Trang

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Mạo hiểm trồng "hoa khó tính", thu 600 triệu/năm

Vốn là người có thú chơi hoa lan lâu năm, nhận thấy đây là loại hoa được nhiều người yêu thích, thị trường tiêu thụ mạnh dịp lễ Tết, năm 2009 anh Đoàn Văn Bình (thôn Hòa Chung, xã Vân Hòa, Ba Vì, TP.Hà Nội) quyết định đầu tư trồng hoa lan.

Anh Bình cho biết: Lan là loài hoa khó tính, đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt về độ ẩm và quy trình chăm sóc cũng như phòng trừ sâu bệnh. Ngoài ra, kỹ thuật chăm sóc hoa rất quan trọng, nhất là kích thích cho lan ra hoa đúng thời điểm để phục vụ theo yêu cầu của khách hàng.


Mỗi tháng anh Bình bán ra thị trường 70- 100 giò lan, thu về khoảng 50 triệu đồng. Ảnh: T.N


Khi mới bắt tay vào làm, anh gặp không ít khó khăn, trường hợp lan bị bệnh chết hàng loạt hoặc không ra hoa là chuyện không hiếm gặp. Thế nhưng tình yêu anh Bình dành cho hoa lan đã giúp anh vượt qua những khó khăn ấy. Anh đi nhiều nơi, tìm mua những giống lan quý về trồng, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, tìm tòi học hỏi qua sách báo, truyền hình… Sau hơn 5 năm gây dựng sự nghiệp, đến nay vườn lan của anh Bình đã phát triển trên 500 giò với hơn 20 loại lan khác nhau, trong đó có nhiều giống lan quý như: Kiều Hồng, Kiều Tím, Lan Trầm, Lan Nhện Xanh… Mỗi tháng anh bán ra thị trường từ 70- 100 giò lan, thu về khoảng 50 triệu đồng. Hoa lan được tiêu thụ chủ yếu cho khách du lịch đến tham quan ở các khu nghỉ mát trên địa bàn huyện Ba Vì và khách quen tìm đến vườn lan của anh.

Anh Bình chia sẻ: Thị trường hoa lan bắt đầu nóng lên từ 2 tháng trước Tết Nguyên đán, bởi khách hàng không còn đợi đến lúc lan trổ hoa, mà mua trước tết từ 1 - 2 tháng. Do đó tháng cận tết, số lượng hoa anh xuất bán nhiều gấp 2-3 lần so với các tháng khác. Nhưng để có hoa tết, cần chuẩn bị từ đầu năm. Nhu cầu sử dụng hoa lan để trang trí ngày càng nhiều, nhất là trong dịp tết cổ truyền của dân tộc. Bởi loài hoa này mang vẻ đẹp sang trọng, thời gian trổ bông lâu, từ 2 - 3 tháng mới tàn...

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

Học xong đại học về quê nuôi lợn rừng!

Tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM, Đỗ Mạnh Hùng (SN 1991) về quê Thái Bình mở trang trại chăn nuôi lợn rừng Thái Lan ở xã Thụy Sơn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Quyết tâm khởi nghiệp từ chăn nuôi


Trước khi về Thái Bình mở trang trại, Mạnh Hùng dành nhiều thời gian đi thăm các trang trại trong Nam để tìm hiểu thị trường, giá cả, đặc tính con giống hay khả năng thích nghi của từng con vật với môi trường ngoài Bắc.

Với số vốn 100 triệu đồng tiết kiệm sau 3 năm làm việc tại TPHCM, anh Hùng vay thêm ngân hàng để mua ruộng mở rộng diện tích kết hợp chăn nuôi và trồng trọt.

Mới đầu, anh Hùng chỉ nuôi gà, vịt nhưng rủi ro liên tiếp ập đến. Sau 3 tháng làm trang trại, một cơn bão lớn khiến đàn gia cầm chết sạch, thiệt hại 300 triệu đồng. Sau đó, anh tiếp tục đầu tư nuôi 3 nghìn con vịt nhưng cũng chết hết vì bị dịch.

Không nản, anh Hùng đến các tỉnh: Hòa Bình, Hải Dương, Bắc Giang… để học hỏi mô hình chăn nuôi tìm hướng đi cho mình. Cuối cùng, anh quyết định đầu tư nuôi giống lợn rừng nhập ngoại từ Thái Lan, với 50 con đầu tiên.


Anh Hùng đang chăm sóc đàn lợn trong trang trại.

Anh Hùng cho biết: “Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại lợn, song lợn rừng Thái là loại có nhiều ưu việt. Thức ăn của chúng 95% là thức ăn xanh nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Hơn nữa, lợn có sức đề kháng tốt, tỷ lệ nạc cao nên giá thành sản phẩm cao”.

Để có được những con lợn rừng khỏe mạnh, anh Hùng phải tuân thủ quy trình phòng chữa bệnh cho đàn lợn. Từ một tuần đến 10 ngày sẽ phun khử trùng một lần, tiêm vắc xin cho lợn theo ngày tuổi và theo chu kỳ, 4 tháng sẽ tiêm nhắc lại vắc xin phòng tai xanh, lở mồm long móng.

Khẩu phần ăn phải theo công thức để đảm bảo thành phần nạc mỡ của lợn. Anh còn có phương pháp chăm sóc riêng. “Khi bắt đầu nuôi lợn rừng, mình tìm hiểu những loại cây nào có thể dùng làm thức ăn cho lợn và phát hiện ở úc, cây chè khổng lồ là nguồn thức ăn phổ biến cho chăn nuôi gia súc. Cây làm tăng hàm lượng đạm, thịt lợn thơm hơn. Từ đó, mình đã nhập giống cây này về trồng”, anh Hùng nói.

Không chỉ có phương pháp riêng trong việc tạo ra khẩu phần ăn phù hợp với đàn lợn, anh Hùng còn chọn lọc 50 con lợn rừng bố mẹ có gien gốc thuần chủng để nhân giống.

Hiện tại, trang trại của anh có 400 con lợn rừng Thái Lan thuần chủng. Với giá bán trung bình 200 nghìn đồng/1kg, mỗi năm anh thu 900 triệu đồng lợi nhuận từ lợn rừng.

Mô hình phát triển kinh tế ở địa phương


Sau 3 năm phát triển và mở rộng, đến nay mô hình VAC khép kín trang trại của anh Hùng được hoàn thiện với tổng diện tích là 3ha gồm khu chăn nuôi và trồng trọt cây ăn quả.

Anh Hùng cho biết đã thiết kế hệ thống xử lý chất thải khoa học, hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến bà con địa phương.

Tổng thu nhập cả trang trại của anh Hùng trong 1 năm khoảng hơn 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, anh còn bao tiêu sản phẩm cho nhiều hộ dân trong vùng áp dụng mô hình của mình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Ông Ngô Ngọc Chiêm, Chủ tịch UBND xã Thụy Sơn, Thái Thụy, Thái Bình cho biết: “Hùng là người đầu tiên xây dựng mô hình nuôi lợn rừng Thái lớn nhất tỉnh.

Chúng tôi cũng khẳng định đây là một trong những mô hình kinh tế điển hình của thanh niên ở địa phương, đi đầu đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của địa phương trong xã.

Sắp tới các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là đoàn viên thanh niên nên đến tham quan mô hình để học tập”, anh Nguyễn Đức Thuận, Phó Bí thư Huyện Đoàn Thái Thụy, tỉnh Thái Bình nói.

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

Thu trăm triệu từ 80m2 nấm bào ngư

Dù quy mô nhỏ, nhưng mô hình trồng nấm bào ngư của anh Bùi Văn U (ngụ ấp Phú Lợi A, xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) đã cho lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm.


Anh Bùi Văn U cho biết: Trồng nấm bào ngư có ưu điểm là không sử dụng thuốc, phân bón, nông dân có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để làm. Mô hình cần vốn đầu tư ít và không cần nhiều diện tích, sau khi đóng phôi 20 ngày là có thể thu hoạch đợt đầu và thời gian thu hoạch kéo dài gần 1 tháng.


Anh Bùi Văn U chuẩn bị rơm cho trồng nấm. Ảnh: Chí Trung


Anh U chia sẻ kinh nghiệm: Nấm phát triển tốt trong môi trường ẩm thấp nhưng nhà trồng phải tương đối sạch sẽ. Vì vậy, trong quá trình trồng, cần chú ý cung cấp đầy đủ nước và độ ẩm cho phôi nấm. Quá trình thu hoạch và bảo quản nấm cũng phải rất cẩn thận, để đảm bảo nấm không bị mất chất. Sau khi thu hoạch hết nấm, túi phôi có thể ủ làm phân bón cho các loại cây trồng rất tốt. Hiện nay nấm bào ngư được rất nhiều người ưa chuộng và việc trồng cũng dễ dàng nên được nhân rộng nhiều nơi trên địa bàn huyện. Với diện tích 80m2 cho 3.000 bịch phôi giống, mỗi ngày gia đình anh U thu hoạch từ 40 - 50kg nấm thương phẩm, thương lái đang thu mua từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh U còn lãi khoảng 10.000 đồng/kg.


Ngoài trồng nấm, anh U còn tiến hành đóng phôi giống và bán ra thị trường các tỉnh An Giang, Vĩnh Long và các huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Mỗi bịch phôi giống với giá 10.000 đồng, mỗi vụ đóng khoảng 6.000 bịch phôi, trừ chi phí vẫn cho lãi hơn 4.000 đồng/bịch. Anh U cho hay, thời gian tới, gia đình anh sẽ mở thêm 1 nhà trồng nấm nữa nên cần thêm nhân công. Hiện gia đình anh U đang thuê hơn 6 nhân công thực hiện nhiều khâu, trả công 100.000 - 150.000 đồng/ngày tùy theo từng công việc.

Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Bỏ việc ở trường đại học để làm rau sạch

Tự nhận mình đến với nghề nông như một cơ duyên, anh Tiêu Thanh Vũ (38 tuổi, ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) không những đã ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp mà còn quyết tâm tạo ra những sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Ứng dụng tốt khoa học công nghệ


Khi theo học ngành nông học khóa 23, Trường Đại học Cần Thơ, qua tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu và hướng dẫn của thầy cô, Thanh Vũ đã say sưa với mô hình trồng rau mầm sạch. Năm 2002, tốt nghiệp đại học, Vũ được giữ lại trường, sau đó về công tác cho Trung tâm Kỹ thuật và ứng dụng công nghệ Cần Thơ. Công việc đang suôn sẻ, vì quá đam mê nghiên cứu làm rau sạch Thanh Vũ “làm liều” bỏ việc giữa chừng khiến nhiều người chưng hửng.

 
Anh Vũ đang kiểm tra khay rau mầm sắp thu hoạch. 

“Đầu tiên chọn và xử lý hạt mầm, kế đến chuẩn bị giá thể thật phẳng để gieo hạt, giá thể từ xơ dừa và không chứa bất kỳ một loại nông dược, phân, thuốc nào. Sau khi gieo hạt, đậy kín các khay ủ mầm và để nơi mát mẻ, nhiệt độ khoảng 25-28 độ C. Khi ủ mầm thì tưới nước ngày 2 lần (sáng và chiều) cho hạt mầm hút nước để tăng trưởng, thời gian khoảng 5-7 ngày thì thu hoạch” – anh Vũ chia sẻ.

Rau mầm là loại dễ ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh, khi nhiệt độ, ẩm độ không phù hợp là kệ rau bị hư, phải đổ bỏ. Anh Vũ bộc bạch: “Những ngày đầu bắt tay vào trồng, tôi chỉ làm 1 kệ nhưng lần nào cũng bị hư, qua nhiều lần đổ bỏ tôi mới rút được kinh nghiệm, khoảng 1 năm mới thành công”.

Đưa rau sạch vào siêu thị

Khi sản xuất và kinh doanh rau mầm đã đi vào ổn định, anh Vũ bắt tay vào việc nghiên cứu trồng giá đỗ an toàn bằng quy trình tự động. Theo anh Vũ, quy trình trồng giá đỗ truyền thống khá đơn giản nhưng tốn rất nhiều công sức và thời gian. Qua 2 năm nghiên cứu, nhiều lần thất bại, đến cuối năm 2013, chiếc máy làm giá đỗ tự động mới cơ bản hoàn thành. Hiện nay, với chiếc máy này, cơ sở của anh Vũ cho ra thị trường khoảng 100kg giá đỗ/ngày, với giá 10.000 đồng/kg.

Anh Vũ tâm sự: “Làm giá đỗ không sử dụng hóa chất nên sản phẩm không đẹp, thân giá không được trắng nên lúc đầu người tiêu dùng còn e ngại. Nhưng tôi tin sản phẩm giá đỗ an toàn sẽ có chỗ đứng trên thị trường bởi xu hướng sử dụng sản phẩm an toàn cho sức khỏe ngày càng tăng”.

Nông trại An Bình của anh Vũ chuyên cung ứng rau sạch dần dần đi vào ổn định, hàng tháng cung ứng khoảng gần 8 tấn rau mầm, giá đỗ sạch cho các siêu thị, nhà hàng, quán ăn ở Cần Thơ và một số tỉnh miền Tây.

Tiêu Thanh Vũ là tác giả đoạt giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP.Cần Thơ năm 2013 với giải pháp Máy làm giá đỗ tự động. Năm 2014, sáng chế này của Thanh Vũ được Chương trình Nhà sáng chế của Đài Truyền hình Việt Nam chọn là sáng chế hữu ích nhất và là sản phẩm công nghệ làm giá đỗ an toàn đầu tiên của Việt Nam.

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

Tỷ phú chanh không hạt miền Tây

Ở tuổi 30, anh Nguyễn Văn Thật, ở xã Đông Thạnh (Châu Thành, Hậu Giang) đã là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thạnh Phước với doanh thu trên 1 tỷ đồng mỗi năm, từ việc cung cấp chanh không hạt giống và thu mua trái.

Khát vọng làm giàu


Năm 1999, cha anh Thật mua 11 cây chanh không hạt đầu dòng do một doanh nghiệp mang từ California (Mỹ) về trưng bày ở Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cần Thơ (cũ), về trồng thử. Những năm đầu trồng, cây cho trái đẹp nhưng không tìm được đầu ra vì loại cây này còn xa lạ với người dân trong vùng.

 
Anh Thật bên vườn cây giống của mình. Ảnh: Hòa Hội.

Năm 2005, sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh Thật lưỡng lự giữa 2 con đường là học lên tiếp hoặc ở nhà giúp gia đình tìm hướng đi cho cây chanh đầy tiềm năng này. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết định dừng con đường học vấn lại để học đường đời. Anh Thật chia sẻ: “Ban đầu tôi phân vân không biết phải làm sao vì nếu không học tiếp sẽ thua bạn bè về kiến thức còn đi học thì không có thời gian để tìm đầu ra cho cây chanh. Được cha mẹ động viên là làm chủ bản thân còn hơn đi làm công cho người khác nên tôi quyết định làm giàu trên mảnh đất của mình”.

“Những năm đầu, tôi cùng cha mình đi gõ cửa từng siêu thị, doanh nghiệp, tham gia các kỳ hội chợ để bán sản phẩm và vận động người dân trồng loại cây này. Nhiều lúc nản lòng muốn bỏ cuộc nhưng vì thấy loài cây này có tiềm năng nên cha con động viên nhau cố gắng và có được thành công như ngày hôm nay”, anh Thật tâm sự.

Lợi nhuận 400 triệu đồng/ha


Theo anh Thật, hiện tại mỗi ngày HTX thu mua được hơn 1 tấn chanh với giá 30.000 đồng/kg để cung cấp cho siêu thị, chợ đầu mối trên cả nước. Ngoài ra, mỗi tháng còn bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Đông và châu Âu. Bên cạnh đó, HTX còn đầu tư hệ thống kho lạnh, lò sấy để bảo quản, dự trữ chanh.

Anh Thật cho biết, chanh không hạt dễ trồng, ít bị sâu bệnh lại cho trái quanh năm, thời gian từ trồng đến thu hoạch là 18 tháng. Trung bình 1 cây sẽ cho khoảng 40 kg, năng suất trung bình khoảng 30 - 40 tấn trái/ha/năm, bán với giá dao động từ 20 - 30.000 đồng/kg, trừ chi phí nông dân còn lãi trên 400 triệu đồng/ha. Hiện tại, HTX có 84 hội viên tham gia trồng chanh không hạt trên diện tích 97 ha, đã đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP vào năm 2012. “Để đạt 2 tiêu chuẩn trên thì các hội viên phải tham dự lớp tập huấn kỹ thuật bài bản, sử dụng phân, thuốc theo đúng quy trình chứ không được làm theo ý thích của mình. HTX sẽ cung cấp cây giống chất lượng để trồng rồi baotiêu mua sản phẩm lại bằng với giá thị trường để hội viên không bị thiệt và yên tâm sản xuất”, anh Thật nói.

Nói về quy trình làm giống sạch bệnh, anh Thật chia sẻ: “Làm cây giống phải đam mê và nắm vững kỹ thuật nếu không cây con sẽ dễ nhiễm bệnh dẫn đến ảnh hưởng chất lượng và uy tín của đơn vị mình”. Trước đây, HTX đã đầu tư 5 nhà lưới, mỗi nhà có diện tích 240 m2, trị giá hàng trăm triệu đồng để ươm cây đầu dòng, sau đó mới đem ra ngoài vườn nhân giống.

Hiện nay nhu cầu xuất khẩu chanh không hạt rất lớn, HTX không đủ hàng cung cấp cho doanh nghiệp nên đã đề xuất UBND tỉnh Hậu Giang cho thực hiện thí điểm cánh đồng mẫu lớn khoảng trên 200ha. Trong đó, HTX sẽ hỗ trợ cây giống, quy trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Ngoài ra, trong năm nay HTX sẽ đặt hàng Viện Cây ăn quả miền Nam 400 cây chanh không hạt đầu dòng để tiếp tục nhân rộng giống chất lượng cung cấp cho người dân.

Năm 2014, HTX Thạnh Phước của anh Thật cung cấp trên 200.000 cây giống chanh không hạt và thu mua trên 60 tấn trái để bán cho doanh nghiệp, trừ chi phí còn lãi trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, còn giúp cho gần 20 lao động nông thôn có việc làm ổn định với mức thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng. Với những thành quả trên, anh Thật vinh dự được Trung ương Đoàn tặng giải thưởng “Sáng tạo trẻ” năm 2012.

Anh Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư xã Đoàn Đông Phước cho biết, toàn xã có 2.200 ha đất nông nghiệp, đến thời điểm này người dân đã chuyển sang trồng chanh không hạt trên 50% diện tích. “Anh Thật là người chịu khó học hỏi, nghiên cứu và sẵn sàng hỗ trợ, giúp đoàn viên thanh niên khác về kỹ thuật hay xuống tận nhà để chỉ cách trồng. Ngoài ra, các phong trào khác của địa phương phát động anh Thật đều tích cực tham gia”, anh Tùng nói. 
 
Chị Nguyễn Thị Ngọc Chân, Bí thư huyện Đoàn Châu Thành nhận xét, anh Thật là thanh niên điển hình cho nhiều đoàn viên thanh niên khác trong huyện học tập. Cụ thể, mô hình chanh không hạt của anh mang lại hiệu quả rõ rệt đã giúp nhiều thanh niên khác thấy được và chuyển đổi từ mô hình kém hiệu quả sang trồng chanh hiệu quả để thoát nghèo.

Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015

Giàu lên nhờ đặc sản cá thát lát, khô sặc rằn

Với bản chất cần cù, ham học hỏi, chịu khó tìm tòi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, anh Võ Đình Chiến (SN 1975, ngụ ấp Bình Hiếu, xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) đã thành công và vươn lên làm giàu bằng chính đặc sản quê nhà.

Quyết theo nghiệp đào ao nuôi cá

Khi được tham gia lớp dạy nghề do tỉnh tổ chức với sự hướng dẫn của các cán bộ thủy sản Trường Đại học Cần Thơ, anh Chiến đã quyết định đến với nghề nuôi và sản xuất con giống thủy sản. Thời gian đầu anh Chiến chọn nuôi cá lóc vì loại cá này lúc đó giá cao và dễ nuôi. Dần dần, anh chuyển hẳn sang sản xuất cá thát lát giống, cung cấp cho người nuôi ở các tỉnh miền Tây, đồng thời bán cá thịt cho các thương lái tại TP.HCM. Anh Chiến cho biết: “Trước năm 2003, gia đình có 3 công đất ruộng làm 3 vụ lúa nhưng hiệu quả mang lại không cao. Năm 2004, tôi mạnh dạn ép cá thát lát giống để cung cấp cho địa phương và các xã xung quanh. Bước đầu còn gặp nhiều khó khăn, thất bại và lỗ vốn, không bỏ cuộc tôi đã nhờ các thầy ở khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ giúp đỡ và thành công”.


 

Anh Chiến đang kiểm tra khô cá sặc rằn phơi. Ảnh: Chúc Ly

Năm 2007, anh Chiến chủ động mở rộng trang trại giống và thuê thêm lao động ép thêm cá sặc rằn để bán ra thị trường. Không những tiếp cận được thị trường tại địa phương, anh Chiến còn xuất bán cá giống ra khắp cá tỉnh ĐBSCL. Không dừng lại ở đó, năm 2014, anh Chiến lại bắt tay vào sản xuất cá thát lát tẩm gia vị và khô cá sặc rằn. Anh Chiến chia sẻ: “Trong quá trình đi giao hàng tại các tỉnh, nhận thấy đặc sản cá thát lát tẩm gia vị của Hậu Giang rất được ưa chuộng, nên từ đó mạnh dạn đầu tư vào mặt hàng chủ lực này”.

Tạo uy tín riêng

Bán cá thịt, bán thành phẩm cá thát lát tẩm gia vị và cả khô sặc rằn dần dần trở thành một lợi thế lớn của anh Chiến. Những sản phẩm từ đặc sản quê nhà đã giúp cho anh Chiến khấm khá trên chính quê hương mình. “Sở dĩ con cá thát lát của Hậu Giang mình được ưa chuộng là vì chất lượng thịt ngon hơn các nơi khác. Người ta thường dùng thức ăn công nghiệp nuôi cá bố mẹ để giữ cá sạch bệnh, tuy nhiên như vậy cá sẽ chậm đẻ trứng và cho ra cá con có chất lượng không đồng đều. Tôi chịu khó tìm mua các loại cá nhỏ làm thức ăn nuôi cá bố mẹ làm cá nhanh đẻ trứng, đồng thời quá trình nuôi chú ý không lạm dụng thuốc thú y quá nhiều. Cá con có chất lượng tốt và đồng đều thì thịt cá lớn cũng sẽ ngon hơn” - anh Chiến chia sẻ kinh nghiệm.

Hiện cơ sở của anh Chiến có 10 ao nuôi cá thát lát và sặc rằn với số lượng cá giống bán ra thị trường lên đến khoảng 1 triệu con/năm. Tổng thu từ mô hình của anh Chiến tăng dần qua các năm, chỉ tính riêng sản phẩm từ các thát lát; năm 2011 đạt gần 500 triệu đồng, đến nay là khoảng 800 triệu đồng/năm, lợi nhuận hàng trăm triệu mỗi năm. Ngoài ra, mỗi năm anh Chiến xuất ra thị trường khoảng 70-90 tấn khô cá sặc rằn.

Nông dân Võ Đình Chiến đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh 5 năm liền (2006 – 2010). Năm 2013, anh Chiến vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Cơ sở của anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 50 lao động nông thôn, với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/lao động/tháng.

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

Vợ chồng nông dân trẻ thu nhập 300 triệu đồng một năm

Nhờ vào chăn nuôi gà, từ một hộ nghèo ở địa phương, vợ chồng anh Trí (Phù Mỹ, Bình Định) trở thành nông dân trẻ sản xuất giỏi với thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Trí (sinh năm 1984, thôn Hòa Tân, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) đã phải mất 7 năm để xây dựng nên Cơ sở cung cấp gà giống, gà thịt Minh Trí lớn nhất huyện như hôm nay.

Khi cưới nhau ra ở riêng, gia đình Trí thuộc diện hộ nghèo của xã. Trước đó, anh đi biển, làm thợ hồ nhưng thu nhập bấp bênh khiến hai vợ chồng phải xoay sở làm đủ nghề, từ nuôi dê, mở tiệm tạp hóa, bán thức ăn chăn nuôi… nhưng không mấy thành công. Thấy nhiều trang trại nuôi gà có thu nhập, vợ chồng anh Trí quyết định thử sức với mô hình này.

Gà nuôi nhân giống 4 tháng tuổi, trọng lượng 2kg đủ tiêu chuẩn sinh sản.


Năm 2009, với số vốn 25 triệu đồng vay mượn, anh Trí mua 200 con gà giống (thời điểm đó gà giống 5.000 đồng một con) và đầu tư chuồng trại. Mới nuôi, chưa nắm được quy trình, cách chăm sóc và phòng dịch, lứa gà đầu tiên thất bại. “Mới đầu làm ăn mà lỗ chỏng gọng, lúc đó tôi rất nản. Suy đi tính lại cũng do mình chưa có kinh nghiệm, thế là tôi đi nhiều trang trại chăn nuôi ở trong tỉnh học tập, xem cách họ nuôi, vệ sinh chuồng trại, thức ăn, phòng dịch… Năm 2010, tôi gây lại đàn gà và tiếp tục mua 500 con giống. Sau một tháng thấy gà phát triển tốt, tôi mua thêm 500 con giống nữa”, nông dân trẻ này kể.

Anh Trí chia sẻ kinh nghiệm khi thả giống, chuồng xây cần hở và làm sàn cho gà. Gà giống mua về, 3 ngày đầu tiên anh dùng vacxin phòng Gumboro, 7 ngày tuổi phòng bệnh dịch tả, 10 đến 13 ngày tuổi phòng bệnh đậu…, sau đó áp dụng chế độ ăn hợp lý tùy theo giai đoạn phát triển của gà.

3 tháng xuất bán lứa gà đầu tiên, anh Trí trả được 10 triệu đồng vay vốn hộ nghèo lúc mới khởi nghiệp. Duy trì sự phát triển của đàn gà, hai năm sau (năm 2012), anh trả hết số nợ và có khoản dư mở rộng chuồng trại. Cũng năm 2012, vợ chồng anh chính thức thoát khỏi diện nghèo.

“Quyết định mở rộng mô hình, tôi xác định cần tìm những con giống tốt. Đầu năm 2013, tôi ra Hà Nội tìm 500 con giống gà ta lai với giá 12 triệu đồng. Về nuôi một tháng, gà phát triển tốt, tôi quyết định để đàn gà này nhân giống phát triển đàn", anh Trí kể và cho biết thêm, ngoài duy trì nguồn gà thịt, anh xây mới chuồng trại dùng để nuôi gà nhân giống.

Gà lấy giống nuôi với quy trình khác, nhọc công hơn và phải sinh trưởng tốt mới ra con giống tốt. Do đó, khi bắt tay làm, anh Trí xây dựng chuồng trại theo kiểu chuồng sàn, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa mưa. Đồng thời anh còn lắp đặt thêm hệ thống phun sương bằng nước sạch để làm mát cho gà vào những ngày nắng nóng.

Một chuồng gà giống trung bình thả 100 gà mái và 10 con gà cồ (gà trống). Gà nuôi 4 đến 6 tháng tuổi là bắt đầu sinh sản, trọng lượng từ 2kg đến 2,2kg đủ tiêu chuẩn đẻ trứng. Thức ăn cho gà sinh sản chủ yếu là bột bắp, cám, gạo… Để gà khỏi mất sức, hạn chế tiếng gáy, anh Trí mở nhạc cho gà nghe giúp gà giống của anh dạn dĩ, không bay đập lộn xộn khi có tiếng ồn.

Vòng đời của một con gà sinh sản là 14 tháng, tính từ khi bắt đầu cho trứng là 4 đến 6 tháng, sinh sản một mùa thì thay giống mới. 5 ngày thu trứng vào lồng ấp một lần, trứng ấp 21 ngày (trong đó 18 ngày nằm trong lồng ấp, 3 ngày cuối đưa qua lồng nở), gà nở một ngày tuổi có thể xuất giống. Để nâng cao hiệu quả, ban đầu anh Trí mua lồng ấp thủ công cho khoảng 5.000 trứng, về sau anh cải tiến bằng lồng ấp tự động do mình mày mò tạo ra có khả năng ấp 21.000 trứng.

Gà nuôi theo quy trình sạch, từ chuồng trại, thức ăn, nước uống... cho chất lượng tốt, nên dù mới phát triển ổn định 3 năm nay nhưng cơ sở của anh Trí được bạn hàng từ các tỉnh Tây Nguyên, Đà Nẵng… đặt mua ổn định. Bình quân mỗi ngày anh xuất khoảng 200 đến 400 con gà giống khoảng một tháng tuổi, mỗi con có giá từ 50.000 đến 100.000 đồng. Gà thịt với trọng lượng 1,4kg bán giá 60.000 - 65.000 đồng một kg.

“Hiện nay, với diện tích 5.000m2 tôi đang nuôi 7.000 con gà thịt và 3.000 gà nhân giống với chủ lực là gà ta lai. Mỗi ngày, chi phí thức ăn cho đàn gà vào khoảng 10 triệu đồng chưa kể những chi phí phát sinh khác. Với lượng xuất ổn định, bình quân một tháng chỉ riêng bán con giống, tôi thu lãi 20 triệu đồng, phế phẩm từ gà cũng được thu gom bán. Gà thịt biến động theo nhu cầu thị trường, còn gà giống giữ được giá ổn định hơn, nên vợ chồng tôi tiếp tục mở rộng mô hình gà giống và giữ vững số lượng gà thịt”, chị Thu vợ anh Trí nói.

Vợ chồng nông dân trẻ này cho biết, trừ đi mọi chi phí, cơ sở gà Minh Trí thu lãi trên 300 triệu đồng, tạo việc làm cho hai lao động tại địa phương và hiện là trại gà lớn nhất huyện Phù Mỹ.

Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2015

Trại gà, chim rừng quý đem về nửa tỷ mỗi năm ở miền Tây

Ông chủ trẻ ở miền Tây thành lập trang trại nuôi các loại gà Đông Tảo, chín cựa, gà rừng, chim trĩ, vịt trời và le le… Mỗi năm, anh có nguồn thu nhập hơn nửa tỷ đồng.


Anh Trần Văn Toản, ở khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ là người đầu tiên ở miền Tây thực hiện mô hình nuôi gà Đông Tảo, chim trĩ, gà rừng, vịt trời và le le với số lượng lớn. Mỗi năm, trang trại 1.500 m2 của anh cung ứng hàng trăm con gia cầm quý hiếm cho thị trường. 



Được thành lập từ năm 2012, hiện tại, trang trại gà của anh được xem là có quy mô lớn nhất ở miền Tây, với số lượng gà Đông Tảo bán thịt và gà sinh sản trên 300 con. Theo ông chủ trẻ, gà Đông Tảo khoảng 6-7 tháng, nặng 4,5-5 kg có thể bán thịt. Mức giá mỗi kg lên đến 1 triệu đồng đối với gà trống và 300.000 đồng/kg với gà mái. 

Giá gà con mới nở một ngày là 120.000 đồng một con. Loại 1 tháng tuổi 220.000-230.000 đồng. 



Ngoài gà Đông Tảo, anh Toản nuôi thêm chim trĩ, nhằm đa dạng loài vật nuôi và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, thu hiệu quả cao. 



Việc nuôi chim trĩ không tốn nhiều thời gian như nuôi các loài vật khác do loài này có sức đề kháng tốt. Mỗi ngày, người nuôi chỉ bỏ thời gian ra cho ăn và vệ sinh chuồng trại. 



Anh Toản đang cho sinh sản hai giống trĩ xanh và đỏ. Sau 7 tháng, chim đạt trọng lượng từ 1,1 đến 1,2 kg một con. Trĩ xanh giá 1,2 triệu và trĩ đỏ 700.000 đồng một cặp. Bình quân mỗi tháng, anh bán ra 50-100 con trĩ giống với giá 50.000-100.000 đồng một con, tùy loại.

Để nhân giống các loại chim, gà rừng quý, anh Toản thường dùng máy ấp. Nguồn gà, chim trĩ thịt, sinh sản và con giống được anh Toản xuất bán tại Sóc Trăng, Kiên Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ và TP HCM.



Với chuồng biệt lập xây bằng lưới B40, anh đang nuôi hơn 20 cặp le le đẻ, giá một cặp bố mẹ từ 650.000 đến 700.000 đồng.



Gà chín cựa cũng là một đặc sản được anh Toản nuôi trong trang trại. Giá loại gà này là 100.000 đồng một con mới nở, 250.000 đồng một con 1 tháng tuổi. Những con nuôi chưa đủ tháng có giá vài triệu đồng, còn có đủ 9 cựa giá trên chục triệu đồng một con. Gà rừng thuần có giá 1 triệu đồng mỗi con (600-700 gram) và 50.000-60.000 đồng một con mới nở. 


Trừ đi chi phí, mỗi tháng anh Toản thu lãi trên 45 triệu đồng.

Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

Thành chủ trang trại từ 300.000 đồng và 6 bọc trứng dế

Khi đặt mua 6 bọc trứng dế với số tiền 300.000 đồng, anh Nguyễn Thế Thắng không nghĩ mình lại có thể trở thành ông chủ trang trại và là "thầy giáo" của nhiều hộ dân.
Anh Nguyễn Thế Thắng (36 tuổi) sinh ra trong gia đình nông dân ở vùng quê nghèo tại xã Diễn Thắng, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Năm đầu tiên trượt đại học, 2 năm sau, Thắng thi đỗ khoa Toán, ĐH Vinh. Tốt nghiệp, anh được nhận vào giảng dạy tại trường THPT Nguyễn Văn Tố (xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu). 6 năm sau, anh Thắng chuyển về công tác ở Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Nghi Lộc.

Tháng 6/2008, sau khi xem xong chương trình dạy nuôi dế trên tivi, anh Thắng quyết định làm thử. Với 300.000 đồng, anh liên hệ với cơ sở ở Củ Chi, TP HCM đặt mua 6 bọc trứng dế. Sau 7 ngày, trứng nở ra hai thùng dế con.

Tại Nghệ An, khi đó, mô hình nuôi dế chưa phát triển nên anh Thắng gặp khá nhiều khó khăn trong việc tìm tài liệu, chăm sóc. Bước đầu tiên của quá trình nuôi là nhân giống. Bao nhiêu thùng, chậu trong nhà đều được anh mang ra tận dụng làm "chuồng". Thời gian đầu, gia đình chẳng ai quan tâm đến việc làm của anh. Người ngoài thì cho rằng thầy giáo bị điên, suốt ngày quanh quẩn bên mấy thùng nhựa.

Mọi cố gắng của anh Thắng cuối cùng cũng có kết quả. Tuy nhiên, khi đã nuôi thành công, anh lại gặp khó ở khâu tiêu thụ. Đánh liều chuyển đến sinh sống ở TP Vinh, anh mở quán nhậu để giới thiệu sản phẩm dế mèn. Những ngày đầu mở quán, bao khó khăn chồng chất. Nhà hàng vắng khách, nhiều lúc anh Thắng muốn bỏ cuộc. Song vì tiếc công sức bỏ ra, anh lại kiên trì với con đường đã chọn.

Để thuyết phục, anh Thắng vào bếp, chế biến ngay các món ăn từ dế cho khách ăn thử. Lâu dần, khách tò mò tìm đến quán ngày càng đông. Ít tháng sau, món dế mèn trở thành quen thuộc với nhiều người. Ngoài phục vụ tại quán, anh Thắng còn bỏ mối cho các quán nhậu khác.

Anh Thắng cho biết, mỗi ngày, anh cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu 100-120 kg dế. Ảnh: Phạm Hòa.


Sau thành công bước đầu, ông chủ trang trại mở rộng quy mô, thuê người chăm sóc. Ngoài ra, anh còn đầu tư giống cho các hộ nông dân khác nuôi và đưa ra cam kết sẽ bao tiêu sản phẩm.

Với cách làm nói trên, trang trại nuôi dế và các cơ sở vệ tinh của thầy giáo Nguyễn Thế Thắng đã bao phủ hầu như khắp các huyện của tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Ở mỗi nơi, anh đều mở quán ăn giới thiệu sản phẩm của mình cho thực khách biết. Để mở rộng thị trường tiêu thụ, anh tiếp tục lên mạng Internet tìm hiểu. Biết dế là món ăn rất ưa thích của các loài chim, anh Thắng tìm đến các cơ sở bán chim cảnh để tiếp thị sản phẩm.

Có được thị trường tiêu thụ khá rộng, anh Thắng lập một trang web, bắt đầu phổ biến nghề nuôi dế cho những người khác. Đến nay, gần 400 hộ dân các tỉnh từ Thanh Hóa đến đến Quảng Trị được anh hướng dẫn kỹ thuật nuôi dế và nhận bao tiêu sản phẩm. Trung bình mỗi ngày anh cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu từ 100 đến 120 kg dế.

Anh Thắng cho biết, dế là loài rất dễ nuôi, ít bệnh tật, thức ăn dễ kiếm, ít phải đầu tư, vòng đời ngắn nên có thể xoay vốn nhanh. Chỉ với vài triệu đồng ban đầu, người nuôi có thể mua giống và dụng cụ. Sau một tháng, sẽ có khoảng 50-60 kg dế thành phẩm, thu nhập 5,5-6 triệu đồng.

Ông chủ trang trại cũng chia sẻ cách sơ chế dế để làm các món ăn. Trước khi chế biến, người nuôi phải cho dế nhịn ăn 3 ngày để thải các chất không tốt ra khỏi cơ thể. Sau đó, dế được cho ăn bột đậu xanh rồi nhịn tiếp 3 ngày. Trước khi bỏ vào tủ lạnh bảo quản, dế được rửa bằng nước muối loãng.

Ngoài nuôi dế, năm 2011, anh Thắng còn mở thêm mô hình nuôi rắn mối. Đến nay, ngoài cơ sở còn có 5 mô hình khác cùng nuôi loại bò sát này. Với nguồn thu nhập ổn định từ dế, anh đã mua được ôtô riêng. Thầy giáo trẻ cho biết, anh đang theo học lớp thạc sĩ kinh tế để trong tương lai sẽ mở rộng quy mô trang trại trong cả nước.

Anh Nguyễn Huy Tài, 31 tuổi (xã Nghi Liên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) là một trong những người được anh Thắng chuyển giao công nghệ nuôi dế. Anh Tài tâm sự, sau khi tiếp quản "công nghệ" từ thầy giáo trẻ, anh đã mở trang trại và có nguồn thu nhập ổn định.

“Nhờ công nghệ nuôi dế của anh Thắng chuyển giao mà gia đình chúng tôi có công ăn việc làm ổn định, mỗi tháng thu 7-10 triệu đồng. Dế nuôi trưởng thành không bao giờ lo bị ế. Có anh Thắng bao tiêu sản phẩm nên chúng tôi rất yên tâm”, anh Tài cho biết.