Trang

Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Trồng rau sạch công nghệ cao

Anh Mai Văn Khẩn ở phường 12, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) mạnh dạn đầu tư nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới tự động để SX nông nghiệp công nghệ cao, đã trở thành tỷ phú.

Anh Khẩn cho biết, quê anh ở huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), năm 1994 anh lấy vợ người Đà Lạt và sinh sống bằng nghề trồng rau. Lúc đầu SX theo phương thức truyền thống, trồng bắp cải, xà lách, cà rốt... sau đó anh mướn thêm 1 ha đất vừa trồng rau, vừa nuôi heo. Cứ thế lợi nhuận từ rau anh lại mua heo nuôi, bán heo anh lại gom tiền mua đất, dần dà anh đã mua được 4 ha chuyên trồng rau các loại.

Bước ngoặt đến vào năm 2007 anh chuyển toàn bộ diện tích trồng rau truyền thống sang ứng dụng NNCNC. Mạnh dạn đầu tư nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới nước, bón phân tự động. Đặc biệt là nhập khẩu các loại giống rau, củ quả năng suất cao như củ cải đỏ, su hào tím, cà rốt baby, ớt ngọt, cà chua bi, dưa leo baby, bắp sú bao tử, củ hồi...


Anh Khẩn bên mô hình SX rau sạch CNC

Nhờ chịu khó cần cù, luôn luôn tìm tòi chuyển đổi giống cây trồng, áp dụng KHKT vào trồng trọt, trang trại rau sạch của anh phát triển tốt, thị trường tiêu thụ mạnh. Tiếng lành đồn xa, nhiều người dân trong vùng tới hợp tác, học hỏi kinh nghiệm và cách làm đều được anh giúp đỡ tận tình.

Năm 2010, anh đứng ra thành lập tổ hợp tác rau sạch, hướng dẫn kỹ thuật cũng như bao tiêu sản phẩm cho 13 thành viên với 16 ha chuyên trồng rau sạch. Sản lượng đạt từ 350 - 400 tấn/năm. Đến năm 2012, rau của anh và nhiều thành viên đạt được chứng nhận VietGAP và bán rất tốt ở các siêu thị.

Anh Khẩn kể: "Sau khi thương hiệu rau của tổ hợp tác được công nhận VietGAP, tôi đã nhận được nhiều hợp đồng và đơn đặt hàng, thị trường tiêu thụ ngày càng mạnh, nhiều khi không cung cấp đủ sản lượng rau sạch. Để đáp ứng cho nhu cầu của thị trường TP.HCM, chúng tôi đã phát triển từ tổ hợp tác lên HTX mang tên HTX Nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến với diện tích 60 ha, gồm 15 xã viên, chuyên SX rau củ quả".

Hiện số người tham gia HTX ngày càng tăng, diện tích và sản lượng rau cũng tăng lên đáng kể, thị trường tiêu thụ mở rộng, đòi hỏi mọi xã viên phải đồng lòng. Đặc biệt là quy trình kỹ thuật GAP phải tuân thủ nghiêm ngặt, từ khâu làm giống đến chăm sóc, sử dụng thuốc BVTV, phân bón...

Hàng tháng HTX phải sinh hoạt, kiểm tra định kỳ sử dụng thuốc BVTV, chất lượng sản phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người SX cũng như quyền lợi người tiêu dùng. "Người SX phải trồng được rau sạch, người tiêu dùng được ăn rau sạch", đó cũng chính là tiêu chí của HTX.

Anh Khẩn chia sẻ thêm, hiện HTX không ngừng nghiên cứu, áp dụng KHKT, nhập các loại rau củ quả giống mới, đa dạng về chủng loại, hiệu quả kinh tế cao, chất lượng tốt như củ hồi (củ gần giống củ hành tây) ăn rất ngon, bán với giá sỉ từ 60.000 - 80.000 đ/kg; bắp sú bao tử (giống cây súp lơ), không ăn lá, không ăn bắp, mà ăn trái mọc ở nách lá vừa ngon vừa lạ mắt, giá bán sỉ 150.000 đ/kg.

HTX SX rau chủ yếu theo đơn đặt hàng và thị hiếu của người tiêu dùng. Chính vì vậy thị trường tiêu thụ rất mạnh, sản lượng rau sạch chủ yếu cung cấp cho hệ thống siêu thị Metro, hệ thống khách sạn và các chợ đầu mối ở TP.HCM như chợ Thủ Đức, Bình Điền... với ước tính đạt từ 650 - 700 tấn /năm, bán với giá bình quân từ 15.000 - 20.000 đ/kg.

Từ hai bàn tay trắng, anh Mai Văn Khẩn đã có trong tay 4 ha đất nông nghiệp chuyên trồng các loại rau sạch, một năm thu nhập khoảng 3 - 4 tỷ đồng. Anh không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn muốn nhiều người có cơ hội làm giàu từ NNCNC tại HTX rau sạch Tân Tiến. Tới đây, anh tiếp tục nghiên cứu, tập huấn, hướng dẫn cho xã viên chuyển dần sang SX rau sạch theo quy trình GlobalGAP (tiêu chuẩn quốc tế) nhằm hướng tới XK rau ra nước ngoài.

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Trồng cam sành, thành tỷ phú

Cam sành Hàm Yên đã sẵn có thương hiệu, nhưng để làm nghề đạt hiệu quả không phải chuyện đơn giản. Hãy thử tìm hiểu kinh nghiệm từ vị "đại gia chân đất" ở Tuyên Quang.

Trong chuyến công tác tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, phóng viên được ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên giới thiệu một "đại gia chân đất" đã sử dụng rất hiệu quả tiền vay của ngân hàng để làm giàu với nghề trồng cam sành.

Quyết chí làm giàu

"Đại gia chân đất" ấy là anh Nguyễn Văn Phò (quê Hàm Yên, Tuyên Quang) - người đã góp sức thay đổi diện mạo cho Khuổi Mù, thôn vùng cao thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Cam sành Hàm Yên đã sẵn có thương hiệu, nhưng để làm nghề đạt hiệu quả không phải chuyện đơn giản.


Anh Phò (phải) giới thiệu sản phẩm cam sành của gia đình với cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên.

Chẳng nói đâu xa, từ năm 2007 trở về trước, cây cam sành ở Khuổi Mù đã là nguồn sống của gần 40 hộ gia đình người Dao trên núi Ngòi Lịp, nhưng do thiếu vốn lẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế nên công việc sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ. Vì cuộc sống khó khăn, người Dao chỉ trồng cam với mục đích đổi gạo kiếm ăn từng bữa nên nhiều khi họ bị cánh thương lái ép giá, có lúc một cân cam chỉ bán... 1.000 đồng.

Có được cơ ngơi như ngày hôm nay, anh Phò khẳng định, ngoài sự quyết tâm của bản thân anh và người thân trong gia đình, không thể không nhắc tới sự ủng hộ, động viên và giúp đỡ cho vay vốn rất đúng thời điểm của các cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Quê gốc ở huyện Hàm Yên (giáp với huyện Bắc Quang), khi lên Khuổi Mù năm 2007, anh Phò khi ấy cũng chỉ là một người nông dân với số vốn trong tay rất hạn chế. Không có nhiều tiền, nhưng đổi lại, anh Phò có sự quyết tâm và tinh thần chịu thương, chịu khó. Vẫn quyết định trồng giống cam của quê hương Hàm Yên, nhiều đêm anh thao thức suy nghĩ cách làm ăn đạt hiệu quả, mang lại công việc ổn định cho gia đình cũng như nhiều lao động khác.

Ban đầu, nhìn cảnh đồi núi trơ trọi, điện không có, nước thiếu thốn, lại thêm đường sá đi lại rất khó khăn, chị Nguyễn Thị Hằng (vợ anh Phò) đã... bàn lùi khi tính chuyện quay về thị trấn Tân Yên để tìm việc khác. Nhưng, khi chí đã quyết, anh Phò quyết tâm phải làm bằng được.

Đầu tiên, anh huy động tất cả mọi người trong gia đình phát rẫy, đào hố, phối hợp cùng người dân địa phương làm đường dẫn nước từ sông Bạc lên Ngòi Lịp. Tiếp đó, anh đánh liều đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên vay 400 triệu đồng. Con số ấy với nhiều người dân địa phương là một món tiền quá lớn và ít ai tin anh Phò sẽ vay được. Nhưng, sau khi khảo sát mô hình trồng cam và định hướng làm ăn, phát triển kinh tế trang trại của anh Phò, ngân hàng đã đồng ý cho vay vốn hỗ trợ lãi suất.

Biến không thành có


Khi khởi nghiệp, mọi thứ vô cùng khó khăn. Anh Phò lo, các cán bộ ngân hàng cũng lo chẳng kém. Ngay vụ cam đầu tiên, gia đình anh Phò mất trắng vì thiên tai. Không nản, anh Phò dồn hết số tiền còn lại để tiếp tục đầu tư vào trồng cam, nuôi gà và lợn. Cuối cùng thì trời cũng không phụ lòng người, từ vụ cam thứ hai trở đi, gia đình anh Phò liên tục thắng lớn. Ở lần thu hoạch gần nhất, 10ha cam đã mang về cho gia đình anh gần 200 tấn quả, nếu tính theo giá thị trường là 10.000 đồng/kg thì sau khi trừ đi các chi phí, gia đình anh Phò đã lãi 1,5 tỷ đồng.

Nhờ có người tiên phong như anh Phò, Khuổi Mù từ chỗ là thôn nghèo giờ đã thành thôn giàu ở xã Vĩnh Hảo vì bà con học tập và làm theo anh Phò. Anh Phò khẳng định: "Đất và cam ở Khuổi Mù này, nếu biết cách làm ăn thì lo gì không đạt được hiệu quả. Quan trọng là ý chí và sự hỗ trợ về vốn đúng lúc mà thôi". Lời bộc bạch của anh Phò chẳng sai chút nào bởi cam sành Hàm Yên đã được bầu chọn là 1 trong 50 loại quả có giá trị nhất Việt Nam và được rất nhiều người biết tiếng.

Có được đà, anh Phò mong muốn phát triển thương hiệu hơn nữa, để cam sành Hàm Yên có thể xuất khẩu ra nước ngoài. Để có được điều đó, anh không giấu giếm ý tưởng sẽ thành lập một hội cam sành Hàm Yên ở Khuổi Mù, để mọi người có thể trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về vốn cũng như sản xuất, tiêu thụ. Nghe chuyện, ông Tuấn khẳng định: "Nếu ý tưởng ấy thành hiện thực, ngân hàng chúng tôi sẵn sàng ủng hộ và giúp nông dân vay vốn để làm ăn, phát triển kinh tế".

Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Trồng sầu riêng lãi 360 triệu đồng/năm

Nhiều năm liền, anh Văn Thành Trưởng ở ấp Hiệp Phú, xã Hiệp Đức (Cai Lậy, Tiền Giang) đã chủ động xử lý để sầu riêng ra hoa trái vụ, khắc phục trình trạng được mùa mất giá, thu lợi nhuận 360 triệu đồng/năm.

Trước đây, gia đình anh Trưởng canh tác 9.000m2 ruộng sản xuất 3 vụ lúa/năm, năng suất bấp bênh. Năm 2003, sau khi có hệ thống đê bao khép kín, anh chủ động lên mô trồng 195 gốc sầu riêng hạt lép giống Ri 6, dưới ruộng cấy lúa theo phương thức lấy ngắn nuôi dài, đồng thời tận dụng rơm, rạ ủ hoai bón gốc, giúp cây phát triển.


Sau 5 năm cây cho trái, anh lên mương để tiện việc chăm sóc. Hàng năm, vào khoảng tháng 5 âm lịch, sầu riêng cho thu hoạch sản lượng cao nhưng do đây là mùa thuận nên hàng dội chợ, thương lái ép giá. Thông qua tập huấn khuyến nông, anh chủ động xử lý cho cây ra hoa trái vụ bằng cách sau mỗi vụ thu hoạch, tỉa những cành, chồi thừa, chú trọng bón phân chuồng, phân hữu cơ, phân sinh học,... Đồng thời, anh phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh, dưỡng lá, giúp cây phục hồi và ra đọt non đồng loạt.

Vào khoảng tháng 7 âm lịch, khi cây ra đủ 3 cơi đọt, lá chuyển sang lụa, anh Trưởng đào hộc xung quanh gốc sầu riêng khống chế bộ rễ, dùng màng nylon phủ kín gốc, điều tiết nước cạn trong mương kết hợp phun thuốc kích thích giúp cây ra hoa. Khoảng 1 tháng hoa ra nhị, anh dùng chổi thụ phấn nhân tạo, phun thuốc định kỳ, bón phân nuôi trái, tỉa bớt trái xấu, để cây mang trái vừa đủ, hạn chế cây suy yếu.

Hơn 4 tháng sau cây cho thu hoạch (khoảng tháng 11 âm lịch), thời điểm này sầu riêng hiếm, thương lái đến tận vườn mua giá đến 30.000 - 35.000 đồng/kg. Nhờ áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật từ khâu chăm sóc, chọn giống, bón phân, tỉa cành hợp lý, vụ sầu riêng nghịch nào anh cũng trúng mùa, trúng giá, sản lượng đạt 17 tấn/năm. Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, anh còn khuyến khích nông dân mạnh dạn cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây có múi giá trị kinh tế cao, sinh hoạt câu lạc bộ khuyến nông ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao hiệu quả vườn chuyên canh nâng cao mức sống gia đình.

Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

Đứng lên từ thất bại

Đổ biết bao mồ hôi, công sức, vợ chồng ông Nguyễn Văn Tấn (thôn Tân Hiệp, xã Tân Liên, huyện Hướng hoá, Quảng Trị) mới có được 1 mẫu tiêu, hàng năm thu hoạch trên 3 tấn tiêu khô, thu hàng trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, đang ăn nên làm ra thì năm 1996, bệnh lạ tấn công làm cho vườn tiêu của ông chết không còn 1 cây. "Bao nhiêu vốn liếng trong gia đình, vợ chồng tôi đổ hết vào cứu vãn vườn tiêu. Nhưng do bệnh lạ, không có thuốc chữa trị hữu hiệu nên vườn tiêu chết hàng loạt. Gia đình tôi hoàn toàn trắng tay. Tôi suy sụp. Nhưng may được sự động viên của vợ con cũng như chính quyền địa phương, tôi quyết định làm lại một lần nữa" - ông Tấn nhớ lại.


Lò ấp trứng gia cầm của ông Tấn.

Không cam chịu nghèo đói, ông Tấn quyết định chuyển đổi từ trồng hồ tiêu sang trồng cà phê. Đồng thời, ông xây chuồng trại để chăn nuôi lợn, gia cầm... để lấy ngắn nuôi dài. Hiện, ông có gần 100 con lợn thịt, hàng trăm con gà, vịt. Mỗi năm, trừ chi phí, ông lãi ròng 200 triệu đồng từ chăn nuôi. Ngoài ra, ông còn đầu tư 2 lò ấp trứng gà, vịt để phục vụ con giống cho gia đình cũng như cho bà con địa phương. Nhờ vậy, ông giảm được chi phí trong chăn nuôi. Đó là chưa tính đến vườn cà phê giá trị bạc tỷ của ông.

Ông Tấn không chỉ là người làm kinh tế giỏi mà còn luôn giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho nhiều nông dân trong xã. Nhiều gia đình nghèo đói, được ông động viên, hướng dẫn làm ăn không những thoát nghèo mà giờ đây đã khá giả. "Trước đây, gia đình tôi nghèo lắm, đất đai nhiều nhưng không biết nên làm gì. Từ khi được anh Tấn động viên, hướng dẫn nuôi lợn, gà, vịt... giờ gia đình tôi đã có của ăn của để" - ông Nguyễn Kỳ (thôn Tân Hiệp) tâm sự.

Ông Phạm Cáng - Chủ tịch Hội ND xã Tân Liên, nhận xét: Ông Tấn là ND SXKD giỏi điển hình của xã, ông luôn giúp đỡ mọi người phát triển kinh tế. Ông cũng là người đi đầu trong sáng lập Hội Khuyến học của xã. Năm nào, ông cũng ủng hộ Hội Khuyến học của xã cả chục triệu đồng.

Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

Thu nhập cao nhờ kết hợp trồng rừng, nuôi bò

Từ cuộc sống cực khổ, phải lo bữa ăn từng ngày, nhưng nhờ cách làm ăn mới, anh Hoàng Văn Tánh ở thôn Trung Long (Quảng Trị) đã thoát nghèo và có 'của ăn của để.

Là con thứ 3 trong gia đình nghèo có 6 anh em, học hết lớp 7 anh Tánh đi làm thợ xây kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Năm 1993 lập gia đình, theo tiếng gọi của chính quyền, anh rời quê hương xã Triệu Trung lên vùng kinh tế mới ở thôn Trung Long (Quảng Trị) lập nghiệp.

Mang quyết tâm đổi đời lên quê hương mới, vợ chồng trẻ dựng tạm căn lều nhỏ, ngày đêm chịu khó khai hoang đất đồi trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc. “Ngày đó vùng này hoang vu lắm, có đêm nằm ngủ trong lều, thú dữ cứ gầm rú bên ngoài sợ đến kinh hoàng. Bữa ăn thì chỉ toàn rau rừng, lâu lâu đi chặt bó củi về miền xuôi bán mới mua được miếng thịt cải thiện”, anh Tánh nhớ lại tháng ngày cơ cực.

Chính vì những khó khăn buổi ban đầu như thế mà trong hàng trăm người lên vùng Trung Long lập nghiệp, chỉ còn trụ được vài người, trong đó có gia đình anh Tánh. Với lòng quyết tâm làm giàu, anh Tánh đã vượt qua mọi khó khăn để khai hoang và trồng 20ha tràm, trung bình 5-6 năm thu hoạch một lần, bình quân cho anh trên 150 triệu đồng mỗi năm.


Mỗi năm anh Thắng thu được khoảng 170 triệu đồng từ đàn bò. Ảnh: DV.


Cùng với khai hoang trồng rừng, năm 1996, anh Tánh mua thêm một cặp bò nuôi gây đàn và bán dần. Từ năm 2008 đến nay, đàn bò của gia đình anh Tánh duy trì 30 con, có 15 con bò cái sinh sản giúp anh tự cung cấp giống. Bò giống nuôi một năm có thể xuất bán với giá 12-18 triệu đồng một con. Mỗi năm anh bán 15 con bò giống và bò thịt, lợi nhuận bình quân được khoảng 170 triệu đồng.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Tánh còn giúp đỡ người dân địa phương về nguồn vốn, kỹ thuật trồng rừng, nuôi bò để cùng phát triển làm giàu.

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Ông chủ tịch làm trang trại giỏi

Ông Đỗ Thọ - Chủ tịch Hội ND huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, không những là một cán bộ năng động, nhiệt tình, mà còn là điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương, với doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm từ nuôi gà, cá...

Trang trại nuôi gà, cá trê của ông Thọ với diện tích hơn 1,5ha nằm ven bờ kênh chính Phú Ninh (Tam Vinh, huyện Phú Ninh). Ông Thọ kể: "Năm 2005, vùng đồi núi Rừng Dàn, thôn Vĩnh Quý, xã Tam Vinh không một bóng người. Thấy đồi núi rất thuận lợi để mở một trang trại, tôi quyết định cùng vợ con ra phát dọn. Lúc đầu tôi phát dọn gần 1ha, rồi trồng keo xung quanh để tạo thành một vòng rào bảo vệ. Khoảng giữa, tôi thành lập một gia trại nuôi gà và đào ao nuôi cá trê.


Trang trại gà của ông Đỗ Thọ.

Bán những lứa gà đầu tiên, ông dồn tiền mở rộng diện tích. Hiện trang trại của ông rộng 1,5ha. Mỗi năm ông xuất bán khoảng hơn 20 tấn gà thịt, tổng doanh thu 1 tỷ đồng, trừ hết chi phí, lãi 200 triệu đồng. Thấy trang trại của ông Thọ phát triển tốt, một số hộ dân gần đó học hỏi làm theo. Thế là từ một đồi núi hoang vu giờ có gần 10 gia trại nuôi gà, heo, cá... Tất cả đều có thu nhập cao.

Ông Thọ chia sẻ: "Với trách nhiệm của mình, tôi cùng với tập thể Hội tuyên truyền, vận động, tuyên truyền cho hội viên ND chính sách của Đảng, chủ trương của Nhà nước, nhất là áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp nhau xóa đói giảm nghèo".

Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Nam, nhận xét: "Tuy mới được bầu làm Chủ tịch Hội ND huyện Phú Ninh (tháng 10.2012), nhưng ông Thọ dành nhiều thời gian đi cơ sở để hướng dẫn ND kinh nghiệm mà mình tích luỹ được để phát triển kinh tế. Riêng trang trại của ông Thọ, theo tôi đây là mô hình hiệu quả. Hội ND tỉnh sẽ lấy trang trại của ông Thọ là điểm cho các cấp hội trong tỉnh đến nghiên cứu, học tập về hướng dẫn hội viên, ND địa phương mình làm".

Duyên nợ với sầu riêng

Quyết tâm đốn hạ vườn sầu riêng đang cho trái để thử nghiệm lai tạo, tìm ra một giống mới; chấp nhận 5 năm không thu hoạch để nuôi giấc mơ về một giống sầu riêng đột biến. Sự kiên trì của ông Nguyễn Tiến Tài, còn gọi là Tư Tài, cuối cùng đã được đền đáp khi Thiên Hương - giống sầu riêng mới mang tên con gái ông đã ra đời. Từ đó, nhiều người dân ở xã Tân Phong, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh gọi ông bằng cái tên "Ông Sầu Riêng".

Cây sầu riêng gần 14 năm tuổi là 1 trong 3 cây đầu dòng của giống sầu riêng Thiên Hương Tây Ninh do chính ông Tư Tài lai tạo ra. Hiện nay toàn bộ khu vườn rộng gần 14000 m2 của ông có khoảng 140 cây thuộc giống này đang cho trái. Với năng suất bình quân 70 trái/cây, mỗi năm, vườn sầu riêng mang về cho ông Tài khoảng 200 triệu đồng tiền lãi.


Ông Tài trong vườn sầu riêng nhà mình.

Nung nấu quyết tâm cải tạo vườn sầu riêng.
Năm 1996, trong một lần về Tây Ninh công tác, ông Tư Tài đã được một người bạn giới thiệu cho khu vườn hiện tại. Khu vườn đang có 40 gốc sầu riêng xen với 100 gốc chôm chôm đang cho trái, có giá bán 30 cây vàng. Vốn dĩ xuất thân là bộ đội sau đó chuyển sang giảng dạy về cơ khí, ông Tài không hề có kinh nghiệm vườn tược nhưng ông vẫn quyết định mua lại khu vườn dành để dưỡng già. Nhưng dưỡng già đâu chưa thấy, khu vườn mới mua lại khiến ông ăn không ngon, ngủ không yên. Bởi lẽ tuy nói là 40 gốc sầu riêng nhưng chỉ có 25 gốc cho trái, đã thế, trái ngon thì ít mà trái dở lại nhiều, bán ra bị trả lại, vợ chồng ông phải hoàn tiền cho người.

Từ thực tế đó, ông nung nấu quyết tâm phải cải tạo cho bằng được vườn sầu riêng. Ông bèn chọn ra các trái ngon nhất để lấy hạt rồi đem ươm thành cây giống. Ông nghĩ trong hàng trăm cây mình ươm chắc chắn sẽ có cây đột biến, cho trái ngon. Trong thâm tâm ông biết, khả năng có sự đột biến đó là rất thấp nhưng ông vẫn nuôi hy vọng.

Nuôi hy vọng đó, Tư Tài đã đi đến một quyết định được xem là táo bạo và khó khăn nhất trong cuộc đời làm vườn của ông cho đến nay. Đó là chặt bỏ toàn bộ 40 cây sầu riêng đang có để ghép vào các cây giống đã ươm. Dĩ nhiên, quyết định đó, thực sự là một cú sốc lớn đối với cả gia đình ông, nhất là đối với bà Lan. Bà Lan tâm sự : "Tôi cứ năn nỉ ông thôi anh ơi, để đó đi, nó dở thì mình bán rẻ thì mình lấy tiền cũng có, chứ còn bây giờ anh chặt hết thì sống bằng gì. Ông bảo, thôi tôi quyết định rồi, đừng có cản ngăn tôi, tôi không có nghe đâu. Tôi quỳ xuống tôi khóc, tôi năn nỉ, thôi ông ơi cho tôi xin ông đừng chặt nữa. Mà lúc tôi năn nỉ dường như là thêm sức cho ông ấy, ông ấy chặt ầm ầm, tôi quỳ xuống tôi khóc, ông đỡ tôi lên, bảo thôi đi vào nhà đừng khóc, người ta biết được người ta cười chết, để tôi quyết định, coi như tôi không có làm chuyện gì mà tôi không suy nghĩ đâu, tôi đã suy nghĩ rồi thì đừng có cản ngăn, tôi làm là phải có thắng lợi."

5 năm qua đi, cũng là lúc những cây sầu riêng mới cho mùa trái đầu tiên. Đúng như ông suy nghĩ, không có quá nhiều sự đột biến, trái lại, cây cho trái dở khá nhiều. Lại ngặt nỗi, ông Tư Tài không hề ăn được sầu riêng, cho nên, ngon hay dở đều là khách hành bình phẩm. Phải mất thêm 3 mùa trái nữa, ông mới có thể chọn ra 5 cây cho trái ngon nhất, trong đó có Thiên Hương.

Theo ông Tư Tài, ông đặt tên Thiên Hương mang nặng ý nghĩa tâm linh. Bởi theo ông Tài chia sẻ thì Tây Ninh có núi Bà Đen thờ bà Lý Thiên Hương, thiêng nhất tỉnh Tây Ninh nên hàng năm tiếp hàng triệu lượt khách thập phương đến cầu khấn. Đặc biệt là cô con gái của ông Tài cũng tên là Thiên Hương, với ông người con này là con cầu con khẩn, được ông xin từ bà Thiên Hương.

Đối với bà Lan - vợ ông, ký ức về mùa trái đầu tiên của cây sầu riêng Thiên Hương vẫn còn nguyên vẹn như mới ngày hôm qua. "Cái trái đầu tiên là hơn 9 kg, tôi bán trái đầu đó tương đương với hơn 1 bao gạo, mua về người ta nói rằng ăn 7 ngày không hết mà múi nào múi nấy mở ra bằng cái chén"- Bà Lan nói.

Thế nhưng ít ai biết được rằng, 8 năm trước mùa trái đầu tiên này, bà đã từng ngã quỵ giữa vườn kêu khóc khi ông Tư Tài quyết định chặt ngang toàn bộ 40 cây sầu riêng đang cho trái - vốn là kế sinh nhai của cả gia đình khi đó.

Năm 2007, ông đăng ký thành công nhãn hiệu sầu riêng Thiên Hương. Lại một lần nữa, ông cưa ngang những gốc sầu riêng trong vườn. Thế nhưng lần này, vợ ông không khóc, cũng không phản đối. Bởi lẽ lần này, ông chặt bỏ những cây sầu riêng cho trái dở để nhân rộng giống sầu riêng Thiên Hương thơm ngon đặc biệt ra toàn vườn. Lại thêm 5 năm chờ đợi như lần trước, có điều lần này, Tư Tài không còn thấp thỏm hy vọng sự đột biến nào nữa.

Cách làm sáng tạo mang hiệu quả cao.
Vốn nghề cơ khí, kinh nghiệm vườn tược của Tư Tài gần như bằng không. Thế nhưng điều đáng khâm phục ở lão nông này chính là khả năng biến không thành có, biến kinh nghiệm của người khác thành cách làm của mình, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất.


Công trình guồng nước ông Tài tự chế để tưới vườn cây.

Ông Tài đã tự thiết kế hệ thống tưới tự động. Hệ thống này có guồng nước lấy nước từ con suối bên dưới, sau đó sẽ dẫn vào vườn sầu riêng thông qua hệ thống đường ống. Không cần điện, không cần sức người, chỉ qua một đêm là nước sẽ được đưa đến đến tràn ngập các gốc sầu riêng hoặc chôm chôm.

Chỉ khi cây đang ra hoa và trái nhỏ thì ông Tài mới không dùng guồng vì nước nhiều sẽ làm bông trái rụng. Thời gian còn lại, ông chia đều cứ 4 ngày sẽ đưa nước từ guồng đến một khu nhất định. Nhờ có hệ thống này, ông có thể tiết kiệm được gần như tối đa tiền điện chạy máy bơm nước. Ông Tài bộc bạch: "Từ ngày có guồng đến giờ mình giảm được ¾ tiền điện một năm. Ví dụ 1 năm mình chỉ sử dụng ¼ tiền điện: lúc nó đang ra bông ra hoa ra nụ thì tưới điện, tưới nhắp, tưới sương sương thôi, còn khi trái lớn lên rồi mình tưới nước không sợ dư nước, rụng trái thì lúc đó mình tưới guồng thì chỉ tốn ¼ tiền điện."

Không chỉ tưới nước, cách bón phân của ông cũng vô cùng đặc biệt. Không bón nhiều phân hóa học, cũng không dùng phân chuồng hoai, phân bón ông sử dụng là mắm cá. Nhờ mắm cá mà những trái sầu riêng của ông dường như ngon hơn bình thường lại giúp tiết kiệm đáng kế chi phí phân bón. Cách làm này tình cờ được ông phát hiện trong một lần về quê vợ.

"Bấy giờ có một ông cậu vợ ở Trảng Bàng, ông có 1 cái cây ở bên gần sàn nước, thường rửa thịt, rửa cá, đến khi cả nhà ăn thấy nó ngon, thế rồi mới khẳng định trái sầu riêng này là ngon. Thế là tôi mới bắt đầu học. Nó gần như là phân bón đó, tôi toàn sử dụng cái đó. Nó rẻ hơn gấp 3-4 lần, ví dụ trước đây vườn tôi chi phí tiền phân 15-16 triệu chưa đủ, mà giờ sử dụng mắm cá làm phân bón thì chi phí có 5-6 triệu thôi."- Ông Tài nói.

Với những cách làm hiệu quả đó, năm 2012, vườn sầu riêng đã mang về cho ông thu nhập gần 250 triệu đồng, sau khi trừ mọi chi phí, ông lãi hơn 200 triệu đồng. Dự tính mùa trái năm nay thu nhập sẽ còn cao hơn.

Nhiều người có thể cho rằng thành công của cha đẻ trái sầu riêng Thiên Hương là nhờ ăn may. Nhưng với Tư Tài, không có thành công nào là không phải trả giá. Cũng như với ông, nếu không có Thiên Hương, thì cũng không phải là thất bại. Vì khi đó, ông đã thành công trong việc bảo vệ giá trị của mình, điều ông luôn coi là lẽ sống.

Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

Xóa đi sự tự ti, mặc cảm để làm giàu

Tôi sinh ra ở mảnh đất nghèo Định Hóa (Thái Nguyên), lớn lên giữa bạt ngàn chè xanh cùng với cuộc sống cơ hàn, quần quật làm quanh năm cũng chỉ tạm đủ no lòng.
Anh Đặng Xuân Ngọc - xã Sơn Phú, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên:

Lập gia đình năm 17 tuổi, tôi được bố mẹ tách cho ra ở riêng ngay chỉ với hơn 1 sào ruộng cấy, khoảng 3 sào đất trồng chè và căn lán mái lợp fibro ximăng tạm bợ. Sau nhiều ngày đạp xe đến những địa chỉ làm kinh tế thành công từ trồng chè rồi qua phòng nông nghiệp huyện để tham khảo ý kiến các cán bộ, mất thêm một số đêm thức trắng, tôi đã tìm được hướng đi cho riêng mình, đó là phải đầu tư ươm giống chè cành tại vườn nhà để cung cấp cho bà con xung quanh và thị trường.

Đem dự định bàn với vợ, nhận được sự đồng thuận, tôi đến ngân hàng đánh bạo thế chấp sổ đỏ vay vốn về làm kinh tế. Với số tiền 100 triệu đồng ngân hàng cho vay, tôi dựng tạm một ngôi nhà gỗ, mua 1 mẫu đất đồi và tiếp tục dùng tiền đầu tư cải tạo, rồi đi tìm nguồn giống. Tôi lặn lội về Viện Nghiên cứu cây trồng ở Phú Thọ để nhập chè giống về ươm. Ươm hom chè giống không đơn giản, tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm.


Anh Đặng Xuân Ngọc.

Khó khăn nhất là khâu tìm đầu ra cho chè giống. 10 vạn hom chè lứa đầu tiên chỉ bán được phần nửa. Cả nhà tôi như ngồi trên đống lửa, mất ăn, mất ngủ. Phải chật vật lắm vợ chồng tôi mới bán hết được giống, thu về gần đủ vốn. Không đầu hàng, tôi chủ động đi tìm thị trường, xây dựng uy tín và dần dần có được đầu ra tương đối ổn định khi ký kết cung cấp giống cho Công ty Giống cây trồng Thái Nguyên và cung cấp hom giống thường xuyên cho một số địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Cuối năm 2012 đầu năm 2013 vừa rồi, vườn ươm của tôi đã xuất ra thị trường gần 600 vạn hom chè giống, trừ hết chi phí vẫn còn trên 300 triệu đồng. Giờ đây, bước vào tuổi 27, tôi đã có một cơ nghiệp kha khá, một gia đình hạnh phúc và một lưng vốn nhất định về kinh nghiệm làm chè giống.

Với hơn 1ha vườn ươm hiện nay, tôi đã tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho gần 20 thanh niên trong xã. Trong tương lai, tôi sẽ mở rộng quy mô vườn ươm của mình để không những làm giàu cho bản thân mà còn giúp ích thêm cho nhiều người. Đặc biệt, tôi muốn xóa đi sự tự ti, mặc cảm của thanh niên quê mình trước những khó khăn để khẳng định rằng, làm được kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mới thực bền vững...

Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

Kiếm bộn tiền nhờ kinh doanh nhím cảnh

Vốn ít, công chăm sóc không nhiều, nhưng mỗi tháng chị Ngọc cũng có thêm 12-15 triệu đồng nhờ nuôi nhím cảnh.

Năm 2010, trong một lần tình cờ vào Tây Ninh thăm người bạn cũ, chị Nguyễn Bích Ngọc, công tác tại một viện nghiên cứu về công nghệ Hà Nội đã không khỏi ngỡ ngàng khi thấy những con nhím cảnh nho nhỏ, xinh xinh nhập từ Thái Lan. Không kìm được sự thích thú, chị đã xin người bạn tặng cho 3 cặp để nuôi.

“Bình thường, trong suy nghĩ của tôi, nhím là loại động vật rất khó gần, có bộ lông sắc nhọn nhưng khi nhìn thấy chúng hiền lành dễ thương, tôi đã muốn sở hữu ngay”, chị Ngọc nói.



Nhím cảnh có nhiều màu sắc và nhỏ hơn rất nhiều so với nhím bình thường. Ảnh:NCNL.


Nuôi được một thời gian, 3 cặp nhím của chị có thai và sinh con. Khi đàn phát triển mạnh, tới vài chục con, cũng chính lúc này trào lưu chơi nhím cảnh nở rộ, cộng với số lượng khách quan tâm lớn dần khiến chị nảy ra ý tưởng làm thành trại.

“Loài nhím này rất dễ chăm sóc, ít khi mắc bệnh, chi phí để nuôi cũng không cao. Do đó, tôi quyết định bỏ ra 20 triệu đồng để đặt thêm giống ở Thái Lan và xây dựng chuồng trại”, chị Bích nói.

Với số vốn đầu tư trên, chị Bích xây một trại rộng gần 20m2, với những tủ kính và chuồng lồng có kích thước 30x30 cm, mỗi hộp nuôi một cặp hoặc 3 con (2 cái, một đực). Thông thường, một cặp nhím nuôi khoảng 5 tháng là bắt đầu có thể sinh đẻ. Chúng mang thai 35 ngày, nuôi con 1,5 tháng. Sau khi tách con khoảng một tuần thì chúng có thể phối giống trở lại. Thực phẩm chính dành cho nhím là thức ăn khô công nghiệp của mèo. Ngoài ra, chị còn cho ăn thêm sâu, dế mèn, đậu, cà rốt, bí ngô. Mỗi con một ngày ăn khoảng 5-8 gram thức ăn. Để chuồng đảm bảo vệ sinh, nơi ở của nhím sẽ được dọn dẹp một ngày một lần. Ngoài tủ kính trong suốt, vào mùa đông chị Bích thường bổ sung thêm mùn cưa để lót chuồng tạo hơi ấm, do loài vật này rất sợ lạnh.

Vì không mất nhiều thời gian, công sức để chăm bẵm như các loại thú cưng khác, lại được giới trẻ yêu thích nên chỉ sau một thời gian ngắn chị đã nâng lượng đàn lên 186 con. Nhờ số lượng đàn lớn, mỗi tháng chị có doanh thu vài chục triệu đồng. Sau khi trừ tất cả chi phí chị còn lãi 12-15 triệu đồng một tháng.

“Thông thường tôi bán 250.000 đồng một con, tuy nhiên, nếu khách mua về làm giống thì một cặp bao gồm cả phụ kiện và chuồng là 1,4 triệu đồng”, chị Bích chia sẻ.



Tủ kính là một trong những vật dụng phù hợp để nuôi nhím cảnh. Ảnh: NCNL.


Chị cũng cho hay, trọng lượng cũng như màu sắc của nhím cảnh so với loại thông thường rất khác biệt. Nhím cảnh chỉ nặng vài trăm gram, miệng nhỏ, chân ngắn, di chuyển không được nhanh như nhím thông thường nhưng chúng rất dễ gần và lành tính nên được nhiều khách để ý.

"Nhiều khi trang trại không còn hàng để bán. Đặc biệt, dạo gần đây, thương lái Trung Quốc rất mê loài động vật này nên nhím của tôi cứ đẻ ra đến đâu là họ đặt hàng hết đến đó", chị Bích cười nói.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm nuôi nhím cảnh, chị cho hay, chỉ cần cho chúng ăn 2 buổi vào sáng sớm và chiều tối. Để tránh cho nhím đang mang thai và mới sinh bị nhiễm lạnh, nên dùng đèn để sưởi ấm. Ngoài ra, để tăng cường sức đề kháng cho nhím, chị cho uống thêm vitamin mua ở hiệu thuốc thú y. Sau khi tắm cho nhím xong cần phải sấy khô cẩn thận.

“Khi nhím sinh con chúng có biểu hiện khá giống loài mèo, rất hung dữ. Nếu không cho ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, chúng có thể ăn luôn con mới sinh. Hoặc đối với trường hợp động chuồng, có hơi người trên mình nhím con, mẹ chúng sẽ sợ hãi tha đứa con yếu ớt đi và cắn cho đến chết”, chị Bích chia sẻ.

Do vậy, theo kinh nghiệm của chị, cần để nhím mới sinh ra một khu để mẹ chúng nuôi cho đủ lớn rồi mới bắt đầu tách và vuốt ve chăm sóc chúng. Ngoài ra, nếu chơi với nhím nên luồn tay nhẹ dưới bụng để nhím cảm thấy gần gũi. Nếu chụp ngay, chúng sẽ sợ hãi và xù gai đâm vào tay rất buốt. Mặt khác, đối với nhím đang phát triển nếu muốn chúng quen hơi người phải chăm sóc và tập từ nhỏ.

Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

Vượt khó trở thành tỉ phú

Đã 62 tuổi, nhưng ông Nguyễn Tiến Định, thôn Khánh Vân, xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang vẫn say mê mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc…

Trước năm 2004, như bao hộ dân ở địa phương, gia đình ông Nguyễn Tiến Định chỉ sống nhờ vào mấy sào ruộng khoán. Để có tiền nuôi các con ăn học, ông Định phải làm rất nhiều nghề nhưng cái nghèo vẫn đeo đẳng. Với suy nghĩ phải thay đổi cách làm để cải thiện cuộc sống, năm 2004, ông Định mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại nuôi lợn siêu nạc. Ban đầu, gia đình ông chỉ chăn nuôi lợn thịt, nhưng sau mỗi lứa xuất bán lại khó mua con giống, giống lợn từ nơi khác về không rõ nguồn gốc, khó kiểm soát dịch bệnh, trong khi nhu cầu mua lợn giống của bà con nông dân địa phương rất lớn. Cuối năm 2005, gia đình ông nuôi thêm cả lợn nái sinh sản để cung cấp giống cho gia đình và bà con trong vùng.

Ông Nguyễn Tiến Định bên trang trại của gia đình.

Ông thầu ruộng của thôn cộng với số ruộng của gia đình được 7.000m2 làm trang trại khép kín, chia làm 3 khu vực, khu nuôi lợn nái sinh sản, khu nuôi lợn con sau khi tách mẹ và khu nuôi lợn thịt siêu nạc. Hiện gia đình ông có 200 lợn nái đẻ, hơn 1.000 lợn thịt, trung bình mỗi tháng xuất bán 15 tấn lợn thịt đi các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên… Doanh thu đạt 700 triệu đồng/tháng, trừ chi phí lãi hơn 50 triệu đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 6 lao động.

Ông Định chia sẻ kinh nghiệm nuôi lợn sinh sản: “Chăn nuôi quan trọng nhất là phải tiêm phòng đầy đủ, thường xuyên kiểm tra thú y và giữ nhiệt độ chuồng trại hợp lí; mùa Hè trời nóng phải có giàn phun nước làm mát; mùa Đông che kín gió, chú ý bổ sung thực phẩm chức năng cho lợn theo lứa tuổi”. Để có thêm kiến thức, ông Định thường xuyên tham dự các cuộc hội thảo khoa học về chăn nuôi. Khi gặp khó khăn, ông chủ động gọi điện trao đổi với các chuyên gia của Trường Đại học Nông nghiệp I tìm nguyên nhân và nhanh chóng có biện pháp giải quyết. Là một trang trại lợn có quy mô lớn nhất nhì huyện, ông tự tìm tòi, nghiên cứu cách phòng bệnh cho đàn lợn theo từng lứa tuổi mà không phải nhờ đến bác sĩ thú y. Mới đây, ông tiếp tục đầu tư 800 triệu đồng mua đất và xây mới 1.100m2 chuồng chăn nuôi.

Làm giàu cho mình, ông Nguyễn Tiến Định còn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với các hộ chăn nuôi để đàn lợn tăng trưởng nhanh. Nhiều hộ trong xã muốn làm theo mô hình của gia đình ông nhưng không có vốn, ông phổ biến kiến thức chăn nuôi và cung cấp lợn giống không lấy lãi. Ông đúng là một nông dân sản xuất giỏi, tấm gương vươn lên thoát nghèo để mọi người học tập.

Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

Trồng xen canh cây ăn quả

Trang trại của anh Nguyễn Hải Tùng ở xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội nhờ trồng cây ăn quả đã hái ra tiền. Trước khi bắt tay vào SX, vợ chồng anh đã có hơn chục năm buôn bán hoa quả.

Anh Tùng chia sẻ: "Ổi, táo là những trái cây mà thị trường rất cần, dễ tiêu thụ, vấn đề là giá thành lúc cao lúc thấp mà thôi. Đây cũng là những loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc...".

Khu vườn của anh Tùng có diện tích khoảng 4 mẫu, được thuê lại với mức giá trung bình 600.000 đ/sào. Anh kể trước đây là một vùng trũng, cỏ mọc um tùm, chỉ nhìn là lắc đầu ngán ngẩm. Hai vợ chồng phải mất nhiều tháng mới có thể thu dọn hết cỏ. Sau đó thuê máy múc đất đắp lên để trồng cây. Vùng trũng trở thành ao thả cá. Tính ra, anh phải đầu tư 400 triệu đồng để cải tạo vườn cây, ao cá như bây giờ.


Anh Tùng chăm sóc cây ổi

Hiện anh Tùng có 1 mẫu ao thả cá; 8 sào trồng ổi với khoảng 400 gốc; 300 cây táo; còn lại là đu đủ, vải thiều... Theo anh, mô hình trồng xen cây có kỹ thuật chăm sóc đặc biệt. Chẳng hạn với táo, anh chỉ trồng và thu hoạch trong vòng 2 năm, đến năm thứ 3 thì chặt bỏ. Táo để càng lâu năm, tán sẽ càng to, quả nhiều nhưng không thể để, vì cây càng to thì việc chăm sóc sẽ khó khăn hơn, hơn nữa ảnh hưởng đến sự phát triển của cây khác.

Còn đu đủ cần thay gốc thường xuyên, năm nay trồng ở vị trí này, năm sau trồng ở một chỗ đất mới hơn. Đối với ổi cũng thế, sau khi thu hoạch, anh cắt cành, không chỉ để quang đãng, mà còn cho cây kịp nảy cành mới và ra quả mùa sau.

Theo anh, trồng cây ăn quả nói chung và trồng ổi nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Đã có năm gặp phải mưa nhiều, bị ngập nước, cây cho năng suất rất thấp, đu đủ bị thối rễ, ổi và táo thì mất mùa. Đặc biệt, cần chú ý đến việc phòng trừ sâu bệnh cho cây.

Từ 3 năm nay Tùng đều ăn, ngủ ở trang trại, chưa một đêm nào anh về nhà ngủ. Cả hai vợ chồng quần quật làm vườn cả ngày. Từ Tết đến giờ, do lượng công việc quá nhiều nên anh phải thuê thêm nhân công. Anh vui vẻ cho hay, vườn cây cho thu nhập vài ba trăm triệu mỗi năm, đủ ăn đủ tiêu với một gia đình 6 người và tích cóp được một khoản tiền để dành.

Với ổi, khi cây mới ra nụ hoa và quả non cần phun thuốc BVTV, vì đây là thời điểm dễ bị sâu bệnh nhất. Sau khi đã bọc lớp xốp bên ngoài thì không cần phun. Tùy vào thế của từng gốc ổi mà để số lượng quả cho phù hợp, nếu để nhiều quá thì cành bị gãy, mà quả cũng không to. Với mỗi gốc ổi từ 3 năm trở lên cho khoảng từ 70 - 100 quả.

Mùa ổi chính thường vào tháng 6, tháng 7 DL. Mùa ổi chiêm vào dịp sát Tết Nguyên đán. Anh Tùng cho biết, riêng mùa ổi chính năm vừa rồi, tính cả ổi găng và ổi bọc, vườn của anh thu hoạch được khoảng hơn 6 tấn.

Vườn rộng, chi phí đầu tư không phải là con số nhỏ. Ngay như số tiền để mua vỏ trấu để rải quanh các gốc cây, một năm cũng đã mất 17 triệu đồng. Khi hỏi anh tác dụng của việc rải trấu quanh gốc cây thế nào mà phải bỏ ra một số tiền lớn như thế, anh cho biết, rải trấu sẽ hạn chế được cỏ mọc, chống xói mòn đất và thuốc trừ sâu chảy xuống ao. Cứ trồng cây là nên rải trấu, tán cây to đến đâu thì rải đến đó.

Ngoài ra, phải bón phân theo vụ, mỗi lần bón tiền phân lên đến 100.000 đồng/gốc...

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

Quảng Bình: Đôi vợ chồng nghị lực vượt khó làm giàu

Đó là vợ chồng anh Nguyễn Văn Xuân, chị Phan Thị Thanh Dung, ở xóm 2, thôn Phương Hạ, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, với mô hình kinh tế tổng hợp VAC, cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Vợ chồng anh Xuân là tấm gương điển hình trong phòng trào xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Năm 1991 sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, chàng thanh niên Nguyễn Văn Xuân đã tham gia làm cộng tác viên y tế thôn bản, rồi gặp và lập gia đình với chị Phan Thị Thanh Dung đang làm nghề dạy trẻ tại địa phương. Do hàng tháng tiền phụ cấp của một cán bộ y tế thôn bản và cô giáo nuôi dạy trẻ không đáng bao nhiêu nên cuộc sống vợ chồng anh chị gặp rất nhiều khó khăn. Nhận thấy diện tích đất hoang hóa phía Tây của xã còn nhiều, năm 2003, họ đã mạnh dạn xin phép chính quyền địa phương được khai hoang, phục hoá để phát triển kinh tế.

Sau khi cải tạo được 3 ha đất hoang, vợ chồng anh Xuân đã vay vốn đầu tư trồng dưa hấu theo hình thức quảng canh để tích luỹ vốn tính chuyện làm ăn lâu dài. Với 3 ha đất ruộng trồng dưa, cho thu nhập khoảng 50 – 60 triệu đồng/năm.


Khu chăn nuôi lợn (Ảnh: KNQB)

Đến năm 2005 anh chị đã tích luỹ được một ít vốn để đầu tư mở rộng mô hình kinh tế. Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", năm 2005 vừa tiếp tục trồng dưa, vợ chồng anh lại quyết định đào thêm 4 sào ao thả nuôi cá nước ngọt và dựng tạm một khu chuồng chăn nuôi thêm vài con lợn nái để tăng thu nhập.

Mặc dù chưa có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, nhất là kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi gia súc cũng như thả nuôi cá nước ngọt nhưng nhờ quá trình tự học tập, tìm hiểu qua các loại sách báo, tài liệu hướng dẫn, qua quá trình tham quan, học tập ở nhiều nơi, vợ chồng anh chị càng ngày càng nắm vững các kỹ thuật quan trọng, cần thiết áp dụng vào sản xuất hiệu quả, cho năng suất cao.

Có thêm kinh nghiệm và vốn liếng trong tay, năm 2007, vợ chồng anh chị đã quyết định đầu tư mở rộng quy mô sản xuất bằng cách xây dựng mới 120m2 chuồng trại chăn nuôi lợn với quy mô khép kín, hiện đại. Đồng thời, mở rộng diện tích ao hồ nuôi cá lên 1 ha. Ngoài ra, vợ chồng anh còn trồng 3 ha cao su và nuôi gà.

Hiện, vợ chồng anh luôn duy trì nuôi 80 – 100 con lợn thịt mỗi lứa, mỗi năm 3 lứa cho xuất chuồng khoảng 20 tấn lợn hơi/năm, chăn nuôi 10 – 15 con lợn nái, bình quân hàng năm xuất bán được 200 con lợn giống, 1.200 con gà thịt.

Từ tiền bán lợn giống, lợn thịt và tiền bán gà, mỗi năm gia đình anh chị có nguồn thu nhập gần 900 triệu đồng. Ngoài chăn nuôi lợn trên diện tích 1 ha mặt nước, mỗi năm anh chị sản xuất khoảng 10 vạn con cá giống các loại, thả nuôi 4 vạn con cá rô phi và 500 con cá trắm cỏ, cho thu nhập từ 150 – 200 triệu đồng/năm.

Bên cạnh những khoản thu nhập "khủng" từ chăn nuôi gia súc, gia cầm và thả nuôi cá nước ngọt, hiện nay 3 ha cao su đang thu hoạch lứa đầu tiên, gia đình anh chị cũng có thêm khoản thu nhập 120 triệu đồng/năm.

Không chỉ giỏi trong làm ăn kinh tế, anh Nguyễn Văn Xuân còn là một Đảng viên, Hội viên cựu chiến binh, Hội viên nông dân gương mẫu, chị Phan Thị Thanh Dung là một Hội viên phụ nữ gương mẫu, có nhiều đóng góp cho phong trào của địa phương. Vừa qua, anh chị đã vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm và tặng quà động viên.

Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

“Vua” gà Đông Tảo Đồng bằng sông Cửu Long

Ba năm nay, ở thành phố Cần Thơ có trại gà Đông Tảo (giống gà quý phía Bắc) do anh Trần Văn Toản, sinh năm 1983, gây dựng tại quận Bình Thủy, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Trước đây, tôi nuôi gà thịt, giờ tập trung sản xuất giống mà chưa đáp ứng được nhu cầu”, anh Toản nói. Hằng ngày, buổi sáng là thời gian anh vất vả nhất vì phải chạy “gửi gà giống cho khách hàng”. Bắt đầu lúc nửa đêm, gửi theo xe khách xuống Rạch Giá cho kịp tàu thủy ra Phú Quốc, sau đó gửi đi các nơi khác. Nửa buổi về chăm sóc đàn gà.


Anh Toản với con gà nặng gần 6kg có cặp chân “khủng”. Ảnh: Sáu Nghệ

Theo lời anh Toản, sản xuất giống gà Đông Tảo tương tự trồng dừa sáp (dừa quý) ra ít quả. Gà Đông Tảo đẻ trứng, ấp nở trăm con chỉ được vài con có cặp chân “khủng”. Anh Toản ôm ra con gà nặng gần 6 kg, có cặp chân “khủng” đặc trưng Đông Tảo. Cặp chân đồ sộ đầy vảy thịt, không có vảy sừng như gà thường, màu đỏ au.

Anh giới thiệu: “Gà có cặp chân “khủng” tựa như cây cảnh, mỗi con mỗi giá, tính tiền triệu. Chúng được bán làm giống hoặc nuôi cảnh. Còn những con có cặp chân trung bình thì nuôi thịt. Giá một con giống từ 100-500 nghìn đồng tùy lớn bé”.

Mơ ước của anh Toản là phát triển nuôi gà Đông Tảo ở ĐBSCL vì nhu cầu thịt gà ngon sẽ ngày càng cao. “Như ngoài đảo Phú Quốc phát triển du lịch, nhu cầu thịt gà Đông Tảo đã tăng rất mạnh”, anh cười tươi.

Gà Đông Tảo đắt do giống đắt và khó phát triển đàn. Mỗi con gà mái từ khi nở ra phải nửa năm sau, nặng trên 3 kg mới đẻ trứng, một lứa chừng 8 quả mà ấp lại chỉ nở được 50-60%. “May mới được con mái đẻ ngoan chứ có con đẻ vài trứng là ngừng luôn”, anh cho biết. Gà nở ra rồi, anh Toản nuôi giống không rơi rớt con nào vì khí hậu phương Nam ấm áp thích hợp với giống Đông Tảo. Quan trọng hơn, anh đã nắm vững kỹ thuật.

Hồi đầu năm 2011, anh ra quê vợ ở tỉnh Hưng Yên học nuôi gà Đông Tảo rồi mua về 200 con giống, nuôi hao hụt mất gần 50%. Anh nói: “Khí hậu trong này ấm áp nhưng lúc giao mùa hay có gió lạnh. Giống gà Đông Tảo lớn nhanh, nhưng mọi con vật lớn nhanh đều hay dính bệnh, nhất là đường hô hấp và tiêu hóa”. Anh nắm được cách phòng trị, từ ngày đầu tiên gà nở cho đến các thời kỳ lớn lên. Khu nuôi gà được thiết kế hai phần, chuồng kín đáo ấm áp và sân cho gà tung tăng phơi nắng để “đỏ đẹp”. Nơi nuôi gà còn được luân phiên, mùa nuôi, mùa cho nghỉ để diệt các loại vi khuẩn, mầm bệnh.

Cha anh Toản là cựu chiến binh, rời quân đội về làm nhiều nghề sinh sống, cuối cùng mượn đất nuôi heo. Còn anh Toản lái xe công trình nhưng không nuôi nổi vợ con nên rẽ đường nuôi gà Đông Tảo. Nay cả hai cha con đều đã khá. Riêng anh, mỗi năm thu nhập mấy trăm triệu đồng, đủ sinh sống và phát triển trại gà.

Anh tâm sự: “Nhiều người đặt giống đã vượt khả năng sản xuất, nhưng tôi dứt khoát không trộn giống gà lai, chỉ cung cấp gà Đông Tảo thuần để bảo vệ giống quý. Tôi cũng liên kết với trại gà Đông Tảo ở Hưng Yên để lấy thêm giống ngoài đó, chuyển theo đường hàng không”.

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

Thu nhập trên 1,5 tỷ đồng/năm từ nuôi ba ba

Ông Nguyễn Văn Hòa ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang có 14 năm gắn liền với nghề nuôi ba ba với trang trại có quy mô 22 ao nuôi, nhiều khu dành cho ba ba đẻ trứng và lò ấp. Mỗi năm, ông Hòa xuất bán 5 tấn ba ba thịt và hơn 360.000 con ba ba giống với thu nhập từ 1,5 - 2 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Hoà bắt đầu nuôi ba ba từ năm 2000. Ban đầu, ông xây ao nuôi thử nghiệm 15 con ba ba giống nhưng do chưa biết cách chăm sóc, phòng bệnh nên ba ba chết dần dần. Học hỏi kinh nghiệm từ mô hình nuôi ba ba ở các tỉnh khác và tự rút kinh nghiệm trong quá trình nuôi, trong vòng 4 năm ông Hoà đã ổn định được tay nghề và bắt đầu kiếm được thu nhập 100 triệu đồng/năm.

Đến nay, quy mô trang trại của ông đã lên đến 22 ao nuôi và sản phẩm ba ba thịt của ông được bán cho thương lái và các nhà hàng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Ba ba giống của ông được người nuôi trong cả nước đặt hàng, ông cũng đã thành lập website giới thiệu về trang trại và quảng bá sản phẩm ba ba thịt, ba ba giống.


Ảnh minh họa

Theo ông Hoà, khó khăn nhất đối với nghề nuôi ba ba là đảm bảo số lượng ba ba giống trong quá trình ấp, phòng bệnh cho ba ba con và giữ nguồn nước tránh bị ô nhiễm. Mỗi con ba ba bố mẹ sinh sản từ 10 - 30 trứng/lần nên số lượng trứng mỗi lần ấp rất lớn, người nuôi phải kiên trì và cẩn thận trong việc nhặt trứng ba ba từ các ổ trứng trong cát, xếp gọn vào hộp xốp rồi đưa vào lò ấp. Ba ba non trong những tháng đầu cần quan tâm đến việc trị bệnh, nhất là bệnh nấm nên thường xuyên dùng thuốc phòng ngừa bệnh, cho ăn đều đặn để ba ba mau lớn và canh để ba ba không leo ra khỏi ao bỏ đi nơi khác. Với các ao nuôi, ông làm cống, bọng thông với nguồn nước kênh để thay nước thường xuyên trong ao, tránh để nguồn nước ô nhiễm gây bệnh cho ba ba.

Ông Hòa chia sẻ, muốn ba ba thịt đạt hiệu quả thì lựa con giống tốt, sạch bệnh, nuôi với mật độ 3-5 con/m2, mỗi ao có rào cao 40 cm so với mặt nước để ba ba không bò ra khỏi chuồng, trong ao có bãi cho ba ba ăn và phơi nắng. Ngoài ra, lựa chọn đối tượng bán cũng là vấn đề quan trọng, phải lựa thương lái và mối quen để bán đúng giá và giữ giá ổn định cũng như tạo đầu ra lâu dài.

Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Hậu Giang Lê Kim Ngọc cho biết: Mô hình nuôi ba ba của ông Hòa có hiệu quả kinh tế khá cao và đây là loại vật nuôi chưa phổ biến nhiều ở tỉnh Hậu Giang, lại đòi hỏi trình độ cao trong chăn nuôi nên rất ít người lựa chọn. Trong thời gian tới, Chi cục sẽ tăng cường mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi ba ba trong tỉnh, đảm bảo cho ba ba thịt đạt an toàn vệ sinh, gắn liền quá trình sản xuất đạt chất lượng với thị trường tiêu thụ ổn định để tăng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Cũng theo ông Lê Kim Ngọc, hiện tổng đàn ba ba thịt trong toàn tỉnh có trên 260.000 con, được nuôi chủ yếu ở huyện Phụng Hiệp, Vị Thuỷ, Châu Thành. Nuôi ba ba đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại thuỷ sản khác nhưng người nuôi cần nắm bắt các kỹ thuật trong quá trình chăm sóc, phòng ngừa bệnh cũng như ấp trứng sản xuất ba ba giống.

Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

Tỷ phú từ... 5 con bò

Năm 1977, vừa tròn 18 tuổi, ông Phạm Văn Tế ở Quỳnh Phụ (Thái Bình) lên Mộc Châu (Sơn La) lập nghiệp và trở thành công nhân Nông trường Mộc Châu.

Năm 1991, Nông trường có chính sách giao bò đến từng hộ để chăn nuôi. Mặc dù khó khăn, nhưng ông vẫn cố gắng nhận 5 con bò về nuôi và thầu 2ha đất trồng cỏ.

Hồi đó kỹ thuật nuôi bò chưa phát triển, mọi công đoạn từ làm đất trồng cỏ, thái cỏ, đến vắt sữa đều bằng sức người. Mặc dù chỉ có 5 con bò, nhưng hôm nào tối mịt vợ chồng ông mới được nghỉ. Để tăng đàn, cứ bò đẻ bê cái, ông lại giữ lại nuôi, bê đực bán lấy tiền đầu tư trồng cỏ, mua thức ăn. Cứ vậy, đến nay đàn bò của gia đình ông đã có 65 con, trong đó có hơn 25 con đang cho sữa.


Từ 5 con, hiện ông Tế có tới 65 con bò, mỗi năm thu gần 3 tỷ đồng, trừ chi phí lãi gần 2 tỷ đồng. Việt Tùng

Ông Tế nhớ lại: "Ngày trước nuôi bò sữa vất lắm, phần mình chưa có kỹ thuật, phần vì chủ yếu làm thủ công. Khi đó giá sữa cũng thấp, lại chưa có nhà máy, nên làm ra được lít sữa đã khó, bán lại càng khó hơn. Giờ sữa vắt ra đến đâu có nhà máy thu mua đến đó. Không chỉ vậy, Công ty Giống bò Mộc Châu còn triển khai bảo hiểm cho bò và giá sữa nên người chăn nuôi rất yên tâm".

Ông Tế cho biết, nuôi bò sữa vừa dễ lại vừa khó. Dễ bởi bò là loại ăn rất tạp, thức ăn dễ kiếm, nhưng muốn bò cho nhiều sữa, cần phải cân đối các loại thức ăn như cỏ xanh, cỏ khô Mỹ, cám, bột, gỉ mật... Khó, bởi bò sữa rất dễ mắc bệnh, khi chúng mắc bệnh chữa rất lâu và tốn nhiều tiền... "Với 65 con, trong đó 25 con cho sữa, trung bình mỗi ngày tôi thu 550kg sữa, nhân với giá 13.200 đồng/kg, mỗi năm thu hơn 2 tỷ đồng" - ông Tế cho biết.

Không chỉ vậy, mỗi năm ông Tế còn bán khoảng 15 con bê, trung bình 20 triệu đồng/con và khoảng 10 tấn phân thu về khoảng 400 triệu đồng. Hiện với 4ha đất để trồng cỏ, ông phân ra khu trồng yến mạch, cỏ voi, ngô... để làm thức ăn cho bò. Ngoài hai vợ chồng, ông còn thuê thêm 4 công nhân, với lương 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng để hỗ trợ ông chăm sóc đàn bò.

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

Thu hàng trăm triệu từ cây mắc ca

Trong lúc chưa có người trồng mắc ca nào thành công tại vùng núi phía tây Thanh Hóa, anh Phạm Hữu Tú vẫn dám chặt “non” gần 2ha luồng để dành đất cho một loại cây lần đầu tiên nghe tên.


Hơn 10 năm trước anh Phạm Hữu Tú (Thành Mỹ, Thạch Thành, Thanh Hóa) được nhận khoán 20 ha rừng từ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện. Ngoài việc chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ, diện tích còn lại anh cùng gia đình tập trung đầu tư trồng luồng - loại cây rất có giá trị lúc bấy giờ.

Năm 2006 nhân chuyến đi công tác tại địa phương, nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn nhắc đến giống cây mới tên là mắc ca có giá trị rất cao, có thể mang về hàng tỷ đôla mỗi năm, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây. Lập tức, anh Tú bắt tay vào tìm hiểu về loại cây có tên lạ này.

Thực tế, lúc đó một số hộ dân tại các huyện lân cận như Ngọc Lặc, Thường Xuân đã trồng mắc ca, nhưng tất cả đều không thành công. Lặn lội lên tận nơi để dò hỏi nguyên nhân thất bại, anh nhận thấy mắc ca là cây ưa ánh sáng, trong khi các hộ trồng tận dụng phần đất hở để xen canh với nhãn hoặc cây rừng, nên dù có đến cả trăm gốc mắc ca nhưng chỉ thu được vài kg quả tươi.

Anh Tú (áo kẻ) muốn phủ kín đồi trọc quê hương bằng cây" tỷ đô" mắc ca. Ảnh: Khắc Công


Mừng vì rút được kinh nghiệm, anh Tú càng quyết tâm làm. Qua giới thiệu, anh tìm đến Trạm Nghiên cứu Giống cây trồng Ba Vì (nay là Viện Nghiên cứu Giống cây trồng Hà Nội) đặt mua 500 cây giống với giá 40.000 đồng một cây về trồng thử. Lúc này, phần lớn số diện tích đất tốt của gia đình đang trồng luồng, số còn lại là đồi trọc, xa nơi ở không tiện chăm sóc cây mắc ca. Tính toán mãi, cuối cùng anh quyết định thu hoạch luồng sớm hơn kế hoạch.

“Khi đó gần 5ha luồng được hơn 5 năm tuổi, còn ít thời gian nữa vào thu hoạch. Không còn cách nào khác, tôi phải chặt non 2ha để nhường đất cho mắc ca. Giống đã mua về, tiền cũng đã bỏ ra đành lòng thử liều một phen. Nói thật khi đó cũng rất run”, anh Tú kể lại.

Anh cho biết, mắc ca là một loại cây dễ trồng, ưa ánh sáng, kỹ thuật canh tác, chăm sóc không đòi hỏi cao nên quá trình trồng không gặp nhiều khó khăn. Nhưng khi đến lúc thu hoạch thì bắt đầu lo đến đầu ra. Do là giống cây mới, thậm chí khi đó nhiều người trong vùng còn lầm tưởng mắc ca là cây ca cao. “Người nói ra nói vào cây này ở Tây Nguyên trồng còn chưa ăn ai chứ nói gì ở vùng 'chó ăn đá gà ăn sỏi này'”, anh Tú nhớ lại.

Tuy vậy, người nông dân vùng núi này lại nghĩ đơn giản rằng một loại quả dùng làm nguyên liệu cho ngành thực phẩm lẫn dược phẩm chắc chắn sẽ có người mua nếu như đưa ra thị trường thứ quả tốt. Có lúc, anh đã tính nếu “bí”quá đem ra chợ vừa bán vừa tuyên truyền cho mọi người biết công dụng của mắc ca.

Cứ vậy, sau 3 năm trồng thử, đến năm 2009 một số cây mắc ca bắt đầu cho quả bói, thu hoạch cũng được vài cân quả tươi. Đến năm 2011, anh Tú thu được 5 tạ quả, một năm sau đạt một tấn và năm nay sản lượng là hơn 3 tấn.

“Khó khăn rồi cũng qua hết và quả nhiên hai năm nay không có quả mà bán. Một số công ty bánh kẹo tại Hà Nội, Công ty dược phẩm Trung ương 1 cũng đặt hàng nhưng quả ra còn không kịp”, anh Tú cho biết.

Sản lượng quả mắc ca luôn tăng nên có thể cho thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.


Đang đúng thời điểm sinh trưởng tốt, sản lượng quả ngày càng tăng, giá bán ổn định ở mức 60.000-80.000 đồng một kg, mỗi năm thu về 300-400 triệu đồng, anh Tú lại đột ngột chuyển hướng.

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng cây mắc ca, nhiều hộ dân quanh xã và các khu vực lân cận cũng bắt đầu cải tạo diện tích đồi để trồng. Tin tưởng về chất lượng quả mắc ca của vườn anh Tú, mọi người đến đặt anh làm cây giống. Vì vậy, một năm trở lại đây, anh dành nhiều công sức và tâm huyết để ươm cây, lai ghép cành bán cho những ai có nhu cầu.

“Kể từ khi trồng mắc ca đến nay không gặp nhiều thất bại, nhưng khi chuyển qua tạo giống cây lại gặp nhiều khó khăn. Như vụ vừa rồi có hơn 10.000 cây chờ ghép, nhưng thời tiết mưa nhiều, ẩm thấp nên chỉ thành công được khoảng 3.000 cây, số còn lại coi như mất”, anh cho hay.

Sau mỗi lần thất bại, anh Tú lại khăn gói đi gặp các chuyên gia trồng trọt, thợ ghép cây giỏi để tìm hiểu nguyên nhân, học hỏi kinh nghiệm, xin được chuyển giao công nghệ. Nhờ đó mà tay nghề ghép cây giống của anh chuyên nghiệp hơn trước, giống cây mắc ca do anh ươm hiện đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành khu vực miền Bắc.

Thời gian tới, bên cạnh việc cung cấp cây giống, anh Tú có kế hoạch mở rộng thêm một số diện tích trồng mới. “Tôi muốn phủ kín đồi trọc của quê hương bằng giống cây này. Chắc chắn năm sau sẽ có thêm một vài ha mắc ca nữa, nếu không sẽ thụt lùi so với các hộ khác”, anh Tú nói.

Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Giàu nhờ nghề nguy hiểm: Nuôi rắn hổ trâu

Khi số lượng rắn còn ít, chị Dung phải mang đi bán cho từng quán ăn, sau khi đã có “thương hiệu”, nhiều nhà hàng đã tìm đến thu mua với giá khá cao, từ 600.000 đồng- 1 triệu đồng mỗi kg.

Gia đình chị Hoàng Thị Dung và anh Phan Đình Công ở thôn 5, xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) có 7 người, trong đó 4 con nhỏ đều trong độ tuổi ăn học. Trước đây tất cả mọi chi tiêu trong nhà đều phụ thuộc vào số tiền ít ỏi thu từ mấy sào cà phê của hai vợ chồng nên cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn, thuộc diện nghèo trong thôn xóm. Với suy nghĩ không thể cứ mãi luẩn quẩn trong cái vòng nghèo đói, chị Dung đã tìm hiểu nhiều mô hình sản xuất, học hỏi nhiều hình thức kinh doanh trong và ngoài tỉnh để vươn lên thoát nghèo.

Trong một dịp về thăm quê ở tỉnh Hà Nam, thấy mô hình chăn nuôi rắn hổ trâu đã giúp nhiều hộ gia đình nơi đây làm giàu, anh chị quyết định thử sức với nghề nuôi rắn. Ban đầu chị Dung nhập rắn của một người bà con ở Hà Nam về nuôi. Nhưng do vận chuyển đi xa, mất nhiều thời gian, lại chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên rắn yếu dần rồi chết.

Nhờ người trong xóm mách nước, anh chị đến tham quan mô hình, học tập cách nuôi và nhập rắn giống ở một trang trại trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Để chuẩn bị cho kế hoạch lâu dài, anh Công đã chủ động liên hệ với Chi cục Kiểm lâm xin cấp giấy chứng nhận đăng ký nuôi rắn và bắt tay vào việc xây dựng chuồng trại. Ngoài kiến thức đã học được từ thực tiễn, chị Dung còn tìm hiểu qua sách, báo, tài liệu hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi và xây dựng hệ thống chuồng trại đúng quy cách để nuôi rắn hiệu quả.

Ban đầu, anh chị chỉ nhập rắn về nuôi lấy thịt bán. Nhưng sau thấy chăn nuôi đơn giản, ít tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc, thu nhập từ rắn cao, nên chị đã tìm hiểu cách nhân giống, gây đàn và đã thành công. Chị Dung cho biết: “Loài rắn hổ trâu thường ăn cóc, nhái. Cứ 2 ngày mới cho rắn ăn và vệ sinh chuồng trại một lần. Chúng sinh trưởng rất nhanh, ít bệnh tật, trung bình một năm đạt từ 1,7kg-3kg/con. Rắn sinh sản 2 lần trong năm, mỗi lần đẻ từ 13-17 trứng. Sau 3 năm chăn nuôi, gia đình tôi đã có hàng trăm cặp rắn bố mẹ, rắn nuôi lấy thịt và rắn con”.


Chị Dung đã thoát nghèo nhờ nuôi rắn hổ trâu.

Ban đầu, khi số lượng rắn còn ít, chị Dung phải chủ động mang đi bán cho từng quán ăn trong huyện. Đến nay, sau khi đã có “thương hiệu” trong vùng, nhiều nhà hàng đã tìm đến thu mua với giá khá cao, từ 600.000đ – 1.000.000 đ/kg. Nhờ chăm chỉ làm ăn, từ một hộ nghèo của xã, giờ đây thu nhập của gia đình chị đã lên đến hơn 200 triệu đồng/năm.

Thấy chị Dung thoát nghèo nhờ nuôi rắn, nhiều người trong xóm cũng đến tìm hiểu, học hỏi mô hình nuôi rắn và được chị nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn giống tốt giúp bà con làm ăn. Từ khi nuôi rắn, chị Dung cũng tập làm quen với các bài thuốc trị rắn cắn. Cũng chính chị là người đã nhân rộng việc trồng cây thuốc nam trong vườn nhà cho bà con trong xóm. “Ban đầu nuôi rắn chưa quen nên bị rắn cắn là điều bình thường, mặc dù hổ trâu là loài rắn không độc nhưng mình vẫn phải chủ động phòng tránh” chị Dung nói.

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

9x chán quậy phá quyết thành ông chủ

Bỏ học khi chưa hết lớp 7 để chơi bời, quậy phá, tới lúc tỉnh ra và hối hận, cậu bé Hiếu khăn gói rời làng ra thị trấn xin học nghề, rồi từ hai bàn tay trắng làm nên cơ nghiệp. Năm nay 21 tuổi, Hiếu đã sở hữu gần 200 đàn ong, 5 con bò, 1 cơ sở sửa chữa điện cơ.

Phạm Văn Hiếu (SN 1993) ở thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) từ bé đã lười học, ham chơi, say mê đá gà, đánh bi da… nên mới học dở lớp 6 đã không chịu tới trường nữa. Trong 8 anh chị em của Hiếu có 3 người là giáo viên, ba mẹ ít đánh mắng Hiếu mà chỉ lựa lời khuyên nhủ.


Hiếu cho bò ăn

Ở nhà chơi bời suốt mấy tháng, ngấm dần nỗi buồn phiền của cha mẹ do lỗi mình gây ra, Hiếu ngày càng hối hận nhưng vẫn không chịu quay lại trường học do các bạn đã lên lớp 7. Anh trai Hiếu bèn liên hệ với một tiệm điện cơ của người quen ở thị trấn Quảng Phú cùng huyện, rồi đưa cậu em mới 13 tuổi đến xin học nghề.

Điều bất ngờ là cuộc chọn nghề bất đắc dĩ này lại khiến Hiếu rất hào hứng say mê. Hiếu tiếp thu rất nhanh, chỉ trong vòng 3 năm đã sửa chữa thành thạo các loại điện máy rồi ra mở tiệm riêng, thuê một căn nhà mặt đường liên xã nhận sửa chữa máy bơm nước, tủ lạnh, máy giặt…

Ban đầu, nhiều người không tin vào khả năng của chàng trai 16 tuổi, nhưng dần dần “tiếng lành đồn xa”, khách từ khắp nơi trong huyện đem đủ loại máy hỏng đến nhờ Hiếu “ cứu vớt”.

Mùa khô, số máy bơm nước tưới cà phê cần bảo dưỡng xếp hàng chờ, Hiếu phải thuê thêm 2 nhân công mà nhiều hôm vẫn làm không kịp, cửa hàng tấp nập khách đứng ngồi chờ đợi.


Ông Nguyễn Sơn, trưởng thôn Tiến Cường, cùng xóm với Hiếu nhận xét: “Dù tuổi đời còn rất trẻ, học chưa đến nơi đến chốn, nhưng Hiếu lại giỏi “hành” do đã chịu khó phấn đấu, dám nghĩ, dám làm để có được một cơ ngơi vững chắc như ngày hôm nay, quả là một tấm gương đặc biệt trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp ”.


Ngoài ra, Hiếu còn nhận lại phần lắp điện từ hai nhà thầu xây dựng cho các công trình nhà ở, mỗi năm lắp được cho hơn 10 căn nhà. Trừ chi phí mỗi năm tiệm thu được gần 100 triệu đồng.

Mở tiệm được hơn một năm Hiếu đã có tiền để dành, bèn nghĩ cách làm sao để tiền này sinh lợi. Trong một lần đi lắp điện thuê, Hiếu phát hiện chủ nhà gây được vài chục đàn ong mật mà nuôi sống cả gia đình nên tò mò học hỏi rồi quyết định đầu tư toàn bộ tiền tiết kiệm vào nuôi 50 đàn ong mật. Mùa thu hoạch mật và phấn hoa đầu tiên, Hiếu đã thu hồi được vốn.

Từ đó, Hiếu càng chăm chỉ nuôi và nhân đàn. Lúc rảnh Hiếu tranh thủ tìm hiểu phương pháp nuôi ong mật qua ti vi, qua kinh nghiệm của những người từng nuôi ong và mua sách học phương pháp nuôi ong về nghiên cứu. Đầu tư phát triển dần dần, đến nay Hiếu đã có 170 đàn ong mật.

Muốn có sản lượng mật cao, Hiếu phải thuê thêm hai người giúp chăm ong, chịu khó di chuyển đàn ong đến nhiều vùng khác nhau trong và ngoài tỉnh theo các mùa hoa điều, hoa cà phê, hoa cao su nên bình quân một đàn ong đạt từ 35 đến 40 lít mật/năm. Cả đàn ong mỗi năm thu trên 6.000 lít mật, trừ chi phí còn thu lời từ mật ong và phấn hoa trên 200 triệu đồng/năm.

Cuối năm 2013, Hiếu tiếp tục đầu tư gần 100 triệu đồng mua 5 con bò giống về nhờ bố mẹ tận dụng những vùng đất ẩm giáp bờ suối, bờ ao để trồng cỏ, nuôi bò vừa tăng thêm thu nhập, vừa lấy phân bón cà phê. Để quán xuyến cho hết 3 công việc ngày nào Hiếu cũng “đảo như chong chóng”.

“Nhà có 8 anh chị em, mình là con út được cưng chiều từ bé nên không chịu học hành. Khi hối hận mình đã cố gắng chăm chỉ làm lụng để tuổi xuân trôi qua không vô ích, để cha mẹ không phải buồn lòng. Muốn thành công trên những công việc mình đã chọn thì phải thực sự say mê, tâm huyết và không ngừng học hỏi kinh nghiệm”
, Hiếu tâm sự.a