Trang

Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

Thụ tinh nhân tạo cho gà, nữ trại chủ thu nhập 3 tỷ đồng/năm

Gần 2 năm nay, bà Ngô Thị Tuyến ở xã Liên Hà, huyện Đông Anh (Hà Nội) đã mạnh dạn áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo cho đàn gà bố mẹ. Với phương pháp này, 1 gà trống có thể “phục vụ” được từ 20 gà mái trở lên, tỷ lệ gà nở 85 – 90%, cao hơn hẳn so với cách gà phối giống tự nhiên.

Bà Tuyến là người đầu tiên nuôi gà sinh sản trong nhà lạnh và áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo cho đàn gà ở Liên Hà. Hiện trang trại tổng hợp của bà Tuyến có quy mô lớn và hiện đại nhất ở địa phương. Với tổng diện tích 4ha, bà Tuyến dành 2ha diện tích mặt nước để thả cá, còn lại 2ha trên bờ bà xây chuồng trại kín lạnh nuôi 20.000 gà bố mẹ để làm con giống và hàng nghìn gà siêu trứng thương phẩm.

Trại gà được bà Tuyến đầu tư hệ thống làm lạnh và máng chuyền thức ăn, nước uống cho gà hoàn toàn tự động, phù hợp từng độ tuổi và nhu cầu của gà.

Nhằm tạo ra những con giống tốt nhất cùng với đầu tư trại lạnh khép kín, gần 2 năm nay, bà đã mạnh dạn áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo cho đàn gà bố mẹ và rất thành công. Theo đó, thay vì để đàn gà phối giống trực tiếp, sẽ có sự can thiệp và hỗ trợ từ người nuôi. Với các biện pháp kỹ thuật, người nuôi sẽ lấy tinh từ gà trống và thụ tinh cho gà mái. Gà mái định kỳ 3 – 5 ngày đều được thụ tinh nhắc lại.

“Bình thường trong đàn gà phải ghép 8 -10 gà mái với 1 gà trống tỷ lệ trứng có phôi thường chỉ đạt 85%, tỷ lệ gà nở đạt 75 – 80% là cao. Tuy nhiên, với việc thụ tinh nhân tạo, 1 gà trống có thể “phục vụ” được từ 20 gà mái trở lên, tỷ lệ trứng có phôi đạt 90 – 95%, tỷ lệ gà nở 85 – 90%, cao hơn hẳn so với cách gà tự phối giống tự nhiên”, bà Tuyến chia sẻ.


Bà Tuyến cho hay, hiện trại gà có gần chục máy ấp trứng, mỗi lần ấp ra từ 20.000 - 30.000 con gà giống.

Nhờ đầu tư công nghệ hiện đại nuôi gà bố mẹ nên đàn gà giống có mẫu mã đẹp, khỏe mạnh, chất lượng tốt. Các giống gà lai chọi, gà lai mía, gà ri lai của bà được khách hàng đánh giá cao, đặt hàng mua tới tấp. Hiện, khách hàng của bà trải dài khắp 63 tỉnh, thành cả nước. Mỗi tỉnh, thành đều có 2 – 3 đại lý chuyên cung cấp, phân phối gà giống của bà.Với các khách hàng khu vực phía Nam, việc vận chuyển con giống gà sẽ bằng máy bay.

Bà Tuyến tiết lộ, mỗi năm bà có doanh thu hơn 3 tỷ đồng từ việc nuôi hơn 20.000 gà bố mẹ, hàng ngàn gà siêu trứng thương phẩm và cung cấp ra thị trường hàng triệu con gà giống chất lượng cao. Chưa kể đến bà có khoản lãi hơn 400 triệu đồng từ việc nuôi 2ha cá.

Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

Vườn rau thuỷ canh thu trăm triệu mỗi tháng của thạc sĩ lịch sử

Đang có công việc ổn định trong cơ quan nhà nước, anh Lê Quốc Đức vẫn quyết định nghỉ việc về trồng rau thuỷ canh kết hợp với du lịch, cho doanh thu hàng trăm triệu mỗi tháng.

Tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành lịch sử, sau đó vào làm trong cơ quan nhà nước tại tỉnh Lâm Đồng, nhưng với đam mê sản xuất nông sản sạch, anh Đức (30 tuổi, phường 5, TP Đà Lạt) vẫn quyết định nghỉ việc. Cặm cụi chỉnh sửa giàn ống thủy canh trong nhà kính trồng rau sạch, anh Đức chia sẻ: "Giờ là nông dân đích thực rồi. Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên ngày nào tôi cũng ở ngoài vườn từ sáng tới chiều để chăm sóc, điều chỉnh thông số trong vườn rau".

Hiện nay, ở Đà Lạt trồng rau thủy canh đang phát triển mạnh và có nhiều người rất thành công nhờ mô hình này. Đây cũng là một trong những động lực để anh Đức mạnh dạn nghỉ việc nhà nước về đầu tư hệ thống nhà kính hiện đại.

"Bắt tay vào làm mình cũng không có nhiều vốn liếng. Vậy là chạy đi mượn tiền, nhờ bạn bè phụ giúp rồi tìm chỗ thuê đất. Khi hoàn thành khu nhà kính trồng rau gần 2.000m2, chi phí đầu tư đến nay cũng hơn 1 tỷ đồng, bao gồm hệ thống ống thủy canh nhập từ Thái Lan, nhà kính khung sắt...", Đức chia sẻ.

Anh Đức hướng dẫn cho du khách cách thu hoạch rau thủy canh trong trang trại của mình.

Sau hơn nửa năm đi vào hoạt động, hiện mỗi ngày vườn của anh Đức tiêu thụ khoảng 200-300kg rau thủy canh các loại (chủ yếu là rau xà lách). Chia sẻ bí quyết trồng rau từ thực tế bản thân, anh Đức bật mí: "Hạt giống và cách điều chỉnh chế độ dinh dưỡng trong nước là hai yếu tố quan trọng nhất đối với trồng rau thủy canh". Về hạt giống, anh nhập toàn bộ từ Hà Lan với giá cao gấp 10 lần hạt giống trong nước, nhưng bù lại khả năng cho thu hoạch gần như đạt 100%. Hạt giống nước ngoài được ưa chuộng bởi đã xử lý mọi mầm bệnh, bên ngoài hạt giống còn được phủ một lớp chất dinh dưỡng, người trồng chỉ việc thả vào giá thể rồi đặt lên ống thủy canh.

Ngay từ lúc xây dựng nhà kính, anh Đức đã đi tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm rau sạch của trang trại như liên hệ với các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn và ở TP HCM. "Chu kỳ rau nhanh lắm, từ lúc trồng trong hệ thống thủy canh tới lúc thu hoạch chỉ khoảng 25 đến 30 ngày nên phải chuẩn bị tốt đầu ra. Đặc biệt, rau cần được cung cấp liên tục nên tôi trồng từng đợt nối tiếp nhau nên không sợ thiếu hàng", anh Đức giải thích. Với lợi thế nằm gần các khu du lịch nên mỗi ngày có từ 200 đến 400 lượt khách vào tham quan miễn phí khu trồng rau thủy canh, nhiều du khách thích thú với vườn rau sạch thường mua về, chỉ tính lượng khách lẻ đã tiêu thụ hàng chục kg rau sạch mỗi ngày, nên đó cũng là nguồn tiêu thụ ổn định của trang trại.

Hiện nay, ngoài bán trực tiếp cho khách lẻ, cung cấp cho các siêu thị, anh Đức và vợ còn bán hàng trên facebook, zalo… Với giá bán bình quân 40.000 đồng một kg, doanh thu hàng tháng từ vườn rau đạt trên 250 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận thu về chiếm khoảng 40%.

"Chi phí ban đầu bỏ ra để trồng rau thuỷ canh khá cao, việc duy trì hoạt động cũng rất tốn kém nhưng nếu nguồn hàng tiêu thụ ổn định như hiện nay, sau một năm là có thể thu hồi vốn đầu tư", Đức cho hay.

Hướng đi sắp tới, chàng thạc sĩ trẻ tiếp tục đầu tư trồng rau xà lách xoong, rau muống thuỷ canh… và mở rộng diện tích, trồng dâu tây phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách. Điều quan trọng là giới thiệu được với mọi người quy trình sản xuất các loại nông sản đặc trưng của Đà Lạt mà không phải di chuyển quá xa trung tâm thành phố.

Thứ Hai, 17 tháng 4, 2017

Nuôi “chim khổng lồ”, anh thợ xây nhàn nhã thu 5 tỷ đồng

Từng là thợ xây với đồng lương công nhân ít ỏi, nhưng nhờ bén duyên với “gà khổng lồ” – đà điểu, giờ đây anh Nguyễn Văn Trung ở xã Tản Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội) đã có thể nhàn nhã ngồi đếm tiền tỷ.

Nhiều năm trước, anh Trung kiếm sống bằng đủ thứ nghề như bốc vác, thợ xây. Công việc nào anh cũng làm rất chăm chỉ, thức khuya dậy sớm nhưng vẫn chỉ đủ tiền ăn. Đầu những năm 2000, khi nhận thi công một số hạng mục công trình của Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Hà Nội), tình cờ tại đây anh biết đến giống đà điểu và rất thích thú.


Anh Trung cho biết, trong tất cả các con vật anh từng nuôi, nuôi đà điểu là nhàn nhất.

Năm 2007, anh Trung anh quyết định bỏ ra cả hơn trăm triệu đồng mua 50 con giống đà điểu tại Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương về nuôi. Thời điểm ấy, nghề nuôi đà điểu ở Việt Nam còn rất mới. Thấy anh Trung bỏ ra cả trăm triệu đồng nuôi con “vừa xấu vừa lạ”, ai cũng cho rằng anh quá liều lĩnh, người thân thì ra sức ngăn cản. “Tôi nghĩ, bản thân mình là con nhà nông, quen thuộc ruộng vườn, chăm chỉ chịu khó nên tôi tự tin mình có thể chăn nuôi được”, anh Trung thổ lộ.

Anh Trung cho biết, bản năng giống đà điểu là 70% gia cầm và 30% gia súc

Anh Trung cho biết, trong tất cả các con vật anh từng nuôi (bò sữa, lợn, gà…), nuôi đà điểu là nhàn nhất. Thức ăn của đà điểu chủ yếu là rau cỏ, ngô, khoai, sắn, thóc… chứ không cần mua cám công nghiệp đắt tiền. Trên thực tế, một lao động có thể chăm sóc 200 con đà điểu nên tiết giảm tối đa nhân lực mà hiệu quả kinh tế lại cao.

Anh Trung thường nhập con giống 1 ngày tuổi từ Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương về nuôi trong vòng 2 tháng, khi đà điểu đã đạt trọng lượng 10-15kg, hoàn toàn khỏe mạnh mới cung cấp con giống cho bà con.


Đà điểu 1 ngày tuổi được anh Trung nuôi úm riêng cẩn thận.

Hiện anh Trung đang bán đà điểu giống với giá 1.450.000 đồng/con loại 1 ngày tuổi, 2-3 triệu đồng/con loại 1 thang tuổi tháng tuổi. Với đàn đà điểu hơn 600 con, mỗi năm anh cung ứng 500 con giống và xuất bán hơn 40 tấn thịt đà điểu thương phẩm ra thị trường, doanh thu bình quân đạt trên 5 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý, anh Trung nuôi đà điểu theo chuỗi khép kín. Theo đó, cùng với nuôi thương phẩm đà điểu, anh Trung quyết định mở cửa hàng thịt đà điểu ở tỉnh lộ 87A, qua đoạn xã Tản Lĩnh để chủ động tiêu thụ sản phẩm cho chính gia đình mình. Thịt đà điểu được anh đóng gói trong túi nilon rồi hút chân không để bán trực tiếp cho khách.

Theo anh Trung, đây chính là cách quảng cáo sản phẩm hiệu quả nhất. Khách được chứng kiến tận mắt quy trình từ chăn nuôi đến sản phẩm thịt, được anh tư vấn cách phân biệt thịt đà điểu thật với thịt đà điểu làm giả từ thịt gà đang được bán trôi nổi trên thị trường. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, anh còn tung ra sản phẩm giò đà điểu và được khách hàng đánh giá cao.

Từng con đà điểu giống được anh Trung gắn thẻ để thuận tiện chăm sóc, tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ.

Công việc làm ăn ngày càng thuận lợi, anh Trung đã động vận động bà con trong vùng cùng nuôi đà điểu để xây dựng nguồn sản phẩm tại chỗ. “Từ cuối năm 2009, tôi nhập con giống 1 ngày tuổi ở Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương về nuôi trong vòng 2 tháng, khi đà điểu đã đạt trọng lượng 10-15kg, hoàn toàn khỏe mạnh mới cung cấp con giống cho bà con. Khi nào đến thời điểm xuất bán, bà con chỉ cần “alo” là tôi sẽ nhập hàng để đảm bảo đầu ra thuận lợi” , anh Trung thổ lộ.

Giàu lên nhờ bỏ phố về quê nuôi nấm linh chi đỏ

Tốt nghiệp đại học nhưng Hoàng Văn Nguyên (quê Thanh Hóa) quyết định bỏ phố về quê nuôi nấm linh chi dược liệu. Trang trại cho anh thu lãi trung bình 200-250 triệu mỗi năm.

Ở thôn 8, xã Nông Trường (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa), chàng trai Hoàng Văn Nguyên nổi tiếng là một thanh niên trẻ làm ăn kinh tế giỏi với mô hình trang trại trồng nấm linh chi đỏ.

Nguyên năm nay 32 tuổi, tốt nghiệp Đại học Nông Lâm năm 2009. Ra trường với tấm bằng cử nhân công nghệ sinh học, anh được nhận vào việc cho một công ty chuyên cấy men vi sinh thức ăn chăn nuôi tại một huyện miền núi Thanh Hóa.

Năm 2010, Nguyên xin nghỉ việc khăn gói vào Nam làm nhân viên kiểm tra chất lượng hàng cho một công ty với hy vọng mở ra một tương lai tốt hơn. Hai năm sau, vì đồng lương không cao, anh lại ngược ra Bắc làm nhân viên cho một công ty chuyển giao công nghệ ở Hà Nội.

Hoàng Văn Nguyên bên trang trại nấm linh chi đỏ của mình. Ảnh: Nguyễn Dương.


Thời điểm này, chàng trai trẻ tìm hiểu và được biết nấm linh chi đỏ đem lại nguồn thu nhập cao. Đầu năm 2013, anh quyết định nghỉ việc để tìm ra Quảng Ninh khảo sát, học hỏi kinh nghiệm về mô hình trang trại nuôi nấm.

Vài tháng sau, khi có trong tay các bí quyết, Nguyên trở về quê tận dụng hơn 300 m2 đất vườn nhà để mở trang trại nuôi nấm linh chi đỏ. "Tôi nhận thấy quê mình có điều kiện phù hợp về khí hậu. Nguồn nhân công, nguyên liệu để nuôi nấm như gỗ keo lại có sẵn, giá rẻ", anh tâm sự.

Nghĩ là làm, chàng trai trẻ quyết định vay vốn 300 triệu đồng để khởi nghiệp. Nhưng 4 tháng sau, Nguyên đối diện với thử thách đầu tiên khi lứa nấm đầu tiên thất bại, không đảm bảo được chất lượng như mong muốn. Lần đó, do thời tiết giá rét khắc nghiệt, toàn bộ nấm đến kỳ thu hoạch của ông chủ nhỏ bị chết. Ước tính thiệt hại lên đến 100 triệu đồng.

Mỗi năm, Nguyên thu lãi cả trăm triệu đồng nhờ nuôi nấm linh chi đỏ. Ảnh: Nguyễn Dương.


"Nấm linh chi đỏ dược liệu trồng không 'dễ chịu' như những loài nấm thường khác. Đáng ra lần đó tôi phải theo dõi thời tiết để thu hoạch sớm hơn", anh nhớ lại.

Không nản lòng, Nguyên rút kinh nghiệm cải tạo trang trại bằng việc lập mái trang trại bằng lá cỏ, đảm bảo độ ẩm, tiến hành gieo cấy đúng mùa và thu hoạch trước thời điểm giá rét. Thời gian rảnh, anh tận dụng nhiều mối quan hệ để giới thiệu sản phẩm và gầy dựng nhiều mối khách hàng thân quen.

Lần thu hoạch thứ hai, sản phẩm nấm linh chi hư hại giảm dần và cho thu hoạch 6 tạ mỗi năm, Nguyên thu về hơn 200 triệu đồng.

Cứ như thế, đến nay, mô hình nuôi nấm tại gia của Nguyên cho thu hoạch ổn định mỗi năm. Hiện trang trại của Nguyên có khoảng 2 vạn phôi giống, bình quân thu về sau 4 vụ gần 7 tạ một năm. Trừ các chi phí, mỗi năm Nguyên có thu nhập khoảng 200-250 triệu đồng.

Chia sẻ về kỹ thuật nuôi nấm linh chi, ông chủ trẻ cho hay các khâu từ chọn nguyên liệu đến kỹ thuật hấp, ươm và quan trọng nhất là tạo độ ẩm đều được tỉ mỉ thực hiện. Nhiệt độ từ 25 đến 32 độ C, độ ẩm 90-95% là thích hợp nhất với loại nấm này, vì vậy người trồng cần tưới nước và tạo độ ẩm thường xuyên để cây nấm phát triển tốt.

"Thông thường trong điều kiện thuận lợi thì sau 3 tháng có thể thu hoạch nấm. Mỗi phôi nấm thu hoạch được 4 lần cắt, cắt lần đầu thì năng suất nhất, càng về những lần sau thì năng suất giảm dần", Nguyên vui vẻ nói.

Trang trại nấm tại gia của Nguyên ở xã Nông Trường. Ảnh: Nguyễn Dương.


Ngoài đem lại thu nhập ổn định cho gia đình, chàng trai này còn tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương. Vụ chính, trang trại của anh thu hút 20-25 lao động với mức lương từ 100.000 đến 200.000 đồng một ngày, tuỳ từng công việc.

Trao đổi với ông Lê Ngọc Tuyến, Phó chủ tịch UBND xã Nông Trường, cho biết Hoàng Văn Nguyên là gương thanh niên dám nghĩ dám làm ở địa phương.

"Nguyên là người đưa mô hình nuôi nấm linh chi đỏ đầu tiên về địa phương. Hiện mô hình này cho hiệu quả kinh tế cao", ông Tuyến nói.

Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

Nuôi con tiền tỷ: Đeo kính cho loài chim "đẻ" lãi như "máy in tiền"

Tính riêng nuôi 100 chim trĩ xanh sinh sản, vài năm qua, bà Vũ Thị Lành (SN 1962), ở đội 7, HTX Quyết Thắng, (xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đã vươn lên hàng tỷ phú. Những cá thể chim trĩ xanh "siêu mắn đẻ" được ví như "máy in tiền" đem lại nguồn lợi lớn cho gia đình bà. Kể về "bí kíp" làm giàu, nữ tỷ phú có một tuyệt chiêu vô cùng độc đáo: Đeo kính cho "máy tin tiền"...

Chim trĩ xanh có giá trị kinh tế cao (Ảnh: TD)

Lợi nhuận không ngờ


Chim trĩ xanh thuần chủng hay còn gọi là chim trĩ đen (Black Pheasants) có nguồn gốc từ 1 số nước Châu Âu. Những năm trước đây, do giá nhập khẩu cao việc mua giống thuần chủng loài chim này trên thị trường Việt Nam rất khó khăn.

Câu chuyện làm giàu từ nghề nuôi chim trĩ xanh đối với gia đình bà Lành bắt đầu từ năm 2012. Ngày ấy, tình cờ biết đến giống chim quý qua kênh truyền hình, nữ nông dân nảy sinh ý định chăn nuôi.Bà nhờ người con trai hay đi công tác các tỉnh tìm mua chim trĩ xanh thuần chủng.

Chim trĩ xanh trưởng thành ở trang trại của bà Vũ Thị Lành (Ảnh: TD)

Con trai bà Lành phải lặn lội đi các tỉnh Tây Bắc, cho đến vào tận Thanh Hóa để lùng mua giống chim quý. Qua hàng chục chuyến đi, người con mới mua được cho bà Lành 10 con chim trĩ xanh thuần chủng với giá 2 triệu đồng/ con. Qua hơn 8 tháng nuôi, lứa chim trĩ xanh đầu tiên của gia đình bà bắt đầu sinh sản.

Bà kể, không ngờ giống chim trĩ xanh sinh sản hiệu quả đến thế, 1 con chim mái cho tới 15 quả trứng/ tháng. Tỷ lệ ấp nở cao, chẳng mấy chốc số lượng chim trĩ xanh tăng lên nhanh chóng. Sau 15 tháng nuôi, ngoài giữ lại được 100 con để nuôi sinh sản, bà còn bán được hơn 500 chim trĩ giống thu về gần 100 triệu đồng.

Nữ nông dân Vũ Thị Lành thành công với mô hình nuôi chim trĩ (chim trĩ xanh, chim trĩ đỏ) quý hiếm (Ảnh: TD)

Bước sang năm thứ ba, chỉ với 100 chim trĩ xanh sinh sản bà Lành có được trên 6.000 chim giống bán ra thị trường, với giá gần 200 nghìn đồng/ con, thu về gần 1,1 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, bà Lành lãi ròng hơn 900 triệu đồng.

Bà Lành chia sẻ: "Ngày ấy ít người nuôi, chim trĩ giống và thương phẩm đều bán được giá cao; con giống 1 tháng tuổi được giá từ 1.60-200 nghìn đồng/ con; chim thịt giá 600.000-900.000 đồng/ con; chim cảnh bán tới gần 3 triệu đồng/ cặp. Giờ người ta nuôi nhiều, giá xuống thấp hơn".

Với 100 chim trĩ sinh sản, mỗi năm tạo ra gần 10.000 trứng, tỷ lệ ấp nở 70%, đem lại nguồn thu khổng lồ cho chủ trang trại (Ảnh: TD).

Tuy nữ tỷ phú khiêm tốn nói giá xuống thấp hơn, nhưng ở thời điểm hiện tại, bà Lành vẫn xuất bán chim trĩ xanh giống với giá 90.000 đồng/ con; chim thương phẩm giá 600.000 đồng/ con (1,4-1,7kg/ con). Năm 2016, chỉ tính đàn chim trĩ xanh, bà vẫn thu lãi trên 500 triệu đồng.

Trung bình mỗi năm, bà Lành cung cấp 6.000 chim trĩ giống ra thị trường (Ảnh: TD)

Bà Lành tâm sự, nghề nuôi chim trĩ mang lại hiệu quả kinh tế cao; 1 nhân công có thể nuôi 130 chim trĩ sinh sản, hoặc 1.000 chim trĩ thương phẩm. Mỗi ngày, chỉ cho ăn 2 lần. Minh chứng là ngoài nuôi 100 chim trĩ xanh bố mẹ, bà Lành còn nuôi 300 chim trĩ đỏ sinh sản. Mặc dù, giá trị kinh tế thấp hơn chim trĩ xanh, nhưng đàn chim trĩ đỏ cũng mang lại lợi nhuận không dưới 500 triệu đồng/ năm cho nữ "trại chủ".

Tuyệt chiêu sáng tạo đeo kính cho chim


Chia sẻ về bí kíp làm giàu, người phụ nữ thành công không ngại ngần thổ lộ kỹ thuật nuôi giống chim - "máy in tiền". Chủ trang trại cho biết, chim trĩ xanh ít bệnh tật, nuôi khá dễ dàng.

Khó nhất, ở thời điểm mới bóc trứng, người nuôi cần theo dõi sát sao, chăm sóc kỹ, tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ. Do chim trĩ ưa nóng, nên phải úm con giống mới nở dưới nhiệt độ 32-35 độ C trong vòng 1 tháng; thức ăn chủ yếu trong tháng đầu tiên và tháng thứ hai là cám công nghiệp dành cho gà con.

Bà Lành nghĩ ra tuyệt chiêu đeo kính cho loài chim - "máy in tiền" (Ảnh: TD)

"Từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 5 cho ăn ngô, thóc, cám gà, bèo, rau xanh. Lưu ý, không lấy bèo ở sông vì có thể bị nhiễm khuẩn; rau cỏ phải sạch không phun thuốc. Từ 5 tháng tuổi trở đi, không cho ăn bèo, lúc này, thức ăn cho chúng là ngô, thóc và cám công nghiệp. 1 con chim trĩ xanh từ khi nở đến khi trưởng thành chỉ tiêu tốn hết 70.000 đồng chi phí thức ăn", bà Lành nói.

Những chiếc kính nhựa như thế này chỉ có giá 2.000 đồng nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi chim trĩ (Ảnh: TD).

Về chuồng trại, bà Lành chia sẻ, cứ 2 chim trĩ xanh sinh sản cần 1m2; có thể nuôi ghép bộ: 1 trống ghép 4 mái, hoặc nuôi quần tụ. Trong đó, nuôi ghép bộ đem lại hiệu quả cao hơn. Chuồng nuôi được làm bằng vật liệu tre, nứa, hoặc dựng cột bê tông, quây lưới, lợp ngói, hoặc mái tôn.Nền chuồng dải 1 lớp cát vàng và sỏi dày 6cm. Quá trình nuôi sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý phân chim, mỗi tháng khử trùng chuồng trại 2 lần.

Nữ trại chủ bảo, sau khoảng 8,5 tháng, chim trĩ xanh sẽ trưởng thành và sinh sản; chim mái nặng 1,4- 1,5kg; chim trống từ 1,6-1,7kg/ con. Chim mái đẻ cách nhật, 1 con chim mái đẻ 15 trứng/ tháng. Trong 7 tháng đầu từ khi chim mái sinh sản tỷ lệ trứng ấp nở tốt nhất đạt 70%, ngoài 7 tháng sẽ thải đàn bán thương phẩm và gây đàn chim bố mẹ mới.

Cận cảnh chim trĩ xanh đeo kính ngộ nghĩnh và ấn tượng tại trại chim trĩ của gia đình bà Lành (Ảnh: TD).

Vẫn lời chủ trại, chim trĩ xanh thường đẻ vào 6 giờ và 18 giờ hàng ngày, cứ 20 phút, chủ trại lại nhặt trứng 1 lần. Loài chim này hay mổ trứng, vì vậy, để bảo vệ trứng, phòng tránh các cá thể đánh nhau bà Lành sáng tạo tuyệt chiêu độc đáo mua kính nhựa đeo cho từng con.

"Loại kính nhựa này rất rẻ có 2.000 đồng/chiếc, tiện lợi, dễ mua. Giúp che khuất tầm mắt của chim trĩ, vừa bảo vệ trứng, lại phòng được chúng đánh nhau. Hiệu quả chăn nuôi tăng rõ rệt, người nuôi giống gà nào dữ hay mổ nhau cũng có thể áp dụng", bà nói...

Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017

Trồng cây tiền tỷ: "Gieo" cây biệt dược phòng the trên vùng đất mỏ

Từng thất bại đau đớn khi trồng keo nhưng nhờ thuần phục thành công ba kích rừng, ông Lê Công Tiềm ở xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh đã có thu nhập nhiều tỷ đồng với cây được mệnh danh là "biệt dược phòng the" này.

Ông Tiềm kể, ông vốn quê gốc ở xã Bình Dương (huyện Gia Bình, Bắc Ninh). Trước đây, ông làm nghề chế biến gỗ xuất khẩu. Để có nguyên liệu, ông thường lặn lội về các vùng núi trong đó có huyện Ba Chẽ thu mua gỗ của bà con. Thấy huyện Ba Chẽ có tiềm năng lớn về rừng và đất rừng, năm 2005, ông đã bán hết tài sản về đây lập nghiệp.

Tại xã Thanh Lâm, ông đã thành lập Hợp tác xã Toàn Dân và thuê cả khu đồi rộng hơn 1.200ha trong vòng 50 năm để đầu tư trồng rừng. Giống cây ba kích tím được ông trồng xen canh với cây rừng và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Mỗi gốc cây ba kích sẽ cho thu hoạch 3,5 - 4kg củ tươi, với giá bán từ 200.000 – 250.000 đồng/kg

Trong suốt quá trình khởi nghiệp, ông Tiềm gặp vô vàn khó khăn. Nhớ nhất, năm 2011, cơn bão lịch sử đổ bổ vào Quảng Ninh, gần 500ha keo trị giá 15 tỷ đồng sắp đến ngày thu hoạch của ông bị quật gãy tan tành. “Nhìn cả rừng keo cây nào cũng bị bão bẻ gẫy làm đôi, làm ba, người đàn ông thép như tôi cũng phải trào nước mắt. Bao tâm huyết, công sức, mồ hôi nước mắt đầu tư vào rừng keo nay bỗng mất trắng”, ông Tiềm nhớ lại.

Hiện ông Tiềm đang trồng hơn 100 ha ba kích tím

Thấy thời gian trồng và khai thác gỗ rừng rất dài, rủi ro nhiều, việc quay vòng vốn khó khăn, ông Tiềm quyết tìm hướng đi mới. Năm 2012, ông Tiềm đã đầu tư tiền tỷ vào trồng ba kích tím. Bước đầu, ông thử nghiệm trồng với diện tích 3ha, mật độ trồng 20.000 cây/ha. Ngay năm đầu tiên, cây ba kích đã sinh trưởng, phát triển tốt.

Có đà, năm 2013, ông Tiềm tiếp tục đầu tư trồng thêm 100ha ba kích tím. “Với quy trình chăm sóc tốt, sau 3 năm cây ba kích sẽ cho thu hoạch. Vốn đầu tư trồng ba kích khoảng 300 triệu đồng/ ha. Mật độ trồng 20.000 cây/ha, mỗi gốc cây ba kích sẽ cho thu hoạch 3,5 - 4kg củ tươi. Với giá bán từ 200.000 – 250.000 đồng/kg, người trồng kiếm tiền tỷ dễ như chơi”, ông Tiềm bộc bạch.


Ươm cây giống ba kích tím lớn tầm 10 - 15cm đem lên trồng xen canh với cây rừng để đảm bảo được hoạt chất quý trong cây

Ông Tiềm cho hay, sở dĩ giống ba kích tím có giá cao và được thị trường ưa chuộng là bởi củ ba kích tím rất quý. Theo Đông y, ba kích vị cay, chát, ngọt, tính ôn, có tác dụng bổ thận, tráng dương, khỏe gân cốt. Rượu ba kích có tác dụng: tăng cường chức năng sinh lý cho nam giới, bổ thận tráng dương, kiện gân cốt. Người dân địa phương cho rằng ba kích tím là một loại sâm thuộc “biệt dược phòng the”.

Mầm giống ba kích tím phải được ủ trong nhà ươm 6 tháng để tránh gió

Theo ông Tiềm để giữ được đặc tính và vị thuốc vốn có của ba kích tím, người trồng cần phải làm kỹ tất cả các khâu. Trong đó, khâu chuẩn bị giống quan trọng nhất. Mầm giống phải được ủ trong nhà kính 6 tháng để tránh gió. Sau đó, cấy mầm vào bầu đất và chăm sóc trong nhà lưới. Cây lớn tầm 10 - 15cm đem lên trồng xen canh với cây rừng để đảm bảo được hoạt chất quý trong cây. Trước khi trồng cần bón lót phân chuồng ủ hoai mục.

Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

Làm giàu từ nuôi động vật hoang dã

Khởi nghiệp từ những đồng vốn vay, anh Nguyễn Anh Tuấn ở xã Duy Minh (Duy Tiên - Hà Nam) đã mạnh dạn mở mô hình nuôi bồ câu Pháp, rắn mối, rắn hổ mang bành.

Bén duyên… bồ câu

Về xã Duy Minh, hỏi về mô hình trang trại của anh Tuấn, anh Đàm Trung Thông, Bí thư Đoàn thanh niên xã Duy Minh khoe, “mô hình nuôi chim bồ câu Pháp, rắn mối, rắn hổ mang bành của Tuấn là mô hình kinh tế mới nhưng rất hiệu quả. Nhiều thanh niên trong tỉnh thường xuyên đến học tập”.

Anh Nguyễn Anh Tuấn đang cho chim bồ câu Pháp ăn.

Học xong THPT, anh Tuấn (SN 1984) tìm con đường làm giàu bằng xuất khẩu lao động sang Tiệp Khắc. Sau 3 năm vất vả ở xứ người, anh Tuấn trở về nước với một khoản nợ lớn. Sau đó, anh xin làm việc tại một công ty xây dựng ở Bắc Giang. Gần công trường xây dựng anh thấy nhiều gia đình ở Bắc Giang mở mô hình nuôi chim bồ câu Pháp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Tuấn nghĩ gia đình mình cũng có thể nuôi bồ câu Pháp được vì vườn rộng, giống chim kháng bệnh tốt, thức ăn đơn giản chỉ là lúa ngô. Năm 2013 anh Tuấn về quê, tận dụng không gian ban công trên tầng mở trang trại nuôi bồ câu Pháp.

“Thời gian bắt đầu nuôi là khoảng thời gian khó khăn nhất, kinh nghiệm nuôi mình chưa có, chuồng gia đình làm nan dày quá chim không thò cổ ra ăn được. Lại không biết cách chăm sóc, tiêm thuốc nên sau một thời gian đàn chim chết sạch”, anh Tuấn kể.

Hiện trang trại chăn nuôi động vật hoang dã của anh Tuấn mỗi năm thu lãi hơn 400 triệu đồng, tạo công việc ổn định cho 3 lao động địa phương với mức lương 3-4 triệu đồng/tháng. Anh Nguyễn Anh Tuấn vinh dự được T.Ư Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của cho nhà nông tiêu biểu xuất sắc.

Anh Tuấn cho biết, lúc đó gia đình, bạn bè đều khuyên anh nên bỏ ý định nuôi chim bồ câu làm giàu để tìm con đường khác làm ăn. Nhưng với quyết tâm cao, anh khăn gói đi các tỉnh ngoài như Hưng Yên, Hải Dương… để quan sát, ghi chép tập tính sinh hoạt của chim, từ đó tìm ra các biện pháp chăn nuôi hiệu quả. Ngoài ra, anh còn tìm hiểu thêm trên sách báo, mạng. Với cách làm “lấy ngắn nuôi dài”, từ 50 cặp chim giống, đến nay trang trại anh Tuấn đã có 600 cặp chim bồ câu Pháp sinh sản.

Theo mô hình nuôi lồng công nghiệp, mỗi cặp bồ câu Pháp nuôi bán lấy thịt có giá 140.000 đồng, bồ câu nuôi bán làm giống mỗi cặp có giá từ 240.000 đồng. Sau khi giảm trừ các khoản chi phí thức ăn, lương công lao động, thuốc trừ bệnh... gia đình anh thu về khoảng 20 triệu đồng tiền lãi/tháng. Mỗi năm trừ hết chi phí, anh thu lãi gần 200 triệu đồng.


“Cố nuôi 10 loài vật hoang dã trong vườn”

Đó là mục tiêu của anh Tuấn, khi anh muốn nuôi tận 10 loài vật hoang dã, có giá trị kinh tế cao trong vườn. Tận dụng nguồn thức ăn sẵn có từ trứng chim thối, chim non chết anh Tuấn học hỏi kinh nghiệm, xây chuồng trại nuôi rắn hổ mang bành. Đến nay đàn rắn của gia đình anh đã lên tới hàng trăm con.

Không chỉ dừng lại ở việc nuôi chim bồ câu Pháp, rắn hổ mang bành, qua sách báo anh Tuấn biết được rắn mối là một vị thuốc bổ, có giá trị dinh dưỡng cao, hiệu quả kinh tế cao. Thấy ở quanh vườn nhà, bụi rậm ở quê nhà cũng có nhiều rắn mối, anh Tuấn xách cần câu đi dọc ruộng vườn, ao chuồng nhà dân xung quanh để câu rắn mối và kêu gọi đám trẻ con câu rắn mối về bán cho anh.

Câu được con nào, anh dựng chuồng cẩn thận đặt con giống vào nuôi. “Mình đang nhờ người nghiên cứu xem có thể tạo ra được chiếc máy ấp trứng rắn mối giống như ấp trứng rắn hổ mang bành. Nếu thành công hiệu quả về con giống sẽ được cải thiện rõ rệt”, anh Tuấn bộc bạch.

Từ mấy chục con giống ban đầu, đến nay đàn rắn mối của gia đình anh đã lên tới hơn 6.000 con giống. Anh Tuấn cho biết, rắn mối nhà anh bán với giá 500.000 đồng/kg, có nhiều nhà hàng đặt mua nhưng anh không đủ số lượng bán.

Để đàn rắn mối phát triển, anh Tuấn mở tiếp mô hình nuôi sâu gạo làm thức ăn cho rắn mối và cung cấp cho thị trường chim cảnh. Với những người có nhu cầu nuôi, anh luôn hướng dẫn tận tình về kỹ thuật chăm sóc và giúp liên hệ bao tiêu đầu ra của sản phẩm.

“Mục tiêu của mình là có thể nuôi được 10 loài vật hoang dã có giá trị kinh tế cao trong vườn. Trang trại mình vừa nhập 3 đôi cầy hương về nuôi thử nghiệm”, anh Tuấn nói.

Anh Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, hiện trang trại gia đình anh đã đăng ký với cơ quan chức năng và được cấp phép nuôi bồ câu, rắn mối, rắn hổ mang bành, sâu gạo. Trong quá trình tiêu thụ các sản phẩm từ trang trại, gia đình luôn đăng ký kiểm dịch đầy đủ.

Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017

Hoa thiên lý nở trên cát, cho trăm triệu/năm

Cưới xong, anh chị dắt díu nhau lên vùng cát, cực đến nỗi đến đôi dép cũng không có mà đi. Sau những lần trắng tay, anh lại đi khắp nơi làm ăn và học cách chinh phục đất cát. Lần này về, anh đã làm thiên lý nở hoa.

Anh Trần Văn Xô ở thôn Tú Loan 3, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) là một trong những người đầu tiên tiên phong lên khai hoang, bám trụ và làm giàu thành công trên vùng cát Quảng Hưng.

Khoảng 20 năm về trước, đây chỉ là mảnh đất cát cháy, lơ thơ vài gốc cây còi cọc, thanh niên trong vùng lớn lên đều tìm đường thoát ly, chưa ai từng nghĩ sẽ phát triển được trên những đồi cát mênh mông, khô cằn.

Anh Trần Văn Xô đang hái hoa thiên lý

“Chúng tôi đều là con nhà nông, hai bên cha mẹ đều nghèo nên ngày cưới đến đôi giày cũng phải đi mượn. Sau khi cưới xong, chính quyền địa phương có chủ trương lên vùng gò đồi để phát triển kinh tế. Thời điểm đó khoảng năm 1998”, anh Xô kể.

Lên vùng cát, anh chị dựng túp lều nhỏ tránh mưa nắng, khai hoang được gần 3 ha đất rồi vay mượn tiền để trồng dưa hấu. Năm đó nắng hạn, mùa dưa thất bại, toàn bộ vốn liếng chìm vào cát. Anh dắt chị vào miền Nam kiếm sống.

Làm ở miền Nam được 2 năm và có một chút vốn nho nhỏ, vợ chồng anh lại về quê với ước mơ làm giàu. Thấy các mô hình kinh tế chủ yếu lấy ngắn nuôi dài, anh cũng học tập, đầu tiên trồng ít hoa màu, chăn nuôi nhỏ lẻ để dần dần mở rộng quy mô. Nhưng, giữa những đồi cát nắng cháy, thiếu nguồn nước nên không cây cỏ nào sống nổi, lần này anh lại thất bại.

“Sau hai lần thất bại, tôi không còn dám nghĩ đến chuyện chinh phục đồi cát làm giàu. Song anh Xô thì vẫn không từ bỏ ý định. Lần này, anh để tôi ở nhà chăm các con, mình anh đi khắp nơi kiếm sống. Ròng rã 7 năm, anh vừa kiếm tiền gửi về nuôi vợ con, vừa tìm tòi học hỏi những mô hình làm kinh tế có thể phát triển ở đất cát Quảng Hưng” , chị Phạm Thị Thận - vợ anh Xô - kể.

Sau 7 năm xa xứ, anh về quê quyết tâm làm giàu trên cát nhưng đã vấp phải sự phản đối quyết liệt. “Đến vợ tôi còn đòi bỏ về nhà ngoại nếu tôi vẫn cố chấp không nghe. Phải mất mấy tháng mới thuyết phục được vợ và gia đình" anh Xô nhớ lại.

Hoa thiên lý anh bán cho thương lái


Lần đó, hai vợ chồng lại cắm sổ đỏ vay ngân hàng để lấy tiền lên đồi cát làm trang trại. Với mô hình trồng hoa thiên lý kết hợp chăn nuôi vịt, anh đã thành công.

“Sau nhiều năm lăn lộn, nhận thấy cây thiên lý thích hợp với khí hậu khắc nghiệt nên tôi đã quyết định trồng. Để cây phát triển tốt, tôi đầu tư giếng khoan rồi lắp hệ thống tưới nước tới tận từng gốc cây. Nhờ đó, tiết kiệm được nguồn nước tưới và cây hoa thiên lý lúc nào cũng đủ độ ẩm, phát triển tốt”, anh Xô cho biết.

Là một loại hoa có giá trị dinh dưỡng cao nên thiên lý rất được ưa chuộng trên thị trường. Nếu trồng nhỏ lẻ ở các hộ gia đình thì thiên lý chỉ nở hoa được từ 2-3 tháng, nhưng với mô hình trồng tập trung và kỹ thuật chăm bón hiệu quả, vườn hoa thiên lý của anh Xô cho ra hoa từ 9-10 tháng (từ cuối tháng 2 tới tháng 10) hàng năm.

Với diện tích gần 1 ha, bình quân mỗi ngày anh Xô thu hoạch được 30-50 kg hoa thiên lý, mỗi năm từ 8-9 tấn bán với giá bán dao động từ 30.000-60.000 đồng/kg, được thương lái thu mua ngay tận vườn.

Để giúp cho vườn hoa sạch cỏ, giảm được các loại bọ rệp, anh Xô đã đầu tư xây một bể chứa nước dưới giàn hoa thiên lý để nuôi thêm gần 1.000 con vịt, bình quân mỗi ngày anh thu được trên 700 quả trứng. Với cách làm này, anh đã giảm được lượng thức ăn phải mua cho đàn vịt, đồng thời tận dụng được nguồn phân để bón cho cây hoa.

Hiện gia đình anh đã trả hết nợ, thoát nghèo và trở thành hộ khá giả trong vùng với thu nhập gần 400 triệu đồng/năm.