Trang

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

Chàng trai 8X trở thành tỷ phú nhờ kinh doanh… vỏ trấu

Sau 3 năm lập nghiệp bằng nghề kinh doanh vỏ trấu, Nguyễn Hữu Dũng (SN 1987, Lương Tài, Bắc Ninh) đã trở thành một trong những tỷ phú trẻ nhất tỉnh với doanh thu hàng năm lên tới cả chục tỷ đồng.

Được mệnh danh là ông vua vỏ trấu Bắc Ninh, sở hữu khối tài sản khiến nhiều người phải mơ ước thế nhưng con đường để đi tới thành công của Dũng lại không hề đơn giản.

Từng tự ti vì bản thân kém cỏi

Sinh năm 1987, tốt nghiệp nghành Quản trị kinh doanh – Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Dũng từng phải chật vật bươn trải ở khá nhiều nơi. Anh chấp nhận thử việc không công hay nhân viên văn phòng với mức lương chỉ đủ uống trà đá hàng tháng để tìm cách trang trải cuộc sống. Sau ba năm ra trường, công việc tuy có nhiều khởi sắc nhưng cuộc sống dường như vẫn giậm chân tại chỗ.

Chàng trai 8x tâm sự: “Ngày nào mình cũng lặp lại vòng luẩn quẩn, sáng đi làm chiều trở về phòng trọ. Công việc nhàn nhã nhưng thu nhập chẳng là bao. Môi trường làm việc ở các thành phố lớn có quá nhiều sự cạnh tranh trong khi bản thân mình không có gì quá nổi bật. Mình đã từng rất chán nản nên quyết định phải thay đổi…”

Nghĩ là làm, Dũng xin nghỉ việc và xách ba lô về quê tìm cách lập nghiệp. Thấy bà con nông dân sau mỗi vụ mùa lại vứt bừa bãi các phế phẩm nông nghiệp như: vỏ trấu, mùn cưa, vỏ lạc… vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa vô cùng lãng phí, Dũng nảy ra ý tưởng sẽ kinh doanh từ chính những sản phẩm bỏ đi này. Anh lên mạng tìm hiểu công nghệ và vô cùng ngạc nhiên khi biết một số địa phương phía Nam đã sản xuất thành công củi đốt công nghiệp bằng vỏ trấu cách đây từ lâu. Dũng lặn lội vào tận các xưởng sản xuất để học hỏi kinh nghiệm và quy trình sản xuất. Anh cũng bỏ thời gian nghiên cứu thị trường, hoạch định chiến lược kinh doanh phù hợp. Đầu năm 2013, anh thành lập nhà xưởng chế biến chất đốt từ vỏ trấu với tổng số vốn gần 300 triệu đồng.

Thời gian đầu, ít nhân công một mình Dũng phải tự mình đi khắp các thôn xóm để thu mua vỏ trấu, mùn cưa làm nguyên liệu. Dũng kể, khi mới đi vào hoạt động, máy liên tục gặp trục trặc, sản phẩm làm ra có quá nửa bị lỗi, không dùng được. Sau khi nghiên cứu, mình phát hiện ra, các nguyên liệu đầu vào không tương thích khiến máy vận hành gặp khó khăn. Vỏ trấu ở miền Nam dài và mỏng, trong khi đó miền Bắc lại dày và tròn hơn nên độ kết dính không được như ý. Mình đã cùng với một số thợ cơ khí nghiên cứu, mày mò để tự tìm cách cải tiến, khắc phục cho phù hợp.


Nguyễn Hữu Dũng bên sản phẩm than vỏ trấu của mình. (Ảnh: NVCC)

Khi sản phẩm đã đạt chuẩn, Dũng lại phải tự mình tìm thị trường. Mỗi ngày Dũng vượt hàng trăm cây số đến các tỉnh lân cận như Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang, Hưng Yên… . thuyết phục các doanh nghiệp dùng thử nghiệm. Khi ấy, khái niệm “than vỏ trấu” còn rất xa lạ. Nhiều công ty đã thẳng thửng từ chối dù Dũng đưa ra mức giá thấp và cam kết chịu mọi phí tổn. Anh quyết định thay đổi chiến thuật kinh doanh, nhắm đến các hộ sản xuất nhỏ, lẻ. Dũng đến từng ngõ ngách để chào hàng, sẵn sàng cho bà con dùng thử sản phẩm miễn phí.

Với giá bán rất rẻ chỉ 1.500 đồng/ 1 kg than vỏ trấu, trong khi đó thời gian giữ nhiệt lại khá lâu. Nếu so với các loại chất đốt trên thị trường như: than, củi, dầu… thì tiết kiệm được khoảng 30% chi phí. Thêm vào đó, sản phẩm của Dũng lại thân thiện với môi trường, không gây ô nhiễm, tro của than vỏ trấu, có thể tận dụng làm phân bón trong nông nghiệp.

Chính vì hiệu quả kinh tế cao mà nhiều hộ gia đình đã bắt đầu thử nghiệm. Người này giới thiệu người kia. Chỉ trong một thời gian ngắn, sản phẩm của Dũng đã phủ sóng khắp các thôn xóm trong huyện. Đến lúc này, một số xí nghiệp trước kia từ chối thì nay quay lại gõ cửa, yêu cầu được dùng thử sản phẩm.

Tháng đầu tiên anh cho ra thị trường chỉ 40 – 50 tấn than, thì con số này liên tục tăng trong các tháng tiếp theo. Cao điểm có thời gian, cơ sở của Dũng sản xuất được 10 tấn/ ngày. Các đơn hàng từ khắp mọi nơi tới tấp đổ về, Dũng đã phải từ chối bớt vì không đáp ứng kịp nhu cầu.

Dũng thẳng thắn cho biết, giá nguyên liệu từ vỏ trấu khá rẻ nên trừ các chi phí sản mỗi tháng cơ sở kinh doanh của anh cũng mang lại lợi nhuận từ 200 – 300 triệu đồng. Chính vì hiệu quả kinh tế cao, nên sau 6 tháng sản xuất, Dũng quyết định nhập thêm máy ép và mở rộng thêm quy mô sản xuất.

Đến tỷ phú trẻ…


Năm 2014, bên cạnh việc phát triển thị trường than vỏ trấu, Dũng lại mở tiếp một công ty chế biến nông sản. Dũng tâm sự: “Ở miền Bắc, lúa chỉ có hai vụ nên nguyên liệu dành cho việc sản xuất than khá khan hiếm. Thêm nữa, quê mình vốn nổi tiếng là đất trồng các loại rau, quả. Mình muốn tận dụng thời gian chết lại hi vọng có thể giúp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giúp bà con nên bắt tay vào thực hiện dự án này…”. Công ty nông sản của Dũng chủ yếu chế biến sản phẩm thô. Dũng dự tính với năng suất và công nghệ hiện nay, mỗi năm công ty sẽ thu về từ 30 – 40 tỷ đồng.

Nguyễn Hữu Dũng ngoài cùng bên trái, trong một lần tham dự hội nghị dành cho những doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: NVCC)


Chàng trai 8x này cho biết, việc kinh doanh nghe thì có vẻ dễ nhưng không hề đơn giản. Bản thân Dũng cũng đã từng trải qua những ngày tháng khủng hoảng vì thiếu vốn thậm chí là “lao đao” khi không biết sắp xếp, phân bổ công việc một cách hợp lý.

Dũng tâm sự, môi trường kinh doanh giờ rất phức tạp, việc cạnh tranh giữa các dòng sản phẩm trở nên khốc liệt. Nhiều đối thủ không từ mọi thủ đoạn để “hạ bệ” đối phương từ việc làm giả, làm nhái sản phẩm đến việc bán “phá giá” làm nhiễu loạn thị trường. Để đứng vững và tồn tại phải tạo dựng được niềm tin cho khách hàng và có những chiến lược kinh doanh phù hợp với từng giai đoạn.

Quan niệm của Dũng là việc kinh doanh phải xuất phát từ tâm: “Trong kinh doanh lợi nhuận là điều quan trọng nhất nhưng nếu chỉ chăm chăm đặt điều này lên đầu thì thất bại sẽ chỉ là sớm hay muộn. Chất lượng, niềm tin và thái độ làm việc chuyên nghiệp mới là điều cần để tạo nên một môi trường kinh doanh bền vững, hiệu quả.”.

Chính vì những thành công và đóng góp của mình cho xã hội, năm 2014 Nguyễn Hữu Dũng được trao tặng giải thưởng Lương Định Của và Sáng tạo trẻ. Trong tương lai, Dũng dự định mở rộng sản xuất kinh doanh, chú trọng phát triển các dòng sản phẩm xuất khẩu đi nước ngoài.

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

8X bỏ lương nghìn đô về quê nuôi giống gà cảnh trăm triệu đồng/con

Từ bỏ vị trí trưởng phòng của một tập đoàn lớn với mức lương hấp dẫn, anh Nguyễn Quang Nam quyết tâm về quê đầu tư trang trại nuôi gà cảnh Tân Châu. Đến nay, mỗi tháng cơ sở anh xuất ra thị trường khoảng 100 con gà giống và gà cảnh trưởng thành, cho doanh thu từ 80 – 100 triệu đồng.

Gà cảnh giá nghìn đô


Thoáng nhìn qua, không ai nghĩ nam thanh niên có vẻ ngoài lạnh lẽo, "yêng hùng" như Nguyễn Quang Nam (SN 1984, ở Đông Ngạc – Bắc Từ Liêm – Hà Nội) lại mải mê với thú chơi tỉ mẩn góc vườn: nuôi gà.

Từ lâu Nam đã nổi tiếng trong giới chơi sinh vật cảnh ở Hà Nội khi sở hữu nhiều chú gà có dáng độc, lạ. Trong đó, có nhiều con gà được Nam lai tạo và chăm sóc trở thành hàng “hiếm” với giá trị lên tới hàng chục triệu đồng. Không chỉ có thế, Nam còn được mệnh danh như một triệu phú trẻ nhờ mô hình trang trại gà tre Tân Châu độc đáo ngay giữa Hà Nội.

Trang trại của Nam chỉ rộng hơn 100m2, nhưng có đến hơn 500 con gà cảnh Tân Châu lớn nhỏ với đủ màu sắc và hình dáng.Trung bình, mỗi tháng cơ sở của anh xuất ra thị trường khoảng 100 gà giống và gà cảnh trưởng thành, cho doanh thu từ 80 – 100 triệu đồng.

Chỉ cho chúng tôi đàn gà Tân Châu với hơn 50 con vừa được anh nhân giống thành công, anh Nam cho hay toàn bộ đã được khách đặt mua hết với giá từ 400 - 500 nghìn đồng/con. Đây là giá khá hữu nghị bởi theo Nam có thời điểm khan hàng, giá gà con làm giống có thể đội lên tiền triệu và phải đặt hàng trước nhiều tháng mới có.

Anh Nguyễn Quang Nam - người được mệnh danh là "Vua gà Tân Châu" ở Hà Nội khi sở hữu những con gà cảnh độc, lạ

Sở dĩ gà Tân Châu được nhiều tay chơi săn lùng làm gà cảnh bởi chúng có sức đề kháng tốt, lại có bộ lông sặc sỡ và đuôi phụng vĩ dài thướt tha nên rất bắt mắt. Nam cho biết, gà Tân Châu càng có bộ lông độc, đẹp càng được định giá cao, thậm chí đã từng có những con gà được định giá lên tới cả trăm triệu.

Việc định giá này phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất là dựa vào bộ lông và hình dáng. Nam phân tích: “Một con gà được đánh giá là đẹp khi có thân hình cân đối, hài hòa, thần sắc phải toát lên vẻ lanh lẹ. Đặc biệt bộ đuôi phải dày, kéo dài chạm đất và độ cong không quá 30 độ. Tuy nhiên, vẻ đẹp này còn do cảm quan của từng người. Có người sẵn sàng chi cả chục triệu chỉ vì ưng ý và tâm đắc bộ lông, mào hay phần đuôi nhưng cũng có khách vật nài trả giá mỗi con gà chỉ được vài trăm nghìn”.

Việc nuôi gà cảnh không khó nhưng theo anh Nam cần phải tỉ mỉ và nắm được đặc điểm của từng loại

Năm 2014, một con gà cảnh Tân Châu ở trang trại của anh Nam đã được một đại gia Hà Nội trả giá hơn 50 triệu đồng nhờ bộ lông độc đáo, dài đến gần một mét. Tuy nhiên, rất hiếm để tìm được những con gà có hình dáng hoàn hảo như vậy: “Đôi khi phải vài trăm con mới có một vài con đạt chuẩn. Thậm chí, trong vài năm mới xuất hiện một lần”, Nam nói.

Cũng vì độ quý hiếm mà việc săn lùng những con gà này càng trở lên khó khăn. Muốn mua được gà đẹp đôi khi phải chịu khó đi xa, vào tận Long Xuyên, Cần Thơ… những nơi được mệnh danh là “đại bản doanh” của gà Tân Châu. Theo kinh nghiệm của Nam, việc chọn lựa gà đẹp phải dựa cả vào thần thái của con gà. Nhiều con gà cảnh có bộ lông đẹp, chân vảy rồng hiếm có nhưng lại được lai tạo từ những giống gà bố mẹ không đảm bảo chất lượng nên sức đề kháng kém, tuổi thọ ngắn.

Đa phần những con gà Tân Châu trong trang trại của Nam đều được đích thân anh đi tuyển chọn từ nhiều nơi hoặc tự tiến hành nhân giống nên chúng đều có hình dáng bắt mắt và màu lông độc, lạ như: gà màu lông điều, gà lông nhạn trích hay một số loại gà lông xám thuộc vào hàng “hiếm có” trên thị trường.

Một con gà Tân Châu được đánh giá là đẹp khi có thân hình cân đối, hài hòa, thần sắc phải toát lên vẻ lanh lẹ.

Để có những con gà cảnh đẹp, lông mượt, sặc sỡ và hình dáng oai phong thì việc chăm sóc và huấn luyện cực kỳ quan trọng. Anh Nam cho hay, chế độ ăn của gà Tân Châu phải luôn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Ngoài rau, cám… gà phải được bổ sung thêm các loại vitamin, chất đạm và đảm bảo việc tắm nắng, cát thường xuyên để có bộ lông luôn óng mượt, rực rỡ. Đặc biệt, các loại đồ dùng cho gà ăn, uống đều phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ để tránh bị nhiễm bệnh.

Khởi nghiệp từ thú vui

Chia sẻ về ý tưởng kinh doanh mô hình gà cảnh độc đáo của mình, Nam cho biết từ nhỏ đã yêu thích và đam mê chơi gà cảnh. Anh thường xuyên tham gia vào các CLB gà cảnh của địa phương.

Tốt nghiệp ĐH Công nghiệp Hà Nội, Nam được nhận vào làm tại một tập đoàn khá lớn ở Hà Nội, rồi sau đó nhanh chóng lên chức trưởng phòng của công ty. Mức lương hấp dẫn nhưng công việc gò bó, khiến Nam cảm thấy mệt mỏi. Thời điểm bấy giờ, thú chơi gà cảnh bắt đầu phát triển và nở rộ thành một phòng trào ở nhiều địa phương nên thị trường kinh doanh loại gà này rất sôi động.

Một con gà chuối trắng quý được định giá lên tới cả chục triệu

Gà cảnh đẹp liên tục được săn lùng và trả giá cao. Vốn được mệnh danh là người khá “mát tay” trong việc huấn luyện và chăm sóc gà cảnh nên Nam được rất nhiều người tìm đến xin học hỏi kinh nghiệm. Thậm chí, nhiều người thương lượng để mua lại những con gà cảnh mà Nam sở hữu.

“Có khách chấp nhận trả giá cao gấp 2, 3 lần, tôi cũng liên tục nhận được những cuộc điện thoại hỏi về việc bán gà cảnh…”. Thấy thị trường sôi động, có tiềm năng anh Nam quyết định xin nghỉ việc để về quê nuôi gà cảnh. Khỏi phải nói cũng hiểu được, ý tưởng kinh doanh này của anh vấp phải sự phản đối kịch liệt của gia đình như thế nào.

Nam kể: “Bố tôi giận không nhìn mặt, vợ thì nước mắt ngắn dài. Đôi lúc tôi cũng bị lung lay không ít nhưng nghĩ lại làm gì thì cũng phải có sự đam mê mới thành công được”.

Ban đầu, anh Nam định đầu tư nhập giống gà Phượng Hoàng của Mỹ về lai tạo và nhân giống. Một con gà tre Mỹ khi ấy có giá lên tới gần 20 triệu đồng. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm lại không hợp khí hậu nên chỉ trong một thời gian ngắn, số gà giống do anh đầu tư, thử nghiệm đều lăn bệnh và ốm.

Không nản chí, Nam bỏ thời gian, công sức tìm đọc tài liệu trên mạng. Nhận thấy giống gà Tân Châu có hình dáng đẹp, bộ lông sặc sỡ mà cách chăm sóc lại không quá khó. Khi ấy ở miền Bắc cũng có rất ít trang trại nuôi loại gà này. Nam quyết định dốc toàn vốn để đầu tư.

Gà Tân Châu màu khét được anh Nam lai tạo thành công

Chỉ cần ở đâu có thông tin gà Tân Châu đẹp là anh lại bắt xe, lùng mua cho bằng được. Để cải tạo màu lông của gà cho đẹp, anh tuyển chọn rất kỹ từng cặp giống gà bố mẹ: “Ví dụ mình cho lai tạo từ những con gà đuôi dài và lông dày để các lứa gà con tận dụng được các vẻ đẹp của gà bố mẹ…”.

Nhiều con gà Tân Châu có bộ lông độc, lạ có thể được định giá lên tới cả trăm triệu

Hiện nay, mỗi ngày đàn gà Tân Châu cho từ 10 – 15 trứng, trứng ra tới đâu, anh Nam gom lại cho vào máy ấp trứng để ấp nở thành gà con rồi bán cho những khách có nhu cầu. Số gà còn lại anh chăm sóc, nuôi dưỡng để bán cho những tay chơi gà cảnh. Để tận dụng tối đa diện tích, Nam chia chuồng gà của mình thành từng ô nhỏ và xếp chồng thành từng hàng. Khoảng cách giữa các khe chuồng được Nam thiết kế vừa đủ để những con gà có thể hứng ánh nắng mặt trời tự nhiên.

Hiện trang trại anh Nam có khoảng 500 con gà cảnh Tân Châu trưởng thành, được định giá lên tới cả tỷ đồng. Sắp tới, anh dự định sẽ mở rộng quy mô trang trại nuôi gà cảnh đồng thời nghiên cứu việc lai tạo thêm các giống gà cảnh mới, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng.

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

9x kiếm tiền tỷ nhờ "hiệp sĩ nông nghiệp"

Nhận ra nhiều tác dụng tuyệt vời của loài Trùn quế - loại động vật được ví von là hiệp sĩ nông nghiệp, anh Nguyễn Văn Sang đã bắt tay “gây dựng cơ đồ” từ chính loài vật nhỏ bé này. Với 80 triệu khởi nghiệp và thất bại nhiều lần, hiện nay, chàng trai sinh năm 1990 này đã gây dựng cho mình mô hình nuôi trùn quế đem lại doanh thu hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.

Bỏ nhà ra ở riêng để nuôi trùn quế

Trùn quế là động vật được ví von là “hiệp sĩ nông nghiệp” bởi những tác dụng tuyệt vời mà nó đem lại. Không chỉ là thức ăn dành cho một số vật nuôi, trùn quế còn có tác dụng cải tạo đất, tăng sự màu mỡ, kích thích sự phát triển cho cây trồng.

Hơn thế nữa, trùn quế có thể xử lý triệt để chất thải rắn, chuyển hóa chất này thành dinh dưỡng, trả lại cho đất đai sự màu mỡ và trong lành cho môi trường. Ngoài ra, trùn quế tiết ra chất dịch dùng làm nguyên liệu cho các sản phẩm mỹ phẩm chăm sóc da, được ứng dụng nhiều ở Hàn Quốc, Nhật Bản…

 
Anh Nguyễn Văn Sang trong cơ sở sản xuất trùn quế của mình

Tuy nhiên, nuôi trùn quế là điều lạ lẫm đối với nhiều người, do đó động vật này chỉ phát triển một cách tự nhiên. Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm Tp. Hồ Chí Minh, nhận ra tiềm năng từ trùn quế, Nguyễn Văn Sang trở về quê bắt tay vào thực hiện mô hình nuôi và kinh doanh trùn quế.

Tuy nhiên, biết Sang có ý định lập công ty, gia đình anh phản đối. Kiên quyết với mục đích của mình, không thuyết phục được bố mẹ nên Sang chuyển ra ở riêng. Biết được ý định kinh doanh của Sang, một người bạn đã giúp đỡ anh, tạo công ăn việc làm tạm thời cho Sang và giúp đỡ anh trong nhiều tháng.

Khi có được số vốn khá, Sang từ bỏ công việc với mức lương hàng chục triệu đồng mỗi tháng để lập công ty. Khi đó, trong tay anh chỉ có 80 triệu đồng, trong khi hàng trăm thứ việc cần phải giải quyết.

Sang bắt đầu nuôi trùn làm thức ăn chăn nuôi trong diện tích hơn 1.000 m2 tận dụng dưới tán cao su. Anh cho trùn ăn cả cám gạo, phân bò và chất độn. Sang nuôi theo chuỗi tuần hoàn, lấy phân bò làm thức ăn cho trùn, lại lấy trùn làm thức ăn cho bò, lấy phân trùn quế bón cho cỏ, cỏ dùng cho bò. Sau 1 năm cứ 1 cặp trùn quế sẽ cho ra 1.000 – 1.500 cá thể trùn con.

 
Trùn quế

Vốn ít ỏi, Sang thường xuyên đưa các bài viết và hình ảnh của cơ sở mình lên Internet để quảng cáo và nhiều người đã liên hệ với anh. Với số vốn 80 triệu, anh đầu tư vào bao bì, thương hiệu, cơ sở… đã hết một cách nhanh chóng, thậm chí còn thiếu quá nhiều. Sang đành phải nhượng lại thương hiệu của mình cho một tổ chức khác kinh doanh và sản xuất phân bón trùn quế. Việc kinh doanh của anh đổ bể.

Gây dựng từ thất bại


Thất bại từ dự án kinh doanh tâm huyết đầu đời, Sang chuyển hướng sang kinh doanh phân trùn quế. Phân trùn quế có tác dụng rất tốt đối với sự sinh trưởng của cây trồng.

Theo anh Sang, sản xuất phân trùn quế không khó. Sau khi thu được phân, chỉ cần sấy khô, sàng cho mịn, đóng gói và tiêu thụ. Sản phẩm được những cơ sở trồng trọt rau sạch, hoa, cây cảnh hưởng ứng bởi phân trùn có tác dụng tốt cho cây trồng.

Mày mò công việc, Sang phát triển được 3 loại phân trùn quế dùng cho những nhu cầu khác nhau. Có loại dùng cho cây công nghiệp, cây nông nghiệp và hoa lan.


 

Phân trùn quế

Ngoài ra, Sang còn tiếp tục tìm hiểu và áp dụng nhiều phương pháp nuôi cấy trùn quế để cung cấp thêm sản phẩm cho thị trường.

Bên cạnh đó, những sản phẩm như trùn sấy khô, trùn đông lạnh cũng được Sang nghiên cứu đầu tư. Song song với đó, Sang còn sản xuất thêm dịch trùn quế với hai loại, dùng để bón lá và bón gốc.

Với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, Sang tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 5-6 lao động với mức lương từ 4,5 – 5 triệu đồng mỗi tháng. Sang cũng truyền kinh nghiệm và khuyến khích người dân xung quanh nuôi trùn quế và đứng ra bao tiêu sản phẩm cho họ.

Sang cho hay: “Tôi luôn thử nghiệm hết công cụ này đến phương pháp kia, từng thứ một để ứng dụng cho công việc kinh doanh được tốt hơn, và giai đoạn này thật sự là tôi chi tiền nhiều hơn là kiếm tiền. Tôi phải tự mình tìm tòi và học hỏi rất nhiều thứ, nào là bán hàng, marketing, sản phẩm, quản lý và pháp luật”

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

9X liều mình đưa thanh long ruột đỏ về vùng biên giới

Thời gian gần đây, trang trại kinh tế tổng hợp của Nguyễn Tiến Dũng (SN 1991, ở thôn Nam Nhe, xã Sơn Tây, Hương Sơn, Hà Tĩnh) đang nổi lên như mô hình mẫu để các đoàn viên, thanh niên trong vùng học hỏi, làm kinh tế ở vùng đất được cho là “chó ăn đá, gà ăn sỏi”.

Bằng cách làm có chút “liều”. Dũng đã thành công trong việc đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng trên vùng đất giáp biên giới Việt- Lào với doanh thu ban đầu đã đạt 1 tỷ đồng.


Học hành dang dở

Con đường thành công bước đầu của Dũng cũng rất tình cờ và cũng không phải “trải bước trên hoa hồng”. Chàng trai 9X này có một thời kỳ như anh nói là đâm vào ngõ cụt, tưởng không còn lối thoát. Khi tôi liên hệ viết bài này thì biết, Dũng vừa được giải thưởng Lương Định Của do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.

Mới gặp tôi, Dũng khiếm tốn từ chối: “Em mới khởi đầu thôi anh, có chi mô mà viết ạ”. Thuyết phục mãi, Dũng mới kể về cuộc đời của mình, cũng như quyết định trồng cây thanh long ruột đỏ.

Dũng sinh ra trong một gia đình thuần nông, luôn mong muốn học hành đỗ đạt, tìm công ăn việc làm ổn định, thoát nghèo. Năm 2009, Dũng tốt nghiệp THPT và quyết tâm thi vào đại học nhưng không đỗ. Sau một năm quyết tâm ôn luyện, Dũng thi tiếp vào Trường Đại học Khoa học Huế với niềm tin cuộc đời tôi sẽ khá hơn.

Nhưng sau 2 năm theo học, Dũng nhận thấy đại học không phải là con đường duy nhất giúp Dũng làm giàu. Hơn nữa, thấy hoàn cảnh bố mẹ vất vả bán từng con lợn, mớ rau để gửi tiền nuôi Dũng ăn học. Dũng quyết định chia tay cổng trường đại học và dấn thân vào kinh doanh.

“Sau khi quyết định nghỉ học đại học, tôi ở lại Huế, chuyển hướng qua kinh doanh với số vốn 300 triệu đồng từ vay ngân hàng và người thân. Tôi kinh doanh nhiều thứ từ buôn gỗ, cho đến kinh doanh, bán hàng đa cấp. Sau 1 năm kinh doanh do chưa có kinh nghiệm cùng với sự nóng vội tôi thua lỗ hết số vốn 300 triệu đồng. Tôi phá sản và hoàn toàn bế tắc trong một thời gian dài ở nơi đất khách quê người. Với số nợ nần ngân hàng tôi còn không dám về quê nữa. Nhưng với sự động viên của bố mẹ, người thân, bạn bè, tôi quyết định về quê làm lại từ đầu” – Dũng chia sẻ.

Bén duyên với cây thanh long ruột đỏ


Học hành dang dở, kinh doanh thua lỗ, rơi vào cảnh “tiền khô cháy túi”, Dũng về quê suy nghĩ nhiều đêm liền, để tìm cách thoát nghèo, trả nợ nần trên chính mảnh đất quê hương mình.

Nguyễn Tiến Dũng bên vườn cây thanh long ruột đỏ, đang cho thu hoạch.

Thế rồi, trong một lần tình cờ, Dũng đã bén duyên với cây thanh long ruột đỏ. “Một hôm vô tình, tôi xem TV có chương trình “Sinh ra từ làng”. Nhân vật của chương trình đó đã làm giàu từ cây thanh long ruột đỏ một loài cây mà tôi chưa bao giờ nghe tới. Niềm yêu thích trang trại và cây cối trong tôi trỗi dậy. Tôi quyết tâm tìm hiểu về loài cây này và quyết tâm phát triển nó. Nhưng khó khăn chồng chất khi tôi không còn tiền và cũng không thể vay mượn ai, nên đành bán chiếc xe máy, là tài sản duy nhất lúc đó lấy 25 triệu đồng làm tiền mua cây giống”- Dũng nói.

Sau khi có giống Dũng đầu đi phụ hồ xây dựng. Số tiền tôi kiếm được một phần dùng để đổ trụ trồng thanh long phần còn lại dùng để trả nợ và trả lãi ngân hàng. Trong suốt 1 năm đó, ngày đi phụ xây, buổi tối đổ trụ trồng cây, Dũng đã trồng được 200 trụ thanh long ruột đỏ đầu tiên và đến giữa năm 2014, 200 trụ thanh long của Dũng đã cho quả, với sản lượng khoảng 1 tấn, bán thu về khoảng 30 triệu đồng.

Có vốn để “bóc ngắn, cắn dài”, đến nay, Dũng đã trồng thêm được 600 trụ thanh long ruột đỏ nữa, cho thu hoạch 4 tấn/năm (thu về khoảng 200 triệu đồng). Theo Dũng, khó nhất khi trồng cây thanh long ruột đỏ ở vùng đất này là gió Lào vào mùa hè sẽ làm cho cây dễ bị gãy. Hiện Dũng cũng đang nhân giống loại cây này để bán cho những người dân khác. Có người đặt cho Dũng 2.000 gốc với giá 10.000 đồng/ gốc.

Ông Nguyễn Văn Hòa (bố Dũng) tâm sự: “Thấy con bỏ học đại học cũng lo, sau khi vay ngân hàng cho nó kinh doanh mất hết, cả nhà phải còng lưng trả nợ. Nó có ý chí làm lại là chúng tôi mừng lắm rồi. Đất đai chúng tôi có sẵn, nó thích trồng cây thanh long chúng tôi ủng hộ. Bước đầu đạt được thế là phấn khởi rồi. Vụ thanh long nào cho quả chín, các đại lý hoa qua đặt mua hết, không có mà bán”.

Trang trại tổng hợp

Ngoài cây thanh long ruột đỏ, Dũng còn nghiên cứu và khảo nghiệm các giống cây ăn quả khác như đu đủ Đài Loan, táo Thái Lan, chanh leo Đà Lạt… và nhận thấy cây đu đủ là cây rất nhanh cho thu hoạch, hợp với vùng đất địa phương. Dũng trồng thêm 500 gốc đu đủ Đài Loan vào đầu năm 2015.

Trang trại tổng hợp của Dũng còn có các mô hình khác như: Nuôi bò sinh sản 10 con thu nhập khoảng 50 triệu/năm; nuôi dê sinh sản 15 con thu nhập 30 triệu/năm. Nuôi gà 500 con, thu nhập khoảng 50 triệu/năm. Thu nhập từ các loại cây ngắn ngày như rau, đậu, lạc, nghệ, gừng bầu, bí khoảng 50 triệu/năm. Bên cạnh đó, Dũng tạo côn ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương 200 nghìn/ngày. Tổng thu nhập từ trang trại, theo Dũng nhẩm tính gần được 1 tỷ đồng/ năm trừ chi phí 700 triệu đồng, còn lại thu về được khoảng 300 triệu đồng

Nói về tương lai, Dũng khiêm tốn nói: “Giờ tôi đã trả nợ ngân hàng hết rồi. Thu nhập trang trại cũng khá, thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nhân giống và mở rộng mô hình trang trại của mình, tăng thêm thu nhập, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương”.


Tấm gương cho các bạn trẻ học hỏi

Ông Cao Văn Đức – Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tây cho biết: “Nguyễn Tiến Dũng là tấm gương cho các bạn trẻ học tập. Thời điểm tôi làm Bí thư Đoàn xã Sơn Tây, tôi luôn động viên Dũng. Thấy được ước mơ vượt khó trên mảnh đất quê hương, tôi và một số đồng chí đoàn viên hỗ trợ Dũng về vật chất và tinh thần, góp phần giúp ước mơ hoài bão của Dũng đạt kết quả tốt nhất. Khi nhìn thấy trang trại của Dũng đã cho thu hoạch chúng tôi rất vui. Hy vọng sẽ có nhiều bạn trẻ trên mảnh đất nghèo Hương Sơn dám nghĩ, dám làm như Dũng giúp cho quê hương phát triển hơn”.

Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

Từ thất nghiệp thành 'vua' trùn quế đất Củ Chi

Tốt nghiệp loại giỏi Đại học Nông lâm TP HCM, sau một năm không tìm được việc làm, Nguyễn Văn Sang tự mày mò nuôi trùn quế và hiện sở hữu công ty cho doanh thu cả tỷ đồng mỗi năm.

Chàng sinh viên sinh năm 1990 này vẫn luôn nhớ về khoảng thời gian nhàn rỗi ở nhà sau khi tốt nghiệp đại học. Không tìm được việc làm, Sang đành phụ gia đình chăn nuôi và cũng tập tành khởi nghiệp với một đàn gà 200 con nuôi theo mô hình chuồng trại. Gia đình khi đó cũng đã nuôi trùn quế (giun quế) từ nguồn phân bò có sẵn, nhưng bán không được, thế là Sang thử đem trùn làm thức ăn cho gà và thấy hiệu quả rất cao. Ngoài ra anh còn sấy khô và trộn thử nghiệm vào thức ăn cho bò sữa thì kết quả cũng rất tích cực. Bò con lớn nhanh, lông mướt, còn bò mẹ hay bị bệnh thì ăn nhiều hơn và khỏe hẳn lên. Nhưng việc chăn nuôi gặp trục trặc khi đàn gà được 6 tháng chuẩn bị đem bán thì lại trúng ngay đợt dịch khiến Sang phải đem đi tiêu hủy toàn bộ.

Mất cả đàn gà, lại lỗ thêm tiền thức ăn và xây dựng chuồng trại, Sang chỉ còn biết tiếp tục phụ giúp gia đình và tìm kiếm việc làm. Thời gian đó, việc nuôi trùn quế của các hộ dân ở Củ Chi (TP HCM) đã phát tiển nhưng khá khó khăn do không có đầu ra ổn định, đa số đem bán nhỏ lẻ cho những hộ nuôi cá kiểng, làm mồi câu cá, phân trùn quế thì gom bón cho cỏ nuôi bò. Vì nuôi mật độ dày nên hầu hết trùn bị thoái hóa và chết.

Trùn quế ở trang trại của Sang.


Nhận thấy sự lãng phí khi chưa sử dụng trùn quế đúng cách, Sang lên mạng tìm hiểu, nhưng thông tin quá ít và rất ít người quan tâm. Đa số mọi người chia sẻ kỹ thuật nuôi chứ không ai chia sẻ về cách sử dụng sao cho hiệu quả và lợi ích của trùn quế như thế nào. Vậy là Sang tự mình góp nhặt thông tin, tài liệu của nước ngoài, rồi viết bài chia sẻ trên diễn đàn nông nghiệp và nhận được sự quan tâm, bàn luận của rất nhiều người.

Giai đoạn 2007 -2008, thương lái bắt đầu về Củ Chi thu mua trùn quế nhiều hơn để bán cho những hộ nuôi tôm ở miền Tây với giá 30.000 đồng một kg. Những lúc khan hiếm trùn, giá được đôn lên đến 150.000 đồng. Thấy vậy các hộ bắt đầu ồ ạt mở rộng diện tích, đầu tư chuồng trại. Tuy nhiên, người nuôi tôm nhận thấy giá trùn quế quá cao, không có lời nên chuyển sang thức ăn khác. Từ đó, giá trùn chỉ còn hơn 10.000 đồng một kg, tính cả công thu hoạch, người nuôi không còn lời bao nhiêu.

Trước khó khăn chung, Sang rất muốn thành lập công ty để bao tiêu đầu ra cho người dân, nhưng không có vốn và gia đình ra sức ngăn cản, nên anh đành phải tìm công việc khác để làm ở một công ty thiết kế website, rồi đi bán thực phẩm chức năng. Chính khoảng thời gian này đã giúp Sang tích lũy được khá nhiều kiến thức và kinh nghiệm bán hàng, đặc biệt là marketing online.

Tận dụng kênh marketing online, Sang chạy thử quảng cáo, viết bài giới thiệu sản phẩm. Có khá nhiều người quan tâm, nhưng những khách hàng lớn lại không muốn hợp tác vì anh thiếu pháp nhân công ty. Điều này càng thôi thúc Sang thành lập doanh nghiệp

Nguyễn Văn Sang đang phát tiển mạnh mô hình nuôi trùn quế ở Củ Chi.


Đầu tiên chàng thanh niên mượn gia đình 10 triệu đồng để học một lớp kiến thức nền tảng về kinh doanh. Để kiếm nguồn vốn lập công ty, Sang được một người bạn giới thiệu công việc bán áo thun qua thị trường Canada, Mỹ. Rất may mắn, chỉ trong vòng 2 tháng, anh kiếm được 80 triệu đồng.

“Lúc này vẫn còn mê con trùn quế lắm, nhưng rất đắn đo suy nghĩ vì thị trường chưa có, khách hàng ít biết nên rủi ro rất nhiều, trong khi công việc kinh doanh áo thun đang tốt. Nhưng rồi suy nghĩ kỹ mới nhận ra rằng nghề kinh doanh áo thun chỉ giúp một mình tôi phát triển, còn lại không giúp được gia đình và người dân quê mình”, Sang tâm sự.

Tháng 10/2014 Sang thành lập Công ty cổ phần Trùn quế Củ Chi. Thời gian đầu, mỗi ngày anh làm việc từ 8h sáng đến 24h đêm để xây dựng hệ thống website. Vì mới làm doanh nghiệp, không có nhiều kinh nghiệm, đụng cái gì cũng muốn chi, từ tiền lương cho nhân viên, sắm đồ đạc, đến nhiều chi phí phát sinh khác nên tiền hết rất nhanh.

Cũng vì không có mục tiêu cụ thể, thấy gì cũng học, cũng làm, Sang không lường trước được thị trường quá rộng nên đầu tư sản xuất sản phẩm cung ứng cùng lúc cho cả hai mảng trồng trọt và chăn nuôi. Thiếu định hướng, đầu tư không đúng chỗ nên khách hàng dùng thử và không quay lại mua sản phẩm nữa.

Không có khách, Sang xoay xở nhận phân phối lại sản phẩm cho một công ty. Cũng vì thiếu kinh nghiệm về pháp lý, anh đã dán nhãn của mình đính kèm vào sản phẩm của doanh nghiệp để quảng cáo với hy vọng tìm kiếm thêm khách hàng. Công ty mẹ phát hiện và không cho phép anh quảng cáo đính kèm nữa.

Sau khi suy tính, Sang quyết định chỉ tập trung vào phân khúc cung cấp sản phẩm cho người trồng rau sạch. “Trong trùn quế có nguồn vi sinh vật tự nhiên rất có lợi, vơi nhiều axit amin kích thích tăng trưởng và tăng sức đề kháng, đặc biệt là cho rau sạch”, Sang nói và cho biết thêm, ngoài sản phẩm từ phân trùn quế anh còn phát triển mảng trùn giống. Hiện mỗi tháng công ty cung cấp 100 tấn phân bón cho thị trường sỉ và lẻ, thu về hơn 100 triệu đồng.

Từ diện tích 300m2, hiện nay Sang mở rộng ra 1.000m2 để nuôi trùn quế, đồng thời bao tiêu thêm sản phẩm cho một số hộ ở Củ Chi. Quy mô công ty của cựu sinh viên Nông Lâm này hiện có 6 nhân viên kinh doanh, 5-10 công nhân sản xuất bán thời gian, 2 công nhân nuôi trùn. Sang chủ yếu tập trung sử dụng kênh marketing online với 10 website để quảng bá thông tin, hình ảnh cho sản phẩm của trang trại.

Để đẩy mạnh sử dụng sản phẩm, Sang cho biết thời gian tới sẽ cho ra mắt bộ công cụ giúp cho người trồng rau sạch tự sản xuất phân trùn tại nhà với chi phí chỉ tốn vài nghìn đồng cho một lít phân bón lá. Phương pháp này đã có ở nước ngoài nhưng Sang cũng phải mất hai năm để nghiên cứu tìm ra nguyên lý hoạt động và vật liệu để lắp ráp. Khi thị trường cung cấp sản phẩm cho rau sạch ổn định, Sang sẽ hướng nghiên cứu sản phẩm sang dành cho chăn nuôi.

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

Vươn lên từ nuôi tằm trứng

Người nông dân không chỉ nuôi tằm bán kén, mà còn nuôi tằm trứng cung cấp giống. Bà Đỗ Thị Hoa, thôn Đức Thành, xã Hoài Đức, Lâm Hà là người chuyên nuôi tằm trứng để bán lấy con.

Bà Hoa kiểm tra nong tằm con.


Bà Đỗ Thị Hoa vốn là người gắn bó với nghề tằm tang từ lâu. Trước đây, người nuôi tằm phải tự mua trứng về cho nở tằm con, rồi nuôi trưởng thành, thời gian lâu và tỷ lệ hao hụt khá lớn. Nghề tằm phát triển, việc ấp nở, nuôi tằm con được chia ra thành từng khâu riêng biệt so với nuôi tằm lớn.

Bà Hoa chính là nông hộ được các đại lý thu mua kén và cung cấp giống “đặt hàng” chuyên nuôi tằm trứng cung cấp giống cho hàng trăm nông hộ trong vùng lân cận. Bà Hoa bảo: “Nuôi tằm trứng cũng như nuôi trẻ, cần kỹ lưỡng, sạch sẽ và cẩn thận, đảm bảo tằm khỏe mạnh, ăn ngủ tốt, đến tay người nuôi với tỷ lệ sống cao, cho kén có sản lượng ổn định”.

Bà Hoa nuôi tằm trứng theo hình thức gối đầu, mỗi tuần nuôi một lứa, mỗi lứa 30-40 hộp trứng. Vậy là mỗi tháng bà nuôi trung bình 140-150 hộp trứng, số lượng tằm con đủ cung cấp cho hàng trăm hộ trong vùng.

Khi chuẩn bị ngủ, tằm bóng vàng, đầu ngẩng, ít vận động, ăn ít dần, ngủ rồi lột xác chuyển sang tuổi sau, phải chú ý hạn chế ánh sáng, gió lùa, tiếng ồn để tằm ngủ. Mỗi lứa tằm nuôi từ trứng tới ngủ tuổi ba là 12 ngày. Sau khi tằm ngủ tuổi ba thì giao cho đại lý kén, họ giao lại cho người nuôi tằm.Nuôi tằm ăn cơm đứng, nuôi tằm trứng càng vất vả, thời gian rất khắt khe.

Bà Hoa chọn nuôi tằm trên nong lớn có trải miếng nilon để giữ ấm tằm và giữ dâu tươi lâu. Mỗi ngày, tằm được cho ăn 4 lần, kích thước lá dâu phụ thuộc vào tuổi tằm, tằm càng nhỏ tuổi lá dâu càng thái nhỏ hơn. Hàng ngày, người nuôi dọn phân, san tằm để đảm bảo sạch, khỏe và phát triển đều. Xử lý tằm ngủ cũng là khâu quan trọng vì đảm bảo tằm ăn, ngủ đều ở các tuổi, sẽ dễ nuôi, chín tập trung, ít bệnh tật.

Người nuôi tằm nhập tằm con về là tằm vào tuổi ăn tư, dễ nuôi, ít chết, 17 ngày sau sẽ kéo kén. Bà Hoa bảo, mình nuôi ra tằm con cho bà con nuôi tằm lấy kén, làm sao để con tằm khỏe, bà con “thắng” là trách nhiệm, đồng thời cũng là mong mỏi của mình.

Hơn 20 năm, bà Đỗ Thị Hoa gắn bó với nghề nuôi tằm trứng. Cùng thời gian, kinh nghiệm ngày càng nhiều, bà Hoa cũng áp dụng thêm nhiều công cụ để công việc bớt vất vả. Vườn dâu nhà bà gồm 7 sào trồng giống S7-CB và VA 201, giống dâu siêu cao sản phục vụ đủ cho nhu cầu của gia đình. Để giảm bớt công lao động, bà Hoa sử dụng máy thái dâu cho tằm ăn. Loại máy này có điểm hay là có thể điều chỉnh lưỡi để dâu được thái to, nhỏ theo ý của người nuôi tằm. Một hộp trứng giống có giá 250.000 đồng, sau 12 ngày tằm ngủ tuổi ba, giao lại cho đại lý với giá 320.000 đồng/hộp.

Mỗi tháng, thu nhập từ nuôi tằm trứng của gia đình bà Hoa cũng đạt mức trên 10 triệu đồng, cao điểm thu trên 20 triệu. Anh Nguyễn Bá Hà, khuyến nông viên của xã Hoài Đức nhận xét, hộ bà Đỗ Thị Hoa là nông hộ có kinh nghiệm nuôi tằm trứng, tằm con đạt sản lượng cao, được đại lý và bà con nghề tằm tín nhiệm.

Gia đình bà Hoa cũng tận dụng rất tốt sức lao động trong mùa nông nhàn, phát triển kinh tế gia đình, đồng thời cung cấp tằm giống có chất lượng cho bà con vùng tằm Hoài Đức.

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

Thoát nghèo, kiếm bạc tỷ mỗi năm từ ... lan rừng

Cách đây hơn 10 năm về trước, ý tưởng trồng lan rừng để phát triển kinh tế của anh Phạm Đức Tố được nhiều người cho là “điên rồ”. Vậy mà, giờ đây anh đã trở thành ông chủ của một vườn lan rừng (giống Ngọc Điểm) mỗi năm cho thu nhập trên cả tỷ đồng.


Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông con, lại nghèo khó tại vùng “chiêm trũng” tỉnh Hà Nam, nên năm 1996 anh Phạm Đức Tố (42 tuổi, ngụ tại thôn 6, xã Mađaguôi, huyện Đạ Huoai), quyết định khăn gói rời quê hương lên mảnh đất cao nguyên Lâm Đồng lập nghiệp.

“Vua” lan Ngọc Điểm

Lúc đầu, tại vùng đất hoang sơ Đạ Huoai (Lâm Đồng) anh Tố mua được 0,5 ha đất để cất nhà và làm kế sinh nhai. Trong những năm đầu mới vào lập nghiệp, anh đã chọn nhiều loại cây ăn quả như mít, chôm chôm và sầu riêng để trồng thử, đồng thời đi làm thuê, làm mướn để kiếm thêm thu nhập lo cuộc sống.

Công việc nhọc nhằn là vậy, thế nhưng chỉ đủ miếng ăn qua ngày. Sau nhiều trăn trở, anh nghĩ mình đã rời bỏ quê hương đi lập nghiệp để thoát khỏi nghèo khó, nên không thể tiếp tục để cái đói, cái nghèo mãi đeo bám gia đình mình.

Năm 2002, khi anh đang loay hoay tìm hướng đi khác để phát triển kinh tế, thì vô tình anh được một người bạn ở TP Hồ Chí Minh giới thiệu về nghề trồng lan rừng.

Khi được “mách nước”, anh Tố có ý tưởng trồng lan rừng ngay lập tức. Nhưng lan rừng là loài hoa rất khó trồng, nhiều người đã khuyên can anh và thậm chí có người còn cho rằng ý tưởng trồng lan rừng của anh là “điên rồ”.


Anh Tố tâm sự: “Ngày ấy, khi được nghe bạn bè nói nhiều về việc làm giàu bằng nghề trồng lan rừng, nên tôi mê lắm. Thế là, sau một thời gian tìm hiểu, tôi đã quyết định chọn giống lan rừng Ngọc Điểm (còn gọi là lan Tai trâu hay Nghinh xuân) để trồng thử. Vì trồng thử, nên ban đầu tôi chỉ trồng 50 trụ lan”.

Thế nhưng, do mới tiếp cận với cây lan rừng, nên ngày qua ngày, anh dường như bất lực nhìn những trụ lan mình trồng cứ chết dần, chết mòn. Nhiều lúc anh Tố chán nản nhưng anh vẫn không bỏ cuộc.

Cứ như vậy sau vài lần thất bại, anh nhận ra thiếu sót lớn nhất của mình chính là việc không hiểu biết về kỹ thuật trồng, chăm sóc lan. Vậy là, anh lại bắt đầu đi tìm hiểu, qua những vùng trồng nhiều lan rừng, qua sách, báo...

Trong năm đầu trồng thử nghiệm, anh dành trọn thời gian để tìm hiểu nguyên nhân tại sao cây lan mình trồng không thể phát triển được và loại cây nào thì phù hợp với mảnh đất nơi đây.

Cuối cùng anh nhận ra rằng, lan Ngọc Điểm thích hợp nhất với khí hậu nơi đây và phát triển tốt khi trồng trên cây vú sữa. Cùng với đó, việc điều tiết độ ẩm, nhiệt độ, nước và ánh sáng cho lan là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Từ đó, anh quyết định vay mượn thêm kinh phí để đầu tư làm nhà lưới, săn tìm mua cây vú sữa và mày mò thêm về kỹ thuật chăm sóc cây lan.

Anh Tố chia sẻ: “Lan Ngọc Điểm là một trong những loại lan rừng có nguồn gốc từ Campuchia và Thái Lan. Loài lan này chỉ nở vào mua xuân (nở đúng dịp tết) rất quý, hiếm nên được gọi là lan Nghinh xuân. Để trồng được, đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật điều tiết độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng và nước phù hợp cho nó.

Thông thường, lan Ngọc Điểm thích hợp với nhiệt độ khoảng 20 - 32ocvà độ ẩm từ 55 - 60%. Loài lan này rất ưa nước, nên vào mùa khô cần phải tưới nước thường xuyên để kích thích lan ra rễ; đồng thời, cần điều tiết ánh sáng ở mức từ 60 - 70 % là đủ cho lan phát triển”.

“Đặc biệt, người trồng lan cần phải thường xuyên bám vườn theo dõi để kịp thời xịt thuốc, bón phân theo định kỳ hàng tháng, thậm chí hàng tuần. Khi phát hiện lan bị bệnh với các triệu chứng như úa vàng, héo rũ, thối rễ… cần phải trị tận gốc không để lây lan”, anh Tố chia sẻ thêm.

Hiện nay, vườn lan Ngọc Điểm của anh Tố đã có diện tích 2.000 m2, được trồng trên 1.000 trụ bằng cây vú sữa cao từ 1,5 - 2m. Điều đặc biệt, lan của anh chỉ thu hoạch để bán giống và được tính theo kg.

Vườn lan rừng tiền tỷ của anh Tố

Hiện, mỗi trụ lan của anh cho năng suất từ 5 - 7kg/năm. Tất cả được anh xuất bán đi 3 thị trường chính là TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Với giá bán từ 250 - 300 ngàn đồng/kg, mỗi năm mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập trên 1 tỷ đồng.

Vườn lan rừng của anh Tố hiện nay gần như lớn nhất cả huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng), không những mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh, mà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương.

Chia tay với cái nghèo từ trồng lan rừng

Cùng với anh Tố, hiện nay, trên địa bàn huyện Đạ Huoai đang có khoảng 15 hộ đầu từ trồng lan Ngọc Điểm. Hiện, các hộ trồng lan chủ yếu tập trung tại 3 địa phương là thị trấn Mađaguôi, xã Mađaguôi và xã Đạ Oai.

Trong đó, anh Phạm Đức Tố đang nhận hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lan cho 6 hộ. Anh Tố niềm nở chia sẻ: “Mình là người đi đầu và có hiểu biết được chút ít, nên ai cần tư vấn về những vấn đề liên quan đến lan rừng thì minh luôn sẵn sàng. Nhưng, trồng loại lan này vốn đầu tư rất lớn và đòi hỏi người trồng phải có tâm huyết với cây lan.

Ngoài những yếu tối cần thiết về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và nguồn nước, thì phải chú ý đến không khí xung quanh. Lan rừng không thích nghi với không khí ô nhiễm, nên cần trồng trong môi trường trong sạch, thoáng mát”.

Anh Phạm Quốc Thuần, ngụ tổ 11, thị trấn Mađaguôi (người được anh Tố giúp đỡ về kỹ thuật trồng lan), cho biết: thấy cây lan rừng phù hợp với vùng đất này, nên anh đã đầu tư trồng để phát triển kinh tế. Hiện, anh Thuần đang đầu tư trồng với diện tích 300m2 lan Ngọc Điểm.



“Tôi thật may mắn và yên tâm khi được một người am hiểu về cây lan rừng như anh Tố giúp đỡ về kỹ thuật. Từ cây lan mà thu nhập của gia đình tôi tăng đáng để”, anh Thuần cho biết thêm.

Tương tự gia đình anh Nguyễn Trọng Thái, một người trồng lan khác (ngụ tại thôn 2, xã Mađaguôi), chia sẻ: “Chúng tôi là những người đi sau, không những được anh Tố hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc lan mà còn được anh giới thiệu cả thị trường xuất bán. Được sự giúp đỡ của anh Tố, chúng tôi rất yên tâm khi đầu từ trồng lan để phát triển kinh tế gia đình”.

Chính tình yêu hoa lan và quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng đã tạo cho anh Phạm Đức Tố có được thành công như ngày hôm nay. Không những vậy mà còn giúp địa phương thoát nghèo, khi một số hộ gia đình được anh Tố chia sẻ cách trồng lan rừng giờ đây đã phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Hy vọng, trong thời gian tới anh Tố cùng với những người trồng lan khác tại huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng), sẽ viết nên một “kỳ tích” thoát nghèo từ chính cây lan rừng với tên gọi Ngọc Điểm cho vùng đất này.

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

Thu tiền tỷ từ rau củ tí hon

Với việc sản phẩm rau quả được xuất khẩu đi các nước, lợi nhuận của nông trại đạt hàng tỷ đồng mỗi năm.

Năm 2012, Nguyễn Thành Nguyên (26 tuổi) tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh ở Mỹ, về nước làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu ở TP HCM. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, chàng trai này quyết định từ bỏ công việc với mức lương khá cao trở về quê nhà Đà Lạt bắt tay vào công việc làm nông.

Mọi việc bắt đầu khi Nguyên được một đối tác Canada đặt vấn đề hợp tác trồng đậu Hà Lan để thay thế sản phẩm lâu nay nước này vốn chỉ nhập từ Trung Quốc. Theo thỏa thuận, anh chịu trách nhiệm sản xuất, đối tác cam kết bao tiêu sản phẩm.

Nguyên cho biết nhiều năm qua ở Đà Lạt, mẹ anh vẫn cần mẫn làm nông, nên khi anh quyết tâm dấn thân vào nghề này thì những nền tảng cần thiết nhất đã có sẵn. Thôn Đạ Nghịt (xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) chỉ cách Trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 20km, là vùng đất hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi cho ngành nông nghiệp công nghệ cao phát triển...

Nguyễn Thành Nguyên giới thiệu dưa leo trái tí hon. Ảnh: Dân Việt

Tất cả diện tích sản xuất của Nguyên đều được phủ nhà kính, lắp đặt đầy đủ trang thiết bị hiện đại, tự động, quy trình sản xuất khép kín từ khâu ươm hạt đến thời điểm thu hoạch. Từ 3ha đất sản xuất ban đầu, sau 3 năm Nguyên đã xây dựng thành nông trại sản xuất rau công nghệ cao với diện tích 20ha.

Nông sản Nguyên làm ra gồm trên 10 loại rau, củ quả, chất lượng đạt chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Ngoài tiêu thụ trong nước, mỗi tháng Nguyễn Thành Nguyên xuất sang Canada và Đài Loan hàng chục tấn đậu Hà Lan, rau xà lách Mỹ.

Đặc biệt ở nông trại của thanh niên Đà Lạt này lại chính là những sản phẩm rau, củ, quả siêu nhỏ. “Thời nay người tiêu dùng không chỉ quan tâm chất lượng sản phẩm mà hình thức cũng là một điều kiện cần thiết không thể xem nhẹ. Cái độc, cái lạ bao giờ cũng được đón nhận dễ dàng nhất”, Nguyên cho biết.

Những chùm cà chua siêu nhỏ quả chỉ bằng ngón tay với nhiều màu sắc khác nhau, cà rốt củ to nhất chỉ bằng ngón tay cái, củ dền to bằng ngón chân… Chính sự tí hon của những sản phẩm đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý đặc biệt của người tiêu dùng.

Đến nay, mỗi tháng nông trại của Nguyên cung ứng khoảng 5 tấn rau củ tí hon cho các siêu thị, cửa hàng và những nhà hàng khách sạn trên cả nước. Bên cạnh đó, hàng chục tấn nông sản thông thường khác cũng được chàng trai này xuất ra thị trường với lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.

Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015

Thu hàng trăm triệu đồng từ vườn hồng công nghệ cao

Không để cái nghèo đói đeo bám khi quanh năm gắn bó với ruộng nương, lão nông Păng Ting Sin đã mạnh dạn chuyển đổi canh tác cây trồng theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và ông đã thành công với 1ha hoa hồng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Hơn 3 năm về trước gia đình ông Păng Ting Sin (người dân tộc K’Ho, ngụ tổ dân phố Bon Đưng 1, thị trấn Lạc Dương, Lâm Đồng) chỉ quen với các loại cây trồng như lúa, khoai, bắp. Thấy một số nông dân người Kinh trong vùng trồng những vườn rau xanh tốt, ông đã mạnh dạn chuyển sang trồng theo. Nhưng do thiếu kinh nghiệm sản xuất lại thêm sâu bệnh, mất mùa, rớt giá… khiến cho thu nhập từ vườn rau của gia đình ông không khá hơn trước là mấy.

Không cam chịu với thất bại, một lần nữa ông Sin lại cặm cụi đi tìm hiểu những người địa phương về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Sau đó, ông vun vén hết tiền bạc trong nhà và mượn thêm họ hàng để đầu tư 2 sào nhà kính trồng hoa hồng.

Thế nhưng trồng hoa công nghệ cao không đơn giản, phải đầu tư hệ thống phun tưới hiện đại. Kỹ thuật chăm sóc hoa cũng kỳ công hơn. Khó khăn là vậy nhưng ông Păng Ting Sin không ngại, một lần nữa ông lại lọ mọ đi học hỏi kinh nghiệm của những người đã trồng trước đó và đăng ký tham gia lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến nông tổ chức để đem kỹ thuật về áp dụng vào vườn nhà mình.

Một thời gian thử nghiệm, sau vài lần thất bại vườn hoa hồng của ông cũng bắt đầu bung nở những bông hoa rực rỡ. Thu nhập từ hoa hồng dần ổn định, ông Sin quyết định chuyển hết diện tích trồng rau trước đây sang trồng hoa hồng trong nhà kính.

ông Păng Ting Sin kiểm tra lại hoa trước khi xuất hàng

Một lần nữa ông lại vấp phải khó khăn lớn đó là chi phí để đầu tư hệ thống nhà kính khá cao. Sau nhiều trăn trở ông quyết định cầm cố sổ đất đi vay 500 triệu đồng từ ngân hàng về đầu tư trồng hoa.

Với quyết tâm cao cùng với sự cần cù, chịu khó học hỏi, ông đã khẳng định được quyết định của mình là đúng đắn, khi giờ đây gần 1ha hoa hồng trồng trong nhà kính cho doanh thu lên đến một tỷ đồng, trừ hết chi phí mỗi năm ông Sin thu lãi về khoảng 300- 400 triệu đồng. Mức thu nhập này với một gia đình người dân tộc thiểu số là điều ít ai dám nghĩ tới, nhưng ông Sin đã chứng minh là mình làm được.

“Thường thì cứ 2 ngày cắt hoa một lần, mỗi lần cắt trung bình khoảng 2.000 cành, tùy đơn hàng. Giá hoa hồng tôi hợp đồng với thương lái từ 900 đồng/cành (tuỳ từng thời điểm), mỗi tháng thu về cũng được khoảng 30- 40 triệu sau khi trừ hết chi phí”, ông Păng Ting Sin chia sẻ.

Vườn hoa hồng công nghệ cao không chỉ đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình ông Sin, mà còn tạo công ăn việc làm cho 4 lao động thường xuyên của địa phương với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Được biết, ngoài chăm sóc vườn hồng của gia đình, ông Păng Ting Sin còn hay đi dự các lớp tập huấn nông nghiệp, chia sẻ các kỹ thuật chăm sóc cho những hộ người dân tộc thiểu số muốn chuyển đổi canh tác cây trồng. Rất nhiều người, kể cả người Kinh đã đến vườn hồng của gia đình ông để tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật.

“Tôi muốn mọi người cùng làm, cùng nhau phát triển nhất là các hộ là người dân tộc thiểu số ở địa phương này. Mạnh dạn đầu tư sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, cố gắng sản xuất, không những thoát nghèo mà vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”, ông Sin bộc bạch.

Công nhân đang thu hoạch hoa

Về mô hình trồng hoa hồng trong nhà kính của lão nông người K’Ho này, ông Nguyễn Hồng Thủy- Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) cho biết, anh Păng Ting Sin là người dân tộc thiểu số đầu tiên của địa phương chuyển đổi cây trồng sang hướng nông nghiệp công nghệ cao và đã thành công.

“ Anh Păng Ting Sin còn là gương điển hình thoát nghèo và vươn lên làm giàu ở địa phương, từ một gia đình thuộc hộ nghèo đến nay đã có một vườn hoa hồng cho thu nhập đáng mơ ước. Không những vậy anh cũng nhiệt tình giúp đỡ nhiều gia đình trong vùng đến học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau phát triển nâng cao thu nhập cá nhân. UBND huyện đã nhiều lần khen thưởng cho anh Sin vì có nhiều thành tích và đóng góp trong nông nghiệp cho địa phương”.

Được biết, ngoài là một nông dân sản xuất nông nghiệp giỏi, ông Păng Ting Sin còn đam mê cồng chiêng và muốn lưu giữ những bản sắc văn hóa dân tộc.

Hiện ông có một điểm cồng chiêng thu hút hoảng 20 bạn trẻ tham gia, ngoài ra còn mang lại thu nhập thêm cho các bạn trẻ từ biểu diễn cồng chiêng. Đó cũng chính là tâm nguyện của ông Sin muốn giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc cho du khách trong và ngoài nước khi đến với Lang Biang cũng như đến với thành phố Đà Lạt mông mơ.

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

Bỏ phố lên núi trồng Atiso kiếm tiền tỷ

Là một người con của đất Sài thành, rời bỏ thành phố lên vùng rừng núi của Lâm Đồng gắn bó với loại cây dược liệu Atiso. Đến nay, anh Nguyễn Trung Thành (45 tuổi, trú tại xã Lát, huyện Lạc Dương) đã có một vườn Atiso cho thu nhập lên đến hàng tỷ đồng.

Cũng như nhiều người khác khi đến lập nghiệp ở mảnh đất Nam Tây Nguyên, anh Nguyễn Trung Thành đã chọn nông nghiệp để phát triển. Lúc đầu, khi mới lên miền đất mới, anh chọn một số giống hoa của Đà Lạt như hoa ly, cẩm chướng… để canh tác, nhưng do thiếu kinh nghiệm, thiếu sự liên kết để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nên không hiệu quả.

Sau nhiều lần thất bại, anh Thành đã đi nhiều nơi trong vùng cố gắng tìm tòi, học hỏi và anh nhận thấy tiềm năng của cây Atiso, từ đó anh đã bén duyên với loại cây này.

Theo anh Thành, Đà Lạt là một thành phố du lịch và du khách khi đến đây, lúc ra về muốn mang một chút đặc sản về nhà làm quà. Atisô là một trong những loài cây đặc trưng của thành phố ngàn hoa và sản phẩm của nó luôn được du khách lựa chọn để làm quà tặng người thân, bạn bè.

Anh Thành thu hoạch vườn atiso của mình

Thực tế, cũng không có nhiều loài cây nào mà toàn bộ cây từ rễ, gốc, thân cho đến lá, bông đều được sử dụng như cây Atisô. Khoa học đã chứng minh Atisô là cây dược liệu, có nhiều tác dụng rất tốt cho sức khỏe.

Nhận thấy được tiềm năng phát triển lớn của cây Atiso, anh Thành đã mày mò, học hỏi đưa loài cây về trồng thử nghiệm ở thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Tuy nhiên, cây Atiso lâu nay vẫn thường được canh tác chủ yếu ở TP Đà Lạt, giờ để phát triển cây dưới chân núi LangBiang cằn cỗi là cả một vấn đề.

Thế nhưng anh Thành vẫn không nản lòng, lại ngược xuôi đi tì hiểu kỹ thuật chăm sóc cây. Nhờ chịu khó, cần cù nắm bắt nhanh những kỹ thuật trồng cây, anh đã thành công với cây dược liệu Atiso trên mảnh đất mới này. Đến nay, anh Thành đã có 3 ha cây Atiso phát triển xanh tốt và đang cho thu hoạch.

"Atiso là một loại cây không quá khó trồng và chi phí đầu tư ban đầu thấp hơn so với một số loại cây trồng khác. Loại cây này có thể trồng ngoài trời, chăm sóc đúng quy trình thì cây sẽ phát triển tốt, cho sản lượng cao”, anh Thành cho biết.

Một ưu thế nữa của cây Atiso là thu hoạch được 100% từ rễ, thân, lá, hoa, không để lại một sản phẩm thừa nào. Vấn đề để cây Atiso phát triển bền vững là đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, anh Nguyễn Trung Thành đã tìm hướng đi mới bằng cách liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, đầu ra cho mình.

“Bình quân 1 ha có 20.000 cây, mỗi cây thu khoảng hơn 1 kg bông tươi, 15 – 17 kg lá, khoảng từ 0,5- 2 kg thân, rễ khô, giá thấp nhất cũng được 100.000 đồng/cây, tính sơ sơ 1 ha đã có thể cho thu nhập tiền tỷ”, anh Thành vui vẻ cho biết.

Vườn atiso trên mảnh đất khô cằn của anh Thành

Để tiết kiệm chi phí và đảm bảo chất lượng hiệu quả nguồn cây giống, anh Thành cũng đã tự mua mô giống về để sản xuất cây con. Không chỉ sản xuất giống để đáp ứng diện tích vườn của gia đình mà anh còn cung cấp cho nhiều trang trại khác. Ngoài ra, Anh Thành còn tận tình chia sẻ và hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc cây cho nhiều hộ lân cận để phát triển.

Hiện tại, bình quân vườn Atiso với hơn 3ha đang mang về cho gia đình anh Thành thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, còn tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động thường xuyên và lao động thời vụ tại địa phương.

Ông Trần Phi - cán bộ khuyến nông xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) cho biết: “ Dù không phải là người địa phương gốc, nhưng Nguyễn Trung Thành đã nắm vững kỹ thuật canh tác cây trồng rất tốt. Mô hình trồng Atiso của anh Thành được đầu tư rất kỹ lưỡng và có hiệu quả”.

“Không những vậy, anh Thành đã biết liên kết trong sản xuất để tạo đầu ra ổn định. Cách làm của anh ấy cũng sẽ giúp cho người dân địa phương có điều kiện học hỏi và tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích đất”.

Được biết, không chỉ dừng lại ở cây Atiso mà hiện tại anh Nguyễn Trung Thành đang nghiên cứu trồng thử nghiệm những loại cây quý như: sâm đất, wasabi và một số cây dược liệu khác.

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Có 2 bằng đại học, vẫn bỏ việc về quê nuôi lợn, chăn vịt, và... thành tỷ phú

Với 2 tấm bằng đại học trong tay, nhưng anh Nhật đã chọn cho 1 mình quyết định không giống ai là bỏ việc về quê… nuôi lợn và chăn vịt. Đến nay, mỗi năm trang trại cho anh thu lãi trên 1 tỷ đồng.
Đó là câu chuyện của anh Phạm Văn Nhật (sinh năm 1982, xóm 4, xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, Ninh Bình).


Giữa trưa hè cuối tháng 5, nắng như đổ lửa, nhưng khi đến thăm chúng tôi đến thăm trang trại vịt trời của Nhật thì cảm giác khác hẳn. Trang trại vịt trời của anh nằm cạnh dòng sông Đáy, xung quanh cây cối um tùm mát mẻ. Tiếp chúng tôi, anh Nhật phân trần: “Nuôi các con vật đặc sản thì phải tạo được môi trường sống tự nhiên hoang dã cho nó, thế mới cho hiệu quả cao”.

Bỏ đô thị về làng làm nghề nông

Năm 2006, anh Nhật tốt nghiệp khoa Quản trị lữ hành của Trường Đại học Văn hóa. Vốn tháo vát, nhanh nhẹn anh nhanh chóng tìm cho mình công việc tại một công ty lữ hành phù hợp với ngành nghề mình đã học. Thu nhập 15 triệu đồng/tháng lúc đó phải nói là quá tốt đối với người mới ra trường.


Thời gian tới anh Nhật sẽ mở rộng diện tích nuôi vịt trời.

Thế nhưng, ước muốn được làm chủ chính mình và làm giàu ngay chính quê nhà cứ thôi thúc anh. Đến thời điểm 3 năm sau ngày ra trường, anh từ bỏ đô thị phồn hoa trở về quê, đấu thấu 0,3ha đất ở xã Khánh Hải (Yên Khánh) rồi bỏ vốn làm trang trại nuôi các loại con đặc sản như nhím, lợn rừng. “Sở dĩ tôi chọn vật nuôi đặc sản để phát triển kinh tế bởi 3 năm dẫn khách du lịch, tôi để ý thấy các món ăn được chế biến từ các loại con đặc sản, hoang dã rất hút khách, nhiều khi không đủ để đáp ứng yêu cầu khách hàng” – anh Nhật chia sẻ.

Để thuyết phục người thân ủng hộ quyết định của mình, anh Nhật không làm theo kiểu “quay ngoắt 180 độ”. Một mặt làm trang trại, một mặt anh xin ứng tuyển vào phòng kinh doanh của Tập đoàn Mobifone - chi nhánh Ninh Bình. “Bố mẹ và mọi người cứ nghĩ tôi làm nông thời gian ngắn sẽ “sáng mắt” và sớm muộn cũng bỏ cuộc. Nhưng cách đây 2 tháng, tôi xin nghỉ hẳn ở Mobifone để làm “nông dân chính hiệu”. Lần này không ai phản đối gì nữa. Thu nhập vững chắc từ trang trại là sức thuyết phục lớn nhất đối với mọi người” - anh Nhật cho biết.

Anh bắt đầu khởi nghiệp với 300 con nhím. Lứa nhím đầu tiên, anh đem lên Hà Nội chào hàng. Thấy giá thành cao, việc tiêu thụ thuận lợn, anh mở rộng quy mô nuôi lên 1.000 con lứa. Giữa năm 2010, thấy thị trường nuôi nhím bão hòa, anh chuyển sang nuôi lợn rừng. Về Cúc Phương, anh tìm mua 30 con nái giống lợn rừng về nuôi thử. Sau 5 năm chăn nuôi, đến nay đàn lợn rừng gia đình anh đã phát triển lên 300 con giống bố mẹ và một đàn 500 con lợn rừng thương phẩm. Từ việc bán con giống và chăn nuôi lợn rừng thương phẩm, mỗi năm gia đình anh có doanh thu 1,1 tỷ đồng. Trừ chi phí, anh thu về trên 600 triệu đồng.

“Thức ăn là yếu tố quan trọng nhất trong chăn nuôi lợn rừng, vì nếu không cẩn thận thì thịt lợn rừng sẽ giống thịt lợn nhà. Như vậy sẽ mất đi ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Giống lợn rừng của tôi thịt săn chắc, ngon, ngọt tự nhiên nên được rất được khách hàng ưa chuộng” - anh Nhật phân tích.

Hai bằng đại học để làm nông dân

Để việc làm ăn của mình bài bản, năm 2012, anh Nhật quyết định học thêm văn bằng hai chuyên ngành Quản trị kinh doanh của Đại học Kinh tế quốc dân. Lúc đó, anh vừa học, vừa làm việc ở Tập đoàn Mobifone, vừa làm ông chủ trang trại. Có thể nói khoảng thời gian ấy vô cùng vất vả với anh. “Nhiều người bảo tôi là gàn, học đại học để làm ông này bà nọ, chứ học đại học về làm ông nông dân thì học làm gì? Tôi luôn tâm niệm trang trại của mình phải hướng đến sự quy mô, chuyên nghiệp, sản xuất theo hướng hàng hóa vững chắc. Vì thế việc học quản lý rất cần thiết với tôi”- anh Nhật nhớ lại.

Chủ trang trại Phạm Văn Nhật:

Nhiều người bảo tôi là gàn, học đại học để làm ông này bà nọ, chứ học đại học về làm ông nông dân thì học làm gì? Tôi luôn tâm niệm trang trại của mình phải hướng đến sự quy mô, chuyên nghiệp, sản xuất theo hướng hàng hóa vững chắc. Vì thế việc học quản lý rất cần thiết với tôi.


Đầu năm 2013, trong một lần đi giao hàng, anh Nhật được 1 ông chủ khách sạn gợi ý nuôi thêm giống vịt trời. Tìm hiểu thấy giống vịt trời này hoàn toàn phù hợp với điều kiện địa phương mình, anh bèn tìm về Bắc Giang mua 500 con vịt trời, chia thành nhiều nhóm nhỏ thử nghiệm những cách nuôi khác nhau để tìm ra cách nuôi nào cho hiệu quả cao nhất. Anh chia sẻ không giấu giếm: “Đối với vịt trời thì môi trường sống quyết định thành công đến 90%, nên tôi xây dựng trại, lán hoang dã, gần gũi với tự nhiên. Trong quá trình nuôi, tôi thấy để vịt có chất lượng thịt thơm ngon thì chỉ cho ăn cám trong vòng 1 tháng đầu, từ tháng thứ 2 trở đi thì 80% thức ăn bằng lúa. Còn muốn khi vịt không có lông măng khi làm thịt, trong quá trình nuôi nên để nền chuồng bằng cát”.

Tuy mới chỉ nuôi vịt trời hơn 1 năm, nhưng anh đã phát triển quy mô 1.000 con vịt giống bố mẹ, và 9.000 vịt thương phẩm/lứa, mỗi năm 4 lứa. Giống vịt trời anh nuôi là vịt trời mỏ vàng, chân đỏ đang rất được ưa chuộng trên thị trường. Với giá bán 120.000 đồng/con, năm vừa rồi anh có khoản thu 1,4 tỷ đồng. Trừ chi phí đầu tư, anh bỏ túi 300 triệu đồng/năm (cả tiền công và lãi). Ngoài ra, anh còn để ra được 4.000 con vịt trời làm giống, anh định giá gần 400 triệu đồng. 
 
Giống vịt trời mỏ vàng, chân đỏ bố mẹ được anh chăm sóc rất kỹ để tạo ra những con giống tốt nhất.

Để có được những thành công như trên, anh Nhật đã trải qua không biết bao khó khăn và vất vả. Lúc đầu chưa quen cách nuôi và chăm sóc vật nuôi hoang dã, có lần bắt nhím, anh bị nhím phóng 20 cái lông đâm vào chân, gây sưng húp, mưng mủ, sốt li bì gần 1 tuần. Anh còn bị lợn rừng tấn công, suýt đâm lòi ruột. Trong những lần tiếp cận thị trường, các ông chủ nhà hàng, khách sạn lớn nhìn thấy “trẻ ranh” như anh thì từ chối thẳng thừng, anh phải thuyết phục họ ra sao để họ đồng ý đơn hàng của anh… Nhưng vượt lên trên tất cả, sự dám nghĩ, dám làm, là sự tính toán chắc chắn từng “đường đi nước bước”, làm ăn vững chãi và bài bản của anh đã thuyết phục được mọi người.


Nói về hướng đi sắp tới, anh Nhật tiết lộ: “Tôi đang đầu tư trang trại nuôi vịt trời và lợn rừng rộng 22 ha ở xã Khánh Tiên, tổng số vốn đầu tư khoảng 3 tỷ đồng. Dự kiến, 6 tháng tới trang trại sẽ hoàn thiện và đi vào hoạt động. Tôi đã tính toán kỹ, sau 1 – 1,5 năm tôi sẽ thu hồi hết vốn đầu tư”.

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015

Bỏ việc 30 triệu, về quê bắt đồng hoang “đẻ” tiền tỷ

Đang làm việc cho một doanh nghiệp ở TP.HCM với mức thu nhập ổn định 25 – 30 triệu đồng/tháng, kỹ sư Võ Ngọc Sơn (SN 1978), quê Duy Tân, Duy Xuyên (Quảng Nam) lại bỏ ngang để về quê làm trang trại, chăn nuôi trên mảnh đất bỏ hoang...

Kỹ sư Bách khoa về làm nông dân


Trang trại chăn nuôi của Võ Ngọc Sơn ở thôn Phú Nhuận, xã Duy Tân. Khi chúng tôi đến, Sơn vừa từ trại nuôi gà vào đón khách, quần áo lấm lem, đi chân đất. Sơn kể, tháng 6.2001, anh tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP.HCM.

10 năm sau đó, Sơn bám trụ lại thành phố, cuộc sống không giàu nhưng chi tiêu khá thoải mái với mức lương kỹ sư xây dựng 25-30 triệu đồng/tháng. Đầu năm 2013, Sơn về quê xã Duy Tân. Khi đi ngang qua cánh đồng hoang vắng thuộc thôn Phú Nhuận, thấy đất đai rộng lớn nhưng lại bỏ hoang, Sơn nghĩ “với diện tích đất bỏ hoang rộng như vậy (chừng gần 10 ha), chỉ có đầu tư chăn nuôi là thích hợp”.

 

Võ Ngọc Sơn “bén duyên” với nghề chăn nuôi và cũng nhờ nghề này mà mỗi năm trang trại của Sơn thu lãi gần 2 tỷ đồng. Ảnh: Đoàn Hồng

Trong thời gian ở quê nhà, Sơn mạnh dạn lên gặp lãnh đạo huyện Duy Xuyên trình bày ý tưởng xây dựng trang trại chăn nuôi trên diện tích đất bỏ hoang của xã Duy Tân. Nghe Sơn nói xong, lãnh đạo huyện đồng ý ngay và tạo điều kiện thuận lợi nhất để anh có được mặt bằng. Sau khi nhận được đất, Sơn kêu gọi thêm một số anh em trong nhà góp vốn thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Duy Đại Sơn và anh trực tiếp làm giám đốc.

Sơn bỏ vốn đầu tư cải tạo đất hoang và xây dựng trang trại nuôi gà đẻ trứng. “Mọi việc không dễ dàng, nhất là với một người vừa chân ướt, chân ráo bước vào nghề nông như mình. Tôi đầu tư nuôi 2.000 gà đẻ trứng. Nhưng ban đầu, trứng gà tiêu thụ khó, giá lại thấp nên thu không bù chi, lỗ liên tục. Đó cũng là bài học đầu tiên khi mình làm nông dân…”- Sơn tâm sự.

Không nản chí, Sơn bàn với anh em trong HTX tiếp tục vay thêm tiền tiếp tục nuôi gà và đầu tư nuôi thêm heo. Sơn xây chuồng trại nuôi 300 heo thịt. Kết quả thật mỹ mãn, lứa heo đầu tiên có lãi. Chăn nuôi gà cũng phát triển theo hướng đi lên.

Thành quả của sự bền chí



" Nghề xây dựng coi như đã quên rồi, giờ em là nông dân và là một kỹ sư chăn nuôi thực thụ”.VõNgọc Sơn


Hiện nay, quy mô đàn gà đẻ trứng của HTX Nông nghiệp Duy Đại Sơn tăng lên hơn 12.000 con. Ngoài ra, thời điểm nào trong năm, Sơn cũng duy trì trên 100 heo nái đẻ và đàn heo thịt hơn 2.000 con gối lứa. Với 12.000 gà đẻ, mỗi ngày Sơn thu được 11.000 quả trứng. Bình quân, mỗi năm HTX bán ra thị trường 250 tấn trứng.

Với giá trứng bán sỉ bình quân từ 30 – 32 ngàn đồng/kg như hiện nay, mỗi năm Sơn thu về trên 7 tỷ đồng. Về chăn nuôi heo, bình quân mỗi năm HTX của Sơn xuất chuồng 2 lứa, mỗi lứa 100 tấn heo thịt, với giá heo hơi dao động 43-45 ngàn đồng/kg, thu về trên 9 tỷ đồng.

“HTX đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động người địa phương. Lao động được bố trí cơm ăn ngày 3 bữa, lương 4-5 triệu người/tháng. Trong 2 năm gần đây, mỗi năm doanh thu của HTX đạt hơn 16 tỷ đồng, trừ các chi phí, lãi gần 2 tỷ đồng. Các khoản nợ vay đầu tư HTX trả sắp xong”- Sơn chia sẻ.

Ngoài đàn gà đẻ, heo nái, heo thịt, HTX còn đầu tư nuôi 30 con trâu, đào ao thả 200. 000 cá trê. Sơn cũng đang thực hiện dự án đầu tư xây dựng 1 trại chăn nuôi heo hiện đại quy mô 6.000 con tại xã Đại Tân, huyện Đại Lộc. Dự định trong tương lai của Sơn sẽ là xây dựng xưởng chế biến thức ăn chăn nuôi tại chỗ. Khi chia tay, Sơn nói vui: “Nghề xây dựng coi như đã quên rồi, giờ em là nông dân và là một kỹ sư chăn nuôi thực thụ”.

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

Trồng nấm bào ngư thu nhập trăm triệu

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Trần Tuấn Vũ, 23 tuổi ở khu vực Yên Hạ, phường Thường Thạnh (Cái Răng, thành phố Cần Thơ) bắt tay vào mở trang trại sản xuất nấm bào ngư cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Anh Vũ thu hoạch nấm bào ngư. Ảnh: Hòa Hội.

Làm giàu nơi quê nhà

Sáng 25/8, chúng tôi tìm đến trang trại trồng nấm bào ngư của anh Trần Tuấn Vũ. Cơ sở nằm sâu trong con đường ngoằn ngoèo, cách trung tâm thành phố gần 20 km. Anh Vũ đang loay hoay thu hoạch nấm bên trong. Quãng chừng dăm bảy phút, chuông điện thoại lại reo lên, nói chuyện xong, anh cho biết: Mấy ngày nay nhiều khách hàng gọi điện đến đặt hàng nhưng không đủ giao mà chủ yếu giao cho khách hàng quen. Sáng sớm đã đi giao cho mối ở chợ một đợt rồi, giờ hái chuẩn bị để trưa giao tiếp.

Anh Vũ kể, sau khi tốt nghiệp THPT năm 2011, anh viết đơn tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự và được phân công ở Đội đặc nhiệm, thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam bộ đóng tại phường An Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Đến đầu năm 2014 hoàn thành nghĩa vụ trở về nhà. Thay vì đi học nghề hay vác đơn đi xin việc để lãnh lương tháng, anh chọn con đường đi riêng cho bản thân mình bằng cách mở trang trại trồng nấm bào ngư tại nhà để vừa tiện chăm sóc cha mẹ già và làm giàu trên chính mảnh đất mình sinh ra. Anh là con út trong gia đình 5 anh em, các anh chị đã có gia đình và ở riêng.

Thời gian đầu anh học kinh nghiệm trồng nấm từ người quen ở Sóc Trăng và nhiều người có kinh nghiệm khác. Đồng thời, anh nghiên cứu thêm tài liệu trên mạng về loại nấm bào ngư. Tháng 7/2014, từ số tiền nhà nước hỗ trợ đi nghĩa vụ được 21 triệu đồng và anh vay mượn thêm hơn 40 triệu đồng nữa để xây dựng trang trại diện tích gần 150 m2 và mua 4.000 phôi giống sản xuất.

Sản xuất sạch

Anh Vũ cho biết, thời gian từ lúc mua phôi về sản xuất đến thu hoạch là khoảng 30 ngày. Tuy nhiên, loại nấm này quy trình sản xuất rất khắt khe, phải làm theo quy trình khép kín không để côn trùng từ bên ngoài xâm nhập vào. Bên trong cơ sở không hút thuốc vì khói sẽ làm thối nấm. Hơn nữa, loại này rất dễ bị sâu ăn nhưng không được sử dụng thuốc trừ sâu để đảm bảo sản phẩm sạch. Vì thế, để hạn chế tối đa tác hại, anh dùng thiên địch đối phó sâu bằng cách cho nhện sinh sản tự nhiên bên trong trang trại để nhện tìm ăn các loại sâu khi chúng tấn công nấm.

Về kinh nghiệm trồng nấm đạt năng suất cao, anh Vũ tâm sự: “Ngoài việc chọn mua phôi giống chất lượng, trong quá trình sản xuất phải đảm bảo 2 yếu tố là nhiệt độ từ 20 đến dưới 300C còn độ ẩm khoảng 90% thì nấm mới phát triển tốt”. Theo kinh nghiệm làm nấm ít tốn diện tích của anh Vũ, thay vì phải làm kệ anh dùng sợi dây treo lơ lửng trên trần nhà, mỗi sợi dây treo hơn 20 bịch phôi giống, mỗi ngày tưới 3 – 4 lần. Về đầu ra sản phẩm, anh Vũ cho biết, khó khăn lúc đầu do ở đây ít người biết đến loại nấm này mà họ quen với nấm rơm truyền thống. Hơn nữa nấm bào ngư đắt tiền hơn nên người dân nông thôn không lựa chọn. Hiện khách hàng đã biết đến nhiều nên không cần phải lo đầu ra. Mỗi ngày sản xuất ra không đủ để cung cấp cho khách hàng.

Hiện tại, trang trại của anh mỗi ngày bán từ 15 – 20 kg, cao điểm 40 kg nấm bào ngư với giá từ 35.000 – 40.000 đồng/kg. Trừ chi phí, một năm lãi gần 100 triệu đồng. Anh Vũ cho biết, sắp tới sẽ mở rộng diện tích gấp đôi để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Không chỉ làm giàu cho bản thân mà anh Vũ còn sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật, quy trình sản xuất cho thanh niên địa phương khi có người nhờ.

Chị Trịnh Ngọc Bích, Bí thư Đoàn phường Thường Thạnh cho biết, anh Vũ là thanh niên có chí cầu tiến, đam mê nghiên cứu và có tính sáng tạo trong sản xuất. Trong phong trào Đoàn, anh luôn tích cực tham gia. Còn anh Huỳnh Thái Nguyên, Phó Bí thư Thành Đoàn Cần Thơ đánh giá, mô hình trồng nấm bào ngư của anh Vũ mang lại hiệu quả kinh tế khá cao và phù hợp với điều kiện phát triển ở nông thôn. Thành Đoàn sẽ đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện để mô hình này phát triển hơn nữa nhằm tạo công ăn việc làm cho đoàn viên thanh niên và giúp vươn lên làm giàu. Đồng thời, giới thiệu thanh niên khác đến tham quan, học hỏi.

Hiện tại, trang trại của anh Trần Tuấn Vũ mỗi ngày bán từ 15 – 20 kg, cao điểm là 40 kg nấm bào ngư với giá dao động từ 35.000 – 40.000 đồng/kg. Trừ chi phí, một năm lãi gần 100 triệu đồng.

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Chàng kỹ sư xây dựng bỏ phố về quê chăn nuôi kiếm tiền tỷ

Đang làm kỹ sư xây dựng ở TPHCM với mức thu nhập không hề thấp, nhưng Võ Ngọc Sơn, chàng trai xứ Quảng bỗng dưng bỏ nghề, trở về quê lập trang trại bắt đầu nghề mới: Chăn nuôi.

Hẹn vài ba lần, tôi mới được anh chàng này đồng ý gặp ở trang trại chăn nuôi ở xã Duy Tân (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Hỏi ra mới biết, dù là chủ có cả chục người làm nhưng mọi việc điều do anh quán xuyến, từ mua thức ăn, bán sản phẩm đến chăm chút đàn gà, đàn heo ở trang trại của mình đều do anh đảm trách nên anh rất bận rộn.

Đàn heo thịt trong trang trại của Sơn

Dù đã hẹn trước nhưng khi vào đến trang trại, những người làm công mới đi gọi “anh kỹ sư xây dựng” từ ngoài chuồng vào. Giống như một anh kỹ sư chăn nuôi đúng nghĩa với quần áo lấm lem, Võ Ngọc Sơn chạy ra bảo: “Đợi em chút, em thay quần áo rồi tiếp mấy anh”.

Sơn kể, năm 2001 tốt nghiệp ĐH Bách khoa TPHCM chuyên ngành xây dựng. Khi ra trường, mục đích là kiếm thật nhiều tiền nên cứ chỗ nào lương cao thì “nhảy” đến. Cuộc sống ở TPHCM cũng thoải mái với thu nhập hàng tháng vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, một ngã rẻ bất ngờ đến với Sơn vào năm 2013 khi về quê ở xã Duy Tân.

Sơn kể: “Năm 2013, trên đường về quê, mình đi ngang cánh đồng hoang vắng thuộc thôn Phú Nhuận ở xã Duy Tân rộng khoảng 10ha bỏ không. Đất này không thể trồng lúa hay hoa màu được nên mấy năm nay, huyện không thể giao cho ai trồng trọt. Chỉ có chăn nuôi là thích hợp nhưng chưa thấy ai đầu tư”.

Mạnh dạn hỏi lãnh đạo xã Duy Tân rồi làm việc với huyện. Không ngờ, khi nghe Sơn trình bày ý định sẽ mở trang trại chăn nuôi thì lãnh đạo huyện đồng ý liền và tạo điều kiện giao đất.

Khi được giao đất, Sơn tiến hành cải tạo và lập trang trại nuôi gà đẻ trứng làm nền tảng. Lúc đầu Sơn đầu tư 2 ngàn con gà, nhưng mọi việc không dễ dàng với chàng kỹ sư xây dựng vừa chân ướt chân ráo chuyển nghề. 2 ngàn con gà đẻ trứng không trụ nổi, trứng gà đẻ ra bán không đủ bù chi, lỗ liên tục.

Trang trại gà với 12 ngàn con đang đẻ trứng

“Cơ bản là do giá trứng bấp bênh và chưa có kinh nghiệm nên bị lỗ vốn. Đó cũng là bài học đầu tiên khi bước chân qua lĩnh vực trái với ngành đã học”, Sơn tâm sự.

Không nản chí, Sơn bàn với anh em trong HTX chuyển hướng đầu tư qua con heo vì “thịt heo không theo thời vụ như trứng hay thịt gà nên chắc chắn sẽ ổn hơn”. Với suy nghĩ như vậy nên Sơn quyết định đầu tư nuôi 300 heo thịt để thử nghiệm. Kết quả thật mỹ mãn, lứa heo đầu tiên nuôi có lãi, và cứ thế đến nay lúc nào trong chuồng của Sơn lúc nào cũng có 100 heo nái đẻ và đàn heo thịt 2.000 con gối đầu.

Tuy thất bại với con gà nhưng sau khi rút kinh nghiệm và bỏ công học hỏi nhiều nơi, đến nay trong chuồng của Sơn cũng có đàn gà lên đến 12 ngàn con đẻ trứng quanh năm. Sơn bảo giờ đã “có kinh nghiệm đầy mình rồi” nên không sợ lỗ nữa.

Theo tính toán, với 12 ngàn con gà đẻ mỗi ngày Sơn thu được 11 ngàn quả trứng. Với giá trứng bán sỉ khoảng 2.200 đồng mỗi quả thì mỗi năm Sơn bán 250 tấn trứng thu về khoảng 7,2 tỉ đồng. Sau khi trừ chi phí, Sơn “bỏ túi” từ 70-80 triệu đồng một tháng.

Đối với đàn heo, bình quân mỗi năm Sơn xuất chuồng 200 tấn heo thịt với giá heo hơi 45 ngàn đồng/kg, mỗi năm Sơn thu về khoảng 9 tỉ đồng. Sơn cho biết, sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm lãi khoảng hơn 1 tỉ đồng.

Với số vốn vay đầu tư ban đầu 7 tỉ đồng để xây dựng chuồng trại, cải tạo đất, con giống... đến nay đã trả nợ còn hơn 2 tỉ đồng. “Cố gắng sang năm sẽ trả được hết nợ”, Sơn cho biết.

Chỉ trong 2 năm, thành công của Sơn mới chỉ là bước khởi đầu. Tuy nhiên, mọi chuyện không dễ dàng chút nào đối với một người chuyên môn là xây dựng. Sơn kể, lúc đầu cũng khó khăn lắm. Khi đầu tư chuồng trại, mấy anh em cũng phải chạy vạy khắp nơi để vay vốn rồi học tập kinh nghiệm ở các nơi.

Theo Sơn, khó khăn nhất vẫn là nguồn vốn vì cái gì mình cũng muốn làm từ sản xuất con giống đến đầu tư sản xuất thức ăn để tự cấp tự túc. Sơn tính toán, mỗi ngày trang trại tiêu thụ 3 tấn thức ăn, mỗi tháng 90 tấn. Với giá thức ăn mà các công ty cung cấp cho trang trại chỉ cần lời từ 2-3 ngàn đồng một ký, nếu tự sản xuất được thì mỗi năm Sơn “lời” từ việc này tính ra cũng tiền tỉ. “Cái này ao ước nhưng chưa làm được vì không có vốn để đầu tư”, Sơn tâm sự.

Khó khăn nữa là ngành chăn nuôi cũng bấp bênh về giá. Chỉ cần tăng hay giảm vài ngàn đồng mỗi ký bán ra là có thể lãi hay lỗ hàng chục triệu đồng. Sơn cho hay, thị trường đầu ra cũng phụ thuộc vào thương lái, do thương lái quyết định giá chứ không phải thị trường. Ví dụ như giá thịt heo ngoài chợ bán cho người tiêu dùng vẫn ổn định nhưng giá heo hơi của thương lái mua tại trại thường hay trồi sụt thất thường.

Hơn nữa, chính những người chăn nuôi cũng đang “kiềm” nhau. Ví dụ, trang trại ông A cần vốn để xoay thì thương lái hạ xuống 1-2 giá cũng bán, trong khi chỉ cần các chủ trang trại liên kết với nhau cùng giữ giá thì cùng có lợi. Việc này khó giải quyết với nhau vì ai cũng có cái khó của mình.

Sơn tự hào hiện nay ngoài đàn gà và heo, trong trang trại còn nuôi 30 con trâu, 200 ngàn con cá dưới ao để tận dụng thức ăn thừa của heo, gà. Ngoài ra, Sơn đang đầu tư một trang trại heo quy mô 6 ngàn con ở xã Đại Tân (huyện Đại Lộc) và chuẩn bị xuống giống.

Hỏi về nghề xây dựng đã học, Sơn cười bảo: “Em hiện là anh chăn nuôi rồi, nghề xây dựng coi như đã quên rồi. Giờ em là kỹ sư chăn nuôi chứ không còn là kỹ sư xây dựng nữa”.

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Đầu tư tiền tỷ khởi nghiệp với vườn lan Dendro

Nghỉ việc kế toán, mạnh tay vay ngân hàng 5 tỷ đồng, anh Phan Trọng Chinh đầu tư trồng 2 hecta lan Dendro ở Củ Chi và dự tính sau 3 năm sẽ có lãi.


Anh Chinh đã gắn với công việc kế toán gần 20 năm, nhưng niềm đam mê thật sự với anh vẫn là nông nghiệp.

Năm 2010, sau khi suy tính, anh quyết định nghỉ việc rồi cùng người em dốc vốn thành lập công ty kinh doanh cây kiểng tại quận 7, TP HCM. Một thời gian sau, nhận thấy mặt hàng hoa lan ở trong nước không đủ cung cấp cho nhu cầu của thị trường và phải nhập khá nhiều từ Thái Lan, nên anh Chinh bắt đầu nghiên cứu thị trường, tính toán kỹ rồi lập đề án trồng lan với tổng mức đầu tư lên đến 20 tỷ.

Năm 2013, sau khi hoàn thành pháp lý dự án, công ty triển khai đầu tư xây dựng và cuối năm 2014 đưa vào trồng hoa lan trên diện tích 2ha của giai đoạn một với vốn vay 5 tỷ đồng từ ngân hàng. Tự mày mò học hỏi, tham gia các lơp học để nắm vững lý thuyết cơ bản, anh Chinh còn đi tìm những người có kinh nghiệm để nghiên cứu thêm trong thực tế.

Anh Chinh bên vườn lan ở Củ Chi đã cho thu hoạch. Ảnh: Diễm Phạm

Nhận thấy nghề trồng lan của người Thái phát triển rất mạnh, đi trước Việt Nam cả trăm năm, anh Chinh sang tận nơi mua giống về trồng. Vì chưa từng có kinh nghiệm, anh yêu cầu phía cung cấp cử chuyên gia kỹ thuật qua tận vườn để chuyển giao công nghệ cũng như cách chăm sóc vườn cây. “Giữa lý thuyết và thực tế rất khác nhau, hơn nữa nghề trồng lan đòi hỏi kinh nghiệm vì thế tôi chấp nhận trả mức lương cao để thuê chuyên gia kỹ thuật về chăm sóc vườn trong 3 tháng đầu tiên và định kỳ mỗi tháng một lần để giám sát quá trình phát triển của cây con”, anh nói.

Với 2 hecta đầu tiên, anh dành ra gần 3 tỷ để mua cây giống, chủ yếu là giống lan Dendro (loại lan trồng trên giàn); số tiền còn lại dùng xây dựng cơ sở vật chất từ làm giàn, vỉ trồng đến hệ thống phu sương. Hiện nay vườn lan của anh có 250.000 cây với 20 loại khác nhau. Bắt đầu trồng từ tháng 12/2014, đến nay 80.000 cây lan đã cho thu hoạch.

Trồng lan cần nguồn kinh phí lớn, vì thế anh Chinh chọn phương pháp trồng gối đầu để nhanh thu hồi vốn. Từ cây con đến lúc thu hoạch tầm 6 tháng đến một năm. Một tháng, vườn lan của anh cho cắt từ 3 đến 4 đợt. Mỗi bông có giá 600 đồng, cành lan trung bình bán ra ở mức 10.000 đồng. Anh cho biết, sau hai đợt bông đầu là có thể thu hồi được vốn cây giống, còn hai đợt bông sau có thể trả chi phí cho việc đầu tư cơ sở vật chất, công nhân…

Chia sẻ về việc chọn giống lan Dendro để trồng, anh Chinh cho biết: “Ở Việt Nam ít người trồng loại lan này vì khó trồng hơn so với lan Mokara (loại lan trồng dưới đất). Mặc dù cây giống rẻ hơn lan Mokara (60.000 - 70.000 đồng một cây), nhưng tính luôn cây con và chi phí làm giàn trồng thì lan Dendro tiết kiệm chi phí hơn”.

Lan có nhiều loại, nhiều màu, nhưng anh Chinh chủ yếu trồng lan cho hoa màu tím và trắng, vì hai loại màu này rất được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, anh còn đầu tư trồng bằng chậu để bán vào những dịp lễ, Tết.

Khác với những loại lan trồng dưới đất hoặc trồng bằng than, vườn lan của anh Chinh chủ yếu trồng bằng sơ dừa và trồng trên giàn, nên phải đầu tư khá kỹ để xây dựng hệ thống vỉ đựng, chậu, bành. So sánh với việc trồng lan bằng than anh phân tích: “Tôi tận dụng sơ dừa từ miền Tây với mức kinh phí bỏ ra thấp hơn so với việc trồng bằng than. Tuy nhiên, sơ dừa giữ nước lâu, không thoát nhanh như than vì thế cần đặc biệt chú trọng cách tưới để đảm bảo lượng nước cần thiết cho cây”, anh Chinh nói và cho biết thêm lan khá nhạy cảm, nắng trực tiếp sẽ làm cháy lá. Có loại lan cần 40-50% hoặc 80% ánh sáng để trổ bông, vì thế cần phải chọn loại lưới phù hợp với từng loại cây. Đối với những loại sâu bệnh, anh Chinh chủ trương sử dụng thuốc sinh học để bảo vệ môi trường, tuy có đắt hơn nhưng sẽ hạn chế được những rủi ro vì lan rất nhạy cảm. Thuốc trừ sâu thông thường có thể trị tận gốc mầm bệnh nhưng làm lan mất sức và rất khó hồi phục.

Hiện nay vườn lan của anh có 6 công nhân và sẽ đầu tư giai đoạn 2 với 2,3ha còn lại vào quý IV/2015, trong đó có phòng cấy mô hiện đại nghiên cứu sản xuất cây con giống. Quy mô khi hoàn thành dự án là 500.000 cây hoa lan và hàng tháng đưa ra thị trường khoảng 100.000 cành. Với thị trường ổn định hiện nay, Công ty dự kiến khoảng 3 năm sẽ thu hồi vốn.

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

"Tỉ phú" 
vịt trời

Vịt trời vốn là loài biết bay sống trong tự nhiên, thế nhưng vài năm trở lại đây chúng được nuôi thành công trong một số trang trại. 

lVịt trời sắp xuất bán được nuôi nhốt trong những ngăn chuồng riêng biệt - Ảnh: YẾN TRINH


Những đàn vịt trời nuôi này luôn biết trở về với chủ, giúp chủ vượt khỏi thân phận nghèo khó để trở thành “phú ông”.

Trang trại rộng 2,5ha của anh Nguyễn Đăng Cường (37 tuổi) nằm sâu trong vùng đồng ruộng thuộc xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đi từ xa nghe tiếng vịt kêu vang không khác gì đàn vịt nhà.

Nghề nuôi cũng lắm công phu

Nông dân cấy lúa gần đó bảo: “Thằng Cường nó hay lắm, nuôi vịt trời mà không bay mất”. Thật vậy, khi chúng tôi đi sát lại mặt ao nơi vịt trời đang tập trung đông, chúng không hề bay. Lý giải tại sao vịt có thể “ngoan ngoãn” ở với mình, anh Cường cho biết chủ yếu là do việc cho ăn hợp lý.

Mỗi ngày, anh Cường cho đàn vịt ăn hai lần với thức ăn là cám gạo trộn với bèo tây. “Tôi tốn khoảng 10 xe cút kít thức ăn một ngày cho đàn vịt.

Có lẽ nhờ ăn đầy đủ nên chúng không màng đến việc bay đi kiếm ăn. Và ăn cám trộn với bèo theo một tỉ lệ pha trộn nhất định còn giúp thịt vịt chắc, ít mỡ” - anh nói.

Dẫn chúng tôi đi xem từng mặt ao với vịt trưởng thành, vịt đẻ, vịt giống, từng ngăn chuồng nhốt vịt con 3-5 ngày tuổi, vịt sắp xuất bán…, anh cho biết hiện đàn vịt của anh là 4 vạn con.

Rồi anh kể: “Dĩ nhiên vịt trời cũng bay, đặc biệt vào chiều mát. Từng cụm từng cụm mấy chục con bay vèo ra mấy cánh đồng gần đó, nhưng sau đó chúng lại bay về”.

Mỗi khi sắp bắt vịt bán, anh Cường phải quây lưới ở một mặt ao rộng rồi lùa vịt vào, vì khi dồn bắt vịt hoảng sợ rất dễ… bay đi biệt tích. Và nuôi vịt trời đã gần bảy năm nên anh cũng quên đi cảm giác phập phồng mỗi khi đàn vịt bay đi bởi sợ chúng không trở về nữa!

Còn với trang trại của ông Tô Quang Dần (44 tuổi, xã Đông Phú, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang), bí quyết của ông là với vịt lứa F1, những ngày đầu ông thường cắt lông cánh để chúng khỏi bay xa. Một điều ông luôn nhớ đó là luôn cho vịt ăn đầy đủ để dù chúng có bay đi đâu cũng nhớ về ăn.

Khác với trang trại anh Cường, đàn vịt của ông Dần được cho ăn thức ăn tùy thuộc từng giai đoạn sinh trưởng, chủ yếu là cám và lúa.

“Vịt mới nở những ngày đầu nên cho chúng ăn cám viên loại nhỏ, sau đó chuyển sang loại cám khác. Sau ba tháng chủ yếu cho ăn lúa để thịt chắc…” - ông Dần nói.

Xưa nay có lẽ chuyện hái lá thuốc nấu cho vịt uống chỉ có ở trang trại anh Cường. Anh làm vậy mỗi ngày để vịt giảm nguy cơ nhiễm bệnh.

“Tôi biết điều này khi tham gia học lớp kỹ sư chăn nuôi. Cây thuốc tôi trồng xung quanh trang trại nên việc hái nấu cũng nhanh chóng đơn giản mà lại phòng bệnh được cho đàn vịt” - anh nói.

Đồng thời để không lâm vào cảnh mất trắng vì bệnh dịch, anh thường xuyên vệ sinh chuồng trại, quan sát theo dõi sức khỏe của đàn vịt để có gì bất thường thì phát hiện ngay.

Theo kinh nghiệm của anh, vịt trời tuy sức đề kháng cao hơn vịt nhà do tập tính hoang dã nhưng người nuôi phải chú ý tiêm phòng đầy đủ cho chúng, đặc biệt vào đầu năm thời tiết 
thất thường.

Ông Tô Quang Dần, chủ trang trại vịt trời ở Bắc Giang (ảnh nhỏ) - Ảnh: T.Hiên


Khởi nghiệp từ 
60 con vịt

Anh Cường đã khởi nghiệp từ việc nuôi vịt nhà nhưng không thành công. Rồi anh chuyển qua nuôi các giống gia cầm khác, hiệu quả không cao.

Năm 2007, một lần tình cờ được ăn thịt vịt trời, anh mới nhờ người bạn mua giúp khoảng 60 con vịt giống nguồn gốc Campuchia.

Được vài tháng, phân nửa số vịt chết không rõ nguyên nhân. Nhìn số vịt trời lèo tèo còn lại, anh thấy nản nhưng chẳng lẽ lại bỏ cuộc! Vậy là anh kiên trì chăm sóc, không ngờ hai tháng sau chúng đẻ lứa đầu tiên, nhưng khi anh đem ấp thì đều hỏng.

Phải đến vài lứa sau, mẻ ấp đầu tiên mới nở ra… vịt trời. Để tránh xôi hỏng bỏng không, anh giữ chúng năm ngày đầu trong chuồng, sau đó lông cánh mọc đủ mới cho xuống nước. Dần dần, đàn vịt lên 50 con, rồi 100 con, và sinh sôi nảy nở đông đúc như bây giờ.

Người ngoài nhìn vào khó có thể thấy được công sức mà người chủ trang trại này đã bỏ ra, những tháng năm mà anh đùa vui là mình chỉ sống với vịt. Nay thì anh đã có vợ và sắp đón đứa con đầu lòng, cả nhà sẽ sống cùng nhau ở nơi vịt kêu đồng, cách xa thị thành này.

Trong khi đó, ông Dần bén duyên với vịt trời từ vài con vịt giống mà ông chăm như chăm con cách đây ba năm. Ở vùng đồi núi heo hút thuộc tỉnh Bắc Giang, chuyện có người nuôi vịt trời là điều gì đó rất lạ lùng.

Bỏ ngoài tai những lời gièm pha, ông Dần lọ mọ chăm sóc, ngày nào cũng cho vịt ăn đúng giờ đầy đủ. Ban đầu chúng rất sợ người nhưng sau hai tháng ông thả chúng ra ao nước nhỏ có rào lưới và đặt sẵn máng thức ăn.

Sau đó thả tự do thì chúng bay vút lên cao tưởng chừng không về nhưng đến chiều tối vào giờ cho ăn, ông ngó ra thì thấy chúng đứng sẵn ở máng thức ăn. “Lúc đó tôi mới thở phào nhẹ nhõm” - ông Dần nói.

Từ vài con vịt ban đầu, ông nhân giống, xây chuồng trại và mở rộng chăn nuôi. Có được cơ ngơi kha khá từ việc “điên rồ” ban đầu khi nuôi vịt trời trong chuồng gà cũ, ông Dần luôn nhỏ nhẹ nói đó là do mình may mắn.

Ngoài nuôi vịt thương phẩm, ông Dần và anh Cường đều chú ý chọn ra chừng 60 con vịt giống để nhốt riêng, nhằm giữ giống vịt cho chất lượng thịt gần với vịt trời tự nhiên nhất.

Ông Dần nói việc nuôi vịt trời thú vị ở chỗ ông thường xuyên ghi chép, rút kinh nghiệm từ việc quan sát đặc tính của chúng. Khi chọn vịt giống, kinh nghiệm cho ông biết nên chọn giống vịt trọng lượng lớn, màu da màu lông khỏe, mỏ vàng.

Còn tại trang trại vịt trời của anh Cường, ao nước nhốt vịt giống được ngụy trang cây lá hệt như ngoài đồng hoang. Mỗi con vịt giống bố mẹ được anh buộc khoen chân cẩn thận để tránh việc nhân giống cận huyết.

Món ăn thường ngày?

Trang trại của anh Cường mỗi ngày cung cấp hàng trăm con vịt trời cho một số nhà hàng tại TP Bắc Ninh. Nhiều người đã tìm đến trang trại học hỏi mô hình nuôi vịt khá mới mẻ này. Chỉ trong buổi sáng anh đã đón bốn người đến tham quan.

Ông Bùi Công Hoàng, nhà ở tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết: “Tôi đang có trang trại nuôi vịt cỏ rộng 5ha nhưng nghe nói ở đây có giống vịt trời thuần hóa nên đến xem thử, thấy hiệu quả kinh tế khá cao. Đợt này chắc tôi mua 50 con giống về nuôi thử xem sao”.

Anh Cường nói thêm số lượng người đến tìm hiểu khá nhiều nhưng về nuôi gặp thất bại không ít bởi không kiên trì thực hiện đúng các tiêu chuẩn nuôi vịt trời.

Người nuôi nào cũng muốn sản phẩm của mình đến được với càng nhiều người càng tốt. Nhưng hiện nay giá vịt trời trung bình các chủ trang trại bán cho các quán ăn nhà hàng là 180.000 - 200.000 đồng/kg, giá chế biến ở nhà hàng là từ 600.000 đồng/con nên đây vẫn là giá khá cao đối với người muốn dùng vịt trời trong bữa cơm gia đình.

Nắm được điều này, anh Cường cho biết trang trại của anh đang mở rộng quy mô để tăng năng suất, giảm giá thành. Anh đang cố gắng để số lượng đạt 100.000 con vào năm 2018. “Có như vậy thì bà con mới có vịt trời để ăn thường ngày” - anh nói.


“Đặc sản” trong nhà hàng

Từ một vài trang trại nuôi lẻ tẻ, hiện trên cả nước có khoảng 10 trang trại nuôi vịt trời ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu..., chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng quán ăn tại một số đô thị.

Tại Hà Nội, một số cửa hàng bán thực phẩm sạch đã bán thịt vịt trời với giá khoảng 220.000 
đồng/kg như cửa hàng Clever Food, trang web vittroi... bán với giá 250.000 đồng/kg, quảng cáo có hai loại là vịt trời Bắc Mỹ và vịt châu Á.

Theo một số chủ trang trại, thịt vịt trời được ưa chuộng bởi chắc, ít mỡ và nhỏ xương. Vịt nuôi đến năm tháng có thể xuất bán, nặng chừng 800g đến 1kg.

Mới “đáp” xuống chưa bao lâu nhưng vịt trời đã xuất hiện khá nhiều trong thực đơn của các nhà hàng quán ăn thị thành.

Quản lý của nhà hàng GK (đường Nguyễn Khang, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Quán bổ sung thực đơn món vịt trời chừng nửa năm nay, lượng khách gọi món này chiếm đa số nhưng có bữa chúng tôi không có hàng để bán. Mấy bữa nay nhân viên quán cũng đang dò hỏi thêm mối cung cấp vịt trời”.

Thật vậy, chừng 16g là quán đã kín bàn. Các món ăn chế biến từ vịt trời được khách ưu ái gọi vì lạ và ngon.

Tại nhà hàng MQ ngay trung tâm TP Bắc Ninh, nhân viên nhà hàng cho biết sáng nào cũng chia nhau đến trang trại cách đó 20km để lấy chừng 50 con vịt về chế biến.

Nhiều khách đến mua về nhà nhưng nhà hàng đành từ chối vì không đủ số lượng cung cấp cho khách ăn tại chỗ. Theo đó, mỗi ngày phải trên 100 con vịt trời thì nhà hàng mới đáp ứng hết nhu cầu của thực khách.

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Chàng trai biến muối thành 'vàng'

Sinh ra tại xã Giao Thủy, tỉnh Nam Định - vựa muối lớn nhất miền Bắc nhưng tính trung bình mỗi tháng, người nông dân làm muối chỉ thu được vẻn vẹn 400.000-600.000 đồng.


Tuy vậy, người dân ở đây vẫn chọn muối là nghề chính, có lẽ một phần bởi nghề muối là nghề truyền thống đã tồn tại từ hàng trăm năm ở vùng đất này và nhiều người vẫn cố gắng giữ gìn như một nghề chân truyền.

Năm 2011 là thời điểm khó khăn nhất của nghành muối Việt Nam, bán 10 kg muối không mua nổi 1 kg thóc. Trở về nhà, cầm trên tay tấm bằng cử nhân ngành Quản trị doanh nghiệp, bất lực nhìn những cánh đồng muối không bán được, Phạm Văn Cương đã cháy lên quyết tâm phải thay đổi.

Anh Cương bên sản phẩm của mình.

Tìm hiểu và có cơ hội gặp gỡ, Phạm Văn Cương rất thích mô hình làm muối sạch của thạc sĩ Bùi Sơn Long - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ muối biển. Sau một thời gian dài quan sát,học hỏi, Phạm Văn Cương bắt tay vào thực hiện quyết tâm của mình. Có máy móc, có công nghệ nhưng để triển khai được cần phải có 4.000 m2 đất, gần vùng nguyên liệu và đảm bảo môi trường.

Để xin được đất làm dự án thì lại phải lo chi phí xây dựng cầu, đường, suy đi tính lại, anh liều thuê một khu đất ngoài bờ sông đang bị ngập trong nước khoảng 2 m, mỗi ngày mua mấy thuyền cát về để san lấp tạo nền đất.

Phải mất 8 tháng đêm ngày để san lấp, mất hơn một vạn khối cát để tạo bãi nền vững chắc rộng 4.000 m2. Khó khăn nối tiếp khó khăn, sau khi san lấp được mặt bằng, tiến hành xây xưởng lại gặp khó về kỹ thuật.

Vốn không phải dân kỹ thuật, sau khi có bản thiết kế vì không biết đọc bản vẽ nên thi công chậm tiến độ mà thuê kiến trúc sư thì không đáp ứng được thời gian, tiền bạc, vừa nhờ bạn bè giúp đỡ kết hợp với lên mạng tìm hiểu, trong hơn một năm, anh Cương mới xây xong xưởng và lắp đặt thiết bị kỹ thuật.

Tháng 8/2013, cơ sở sản xuất muối sạch của anh bắt đầu đi vào hoạt động. Phải mất thêm 6 tháng nữa vừa học vừa làm vừa sửa để vận hành trơn tru.

Thành công đến không phụ lòng người

Hiện nay cơ sở sản xuất muối của Phạm Văn Cương không chỉ giúp anh sinh lời mà còn biến muối thành “ vàng”. Anh có một xưởng chế biến muối tinh 22.000 tấn/năm (4 tấn/giờ); một xưởng chế biến muối tinh sấy 10.000 tấn/năm (3 tấn/giờ), sản lượng muối lên đến 22.000 tấn/năm, có chất lượng cao, giá muối sạch cao gấp 1,4 lần so với muối thường, giá trị sản xuất muối tăng bình quân từ 7-8 triệu đồng/ha, đảm bảo cho sự ổn định và phát triển bền vững của nghề muối tại 3 huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng.

Không những thế, anh Cương còn tổ chức tập huấn và bao tiêu sản phẩm cho bà con địa phương để xây dựng vùng muối Giao Thủy thành một trong số ít vùng sản xuất muối sạch của cả nước. Lợi nhuận từ 1,2 đến 1,5 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 20 lao động địa phương.

Năm 2014, Phạm Văn Cương vinh dự được Bộ trưởng Bộ Công Thương tặng bằng khen doanh nghiệp đã có thành tích xuất sắc trong công tác thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam năm 2014 và nhiều khen thưởng cao quý khác.

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

“Tỷ phú” tuổi 25 với thu nhập đáng kinh ngạc

Sinh năm 1989, Nguyễn Thế Phước (Nam Sách – Hải Dương) đã nổi danh khắp địa phương với thu nhập 6-7 tỷ mỗi năm từ cá chép giòn. Với hơn 80 lồng cá, hiện anh là “tỷ phú” trẻ nhất huyện Nam Sách, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.

Thu nhập 6-7 tỷ/năm từ cá lồng


Dòng sông Kinh Thầy (Hải Dương) đoạn chạy qua Nam Sách không chỉ nổi tiếng qua thơ của Trần Đăng Khoa mà còn được biết đến với hàng nghìn bè nuôi cá tại đây. Có được nguồn nước phù hợp, con cá trên các lồng nuôi ở sông Kinh Thầy cũng đem về thu nhập không nhỏ cho người dân địa phương và là nguồn mưu sinh chính của nhiều hộ gia đình.

Tuy nhiên, lớp trẻ địa phương ít người ở nhà bập bềnh nghiệp nuôi cá trên sông, đa số thoát ly tìm cơ hội nơi thành phố. Trên những lồng bè chỉ còn những người trung tuổi. Với độ tuổi 25, Nguyễn Thế Phước chọn quê hương là nơi phát triển sự nghiệp sau những năm tháng mưu sinh ở thành phố.

Nguyễn Thế Phước cho hay, anh muốn lập nghiệp, làm giàu trên chính quê hương của mình, dựa vào chính thế mạnh địa phương mình có.

Từng học Cao đẳng tại Hà Nội, ra trường Phước làm nhiều nghề. Có thời gian anh đi lắp hệ thống âm thanh cho các quán Karaoke, phòng trà, thậm chí ăn ở tại sân bay để làm việc cho các công ty kinh doanh âm thanh. Nhưng sau đó, anh quyết định từ bỏ công việc trưởng phòng kinh doanh với mức lương 15 triệu/ tháng tại Hà Nội để về quê gắn bó với con cá chép giòn.

Hiện cơ sở của anh có tới hơn 80 lồng cá với nhiều lứa cá kích cỡ khác nhau, có cả cá giống. Với đặc tính thịt dai, ngon, nhiều dinh dưỡng hơn nhiều loại cá nuôi nên giá trị kinh tế các chép giòn mang lại cũng lớn hơn nhiều. Với mức giá dao động từ 150-200.000/kg, cá chép giòn mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều người dân tại Hải Dương.

 
Toàn cảnh lồng cá của gia đình Nguyễn Thế Phước

Theo anh Phước, cá chép giòn chính là loại cá chép thường, sau khi nuôi đạt trọng lượng khoảng 1kg/con, người nuôi sẽ vỗ béo cá bằng đậu tằm. Loại đậu có hàm lượng protein 31%, gồm đủ 8 loại axit amin thiết yếu, hàm lượng tinh bột 49%... chính là yếu tố quyết định thay đổi chất lượng thịt của cá, tăng độ dai cơ thịt nên cá chắc giòn.

Anh Phước cũng cho biết, loại cá này cũng phải nuôi khoảng 9 tháng bằng thức ăn công nghiệp cũng giống như các loại cá khác. Sau đó, người nuôi chọn lọc cá đạt trọng lượng 1 kg trở lên để tiến hành vỗ béo riêng biệt bằng thức ăn đậu tằm. Ở giai đoạn này, để cá đạt từ 1,2 đến 1,5 kg/con phải mất thời gian 3 tháng. Và cứ 1 tấn cá nuôi tiêu tốn khoảng 1,5 tấn đậu tằm. Còn cá đạt trọng lượng 1 kg tiêu tốn 2kg thức ăn công nghiệp.

 
Anh Phước cho cá ăn thức ăn công nghiệp và đậu tằm ngâm

Để có được vùng nguyên liệu đảm bảo cho chất lượng cá ngon, anh Phước xây dựng cho mình 2 vùng nguyên liệu ở Tây Bắc và Bảo Lộc, Lâm Đồng để cung cấp thức ăn cho cá với khối lượng lên đến hàng tấn thức ăn các loại mỗi ngày. Anh tự hào rằng cá nuôi tại cơ sở của anh 100% nội địa hóa Việt Nam, không có thức ăn kém chất lượng từ Trung Quốc.

Không ngại khó khăn

Tuy nhiên, ước mơ lập nghiệp không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Để đạt được thành công như ngày hôm nay, anh Phước đã gặp khá nhiều khó khăn khi khởi nghiệp vì thất bại. Khi về quê, anh Phước về tiếp quản hai bè cá của bố nuôi trên sông Kinh Thầy, nhưng anh muốn mở rộng quy mô nuôi cá gấp 10 lần. Để có tiền, hai bố con xoay sở ngược xuôi, vay mượn ngân hàng, người quen, cầm cố, thế chấp nhà cửa.“Bè cá ở đây còn thích hơn ở nhà, bè cá là tất cả tài sản, mất nó là mất cả nhà cả cửa”, anh Phước nói.

 
Đàn cá đang chen chúc nhau phát triển

Đầu tiên, anh Phước bắt tay vào nuôi cá điêu hồng. Anh mua 10 tấn cá giống, nhưng sau đó bị chết mất 8 tấn. Nguyên nhân là do anh chưa có kinh nghiệm, vận chuyển cá giống bằng xe gắn máy nên cá chết do sốc. Mỗi kg cá giống có giá 45.000 đồng, đã lấy đi của anh Phước hàng trăm triệu tiền vốn. Tuy nhiên, thất bại này không thể lấy đi ý chí làm giàu của anh.

 
Sau khi được san sang lồng khác vì quá chật chội, đàn cá vẫn còn rất đông đúc

Sau này, anh bắt đầu thử nuôi cá chép giòn và thời kì đầu anh ra bờ đê cắt cỏ chỉ, mang thóc của nhà ra ngâm cho cá ăn. Lứa cá cứ thế lớn dần, tuy nhiên, cá rất to nhưng phát triển không đều. Anh Phước lại lục lọi tìm hiểu, hỏi han để chăm sóc cho cá vừa đẹp về hình thức, vừa cho chất lượng tốt.

Sau đó, anh Phước cho cá ăn phối trộn theo tỷ lệ và giai đoạn nhất định và cách làm này đã giải quyết được sự không đồng đều trong tăng trưởng của cá. Lứa cá chép giòn mang về lợi nhuận cho anh, và tiếp đó, anh mở rộng đầu tư loại cá này. Mặc dù cá chép giòn chỉ đóng 40% sản lượng nhưng lại chiếm tới 80% giá trị kinh tế do giá trị của cá chép giòn cao gấp 2-3 lần các loại cá khác.

 
Cá điêu hồng được nôi nhiều nhất trong các lồng của Nguyễn Thế Phước

 
Đàn cá chép giòn đang vào bữa trưa

Cho đến nay cá của Phước đã có được thị trường ở nhiều nơi trên cả nước, thu nhập đảm bảo cho mở rộng đầu tư.

Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, anh Phước cho biết: “Tôi sẽ nhân rộng mô hình nuôi cá chép giòn ra nhiều vùng khác, hướng tới xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm”. Anh cũng chia sẻ thêm, hiện nay có nhiều người trong miền Tây cũng đã nuôi thành công loại cá này, thu về lợi nhuận khá. Thỉnh thoảng anh Phước cũng chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá với những người tìm đến học hỏi kinh nghiệm.

 
Cận cảnh căn lán chăm sóc cá của anh Nguyễn Thế Phước

Anh Phước cũng cho biết, ở nhiều nhà hàng, thỉnh thoảng anh bắt gặp những món ăn chế biến từ cá chép giòn với giá rất đắt. “Như mới đây, món cá chép om dưa có giá đến 450.000 đồng/kg”, anh nói.

 
450 nghìn/kg cá chép giòn om dưa 

Với hơn 80 lồng cá đem lại nguồn thu nhập 6-7 tỷ mỗi năm, hiện anh Phước là “tỷ phú” trẻ nhất huyện Nam Sách, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.

Bên cạnh việc kinh doanh, anh Phước còn là người năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động của thôn, xóm, địa phương. Anh cũng thường xuyên trao các học bổng cho học sinh đạt thành tích cao trong trường học của địa phương mình.