Trang

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Võ sư 8x lập nghiệp với lan rừng

Ngoài công việc chính là nhân viên ngân hàng, Vũ Huy Hoàng còn dành đam mê cho cây cảnh và võ thuật. Võ sư trẻ đang sở hữu một vườn lan rừng cho doanh thu hơn 2 tỷ đồng mỗi năm ở Đà Lạt.


Năm 2003, Hoàng một mình từ Thanh Hóa lên vùng đất cao nguyên học đại học, ngành tài chính kế toán. Cũng như bao sinh viên nghèo khác, Hoàng phải tìm việc làm thêm ở các nhà vườn để trang trải việc học, bớt gánh nặng cho gia đình.

Ban đầu, qua bạn bè giới thiệu, Hoàng đến làm công cho những chủ vườn hoa cúc, hồng ở Đà Lạt. Do thích nghi nhanh, không lâu sau từ việc phải đảm nhận những khâu nặng nhọc do không có tay nghề, Hoàng đã được chủ vườn giao việc tỉa cành, hoa, cắt ghép... Ngoài học hỏi từ chủ vườn, Hoàng dành nhiều thời gian để tra cứu tài liệu, nhưng ban đầu cũng chỉ trồng vài giò treo trong nhà trọ cho vui.

Vũ Huy Hoàng có niềm đam mê đặc biệt với lan rừng. Ảnh: Quốc Dũng


Tốt nghiệp đại học, Hoàng xin việc ở huyện Đức Trọng (cách Đà Lạt 30km). Khi tương đối ổn định, anh bắt đầu thực hiện đam mê với lan rừng và võ thuật. Lúc đầu vì ít vốn, Hoàng chỉ gây giống lan rừng để chơi như thú tiêu khiển, còn ban ngày đi làm ở cơ quan, ban đêm huấn luyện võ thuật.

Năm 2012, thấy nhu cầu chơi lan rừng rất lớn, Hoàng quyết định đầu tư 50 triệu đồng trồng 100m2 đất đầu tiên. Lần thử nghiệm này khá thành công nên bước qua năm sau, anh quyết định vay 400 triệu mở rộng diện tích vườn lên 600m2, đồng thời thành lập doanh nghiệp trồng, kinh doanh lan. Sản phẩm từ vườn của Hoàng không đủ cung cấp cho thị trường miền Bắc và miền Trung nên anh nhận bao tiêu thêm sản phẩm cho nhiều vườn lan khác. Hoàng cho biết, doanh thu năm 2014 từ việc trồng và kinh doanh lan rừng của anh đạt gần 2,5 tỷ đồng, lãi trên 500 triệu.

Để đa dạng sản phẩm cung cấp cho thị trường, Hoàng dạn nhập thêm giống từ Pháp, Thái Lan, Đài Loan nên hiện trong vườn của anh có trên 30 loại lan rừng khác nhau. Ngoài ra, Hoàng còn dành nhiều thời gian để nghiên cứu, duy trì nguồn gen, đặc biệt là những giống lan đặc hữu của vùng cao nguyên như long tu, giã hạc Di Linh, châu như, thủy tiên mỡ gà...

Chia sẻ về thành công đến khá nhanh chỉ sau thời gian ngắn chuyển sang làm chuyên nghiệp, Hoàng cho rằng phải luôn tìm tòi để có sản phẩm mới và chú ý đến thị hiếu của người chơi. Hiện anh đang tập trung phát triển các giống lan thân thòng (giống lan thân dài, rủ xuống) do thị trường ưa chuộng. Dòng lan này dễ chăm sóc, nhân giống tốt và có giá trị kinh tế cao.

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Tỷ phú vùng đồi

Trên mảnh đất khô cằn, sỏi đá miền rừng núi Vũ Quang (Hà Tĩnh), chàng trai Lê Khánh Toàn khai hoang lập nghiệp, trở thành chủ trang trại mang lại thu nhập hơn một tỷ đồng mỗi năm.

Anh Lê Khánh Toàn bên những gốc cam trĩu quả.


Bám trụ quê hương

Năm 19 tuổi, trong khi bạn bè cùng trang lứa tìm cách rời bỏ Đức Bồng, Vũ Quang, Hà Tĩnh để thoát nghèo, Lê Khánh Toàn quyết tâm bám trụ làng quê, đồi núi, mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Toàn lặn lội ngược xuôi ở nhiều vùng đất, trồng thử nghiệm nhiều loại cây, tham khảo ý kiến của cán bộ nông nghiệp… “Sau khi tìm hiểu, nhận thấy đất quê mình có thể trồng được nhiều cây có khả năng chịu hạn cao như keo, cao su, cam, bưởi, chanh phù hợp để chăn nuôi trâu, bò, dê, gà, vịt”, Toàn khẳng định.

Lấy sức trẻ làm vốn liếng, năm 2001, anh vượt qua những con đường đèo dốc, tìm kiếm một mảnh đất phù hợp để lập nghiệp. Toàn quyết định mua lại quyền sử dụng 3 ha đồi ở vùng Rú Đò. Xã Đức Bồng thời điểm đó còn chưa có điện, đường sá hết sức khó khăn, dân cư lại thưa thớt. Hằng ngày, trên đỉnh đồi, người ta vẫn thấy bóng một chàng thanh niên vạm vỡ, cặm cụi phát quang, san đất, làm cỏ để trồng cây.

“Ngày đầu mới lên, mùa hè nắng nóng chói chang, ngày đông rét thấu xương, đêm muỗi rừng bay vào nhà, không có điện, lại xa chợ, xa khu dân cư, nhiều lúc nản quá muốn bỏ cuộc. Mỗi lần xách balô lên lại thấy luyến tiếc với núi đồi, sợ cỏ mọc, cây cối lụi tàn, đất trọc, đồi hoang”, Toàn tâm sự. Ban đầu, Toàn cho trồng cây ngắn ngày như mía, sắn, nuôi gà, đi bẫy chim, bẫy thú. Cứ thế, lấy ngắn nuôi dài, có được thêm chút vốn, anh mua giống trồng cam.

Thấy cam lớn từng ngày, anh vui lắm, cứ nghĩ cây lớn ra quả sẽ có thêm vốn để mở rộng quy mô. Thế nhưng, sau ba năm quần quật làm việc, Toàn mới phát hiện ra giống cam anh mua chất lượng kém, lại không phù hợp thổ nhưỡng và khí hậu nên cam chẳng thanh ngọt, ít nước, bán chẳng ai mua. Toàn phải phá hết 200 gốc cam 3 tuổi.

Sau lần đó, Toàn bắt tay trồng lại từ đầu giống cam mới. Lần này, Toàn tìm đọc kỹ sách kỹ thuật chăm sóc, học hỏi những người trồng vườn lâu năm, nên đúc rút được nhiều kinh nghiệm chọn giống, ươm cành, đào hố, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch... Cuối cùng, cam sinh trưởng tốt, mang lại hiệu quả rõ rệt. Anh có thêm vốn để trồng thêm loài cây khác cam, nuôi trâu, bò, gà…

Thu hoạch quả ngọt

Hiện tại, anh Lê Khánh Toàn sở hữu 9 ha đất trang trại, trong đó có 3 ha cam với gần 1.000 gốc, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 8 tấn, thu nhập khoảng 1 tỷ đồng. Ngoài ra, anh có 2 ha cam trồng mới 3 tuổi đang bói quả, 2 ha rừng trồng keo, chàm và 2 ha trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Anh còn nuôi thêm gà, vịt, 14 con bò để lấy phân bón. Trang trại của anh mỗi năm cho thu nhập vài tỷ đồng. Anh mua máy móc, xây nhà khang trang, mở rộng mô hình trang trại, tạo thêm công ăn việc làm.

Cam chanh của Toàn luôn được thương lái thu mua với giá cao vì chất lượng cam đạt tiêu chuẩn. Nhiều người đã đến học tập và áp dụng kinh nghiệm trồng cam của anh, nhờ đó đồi trọc đất trống đang dần biến thành đất vàng trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. “Trồng cam chanh, cam bù vốn ít nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến mùa thu hoạch, thương lái vào tận nơi thu mua, không phải lo đầu ra của sản phẩm”, anh Toàn khẳng định.

Mô hình trang trại của Toàn là điển hình của huyện Vũ Quang, nhiều lần được nhận bằng khen của huyện và tỉnh. Năm 2011, anh Toàn vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của dành cho nhà nông trẻ xuất sắc. “Thời gian đầu mình lập nghiệp rất khó khăn vì thiếu vốn, không có kinh nghiệm, kỹ thuật. Mong rằng Nhà nước sẽ quan tâm hơn đến lực lượng thanh niên muốn làm giàu tại quê nhà bằng nông nghiệp, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật cho anh em làm trang trại có hiệu quả hơn, khoa học và hiện đại hơn”, anh Toàn tâm sự.

Anh Nguyễn Quốc Nhật, Bí thư Đoàn xã Đức Bồng, nói: “Những trang trại mô hình trồng trọt, chăn nuôi, những vườn cam nặng trĩu quả ngọt đang dần phủ lên những ngọn đồi trọc cằn cỗi. Đó là máu, nước mắt của chàng trai tiên phong dám nghĩ dám làm như Toàn để đưa mảnh đất nghèo Vũ Quang thay da đổi thịt, đời sống người dân được cải thiện”.

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Gã "khùng" 8X vay tiền “xã hội đen” đầu tư… trồng rau sạch

Từ bỏ công việc đang cho thu nhập ổn định, rồi lâm vào cảnh nợ nần, thậm chí vay nợ cả “xã hội đen”, nhiều người cho rằng anh bị “khùng” khi vay tiền tỷ đầu tư trồng rau sạch.

Nhưng cũng nhờ cái máu liều ấy, Giang Mạnh Tuấn (sinh năm 1982, ngụ phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) đã xây dựng được mô hình trồng rau an toàn theo phương pháp thủy canh trụ đứng độc đáo với quy mô lớn bậc nhất tại Đông Nam Bộ.

Bỏ nhà, vay nóng vì mê rau
Sau nhiều cuộc hẹn, tôi cũng được đến tham quan mô hình sản xuất rau an toàn của anh Tuấn tại xã Phú Chánh (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Mặc dù đã được nghe kể nhiều về mô hình trồng rau độc đáo của anh, nhưng khi tận mắt chứng kiến tôi vẫn kinh ngạc. Bên trong nhà lưới diện tích 1.500m2 là vô số các trụ đứng cao quá đầu người với chi chít các loại rau ăn lá bám thân đang phát triển xanh tốt. Một màu xanh tràn ngập đầy sức sống và tươi mát với hệ thống phun tưới sương tự động. Dù là khu trồng rau, nhưng việc giữ gìn vệ sinh ở đây rất sạch, rất chặt chẽ. Để vào được vườn rau, khách tham quan phải đi qua nhiều lớp cửa lưới khác nhau và được khử trùng đầy đủ.

 

Anh Giang Mạnh Tuấn bên trang trại trồng rau an toàn theo phương pháp thủy canh trụ đứng của mình. Ảnh: H.K

Chỉ vào vườn rau của mình, anh Tuấn cho biết, để có được mô hình này không đơn giản, nó đã khiến anh mất ăn mất ngủ nhiều năm liền và nếu như không liều, lỳ lợm thì sẽ không làm được. Rồi Tuấn kể về cuộc đời trước đây của mình. Anh vốn là kỹ sư hóa học, từng làm trong phòng thí nghiệm của một công ty dược phẩm với lương hơn chục triệu đồng/tháng, và cũng từ phòng thí nghiệm này, đã đưa cuộc đời anh đến với cây rau. Chẳng là, năm 2010 có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, phòng anh liên tục nhận được những mẫu rau xét nghiệm, làm trong nghề anh mới thấy kinh hoàng bởi những mẫu rau được gửi đến xét nghiệm có chi chít các chất độc hại, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Và thế là, anh nghĩ ngay đến việc trồng rau sạch cung cấp cho thị trường.

Không mất nhiều thời gian suy nghĩ, đầu năm 2011 anh đột ngột bỏ việc để đi trồng rau, mặc cho gia đình can ngăn, thậm chí la mắng. Không được người nhà ủng hộ, anh quyết định dọn ra ở riêng, thuê đất trồng rau an toàn theo phương pháp thủy canh. Ban đầu thấy ý tưởng trồng rau sạch của anh khả quan, nhiều người bạn đồng ý tham gia. Nhưng suốt nhiều năm trời chỉ thấy bỏ tiền ra mà không thu được một đồng lợi nhuận nào, nên từng người “bỏ của chạy lấy người”.

“Mình đã nghiên cứu thử nghiệm và thất bại hàng chục lần. Thấy người ta trồng rau lên, nhưng mình trồng thì rau không lên được, lớn lên chút là bị vàng úa, héo đi. Phải mất đến 3 năm mới thành công, riêng công thức nghiên cứu chất dinh dưỡng cho cây mất cả năm trời”- Tuấn nhớ lại.

Nghiên cứu ra mô hình đã khó, kiếm được vốn thực hiện càng khó hơn. Bởi trong 3 năm nghiên cứu anh đã phải gánh số nợ tới hơn 4 tỷ đồng. Người thân, bạn bè ai cũng nói mô hình anh thất bại, có người nói anh chết chắc, có người nói anh là khùng vì đầu tư vào mô hình không mang lại hiệu quả. Vào thời điểm ấy, Tuấn chịu muôn vàn áp lực, lo lắng công thức, mô hình một phần nhưng lo lắng nợ nần đến năm, sáu phần.

Để có tiền xoay vòng trả nợ, anh đánh liều vay mượn tiền của hàng chục đầu mối cho vay nóng là “xã hội đen”. Nhiều tháng liên tục anh phải trả tiền lãi là 200 triệu đồng/tháng trong khi không làm ra đồng nào. “Thực chất số tiền mình nợ chỉ 2 - 3 tỷ đồng nhưng do vay ngoài, vay nóng lấy đầu này đắp đầu kia rồi phát sinh nhiều thứ nên số tiền nợ mới lên tới 4 tỷ đồng. Lúc đó mình tay trắng nên càng phải phấn đấu nhiều hơn. Mình đã tính đến nước cuối cùng là nếu không được thì sẽ bán bản quyền công thức dinh dưỡng nhiều năm nghiên cứu của mình để trả nợ. Nhưng rồi mình không đành lòng và quyết chí tiếp tục trồng rau tiếp”- Tuấn chia sẻ.

Rau mọc trên trụ

 

Nhớ lại những ngày ấy, anh Tuấn còn rùng mình không hiểu sao lúc đó lại dám “liều mạng” như vậy và cũng không hiểu xoay xở thế nào để vượt qua. Như để tự giải thích với lòng mình, Tuấn nói, tôi nghiệm ra một điều rằng, đó là khi càng bị dồn đến đường cùng thì con người càng biết cố gắng, bản năng càng thúc đẩy họ làm mọi cách để sinh tồn và làm được điều mình cần làm. Việc này, cũng tựa như trong binh pháp Tôn Tử, tức tự “đặt mình vào chỗ chết để tìm chỗ sống”.

Mô hình trồng rau an toàn theo phương pháp thủy canh trụ đứng của anh Giang Mạnh Tuấn được nhiều người đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Anh cũng thường xuyên có các buổi nói chuyện chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm trồng rau, đồng thời hỗ trợ chuyển giao mô hình trồng rau thủy canh cho một số hộ dân trong khu vực. Tuấn cho biết, sẵn sàng chuyển giao công nghệ trồng rau thủy canh cho nông dân có nhu cầu để cùng nhau sản xuất rau sạch.

Giờ đây, sau những cố gắng không mệt mỏi, từ hơn một năm trước, anh Giang Mạnh Tuấn đã xây dựng được hai trại sản xuất và một trại nghiên cứu trồng rau an toàn, mỗi ngày cho ra thị trường hơn 600kg rau ăn lá các loại. Các trại rau của anh đều không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Dù mới bước đầu có thu, nhưng thu nhập từ rau sạch của anh khiến nhiều người ngưỡng mộ khi cho lợi nhuận 30 – 40 triệu đồng/tháng. Từ việc trồng rau này anh tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động địa phương. Quan sát vườn rau của Tuấn mới thấy hết cách làm độc đáo của chàng thanh niên “cầm tinh con chó” này. Rau trong trại của anh chủ yếu là rau cải, không được trồng ở dưới đất, mà “leo” trên các trụ cao quá đầu người trong vườn. Bên những trụ rau xanh mướt, Tuấn cho biết: “Bình thường, mình dựng mỗi trụ khoảng 2-2,5m, trên các trụ đó mình đục các lỗ so le nhau để bỏ hạt vào, trong trụ mình sẽ bỏ một số chất dinh dưỡng để nuôi cây, hệ thống nước tưới tự động cũng được bố trí song song với các trụ để cung cấp nước, điều hòa cho cây. Toàn bộ quá trình chăm sóc, tưới nước đều tự động hết”. Dẫn chúng tôi vào vườn rau, Tuấn bảo, rau của mình có thể về nấu ăn được ngay mà chẳng cần phải rửa, vì ngay cả một hạt bụi cũng không có “cơ hội” bám vào rau, bởi toàn bộ khu nhà kính trồng rau đã được khép kín hoàn toàn.

Nói về tham vọng của mình, Tuấn tự tin cho biết, trồng rau thủy canh mang lại năng suất cao gấp 7 – 8 lần so với trồng dưới đất. Cách làm này còn tiết kiệm được diện tích, tiết kiệm được nhân công nên mang lại lợi nhuận cao. Rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, nên sản phẩm rau của anh được nhiều người ưa chuộng dù giá tới 30.000 – 35.000 đồng/kg. Theo tính toán của anh, với phương pháp thủy canh, 1.000m2 đất trồng rau tốn khoảng 900 triệu đồng, nhưng trong vòng 2 năm có thể thu hồi lại vốn.

Tiếng lành đồn xa, anh Tuấn cho biết, mới đây có một nhà đầu tư đã đề nghị hợp tác với anh sản xuất rau sạch, an toàn theo phương pháp thủy canh trên diện tích 5ha. Hiện nay, dự án đang được xây dựng cơ sở hạ tầng, dự kiến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành trồng rau trên toàn bộ diện tích. Anh Tuấn cho biết đã nghiên cứu, cải tiến cách làm dựa trên mô hình cũ nên tự tin cho rằng trang trại rau an toàn mới của anh sẽ còn mang lại hiệu quả cao hơn.

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

Thoát nghèo, thành triệu phú nhờ... gấc

Từ vùng đất cằn cỗi, trồng nhiều loại cây nhưng không thu lại lợi ích kinh tế cao, nhiều nông dân tại huyện Cư Jút (Đắk Nông) đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây gấc, bước đầu đã vươn lên làm giàu từ mảnh đất của mình.

Vào giữa năm 2013, HTX Nam Hà (thị trấn Ea tling, huyện Cư Jút) trồng thử nghiệm 2 ha cây gấc. Sau 7 tháng trồng, cây gấc bắt đầu cho thu hoạch, năng suất đạt khoảng 20 tấn/ha, giá bán khoảng 6 triệu đồng/tấn. Thấy mang lại hiệu quả kinh tế cao, HTX đã vận động nhiều nông dân cùng tham gia phát triển mô hình này. Trong giai đoạn đầu, HTX hỗ trợ bà con nông dân 50% chi phí giống, phân bón vi sinh, riêng hộ nghèo hỗ trợ 100%. Ngoài ra, tất cả các hộ dân tham gia trồng gấc đều được ký hợp đồng ràng buộc một cách chặt chẽ với HTX.

Nông dân vui mừng vì có thể làm giàu từ cây gấc

Yếu tố đầu vào trong sản xuất giữ vai trò hết sức quan trọng, do đó nguồn giống cũng như phân bón được cung cấp bởi các đơn vị có uy tín trên thị trường. Bên cạnh đó, HTX này ký hợp đồng lâu dài với một công ty gấc ở Tây Nguyên để bao tiêu đầu ra cho bà con nông dân. Chỉ tính riêng tại 2 huyện Cư Jút và Krông Nô có gần 500 hộ liên kết với HTX để phát triển vùng nguyên liệu với diện tích khoảng 600 ha.

Vườn gấc gần 2 năm tuổi của chị Đỗ Thị Mai (Thôn 4, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút), một trong những nông dân gắn bó đầu tiên với cây gấc khi HTX Nam Hà phát triển vùng nguyên liệu tại xã Tâm Thắng đang phát triển rất xanh tốt. Trước khi quyết định chuyển đổi từ 0,5 ha cà phê sang cây gấc, chị Mai vẫn có phần lo lắng và do dự.


Cây gấc đang trở thành hướng làm giàu bền vững cho nông dân tại huyện Cư Jút

Theo chị Mai nhờ được hướng dẫn kỹ thuật tỉ mỉ, chăm sóc cẩn thận, nên khoảng 1 năm sau khi xuống giống, cây gấc cho thu hoạch. Với diện tích khoảng 0,5 ha, năm đầu tiên cho thu đến 10 tấn quả, giá trị kinh tế đạt khoảng 60 triệu đồng. Trong khi đó, cũng với diện tích đó, nếu vẫn canh tác cây cà phê thu nhập chỉ giao động từ 11-17 triệu đồng/năm.

“Nhờ gắn bó với cây gấc, đời sống của gia đình tôi bắt đầu có nhiều thay đổi, cuộc khó khăn trước đây giờ đã ổn định hơn và từng bước làm giàu được", chị Mai vui mừng cho biết.

Gấc không chỉ được biết đến là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế mà còn là cây trồng không kén đất, sức chống chịu tốt, ít sâu bệnh. Bên cạnh đó, cây này dễ chăm sóc, không phải đầu tư nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Theo tính toán của bà con nông dân thì, bình quân 1ha đất trồng được 500 gốc gấc. Nếu điều kiện khí hậu thuận lợi và được chăm sóc tốt, 1 ha gấc sẽ thu hoạch khoảng 18 tấn trong năm thứ nhất, 36 tấn năm thứ hai, tiếp tục tăng lên trong năm thứ ba và những năm tiếp theo.

Kỹ thuật chăm sóc đơn giản, không tốn nhiều chi phí nhưng hiệu quả mang lại cao

Trên thị trường, gấc được thu mua khoảng 6.000/kg, một ha gấc bà con nông dân thu về gần 150 triệu đồng mỗi vụ. Với mức thu nhập đó, gấc từng bước khẳng định là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số cây trồng khác.


Ông Nguyễn Giáp Thỉnh (xã Nam Dong, huyện Cư Jút) cho biết, ông trồng cây gấc vì diện tích đất này đã gắn bó với nhiều loại cây trồng những chưa cây nào phù hợp. Sau gần 1 năm trồng, cây gấc bắt đầu phủ kín dàn và cho ra những lứa quả đầu tiên.

Ngoài trồng gấc, ông Thỉnh còn tận dụng khoảng diện tích đất trống phía dưới dàn để trồng thêm cây gừng và cây đinh lăng. Với 0,8 ha gấc đang phát triển, mô hình này hứa hẹn sẽ giúp gia đình ông không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu trong tương lai gần.

Những trái gấc chín đỏ mọng chờ ngày thu hoạch

Ông Hà Công Xã, Trưởng phòng Chính sách - Tuyên truyền, liên minh HTX tỉnh Đắk Nông cho biết: “Mặc dù là loại cây trồng còn khá mới mẻ, nhưng với hiệu quả kinh tế bước đầu mang lại, có thể khẳng định được triển vọng kinh tế lâu dài của cây gấc. Hiện tỉnh cũng đang tiến hành tuyên truyền, khuyến khích và phổ biến những kỹ thuật tiên tiến để giúp bà con nâng cao năng suất cây gấc ở địa phương”.

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Lãi lớn nhờ nuôi tôm kiểu mới

Sau nhiều lần mất trắng vốn vì tôm bị dịch bệnh, anh Phan Thanh Thánh ở Bình Định đã tìm tòi, đầu tư bể lọc nước sạch làm từ san hô, than hoạt tính, cát sạch để nuôi tôm trên cát, thu lãi gần tỷ đồng một năm.


Trước nguy cơ tôm thẻ chân trắng bị dịch bệnh thường xuyên do môi trường nước ô nhiễm, anh Phan Thanh Thánh (sinh năm 1984) ở thôn Xuân Bình, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ (Bình Định) đã chọn cách xây dựng bể lọc nước sạch để cung cấp cho hồ nuôi tôm trên cát của mình.

Anh Thánh bắt đầu biết nuôi tôm từ lúc mới 15 tuổi khi theo phụ việc cho cha mẹ. Học hết cấp 3, anh nghỉ ở nhà làm kinh tế. Năm 1999, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát thu lợi nhuận cao, anh Thánh quyết định đầu tư để thoát nghèo. Khởi điểm, anh vay 45 triệu đồng đầu tư một hồ tôm với diện tích 3.000m2. Vốn có sẵn kinh nghiệm, học hỏi thêm thông tin ở báo, đài, sau 3 tháng thả nuôi, trừ hết chi phí, vụ đầu tiên anh Thánh lãi 70 triệu đồng. Năm đó, anh nuôi 3 vụ.

Bước sang năm thứ 2, anh đầu tư thêm một hồ có diện tích 2.800m2 với mức chi phí 80 triệu đồng và tiếp tục thắng lớn với thu nhập gần 200 triệu đồng. Nhưng bước sang các năm kế tiếp, nguồn nước bắt đầu ô nhiễm, tôm bị dịch đốm trắng. Năm 2006, anh Thánh gần như mất trắng và phải dừng nuôi trong nửa năm. Bắt đầu gượng dậy được vài vụ, thì đến năm 2011, tôm lại bị tiếp một đợt dịch lớn, anh thua lỗ thêm hơn 200 triệu đồng.

Anh Phan Thanh Thánh bên hồ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát bằng nước sạch.

“Năm 2011, người dân ở đây ồ ạt san lấp mặt bằng làm hồ nuôi. Lúc đó, tôi cũng làm thêm 3 hồ với diện tích trên 10.000m2 và một hồ ươm giống khoảng 600m2. Đúng thời điểm này, nguồn nước bị ô nhiễm, tôm bị dịch bệnh, năm đó gia đình tôi nuôi một vụ mà không thu hồi được vốn. Xác định nguyên nhân tôm bị dịch, tôi tạm nghỉ một thời gian để xử lý các hồ và học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi tôm trên cát", anh Thánh nói và nghiệm ra được yếu tố quyết định thành công của nuôi tôm thẻ chân trắng là nguồn nước phải sạch. Từ đây, anh quyết định nuôi tôm theo kiểu mới.

Năm 2012, anh Thánh vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Phù Mỹ để mua con giống mới thả nuôi và làm thêm hai hồ tôm với diện tích 3.000m2, nâng tổng số lên 7 hồ và một hồ ươm giống, với tổng diện tích gần 20.000m2. Lần này, anh tiến hành xây dựng một bể lọc nước với dung tích 12m3 gồm một lớp san hô, một lớp than hoạt tính, một lớp cát sạch có tác dụng lọc nước, kim loại nặng và khí độc. Nguồn nước sạch được lọc bơm vào ao nuôi giúp con tôm phát triển tốt, ít dịch bệnh, sản lượng cải thiện rõ rệt, từ 7 đến 8 tấn một hecta mỗi vụ trước đây tăng lên thành 10 tấn.

Anh Thánh cho hay, năm 2014 tổng doanh thu từ nuôi tôm là 7 tỷ đồng, lợi nhuận thu được bình quân hàng năm hơn 800 triệu. Ngoài ra, cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát của anh còn tạo việc làm ổn định cho 3 nhân công cùng 10 lao động theo thời vụ, trung bình làm 15 ngày mỗi tháng.

Với kinh nghiệm hơn 15 năm, theo anh Thánh, nuôi tôm thẻ chân trắng muốn thành công phải dựa vào yếu tố nguồn nước và con giống. Theo đó, nguồn nước phải sạch, con giống tốt của các công ty uy tín cần được chăm sóc kỹ trong tháng đầu tiên, bởi đây là thời điểm tôm thay môi trường sống nên dễ bị dịch bệnh. Dù có bể lọc nước sạch, nhưng để giảm thiểu mức độ ô nhiễm tối đa, anh Thánh áp dụng cách nuôi tôm luân phiên, 2 vụ tôm chính xen kẽ vụ tôm phụ, trung bình 2 năm nuôi 5 vụ. Anh Thánh chia sẻ, ở vụ nuôi chính, anh thả 100 con trên một m2, vụ tôm phụ thả khoảng 50 con mỗi m2.

Năm 2015, anh Thánh là một trong hai thanh niên tiêu biểu của tỉnh Bình Định nhận giải thưởng Lương Định Của.

Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

Trồng trám đen trong rừng, làm chơi thu trăm triệu

Sở hữu một rừng trám đen 3 ha với 2/3 cây cho quả, mỗi năm, gia đình anh Lê Đức Toàn (Quang Sơn, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) thu về 400 triệu đồng.

Anh Toàn cho biết, trồng trám không tốn công. Chi phí ban đầu khá rẻ nhưng giá trị kinh tế lại cao. Cây ra quả và cho thu hoạch vào tháng 6 âm lịch, bán buôn 60.000 đồng/kg, lẻ 80.000-85.000 đồng/kg. Vài năm trở lại đây, giá bán ổn định, nhiều người trồng loại cây này. Năm 2013, gia đình anh Toàn mở rộng rừng trám từ 2 ha lên 3 ha.

Trám đen là cây gỗ lớn, cao trung bình 25-30 m, đường kính có thể tới 90 cm. Trước đây, trám mọc tự nhiên. Hiện tại, loại này được ươm trồng bằng hạt giống, sau 7-8 mới năm ra quả. Do xác suất cây ra quả thấp (cây trồng bằng hạt giống cái mới cho quả) nên vài năm nay, anh Toàn trồng bằng cây ghép, chỉ mất 3 năm là cho thu hoạch.

Gỗ, nhựa, quả và hạt của trám đều cho giá trị kinh tế. Sở hữu 3 ha, trong đó 1 ha cây con chưa cho thu hoạch nhưng năm vừa qua, anh Toàn đã thu được hơn 6 tấn trám. Giá bán lẻ và buôn dao động 60.000-85.000 đồng/kg. Trừ các chi phí, anh Toàn thu 400 triệu đồng.

"Trồng trám khá rẻ và nhàn. Chi phí phân đạm 3 ha rừng trám (khoảng 2.500 cây) chỉ mất 10-15 triệu đồng một năm. Ngoài dọn cỏ, người trồng không tốn công gì thêm. Bên cạnh đó, những hộ trồng loại này còn gia tăng thu nhập nhờ xen canh các loại cây ngắn ngày như gừng, xả, dưa leo... dưới rừng trám", anh Toàn chia sẻ.

Người dân trồng trám xen các loại cây khác cho thu nhập ổn định. Ảnh: Ngọc Lan.


Trám đen hình thoi, 2 đầu nhọn, màu tím thẫm, thịt màu đỏ vàng, trong hạt có nhân trắng. Giống trám nếp ngọt, bùi, thịt mềm dẻo và giá cao hơn khoảng 10.000-15.000 đồng/kg so với loại tẻ (giòn và cứng hơn). Vì thế, gần đây nhiều người có xu hướng trồng trám nếp.

"Hàng năm, cứ vào đầu mùa trám (cuối tháng 5 âm lịch), thương lái từ các nơi kéo tới thu mua. Nhiều người Trung Quốc sang mua với số lượng lớn. Cây trám chưa được trồng phổ biến nên cung không đủ cầu. Thời điểm khan hàng, nhiều người tới mua giá 90.000-95.000 đồng/kg sau đó đem ra các chợ thành phố và dưới xuôi bán lại với giá 120.000 đồng/kg", anh Toàn cho hay. Thương lái thu mua quả trám sau đó bán cho người dân, nhà hàng và một số công ty dùng trám chế biến cá kho, làm mứt.

Nhựa trám dùng để chưng cất tinh dầu, chế biến côlôphan dùng trong công nghệ nước hoa, xà phòng, véc ni làm hương, pha chế sơn và mực in. Giá thu mua nhựa dao động 30.000-40.000 đồng/kg.

"Mọi năm, nhiều người đến hỏi mua nhựa nhưng tôi từ chối. Nếu cho thu nhựa thì năng suất quả rất thấp. Vào thời điểm trong mùa, nhiều thương lái Trung Quốc đến tận vườn thu mua hạt trám loại to từ 2 cm trở lên với giá cao ngất ngưởng, tới 720.000-800.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trám cho hạt to thường là cây mọc tự nhiên, năng suất quả rất thấp nên ít người trồng", anh Toàn cho hay.

Theo một số hộ ở Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, trám dễ trồng, tuy nhiên, thời gian thu hoạch tính từ khi bắt đầu trồng mất ít nhất 3 năm. Người trồng có thu nhập ổn định từ năm thứ 6 trở đi. Cây trưởng thành cho thu hoạch trong 50 năm, sản lượng quả 200-300 kg một cây. So với cây ăn quả thông thường, thời gian thu hoạch của trám kéo dài hơn. 

Quả trám được bán với giá cao trên thị trường. Ảnh: NVCC.


Vào mùa trám, trên các chợ lẻ, chợ trực tuyến, loại quả này được chào bán với giá 120.000-140.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Thanh (Mai Động, Hà Nội) cho biết, năm nào cũng nhờ người ở quê (Bắc Kạn) gửi quả trám lên để đồ xôi bán. Mỗi kg trám có giá đến 100.000 đồng, cuối mùa lên 150.000 đồng/kg nhưng người bán luôn báo "cháy" hàng. "Ngày trước, quả trám chín đen rụng đầy gốc, nhặt ăn không hết. Bây giờ, tôi phải mua với giá 150.000 đồng, đắt hơn cả thịt", chị Thanh cho hay.

Theo ông Trần Ngọc Điện, trưởng thôn Cầu Trên (Quang Sơn, Lập Thạch), trám đen là cây bản địa ở Vĩnh Phúc, đặc biệt tại các vùng Xuân Lôi, Quang Sơn. Là cây niên vụ nên trám càng lâu năm càng có giá trị. Mấy năm trở lại đây, trám có giá trị. Cây hiếm khi mất mùa, giá quả bán tại vườn lên tới 50.000-60.000 đồng/kg. Hiện tại, theo ông Điện, 100% gia đình trong thôn đều trồng trám và đang mở rộng diện tích.

Ông Điện cho biết thêm, vùng trung du, đồi núi không có làng nghề truyền thống, kinh tế tương đối khó khăn. Gần đây, thôn, xã chủ trương khuyến khích người dân chuyển đổi trồng lúa sang trồng dâu tằm, ớt, dưa leo, bí đao. Tuy nhiên, thu nhập từ những nông sản này không cao và nhiều rủi ro hơn cây trám.

"Trám không phải là cây mũi nhọn bởi phải phụ thuộc nhiều vào diện tích đất rừng. Tuy nhiên, trong tương lai, loại cây này có tiềm năng kinh tế cho người dân quanh khu vực. Hiện tại, một số gia đình sở hữu rừng trám lâu năm cho thu nhập đến vài trăm triệu đồng mỗi năm", trưởng thôn chia sẻ.

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015

Luyện gà “nghìn đô” dưới tán bưởi Diễn, nhãn lồng

Dưới tán mát của vườn bưởi Diễn, nhãn lồng trĩu quả trong trang trại gà Đông Tảo của anh Giang Lê Hân (xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, Hưng Yên), đàn gà quý đang chạy nhảy tung tăng, nom con nào cũng béo, đẹp với đôi chân “khủng” rất đã mắt.

 

Trang trại gà đặc biệt này được thiết kế rất mát mắt. Toàn bộ vườn nuôi gà được phủ kín bóng mát tự nhiên của bưởi Diễn quý và nhãn lồng. Trên các mái chuồng nuôi được hệ thống phun nước tự động liên tục để chống nóng cho đàn gà.
 

Theo anh Hân, việc thiết kế chuồng nuôi thoáng mát bằng không gian xanh tự nhiên, gia đình anh đã không chỉ tiết kiệm được chi phí đầu tư mà còn chống nóng và tránh được dịch bệnh cho gà rất hiệu quả.

 

Vườn nuôi gà Đông Tảo được phủ bóng mát bởi các cây bưởi Diễn, nhãn lồng sai trĩu quả.
 

“Ngoài việc trồng lấy bóng mát, mỗi năm gia đình tôi còn có nguồn thu nhập khá từ việc bán nhãn lồng và bưởi Diễn mà nhiều trang trại trong vùng mơ ước” – anh Hân chia sẻ.
 

 

Anh Hân tự hào khoe, trang trại của anh hiện đang sở hữu gần 10 chú gà trống Đông Tảo thuần chủng trị giá từ 10 đến 20 triệu đồng/con. 

 

Cùng với khoảng trên 100 gà mái, mỗi năm trại bán ra thị trường khoảng trên dưới 1 vạn gà giống. Tổng doanh thu mỗi năm của trại đạt khoảng trên 1 tỷ đồng.
 
 

Khu úm và nuôi gà giống có mái thiết kế bằng giàn dây hoa leo và luôn được tưới mát bằng hệ thống phun nước tự động, tạo cho không gian chuồng nuôi rất mát mẻ.

Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

Thu nhập hơn 200 triệu từ vốn vay 20 triệu đồng

Với số tiền vay 20 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, sau 12 năm lăn lộn với nghề chăn nuôi, anh Nguyễn Văn Vương (xã Vĩnh Lương, Nha Trang, Khánh Hòa) đã có mức thu nhập hơn 200 triệu mỗi năm.

Sau nhiều năm vật lộn với cây điều mà không có lãi, đầu năm 2003 anh Vương phá bỏ hoàn toàn 200m2 điều để xây dựng thành 6 khung chuồng và nuôi 4 con heo nái giống từ số tiền vay 20 triệu đồng của Quỹ Hỗ trợ nông dân.

Vừa nuôi anh vừa học nghề thú y để có thể áp dụng các biện pháp kỹ thuật cho đàn heo của mình. Nhờ chăm sóc tận tụy và đúng cách, đàn heo của anh Vương luôn phát triển tốt.

Anh Vương đổi vận nhờ nuôi heo và gà. Ảnh: Công Tâm.

Anh cho biết, trong quá trình nuôi vừa cho heo ăn thức ăn công nghiệp, vừa tận dụng các rau trồng trong vườn nên đã tiết kiệm được một khoản chi phí khá lớn. Mỗi lứa heo đẻ từ 10 đến 14 con và mỗi con heo nái giống chỉ cho đẻ khoảng 6- 8 lứa thì thanh lý.

Mỗi năm, anh nuôi 3 lứa, từ khi nuôi đến xuất chuồng khoảng 4 tháng. Do đó, mỗi lứa anh thu nhập bình quân 40 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí. Tức một năm 3 lứa, tổng lợi nhuận từ heo là 120 triệu đồng.

Khi đã có được một số vốn từ chăn nuôi heo, anh mua đất xây nhà và mở rộng chăn nuôi gà thả vườn. Đến năm 2012, anh bắt đầu theo học kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức. Sau khi nắm vững được kiến thức, anh ra thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) mua giống về nuôi.

Mỗi lứa anh thả nuôi 500 con, sau hơn 3 tháng thì thu hoạch. Anh Vương cho biết, mỗi lứa sau khi bán đã cho thu nhập hơn 15 triệu đồng (đã trừ chi phí). Bình quân mỗi năm anh nuôi 3 đợt, thu về 45 triệu đồng.

Ngoài ra, anh Vương còn nuôi thêm bồ câu và mở cơ sở bán thức ăn chăn nuôi với thu nhập trên 5 triệu đồng mỗi tháng, vị chi gần 60 triệu đồng một năm. "Có được cơ ngơi như ngày hôm nay là do mình có gan dám làm", anh tâm sự.