Trang

Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

Muốn giàu thì nuôi chim...rừng

Chị Lương Thị Quý ở thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đã thành công trong việc nhân giống chim trĩ, gà rừng và gà lôi. Trong số các con vật hoang dã này, chim trĩ là loài mang lại lợi nhuận cao nhất.

Ngôi nhà của chị Quý nằm sâu trong con ngõ nhỏ, rộn vang tiếng chim muông. Chị Quý bảo, vợ chồng chị chọn ngôi nhà này cũng là một cái duyên. Người ta cho đất mặt đường chị không nhận, vợ chồng bàn nhau mua cả một quả đồi sâu trong ngõ. Xung quanh nhà là rừng cây xanh tốt, tỏa bóng mát. Chị Quý cũng thuộc diện “chịu chơi”, có bao tiền tích góp được, chị xây chuồng trại hết để cho chim trĩ, công, gà lôi, gà rừng ở.

Khác với việc xây dựng chuồng trại để nuôi gia súc, gia cầm, chuồng để nuôi chim rừng phải đảm bảo được cả yếu tố thiên nhiên trong đó. Trong chuồng phải có cây, phía trên chuồng có bóng mát và phải quây kín bằng sắt mắt cáo. Mỗi chuồng đều có khóa cẩn thận. “Lũ chim rừng này tinh lắm, mình làm cái gì không “ưng ý”, chúng sẽ tìm mọi cách bỏ đi”, chị Quý cho biết.

Chị Lương Thị Quý đã thành công trong việc cho mẹ gà nuôi con của chim trĩ.

Dãy chuồng gà rừng nằm trước nhà, hiện giờ có 3 con mái trong thời kì sinh sản. Chuồng cho gà rừng phải làm rất kì công. Chị phải đặt rất nhiều thanh ngang cho gà rừng bay, nhảy. Chị còn lót một cái ổ rơm cho gà mái đẻ. Nom thấy người tiến gần chuồng, chú gà trống lông mượt như tơ, đi lại thoăn thoắt lao thẳng về phía chúng tôi giơ móng vuốt lên dọa nạt.

Chị Quý chia sẻ với danviet.vn, giống gà rừng là khó thuần hóa nhất. Suốt mấy chục năm qua, chúng vẫn coi người nuôi chẳng ra gì. Hễ vào chuồng là chúng nhảy bổ ra đòi ăn thua. Có lần chị Quý quên không đóng cửa chuồng, chỉ trong nháy mắt cả lũ gà rừng hơn chục con bay sạch. Mỗi sáng chúng còn gáy te te ở trên đồi mà chị không sao dụ chúng về chuồng được nữa.

Chị Quý cho biết, 1 con chim trĩ là loài siêu đẻ mỗi năm có thể đẻ cả trăm trứng.

Nuôi chúng nhiều năm dần dà, chị Quý cũng hiểu được bản tính của giống gà khôn ngoan này. Gà mái đẻ mỗi lứa từ 6-9 quả trứng. Gà mái ấp trứng gần một tháng là nở. Chúng nuôi con được 1 tuần là bỏ. Gà con tự thân vận động nên rất dễ chết. Chú gà trống nhốt chung, thỏa sức dọa nạt chính “đàn con” của mình. Đây cũng là lí do giải thích vì sao, lượng gà rừng sinh trưởng không được nhiều. Thời gian vừa rồi, chị lấy trừng gà rừng cho gà ta ấp. Mỗi lứa được vài con. Khát khao trở lại rừng đã ngấm vào gen mỗi chứ gà rừng con. Hở ra là chúng chạy mất.

Cạnh chuồng gà rừng là dãy chuồng của các “nàng” công. Gần chục con công đang thời kì sinh sản đều do bàn tay chị Quý nuôi nấng chúng từ khi còn trứng nước. Đám công đực đang xòe đôi cánh rộng với muôn màu “ve” gái. Đám công cái cũng chẳng vừa, chúng chẳng thèm đoài hoài gì đến chàng công đực đang ra sức lấy lòng mình. Chứng kiến cảnh này chị Quý tủm tỉm, những “nàng” công này rất khảnh ăn. Ngoài ngô, đậu tương ra, chúng rất thích ăn rau sạch. Bữa nào cũng phải có rau, chúng mới ở yên trong chuồng. Được cái bù lại, các “chị” này sinh sản rất tốt. Từ một hai con công giờ chị Quý đã có cả một đàn công.

Quả thực để thuần hóa được lũ chim rừng sinh sống yên ổn trong chuồng đã khó, cho chúng sinh sản còn khó hơn nhiều lần. Đám chim trĩ 7 màu là loài vô địch vể đẻ. Chúng đẻ sòn sòn trong suốt 3 tháng trời. Có con đẻ cả trăm quả trứng. Cái khó là chọn xem quả trứng nào có sống. Khác với việc soi trứng gà ta để xem quả nào có sống, trứng của chim trĩ rất khó soi.

Chuồng nuôi chim trĩ và gà rừng phải được rào kín 4 phía.

Mỗi chuồng chim trĩ, chị Quý nhốt 2 con mái, 1 con đực. Nếu nhốt 2 con đực chung một chuồng, chúng sẽ đánh nhau cho đến chết mới thôi. Chị Quý kì công “canh” xem hôm nào anh chim trĩ cao hứng thuần phục được chim trĩ cái là hôm đó trứng có sống. Hôm sau, chị Quý nhặt riêng của trứng đó ra để ấp. Cách này có hiệu quả không? Nghe tôi hỏi vậy, chị Quý lắc đầu: Giống như gà rừng, chim trĩ khó thuần, chọn 10 quả trứng rồi cho gà ta ấp, cũng chỉ nở được 5-6 con là cùng.

Sau nhiều năm nuôi đám chim rừng này, chị Quý cũng dần nắm được tính nết của từng loài mà có cách cho ăn phù hợp. Thức ăn của chúng vẫn là ngô, đậu tương và thóc. Nói về hiệu quả nuôi chim rừng, chị Quý không giấu giếm, nuôi chúng mang lại hiệu quả kinh tế hơn hẳn các vật nuôi bình thường. Giá mỗi kg gà rừng bán được 4-500 nghìn đồng. Nếu chăm tốt, sau một năm gà rừng đạt trọng lượng trên 1kg. Chim trĩ là mang lại lợi nhuận cao nhất, sau một năm, một con chim trĩ mang lại cả triệu đồng.

Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

'Ma tốc độ' bỏ buôn lậu trở thành tỷ phú nông dân

Nhiều "ma tốc độ" (người chở thuốc thuê) khét tiếng ở Long An từng bị tù tội, thương tật sau thời gian bỏ nghề, chí thú làm ăn trở thành tỷ phú nông dân.

Đến xã Bình Hòa Nam (Đức Huệ) hỏi tên "Xì Phăng" (Lê Minh Phăng) ai cũng biết bởi người đàn ông ngoài 50 tuổi này từng có thời là nài thuốc có "máu mặt" ở địa phương. Sáu năm hành nghề, bị truy đuổi gắt gao, có lần nài Phăng dùng mái dầm đánh cảnh sát để giành giật lại hàng.

Năm 1996, trong một lần nhóm đàn em sa lưới, chỉ điểm, nài Phăng bị bắt và lãnh án 6 năm tù. Do hoàn cảnh khó khăn, được cho tạm hoãn thi hành án, Phăng hối hận về quê cải tạo 2.000 m2 đất phèn trồng chanh, nhưng khi chưa kịp thu hoạch thì lệnh tạm hoãn thi hành án đã hết hạn.

Sợ vợ con đói khổ, ông liều lĩnh trốn lệnh thi hành án rồi luồn sâu vào bưng tràm hoang vu, thưa người để khai khẩn đất tiếp tục trồng chanh, ẩn dật làm ăn, suốt 9 năm sau đó cảnh sát tìm mãi không được. Mãi đến khi có chút vốn liếng gửi cho vợ con xoay xở. Năm 2005 ông ra đầu thú, hai năm sau được đặc xá.

Nhờ kinh nghiệm trồng trọt từ những năm lẩn trốn, sau khi được tha tù ông Phăng mua thêm đất mở rộng diện tích. Ngoài cây chanh, ông còn trồng xen đu đủ, cỏ nuôi bò. Hiện ông là một trong những nông dân sản xuất giỏi ở địa phương với hơn 20 ha đất, thu nhập mỗi năm gần một tỷ đồng.

Tại xã Mỹ Quý Đông (Đức Huệ), căn biệt thự cũng là đại lý vật tư nông nghiệp của ông Trần Văn Bàng (45 tuổi) nổi trội lên giữa vùng quê, xung quanh là hàng nghìn gốc dừa, đu đủ đang mùa cho quả.

Ông Bàng vốn bỏ việc công an xã đi buôn lậu, nhưng sau hơn 3 năm hành nghề và bị cảnh sát bắn gãy chân, suýt tàn phế, ông quyết tâm chí thú làm lại cuộc đời.

"Trước khi đi làm nài thuốc, tôi có 2 ha đất phèn bỏ hoang. Khi đó cây chanh có giá, diện tích cũng ít nên tôi đi nhiều nơi để học hỏi cách trồng. Thấy anh Xì Phăng cũng là dân nài thuốc rồi hoàn lương làm ăn thành đạt, tôi đến nhờ anh chỉ bảo", ông Bàng nhớ lại.

Mỗi năm ông Bàng thu nhập hơn một tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Nam.

Sau 5-6 năm trồng chanh, bán có giá, ông Bàng tiếp tục thuê đất ở địa phương để trồng dừa, bạch đàn. Nhờ nghiên cứu kỹ từng loại cây thích ứng với đất xấu và có đầu ra tốt, ông tiếp tục hốt bạc những vụ sau.

Sau hơn 10 năm giải nghệ nài thuốc lá lậu, ông Bàng hiện có cơ ngơi 60 ha đất trồng dừa, bạch đàn, lúa cùng một đại lý phân bón thuốc trừ sâu. Mới đây, ông tiếp tục làm thủ tục mở công ty và xây hẳn một căn nhà tại TP HCM cho vợ và các con ở để tiện cho việc học tập.

Còn ông Võ Trung Thực (52 tuổi, biệt danh Hai Nhớt) cũng là một nài thuốc có "số má" ở Mỹ Quý Đông sau 6 năm cải tạo, được tha tù trước thời hạn giờ cũng trở về quê gầy dựng lại cơ ngơi.

Ông chia sẻ, trước đây nhờ nghề buôn lậu sắm được ôtô, đàn trâu 70 con. Sau thời gian trốn truy nã hơn một năm, rồi đi cải tạo, nhà cửa không ai coi sóc nên của thiên trả địa, tài sản tiêu tan hết.

Trở về đời thường, ông nghiên cứu cải tạo đất, sáng chế máy móc phục vụ đồng ruộng nên kinh tế ngày càng khá lên. Năm 2012, ông đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất giỏi" cấp tỉnh. Hai năm sau, từ chiếc máy cày, ông tiếp tục mày mò nghiên cứu chế thành công máy phun thuốc trừ sâu tiết kiệm nhân công, chi phí tăng hiệu quả canh tác và được giải "Sáng tạo kỹ thuật nhà nông" tỉnh.

Nài Thực cùng vợ giờ là nông dân sản xuất giỏi. Ảnh: Hoàng Nam.

Hiện với 9 ha ruộng cùng máy gặt đập liên hợp, máy cày, xới, mỗi năm ông thu nhập trên 200 triệu đồng. Hai con gái của ông, một đang làm việc tại nước ngoài, một là sinh viên mới ra trường.

"Bây giờ trong xóm vẫn còn nhiều anh em theo nghề nài thuốc lá lậu kiếm lời. Mỗi lần có dịp gặp, tôi đều khoác vai khuyên anh em nên sớm giải nghệ lo chí thú làm ăn, người chết, kẻ thương tật, tù tội chưa ngán hay sao mà còn lao vào con đường này", nài Thực kể.

Ông Phạm Quốc Tú, Chủ tịch xã Mỹ Quý Đông (Đức Huệ) cho biết, hiện trên địa bàn xã có khoảng 80 người dân vẫn còn tham gia buôn lậu thuốc lá. Xã đã tuyên truyền giáo dục họ, đến nay có 30 người đã giải nghệ chí thú làm ăn, trong đó có nài Thực và nài Bàng.

"Xã thuộc vùng sâu khó khăn, những người đi buôn lậu phần lớn không có ruộng đất hoặc nghề ổn định trong khi lợi nhuận từ nghề buôn lậu quá lớn. Vì vậy, để họ thật sự bỏ nghề, về lâu dài cấp trên cần có chính sách hỗ trợ vốn hợp lý giúp họ chuyển đổi nghề", ông Tú nói.

Thứ Năm, 18 tháng 5, 2017

Thạc sỹ nuôi vịt Cổ Lũng kiếm gần 300 triệu mỗi năm

Với niềm đam mê, anh Trương Tiến Hải (SN 1976, hiện là Cán bộ BQL Dự án nguồn lợi ven biển, thuộc Sở NN-PTNT Thanh Hóa) đã nghiên cứu, lai tạo và phát triển giống vịt đặc sản Cổ Lũng thành công, thu lãi gần 300 triệu đồng/năm.

Việc chọn giống vịt Cổ Lũng hết sức quan trọng khi vịt con không được hở rốn, sức đề kháng tốt.

Tự lai tạo con giống

Mặc dù có bằng Thạc sỹ chuyên ngành nghiên cứu thủy sản nhưng anh Trương Tiến Hải (SN 1976, trú khu phố Thành Bắc, phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa, hiện là Cán bộ BQL Dự án nguồn lợi ven biển, thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa) lại có niềm đam mê với việc nghiên cứu phát triển giống vịt đặc sản Cổ Lũng của xứ Thanh.

Anh kể: Ngay từ khi đang còn công tác giảng dạy và là Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu trường Đại học Hồng Đức, anh đã lên vùng đặc sản vịt Cổ Lũng ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa để mua giống về và tự tay mình lai tạo giống thuần chủng với tỷ lệ 1 trống, 5 mái.

Vịt được nhốt trong 1 ô và sau khi vịt đẻ trứng thì đánh dấu riêng mang đi ấp. Cứ như vậy, sau mỗi lần thì anh lại đổi trống sang chuồng khác. Qua 6 lần đổi (mỗi lần đổi 1 tháng), lấy trứng đi ấp, khi nở nuôi lớn và thực hiện lai giống lại như ban đầu. Sau khi trải qua 5 tháng sẽ chọn ra cá thể xuất sắc nhất để chọn giống thuần chủng.

Theo anh Hải, việc chọn giống đưa vào sinh sản cực kỳ quan trọng trong việc chọn trứng đủ tiêu chuẩn màu sắc và cân nặng...

Anh Hải cho biết: “Từ cuối năm 2012, tôi đã tìm tòi, học hỏi để nghiên cứu lai tạo giống vịt Cổ Lũng, mong muốn bảo tồn giống gen quý của loài và cuối năm 2013 thì tôi đã đạt được kết quả như mong muốn”.

Giống vịt Cổ Lũng thuần chủng được anh Hải nhân giống ra có màu sắc đồng nhất 95 - 97%, hình dáng cổ to và ngắn, chân ngắn, vịt trống có đầu màu xanh và có khoang cổ, vịt mái có màu sẻ và khoang cổ, sức đề kháng tốt hơn giống vịt gốc cũ, cân nặng tăng so với con vịt cũ là 1,8kg so với 1,3 kg.

Sau khi kết quả lai tạo được giống thuần chủng vịt Cổ Lũng, anh cho nhân đàn và phân phối, bán lại cho các trang trại, các hộ gia đình và công ty ở các khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.

Giống vịt được anh Hải lai tạo ra có độ chính xác hơn 90% và màu sắc đồng nhất.

Cũng theo anh Hải, khâu chọn giống đưa vào sinh sản cực kỳ quan trọng trong việc chọn trứng đủ tiêu chuẩn màu sắc, cân nặng, khi trứng nở thành con non thì chọn con không bị hở rốn và không bị bệnh tật mang nuôi để phát triển nhân đàn.

Thu lãi gần 300 triệu đồng mỗi năm

Sau khi lai tạo được giống thuần chủng và cung cấp con giống ra thị trường, vào tháng 3/2016 anh Hải quyết định đầu tư, vay mượn hơn 1 tỷ đồng thuê gần 4.000 m² đất ở phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa để mở trang trại nuôi giống vịt Cổ Lũng đặc sản này.

Mỗi năm gia đình anh xuất ra thị trường khoảng hơn 3.000 vịt thịt.

Thời gian ban đầu anh nuôi đàn bố mẹ giống là 200 cá thể đã qua lai tạo, chọn lọc thuần chủng để nuôi phát triển đàn cũng như tự tạo con giống hoàn toàn cho trang trại.

Theo anh Hải thì từ khi vịt nở đến lúc xuất chuồng mất khoảng 4 tháng 15 ngày.

Khâu thức ăn cũng hết sức quan trọng, ban đầu vịt 1 tuần tuổi thì cho vịt ăn cám mảnh với độ đạm 25%. Sau đó, cho vịt ăn cám viên từ tháng thứ 2 trở lên, bắt đầu từ tháng thứ 3 thì cho ăn với tỷ lệ 30% ngô, 30% lúa, cám, từ tháng thứ 4 thì lại chuyển sang cho ăn theo chế độ 40% ngô, 40% lúa, 20% cá sau đó say nhuyễn ủ lên men rồi cho vịt ăn.

Mấy tháng cuối thì anh Hải cho vịt ăn thêm rau xanh để cho vịt đỡ bị mỡ, vịt chắc hơn, thịt thơm hơn và luôn giữ được trọng lượng bình quân khi xuất chuồng đối với vịt trống là 1,8-2,2kg, vịt mái là 1,6kg.




Thịt vịt Cỗ Lũng được nhiều người lựa chọn khi thịt thơm, dai và không có mỡ

Hàng năm, gia đình anh cung ứng gia thị trường khoảng hơn 3.000 con vịt thịt với giá 80.000 đồng/kg.

Không chỉ bán vịt thịt mà trang trại của anh cũng cung ứng ra thị trường mỗi năm từ 5.000-7.000 con giống với giá 12.000-13.000 đồng/con, có thời điểm giá con giống lên đến 18.000 đồng/ con, trừ chi phí mỗi năm gia đình anh Hải thu về khoảng 250-300 triệu đồng từ nuôi vịt Cổ Lũng.

Không chỉ phát triển vịt Cô Lũng, anh Hải còn đang nghiên cứu lai tạo nhiều loại khác...

Hiện tại, anh Hải cũng đang nhân giống lai tạo giống gà rừng, gà kha thầy, gà Đông cảo... và làm mô hình nuôi hàng chục lồng, bè cá trên sông Mã và đập Đồng Bể ở huyện Triệu Sơn.

Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

Trồng, ươm nho cảnh, doanh thu đạt 2 tỷ đồng/năm

Ông Nguyễn Trường Lang, phường Mỹ Hải, Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) có doanh thu bình quân từ 1,5-2 tỷ đồng/năm từ nghề ươm nho giống, trồng nho cảnh độc đáo.

Lão nông Nguyễn Trường Lang nhiều năm liền được công nhận danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Ông Lang được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến.


Bà con nông dân trong vùng gọi ông với cái tên trìu mến- Sáu Lang. Ông Lang là 1 trong những nông dân đã mạnh dạn đầu tư thực hiện mô hình bảo tồn các loại giống nho đặc sản của Ninh Thuận như nho đỏ, nho xanh địa phương để cung cấp cho bà con nông dân trên địa bàn.

Với diện tích đất sản xuất gần 1 ha, ông Lang chia làm nhiều lô, trong đó có 2 lô làm nhà lưới, sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm dưới hình thức tưới phun mưa, có mái che, quạt gió...


Ông Lang cho hay, nhận thấy nhu cầu của nông dân về cây nho giống, ông đã nảy sinh ra ý tưởng và thực hiện thành công mô hình ươm cây nho giống để cung cấp ra thị trường. Bình quân mỗi năm, ông cung cấp trên 10 triệu cây nho giống cho người dân với giá bán bình quân từ 1.000 – 2.000 đồng/cây nho giống. Từ những kinh nghiệm và kiến thức tích lũy được từ ươm nho giống, ông Nguyễn Thường Lang còn sáng tạo ra mô hình trồng nho cảnh trong chậu. Đây là mô hình cho sản phẩm bán chạy bởi nhu cầu chơi cây cảnh của người dân trong và ngoài tỉnh.


Ông Lang kể, gia đình ông bắt đầu trồng nho ăn trái từ những năm 1990. Với vùng đất nhiều nắng gió như Ninh Thuận rất thích hợp để trồng nho. Khí hậu nơi đây phân 2 mùa rất rõ rệt-mùa nắng khô và mùa mưa ẩm.

Từ trồng nho ăn trái, ông Lang nghiên cứu ra phương pháp ươm nho giống, rồi tiếp tục sáng tạo làm nho cảnh trong chậu. Điều đáng nói, nho cảnh thường tận dụng những gốc nho “cổ thụ” , già để tạo dáng...


Mô hình ươm giống nho, trồng nho cảnh của ông Lang giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương mức thu nhập đạt từ 3 triệu đồng trở lên/tháng. Bình quân mỗi năm ông cho thu nhập trên đạt từ 1,5 – 2 tỷ đồng. Trừ hết mọi khoản chi phí, ông Lang thu lãi trên 500 triệu đồng/năm. Đây là mức thu nhập mà nhiều nhiều người nông dân mơ ước để đạt được trong thời buổi phát triển kinh tế thị trường khi tỉnh hội nhập và phát triển kinh tế ngày càng sâu rộng...

Bà Nguyễn Thị Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân phường Mỹ Hải cho biết: “Ông Nguyễn Thường Lang sáng tạo trong lao động, làm cây nho giống, cây nho cảnh cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài việc nâng cao giá trị kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, nông dân, ông Lang còn có điều kiện để tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện hỗ trợ, giúp đỡ nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương được chính quyền, các cấp ngành và nhân dân ghi nhận...”.

Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2017

"Câu" mỗi năm 200 triệu đồng từ trồng dâu ta ăn quả

Bằng ý chí quyết đoán, sáng tạo, lão Quốc gàn- tên mà nhiều người thường gọi nay đã "lột xác" khi có thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm nhờ trồng cây dâu ta ăn quả

Sáng sớm mùa hè tháng 5 Quảng Trị đã nóng oi ả, ai nấy đều mệt mỏi. Thế nhưng, đứng giữa vườn dâu, gương mặt ông Trần Văn Quốc (59 tuổi) lại sáng lên niềm hạnh phúc.


Bỏ tiêu trồng dâu

Sinh ra trên vùng đất đỏ bazan màu mỡ thôn Tân Phú, xã Cam Thành (Cam Lộ, Quảng Trị), trước đây ông Quốc là công nhân nông trường Tân Lâm. Sau khi nông trường cổ phần hóa, ông Quốc vào nam ra bắc lăn lộn với nhiều công việc khác nhau. Cuối cùng mới quay về quê hương dừng chân, nắng gió với vườn tược.

Nơi đây đỏ baza, hồ tiêu là loại cây được lựa chọn số 1. Thế nhưng, ngày qua ngày vườn tiêu ông Quốc mắc nhiều thứ bệnh. Dù đã dùng nhiều loại thuốc phòng trừ bệnh nhưng tiêu vẫn chết dần, chết mòn, năng suất giảm, thiệt hại cả trăm triệu đồng. Tiêu chết, nguồn thu nhập chính mất đi, cuộc sống gia đình ông Quốc thường trực bao nỗi lo toan, nhọc nhằn.


Thế rồi cơ duyên với cây dâu tằm đến với ông Quốc bất chợt. Ông kể, cách đây khoảng 30 năm, trong một lần ra thăm quê vợ ở Nghệ An, thấy có cây dâu tằm ra quả ngon nên xin vài nhánh về trồng chơi.

Mang về đất Tân Phú trồng, dâu tằm hợp thổ nhưỡng, lớn nhanh, ra trái nhiều. Tìm hiểu sách báo, ông Quốc biết được trái dâu là phương thuốc nam rất tốt cho sức khỏe. Ông Quốc hái dâu đem ngâm rượu thì cho ra loại rượu thơm ngon, ai nấy đều khen. Trong lúc vườn tiêu đang tàn lụi, ông Quốc lóe lên ý nghĩ trồng dâu ngâm rượu bán. Khi người dân quanh vùng đang cố gắng vực dậy vườn tiêu thì ông Quốc phá sạch, dành đất đào hố, mua phân về trồng 1.000 gốc dâu trên diện tích 1 ha vào năm 2008, và nay là 2.000 gốc.

Thấy vậy, hàng xóm đặt cho ông cái tên Quốc gàn. Vợ ông Quốc thì suốt ngày khóc lóc van xin ông dừng ngay ý tưởng “điên rồ” vì sợ ôm cục nợ. Bà Hồ Thị Lan (vợ ông Quốc) nhớ lại: “Lúc đó tôi như ngồi trên đống lửa. Con cái đang ăn học, điều kiện gia đình khó khăn, ông ấy làm liều lỡ không thành công, ôm cục nợ thì cả nhà chỉ có nước ở bờ ở bụi. Ngăn ông ấy không được nên đành đồng cam cộng khổ làm cho tới nơi, giờ thì thở phào nhẹ nhỏm rồi”.


Từ "Quốc gàn" tới "Quốc dâu"

Là mô hình mới, ông Quốc phải tự mày mò trồng dâu theo hàng lối (tỷ lệ 3-3-3), cắt tỉa cẩn thận. Sau vài năm, ông Quốc thu hái lứa dâu đầu tiên đem ủ rượu. Tuy nhiên, chưa có kỹ thuật, rượu liên tục hỏng, lúc quá ngọt, lúc quá chua. Sau mỗi lần thất bại, ông Quốc tự rút ra kinh nghiệm cho mình. 2.000 gốc dâu thu được 6 tấn quả tươi, nếu ngâm rượu sẽ cho ra 2.000 lít, còn bán quả tươi khoảng 300 triệu đồng (tính bình quân 50.000 đồng/kg quả tươi). Sau khi trừ chi phí, ông Quốc bỏ khoảng 200 triệu đồng.


“Ban đầu tôi nghĩ trồng dầu chỉ để ngâm rượu. Phải mất khá nhiều năm tôi mới tìm ra công thức ủ dâu ngâm rượu. Nay thị trường cần cả quả tươi nên phải mở rộng diện tích. Dâu là loại dễ trồng, sạch và nhiều công dụng tốt” – ông Quốc nói. Ông Quốc dự định đến năm 2019 sẽ tăng diện tích lên 4 ha, tương đương 4.000 gốc dâu và đăng kí thương hiệu, nhãn mác cho rượu dâu do ông sản xuất. Ngoài tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình, ông Quốc còn trả mức lương 4,5 triệu đồng/tháng cho 4 lao động địa phương.

Giờ đây, ông Quốc có tên gọi mới là “Quốc dâu” thay cho tên “Quốc gàn” mà người ta đặt cho ông những năm về trước...

Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

Kiếm hàng tỉ đồng từ nuôi cá hồi trên đỉnh Mẫu Sơn

Lặn lội quãng đường 700km suốt 7 tháng ròng, từ đỉnh núi Mẫu Sơn sang Sapa học hỏi kỹ thuật nuôi cá hồi, ông Hoàng Văn Tạ, thôn Khuổi Cấp, xã Mẫu Sơn (Lộc Bình, Lạng Sơn) đã thành công với mô hình làm giàu mới trên chính quê hương giá lạnh của mình và thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm.

Bể cá dùng mái che để tránh mưa, nắng và lá cây rừng rụng vào, vòi nước tuần hoàn liên tục để tạo oxy cho cá.

Vất vả hơn chăm con nhỏ


Nhờ một lần đi du lịch Sapa, ông Tạ đã được thăm quan mô hình nuôi cá hồi, qua tìm hiểu ông nhận thấy khí hậu của Mẫu Sơn cũng tương tự như Sapa và có thể nuôi được giống cá này. Khi về quê hương, ông đã tự mở trại nuôi cá hồi nhiều lần nhưng không thành công, để có được thành công như ngày hôm nay ông đã trải qua nhiều lần thất bại.

Khi đó ông chưa nắm chắc kỹ thuật làm bể nuôi, mực nước, lượng nước đến kỹ thuật chăm sóc cá nhỏ, cá khi lớn ra sao và đặc tính của giống cá hồi theo mùa như thế nào, nên cứ nuôi được một thời gian ngắn cá lại chết. Chính vì vậy, ông Tạ quyết tâm liên hệ với người dân có nhiều kinh nghiệm nuôi cá hồi tại Sapa để xin học hỏi. Ông Tạ đã phải liên tục đi lại quãng đường suốt 700km, từ Mẫu Sơn lên Sapa và ngược lại trong suốt 7 tháng để vừa học hỏi, vừa thực hành tại trại nuôi cá của mình.

Theo ông Tạ, quá trình học nắm chắc lý thuyết là thế nhưng khi áp dụng vào thực tế lại rất khó, vì mọi thứ đều phải được tính toán kỹ lưỡng, không phải nói sao là làm được như vậy. Cá hồi là giống cá rất ưa sạch sẽ, cần lượng oxy cao, lượng nước nhiều và nhiệt độ nước phải lạnh, cá hồi có thể sống được ở cả nước ngọt và nước mặn nên yêu cầu kỹ thuật rất cao. Điều kiện khí hậu và điều kiện tự nhiên phù hợp, nhưng những ngày đầu sau khi học hỏi được kinh nghiệm vẫn còn nhiều gian nan.

Ông phải mua giống cá con trên Sapa vận chuyển về Mẫu Sơn, khi đó chưa có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường xá xa xôi, vận chuyển vất vả, mà cá giống chỉ có thể vận chuyển vào ban đêm khi nhiệt độ hạ thấp, điều kiện giao thông thuận tiện để đưa cá về được nhanh nhất có thể, nếu không cá sẽ chết.

Hàng ngày ông Tạ xuống thăm trại cá 2 lần, vừa để chăn cá, vừa để kiểm tra cá và lượng nước. Ông vớt những con cá chết để tránh lây lan ra cả đàn.

Từ khi còn là cá giống, cá được nuôi 1.000 con/bể, đến khi 2-3 lạng sẽ tách ra thành 3 bể, khoảng 7-8 lạng sẽ tách ra thành 5 bể và nuối đến khi được bán. Do đây là giống cá nước ngoài, nên khi nuôi tại Việt Nam con to nhất chỉ nặng 2,3kg.

“Vào mùa mưa tôi bỏ những vòi nước tự nhiên và dùng máy bơm để bơm nước vào bể. Những ngày đầu chưa có điện lưới, phải dùng máy nổ để chạy. Vì nước mưa ngấm xuống đất kéo theo các tạp chất, các chất từ lá cây rất độc với cá và hơn nữa là nước đục cá sẽ không sống được. Có những hôm tôi phải thức cả ngày, cả đêm, mất ăn mất ngủ canh bể cá, vất vả hơn chăm con nhỏ”, ông Tạ kể.

Mô hình làm giàu mới

Do giống cá hồi rất ưa sạch, vì thế từ khi cá còn nhỏ phải dùng rất nhiều muối hòa vào nước cho cá tự sát trùng để giảm nguy cơ mắc bệnh. Ông Tạ hóm hỉnh nói: “Có tháng tôi phải mua cả tấn muối cho cho cá tắm”. Nước được dẫn từ các khe nước sạch trong rừng sâu về, nhiệt độ nước trung bình từ 12-130C, cao nhất là 17-180C, phải tuần hoàn nước liên tục vừa để tạo lượng oxy cho cá, vừa để giữ cho bể nước luôn sạch sẽ.

Đặc thù của loại là cá hồi nuôi không thể ấp trứng nở được, phải dùng trứng cá tự nhiên lấy ngoài biển và được nhập khẩu từ nước ngoài về. Vì cá nuôi cứ to, có trứng là sẽ tự động chết, trứng cá hồi tự nhiên chỉ có thể ấp trứng 1 lần/năm nên giá cá giống có phần đắt đỏ, 18.000 đồng/con chưa tính công vận chuyển và thức ăn cho cá. Cá hồi phải có thức ăn riêng chứ không thể cho ăn tạp, tổng số vốn ban đầu ông Tạ bỏ ra mở trại cá khoảng 1 tỉ đồng, chưa kể những lần cá chết do bị nước mưa vào, bị bềnh mà ông chưa kịp phát hiện.

Cá nuôi khoảng 1kg là có thể bán, khi có khách mua cá sẽ được vớt ngay tại bể luôn đảm bảo độ tươi ngon.

Ông cho biết thêm: “Hiện nay, nhờ có khoa học kỹ thuật tiến bộ có thể giữ được trứng cá giúp tôi nuôi được hai lứa cá/năm thay vì một lứa như trước, mỗi lứa nuôi được 1.000 con. Kinh nghiệm đã có giúp cho độ rủi ro ít, cá giống rẻ còn 8.000 đồng/con, cá nuôi lớn có nguồn tiêu thụ tốt, ngoài việc bán cho khách ăn ngay khi đến du lịch Mẫu Sơn, tôi còn xuất đi các thành phố Lạng Sơn, Hà Nội…với giá từ 400.000 - 500.000 đồng/kg nên thu nhập đem lại cho gia đình tôi từ 4-5 tỉ đồng/năm”.

Để tạo điều kiện cho người dân địa phương cùng học hỏi, giúp phát triển kinh tế địa phương, vừa để tăng thêm thu nhập cho gia đình, ông Tạ đã hợp tác với anh Triệu Văn Trình (Mẫu Sơn, Lạng Sơn) mở rộng thêm các bể nuôi cá hồi. Nhưng do lượng nước tự nhiên có hạn nên chỉ có thể mở thêm được 6 bể. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm một số bể cá tầm, đây là loại cá dễ nuôi hơn cá hồi rất nhiều, năng suất cao và mau lớn, có những con nặng tới 9kg. Nhưng hiện nay, cá tầm Trung Quốc xuất sang nước ta nhiều khiến giá thành trong nước rẻ, lợi nhuận đem lại thấp nên ông Tạ không nhân rộng.

Theo ông Ninh Văn Xa, Phó trưởng Ban quản lý khu du lịch Mẫu Sơn thì: “Mô hình nuôi cá hồi của gia đình ông Hoàng Văn Tạ là mô hình làm giàu mới và đầu tiên tại Mẫu Sơn, nhờ đó đã góp phần thu hút được đông đảo du khách đến du lịch Mẫu Sơn. Ngoài ra, mô hình nuôi cá của ông Tạ còn giúp cho người dân địa phương phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, đây là việc làm rất đáng tuyên dương và nhân rộng”.

Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Choáng với ông chủ Quảng Ninh đầu tư 80 tỷ đồng nuôi tôm sạch

Trong giới nuôi tôm ở Móng Cái (Quảng Ninh), cái tên Bùi Ngọc Liêm được biết và nhắc đến như một “ông trùm”. Ông Liêm là người thúc đẩy xây dựng nhãn hiệu tập thể "Tôm thẻ chân trắng Móng Cái" và tiên phong đưa ứng dụng khoa học mới trong nuôi tôm công nghiệp. Nhiều hội viên được ông Liêm giúp đỡ đã trở thành những ông chủ nuôi tôm giàu có ở vùng biên giới.

Thắng lớn từ “canh bạc” đầu tiên


Khác với phong cách của một “ông trùm” như người ta thấy, ông Bùi Ngọc Liêm giản dị, dễ gần và mang đậm chất mộc mạc của người nông dân. Nhìn cơ ngơi gần 7ha khu vực nuôi tôm đã đầu tư lên tới hơn 80 tỷ đồng, với tổng sản lượng tôm nuôi đạt hơn 40 tấn, doanh thu hơn 3,5 tỷ đồng/năm... của ông, ít người biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt ông Liêm đã rơi trên mảnh đất nuôi tôm ở khu 9, phường Hải Hòa, TP.Móng Cái này.

Một ao nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức khép kín của ông Bùi Ngọc Liêm. Ảnh: Nguyễn Quý

"Không phải vụ nuôi nào trong nhà khép kín cũng thành công, hiệu quả cao. Quan trọng nhất vẫn là chất lượng con giống, kỹ thuật cho người nuôi, chăm sóc thú y và không thể loại bỏ yếu tố thời tiết”.

Ông Bùi Ngọc Liêm

Ông Liêm quê Nam Định, là bộ đội chuyển ngành, làm cán bộ công nhân viên cơ quan nhà nước, rồi về nghỉ chế độ. Đến năm 1991, Bùi Ngọc Liêm quyết tâm ra Móng Cái để mưu sinh. Ông làm đủ mọi việc kiếm sống, nhưng luôn nung nấu những dự định, ý tưởng làm giàu của riêng mình. Năm 2001, hay tin Móng Cái thực hiện Dự án quốc phòng 327, với mục đích đưa dân ra vùng biên làm kinh tế, ông Liêm là một trong những người đầu tiên đăng ký. “Khi đó, nghề nuôi tôm cũng đã phát triển tại một số nơi, sau nhiều năm kinh doanh, sẵn chút vốn trong tay, nên tôi cũng muốn thử sức mình…” - ông Liêm kể lại.

Với ông Liêm, tiêu chuẩn 2ha để nuôi trồng thủy sản nằm trong dự án khi ấy là quá ít, trong khi với các hộ không chủ động về tài chính thì 2ha lại là quá nhiều. Chính vì vậy, ông Liêm đã mua lại tiêu chuẩn của một số hộ, gom lại được gần 10ha, sau đó tập trung vốn và vay tiền ngân hàng để thuê máy đắp ao.

Không một chút kiến thức nuôi tôm trong tay, ông khởi sự bằng cả 100.000m2 đất ven biển ngập đầy lau sậy; điện lưới lại chưa có, quạt nước phải chạy bằng máy nổ, một máy chỉ chạy được cho 1 ao... Bao nhiêu khó khăn có lúc tưởng như làm cho ông Liêm nản chí. Nhưng có vốn kiến thức cơ khí, ông Liêm mày mò làm bánh răng đảo chiều sử dụng cho hai ao nên đã giảm được đáng kể chi phí đầu tư và nhiên liệu chạy máy. Ông còn tranh thủ học hỏi kỹ thuật nuôi tôm từ bên Trung Quốc. Trời không phụ lòng người, những năm đầu nuôi tôm sú, tôm he Nhật Bản, nhờ chịu khó học hỏi và tìm hiểu kỹ thuật nên các vụ nuôi tôm của ông trúng lớn, thành công ngoài mong đợi.

Đầu tư nhiều, nhưng rủi ro ít

Đường vào trang trại nuôi tôm của ông Liêm giờ đây đã trải nhựa, ôtô tải chạy bon bon, điện lưới kéo đến tận nơi. Ông cho biết: Hiện nay, hạ tầng nuôi toàn bộ gần 7ha khu nuôi tôm của gia đình đã được đầu tư hiện đại, với tổng mức đầu tư đến thời điểm này đã lên tới hơn 80 tỷ đồng, đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP.


Hơn 10 năm nuôi tôm, Bùi Ngọc Liêm nức tiếng là người chưa từng gặp thất bại. Nhưng: “Tính mình không thích kêu ca nhiều. Vừa áp dụng khoa học, vừa từ kinh nghiệm bản thân để xem xét, nhìn nhận mỗi khi gặp rủi ro, thất bại khi nuôi tôm, rồi rút ra bài học cho vụ tới” - ông Liêm tâm sự.

Theo ông Liêm, trong những vụ nuôi năm 2015, cơ sở nuôi tôm của gia đình ông cùng với nhiều hộ nuôi khác tại Móng Cái đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của tình hình dịch bệnh. Trong khi người nuôi tôm chỉ quan tâm đến các loại dịch bệnh như: Đầu vàng, đốm trắng, gan tụy… nhưng qua quan trắc, kiểm soát dịch bệnh tại cơ sở nuôi tôm của gia đình, ông Liêm đã phát hiện ra một loại vi trùng ký sinh khá phổ biến gây dịch bệnh trên tôm nuôi, và kiến nghị ngành chức năng tìm hướng xử lý dứt điểm.

Chính vì nguy cơ dịch bệnh với tôm lớn, từ năm 2016 ông Liêm chuyển sang đầu tư nuôi tôm trong nhà bạt, được thiết kế một cách khoa học từ hệ thống bể cấp nước, ao nuôi, khu xử lý môi trường… theo hình thức khép kín. Theo ông Liêm, mô hình nuôi tôm khép kín mặc dù mức đầu tư cao từ 600-700 triệu đồng/ao nuôi có diện tích 2.000m2, song hình thức nuôi này sẽ hạn chế được rủi ro đối với người nuôi tôm. Thời gian cho mỗi vụ nuôi cũng giảm đáng kể, vụ đông chỉ từ 90-100 ngày, vụ hè chỉ từ 70-80 ngày.

Như vậy, mỗi năm người nuôi tôm có thể nuôi được 3 vụ và năng suất tôm nuôi cũng cao hơn; năng suất bình quân đạt trên 10 tấn/ha khi nuôi chính vụ, còn nuôi trái vụ (vụ thu - đông) sẽ đạt 6-7 tấn/ha. Cái lợi khi nuôi tôm trái vụ là mặc dù sản lượng không lớn nhưng vào thời điểm đó tôm bán được giá hơn (khoảng 250.000 đồng/kg).

Gặp ông chủ trẻ “chế” ra máy ấp trứng đặc biệt

Hơn 5 năm nay, bằng nghị lực vượt khó vươn lên, năng động và sáng tạo trong lao động, anh Nguyễn Công Chức (thôn Phú Nhuận 3, xã Duy Tân, Duy Xuyên, Quảng Nam) đã từng bước phát triển trang trại chăn nuôi của mình, đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Sau nhiều năm lăn lộn mưu sinh với nghề xây dựng, năm 2012 anh Chức bắt tay vào đầu tư xây dựng trang trại và mạnh dạn vay hơn 55 triệu đồng mua 300 con gà mẹ lai và gà bố thuần chủng thả nuôi theo hình thức bán công nghiệp. Và ý tưởng chế tạo máy ấp trứng bắt đầu hình thành trong anh từ đấy.

Anh Nguyễn Công Chức

Từ ý tưởng đó, anh bắt đầu tìm kiếm thông tin, tìm hiểu kỹ thuật về máy ấp trứng trên tạp chí, internet. Ban đầu, anh mua máy ấp trứng thông thường về, sau đó anh tự mày mò lắp ráp, dùng tôn, nhôm tự đóng lại một lò mới, nâng công suất từ 500 lên 4.000 trứng, rồi đến 30.000 trứng như hiện nay.

Sau nhiều lần cải tiến, máy ấp tứng mang thương hiệu Công Chức ra đời có chiều cao 1,2m, rộng 2m, mỗi lò có 60 khay đựng trứng chia làm 2 ngăn, có cửa mở lấy trứng từ khay. Các thiết bị đèn báo nhiệt độ cũng được mua lắp ráp. Các khay đựng trứng này anh tự thiết kế và cho vào mỗi ngăn lò. Đặc điểm của đèn báo nhiệt là khi nhiệt độ đến 37,05ºC thì tự động cân bằng nhiệt. Tuy nhiên, người dùng cũng có thể tự điều chỉnh nhiệt độ dao động từ 35-37ºC để trứng nở đạt tỷ lệ cao.

Máy ấp trứng mang thương hiệu Công Chức

“Trong quá trình nuôi gà, tôi thấy nếu chỉ chờ gà mái ấp trứng thì không thể đủ cho gà giống cung cấp ra thị trường. Còn sử dụng máy ấp trứng hiện hành thì không phù hợp với thời tiết nơi đây, khiến tỉ lệ gà nở không như mong đợi.

Chính vì thế, tôi quyết định tự mình làm ra một chiếc máy ấp riêng. Là tay ngang nên ban đầu gặp khá nhiều trục trặc, nhưng quyết tâm làm được một chiếc máy riêng mình nên tôi cố gắng vừa lắp ráp vừa học hỏi thêm để dần hoàn thiện”, anh Chức cho biết.

Mỗi ngày đàn gà của anh Chức đẻ khoảng 900 trứng, sau khi cho vào máy ấp tỷ lệ hao hụt 20%, còn lại được khoảng 750 gà con. Mỗi tháng anh xuất ra thị trường từ 15.000-20.000 con giống, mỗi con gà được bán với giá 12 ngàn đồng/con, xuất đi các nơi như Tam Kỳ, Đà Nẵng, Quảng Ngãi…

Đàn gà giống

Sau gần 5 năm lao động cần cù, siêng năng với mô hình kinh tế tổng hợp, hiện nay anh Chức làm chủ trang trại quy mô hơn 6.000m2, nuôi gần 5.000 gà mái đẻ, 10 con bò giống sinh sản, 300 gốc cây nông sản… Mô hình kinh tế này đem lại cho gia đình anh doanh thu hơn 300 triệu đồng/năm, lợi nhuận gần 150 triệu đồng và tạo việc làm ổn định cho 3 lao động cùng 5 lao động thời vụ là đoàn viên thanh niên địa bàn xã Duy Tân.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Chức còn rất tích cực tham gia các hoạt động phong trào tại địa phương. Anh được biết đến là một đoàn viên rất nhiệt tình và năng động trong quá trình làm kinh tế trang trại, anh luôn giúp đỡ, chia sẻ về khoa học kỹ thuật, con giống, cây trồng… để những đoàn viên thanh niên khác có điều kiện tự mình làm chủ, phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Anh Nguyễn Tấn Lĩnh - Bí thư đoàn xã Duy Tân - cho biết: “Nhờ những hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi gà của anh Chức, nhiều người dân và thanh niên trên địa bàn huyện Duy Xuyên có điều kiện vươn lên xóa đói giảm nghèo. Anh Chức là một gương thanh niên tiêu biểu cho ý chí quyết tâm vươn lên, không ngại khó, ngại khổ, tấm gương tốt cho nhiều đoàn viên học hỏi”.

Cuối năm 2016 vừa qua, anh Nguyễn Công Chức là thanh niên duy nhất của Quảng Nam được vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của lần thứ XI do Trung Ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Giải thưởng năm 2016 vinh danh 85 nhà nông trẻ xuất sắc đến từ 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Giải thưởng Lương Định Của được trao cho những thanh niên có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề nông thôn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; có đóng góp xứng đáng cho công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

Thứ Năm, 4 tháng 5, 2017

'Nữ tướng' mãng cầu khủng, hạt lép

Giống mãng cầu này hạt lép, sai trái, đặc biệt trái rất to, có thể đạt trọng lượng 1-1,2 kg/trái...

Nông dân xuất sắc Nguyễn Thị Kim Mai (huyện Định Quán, Đồng Nai) được xem là “nữ tướng” mãng cầu hạt lép cho biết đã ký được một số hợp đồng hợp tác với khách hàng khi bà trưng bày tại Triển lãm Hội chợ nông sản Đông Nam bộ 2017 tại Công viên Lê Văn Tám, TP.HCM, kéo dài từ ngày 10 đến 16-4-2017.

Bà Mai cho biết giống mãng cầu hạt lép được bà phát hiện lấy từ tỉnh Lạng Sơn vào trồng. Giống mãng cầu này hạt lép, sai trái, đặc biệt trái rất to, có thể đạt trọng lượngtừ 1-1,2kg/trái. Khác với trái mãng cầu thông thường, loại trái này rất ít hạt, chỉ bằng 1/5 số hạt trái mãng cầu thông thường.


Hơn nữa, mãng cầu loại này có mùi rất thơm, trái to đẹp, ăn ngọt nhẹ chứ không hắc như mãng cầu thường nên giá bán rất cao, được nhiều người ưa chuộng.

Ngoài ra, khi trái mãng cầu “mở mắt”, nhà vườn thu hoạch về có thể bảo quản 7-10 ngày không hư hỏng. Nhờ nhân giống bằng phương pháp ghép chồi vào gốc cây mãng cầu có sẵn nên chỉ 18 tháng cây cho bói quả.

Hiện bà Mai đã trồng được hơn 5.000 gốc mãng cầu hạt lép trên diện tích hơn 5 ha đất vườn của gia đình. Mùa thu hoạch vừa rồi, trung bình mỗi cây cho tới 120 trái.

Do sản phẩm chưa có nhiều trên thị trường lại được người tiêu dùng rất ưa chuộng, giá bán cũng dao động 80.000-100.000 đồng/kg. Hiện tại trang trại của bà Mai rộng 30 ha cho lợi nhuận 800 triệu đồng/năm.

Thứ Tư, 3 tháng 5, 2017

Trai Kinh Bắc nuôi 20 bò sữa vừa làm vừa chơi lãi 2 triệu đồng/ngày

Từ việc phải tất bật suốt ngày chăm đàn bò sữa hơn 20 con, vất vả còn hơn nuôi con mọn, nhờ áp dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi anh nông dân Tạ Quang Trung đã có thể nhàn nhã đút túi tiền triệu mỗi ngày.

Mới nuôi bò sữa được 4 năm nhưng với quy mô 23 con bò sữa, anh Tạ Quang Trung (SN 1982) là 1 trong những hộ có quy mô nuôi bò sữa lớn nhất thôn Ngọc Kháng, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh).

Anh Trung được mệnh danh là hộ nuôi bò sữa “3 nhất” ở xã.

Chúng tôi đến thăm khi anh Trung đang lái xe ba gác chở thức ăn vào chuồng bò sữa. Đi đến từng đoạn, anh Trung dừng xe xuống cào thức ăn trải đều ra mỗi ô chuồng bò. Anh Trung cười nói: “Làm thế này cũng chưa được chuyên nghiệp lắm đâu, nhưng với quy mô nuôi bò sữa nông hộ thì áp dụng cách này cũng tiết kiệm được rất nhiều sức lao động và thời gian”.

Anh Trung lái xe ba gác chở thức ăn vào chuồng bò sữa.

Anh Trung cho hay, trước đây anh và 3 người làm phải “đầu tắt mặt tối” suốt ngày mà không làm xuể. “Nuôi bò sữa nếu không biết cách vất vả và cầu kỳ lắm. Cho bò ăn cũng là cả 1 vấn đề. Mỗi ngày đàn bò sữa của tôi “ngốn” gần 2 tấn thức ăn. Nếu không có “mẹo” thì riêng việc chuẩn bị thức ăn cho bò cũng chiếm hết cả ngày”, anh Trung thổ lộ.

Đi đến từng đoạn, anh Trung dừng xe xuống cào thức ăn trải đều ra mỗi ô chuồng bò

Để tiết kiệm sức lao động và thời gian, anh Trung mua máy vắt sữa bò, máy cắt cỏ, máy thái thức ăn có công suất lớn. Điều đáng nói, anh đầu tư thêm 2 xe ba gác và thiết kế máy thái thức ăn đặt trên cao. Một xe anh Trung chuyên dùng chở cỏ cắt từ đồng về bốc đưa lên máy thái cỏ, xe còn lại đặt sẵn ở dưới hứng cỏ đã thái, đầy xe cỏ anh Trung chở thẳng vào chuồng bò.

Nhờ có "mẹo" riêng, anh Trung chỉ cần hơn 1 tiếng đồng hồ là xong tất cả mọi khâu từ cắt cỏ, thái cỏ, cho đàn bò 23 con ăn.

“Lúc tôi mua thêm xe ba gác ai cũng bảo không cần thiết và tốn kém. Trước đây, 2 lao động xúc đến rã rời chân tay cả mấy tiếng đồng hồ liền mà chưa xong. Bây giờ tôi chỉ cần hơn 1 tiếng đồng hồ là xong tất cả mọi khâu từ cắt cỏ, thái cỏ, cho bò ăn. Thời gian rảnh rỗi, tôi mở thêm quầy tạp hóa buôn bán ở chợ kiếm thêm thu nhập”, anh Trung chia sẻ.

Đàn bò sữa cho anh Trung thu nhập tiền triệu mỗi ngày.

Để bò cho năng suất và chất lượng sữa cao, anh Trung rất chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho đàn bò. Theo đó, anh Trung cho bò ăn đúng giờ, ngày 2 bữa chính và 1 bữa phụ. Bữa ăn ăn đảm bảo đủ chất xơ, đường, muối, khoáng và cao đạm. Bên cạnh đó, việc vắt sữa bò cùng rất quan trọng. “Vắt sữa bò cũng phải đúng giờ, đúng địa điểm và cố định người vắt. Sau khi vắt sữa, người nuôi nên vệ sinh sạch sẽ, mát xa đầu vú để kích thích bò tiết nhiều sữa”, anh Trung tiết lộ.

Từng con bò sữa được anh Trung gắn thẻ ở tai để tiện theo dõi, chăm sóc, tiêm phòng dịch bệnh.

Nhờ chăn nuôi bò sữa bài bản, anh Trung được mệnh danh là hộ nuôi bò sữa “3 nhất” ở xã đó là: nuôi bò sữa nhàn nhất, bò cho sản lượng sữa nhiều nhất và có giá bán sữa cao nhất.

Trại bò sữa của anh Trung được nhiều đoàn đến thăm quan, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm.

Anh Trung thổ lộ: Hiện gia đình tôi ký kết với công ty Vinamilk thua mua sữa bò với giá từ 12.000 – 14.000 đồng/kg (giá phụ thuộc vào chất lượng sữa bò). Do có chất lượng tốt, sữa bò của gia đình tôi luôn được công ty thu mua với giá 14.000 đồng/kg. Hiện, mỗi ngày tôi bán 300kg sữa bò, trừ hết chi phí còn thu lãi 2 triệu đồng/ngày”.