứ đặc sản xa xỉ nên ít người dám mua. Đến ngày xuất thì không bán được, nhưng hàng ngày vẫn phải cho chúng ăn. Hai năm đầu tôi lỗ nặng", anh Trung chia sẻ.

Đi chào mời khách mua đà điểu không được, sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, anh Trung quyết định mở cửa hàng thịt đà điểu ở Tỉnh lộ 87A, đoạn qua xã Tản Lĩnh để chủ động tiêu thụ sản phẩm. Lúc đầu khách hàng chủ yếu là người quen, về sau càng đông khách bởi thịt đà điểu tươi ngon, dễ chế biến món ăn nên rất nhiều người ưa chuộng. Tình thế trở nên đảo ngược. Trại đà điểu của anh không đủ cung cấp bán ra thị trường.

Lúc này ở miền Bắc có rất ít người nuôi đà điểu, để có đủ nguồn thịt bán cho khách, anh Trung phải lặn lội vào tận miền Trung và miền Nam mua đà điểu thương phẩm về thịt. Thấy cứ như thế sẽ không ổn, anh bèn vận động bà con cùng nuôi đà điểu để mở rộng nguồn cung thịt. Cuối năm 2009, anh nhập con giống một ngày tuổi từ Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương về nuôi 2 tháng, được anh tiêm phòng đầy đủ rồi mới cung ứng giống cho các trang trại quanh vùng và nhiều tỉnh thành phía Bắc nuôi.

Để bà con tránh rủi ro, thất thoát trong chăn nuôi, anh Trung chuyển giao kỹ thuật cho họ. Đồng thời, anh nhận bao tiêu sản phẩm cho tất cả các hộ chăn nuôi đà điểu nhập giống từ trang trại nhà mình. Anh Trung cho biết, bản năng giống đà điểu là 70% gia cầm và 30% gia súc. Khi đã đạt trọng lượng từ 30kg trở lên, khả năng chịu đựng với những tác động ngoại cảnh của chúng rất tốt.

Anh Trung cũng tiết lộ, từ việc cung ứng hơn 500 con giống đà điểu cho bà con và xuất bán hơn 40 tấn thịt đà điểu thương phẩm, anh có doanh thu trên 5 tỷ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, để nuôi đà điểu như một nghề với mong muốn mang lại lợi nhuận cao là điều không dễ dàng cho những hộ nông dân thiếu thông tin và kỹ thuật nuôi. Đà điểu rất ít mắc bệnh, nhưng rất sợ tiếng ồn nên trang trại phải tách biệt với khu dân cư. Đà điểu thích chạy nên sân chơi phải có diện tích rộng (dài 80-100m). Nền sân không cần lát gạch mà là nền cát để đà điểu khỏi trơn trượt khi chạy nhảy. Tính đà điểu rất hiếu động, tò mò, chúng mổ bất cứ thứ gì mà chúng thấy dẫn đến tắc ruột và chết, vì vậy cần nhặt sạch các dị vật trong chuồng nuôi...

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

Kinh doanh 'chúa tể bầu trời' trên đỉnh LangBiang

Tuổi đời còn trẻ và cũng không phải là người nhiều tiền, nhưng Nguyễn Văn Thái khá có tiếng trong giới chơi chim đại bàng.


Trong số nhiều dịch vụ du lịch trên đỉnh núi LangBiang, Đà Lạt, chụp hình với những chú chim đại bàng dũng mãnh rất được ưa chuộng, được điều khiển bởi ông chủ tên Thái, 29 tuổi, khá thân thiện.

Thái cho biết đến với thú chơi và huấn luyện chim đại bàng đã 7 năm và anh quyết định mở ra dịch vụ này ngoài để thêm phần phong phú cho sản phẩm du lịch trên núi LangBiang, mà còn là một hình thức lấy ngắn nuôi dài cho thú chơi nhiều đam mê nhưng khá tốn kém này.

Theo Thái, chơi và huấn luyện chim săn mồi (falconry) trên thế giới đã có từ lâu và được coi là một môn thể thao. Tại châu Á, ở các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Mông Cổ..., phong trào falconry rất mạnh và phổ biến, riêng tại Ấn Độ có hẳn một festival về bộ môn này.

Ở Việt Nam phong trào chơi và huấn luyện chim săn mồi mới chỉ có vài năm trở lại đây, tập trung ở một vài thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, còn các tỉnh, thành khác chỉ lẻ tẻ vài người chơi vì đây là một môn chơi khá quí tộc. Một chú đại bàng có giá hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng, và người chơi phải có những đồng môn thân thiết để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.

Hiện nay Nguyễn Văn Thái đang sở hữu 10 con chim đại bàng với các giống như đại bàng núi, đại bàng ưng và đại bàng đen, có trọng lượng từ 2 đến 2,5kg mỗi con, nhưng đủ sức để quật ngã những con mồi là loài chim nhỏ hơn, hay các con vật như sóc, chồn, thỏ…. Ban đầu Thái được một người quen chuyển nhượng cho một cặp chim nhập về từ Thái Lan, sau đó anh tự nhân giống bằng cánh lấy trứng gửi đi các lò ấp nở. Nhưng theo Thái, dòng chim này sinh sản rất chậm, một năm chỉ được một trứng, bù lại chim đại bàng có tuổi thọ trung bình từ 20 đến 25 năm.

Nguyễn Văn Thái đang biểu diễn với chú chim đại bàng đã qua huấn luyện. Ảnh: Quốc Dũng


Huấn luyện một con chim đại bàng đòi hỏi khá nhiều công sức, vì đây là loài chim ăn thịt nên hàng ngày phải cung cấp dinh dưỡng cho chúng khá tốn kém và phải vệ sinh nơi nuôi thường xuyên. Thường những con chim được người nuôi nhân giống sẽ dễ huấn luyện hơn vì chất hoang dã đã bớt đi rất nhiều, nó sẽ dễ nghe lệnh của chủ hơn chim đưa về từ môi trường thiên nhiên.

Chim đại bàng không phải như những loại chim nuôi khác, mà đòi hỏi phải có sự huấn luyện ở một trình độ cao, người chơi phải rất có kiến thức với môn chơi. Có những người nhờ hẳn một người khác huấn luyện cho con chim của mình, nhưng khi rời tay người huấn luyện, không được tiếp tục huấn luyện thường xuyên thì chim sẽ bị “lụt nghề’.

Trong giới chơi chim đại bàng thì Thái được biết đến là người khá mát tay trong việc huấn luyện chim. Anh cho biết, khi chim được một năm tuổi là bắt đầu cho tập luyện và thường thì Thái mất 6 tháng để “học trò’’ thành thục các bài tập như bay tự do và nghe tiếng còi hoặc một loại hiệu lệnh sẽ bay về đáp nhẹ nhàng ngay trên cánh tay của người huấn luyện, hay bài tập bắt mồi giả, bắt mồi thật trên không. Quá trình huấn luyện chim của Thái đã 2 lần bị sự cố là con chim không nghe lời mà bay luôn vào môi trường hoang dã tự nhiên.

Thời gian huấn luyện một con chim đại bàng nhanh hay lâu tuỳ thuộc rất nhiều vào người huấn luyện. Theo Thái, tính khí mỗi con đều khác nhau, người huấn luyện trước tiên phải coi chúng như một người bạn, sẵn sàng lắng nghe và động viên kịp thời… Có những con chim đại bàng khi đưa ra tập thấy ngựa là rất sợ, hoặc có con thấy chó là co rúm lại không thiết tha bài tập, thậm chí không nghe lời nữa. Điều đặc biệt mà tạo hoá cho con chim đại bàng là đôi mắt chúng rất sáng và đôi tai rất thính, có khi chim bay cao, xa nhưng chỉ một tiếng còi thổi nhẹ hay một hiệu lệnh đã qui định thì lập tức bay về xà cánh rất đẹp và đáp nhẹ nhàng trên tay chủ. Một con chim đã thuần thục thì đôi mắt hoặc tai của chúng luôn hướng về người chủ.

Sở dĩ nuôi chim đại bàng được ví là môn chơi quý tộc, là bởi người chủ phải sắm rất nhiều phụ kiện mà chủ yếu là nhập ngoại như: găng tay da, dây da để xích chân đại bàng, chuông lục lạc đeo ở chân đề phòng khi chủ và chim mất tín hiệu với nhau, còi điều khiển và thậm chí cao cấp hơn là bộ định vị phòng khi đại bàng bay quá xa hay theo mục tiêu là một con mồi nào đó mà không thể liên lạc.

Nguyễn Văn Thái tự hào vì bản thân không phải là giới quí tộc nhưng vẫn “sống’’ với thú chơi đại bàng. Từ gần một năm nay, Thái đưa bầy chim của mình lên đỉnh núi LangBiang vừa để chăm sóc và huấn luyện, cũng vừa để có thêm chi phí bằng việc mở ra dịch vụ cho khách chụp hình chung cùng đại bàng với giá 10.000 đồng mỗi lượt. Còn một lần biểu diễn cho đại bàng đáp trên tay khách là 150.000 đồng.

Thái cho biết, mỗi ngày anh phải bỏ tiền mua 2kg thịt để nuôi bầy chim, rồi cả các loại vắc xin nhập khẩu, nên khá nặng chi phí. Một con đại bàng loại trung như của Thái hiện có giá tầm 15-20 triệu đồng. Có những đại gia nhập loại chim lớn đến 7kg từ nước ngoài có giá 250-300 triệu.

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2016

Nuôi ba ba thu nửa tỷ đồng mỗi năm

Hơn một thập niên theo nghề nuôi ba ba, am hiểu con vật như lòng bàn tay đã giúp anh Phan Hồng Sơn ngụ thôn Vĩnh Thượng, xã Khai Thái (Phú Xuyên, Hà Nội) thu về 500 triệu đồng mỗi năm.


Là một trong những hộ nuôi ba ba gai lâu năm, anh Phan Hồng Sơn chia sẻ: “Hơn 10 năm theo nghề này, tôi thấy nuôi ba ba không vất vả, hiệu quả kinh tế cao, dễ nuôi, ít dịch bệnh. Để thành công, cần phải hiểu rõ về chúng, trong đó kỹ thuật cho ba ba ăn rất quan trọng”.

Anh Sơn cho biết, ba ba ăn các loại cá tạp và ốc. Tuy nhiên, thức ăn phù hợp nhất với ba ba là cá mè tươi băm nhỏ. Ba ba ăn nhiều khi trời nóng, ăn ít khi trời mát, trời rét chúng không ăn gì. Nếu cho ăn ngày nào cũng giống nhau thì ngày nóng ba ba ăn thiếu, ngày mát và rét lạnh ba ba không ăn hết gây lãng phí và dễ bị ô nhiễm nguồn nước do thức ăn tồn đọng. Hiện với, 8 ao nuôi (diện tích mỗi ao từ 200 đến 300 m2) và 40 bể (diện tích 0,8m2/bể) anh nuôi thả hơn 700 con ba ba gai thương phẩm.

Theo anh Sơn, các hộ nuôi ba ba xã Khai Thái đang nuôi 2 loại là: ba ba gai và ba ba trơn. Thời gian nuôi ba ba trơn là 2 năm và ba ba gai phải 3 năm mới đạt trọng lượng chuẩn để xuất bán. Tuy thời gian nuôi lâu hơn, nhưng ba ba gai có trọng lượng gần gấp đôi so với ba ba trơn. Chất lượng thịt ngon hơn ba ba trơn nên giá bán cao hơn. Nuôi ba ba gai đòi hỏi vốn đầu tư lớn nên tôi áp dụng cách nuôi gối vụ. "Bình quân mỗi năm tôi xuất bán hơn 200 con ba ba gai, với giá khoảng 500.000 đồng một kg, thu về nửa tỷ đồng mỗi năm, trừ chi phí còn lãi hơn 200 triệu đồng", anh tiết lộ.

Chuyển từ trồng trọt sang nuôi ba ba gai, nhiều hộ nông dân thu hơn nửa tỷ đồng/năm. Ảnh: Đức Thịnh


Từ vài hộ nuôi ba ba, đến nay toàn xã Khai Thái có khoảng 50 hộ nuôi ba ba, trong đó hơn 30 hộ nuôi với quy mô lớn. Nhờ gắn bó với nghề, “hiểu” được tập tính của ba ba mà nhiều hộ dân nơi đây đã có thu nhập cao.

Mới nuôi ba ba cách đây chưa lâu nhưng anh Nguyễn Văn Tiến (thôn Vĩnh Thượng) đã có thu nhập cao từ nghề này. Vừa qua, anh Tiến xuất bán hơn 1.000 con ba ba trơn thu về gần 300 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư con giống, thức ăn, anh còn thu lãi 220 triệu đồng.

Anh Tiến kể, năm 2013, thấy các hộ dân trong xã có thu nhập cao từ nghề nuôi ba ba, anh đã mạnh dạn đầu tư cải tạo 3 sào ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi ba ba trơn. Được các hộ đi trước hướng dẫn cặn kẽ kỹ thuật nuôi ba ba từ cách thiết kế ao nuôi đến kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh cho ba ba nên anh đã thắng lớn ngay từ vụ đầu tiên. "Tôi thấy, nuôi ba ba cho hiệu quả kinh tế cao gấp mấy chục lần so với trồng lúa”, anh nói.

Anh Tiến chia sẻ thêm, ao nuôi ba ba phải xây tường bao kiên cố và rải cát mịn xung quanh đáy ao. Làm thế để đảm bảo đảm nguồn nước sạch và ba ba có chỗ trú ẩn khi thời tiết thay đổi. Bệnh ba ba hay mắc phải là ghẻ, nấm da, người nuôi cần thường xuyên theo dõi để xử lý kịp thời.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Khai Thái, Nguyễn Văn Cam cho biết: Nghề nuôi ba ba đã có ở xã Khai Thái từ hơn 15 năm nay. Từ nuôi ba ba nhiều hộ dân mới đây đã có thu nhập vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Xuất phát với vài hộ ban đầu đến nay toàn xã có khoảng 50 hộ, nuôi tập trung chủ yếu ở thôn Vĩnh Thượng.

Theo ông Cam, nghề nuôi ba ba ngoài kinh nghiệm, kỹ thuật thì còn đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, nên không phải hộ nông dân nào cũng có thể làm được. Hàng năm, hội nông dân xã thường xuyên tạo điều kiện cho các hộ nuôi ba ba vay các nguồn vốn ưu đãi như Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân để họ có vốn đầu tư, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

Nuôi chim công Ấn Độ lãi hàng trăm triệu đồng

Bỏ nghề nuôi gia cầm chuyển sang nuôi - huấn luyện chim công hoang dã, ông Nguyễn Hữu Khởi ngụ thôn Đông Sơn, huyện Tiên Du, Bắc Ninh giàu lên nhanh chóng, xây được nhà lầu, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.


Ông Khởi chia sẻ, trước đây, gia đình chuyên nuôi gia cầm, nhưng do giá cả bấp bênh, dịch bệnh nhiều, thường xuyên bị thua lỗ nên vô cùng chán nản. Năm 2009, tình cờ xem phóng sự truyền hình về mô hình nuôi chim công của nông dân ở tỉnh Nam Định, thấy loài chim hoang dã có bộ lông sặc sỡ lại múa đẹp, dễ nuôi mà thị trường đang khan hiếm, ông mê ngay. "Sau đó tôi quyết tâm xuống trang trại ở Nam Định mua hơn 10 con chim công mới nở, giống Ấn Độ, giá 750.000 đồng/con về nuôi thử", ông nhớ lại.

Không am hiểu kỹ thuật, ông tìm hiểu cách nuôi trên mạng internet, sách báo, cộng với việc có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực nuôi gia cầm nên việc nuôi chim công của ông gặp nhiều thuận lợi. Từ số con giống mua được, ông Khởi liên tục tăng đàn công lên hàng trăm con.

Ông Khởi tiết lộ, công là loài động vật có nguồn gốc hoang dã nhưng việc nuôi nó không quá khó. Ưu điểm của loài này là sức đề kháng tốt, tỷ lệ nuôi sống cao. Thức ăn đơn giản, dễ kiếm, chủ yếu là thóc, ngô và rau xanh, cỏ chiếm 60%. Lượng thức ăn chỉ bằng 1/3 của gà nên tiết kiệm được khá nhiều chi phí chăn nuôi.

Riêng con non sẽ có chế độ ăn khác hơn chim công trưởng thành. Theo đó, đối với con mới nở thì khẩu phần ăn là 100% cám gà tổng hợp. Sau 30 ngày tuổi, hệ tiêu hóa đã cứng cáp hơn có thể pha thức ăn theo tỷ lệ: 70% cám tổng hợp 30% ngô hoặc thóc nghiền. Chim công 6-8 tháng tuổi có thể nuôi nhốt ngoài chuồng lớn cùng các cá thể khác thì tỷ lệ cám tổng hợp chỉ còn 50% và lúc này nên cho công ăn bổ sung các loại rau xanh thái nhỏ như rau ngót, cải…

Từ khi bén duyên với nghề nuôi và huấn luyện chim công hoang dã, ông Khởi lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Dân Việt


Khi công đến tuổi trưởng thành, có thể cho ăn cám tổng hợp và các loại ngũ cốc nguyên hạt như ngô, thóc. Đặc biệt cần tăng cường nhiều rau xanh để tăng sức đề kháng, giúp công có bộ lông bóng mượt, màu sắc rực rỡ. Nước sử dụng cho chim công tuyệt đối phải là nước sạch. Với chim non nên dùng nước đun sôi để nguội để bảo vệ hệ tiêu hóa còn non nớt.

Cách phòng, trị bệnh cho chim công mới chính là bí quyết quan trọng nhất. Chim công cũng có thể nhiễm một số bệnh như gia cầm như đi ngoài, cúm... Song nhờ sức đề kháng tốt, công rất ít khi bị bệnh. Trường hợp công bị bệnh, các chủ trang trại chỉ cần ra hiệu thuốc thú y nói triệu chứng là mua được thuốc điều trị ngay.

Trung bình mỗi năm, ông Khởi xuất bán cho khách du lịch và các bạn hàng cả nước hàng trăm cặp công giống, với giá từ 2 - 3 triệu đồng/cặp, cùng hàng chục công bố mẹ giá từ 10 - 20 triệu đồng/con.

Chim công rất thông minh và dạn dĩ, nếu được nuôi và chăm sóc từ nhỏ, công có thể thả rông trong sân như gà mà không sợ bay mất. Ở Việt Nam chim công thường được nuôi tập trung trong chuồng trại theo mô hình công nghiệp.

Kỹ thuật làm chuồng công khá đơn giản, thiết kế sao cho thông thoáng vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Tùy vào số lượng vật nuôi, độ rộng hẹp của chuồng công có thể khác nhau. Một ô chuồng đúng tiêu chuẩn (có thể nuôi từ 4–6 cá thể chim trưởng thành, hoặc 10-15 cá thể từ 6-12 tháng tuổi) thường có thiết kế chiều rộng 3,5-4m, chiều dài 5-6m, chiều cao 2,7-3m.


Chim công tắm nắng tại trang trại của ông Khởi. Ảnh: Dân Việt


Trang trại của gia đình ông Khởi đang mở rộng ra khoảng 500 m2, chi phí mua vật liệu xây dựng và thiết kế chuồng hết không nhiều, chỉ khoảng vài chục triệu đồng. Để giảm chi phí có thể tận dụng nhà kho, xưởng, chuồng heo, chuồng gà sẵn có để cải tạo thành chuồng nuôi chim công. Nên thiết kế thêm một chuồng phụ để chăm sóc riêng chim công bị bệnh, hay trong quá trình theo dõi bệnh để tránh lây nhiễm cho các cá thể khác.

Vật liệu làm chuồng có thể dùng tre, nứa, hay lưới B40 quây xung quanh hoặc làm vách ngăn. Nóc chuồng dùng lưới cước để chim không bay ra. Người nuôi cũng có thể dùng các tấm lợp nhựa để lợp mái chuồng để chim có chỗ trú mưa. Cần lưu ý không dùng lưới thép nhỏ hoặc cước nylon làm vách ngăn, vì chim sẽ lầm tưởng là thức ăn, dễ dẫn đến thủng ruột hoặc thắt diều. Không gian nuôi chim công phải luôn khô thoáng để phòng tránh bệnh. Dùng cát vàng rải nền chuồng để hút ẩm giúp công không bị bẩn và phòng ngừa giun, sán. Nếu có điều kiện, có thể thiết kế thêm phần sân phía trước để công có chỗ tắm nắng, vận động.

Để nuôi được chim công không khó, nhưng luyện làm sao cho công múa đẹp là cả một vấn đề, ông Khởi tiết lộ. Cần có bí quyết riêng mới có thể thành công được. Muốn luyện cho công múa, chủ nuôi phải luyện cho con vật quen người trước, sau đó mới dạy múa dần. Chẳng hạn như múa xòe đuôi là cơ bản nhất, người nuôi chú ý tạo không gian rộng, thoáng, để ánh nắng chiếu vào chim công mới có hứng múa. Còn muốn công múa cả chân kết hợp với đuôi thì người chủ phải thường xuyên vào chuồng nhảy múa, chơi cùng con vật.

Hiện nay, ông Khởi cung cấp ra thị trường đều đặn hàng chục con chim công mỗi năm, trong đó có nhiều con thuộc dòng quý hiếm lên đến hàng chục triệu đồng/cặp. Trung bình mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông lãi vài trăm triệu đồng. Trước nhu cầu của thị trường, anh dự định sẽ mở rộng quy mô chuồng trại nuôi trên 1.000 con công. "Sắp tới, tôi sẽ mở một nhà hàng chế biến loài chim quý tộc này để phục vụ thực khách", ông cho hay.

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

Lên núi lập trang trại gà Lạc Thủy

Không chỉ chọn giống gà hiếm để nuôi, chủ trang trại gà Lạc Thủy ở Quảng Ngãi còn áp dụng hình thức kinh doanh khá lạ là bán con chứ không bán theo kg.


Đang có việc làm với mức lương khá tốt ở Công ty đường Quảng Ngãi, thế nhưng, anh Nguyễn Đức Thuận, 41 tuổi, ở thôn Phú Thuận Tây, (xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) lại bỏ ngang giữa chừng để lên núi mở trang trại nuôi gà Lạc Thủy.

Nằm cách trung tâm Thành phố Quảng Ngãi khoảng 20 phút đi xe máy, trang trại gà của anh Thuận nằm giữa bốn bề cây cối với diện tích hơn 2ha. Sau khi nghỉ việc ở nhà máy, với số vốn ít ỏi ban đầu, anh mở một nhà hàng ăn uống ở Thành phố. Từ đây, với mong muốn cung cấp nguồn thực phẩm ngon bổ rẻ cho khách hàng, anh nảy ra ý định mở trang trại để chăn nuôi gà.

Sau khi vay mượn nhiều nơi, với mảnh đất có được anh đã dồn toàn lực cho khu trang trại rộng 2ha, được chia thành 10 khu biệt lập để nuôi gà tùy theo độ tuổi khác nhau. Nhắm vào thị hiếu muốn ăn thực phẩm lạ, độc đáo, sau nhiều lần tìm hiểu anh đã quyết định ra tận Hòa Bình, tìm đến quê hương của giống gà Lạc Thủy nổi tiếng để mua giống.


Anh Thuận là người hiếm hoi ở Quảng Ngãi chọn nuôi giống gà Lạc Thủy.


Lạc Thủy là giống gà đặc hữu và rất quý hiếm, được phát hiện ở huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình và chưa được nhiều người biết đến. Ngay khi loài gà này được phát hiện, các nhà khoa học đã lập tức đưa chúng vào diện cần phải bảo tồn. Và địa danh Lạc Thủy cũng được chọn để đặt tên cho giống gà này.

Ban đầu, anh Thuận mua 1.000 con gà giống một ngày tuổi với giá 13.000 đồng một con. Lúc mới nuôi thử nghiệm, do là dân tay ngang nên 1.000 con gà anh mua về bị hao hụt hơn 300 con. Với ý chí và quyết tâm làm giàu trên mô hình mới, anh kiên nhẫn học hỏi qua nhiều kênh khác nhau để chăm sóc gà tốt hơn.

“Gà này thịt rất thơm ngon. Khi trưởng thành gà mái có lông màu lá chuối khô nhạt, trọng lượng khoảng 1,5kg, còn gà trống lông màu đỏ mận, trọng lượng tầm 2kg, chân nhỏ, da vàng. Tuy chưa được nhiều người biết đến, nhưng khi đưa ra thị trường nó đã nhanh chóng đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Cách chăm sóc và thức ăn cho gà cũng đơn giản, như rau bèo, cám, lúa… Tuy nhiên, phải mất 5-6 tháng mới cho xuất bán", anh Thuận nói.

Để có số lượng gà xuất bán thường xuyên, anh chia việc mua, nhập giống thành từng đợt khác nhau, mỗi đợt nhập khoảng 1.000 con. Sau khi nhập gà giống về, từ một đến 21 ngày tuổi, anh nhốt riêng và cho gà ăn cám, bột, gạo sau đó mới thả tự do trong vườn. Ban đầu anh Thuận trồng cỏ, nuôi bèo cho gà ăn, nhưng sau đó thấy cách làm này không hiệu quả, anh thực hiện một ý tưởng táo bạo hơn là nuôi gà bằng lúa và giá đỗ ủ mầm.

Lý giải cho cách nuôi này, anh cho hay việc cho ăn giá đỗ ủ mầm, lúa ủ mầm giúp gà đảm bảo về vệ sinh, tăng trọng nhanh hơn. Kinh phí cho thức ăn cũng rẻ hơn nhiều so với cám, bột.

Hiện, cứ sau 5 tháng nuôi, trang trại anh Thuận xuất bán một lứa gà Lạc Thủy thương phẩm với giá 180.000 đồng một con tùy theo sự lựa chọn của khách hàng. Đặc biệt, sau khi khách chọn gà xong, anh sẽ làm thịt sạch sẽ và hút chân không cho sản phẩm để tăng được thời gian bảo quản, rồi mới giao cho khách.

“Không giống như nhiều người chăn nuôi khác, tôi bán gà không theo kg, mà bán theo con. Khách cứ vào chọn thỏa sức, chỉ con nào tôi bắt con đó, làm sạch sẽ, hút chân không xong giá mỗi con chỉ 180.000 đồng”, anh Thuận cho hay.

Ngoài sở hữu của hàng nghìn con gà, hiện trang trại anh Thuận còn có hơn 200 con vịt, heo rừng, bò và 400 gốc thanh long ruột đỏ. Anh cho biết, sắp đến sẽ thuê đất để mở rộng diện tích lên 10ha, tăng đàn gà lên 30.000 con một lứa, đồng thời xây dựng bộ nhận diện, đăng ký thương hiệu “Gà ta Thuận Phát”.

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016

Kiếm tiền tỷ nhờ nuôi ốc hương

Hàng chục hộ dân đang sinh sống tại 2 thôn Từ Thiện và Sơn Hải, xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) đang có thu nhập cao nhờ nuôi ốc hương.


Trên thị trường hiện nay, ốc hương có giá khá cao, trung bình từ 200.000 đến 210.000 đồng một kg và rất dễ bán nên nhiều hộ nông dân ở xã Phước Dinh đã chọn làm đối tượng nuôi, có thu nhập khá.

Anh Đỗ Đặng Phúc (thôn Sơn Hải) cho biết, trước đây gia đình anh nuôi tôm thẻ chân trắng, nhiều vụ lỗ trắng tay. Sau nhiều năm gắn bó với con tôm, anh phải gánh khoản nợ lên tới hơn 1,7 tỷ đồng, vì vậy anh quyết định từ bỏ nghề nuôi tôm để chuyển sang nuôi ốc hương. Hiện trang trại nuôi ốc hương của anh cho thu nhập hơn nửa tỷ đồng một vụ.

Ốc hương dễ nuôi lại lãi cao.


Theo anh Phúc, bí quyết để nuôi ốc hương thành công đó là chịu khó học tập, mạnh dạn đầu tư và nắm bắt thông tin thị trường hàng ngày qua các phương tiện thông tin đại chúng. Anh chia sẻ kinh nghiệm: “Ốc hương là đối tượng nuôi rất dễ, kỹ thuật đơn giản. Từ khi thả nuôi ốc hương đến khi thu hoạch kéo dài 6 tháng, sau khi thu hoạch xong phải cải tạo, xử lý ao nuôi trong 1-2 tháng mới nuôi vụ tiếp theo. Mặt dưới của ao phải phủ một lớp bạt để giữ nước, trên mặt bạt bỏ cát có độ dày từ 25 đến 30cm. Thực tế cho thấy, ốc hương phát triển nhanh vào mùa nắng và chậm phát triển vào mùa mưa”.

Thức ăn của ốc hương chủ yếu là cá tạp, mỗi ngày cho ăn một lần, thời điểm thích hợp nhất vào buổi chiều mát. Trang trại nuôi ốc hương của gia đình anh cũng tạo công ăn việc làm cho 4 lao động có mức thu nhập ổn định từ 4 đến 5 triệu đồng một người một tháng. Anh cũng tiết lộ sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho người đang nuôi ốc hương gặp khó khăn hoặc những người đang có cùng sở thích về nuôi ốc hương.

Ông Ngô Xuân Tịnh – Chủ tịch Hội nông dân xã Phước Dinh, cho biết, nghề nuôi ốc hương đã phát triển được 3 năm nay, ban đầu bà con nuôi tự phát chỉ có 2 hộ nuôi, đến nay toàn xã có 15 hộ nuôi. Mô hình nuôi ốc hương cũng tạo việc làm cho trên 60 lao động của địa phương có thu nhập ổn định.

Theo ông, nuôi ốc hương có thu nhập cao gấp 2 lần so với tôm thẻ chân trắng, đồng thời là đối tượng ít bị dịch bệnh, giá bán hàng năm đều tăng dần. Hội nông dân xã cũng đang đề nghị chính quyền địa phương và các cấp thành lập tổ hợp tác nuôi ốc hương để người nuôi dễ dàng trao đổi kỹ thuật và bao tiêu đầu ra ổn định, lâu dài cho các hộ dân.

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2016

Chàng trai có hai bằng đại học về quê nuôi vịt trời

Có hai bằng đại học nhưng anh Phạm Văn Nhật (Ninh Bình) vẫn gác lại để chăn nuôi vịt trời cho thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm.


Vùng đất ngã 3 sông Đáy ở xã Khánh Tiên (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) là nơi anh Phạm Văn Nhật chọn để xây dựng trang trại chăn nuôi vịt trời bởi thuận lợi cho việc thay nước trong ao sau mỗi lứa xuất chuồng. Nhìn khu trang trại rộng 6ha với hàng trăm chuồng vịt, ao cá lớn nhỏ không ai nghĩ ông chủ của cơ ngơi này từng có trong tay 2 tấm bằng đại học cùng công việc ổn định, nhưng vẫn quyết định bỏ hết để theo đuổi nghề nông.

Với đàn vịt hàng vạn con, mỗi tháng ông chủ 33 tuổi thu khoảng 50 triệu đồng. Ảnh: Phương Vy. 



Năm 2006, sau khi tốt nghiệp Đại học Hải Phòng chuyên ngành Văn hóa du lịch, Nhật học thêm ngành Quản trị kinh doanh ở Đại học Kinh tế quốc dân. Ra trường, anh xin vào làm hướng dẫn viên du lịch cho một công ty lữ hành ở Hà Nội với mức lương 10 triệu đồng mỗi tháng.


“Thời gian dẫn khách đi tour đến các nhà hàng, thấy những món ăn như lợn rừng, gà rừng, vịt trời được bán với giá rất cao nên trong đầu tôi nảy sinh suy nghĩ sẽ chăn nuôi những loài đặc sản này”, Nhật nói.


Dẫn tour được một năm anh xin nghỉ việc về quê làm… nông dân. “Quyết định của tôi hơi đường đột vì công việc đang trôi chảy nên bị gia đình ngăn cấm. Bố tôi nói, nếu chỉ làm nông nghiệp thì bố mẹ đã không phải tằn tiện nuôi con ăn học đến nơi đến chốn như vậy. Còn mẹ thì buồn rầu cả tháng chỉ mong tôi suy nghĩ lại”, anh Nhật chia sẻ.


Để bố mẹ yên lòng, anh lại xin đi làm cho một hãng viễn thông gần nhà. Từ vị trí nhân viên, sau thời gian ngắn anh được làm quản lý với tổng thu nhập khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng ước mơ làm nông dân vẫn ấp ủ trong lòng nên ngoài thời gian làm việc Nhật tranh thủ chăn nuôi trong khu đất của gia đình ở xã Khánh Hải.


Ban đầu là nuôi gà rừng và nhím nhưng nhanh chóng thất bại vì lợi nhuận không cao, đầu ra khó khăn nên anh chuyển sang chăn nuôi vịt trời. “Những năm 2013 vịt trời giống khoảng 50.000 đồng mỗi con nên tôi chỉ đủ vốn nuôi 500 con”, anh Nhật nói và cho hay, trước khi nuôi anh liên lạc với các nhà hàng quen thời làm hướng dẫn viên du lịch để đảm bảo đầu ra.


Cách chăm sóc vịt trời, theo anh Nhật không quá khó, về cơ bản giống vịt thường. Vịt trời lại có sức đề kháng tốt nên không hay mắc bệnh vặt, tuy nhiên khi nuôi số lượng lớn phải đảm bảo vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng vắc xin đều đặn.


Sau hai tháng rưỡi, lứa vịt đầu tiên của Nhật xuất chuồng. Ở thời điểm ấy, vịt trời có giá 180.000-200.000 đồng một con nên trừ mọi chi phí, anh cũng lãi 30 triệu đồng từ đàn vịt 500 con.


Thấy lợi nhuận từ vịt trời lớn hơn nhiều so với các con vật khác nên anh quyết tâm đầu tư trang trại để chăn nuôi với số lượng lớn. Bước đầu, anh đến xã Khánh Tiên xin đấu thầu khu đất nông nghiệp rộng khoảng 2ha rồi đào ao, lập chuồng trại. Số tiền tích cóp không đủ làm vốn nên anh vay mượn thêm rồi mua cả vạn vịt giống về nuôi. Để có toàn thời gian chăn nuôi, anh lại xin nghỉ hẳn việc ở công ty.


“Quyết định nghỉ việc thêm một lần nữa bị phản đối, vợ tôi nói gay gắt rằng ở phòng điều hòa không muốn lại muốn về chui chuồng vịt. Còn bố mẹ tôi cũng khuyên răn nhiều nhưng thấy tôi quyết tâm nên không ai nói thêm gì”, anh Nhật kể.


Khu trang trại rộng 6 ha của anh Nhật với hàng trăm chuồng vịt, ao cá. Ảnh: Phương Vy. 


Đàn vịt cả vạn con của anh Nhật nuôi được hơn tháng thì có biểu hiện dịch bệnh, chậm lớn, lông xấu, bỏ ăn và có ngày chết cả trăm con. Anh nhận thấy dịch bệnh lan rất nhanh, nếu không xử lý kịp sẽ mất cả đàn. “Nguyên nhân dịch bệnh là do chuồng trại chật trội, vịt nhốt quá đông và nguồn nước không được thay rửa thường xuyên nên ô nhiễm. Tôi phải tách đàn, thay nước, cho uống thuốc để kiểm soát dịch bệnh sau đó cho vịt ăn thêm thức ăn nhằm tăng sức đề kháng”, anh Nhật nói và cho hay, dù sau đó kiểm soát được dịch bệnh nhưng số lượng vịt chết khoảng 4.000 con lúc ấy khiến anh mất trên 2 tỷ đồng và trắng tay.


Tưởng như thất bại ấy khiến anh bỏ ý định làm nông nghiệp nhưng vài tháng sau dân làng lại thấy Nhật đi vay tiền, đấu thầu khu đất mới rộng 6 ha ở ngã 3 sông Đáy (xóm 7, xã Khánh Tiên) rồi thuê máy đào ao, san đất và cho lập hàng trăm chuồng vịt lớn nhỏ. Mỗi chuồng rộng vài chục mét vuông có sân chơi và ao riêng để vịt tắm. Dưới ao anh tận dụng thả cá, xung quanh ao trồng chuối bán quả và lấy lá cho cá ăn. Nhật cũng cho lắp hai đường ống nối giữa trang trại với sông để thay nước thường xuyên, tránh ô nhiễm.


“Những kinh nghiệm chăn nuôi ấy tôi rút ra được sau lần mất trắng 2 tỷ. Số tiền học phí ấy dù lớn nhưng cũng không đáng tiếc”, ông chủ 33 tuổi hài hước nói.


Trang trại khép kín của anh Nhật có thời điểm nuôi trên 2 vạn vịt thịt, khoảng 3.000 vịt đẻ. Trung bình mỗi tháng anh xuất 4.000-6.000 vịt thương phẩm cho thị trường các tỉnh phía Nam. Với giá trên 80.000 đồng một con thì doanh thu của trang trại khoảng 400 triệu đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, anh thu lãi trên 50 triệu đồng mỗi tháng.

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016

Vườn nho cho lãi trăm triệu của chàng trai xứ Lạng

Nhận thấy thu nhập từ trồng lúa thấp, Hoàng Hải Phòng, 29 tuổi, trú xã Mai Pha, TP Lạng Sơn cùng người thân trong gia đình chuyển sang trồng cây ăn quả, thu lãi hơn 300 triệu mỗi năm.

Lớn lên trong gia đình thuần nông, ruộng vườn chủ yếu trồng lúa nước và các loại rau nên thu nhập gia đình Phòng cũng chỉ đủ chi tiêu. Nhận thấy giá cả của các loại cây ăn quả cao hơn, anh cùng người thân trong gia đình bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu trồng một số giống cây ăn quả.

“Ban đầu nhà tôi trồng dưa hấu và dưa vàng nhưng đầu ra khá bấp bênh, có năm giá cao có năm thấp. Từ năm 2012, tôi thuê thêm đất trồng nho và đang tập trung cho loại quả này”, Phòng chia sẻ và cho biết, tổng diện tích 3 loại cây ăn quả của nhà anh gần 5 mẫu Bắc bộ (18.000m2), trong đó có hơn 3 mẫu đất trồng nho đem lại giá trị kinh tế cao. Ban đầu mới bắt tay vào trồng nho, Phòng gặp khó khăn chồng chất dù đã nắm được kỹ thuật trồng và chăm sóc thông qua các lớp tập huấn tại Sở Khoa học và Công nghệ, nhưng khi làm thực tế mới đúc rút được kinh nghiệm cho bản thân.

Hoàng Hải Phòng hiện có khoảng 10.000 gốc nho. Ảnh: NVCC

Để nho phát triển tốt, đậu quả cao và không bị rụng phải rất tỉ mẩn trong chăm sóc. Có những ngày Phòng “cố thủ” trên ruộng nho tỉa cành, làm giàn, bón phân và thăm từng gốc nho để xem có sâu bệnh gì không. Do số đất của gia đình hạn chế nên mỗi năm anh đều phải tìm thuê đất để trồng, nhưng không phải lúc nào cũng thuê được những thửa ruộng ưng ý. Do trồng tập trung nên phải chọn ruộng gần nhau để tiện chăm bón và vị trí cao tránh ngập úng vào mùa mưa lũ.

Năm đầu tiên, nho nhà Phòng cho thu hoạch quả hơi nhỏ và không đẹp mắt như nho Trung Quốc nhưng nhiều người vẫn biết đến tìm mua. Nho chín tới đâu, khách mua hết tới đó. Sau vụ đầu tiên, thấy chất lượng nho vẫn còn thấp, Phòng lại cất công tìm hiểu trên tài liệu và trao đổi với các chuyên gia Trung Quốc. Các khâu tỉa cành, bảo vệ hoa, phòng trừ sâu bệnh, tăng tỉ lệ thụ phấn, tỉa quả tạo hình thái chùm, bảo vệ quả... anh đều ghi chép lại.

Thấy nho được giá, gia đình Phòng mạnh dạn mở rộng diện tích và hiện tại đang có hơn 10.000 gốc. Vào thời vụ, anh thuê 8-10 nhân công chăm sóc, tỉa, bón phân và hái nho.

Mỗi năm Phòng kiếm được hơn 300 triệu đồng tiền lãi từ trồng các loại cây ăn quả. Ảnh: NVCC

Giống nho mà Phòng chọn trồng là Cự Phong và Tảo Hồng, có thể sống ở vùng khí hậu lạnh và độ ẩm cao, mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ. Mỗi cây cho quả khoảng 2-3 kg, một năm nhà anh thu hoạch khoảng 20-30 tấn. Dù giá bán dao động từ 100.000 đến 150.000 đồng một kg, cao hơn cả nho Trung Quốc, nhưng nho vườn nhà Phòng lúc nào cũng “cháy” hàng. Trung bình mỗi ngày nho chín từ 50 đến 60 kg, ngày nào chín rộ lên đến cả tạ.

Không chỉ bán cho những mối quen biết, Phòng còn rao bán trên mạng, quảng bá sản phẩm thông qua mạng xã hội, số lượng người biết đến nho nhà anh ngày càng tăng, đặc biệt là lượng khách “ruột”.

“Đầu ra của nho khá ổn định, tôi rao bán tại TP Lạng Sơn và một số tỉnh lân cận như Cao Bằng, Thái Nguyên. Thương lái họ vào tận vườn tìm mua, ai đặt hàng tôi sẽ gửi đi trong ngày vì không sử dụng chất bảo quản nên sau khi hái chỉ để được khoảng 3 ngày, cuống nho héo quả sẽ tự rụng khỏi chùm”, Phòng nói.

Tự nhận mình có niềm đam mê nông nghiệp, chàng cử nhân khoa giáo dục chính trị, Đại học sư phạm Thái Nguyên luôn tìm hiểu và chăm chỉ “làm thuê” ngoài ruộng cho bố mẹ bất cứ khi nào có thời gian để lấy thêm kinh nghiệm. Anh tự coi mình như một người học việc cố gắng học hỏi từ người thân và hàng xóm để hoàn thiện hơn nữa về kĩ thuật trồng nho.

Phòng tâm sự đã từng nhập ngũ, học trung cấp nghề, đi làm thuê, rồi học đại học. Dù bản thân cũng muốn có một công việc theo đúng chuyên ngành đào tạo, nhưng hoạt động nông nghiệp đem lại giá trị kinh tế cao hơn giúp anh nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Phòng cho biết mỗi năm “bỏ túi” hơn 300 triệu đồng tiền lãi từ trồng cây ăn quả, trong đó hơn một nửa từ nho. Hiện tại, anh thuê gần một mẫu đất tại Thái Nguyên trồng dưa hấu, sắp tới sẽ cho thu hoạch vụ đầu tiên. Anh cũng đang tìm hiểu thêm về đất và khí hậu vùng này để trồng nho, mở rộng thêm mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp.

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2016

Nông dân nghèo có tiền tỷ nhờ nuôi tôm vùng ngập mặn

Từ hộ nông dân trồng lúa, làm thuê luôn túng thiếu, ông Thạch Lương ở xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải (Trà Vinh) chuyển sang nuôi tôm, cua rồi mở rộng cơ ngơi, đến nay lợi tức hàng năm lên đến bạc tỷ đồng.


Sinh năm 1964 ở xã Long Vĩnh, ông Thương cùng gia đình sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, mỗi năm một vụ, năng suất rất thấp. Cả gia đình sống chen chúc trong một căn nhà nhỏ ven rừng ngập mặn, trong cảnh túng thiếu, vợ chồng phải buôn bán nhỏ và làm thuê.

Năm 2008, thực hiện chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa, đất bỏ hoang sang nuôi trồng thủy sản, ông Thương mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích đất hiện có của gia đình sang nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh cải tiến (thả lan). Vụ nuôi đầu thành công, ông Thương tích lũy thêm một số vốn và mua thêm đất, tiếp tục mở rộng ao tôm.

Hiện ông Thương sở hữu 20 ha đất nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh. Theo ông, mô hình nuôi tôm sú trong rừng ngập mặn vừa đảm bảo thu nhập, bảo vệ môi trường sinh thái mà còn phát triển theo hướng bền vững. Tôm sú nuôi theo hình thức thả lan với mật độ thưa không sử dụng kháng sinh, lớn nhanh, sạch bệnh, bán được giá. Trung bình mỗi năm gia đình ông thả 300.000 con tôm sú kết hợp với 30 - 40kg cua biển giống (chia làm 3 đến 4 đợt mỗi năm). Chỉ riêng tôm thâm canh và bán thâm canh, gia đình ông có nguồn thu nhập đều đặn hàng tháng và lợi nhuận từ 100 - 200 triệu đồng một năm.


Những đầm tôm mênh mông mang lại lợi tức tiền tỷ của gia đình ông Thạch Lương. Ảnh: Tiền Phong


Ngoài diện tích nuôi tôm trong rừng ngập mặn, những năm gần đây, ông Thương chuyển một số diện tích sang nuôi tôm công nghiệp. Ông Thương cho biết, năm 2009, khi quyết định chuyển sang nuôi tôm công nghiệp, nhiều người lo ngại cho ông, vì nếu thất bại ông sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông Thương vẫn quyết tâm làm và đã liên tục thành công. Hiện ông Thương sở hữu 19 ao nuôi tôm công nghiệp với tổng diện tích gần 10 ha.

Để nuôi tôm đạt hiệu quả cao, phải quản lý nghiêm từ khâu nạo vét ao hồ cho đến môi trường nước. Ao nuôi phải đảm bảo thông thoáng, khu nuôi tôm có dành diện tích làm ao lắng xử lý môi trường nước khi cung cấp vào ao nuôi, giữ độ sâu mức nước từ 1,4-1,5m. Hàng ngày theo dõi chế độ ăn của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh do lượng thức ăn thừa tồn dư trong ao nuôi.

Hàng năm, gia đình ông Thương đều lãi lớn từ nghề tôm, thu lợi trung bình trên một tỷ đồng. Riêng năm 2015, ông lãi trên 2,5 tỷ đồng. Ngoài nguồn thu nhập từ việc nuôi thủy sản, ông Thương còn có nguồn thu từ đàn bò sinh sản, bò thịt.. Nhờ vượt khó để làm ăn, tích cực lao động sản xuất, nhiều năm liền ông Thương được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Trà Vinh.

Sau khi thoát nghèo thành tỷ phú, ông Thương hiến 2.500 m2 đất gần trục lộ chính, dân cư đông đúc để địa phương xây trường học. Ông Thương còn hỗ trợ kinh phí xây dựng kênh thủy lợi nội đồng và cống thoát nước phục vụ cho 15 hộ dân nuôi thủy sản trong ấp và nhiệt tình tư vấn kỹ thuật nuôi tôm cho nhiều nông dân tại địa phương vượt khó.

Đầu năm 2016, ông Thương được UBND tỉnh tặng bằng khen vì “đã phát huy tốt vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh”. Gia đình ông Thương đang bảo đảm việc làm cho 5 lao động nghèo trong vùng với mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, khi thu hoạch tôm, ông Thương còn thưởng thêm mỗi lao động một tháng lương. Ông là người nuôi tôm hiếm hoi ở vùng đất này hay thưởng cho người lao động.

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

Cô chủ 9X chi 2 tỷ đồng bán rau sạch

Sau 2 tháng đi vào hoạt động, số tiền đầu tư cho dự án gia tăng, song cô gái trẻ đến từ Lâm Đồng vẫn tự tin về thành công của mô hình.


Tạ Quỳnh Hoa, sinh năm 1994 tại thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng). Có nhiều năm sinh sống học tập tại TP HCM, cô gái trẻ nhận thấy rất nhiều gia đình tại các khu dân cư có nhu cầu trồng rau sạch tại nhà. Và thực tế, nếu có một không gian nhỏ với chi phí thấp, hầu hết mọi người đều có thể tự cung cấp rau sạch cho mình.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện về diện tích để thực hiện điều đó. Đặc biệt, mong muốn biến trang trại trồng rau thành một địa điểm tham quan trong lành mát mẻ và có thể thu hoạch rau mang về, Hoa đã lên kế hoạch khởi nghiệp từ việc trồng rau nhưng với mô hình hoàn toàn mới.


Quỳnh Hoa đầu tư 2 tỷ đồng cho dịch vụ cung cấp rau sạch trọn gói tại TP HCM.


"Với dịch vụ trọn gói cung cấp rau sạch từ A đến Z của mình, nhiều hộ gia đình dù bận rộn không có thời gian chăm sóc vẫn có rau sạch ăn hằng ngày", Hoa cho biết.

Theo đó, trang trại của Hoa sẽ cung cấp các khay rau sạch (65x42cm) với đủ các loại rau để chọn lựa và khách hàng có thể tay chăm sóc rau mỗi ngày bằng cách đưa về nhà.

Mỗi một khay có sẵn đất và cây non cũng như phân trùn quế đi kèm giúp rau phát triển tốt mà không tồn đọng lưu lượng thuốc trừ sâu hay bất kỳ loại hóa chất độc hại nào. Mức giá cho khay rau này được Hoa bán ra là 39.000 đồng một khay. Khách hàng chỉ đặt cọc khay một lần duy nhất là 45.000 cho một khay, sau khi sử dụng hết rau nếu không mua tiếp khách trả khay và nhận lại tiền cọc.


Ngoài việc giao khay rau đến tận nhà, nếu khách hàng có nhu cầu muốn trồng rau sạch theo diện tích, Hoa sẽ cho thuê đất.


Ngoài việc giao khay rau đến tận nhà, nếu khách hàng có nhu cầu trồng theo diện tích có thể thuê theo m2 ngay tại trang trại của Hoa để trồng rau với giá 190.000 một m2. Tại đây, mỗi gia đình tuỳ ý lựa chọn vị trí và diện tích phù hợp. Dịch vụ trọn gói cung cấp miễn phí tất cả dụng cụ, hạt giống, phân bón cho khách hàng. Đến mùa thu hoạch, các bà nội trợ có thể lựa chọn giữa tự tay hái rau hoặc nhờ nhân viên thực hiện và giao về nhà.

Bên cạnh đó, cô chủ 9X còn mở rộng thêm dịch vụ tham quan trang trại rau sạch vào dịp cuối tuần cho các gia đình, bạn trẻ. "Mọi người không chỉ được hít thở bầu không khí trong lành mà còn có thêm những bài học về thiên nhiên thú vị và bổ ích để dạy cho trẻ em. Bên cạnh đó, còn có thể tự tay hái rau hoặc mua đủ loại rau sạch với mức giá hợp lý", cô chủ trang trại cho biết.

Chia sẻ với mô hình kinh doanh sau 2 tháng đi vào hoạt động, Hoa cho biết số tiền cô đầu tư vào dự án đến thời điểm này là hơn 2 tỷ đồng và còn nhiều hạng mục khác cần mở rộng thời gian tới.


Khách hàng có thể tay chăm sóc rau mỗi ngày bằng cách đưa cả khay rau về nhà.


Với mức giá 39.000 đồng một khay rau đi kèm là các dịch vụ chăm sóc thì hiện doanh thu của dự án vẫn chưa có, thậm chí lỗ vốn, song cô gái trẻ chấp nhận bởi theo cô "kinh doanh cần phải từ tốn, biết đối mặt với những thách thức để ổn định thị trường lâu dài về sau".

"Bản thân mỗi người đều có thể bắt đầu khởi nghiệp dù số vốn ít hay nhiều, chỉ cần có ý tưởng và mạnh dạn làm, không sợ thất bại hay chê bai. Tôi mong muốn mang đến sự uy tín ở sản phẩm mình cung cấp cho khách hàng nhiều hơn là lợi nhuận, ở giai đoạn này", Hoa bày tỏ.

Hiện Hoa đã hoàn tất việc đăng ký thương hiệu cho công ty và theo kế hoạch thời gian tới, cô cùng cộng sự sẽ mở rộng thương hiệu đến nhiều tỉnh, thành cả nước.

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

Chàng kỹ sư điện kiếm 400 triệu đồng mỗi năm từ trồng nấm

Có trong tay tấm bằng kỹ sư điện nhưng anh Ngô Xuân Điền (Cần Thơ) lại đam mê làm trang trại và bước đầu thành công với khoản lãi 400 triệu đồng mỗi năm từ trồng nấm.


Năm 2014, anh Điền tốt nghiệp đại học ngành điện và xin vào làm tại UBND phường Trà An. Thời gian rảnh rỗi, anh mày mò tìm hiểu về mô hình nông nghiệp tốn ít diện tích đất và khởi nghiệp bằng mô hình trồng nấm linh chi.

Là "tay ngang", chưa có kiến thức gì về loại nấm này nên thời gian đầu, anh liên tiếp gặp thất bại. Không nản lòng, anh thường tìm đến những nơi làm nấm chuyên nghiệp tại các khu vực lân cận, lên cả Đồng Nai để tham quan, học hỏi. "Mình đến gõ cửa người ta, nhưng ai cũng ngại dạy bí quyết cho người lạ, sợ bị cạnh tranh, vì vậy tôi phải tự mày mò tìm hiểu trên internet và qua sách vở", anh Điền kể.

Vừa làm vừa học nên nấm do anh Điền trồng chậm phát triển, tỷ lệ hao hụt cao. Thậm chí anh đã phải nhận "trái đắng" sau 2 vụ trồng khi thiệt hại tới gần 100 triệu đồng. Dù rất xót của nhưng anh vẫn không nản lòng bởi luôn tin vào hướng đi của mình và coi đó là bài học kinh nghiệm.

Trang trại nấm linh chi của anh Điền. Ảnh: Huỳnh Xây.


Để làm lại, bên cạnh việc trồng nấm linh chi, anh trồng thêm nấm rơm. Anh Điền cho biết, nấm rơm dễ trồng, nhanh thu hoạch nên xem đó là cách để “lấy ngắn nuôi dài”, tạo nguồn vốn đầu tư cho các loại nấm dược liệu. Nấm rơm làm ra, anh phải đi bán nhỏ lẻ cho các chợ. Khó nhưng anh vẫn quyết tâm bám trụ đến cùng.

Sau thời gian dài mày mò, cuối năm 2015, anh đã thành công với mô hình trồng nấm linh chi. Dịp Tết Nguyên đán 2016, sản phẩm của anh đã được bán ra thị trường, thu về lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Cũng trong thời gian nghiên cứu trồng nấm linh chi, anh còn nuôi gà Đông Tảo, làm rượu nấm, chậu linh chi kiểng.

Khi hỏi tại sao lại chọn làm những mô hình còn ít người quan tâm, anh Điền cho rằng, ở thành phố có ít đất nên phải nghiên cứu, tìm tòi để phát triển những mô hình không cần nhiều đất nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, đó phải là những sản phẩm nông nghiệp sạch và ít đụng hàng mới dễ bán. "Mình làm vì đam mê nên không sợ cực khổ, lại càng không sợ thất bại", anh chia sẻ.

Theo anh Điền, các sản phẩm được sản xuất tại trang trại đều rất tỉ mỉ trong từng khâu, từ nguồn nước cho đến nguyên liệu, thức ăn đều được kiểm tra gắt gao, đảm bảo sạch và an toàn. "Đến nay, tôi đã nghiên cứu thành công 32 loại nấm, trong đó toàn là những nấm độc, lạ, có tác dụng bồi bổ sức khoẻ, trị bệnh. Tôi cũng đang xây dựng nhiều nhà lạnh để tiếp tục nghiên cứu, trồng các loại nấm trên", anh nói.

Anh cũng thông tin, trung bình mỗi trang trại đầu tư khoảng 200 triệu đồng. Mỗi nơi đều có người phụ trách riêng, còn anh chịu trách nhiệm chung và quảng bá, giới thiệu, kinh doanh sản phẩm làm ra. Từ khi đến với nông nghiệp, anh hầu như không bao giờ ngủ trước 12 giờ đêm.

Hiện nay, anh Điền cho biết mỗi ngày bán được hàng chục kg nấm các loại, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 400 triệu đồng một năm. Anh cho biết vài tháng tới sẽ công bố, giới thiệu 2 loại nấm mới tự nghiên cứu, sản xuất thành công trong phòng thí nghiệm. Đó là nấm hoàng đế (một giống nấm mới có trọng lượng lớn, có thể đạt hàng chục kg một chùm nấm) và nấm mối - loài nấm vốn chỉ mọc trong tự nhiên vào mùa mưa.

Ngoài trang trại nấm linh chi, anh Điền còn đầu tư trại nuôi bồ câu với diện tích khoảng 60m2, trại nuôi gà Đông Tảo khoảng 50m2 và khu vực nuôi dế khoảng 16m2… Không chỉ thành công với những vật nuôi độc, lạ chàng trai 28 tuổi quê Cần Thơ còn làm rượu nấm, kiểng nấm (nấm bon sai).

Với sức trẻ của mình và với đam mê nông nghiệp sạch, anh Điền mong muốn tạo ra thói quen mới trong sản xuất là không cần nhiều diện tích đất và sản phẩm đến tay người tiêu dùng càng ít khâu trung gian càng tốt. Vì vậy, anh đã tận dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm. Để nhiều người có thể tiếp cận được các sản phẩm trên, anh không ngại bán với số lượng ít. Chẳng hạn, nấm linh chi thường có giá hơn 1 triệu đồng mỗi kg nhưng anh chấp nhận cả những đơn hàng chỉ vài trăm gram.

"Nhiều người muốn tiếp cận sản phẩm nhưng không có nhiều tiền, hoặc ngại mua một lần với số tiền lớn nên tôi đã chia nhỏ ra bán. Đây cũng là cách tôi tiêu thụ sản phẩm hiệu quả tới mọi đối tượng khách hàng", anh cho hay.

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2016

Chàng công nhân 8x đưa mãng cầu xiêm Lai Vung xuất ngoại

Liên tục thất bại, có lúc tuyệt vọng, nhưng vẫn kiên trì theo đuổi, Đặng Qúy Ngọc đã xuất khẩu được mãng cầu xiêm tươi và thành phẩm sang thị trường Singapore.


Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông ở Lai Vung (Đồng Tháp), Đặng Quý Ngọc phải bỏ dở việc học và tìm kế sinh nhai bằng đủ mọi nghề, từ công nhân may, công nhân sản xuất linh kiện máy photo, rồi nhân viên cho một công ty xuất nhập khẩu nước ngoài… Chính sự thăng trầm đó đã giúp Ngọc tích lũy nhiều kinh nghiệm và đây cũng là nền tảng để chàng trai 8x nảy sinh ra ý tưởng xây dựng dự án trồng và xuất khẩu mãng cầu xiêm.

Trong quá trình gắn bó với công việc xuất nhập khẩu, Ngọc nhận thấy Singapore là một thị trường xuất khẩu tiềm năng cho sản phẩm mãng cầu xiêm ở quê hương Lai Vung của anh. Do đó, khoảng cuối 2015, Ngọc quyết định về quê thực hiện dự án trồng và chế biến mãng cầu xiêm theo mô hình khép kín.


Mãng cầu xiêm là loại trái cây rất khó để xuất khẩu nhưng nhờ chọn hướng đi tốt Ngọc đã đem được sản phẩm sang thị trường Singapore. Ảnh: Mỹ Lý.


Sau khoảng thời gian bố trí lại quy trình xuất nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu, đến tháng 6/2016, Ngọc xuất được lô hàng mãng cầu xiêm đầu tiên sang thị trường Singapore thuận lợi với giá cao gấp 3 lần thị trường Việt Nam. Hiện nay trung bình một tháng anh xuất khoảng hơn một tấn mãng cầu tươi, dự kiến số lượng sẽ tăng lên 5-10 tấn một tháng.

Ngoài phát triển sản phẩm tươi, Ngọc còn nghiên cứu và chế biến mãng cầu xiêm thành thức uống dinh dưỡng. Bước đầu sản phẩm đã được bán xách tay sang thị trường này và sắp tới, theo yêu cầu của đối tác, công ty của Ngọc sẽ xuất theo đường chính ngạch qua cảng. "Chúng tôi sẽ trực tiếp làm thủ tục hải quan và làm các thủ tục cần thiết để xuất hàng cho đối tác theo tháng. Trung bình mỗi tháng sẽ có 10 tấn thành phẩm sang thị trường này", Ngọc nói.

Từ một người “tay ngang” chuyển sang lĩnh vực chế biến thực phẩm là điều không hề dễ dàng, khiến thời gian đầu Ngọc gặp rất nhiều khó khăn khi các mẫu sản xuất thử đều thất bại. Ngọc chia sẻ, từ việc xuất khẩu trái tươi sang đầu tư chế biến là một hành trình gian nan và đơn độc. Lúc đó, với Ngọc cái gì cũng thiếu thốn, từ kinh nghiệm cho đến công nghệ, máy móc, thiếu cộng sự và cả tài chính…

Nhiều lần thất bại có lúc đẩy Ngọc gần như đi vào bế tắc. 600 triệu đồng tích góp suốt nhiều năm đều tan biến. May mắn là sau quãng thời gian khó khăn đó, Ngọc nhận được sự góp ý chân tình từ các đối tác ở Singapore và gặp được những cộng sự có chuyên môn sâu trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. Sau khởi đầu khó khăn, sản phẩm tâm huyết “thức uống dinh dưỡng mãng câu xiêm của anh Ngọc chính thức có mặt trên thị trường vào đầu tháng 9/2016. Dù là sản phẩm mới toanh, song thức uống dinh dưỡng này đã chinh phục được nhiều khách hàng từ nội địa đến nước ngoài.

Chia sẻ về cách để vào được thị trường khó tính này, Ngọc cho biết, điều quan trọng nhất là sản phẩm phải sạch, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Đối tác nước ngoài thường rất khắt khe, ngoài việc đạt các tiêu chuẩn của họ đưa ra, họ còn tới tận vườn để khảo sát mới đồng ý hợp tác. Do vậy, việc tạo mô hình khép kín là một lợi thế để có được sự tin tưởng của khách hàng. Ngoài ra, mãng cầu xiêm rất nhanh chín nên cần có cách bảo quản hợp lý mới đảm bảo được sản phẩm tươi ngon và chín đúng thời điểm.

Theo Ngọc, sắp tới cơ sở sản xuất Thuận Thiên Thành dự kiến sẽ triển khai dự án cùng hợp tác với nông dân huyện Lai Vung trong việc mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất mãng cầu xiêm. Theo đó, mãng cầu xiêm ở vùng nguyên liệu này sẽ được sản xuất theo quy trình an toàn, hướng tới sản xuất theo quy chuẩn GlobalGAP. Đây sẽ là vùng nguyên liệu chính để Ngọc đầu tư cơ sở sản xuất thức uống dinh dưỡng mãng cầu xiêm, cùng các sản phẩm sấy dẻo, mứt và trà mãng cầu xiêm.

Ngoài việc thành lập cơ sở sản xuất ngay tại Lai Vung, Ngọc còn thành lập công ty ở quận 7 (TP HCM) để đảm nhận khâu thủ tục, giấy tờ xuất khẩu mãng cầu xiêm. Song song với việc mang sản phẩm của quê nhà xuất ngoại, chàng trai quê Đồng Tháp cũng có ý tưởng kết hợp với các đơn vị có vùng nguyên liệu nông sản sạch để xuất khẩu sang Singapore và một số thị trường châu Á tiềm năng khác như: Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia…

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2016

Trại gia cầm 'độc' xứ Lạng

Sau thời gian dài kiên trì tìm hướng đi mới với việc trồng trọt, chăn nuôi, ông Đỗ Mạnh Lai (52 tuổi, xã Minh Sơn, Hữu Lũng, Lạng Sơn) hiện có cả nghìn con vịt trời, gà H'mông, gà 6 ngón, lợn rừng... trên diện tích 1,5ha.


Năm 1984, ông Lai nhập ngũ, được đơn vị cử đi học nghề y đến năm 1991 thì về nghỉ chế độ phục viên tại địa phương. Ban đầu, ông theo đuổi công việc bán thuốc, kinh doanh bách hóa tổng hợp nhưng không đem lại hiệu quả cao. Năm 2011, ông Lai quyết định đầu tư theo hướng tổng hợp về nông nghiệp: chăn nuôi lợn nái, gà, bò, đào ao thả cá, trồng táo và chăm sóc 1,5 ha rừng bạch đàn, keo.

“Ngày đó vốn liếng không có nhiều, đầu tư vào chăn nuôi trồng trọt vợ chồng tôi phải tính toán kĩ lưỡng cả về chuồng trại, thức ăn, đầu ra cho sản phẩm”, ông Lai chia sẻ.

Ông Lai tách các giống gà ra riêng từng chuồng nuôi nhốt, có làm 2 hoặc 3 tầng để gà ở. Ảnh: Hồng Vân


Gia đình làm nông nghiệp nên ông thường tìm hiểu tài liệu, sách báo, xem các chương trình dạy kĩ thuật chăn nuôi. Nhận thấy giống lợn rừng, vịt trời đem lại hiệu quả kinh tế cao nên năm 2013, ông sang Lục Nam (Bắc Giang) mua 22 con giống vịt trời và đôi lợn nuôi thử. Nhờ cần cù, chịu khó nên sau một thời gian ông phát triển đàn vịt trời lên đến hàng trăm con.

Có thời gian rảnh rỗi, ông Lai đi tham quan học tập mô hình chăn nuôi của địa phương khác và tỉ mỉ ghi chép lại để áp dụng cho mình. Sau đó, ông đầu tư mua thêm giống gà H’mông, gà 6 ngón vùng Mẫu Sơn và gà sao. Từ kinh nghiệm thực tiễn ông nhận thấy các giống gà đặc sản nuôi tại mỗi địa phương có khí hậu khác nhau nếu được chăm sóc đầy đủ và tiêm phòng đúng thời gian chúng sẽ không dễ mắc dịch bệnh, tăng sức đề kháng.

Mỗi năm, thu nhập từ chăn nuôi ông Lai có lãi hơn 150 triệu đồng. Ảnh: Hồng Vân


Ông Lai xây dựng chuồng trại thoáng mát bằng thân cây, dùng lưới quây lại, có chỗ nuôi nhốt riêng từng loài gia cầm. Mỗi chuồng đều dựng 2 hoặc 3 tầng, đặc biệt không để lẫn con giống gà 6 ngón với gà thường. Cứ 5 ngày ông đem trứng gia cầm xuống Bắc Giang thuê ấp, thời gian ấp trứng vịt trời và gà sao là 27 ngày, gà 6 ngón và gà H’mông là 20 ngày. Ông xây riêng một khu chuồng cho gia cầm con, có nơi đốt lửa sưởi ấm về mùa đông.

“Đàn gia cầm và lợn tôi nuôi rất dễ, chủ yếu cho ăn các loại rau, chuối, bèo. Khoảng hơn 6 tháng gà mới được xuất, lợn rừng là từ 2 năm nên thịt chắc, thơm ngon. Ban đầu chỉ có vài khách tìm đến mua thử, ăn thấy ngon rồi họ giới thiệu thêm cho người quen”, ông Lai tiết lộ.


Ông Lai bên khu chuồng nuôi lợn rừng vừa đẻ. Ảnh: Hồng Vân


Nằm tách biệt khỏi khu dân cư, trang trại rộng 1,5ha của ông Lai hiện có gần 1.000 con vịt trời, đàn gà H’mông, gà sao, gà 6 ngón tổng cộng gần 1.000 con và 5 lợn nái rừng.

Hiện các loại gia cầm và lợn rừng của gia đình ông Lai nuôi được nhiều nhà hàng trong và ngoài tỉnh tìm mua. Ngoài ra, ông còn cung cấp giống gia cầm, hướng dẫn kĩ thuật nuôi, chăm sóc, phòng bệnh cho những người tìm đến học tập kinh nghiệm. Giá bán của lợn rừng hiện là 130.000 đồng một kg; gà sao, gà 6 ngón, gà H’mông là 200.000 đồng; vịt trời cũng từ 130.000 đến 150.000 đồng mỗi kg, chưa kể khoản thu từ trồng táo, thả cá. Hàng năm, trừ chi phí gia đình ông Lai có thu nhập từ 150 triệu đồng trở lên.

Trong thời gian tới, ông Lai có dự định tiếp tục mở rộng mô hình chăn nuôi của gia đình, trồng thêm hai loại cây dược liệu là đinh lăng và ba kích do nhận thấy giá trị kinh tế cao, phù hợp khí hậu thổ nhưỡng địa phương.

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

Vườn cà chua được trồng từ sữa và trứng gà

Bán ra thị trường với giá khá cao nhưng sản phẩm cà chua được trồng bằng sữa, trứng gà và mật mía của chị Thủy (Lâm Đồng) luôn cháy hàng.


Là người đam mê làm vườn nên trong một lần tình cờ được người bạn ở Nhật giới thiệu phương pháp trồng trái cây từ phân bón làm bằng trứng, sữa nên chị Phạm Thị Xuân Thủy ở thôn K’Long C (Hiệp An, Đức Trọng, Lâm Đồng) khá hào hứng và quyết định mang hạt giống và phương pháp này về áp dụng tại quê hương của mình.

“Khi biết được mô hình này tôi khá thích thú và nghĩ rằng người Nhật làm được thì mình sẽ làm được. Thế nên, đầu năm 2015 tôi bắt đầu thử nghiệm trồng cà trái cây trên diện tích 1.000m2 với chi phí đầu tư ban đầu khoảng 150 - 200 triệu đồng”, chị Thủy nói.

Những trái cà chua căng mọng khi ăn có mùi thơm trứng sữa.


Chị kể, ban đầu để giống cà phát triển phù hợp với thời tiết tại Việt Nam, chị phải trồng giống cà thường trước sau đó ghép cây giống cà chua Nhật. Để tránh sự xâm nhập của sâu bệnh, toàn bộ cây cà chua trên được chị Thủy trồng trong nhà kính khung sắt không rỉ sét. Ngoài ra, trang trại còn được lắp đặt hệ thống tưới nước tự động nhỏ giọt có chức năng di chuyển phân bón đến các cây nhằm tạo độ đồng đều cao.

Cứ nghĩ với sự chuẩn bị kỹ càng thì mọi việc sẽ suôn sẻ, tuy nhiên, 5 tháng đầu thử nghiệm, giống cà của chị Thủy chưa thể hấp thụ được phân bón làm từ sữa, trứng và mật mía nên năng suất và chất lượng không đạt kỳ vọng. Sang đến tháng thứ 6, chị bắt đầu điều chỉnh công thức pha trộn phân bón và liều lượng tưới cho cây thì kết quả đã thay đổi, mỗi gốc cà chua cho thu hoạch 8-10kg, cứ 50-60 ngày là cây bắt đầu cho trái.

“Khí hậu ở Việt Nam và Nhật không giống nhau, nhất là nơi có địa hình đặc thù như tỉnh Lâm Đồng nên khi học được công thức, tôi phải nhiều lần thử nghiệm rồi mới đưa ra công thức riêng, phù hợp với điều kiện sinh trưởng của từng loại cây trên đất canh tác. Ngoài ra, tôi phải kết hợp hệ thống tưới nhỏ giọt với giá thể trồng, môi trường nhà kính tốt nên cây mới có sức đề kháng tốt, chống lại được các bệnh như heo xanh, trắng phấn, bã trầu…", chị Thủy chia sẻ.


Nhờ hòa trộn phân bón đúng liều lượng kết hợp với hình thức tưới nhỏ giọt nên sản phẩm làm ra có độ đồng đều cao.


Từ quá trình thử nghiệm thành công và đúc kết được nhiều bài học, chị Thủy tiếp tục mở rộng lên 6.000m2 với 4.000 gốc cà. Hiện, mỗi tháng, chị cung ứng ra thị trường gần 1 tấn cà chua. Nếu bán lẻ thì sản phẩm này có giá 100.000 đồng, còn bán sỉ tại vườn từ 60.000 đến 70.000 đồng một kg. Mặc dù có giá khá cao, thậm chí gấp gần 10 lần so với loại cà chua thông thường, theo chị Thủy, loại cà trái cây tại vườn chị lúc nào cũng cháy hàng.

“Ban đầu sản phẩm chỉ có ít người dùng thử nhưng khi ăn rồi thì khách hàng mê luôn nên giới thiệu nhau. Vì vậy, ngoài bán tại phiên chợ xanh một tháng 2 lần tại quận 3 thì khách đặt hàng qua online cung không đủ cầu”, chị Thủy cho biết.

Về nguyên nhân khiến giá thành sản phẩm cao, chị Thủy cho biết chi phí đầu tư cũng như phân bón cho sản phẩm này lớn. Đặc biệt, hạt giống và phân bón là hai hạng mục chiếm đa số chi phí.

Để cho ra sản phẩm có màu sắc đẹp, trái mọng, có mùi thơm của trứng sữa chị Thủy phải dùng các nguyên liệu như sữa bò, sữa đậu nành, mật mía… Tất cả các nguyên liệu này sẽ được chị pha chế theo một kỹ thuật riêng. Cụ thể, sữa bò và sữa đậu nành được trộn với trứng gà, mật mía, rồi ủ cho lên men, sau đó hòa với nước theo cách tưới nhỏ giọt bằng hệ thống tưới tự động cho cây từ khi nhỏ đến khi trưởng thành. Thời gian đầu khi cây chưa ra trái, một ngày chị tưới 8 lần, mỗi gốc cà sẽ được tiếp nhận 200ml phân hỗn hợp. Sắp đến ngày thu hoạch, hệ thống tự động tưới cho cây 10 lần một ngày. Chi phí cho một lít phân là 50.000 đồng.

Nhờ bón loại phân “lạ” nên chất lượng của sản phẩm cũng khác hơn nhiều so với sản phẩm thông thường. Cà trái cây có vị ngọt chứ không chua như cà thường, khi ăn có mùi thơm trứng sữa và không tanh. Loại sản phẩm này cũng được coi như là trái cây tráng miệng sau mỗi bữa ăn.

Sắp tới, để đáp ứng nhu cầu thị trường, chị Thủy sẽ nhân rộng giống và tăng diện tích lên 1,2 - 2 ha. Ngoài ra, chị Thủy cũng đang thử nghiệm một số loại rau sử dụng phương pháp trồng đặc biệt trên.

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

Nuôi 100 con chim Trĩ xanh, nhẹ nhàng lãi 1 tỷ đồng/năm

Chỉ nuôi hơn 100 con chim trĩ xanh thuần chủng nhưng mỗi năm có thể thu lãi trên 1 tỷ đồng từ việc bán con giống. Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Minh Tuệ, chủ trang trại chim trĩ xanh ở xã Giao Tiến (Giao Thủy, Nam Định) khi nói về kinh nghiệm nuôi loài quý hiếm này.


Lên Tây Bắc lùng mua chim Trĩ

Anh Nguyễn Minh Tuệ cho biết: “Tôi nuôi chim trĩ xanh được 4 năm. Một lần, đến nhà người bạn chơi thấy có một đôi chim trĩ xanh tuyệt đẹp khiến tôi mê mẩn. Từ đó, tôi bắt đầu tự lần mò tìm hiểu và quyết định lùng mua về nuôi thử”.

Tuy nhiên, để tìm được giống chim trĩ xanh thuần chủng cực khó bởi trên thị trường hầu hết là chim trĩ đã lai tạo, không phải giống chim thuần chủng. "Tôi phải đi khắp vùng rừng núi Tây Bắc. Đi từ Cao Bằng, Thái Nguyên, Điện Biên,... thậm chí vào tận Thanh Hoá để lùng mua giống chim trĩ xanh thuần chủng về nuôi", anh Tuệ nói.

Nhờ việc việc nuôi 100 con chim trĩ bố mẹ mà anh Tuệ có thể thu lãi được khoảng 1 tỷ đồng/năm

Mỗi chuyến đi như vậy, anh không mua được nhiều. Lần nào may mắn thì được 2-3 con, không thì chỉ có 1 con, có đôi lần đi mất cả tuần liền còn chấp nhận về tay không. Khi mua được chim trĩ xanh thuần chủng, anh còn phải đem đến Viện Chăn nuôi nhờ phân tích mẫu gen để biết chính xác có phải loại "xịn" hay không.

"Ngoài nuôi vì đam mê, vì mục đích để làm kinh tế, tôi còn nuôi vì dự án bảo tồn gen dòng chim trĩ xanh quý hiếm này giống như dự án bảo tồn các loại gà cổ thuần chủng ở Việt Nam của tôi. Do đó, phải chọn loại thuần chủng 100% để nuôi chứ không nuôi loại chim đã lai tạo", anh Tuệ chia sẻ. Sau gần một năm băng rừng vượt núi đi tìm chim trĩ thuần chủng, anh Tuệ cũng có đàn chim trĩ xanh gần 40 con cả trống để tiến hành làm trại nuôi chim trĩ sinh sản, nhân đàn.

Nói về kỹ thuật nuôi chim trĩ, anh Tuệ cho biết: "Gà có 36 loại bệnh nhưng chim trĩ chỉ có 5 loại bệnh nên nuôi chim trĩ dễ như chơi". Theo anh Tuệ, nuôi chim trĩ xanh chỉ khó khăn ở thời điểm bóc trứng, cần phải chăm sóc kỹ, tiêm vắc xin đầy đủ tránh bệnh tật về sau. Trong một tháng tuổi, chim được cho ăn cám công nghiệp. Sau thời gian đó bắt đầu cho ăn ngô, lúa giống như nuôi gà thả vườn. Khi chim trĩ được 4 tháng tuổi có thể cho ăn thêm các loại rau như: bắp cải, rau muống, rau chuối,...

Chuồng trại nuôi chim trĩ cũng khá đơn giản, chỉ cần làm một mái lán che mưa, còn lại là diện tích thả ngoài trời cho chim chạy chơi.

Dễ dàng kiếm lãi 1 tỷ/năm

Với trang trại rộng 3.000m2, anh Tuệ khoe: "Giờ đây trại nuôi chim trĩ sinh sản của anh lúc nào cũng có trên một 100 con bố mẹ". Chim trĩ nuôi đến tháng thứ 9 thì bắt đầu trưởng thành, nặng khoảng 1,2-1,5kg/con và bắt đầu đẻ trứng. Với đàn chim 80 con mái, mỗi năm đẻ khoảng 8.000 quả trứng, tỷ lệ ấp nở thành công được 80%. Tính ra, mỗi năm anh Tuệ xuất chuồng được trên 6.000 con chim trĩ 1 tháng tuổi.

Khi nhắc tới doanh thu của trại chim, anh Tuệ tiết lộ: "Nuôi loại chim này một vốn 4 lời. Chỉ nuôi có trên 100 con chim trĩ xanh sinh sản nhưng năm nào tôi cũng đều tay thu lãi 1 tỷ đồng". Anh Tuệ giải thích, tiền đầu tư trang trại không lớn, chỉ hết khoảng 30 triệu. Số tiền này sẽ khấu hao trong vòng 6-7 năm.



Chim trĩ xanh hiện đang có giá bán thịt trên thị trường khoảng 550.000-900.000 đồng/con tuỳ loại trống mái

Còn về chim bố mẹ sinh sản, do giống chim này ăn cực ít, lượng thức ăn nuôi một con chim trưởng thành chỉ bằng 1/5 so với nuôi một con gà. Đặc biệt, chim trĩ bố mẹ nuôi từ lúc bóc trứng đến thời kỳ sinh sản chỉ 2 năm là phải phá đàn, thay thế đàn mới. Nên khi phá đàn, chim trĩ bố mẹ có thể bán nuôi cảnh và bán thịt cho nhà hàng. Nếu chim đẹp có thể bán được làm cảnh thì giá cao, khoảng 2,7 triệu đồng/đôi. Còn bán thịt cho nhà hàng 550.000 - 900.000 đồng/con.

Tuy nhiên, số tiền lãi từ chim bố mẹ không thể bằng được số tiền lãi từ bán chim con 1 tháng tuổi. Anh cho Tuệ chia sẻ, mỗi năm anh xuất bán ra thị trường khoảng 6.000 chim trĩ con 1 tháng tuổi với giá bán từ 160.000-200.000 đồng/con tuỳ thời điểm. Do đó, anh có thể thu về khoảng gần 1,1 tỷ đồng, trừ đi chi phí anh lãi được 1 tỷ đồng.

"Nhiều người sẽ nghĩ tôi nói khoác nhưng chim Trĩ xanh hiện nhu cầu của thị trường cực cao. Giá theo đó cũng đắt đỏ hơn giống chim trĩ đỏ rất nhiều. Từ con giống đến chim thịt, khách muốn mua đều phải đặt hàng trước vì số lượng chim cung cấp ra thị trường không đủ".

Vì thế, anh Tuệ cũng cho biết, thời gian tới anh vẫn tiếp tục mở rộng trại nuôi và tiếp tục tăng số lượng đàn chim bố mẹ để cung cấp chim ra thị trường được nhiều hơn.

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2016

Nông dân trẻ bén duyên hoa lan, thu tiền tỷ mỗi năm

Với diện tích 700m2 vườn, nông dân trẻ Tạ Công Soái (SN 1982, ở thôn Đồng Nhân, xã Đông La, huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã có doanh thu cả tỷ đồng mỗi năm. Anh Soái kể, trước đây anh vốn làm thợ mộc nhưng đồng lương công thợ chỉ đủ ăn, không thể làm giàu.

Năm 2009, thấy nhiều hộ trong xã trồng lan có thu nhập cao, anh đã bỏ nghề mộc chuyển qua trồng và nhân giống các loài lan.

Khi mới bắt tay vào làm, anh Soái gặp không ít khó khăn. Trường hợp lan bị bệnh chết hàng loạt hoặc không ra hoa là chuyện không hiếm gặp. Anh Soái bộc bạch: “Tôi tự tìm hiểu kỹ thuật trồng lan qua sách, báo, Internet. Một điểm thuận lợi nữa cho tôi là xã Đông La - nơi tôi sinh sống vốn là “thủ phủ” trồng hoa lan ở Hà Nội.

Nhiều hộ dân ở nơi đây rất vững nghề trồng hoa lan. “Trăm hay không bằng tay quen”, tôi đến nhà các hộ trồng lan ở xã xin được phụ việc và học nghề trồng hoa lan. Các bác, các anh chị đi trước đã truyền đạt cho tôi rất nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật trồng lan từ cách chọn đất, phơi đất, xử lý xơ dừa, chọn cây giống, cách chăm sóc, phòng bệnh cho lan…” - anh Soái cho biết.

Anh Tạ Công Soái chăm sóc vườn lan tiền tỷ của gia đình. Ảnh: Đức Thịnh

Bằng thực tế của mình và tìm thêm kiến thức trong sách vở, đến nay anh Soái đã thành công trong việc nhân giống được các loài hoa để chủ động nguồn giống hoa cho vườn nhà. Từ 80m2 trồng lan ban đầu, đến nay anh Soái đã mở rộng lên hơn 700m2 diện tích trồng lan.

Hiện, anh Soái đang sở hữu vài chục loài lan rừng rất quý hiếm như đai trâu, tam bảo sắc, lan đuôi sóc, lan đuôi cáo... Từ trồng và bán hoa lan, mỗi năm gia đình anh Soái có thu nhập 1 tỷ đồng, trừ chi phí lãi hơn 300 triệu đồng/năm.

“Tôi thấy trồng hoa lan rất thích hợp với nông dân nơi đô thị khi mà đất sản xuất của họ không nhiều. Với từng loại hoa lan có những cách chăm sóc khác nhau. Nhưng điểm chung cơ bản là phải tưới nước thường xuyên, bón phân, phun thuốc chống nấm định kỳ. Ngoài ra, người trồng phải có tâm huyết, tình yêu đối với cây hoa lan thì cây lan nhất định sẽ sống tốt”- anh Soái chia sẻ bí quyết trồng hoa lan.