Trang

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Thuê đất trồng ly, thu tiền tỷ

Sinh ra, lớn lên ở xã Tây Tựu, Từ Liêm (Hà Nội) - địa phương nổi tiếng về trồng hoa, anh Nguyễn Văn Dư đã lựa chọn hoa ly để trồng.

Sau 12 năm đèn sách, không giống như nhiều bạn bè cùng trang lứa theo đuổi con đường học hành, anh Dư quyết định ở nhà trồng hoa. Giữa thời buổi “tấc đất tấc vàng”, nhiều diện tích trồng hoa ở Tây Tựu đã chuyển sang làm khu công nghiệp. Không còn đất sản xuất, nhiều ND Tây Tựu đi thuê đất ở các huyện lân cận để tiếp tục nghề trồng hoa.

Năm 2008, anh Dư thuê diện tích trồng lúa của ND xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) để trồng hoa ly. Ban đầu ít vốn, anh thuê vài ha, rồi tăng lên 38ha và đầu năm 2013, anh tiếp tục thuê hơn 2ha ở xã Đan Phượng để trồng loại hoa chất lượng cao này.

“Hoa ly chỉ thích hợp với khí hậu ôn đới nên việc đưa giống hoa có nguồn gốc từ Hà Lan này vào trồng ở Việt Nam, tôi đã gặp không ít khó khăn” - anh Dư cho hay. Chưa qua trường lớp đào tạo bài bản về trồng hoa ly, anh tìm tòi, nghiên cứu tài liệu hướng dẫn cách trồng và chăm sóc hoa ly để trang bị kiến thức cho mình”.

Theo anh Dư, trồng hoa ly phải tuân thủ kỹ thuật nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc đến phòng trừ bệnh. Hoa phải được trồng trong nhà lưới, đất có độ ẩm 80% trở lên, thoát nước tốt, nhiệt độ từ 12-15 độ C là thích hợp nhất, nếu từ 20-25 độ C vẫn chấp nhận được.

Đặc biệt, hoa ly chỉ thích hợp trồng vào vụ thu đông, thời gian cho thu hoạch kéo dài 3 tháng. Do chất lượng cao nên hoa ly của trang trại anh làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Thị trường chủ yếu của anh trên địa bàn TP. Hà Nội. Anh Dư cho biết, với giá bán 15.000-20.000 đồng/cây hoa, mỗi năm anh thu về 2-3 tỷ đồng. Trang trại hoa ly của anh thu hút 20-30 công nhân với thu nhập 3-5 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ bí quyết trồng hoa chất lượng cao, anh Dư cho hay: “Hoa ly rất kén đất nên sau khi kết thúc vụ, phải cải tạo lại đất mà tốt nhất là cho các hộ thuê lại để cấy lúa”.

Bà con muốn tìm hiểu kinh nghiệm trồng hoa ly liên hệ với anh Dư, ĐT: 04. 78016688.

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Tỷ phú từ... chuối

Nghề trồng chuối tiêu hồng đã mang lại bộ mặt mới cho một ngôi làng ở bãi sông Hồng mà chừng 6 năm về trước còn rất nghèo nàn.

Bây giờ về làng Năm Mẫu, được coi là vựa chuối của huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên sẽ thấy những cánh đồng chuối bát ngát xanh và những ngôi nhà cao tầng. Vào chính vụ người dân thu hoạch, chuối được chở xe lớn xe bé mang đi xuất khẩu. Nghề trồng chuối tiêu hồng đã mang lại bộ mặt mới cho một ngôi làng ở bãi sông Hồng mà chừng 6 năm về trước còn rất nghèo nàn.

Làng trồng chuối

Khắp các cánh đồng của làng Năm Mẫu, chỗ nào cũng thấy những ruộng chuối xanh tốt. Nơi thì đang trong kỳ thu hoạch, nơi chuối đang chuẩn bị ra hoa, lại có cánh đồng chuối vừa được trồng để kịp thu hoạch vào cuối năm. 99% diện tích đất của làng Năm Mẫu, xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu đều được chuyển đổi, trồng chuối tiêu hồng và đây là một bước đột phá trong sự phát triển kinh tế của người dân nơi đây. Nếu trước kia mỗi sào đất trồng rau màu, dong, riềng chỉ đem lại cho người nông dân khoản lãi xấp xỉ 1 triệu đồng thì cây chuối tiêu hồng cho thu lãi mỗi vụ từ 4 đến 5 triệu đồng/sào/năm. Mỗi héc-ta trồng chuối tiêu hồng cho thu lãi từ 2 đến 300 triệu đồng/năm, gấp khoảng 4 lần so với trồng lúa. Ông Lê Đình Thảo, phó chủ tịch UBND xã Tứ Dân cho hay: "Trước kia người dân trong xã trồng nhiều loại cây khác nhau nhưng năng suất và hiệu quả thấp, từ khi họ vay vốn ngân hàng, chuyển đổi sang trồng chuối tiêu hồng thu nhập tăng lên rất nhiều, đến nay có những thôn 99% diện tích canh tác trồng cây chuối tiêu hồng. Cũng chính nhờ chuối tiêu hồng mà cả xã đa phần làm nông nghiệp nhưng không còn hộ đói nghèo".

Ở làng Năm Mẫu, hiện nay có rất nhiều hộ gia đình giàu có nhờ trồng loại chuối năng suất này, họ đã xây được nhà tiền tỷ, góp phần làm cho làng xã trở nên giàu đẹp. Những ông chủ như Ngô Văn Đán, Trần Văn Sĩ, Ngô Văn Công... sở hữu hơn chục mẫu là thường, thu lãi hơn một tỉ đồng mỗi năm. Chị Ngô Thị Thuý tâm sự: "Trồng chuối từ những ngày đầu tiên nhưng từ khi có giống chuối tiêu hồng gia đình tôi mới thu được hiệu quả kinh tế cao nhất. Vừa thâm canh trên diện tích đất của gia đình chúng tôi còn thuê thêm đất bãi của xã bên, đến nay gia đình đã có gần 14 mẫu chuối...".

Học tập xã Tứ Dân, đặc biệt là làng Năm Mẫu, một số làng của các xã của huyện Khoái Châu như: Đại Tập, Đông Kết... cũng dồn ruộng, vay vốn để đầu tư trồng chuối tiêu hồng và loại cây này cũng trở thành cây trồng cho thu nhập chính. Bên cạnh đó, người nông dân có thể trồng xen những cây rau màu ngắn ngày trong ruộng chuối để tăng thêm thu nhập mà không ảnh hưởng đến năng suất chuối.

Ông Công phấn khởi vì giá chuối cao

Việc tiêu thụ chuối tiêu hồng ở Tứ Dân cũng khá dễ dàng. Vào mùa, hàng đoàn xe tải, xe thồ lại về khu vực và nhiều địa phương khác trong huyện mua chuối đem đi xuất khẩu. Những buồng chuối đẫy tháng đều tăm tắp, quả nào quả nấy tròn căng trông rất thích mắt. Anh Đoàn Văn Vinh, một thương lái đã nhiều năm mua chuối cho biết, chuối tiêu hồng của Khoái Châu, nhất là làng Năm Mẫu luôn đạt chất lượng cao nhất, nải đẹp, quả đều, to, ngon ngọt, rất được lòng khách hàng... Không chỉ có anh Vinh, nhiều thương lái trong tỉnh và ở Hà Nội, Hải Dương... đã quen thuộc với chuối tiêu hồng Năm Mẫu. Cứ đến hẹn lại lên, họ ra tận ruộng gom chuối hoặc đặt hàng trước chứ ít khi người trồng chuối phải thồ đi bán như trước đây. Chưa năm nào cây chuối tiêu hồng làm người nông dân thất vọng, giá cả cũng ngày càng tăng khá. Nửa đầu năm 2011, loại chuối này lại càng được giá, do nhu cầu thị trường Trung Quốc, Nga... rất ưa chuộng

Ơn người mang nghề về làng

Để có được cuộc sống khấm khá, sung túc, có của ăn của để, người dân rất biết ơn ông Ngô Văn Công, một người đã mang giống chuối tiêu hồng về làng. Ông Ngô Văn Công sinh năm 1968, cũng như bao thanh niên khác trong làng, ông xây dựng gia đình và sớm lao vào cuộc sống vất vả. Ban đầu, ông sống bằng nghề nấu rượu và chăn nuôi, sau đó thấy nấu rượu cũng bị độc hại bởi khói than, hiệu quả không cao nên hai vợ chồng sắm xe đạp đi buôn chuối. Chục năm lặn lội khắp các làng quê miền Bắc để gom hàng, ở đâu có chuối ngon ông đều thông thạo. Năm 2003, ông Công thồ xe chuối cả xanh lẫn chín lên Hà Nội bán. Cũng tại đây, ông nhìn thấy một người bán những nải chuối tiêu màu vàng, bóng mượt, rất đẹp và lạ mắt. Ông tưởng người ta nhuộm thuốc hay phun loại sơn gì vào để lừa khách hàng. Tò mò, ông dùng nước bọt bôi lên quả chuối và lau, chẳng có chất gì phai ra cả. Người bán chuối kia nói: "Có phun cái gì đâu mà anh thử, nó vàng như thế đấy". Lân la hỏi xuất xứ của loại chuối này, chị bán chuối lắc đầu quầy quậy không nói. Ông Công phải dúi vào tay chị một ít tiền (bằng cả buồng chuối lúc bấy giờ), bảo: "Chị làm ơn chỉ giúp, tôi muốn mua ít giống về trồng". Mãi sau chị ta mới tiết lộ: "Anh về xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam mà hỏi. Đây là loại chuối tiêu hồng, quả rất thơm và ngon."

Vui sướng vì được cung cấp địa chỉ, hôm sau ông Công đạp xe xuôi đê sông Hồng, tìm đến xã Hòa Hậu, nơi có giống chuối tốt, rồi đến tìm gặp những ông chủ vườn chuối, xin họ bán giống. Phải mất gần 10 ngày mới mua được 400 cây giống. Về nhà, lứa đầu tiên trồng gia đình phát hiện ra có đến hơn 100 cây là chuối tiêu xanh, kém năng suất hơn rất nhiều do các chủ vườn ở Hòa Hậu cố tình cho kèm vào.

Chuối được thu mua và xuất khẩu


"Dẫu vậy, tôi và bà xã đã đánh dấu tất cả những gốc tiêu xanh để bỏ đi, còn tiêu hồng thì nhân giống ra, chia cho anh em họ hàng cùng trồng. Và giờ toàn bộ diện tích của chúng tôi đều được đầu tư trồng loại chuối tiêu hồng này. Nó có đặc điểm là quả chín vàng, mọng, đẹp mã, vỏ chín mà bên trong vẫn cứng. Không như chuối tiêu xanh, vỏ xanh mà có khi bên trong đã nhũn, rất khó vận chuyển". Từ năm 2004 đến nay, mỗi năm ông Công bán cho bà con khoảng 2 vạn cây giống, giá 2.000-4.000 đồng/cây. Mới đây, nghe tiếng giống chuối tiêu hồng, các thương lái ở miền Nam đã tìm ra Năm Mẫu, mua giống về bán cho chủ vườn trồng. Hiện, ông Công có 13 mẫu chuối tiêu hồng, với giá bán 100.000-120.000 đồng/buồng.

Anh Trần Văn Sĩ - người sở hữu 14 mẫu chuối cho hay: "Người Năm Mẫu là những dân cư nghèo, thấy giống cây nào trồng phù hợp, cho năng suất cao thì theo. Tuy nhiên, người dân chúng tôi cũng rất biết ơn ông Công, người đã tìm ra cây chuối tiêu hồng, phù hợp với vùng đất bãi này. Từ đó mà làng phát đạt, con cái được học hành tấn tới".

Các chủ vườn khác như Nguyễn Hữu Tứ, Ngô Văn Đán cũng chỉ có mấy sào ruộng theo tiêu chuẩn, diện tích này không thể phát triển được cây chuối. Từ năm 2005, học theo ông Công họ đều vay tiền ngân hàng, thầu thêm ruộng của người dân xã bên để mở rộng diện tích trồng chuối, có năm lên đến 15 mẫu. Từ năm 2007, họ đã trả hết nợ ngân hàng, có của ăn của để và xây được nhà tiền tỉ. Cây chuối tiêu hồng trở thành cây làm giàu cho cả làng.

Yên tâm sống với nghề

Nhìn những cánh đồng chuối bát ngát, những ngôi nhà cao tầng mọc lên như những ngôi biệt thự ven bãi sông Hồng, ít người biết chính cây chuối đã mang lại đời sống kinh tế khá giả cho người dân nơi đây và họ có thể yên tâm mà sống bằng nghề. Trong tương lai, một số ông chủ nuôi hy vọng sẽ nhân giống cây này để mở trang trại ở một số tỉnh lân cận, vừa giúp bà nông dân con nơi đó phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương mà những người đầu tư còn có thể có thu nhập cao hơn.

Còn tại Năm Mẫu, người dân được nhờ vào ý chí và sự sáng tạo của ông Công, để hôm nay họ có thể nở nụ cười thật tươi, thật sáng vì cuộc sống đang phát triển, phồn thịnh.

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Hái ra tiền nhờ sùng đất

Với giá bán dao động từ 200 nghìn đến 250 nghìn đồng/kg sùng đất, nghề săn sùng đất được xem là nghề hái ra tiền, giúp nhiều nông dân ở huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi)kiếm được trên dưới 500 nghìn/ngày, từ loại côn trùng mà trước đây họ thường săn về chỉ để cho… gà ăn.

Lộc trời cho !

Có dịp về huyện Sơn Tịnh vào những ngày giữa tháng 11, đi qua các vùng bãi bồi, ven sông nhiều người không nén được sự hiếu kì khi chứng kiến cảnh hàng trăm nông dân đang hì hục lật từng thớ đất ở các bãi bồi ven sông, trên những thửa hoa màu cuối vụ thu hoạnh, để bắt một loại côn trùng được người dân nơi đây ví von như "lộc của trời".

Theo những người dân địa phương có thâm niên nhiều năm trong nghề săn sùng đất thì nơi đây được xem là "thủ phủ" của sùng đất. Vào mùa sùng đất những người từ Đà Nẵng, Huế... về tận nơi để thu mua với giá cao ngất ngưởng, đắt hơn cả tôm tươi.

Có kinh nghiệm nhiều năm mưu sinh trong nghề, anh Nguyễn Văn Hải (xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh) cho biết: "Nói là nghề nhưng thực ra dụng cụ săn sùng đất cũng rất đơn giản, chỉ cần cái cuốc và một xô nước mang theo, khi bắt được thì ngắt ruột bỏ nhanh sùng vào để giữ cho sùng được tươi và không bị đen, cuốc dùng để đào sùng lưỡi phải dài, mỏng, mới có thể đào sâu bắt được những con sùng lớn".

Thông thường sùng đất trưởng thành vào mùa mưa, độ vào giữa tháng 8 cho đến hết tháng 12 (âm lịch), vì chu kỳ vòng đời ngắn, nên đến mùa sùng đất là nông dân ở đây lại tranh thủ "hái lộc" từ con vật được xem là trời cho này. Sùng đất tuy không hiếm, nhưng để săn được những con sùng đất tươi ngon, đặc quánh sữa, to gần bằng chừng ngón chân cái. Mỗi tay đào sùng thường giữ cho mình những bí quyết riêng để săn được nhiều sùng, nếu không muốn về tay không vì không tìm được vận may dưới lòng đất.

Sùng đất

Người dân địa phương cho biết sùng đất là loại côn trùng sạch, bởi chúng sinh sôi ở những vùng đất, xa khu dân cư và ăn rễ các loại cây không độc hại. Nơi phun nhiều thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ thì hầu như không tìm được sùng. Lúc trước sùng đất nhiều vô kể, người dân đào về chỉ để cho gà ăn. Nhưng vài năm trở lại đây nhiều nhà hàng, quán ăn, hoặc các tay sành nhậu...,xuống tận nơi để thu mua với giá cao, đã giúp nhiều nông dân thực sự đổi đời, đến mùa săn sùng bỏ túi được cả cây vàng cũng là chuyện có thật.

"Trước kia người dân ở đây không dám ăn vì hình dạng bên ngoài "nhờn nhợn" của nó, nhưng giờ thì phải nhịn thèm, có bao nhiêu người ta mua bấy nhiêu hết rồi !", ông Nguyễn Ngọc Phúc, một tay săn sùng nói. Trung bình, mỗi ngày một người đào sùng cũng kiếm được trên dưới 2 kg sùng đất, với giá bán như hiện nay, nghề săn sùng đất đã giúp nhiều nông dân có của ăn của để.

Theo kinh nghiệm dân gian ăn sùng đất không những bổ dưỡng cơ thể, tăng sinh lực, mà còn có tác dụng chữa được nhiều bệnh, nên tại các nhà hàng, quán ăn, món này được xem là đặc sản này và luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Anh Hoài Thuận, chủ nhà hàng Golden Hills trên đường Phan Bội Châu, Tp. Quảng Ngãi chia sẻ. "Nhiều người bị mê mẫn bởi mùi thơm, và cái vị béo ăn hoài không thấy ngán, và đặc biệt bởi công dụng bổ thận của nó, nên món này tại nhà hàng luôn trong tình trạng "cháy hàng"".
Nghề săn sùng đất đang giúp nhiều người bớt khó khăn

Món ngon từ sùng đất

Sùng đất được chế biến thành nhiều món khác nhau, từ xào, luộc, nướng... hoặc cũng có thể phơi khô để ngâm rượu. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của người dân địa phương thì món sùng đất được xào hoặc nướng được nhiều người ưa thích nhất. Sùng đất sau khi đào được đem về rửa sạch đất cát, luộc hoặc nướng sơ qua cho chín vừa, sau đó ướp gia vị hành, tiêu, ớt, tỏi, củ sả tươi, mắm muối như ướp thịt, càng nhiều sả càng thơm, và cần một khoảng 30 phút cho gia vị ngấm đều rồi mới làm các món ăn. Từ công đoạn này sùng đất được chế biến thành những món ngon như sùng đất rang, chiên giòn, nướng...

Ở các nhà hàng sùng đất được chế biến theo yêu các của thực khách, nhưng thường thì các tay sành nhậu hầu hết đều rất ghiền món sùng đất nướng. Chị Nguyễn Cảnh Đào, một chủ quán tại xã Tịnh Giang cho biết: "Thực khách ăn một lần món sùng đất nướng là hầu như nghiện món này. Với món nướng, bằng cách cho sùng đất đã thấm gia vị lên vỉ rồi đặt trên bếp than rực đỏ. Trở vỉ nhiều lần và phải thật đều tay để sùng không bị cháy sém, thấy chín đều, bay mùi thơm ngon là dùng được". Có lẽ không gì hấp dẫn hơn vào ngày đông rét mướt, hương thơm sùng đất lan tỏa bên bếp lửa hồng ấm áp, mọi người cùng quây quần thưởng thức. Những món trên, tùy sở thích có thể ăn cuộn với lá lốt non, lá mơ, xà lách, bánh tráng mỏng rau sống,...

Hương vị của chúng khá lạ, vừa béo vừa thơm ngọt, hơn nữa theo kinh nghiệm dân gian ăn sùng đất không những bổ dưỡng cơ thể, tăng sinh lực, mà còn có tác dụng chữa được nhiều bệnh. Theo cách nói hóm hỉnh của ông Trần Phước Hòa- Chủ tịch UBND xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh: " Sùng đất có thể ngâm rượu để bồi dưỡng cơ thể, chữa trị đau nhức, mạnh gân cốt và đem lại sung mãn cho phái mày, chỉ cần dăm bảy lạng sùng đất sau khi chế biến xong ăn vào thì...bà xã sẽ vui hết biết".

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Nữ chủ trang trại tuổi 28

Huỳnh Thị Liên ở thôn 8, thị trấn Đăk Rờ Ve, H.Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum là nữ chủ trang trại với 3 ha cao su, 2 ha bời lời, 1,5 ha sắn, gần 1 ha cà phê và 0,5 ha hồ tiêu. Đến nay, mỗi năm Liên thu hoạch 120 triệu đồng.

Liên với rẫy cà phê của mình - Ảnh: Gia Hương

Trò chuyện về hành trình trở thành chủ trang trại của mình, Liên chia sẻ: Năm 2005, nhận thấy đất đai tại địa phương rộng lớn, thuận tiện cho việc phát triển kinh tế theo hướng trang trại tổng hợp, chị đã chủ động vay mượn 30 triệu đồng của bạn bè và người thân để đầu tư trồng cà phê, sắn cao sản, bời lời.

Sau đó, chị tự tìm tòi nghiên cứu một số tài liệu cần thiết về khoa học kỹ thuật chăm sóc các loại cây công nghiệp. Áp dụng phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, từ nguồn thu của sắn cao sản, bời lời, Liên đã mở rộng diện tích sang trồng cao su và hồ tiêu. Đến nay trang trại của Liên đã phát triển được 3 ha cao su, 2 ha bời lời, 1,5 ha sắn, gần 1 ha cà phê và 0,5 ha hồ tiêu.

Với đức tính kiên trì, cần cù, chịu khó và ham học hỏi, Liên đã đầu tư công sức, cải tạo đất đai, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi, đến nay, mỗi năm Liên thu hoạch 120 triệu đồng. Đó là chưa kể 3 ha cao su trồng năm 2007 sắp đến ngày thu hoạch. Không chỉ làm giàu riêng cho bản thân mình, trang trại của Liên thường xuyên tạo việc làm cho thanh niên tại địa phương lúc nông nhàn. Khi vào mùa thu hoạch, trang trại của Liên tạo việc làm cho 10 - 17 thanh niên.

Hiện tại Liên là Bí thư Chi đoàn, Chi hội trưởng thanh niên và là Phó chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 8. Với cương vị là một người cán bộ Đoàn, cán bộ phụ nữ ở thôn, Liên luôn trao đổi kinh nghiệm và khát vọng làm giàu chính đáng của bản thân với đoàn viên thanh niên; hướng dẫn đoàn viên thanh niên tại địa phương phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình. Mới đây, Liên vinh dự được Trung ương Đoàn tặng giải thưởng Lương Định Của lần thứ 8, giải thưởng dành cho “Nhà nông trẻ xuất sắc”.

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Tỷ phú cá lồng

Ông sinh ra và lớn lên tại vùng biển nghèo khó, thừa cát trắng, thiếu cơm ăn. Nhưng giờ đây, sau bao năm vật lộn với miền gió bụi, cát bay, ông đã trở thành tỷ phú nhờ nuôi cá lồng.

Ngôi nhà 3 tầng khang trang rộng cả trăm mét vuông của ông Nguyễn Hữu Cầu, xóm Sông Hải, xã Thạch Sơn soi bóng dòng sông Nghèn trông thật hoành tráng. Hôm chúng tôi tới thăm, ông Cầu đang chỉ đạo cánh thợ hoàn thiện nốt sàn nhà.

Vẻ mặt đầy mãn nguyện khi ngắm cơ ngơi đồ sộ của mình cũng đủ thấy ông Cầu tự tin đến nhường nào. Khi chúng tôi hỏi bí quyết nào mà ông xây được ngôi nhà trị giá cả tỷ đồng như thế, ông Cầu không ngần ngại chỉ tay về phía bờ sông Nghèn và nói đầy ví von: “Mọi thứ đều bắt nguồn từ dòng sông Nghèn đấy”. Quả thực, câu chuyện làm giàu của ông Cầu đều bắt nguồn từ sông và biển.

Hồn treo cột buồm

Ông Cầu (sinh năm 1963) sinh ra và lớn lên tại cửa sông Nghèn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Vị mặn mòi của biển cả đã nuôi nấng ông thành người. Bao đời nay, người dân quê ôngcoi con thuyền và tấm lưới là phương tiện hành nghề kiếm sống. Cũng giống như bao trai làng khác, từ bé đã được bố và anh cho lên thuyền ra khơi câu mực, đánh cá. Sóng gió, nắng chói chang, hiểm nguy là những ký ức tuổi thơ không phai mờ. Ông Cầu bảo, cá tôm nơi trùng khơi nhiều vô kể, nhưng để kiếm được miếng ăn đôi khi những chàng trai biển phải đổi bằng chính mạng sống của mình.


Biết nghề biển nguy hiểm là vậy, nhưng ít người trong thôn dám từ bỏ nó vì không biết kiếm nghề gì để sống. Ông Cầu là người đi biển giỏi giang nhưng không ít lần hút chết vì gió bão. Gian nan hiểm nguy là vậy, ông vẫn phải bám biển mưu sinh. Năm 24 tuổi, ông mới lấy vợ. Bố mẹ cho ở riêng tại ngôi nhà 4 bề thông thốc gió lùa. Hạnh phúc lớn nhất của gia đình ông là mỗi khi thấy ông vác tấm lưới an toàn về nhà. Sau gần chục năm vợ ông đã sinh liền một mạch 4 đứa con, 2 trai, 2 gái.

Cùng tắc biến

Đúng lúc cái nghề câu mực và bắt cá ở cửa sông Nghèn đang làm ăn phát đạt, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định làm con đập chặn ngang sông Nghèn với mục đích “ngọt hóa sông Nghèn”. Công trình này sẽ giúp cho hàng nghìn hécta lúa của huyện Thạch Hà và Can Lộc được tưới nước ngọt. Khi con đập này hoàn thành, bà con nhân dân sống nhờ đồng ruộng vui bao nhiêu, thì những ngư dân sống ở xóm Sông Tiến và Sông Hải, xã Thạch Sơn buồn bấy nhiêu, vì nghề đánh bắt cá truyền thống của họ bị xóa. “Ai cũng hoang mang lo lắng, không biết làm gì để sống đây. Cái nghề cha truyền con nối kia, bao đời nay gia đình tôi đã sống nhờ nó. Ai cũng lo lắng, không biết tương lai sẽ trôi về đâu” - ông Cầu nhớ lại. Vốn là trai biển dạn dày sương gió, chiều chiều ông đi thất thểu ngoài bờ sông như người mất hồn vì nhớ thuyền, nhớ bến.

Sau nhiều ngày tha thẩn bên bờ sông Nghèn, ông mới chợt tỉnh, giờ không bắt được cá, tại sao mình không đóng bè nuôi cá như một số vùng đã làm. Đúng năm đó, UBND tỉnh hỗ trợ vốn cho các hộ dân bị ảnh hưởng do xây đập ở Thạch Sơn chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Một bè cá được hỗ trợ 22 triệu đồng, ông bỏ thêm 20 triệu đồng nữa kết được một cái bè với 4 ô nuôi cá. Sau nhiều ngày tìm hiểu, ông có thông tin về loài cá chẽm (cá vược) rất phù hợp với vùng nước lợ. Ban đầu, ông mua 1.000 con cá chẽm giống về thả thử. Ông nghĩ, giống cá này khỏe ăn sẽ dễ nuôi, ông cũng chịu khó mày mò, đọc tài liệu viết về giống cá thơm ngon này. Những bỡ ngỡ ban đầu dần qua, cứ mỗi ngày, đàn cá chẽm lớn dần. Đêm đêm nằm trên bè, nghe tiếng cá quẫy ùm ùm như tiếp thêm động lực cho ông.

Lại nói về giống cá chẽm, do chúng chỉ ăn cá con, nên ngày nào ông Cầu cũng phải chi tiền để mua thức ăn cho chúng. Tiền chi ra liên tục, nhiều lúc vợ ông cũng sốt ruột bảo: “Mình xem thế nào chứ, cả làng nỏ ai nuôi. Tại sao ông suốt ngày sống ngoài bè thế?”. Ông Cầu biết, vì sốt ruột lo cho ông nên bà xã mới nói vậy, chứ gia đình ông đã đặt cược cả gia tài vào việc nuôi cá lồng trên cửa sông Nghèn rồi. Cuối năm đó cũng là lúc bè cá cho thu hoạch. Vừa kéo tấm lưới lên khỏi bè, đôi tay ông run run khi bắt từng chú cá chẽm. Ông đặt cá lên cân, con nào cũng trên 1kg. Đến lúc đó ông mới tin là việc đầu tư của ông đã thành công. Giá cá bán được 120.000 đồng/kg. Vụ đó, trừ hết chi phí, vợ chồng ông thu hơn 50 triệu đồng.

Thừa thắng xông lên, năm sau ông làm thêm 6 ô nuôi cá nữa. Tận dụng nguồn thức ăn giá rẻ tại địa phương để nuôi cá chẽm nên ông rất tự tin về kế hoạch mở rộng sản xuất của mình. Tiền lãi từ nuôi cá chẽm, sau mỗi năm cứ tăng dần đều, chẳng mấy chốc nhà ông đã có của ăn của để. Theo ông Cầu, nuôi giống cá chẽm này rất nhàn. Mỗi ngày cho ăn một lần. Ăn xong là chúng lặn sâu dưới đáy lưới, chẳng í ới gì nữa. Duy chỉ có điều, khi đầu tư làm bè phải làm chắc chắn. Ai mà sơ ý làm bè, lưới không cẩn thận là mất cả chì lẫn chài.

Mang nghề về cho cả làng

Nuôi cá chẽm đơn giản, giá lại cao. Hiện tại ông bán tại chợ Thạch Sơn giá 150.000 đồng/kg. Thương lái các nơi đổ về mua, ông Cầu không có đủ cá để bán. Từ thành công của ông Cầu, bà con trong thôn Sông Hải mới mạnh dạn bỏ tiền đầu tư lồng bè nuôi cá. Ông Cầu đã không ngần ngại truyền đạt kinh nghiệm cho bà con. Ông biết rằng, dân quê mình kiếm được miếng ăn là vô cùng khó khăn, trong khi đó, kế hoạch “ngọt hóa sông Nghèn” đã khiến họ mất hết tư liệu sản xuất. Giờ đây ông đã tìm ra nghề mới nên ông nhiệt tình hướng dẫn bà con cách làm bè, chọn giống, chăm sóc cá, thậm chí giúp bà con trong thôn vay vốn để phát triển nghề nuôi cá lồng.

“Ông Cầu đã mang nghề về làng giúp bà con từng bước xóa đói giảm nghèo. Vùng đất “gió bụi, cát bay” này đang thay đổi từng ngày là nhờ vào những con người dám nghĩ, dám làm như ông Cầu”.

Ông Nguyễn Hữu Niêm -
Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn
Sau mấy năm vất vả ngược xuôi phụ giúp bà con, đến nay riêng thôn Sông Hải của ông đã có 120 lồng nuôi cá. Tính trung bình, mỗi lồng thu lãi 30-50 triệu đồng/năm. Theo ông Cầu, việc làm lồng nuôi cá chẽm không khó. Thông thường một dàn lồng có kích cỡ 6x6x3m và được thiết kế thành 4 ô để làm thành 4 lồng riêng biệt. Như thế sẽ thuận lợi cho việc thả giống được đồng loạt, đồng thời một lồng không nuôi cá sẽ dành để thay lồng khi xử lý bệnh cá hay xử lý rong bẩn đóng trên lồng. Trước khi thả cá giống vào lồng, cần phải thuần hóa để cá thích nghi với nhiệt độ và nồng độ muối trong lồng.

Theo kinh nghiệm của ông Cầu, cá giống nên phân cỡ theo nhóm và nuôi trong những lồng riêng biệt. Thả cá vào lúc sáng sớm (6-8 giờ) hoặc buổi tối (20-22 giờ) khi nhiệt độ thấp. Mật độ thả cá thường từ 40-50 con/m3. Sau 2-3 tháng, cá đạt trọng lượng 150 - 200g, lúc này giảm mật độ còn 10-20 con/m3. Nên dành một số bè trống, để sử dụng khi cần thiết như chuyển cá giống hay đổi lưới cho lồng nuôi khi bị tắc nước do vi sinh vật bám. Thông qua việc chuyển đổi lồng giúp phân cỡ và điều chỉnh mật độ nuôi.

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Bắc Giang: Trồng rau cần VietGAP thu 600 triệu đồng/ha

Với diện tích trên 150ha, thu nhập bình quân lên đến 400 - 600 triệu đồng/ha/năm, rau cần đã và đang trở thành cây trồng chủ lực giúp nhiều hộ dân ở xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa, Bắc Giang) có của ăn của để, thành triệu phú.

Thu hàng trăm triệu mỗi năm

Về Hoàng Lương vào thời điểm này, trên cánh đồng đâu đâu cũng thấy bà con đang tấp nập thu hoạch rau cần. Anh Hoàng Văn Tú ở thôn Thanh Lâm vui vẻ nói: “Nhà tôi, trồng 8 sào cần, mỗi năm thu hoạch 4 lứa, trừ chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, cũng bỏ túi không dưới 200 triệu đồng”.

Từng được xếp vào danh sách hộ nghèo nhất xã, nhưng nhờ mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cần mà giờ đây, gia đình ông Nguyễn Văn Cát ở thôn Đại Thắng đã thoát nghèo và vươn lên khá giả, thu nhập mỗi năm đạt tới hàng trăm triệu đồng. Ông Cát phấn khởi khoe: “Hiện, giá rau cần bán buôn đạt 2.000 đồng/kg, còn bán lẻ được 2.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí trung bình mỗi sào tôi thu về 20 triệu đồng/năm. Chọn cần làm cây thoát nghèo quả là bước đi đúng đắn”.

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Văn Quế - Chủ tịch UBND xã Hoàng Lương cho biết: Hiện Hoàng Lương có trên 150ha đất trồng rau cần, phân bố đều ở 10 thôn của xã với 800 hộ tham gia.

Sản xuất rau cần VietGAP

Ông Quế cho biết, để khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng rau cần, từ năm 2011 đến nay, UBND xã đã trích ngân sách khoảng 100 triệu đồng/năm để mở các lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng phân bón, thuốc BVTV cho nông dân.

Hiện, công tác xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ rau cần VietGAP của Hoàng Lương đã hoàn thành, chỉ chờ Cục BVTV về kiểm tra lại lần cuối vào tháng 11.

Bà Hoàng Thị Tiến - Phó phòng Nông nghiệp huyện Hiệp Hòa
Đặc biệt, tháng 5.2013, UBND huyện Hiệp Hòa đã ký quyết định thành lập Hội Sản xuất, tiêu thụ rau cần Hoàng Lương, do ông Nguyễn Văn Tỉnh - Trưởng thôn Thanh Lâm làm Chủ tịch Hội, đồng thời triển khai mô hình sản xuất và tiêu thụ rau cần VietGAP với 128 hộ tham gia, chia thành 21 lô sản xuất tập trung với diện tích 10ha.

Ông Nguyễn Văn Tập – cán bộ khuyến nông xã cho hay: “Tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ cây giống với mức 180.000 đồng/sào, gần 75.000 đồng/sào cho phân bón, thuốc BVTV; được cấp phát sổ theo dõi hàng ngày và đi tham quan các mô hình sản xuất rau an toàn trong và ngoài tỉnh… Hiện, mô hình trồng cần VietGAP đã cho thu hoạch 2 vụ, hiệu quả kinh tế rất cao” - ông Tập nói thêm.

Được biết, với việc đẩy mạnh sản xuất rau cần theo hướng hàng hóa, áp dụng quy trình VietGAP, thu nhập của người dân Hoàng Lương được cải thiện rõ rệt, hiện đã đạt bình quân trên 20 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 5%.

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Cầm bằng đại học về quê...chăn bò

Lên Mộc Châu hỏi Huấn "hâm" chăn bò nhiều người biết. Huấn nổi tiếng vì có trong tay tấm bằng đại học chuyên ngành điện tử viễn thông nhưng lại quyết chí về quê vắt sữa bò.

Tôi đến đúng lúc Huấn đang đánh xe chở cỏ từ đồng về. Đội mũ cối, áo len đơn giản, quần bảo hộ lao động cộng thêm đôi ủng lấm lem bùn đất, trông Huấn không hề giống "đại gia". Nhìn thấy tôi, Huấn nhảy ùm một cái từ xe bò xuống cười bẽn lẽn giải thích: Tôi đi lấy thức ăn cho bò về. Trong suốt buổi nói chuyện về việc làm giàu có khó, về quyết định bỏ phố về quê, có lúc Huấn cười rạng rỡ, lúc lại lấy tay quệt nước mắt.

Bằng đại học treo chuồng bò

- Anh có biệt danh Huấn "hâm" khi nào?

(Cười bẽn lẽn) Từ khi tôi quyết định mang bằng đại học về treo cửa chuồng bò. Bạn bè bảo, nếu có ý định làm anh nông dân nuôi bò thì việc gì phải lặn lội từ Sơn La xuống Hà Nội học đại học, mà chuyên ngành lại là điện tử viễn thông, vốn chẳng có gì ăn nhập với nghề vắt sữa bò.


- Bạn anh nói cũng có lý đấy chứ?

Gia đình tôi quê gốc ở Thái Bình. Năm 1980, cả nhà chuyển lên Mộc Châu. Thời điểm đó kinh tế nhà tôi khó khăn lắm. Bàn đi tính lại, bố mẹ tôi quyết định nuôi bò. Làm gì có tiền để mua đâu. Bố mẹ tôi vay được 44 triệu đồng để sắm vài con bò. Thời điểm đó, đấy là số tiền khổng lồ. Vì số tiền quá lớn nên cả nhà "ăn vì bò, ngủ vì bò" chăm bò như chăm trẻ nhỏ.

Tôi đã lớn lên trong nghèo khó và gắn bó với những công việc ủ cỏ, cho bò ăn... như thế. Cuộc sống nghèo và êm ả khiến tôi mơ về cuộc sống khác. Tôi thích được mặc những bộ đồ sạch sẽ, ngày ngày xách cặp đến công sở. Vậy là tôi lao vào học. Năm 2002, tôi đỗ vào Khoa Điện tử Viễn thông, Đại học Công nghệ, ĐHQGHN. Tôi xuống Hà Nội học, tâm hồn vui phơi phới.
Triệu phú Phan Doãn Huấn, tiểu khu 26/7 thị trấn Mộc Châu, Sơn La

- Vui như thế, sao anh lại quay về?

Ra trường, thú thật là tôi cũng chưa tính đến chuyện về quê mà hăm hở đi xin việc. Nhưng cuộc sống của một kỹ sư mới ra trường khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Đồng lương vài triệu với đủ thứ tiền nhà, tiền điện, tiền ăn, tiền sinh hoạt khiến cho cuộc sống trở nên ngột ngạt. Lương cầm chưa khỏi tay đã thấy hết...

- Anh quyết định quay về là vì cảm thấy quá mệt mỏi?

Không phải thế (lắc đầu và xua tay rối rít). Tôi ra trường vào năm 2007, thời điểm đó ở quê tôi đã bắt đầu thay da đổi thịt. Nhiều gia đình nhờ nuôi bò đã vươn lên thành triệu phú, tỷ phú. Tôi tự đặt câu hỏi, tại sao lại cứ cố bám trụ ở thành phố, tại sao không về quê giúp bố mẹ làm giàu. Bố mẹ thì không còn trẻ còn các em thì vẫn nhỏ, tôi về sẽ giúp được nhiều. Đặt lên bàn cân, tính đi tính lại, tôi quyết định quay về.
Giờ nếu Huấn về Hà Nội thì cũng chỉ để đi chơi và thăm thú bạn bè

Làm thuê cho chính mình là sướng nhất

- Mọi người phản ứng thế nào về quyết định của anh?

Bố mẹ tin vào sự lựa chọn của tôi. Còn bạn bè thì bất ngờ. Biệt danh Huấn "hâm" cũng có từ đó.

- Sau vài năm ở quê, anh thấy quyết định của mình thế nào?

Trước khi về nhiều đêm tôi không ngủ được. Nhưng ngay đêm đầu tiên khi trở về tôi đã ngủ rất ngon. Cũng có lúc tôi băn khoăn không biết mình có làm sai. Nhưng nhìn lại tôi nghĩ mình đã đúng. Trong khi nhiều bạn học vẫn còn đang chật vật với cơm áo gạo tiền ở thành phố, còn tôi trở về những đã có nhiều thứ. Khi về, tôi bàn với bố mẹ mở rộng số lượng đàn bò, áp dụng quy trình sản xuất sạch. Mới đầu bố mẹ tôi cũng run. Nhưng tôi thuyết phục được. Nhờ đó, giờ gia đình tôi đã có "của ăn của để", trang trại ngày một rộng, bò ngày thêm đầy chuồng. Nếu bây giờ tôi có về Hà Nội thì cũng chỉ là về đấy chơi hoặc thăm hỏi bạn bè, chứ lập nghiệp thì không. Tôi thấy làm thuê cho chính mình là sướng nhất.

- Nhưng anh từng nói ghét cuộc sống quanh quẩn với những công việc tủn mủn vắt sữa, cho bò ăn...?

(Cười). Bây giờ tôi không còn suy nghĩ đó. Có lẽ khi đã trưởng thành, cái nhìn của tôi cũng thay đổi. Tôi hạnh phúc vì mỗi sáng được hít thở không khí trong lành của thảo nguyên, hạnh phúc khi nhìn thấy đàn bò khoẻ mạnh.

- Còn tấm bằng đại học, anh không thấy tiếc sao?

Có chứ (mắt rơm rớm nước). Quả thật những kiến thức chuyên ngành học ở đại học không giúp ích trực tiếp cho tôi trong công việc cắt cỏ, vắt sữa bò... (khóc). Nhưng tôi nghĩ tri thức không bao giờ thừa. Nó không giúp cho mình trong việc này thì sẽ giúp cho mình trong việc khác. Tôi có đứa em trai. Thằng bé cũng có ý muốn ở nhà chăn bò. Nhưng tôi và bố mẹ nhất quyết bắt nó phải đi học, có tấm bằng đại học rồi thích làm gì thì làm.

- Tương lai anh có ý định theo học cái gì đúng chuyên ngành không?

Có chứ. Chăn bò, cắt cỏ, vắt sữa... mới nghe thì tưởng là đơn giản, nhưng giờ chúng tôi đang bước vào nền công nghiệp sản xuất sạch, phải học chứ. Rồi học để còn biết cách nhân giống, chăm sóc bò để bò không bị bệnh. Có thời gian tôi vẫn muốn đi học. Có điều, giờ tôi nhiều việc quá, khó lòng mà dứt ra đi học như trước. Tôi chỉ tham gia học những khóa đào tạo ngắn hạn thôi.
Huấn đã đúng khi quyết định về quê chăn bò


Không sắm xe hơi, mua nhà lầu

- Tôi nghe nói anh giàu lắm, thực tế anh giàu đến mức nào?

Tôi cũng bình thường thôi (lại tủm tỉm cười). Hiện giờ gia đình tôi có hơn 70 con bò, trong đó khoảng 30 con có giá trên 50 triệu đồng/con, số còn lại khoảng 35 - 40 triệu đồng/con. Tổng số tiền từ bò khoảng gần 3 tỷ đồng. Ngoài ra, gia đình tôi có hơn 4ha trang trại. Cũng không thể gọi là giàu được. Nhưng tương lai thì đang vẫn mở rộng ở phía trước. Tháng vừa rồi, chúng tôi thu về được 117 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, chúng tôi lãi được khoảng 70 - 80 triệu đồng. Tôi đang bàn với bố mẹ mở rộng thêm. Khi đó, tiền có khi còn nhiều nữa.

- Tiền nhiều như thế anh có ý định mua ô tô, xây nhà lầu không?

Nói thật, gia đình tôi có đủ khả năng xây nhà to, mua ô tô xịn. Nhưng tôi không thích kiểu "khoe mẽ" như thế. Không lẽ tôi mua ô tô để đi lấy cỏ cho bò. Tiền lãi chúng tôi tiếp tục đầu tư vào sản xuất, mua thêm bò, mở rộng trang trại...

- Anh không sợ rủi ro sao, ví dụ dịch bệnh này rồi như năm vừa rồi người dân nuôi bò điêu đứng vì vụ sữa nhiễm melamine?

Đúng là không thể nào mà lường hết được rủi ro. Nhưng tôi đã tính rồi, sữa bò của chúng tôi giờ có đầu ra. Khâu lo nhất là bò ốm đau hoặc chết. Nhưng giờ chúng tôi tham gia vào quỹ bảo hiểm vật nuôi của Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, chẳng may nếu bò của gia đình tôi có "mệnh hệ gì" chúng tôi vẫn được bồi thường. Mình có kiến thức cộng thêm sự chăm chỉ cần cù, trời sẽ không phụ lòng người đâu.

Trò chuyện đến đây, anh cáo lỗi vì đến giờ cho bò ăn. Nhìn cách anh nhảy lên lưng trâu lao ra khỏi cổng trang trại, khuôn mặt ánh lên nụ cười rạng rỡ, chúng tôi nhớ lại câu anh nói "Vấn đề không phải là ở thành phố hay ở quê. Điều quan trọng là lựa chọn cho mình hướng đi đúng".

"Trong một lần dắt bò thi hoa hậu bò sữa, tôi đã gặp được người bạn đời của mình. Nhà cô ấy cũng có bò mang đi thi. Gặp gỡ, thấy tâm đầu ý hợp nên thành duyên. Tôi vẫn nói đùa là có được mọi thứ như hiện nay đều là nhờ con bò".

Thu lợi cao từ cây nhãn tím

Trái nhãn màu tím có xuất xứ từ vùng cây trái miệt cù lao Phong Nẫm (xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) với màu sắc lạ mắt đã khiến vùng quê yên ả này trở nên sôi động hơn, qua những cuộc săn tìm của giới kinh doanh cây giống cũng như sự lưu tâm của nhà nghiên cứu khoa học.

1 triệu đồng mỗi cây giống

Lần đầu tiên, trái nhãn tím hiếm hoi xuất hiện tại lễ hội Trái ngon lần thứ 13 tổ chức tại huyện Chợ Lách (Bến Tre), và sau đó ra mắt tại ngày hội Sông nước miệt vườn tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng hồi tuần trước. Trái nhãn lạ mắt đã thu hút sự hiếu kỳ của nhiều người và do có số lượng ít đã khiến giá bán sỉ lên tới 80.000 đồng/kg, giá bán lẻ: 2.000 đồng/trái... cũng bị "cháy" hàng ngay những giờ đầu tiên trưng bày tại mỗi nơi. Trong khi đó, giá bán nhãn long bình thường, dù cùng giống, chỉ khoảng 12.000 - 13.000 đồng/kg, nhưng lại được ít người quan tâm.

Ông Trần Văn Huy (Bảy Huy), chủ nhà vườn ở ấp Phong Thạnh (xã Phong Nẫm, Kế Sách, Sóc Trăng) hiện đang sở hữu giống nhãn lạ mắt này. "Sau các kỳ lễ hội nêu trên, đã có người đề xuất hợp đồng độc quyền bao tiêu toàn bộ cây nhãn giống của tui với giá 1 triệu đồng mỗi cây, nhưng tui chưa tính toán được có nên hay không giữa lúc này", ông Bảy Huy nói. Theo ông Huy, trước đây cũng có người từng đặt mua ông Huy mười nhánh nhãn tím với giá 1,5 triệu đồng/nhánh, nhưng ông Huy từ chối vì số lượng đặt mua không đáng kể, trong lúc ông muốn giữ nguyên tính độc đáo của giống nhãn độc quyền này. Trước sự việc cây nhãn tím ra đời, ông Nguyễn Minh Cảnh, phó chủ tịch UBND xã Phong Nẫm, nói: "Ngành nông nghiệp huyện Kế Sách đang tính tới phương án hỗ trợ ông Huy đăng ký độc quyền đối với giống nhãn lạ này, trước khi tính tới chuyện bán giống".

Xuất hiện tình cờ

Cách nay mười năm, trong vườn nhãn chuyên canh rộng cả ba công đất (3.000m2) của ông Bảy Huy, chỉ có một cây đơm ra một tược có vài hiện tượng khác thường. Ông Bảy Huy kể: "Lúc đó, phần đọt non có màu đỏ hồng, lá già dần có màu phơn phớt nâu, cành nhãn lúc còn non có màu tím thẫm. Tới mùa khiển cho nhãn ra bông năm đó, nhánh nhãn này cũng cho vài chùm trái non có màu tím như trái nho. Con nít trong vùng thấy lạ nên lén lút bẻ trái khi chưa kịp chín, nên tui chưa biết trong ruột ra sao. Đau lòng hơn, cả nhánh nhãn lạ mắt cũng bị làm gãy mất tiêu".
Ông Bảy Huy bên chùm nhãn tím còn non.

Tuy nhiên, may mắn thay, trong thân cây mẹ (tại vị trí mọc ra nhánh nhãn màu tím đã bị gãy) vẫn còn một nhánh non có đặc điểm tương tự. "Phải chiết ra, đem về trồng gần nhà để tiện bề gìn giữ, theo dõi, chăm sóc", ông Huy thầm nghĩ và đã làm như vậy, do vườn nhãn của ông Huy nằm cách nhà ở của ông vài trăm thước. Từ đó, từ một nhánh nhãn lạ mắt mọc ra từ cây mẹ là giống long nhãn bình thường, đến nay, bên hiên nhà của ông Huy có khoảng chục cây nhãn tím, trong đó có bốn cây nhãn lớn đang cho trái, bình quân mỗi cây có thể cho thu hoạch 20kg/năm. Ông Huy xem đây là lộc trời cho nên chỉ để dành tặng cho những người bạn quý thưởng thức, và nếu có bán thì chỉ bán cho những người quen thuộc khi mùa nhãn chín trùng với dịp lễ tết, hay có đám tiệc với giá 50.000 đồng/kg.

Bất ngờ liên tiếp

Mùng 5.5 vừa rồi, một người quen ở địa phương đã nài nỉ ông Huy để mua cho bằng được khoảng 6kg nhãn tím, đưa đi tham dự lễ hội Trái ngon tổ chức tại Chợ Lách (Bến Tre). Sau khi cảm nhận được tính độc đáo của giống nhãn tím, ông này trở về bàn bạc, hợp tác với ông Huy chiết nhánh bán giống thông qua hợp đồng độc quyền bao tiêu. Ngày hội Sông nước miệt vườn tổ chức tại Sóc Trăng cuối tuần rồi, đại diện UBND xã Phong Nẫm cũng đặt mua ông Huy khoảng 5kg nhãn (50.000 đồng/kg) đem dự triển lãm.

Những người lần đầu tiên thưởng thức trái nhãn tím đã nhận xét, do đây là nhánh mọc ra từ cây mẹ là giống long nhãn, nên hình thù trái hoàn toàn giống cây mẹ, cơm nhãn cũng có màu trắng, hương vị cũng giống nhãn long, nhưng chỉ khác ở màu lá, màu trái... tím. Qua thử nghiệm nhiều năm, ông Bảy Huy cho biết: "Đó là cây nhãn long có màu tím thay vì màu xanh như thông thường. Hột nhãn lớn, chẻ ra bên trong ruột đôi khi cũng có màu tím (thay vì trắng đục như nhãn bình thường), nhưng khi đem gieo có lúc lại mọc lên cây long nhãn như bình thường". Còn ông Bùi Thanh Liêm, trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chợ Lách (Bến Tre), thành viên ban tổ chức lễ hội Trái ngon thứ 13, thừa nhận: "Huyện Chợ Lách qua 12 năm tổ chức hội trái ngon, chưa từng nhìn thấy trái nhãn có màu tím bao giờ".

Nhận xét về cây nhãn tím, tiến sĩ Võ Công Thành, bộ môn di truyền - chọn giống và ứng dụng công nghệ sinh học, khoa nông nghiệp (đại học Cần Thơ) cho biết: "Đây là hiện tượng đột biến khá lạ trên cây nhãn có liên quan tới di truyền. Muốn rõ hơn về hiện tượng này, cũng như những biến đổi (nếu có) trong chất lượng trái, cần có những nghiên cứu, phân tích sâu hơn". Hiện nay, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có trên 40.000ha nhãn các loại, tập trung lớn nhất tại Vĩnh Long với trên 9.000ha, nhưng hầu như chưa có nơi nào có cây nhãn cho trái màu tím như ở Sóc Trăng. Liệu giống cây này có đem lại giá trị lớn hơn cho chủ vườn đang sở hữu nó?

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Kiếm 50 triệu/tháng nhờ... chăn trâu

Một con trâu gầy khi mua về sau một tháng chăm sóc, vỗ béo trên đồng cỏ sẽ tăng ít nhất 10kg thịt. Tính ra thì thu nhập mỗi tháng, anh Hùng cũng được 50 triệu đồng trên tháng trừ tất cả chi phí.

Gần 4 năm nay, ngày nắng cũng như ngày mưa, người dân ở xã Đông Hòa TX Dĩ An tỉnh Bình Dương vẫn thấy một người đàn ông trạc tuổi 50 theo sau một đàn trâu khoảng 50 con trên bãi cỏ cạnh làng Đại học Quốc Gia Hồ Chí Minh.

Anh Nguyễn Văn Hùng ở Thanh Lương (Bình Long - Bình Phước) trước đây vốn là một đầu mối chuyên cung cấp bò sữa giống cho các trang trại nuôi bò sữa trên địa bàn TP. HCM. Nhưng do giá sữa thất thường nên nhiều chủ trang trại phá sản, không còn đầu ra, anh cũng bị lỗ vốn và điêu đứng theo.

Tài sản bao năm tích góp đầu tư vào đàn bò sữa giống cũng vì thế mà vơi đi gần hết, tiếp tục xoay sở hết việc này việc khác cũng thua lỗ. Cuối cùng anh quyết định đầu tư vào chăn nuôi trâu vỗ béo ở ngoại thành TP. HCM.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, tuổi thơ của anh Hùng sớm phải lo toan với cơm, áo, gạo tiền vì bố mẹ mất lúc anh 13 tuổi. Anh phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi.

Trong những ngày lang thang, lam lũ đó anh được nhận vào làm trong một trại bò. Hàng ngày trực tiếp chăm sóc cho những con bò của trại đã giúp anh có nhiều kinh nghiệm trong công việc này.

Anh Hùng và công việc chăn nuôi đàn trâu của mình.


Đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, phong trào nuôi bò sữa ở TP. HCM bắt đầu nở rộ, anh Hùng nghỉ làm việc ở trang trại ra làm riêng. Bằng kinh nghiệm thực tế có được, công việc làm ăn của anh nhanh chóng đi lên nhưng đến những năm 2000, giá sữa xuống thấp, các chủ trang trại phá sản nên anh cũng điêu đứng. Anh đành bán rẻ đàn bò sữa giống, chấp nhận lỗ.

Anh Hùng luôn trăn trở tìm cách làm ăn trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế này.


Bỏ nghề cung cấp bò sữa giống, chút vốn liếng còn lại anh tính đầu tư vào cây điều nên chuyển cả gia đình về tỉnh Bình Phước sinh sống nhưng lại một lần nữa giá hạt điều lại giảm mạnh, vốn liếng đầu tư mất cả.

Sau hai lần thất bại, tài sản đem thế chấp trả nợ, anh suy sụp hoàn toàn. Trong lúc chán nản anh nhận thấy ở địa bàn Bình Phước có rất nhiều trâu, đặc biệt là ở vùng biên giáp với Campuchia.

"Người dân ở vùng này bán trâu chủ yếu bán vo (tức là nhìn con trâu rồi định giá chứ không cho lên cân) mà mình đã có thời gian chăn nuôi bò khá lâu nên cũng có chút kinh nghiệm coi bò rồi định giá, phần thắng là nhiều chứ không thua" - anh Hùng tâm sự.

Hiện tại anh thuê một vườn cây ở TX Dĩ An làm chuồng nuôi nhốt trâu ban đêm, còn ban ngày thả chúng ở những đồng cỏ trong những khu công nghiệp. Sau khi mua được trâu ở Bình Phước, qua kiểm dịch của thú y, anh thuê xe chuyển về Bình Dương rồi tiêm thuốc tẩy giun và cho nhập đàn.

Anh tiết lộ: "Hiện nay anh có khả năng nhìn trâu và cân bằng mắt chỉ chênh lệch từ 2kg thịt đổ lại. Đó không phải ngày một ngày hai là có được mà phải có thời gian dài rút ra kinh nghiệm".

Căn cứ vào đó anh làm phép tính đơn giản: Một con trâu gầy khi mua về sau một tháng chăm sóc, vỗ béo trên đồng cỏ sẽ tăng ít nhất 10kg thịt. Trong khi đó giá anh giao vào lò mổ là 160.000đ/kg, một tháng anh giao ít nhất là 40 con. Tính ra thì thu nhập cũng được 50 triệu đồng trên tháng trừ tất cả chi phí.
Đàn trâu của anh Hùng được chăn thả trong các bãi cỏ rộng ngoại thành.


Để chủ lò mổ chấp nhận nhập hàng, ngoài việc giá cả thì chất lượng thịt rất quan trọng nên không phải bãi cỏ nào cũng có thể nuôi được trâu. Từ kinh nghiệm bản thân anh Hùng chia sẻ: "Nước uống cho trâu có vai trò chủ đạo quyết định chất lượng thịt thành phẩm, đủ nước thì thịt trâu tươi bắt mắt, thiếu nước thì sẽ bị thâm".

Anh Hùng duy trì đàn trâu 50 con đủ để xoay vòng cung cấp cho lò mổ nên phải thuê thêm một người trông coi đàn trâu. Những con trâu mua về chăm sóc được một tháng ước tính đã có lãi là cho xuất bán và tiếp tục nhập thêm trâu mới.

Thu lãi cao như vậy nhưng anh Hùng cũng không dám khẳng định sẽ theo đuổi công việc này lâu dài. Bởi vì anh nhận định giá thịt trâu cũng có thể thay đổi, nếu xuống thấp quá thì anh sẽ không làm nữa.

Tuy nhiên, hiện tại anh thấy thoải mái với nghề mình đang làm, dù vất vả thức đêm thức hôm nhưng nó giúp gia đình anh trả hết nợ, đáp ứng được một số nhu cầu của cuộc sống. Hơn nữa, giữa thời buổi kinh tế khó khăn, công việc này của anh đang đem lại thu nhập ổn định.

Thu 1 tỷ đồng /năm từ giống cam Canh, bưởi Diễn

Đó là thành quả mà ông Lê Xuân Long, thôn Ngọc Liên, xã Kim An, Thanh Oai, T.P Hà Nội gặt hái được sau hơn 10 năm trồng cam Canh, bưởi Diễn.

Dẫn chúng tôi thăm vườn cam Canh, bưởi Diễn trĩu quả, ông Long kể: “Trước đây, trang trại gần 2ha này của gia đình tôi trồng táo, ổi. Qua các phương tiện truyền thông báo, đài thấy mô hình trồng cam Canh, bưởi Diễn ở Hưng Yên và một số địa phương ở Hà Nội thu nhập rất cao, tôi quyết định chuyển hướng”.

Vậy là, cùng với vốn của gia đình và vay Ngân hàng NNPTNT được 300 triệu đồng, ông bắt đầu kế hoạch trồng cam Canh, bưởi Diễn. Trước khi mua giống về trồng, ông đến các trang trại cam Canh, bưởi Diễn ở thành phố và xuống Hưng Yên để học hỏi kỹ thuật. Từ vài trăm gốc cam Canh, bưởi Diễn năm 2000, ông tăng lên gần 1.000 gốc. Nhưng năm 2008, do mưa bão kéo dài, diện tích cam của ông gần như bị mất trắng, thiệt hại lên đến 400-500 triệu đồng. “Tiếc của nhưng thú thực gắn bó với cam, bưởi rồi, tôi không muốn từ bỏ chúng”- ông Long tâm sự.

Ông tiếp tục vay ngân hàng khôi phục lại trang trại. Đến nay, trang trại cam Canh, bưởi Diễn của ông có 3.000 gốc, mỗi năm thu trên 10 tấn quả. Ông nói:?“Tôi điều chỉnh để cây cho quả đúng vào dịp tết để bán được. Nhờ đó, mỗi năm tôi thu 600 triệu đồng từ cam, hơn 200 triệu đồng từ bưởi”. Năm 2012, ông Long ươm cây giống cam Canh, bưởi Diễn, đào, quýt để bán. Với giá 8.000-10.000 đồng/cây, mỗi năm với hơn 1 vạn cây giống, ông thu hơn 100 triệu đồng.

Không chỉ đem lại doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm, trang trại của ông Long đã tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương với thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng, 10 lao động thời vụ, tiền công 200.000 đồng/ngày. Ông còn bán chịu cho các lao động làm việc ở trang trại của gia đình mình cây con giống, cuối vụ thu hoạch mới phải trả tiền; hướng dẫn các hộ kỹ thuật trồng...

Bà con nông dân muốn tìm hiểu kỹ thuật trồng cam Canh, bưởi Diễn và mua cây giống liên hệ ông Long qua số điện thoại: 01665.133575.

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Làm giàu nhờ sa kê

So với nhãn, trồng cây sa kê hiệu quả kinh tế cao gấp 3-4 lần, hầu như không phải tốn công chăm sóc. Quả này dùng để nấu rượu, chế biến thành tinh bột, làm bánh chiên...
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ ở Campuchia, ông Phạm Tấn Hiền ở ấp Định Bình, xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cũng như bao người khác trở về địa phương, lại tiếp tục công việc của nhà nông, làm bạn với mảnh vườn ao cá. Ông làm vất vả tối ngày mà vẫn chưa khá lên được. Đang chán nản, tình cờ ông đọc được thông tin trên sách báo nói về tiềm năng phát triển toàn cầu của cây sa kê. Đây là loài cây dễ trồng và phát triển trong điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khắc nghiệt.

Đầu năm 2003, ông Hiền đi khảo sát từ miền Trung trở vào miền Tây Nam Bộ, thỉnh thoảng bắt gặp người dân ở Sài Gòn trồng vài cây ven phố để che bóng mát hoặc trồng làm cảnh ở các vùng nông thôn… Nhưng chưa có người nào trồng tập trung, chưa sản xuất hay chế biến một sản phẩm nào từ cây, trái sa kê.

Trong khi đó trái sa kê lại rất nhiều công dụng như trị ho, hen suyễn, rối loạn dạ dày, mụn nhọt... và được sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn như chiên giòn, nấu cà ri, nấu với tôm, cá…

Thấy được giá trị, hiệu quả kinh tế từ cây sa kê, ông trồng thử 30 cây và thực tế rất phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Nhờ chịu khó cần cù, chăm sóc đúng kỹ thuật, cây lớn rất nhanh và bắt đầu cho trái. Dần dà ông đã trồng kín 1,2 ha, mật độ khoảng 4.500 cây.

Từ thành công ban đầu, ông đã vận động một số nông dân có tâm huyết với cây sa kê, góp vốn và tổ chức thành tổ liên kết gồm 15 hội viên chuyên sản xuất giống, xây dựng vùng nguyên liệu, chế biến thành tinh bột, nấu rượu, làm bánh miến, bánh chiên từ trái sa kê…

Ông Hiền cho biết, cây sa kê từ khi trồng tới lúc thu hoạch khoảng 18 tháng (trồng bằng nhánh chiết), ít chi phí đầu tư chăm sóc, lượng phân bón không đáng kể. Trồng từ năm thứ 5 trở đi năng suất đạt 45 - 50 tấn trái một ha mỗi năm, giá bán thị trường thời điểm này 15.000 - 20.000 đồng một kg. Nếu so sánh với trồng nhãn thì trồng cây sa kê hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 4 lần, nhàn hơn nhiều, hầu như không phải tốn công chăm sóc.

Song song với việc làm hồ sơ đăng ký bản quyền lên Cục Sở hữu trí tuệ, ông Hiền đã mạnh dạn đi giới thiệu các sản phẩm được chế biến từ trái sa kê như tinh bột, bánh miến, sa kê thái lát chiên giòn, rượu sa kê… Vừa qua đã có một số công ty, nhà hàng, siêu thị ở TP HCM, Hà Nội đặt hàng, nhưng nguồn nguyên liệu chưa đủ số lượng để thực hiện các hợp đồng lớn.

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Bước ngoặt từ... mớ trái cây hỏng

Bước ngoặt cuộc đời xảy đến khi anh Nguyễn Văn Cường ở khu phố Long Bình, P.Xuân Phú, TX.Sông Cầu (Phú Yên) nhìn thấy các loại trái cây hỏng nằm lẫn với rác bỏ đầy chợ. Vì tiếc, anh nghĩ tới việc nuôi con gì ăn được loại này thì sẽ không tốn chi phí, lợi nhuận sẽ cao hơn. Đến với nghề nuôi nhím từ ý tưởng trên, bản thân anh cũng không ngờ, cuộc đời anh thay đổi từ đó.

Đó là năm 2003, khi anh Cường bắt đầu với 4 cặp nhím giống, giá 700.000 đồng/cặp. Bầy nhím của anh sinh sản mỗi năm 2 lứa, mỗi cặp sinh từ 1-3 con nên chẳng mấy chốc phát triển rất nhanh. Cũng trong thời gian này, anh phát triển thêm nuôi rùa nước (rùa Nam Trung bộ). Không chỉ nuôi nhím, rùa lấy thịt, anh cung cấp, hướng dẫn cho nhiều người phát triển loài vật nuôi này. Chỉ sau 4 năm làm ăn, không chỉ trả nợ xong, anh Cường còn xây dựng được căn nhà đàng hoàng, xóa bỏ căn nhà tranh vách cót.

Không dừng lại ở đó, anh Cường mở rộng quy mô chăn nuôi, thêm nhiều loài vật nuôi khác nữa như nuôi nai lấy nhung. Năm 2009, trang trại của anh Cường có hàng trăm con rùa nước trị giá gần 4 tỉ đồng. “Ngoài cung cấp giống cho người dân miền Trung, Tây nguyên và trong tỉnh, tôi còn đi đến nhiều trang trại ở các tỉnh khác để hướng dẫn kỹ thuật nuôi rùa nước sinh sản. Kỹ thuật nuôi thả tự nhiên đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ, nếu không rất dễ thất bại”, anh chia sẻ.
Trang trại của anh Cường đang phát triển tốt thì trận lũ lịch sử năm 2009 đã cuốn phăng gần như tất cả những gì vợ anh gầy dựng. Anh Cường bùi ngùi kể lại: “Lúc xảy ra lũ, tôi đang ở trong miền Nam để hướng dẫn cho một người bạn về kỹ thuật nuôi rùa nước. Khi biết tin, tôi trở về thì đã mất gần hết. Nghĩ mà tiếc nhưng “trời hại” thì đành bó tay, tôi quyết tâm khôi phục lại trang trại từ số giống còn lại. Và đến nay, trang trại đã phát triển tốt. Rút kinh nghiệm, tôi đầu tư mua đất ở khu cao ráo để làm trang trại tránh lũ”.

Anh Cường với trang trại trị giá hàng tỉ đồng - Ảnh: Đức Huy

Hiện trang trại anh Cường có hơn 20 cặp nhím sinh sản, mỗi năm sản xuất từ 30-40 cặp nhím giống và thịt, 20 con rùa nước sinh sản, nai và nhiều loại vật nuôi khác. “Vừa sản xuất giống, vừa cung cấp thịt cho các nhà hàng trong tỉnh, mỗi năm tôi thu về hơn 500 triệu đồng. Riêng số lượng 40 kg rùa nước trị giá vài tỉ đồng”, anh Cường cho biết.
Từ một thanh niên hành nghề xe ôm nghèo khó, anh Cường trở thành triệu phú và cũng là gương thanh niên, nông dân điển hình của Phú Yên. Anh vừa vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2012.

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Kiếm bạc tỷ từ những hũ gạo ngâm

Có thể nói ở nước ta rất hiếm có nơi nào duy trì được nghề truyền thống 700 năm như làng Chều, xã Nguyên Lý (Lý Nhân - Hà Nam). Ngôi làng nhỏ bé này mỗi ngày xuất ra thị trường hàng trăm tấn sản phẩm. Bánh đa nem làng Chều còn “vượt biển” sang tận Đông Âu và Châu Phi.

Mỗi ngày, làng Chều xuất ra hàng trăm tấn bánh đa nem

Đặc sản tiến vua

Ông Trần Quang Thao - Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Lý vui mừng cho biết: “Năm nay làng Chều bội thu rồi. Bánh đa nem mà thị trường hiện có gần như 100% là của làng Chều làm ra. Lượng bánh xuất khẩu sang nước ngoài cũng đạt kỷ lục. Sau 700 năm làm nghề bây giờ là hưng thịnh nhất”.

Trong ngôi biệt thự khang trang của ông Trần Văn Tường - Chủ nhiệm CLB bánh đa nem làng Chều trưng bày đủ mẫu bánh đa nem với nhiều chủng loại, màu sắc mẫu mã. Ông Tường bảo, sản phẩm truyền thống của địa phương là kết tinh của lịch sử 700 năm làm nghề. Mỗi người, mỗi nhà đều có một bí quyết riêng nhưng chung một điểm là bánh phải trắng, dẻo và thơm mùi gạo mới.

Ông Tường lấy trong tủ ra cuốn sử làng, đó là vào năm 1349 đời vua Trần Dụ Tông, ở làng Chều có gia đình cụ Trần Văn Hám làm nghề xay gạo. Thấy dân làng khó khăn, gạo làm ra tiêu thụ chậm nên cụ Hám đã nghĩ ra cách ngâm gạo rồi giã nhuyễn đem hấp trên nồi nước sôi. Khi nước bột thành bánh mới đem ra phơi nắng, sản phẩm đó được gọi là bánh đa nem, từng một thời trở thành đặc sản cung tiến vua chúa.

Làng Chều từ đó mới theo nghề cụ Hám, gạo đem giã hết thành bột nước rồi chế biến thành bánh đa nem. Trải qua bao thăng trầm, khi đói lúc no làng Chều vẫn giữ nghề truyền thống và phát triển cho đến nay.

Đình làng Chều - nơi thờ cụ tổ nghề Trần Văn Hám

Cả làng làm bánh

Ông Trần Văn Tường cho biết: “Làng tôi có 200 hộ dân với 850 nhân khẩu thì 90% trực tiếp làm bánh đa nem, 10% còn lại làm “cai bánh” tức là thu mua bán ra thị trường. Người lớn hay trẻ em đều làm được nghề và cho ra sản phẩm tinh túy nhất”.

Người làng Chều làm bánh đa nem theo cách riêng của họ. Khi các vụ lúa được thu hoạch, họ lựa chọn gạo tẻ chất lượng cao để bánh được đảm bảo. Trải qua nhiều công đoạn: Ngâm gạo, cho vào cối xay, làm chín qua nồi áp suất, đem phơi trên những tấm phên tre…

Nhưng quan trọng là ở bí quyết pha chế nguyên liệu khi gạo được giã thành bột nước. Mỗi nhà, mỗi gia tộc đều có bí quyết riêng, nhà thì dùng muối để bánh đa thêm mặn mà, nhà lại dùng rượu để sản phẩm dẻo hơn. Tuy nhiên, quan trọng nhất là ở khâu tráng bánh. Với kinh nghiệm, họ biết ở nhiệt độ nào thì sản phẩm chín tới và nhiệt độ nào để bánh đa nem có được màu sắc trắng sáng và giữ được hương thơm của gạo.

“Công nghệ mới nhất thế giới” của làng Chều

Thế giới mê bánh đa Chều

Ông Trần Quang Thao - Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Lý bảo: “Không biết thế giới họ làm bánh đa nem theo cách nào, công nghệ ra sao, nhưng hiện tại ở Việt Nam thì làng Chều là số 1. Tất cả các khách sạn, nhà hàng đến quán vỉa hè đều đặt hàng bánh đa nem ở đây. Mỗi năm, chúng tôi còn xuất khẩu lượng lớn bánh đa sang nước ngoài, thế giới rất mê bánh làng Chều”.

Theo ông Thao, bánh đa làng Chều đã xuất khẩu ra thế giới từ những năm 1970. Còn hiện nay, tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Âu và Châu Phi đều nhập một lượng lớn sản phẩm bánh đa nem do người làng Chều sản xuất.

Ông Trần Văn Tường cho biết, bánh đa ở đây được chia làm 3 loại: cỡ 22cm, 26cm và khoanh tròn đường kính 22cm. Giá bán lại rất rẻ, chỉ 10.000đồng/100 lá bánh. Tận dụng giá bán ấy, nhiều nơi đã về đây mua hàng về bóc tách sản phẩm bán với giá gấp 3-4 lần.

Theo thống kê sơ bộ của ông Tường, mỗi ngày làng Chều xuất ra thị trường trên 100 tấn bánh đa nem. Làng cũng giải quyết cho tất cả lao động địa phương và thu hút nhân công từ nhiều vùng khác. “Từ làng Chều, hiện nay nghề làm bánh đa nem đã phát triển tới 13/20 xóm ở xã Nguyên Lý, đem lại cho làng nghề gần 200 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc ô nhiễm môi trường từ làng nghề là không tránh khỏi khi mùi chua từ nước gạo bốc lên, chúng tôi sẽ sớm giải quyết vấn đề này đem lại sự hài hòa cho làng nghề”, ông Trần Quang Thao - Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Lý khẳng định.

“Chúng tôi đã nghiên cứu và thực tế rất nhiều lần cách làm bánh đa nem của làng Chều. Qua những tiêu chuẩn đã được quy định, chúng tôi vừa xây dựng thương hiệu bánh đa nem làng Chều và trình Cục Sở hữu trí tuệ xem xét cấp văn bằng bảo hộ độc quyền”, ông Trần Thăng Long - Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ và Thông tin công nghệ, Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nam.

Bỏ kinh doanh, mở trang trại thu tiền tỷ

Có nhà khang trang, cửa hàng buôn bán ở trung tâm thị trấn huyện, nhưng doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng của vợ chồng anh Nguyễn Văn Thành lại từ trang trại. 

Khu trang trại của vợ chồng anh Thành ở khu Minh Tiến, xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập (Phú Thọ). Chị Kiều Thị Thịnh, vợ anh trước đây lấy ngôi nhà ở thị trấn huyện Yên Lập làm cửa hàng buôn bán, còn anh Thành là cán bộ xã Đồng Thịnh. Cách đây gần 4 năm, anh Thành đưa vợ vào khu Minh Tiến lập trang trại.

Trẻ “tuổi đời”, già doanh thu
Trang trại của vợ chồng anh Thành rộng 5ha, cách tỉnh lộ chạy qua xã Đồng Thịnh vài cây số. Trang trại trước đây vốn là đất thổ cư, đất đồi rừng của 4 hộ dân khu Minh Tiến. Vợ chồng anh gom tiền tiết kiệm, vay mượn thêm anh em họ hàng để mua lại.

Về diện tích và “tuổi đời”, so với nhiều trang trại khác trong xã, ngoài huyện, trang trại của gia đình anh chưa thấm vào đâu. Nhưng nếu so về doanh thu thì nhiều trang trại không thể bì được.

Trang trại được anh thiết kế thành 5 khu, gồm khu ươm cây giống lâm nghiệp rộng 1,2ha; 2ha rừng sản xuất; 0,8ha ao thả cá; chuồng nuôi lợn nái, lợn thịt, gà giống, gà thịt rộng 1ha. Hướng đa canh và cách chọn cây, con nuôi trồng hợp nhu cầu thị trường, trang trại của anh đã đem về doanh thu trên 3 tỷ đồng/năm. “Xác định vay mượn vốn làm trang trại nên vợ chồng tôi phải cân nhắc cẩn thận. Quan trọng nhất là phải học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, áp dụng đúng quy trình khoa học kỹ thuật với từng loại cây trồng, vật nuôi”- anh Thành chia sẻ.

Làm phải chắc thắng
Làm trang trại là niềm đam mê của vợ chồng anh Thành. “Đam mê, nhưng vợ chồng tôi hết sức tính toán, cân nhắc. Đã làm thì phải nắm được 7 phần thắng. Các loại cây, con đang nuôi, trồng trong trang trại đều được vợ chồng tôi cân nhắc, tính toán kỹ trên cơ sở kiến thức, kinh nghiệm đã được học hỏi, nhu cầu của thị trường…”- anh Thành thổ lộ.

“Ba năm trở lại đây, bình quân doanh thu từ trang trại của vợ chồng anh Thành là 3,4 tỷ đồng/năm, lợi nhuận hơn 455 triệu đồng. Trang trại tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động. Hội ND huyện Yên Lập, Hội ND tỉnh Phú Thọ đang đề nghị T.Ư Hội NDVN công nhận gia đình anh là hộ ND SXKD giỏi cấp T.Ư.
Ươm giống cây là lĩnh vực anh Thành đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm, kiến thức từ người anh trai là kỹ sư lâm nghiệp có tiếng. Bình quân mỗi năm trang trại của vợ chồng anh bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh 4 triệu cây giống các loại với doanh thu 1,4 tỷ đồng.

Khu chăn nuôi, anh chia thành chuồng nuôi lợn nái ngoại; lợn thịt thương phẩm và chuồng nuôi gà giống, gà thịt. Bình quân, mỗi năm doanh thu từ chăn nuôi lợn giống, lợn thịt hơn 1,6 tỷ đồng. Anh cho biết, trang trại của vợ chồng anh chỉ nuôi gà sao và gà ri lai.

Đây là 2 giống gà đặc sản và cũng được nuôi theo kiểu đặc sản, đó là chỉ cho ăn thóc và ngô. Đàn gà mẹ 400 con mỗi năm cung cấp hơn 80.000 con giống. Bình quân mỗi năm anh để lại 1.000 con gà sao và 1.000 con gà ri lai nuôi thành gà thịt. “Dịp Tết nhu cầu thị trường lớn, giá gà bán ra lên tới 150.000 đồng/kg. Giá lợn có thể khi lời khi lỗ, nhưng với gà đặc sản thì chắc chắn là có lãi”- anh Thành cho biết.

Bà con muốn tìm hiểu thêm về trang trại của anh Thành, liên hệ số điện thoại 0983.870045, hoặc Email: vanthanhcaygiong@gmail.com.

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

Rau an toàn Yên Viên: Sau hai năm thu 1,5 tỉ đồng/ha

Sau 2 năm áp dụng mô hình sản xuất rau an toàn VietGAP, HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) đã tổ chức được nhiều hoạt động thương mại - dịch vụ năng động, luôn tìm hướng đi mới, thường xuyên cải tiến phương thức sản xuất, kinh doanh... 

Nhà nông đã biết làm dịch vụ
Theo thống kê của HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Viên, toàn xã có 100ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó 50ha trồng lúa tập trung, 30ha trồng rau màu và 20ha làm dịch vụ khác.

Từ năm 2011, HTX áp dụng thử nghiệm mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP, lấy 22ha rau màu làm điểm với các loại rau cải, rau thơm, hành...

Sau 2 năm thực hiện, đến nay nông dân Yên Viên thu về lợi nhuận 1,5 tỷ đồng/ha. Ông Đỗ Văn Tuấn - Chủ nhiệm HTX đánh giá: Nông dân vốn là những người chân chất, bao đời nay chỉ gắn bó với nghề chân lấm tay bùn, việc đổi mới phương thức sản xuất không phải ai cũng đồng tình ủng hộ. “Nhận thấy Yên Viên có tiềm năng phát triển kinh tế tập thể, tôi đã vận động bà con tham gia đổi mới cách thức sản xuất truyền thống sang trồng thử nghiệm theo hướng an toàn sinh học” - ông Tuấn nói.

Mục tiêu của HTX là giúp xã viên thoát được cảnh bấp bênh trong việc sản xuất và tiêu thụ rau bằng nhiều hoạt động như hướng dẫn, hỗ trợ người trồng rau về kỹ thuật canh tác rau an toàn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định... qua đó nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.

Đến nay, HTX đã có được đầu ra ổn định, sản phẩm chủ yếu bán tại các chợ đầu mối TP.Hà Nội. Không chỉ trồng rau, các xã viên của HTX còn tập làm dịch vụ - thương mại, đã có 12 hộ đăng ký bán buôn, bán lẻ tại Hà Nội và rau sạch của Yên Viên đã đưa vào các sàn giao dịch nông sản.

Bên cạnh việc tiếp cận hoạt động dịch vụ - thương mại, xã viên các HTX ở Yên Viên còn biết ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Bà Đỗ Thị Ít (thôn Lã Khôi, xã Yên Viên) là một trong tổng số 700 hộ tham gia sản xuất rau sạch VietGAP phấn khởi cho biết: “Trồng rau theo hướng an toàn sinh học, chúng tôi có nhiều đổi mới như áp dụng máy xới đất di động thay cho việc cuốc đất đã giảm được một lượng lớn ngày công; có giếng khoan để tưới tại vườn chứ không phải tưới nước sông; bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách… Nhờ đó, chất lượng và năng suất rau nâng lên rõ rệt”.

Lợi nhuận tăng nhờ liên kết
Yên Viên được đánh giá là một điển hình thành công trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, điểm nhấn đặc biệt là mô hình trồng rau an toàn theo hướng VietGAP mang lại lợi nhuận kinh tế cao. “Từ một xã xếp vị trí thấp của huyện Gia Lâm, trong 2 năm Yên Viên đã vượt lên xếp thứ 9 toàn huyện, đã hoàn thành được 18/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới” - ông Đỗ Văn Tuấn cho biết.

Năm 2014, UBND huyện Gia Lâm phối hợp HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Viên sẽ xây dựng lại hệ thống nhà lưới, khoan thêm giếng, mở các lớp tập huấn cho bà con...
Chị Trần Thị Hà (thôn Lã Khôi) - xã viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Viên chia sẻ: Áp dụng phương thức mới, áp dụng khoa học -kỹ thuật và có sự liên kết giữa bà con xã viên với doanh nghiệp nên chất lượng sản phẩm và giá trị lợi nhuận tăng đáng kể, tiêu thụ thuận lợi. “Giá rau bán tại ruộng năm nay khoảng 10.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với năm 2012. Như gia đình tôi trồng 6 thước rau cải/lứa, mỗi lứa trồng trung bình từ 25 - 30 ngày, thu 5 - 6 triệu đồng/ha/lứa” - chị Hà nói.

Ông Đỗ Văn Tuấn cho biết thêm: Thực hiện liên kết nhà nông trong việc trồng rau sạch theo hướng VietGAP, bà con đã tổ chức làm cột, nhà lưới cho rau trong mùa mưa; xây dựng 120 giếng khoan để tập trung tưới tiêu tại vườn; góp vốn mua máy xới đất nông nghiệp; doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm… Đây được xem là một hướng đi đúng đắn và phù hợp nhằm tăng trưởng lợi nhuận kinh tế xã Yên Viên.

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Nếp cái hoa vàng: Bán rơm cũng kiếm bạc triệu

Từ một giống lúa đặc sản nổi tiếng hàng trăm năm, tưởng chỉ còn là "vang bóng", nay nếp cái hoa vàng đã được ngành nông nghiệp Hà Nội triển khai thành vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, đem lại thu nhập khá cho nông dân.

Bán rơm cũng được 30 triệu đồng/ha
Ông Nguyễn Văn Công ở xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai cho biết: "Gia đình tôi năm nay cấy hơn 3 sào lúa nếp cái hoa vàng, hiện đang chuẩn bị thu hoạch, lúa rất đẹp, ít sâu bệnh, năng suất có thể đạt hơn 2 tạ/sào. Với giá bán trung bình 16.000 đồng/kg như năm ngoài thì gia đình tôi cũng thu được 3,4 triệu đồng/sào". Cũng theo ông Công, do là lúa đặc sản nên dù chưa chín, đã có nhiều thương lái đến hỏi "mua non" với giá 2 triệu đồng/sào để làm cốm, nhưng hầu hết người dân đều không bán.

Theo bà Bùi Thị Quyền - Trưởng thôn Song Khê, xã Tam Hưng, so với trước đây, mỗi sào nếp cái hoa vàng góp phần tăng thêm thu nhập của người dân khoảng 2 triệu đồng. Ngoài bán thóc, bà con còn bán được hơn 1 triệu tiền rơm/sào. "Rơm của lúa nếp cái hoa vàng cũng được những người làm chổi săn lùng, tính ra trồng 1ha lúa nếp cái hoa vàng, người dân có thể kiếm được hơn 30 triệu đồng từ bán rơm", bà Quyền nói.

Ông Đàm Văn Tân - Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Thanh Oai cho biết, mô hình canh tác lúa chất lượng cao nếp cái hoa vàng được ứng dụng theo phương pháp thâm canh lúa cải tiến (SRI), triển khai tại xã Tam Hưng từ năm 2012. "SRI là tiến bộ kỹ thuật áp dụng trong sản xuất lúa ở các tỉnh phía Bắc, đã được Bộ NNPTNT công nhận năm 2007. Với lúa nếp cái hoa vàng, năm 2012 chúng tôi cấy với mật độ 16 dảnh/m2, cho năng suất rất tốt, sang năm 2013, hầu hết người dân đều giảm mật độ xuống còn 11 dảnh/m2, thậm chí có ruộng còn thử nghiệm 4 dảnh/m2" - ông Tân cho biết.

Cũng theo ông Tân, nhờ ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ kỹ thuật mà nếp cái hoa vàng trên địa bàn xã cho hiệu quả kinh tế cao vượt trội so với lúa thường, diện tích cấy năm 2013 tăng gấp đôi so với 2012, đạt 100ha.

Hướng tới bền vững
Ông Kiều Văn Quy - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tam Hưng, huyện Thanh Oai cho biết, năm 2012, chúng tôi áp dụng phương pháp SRI cấy với mật độ 16 dảnh/m2, năng suất đạt 190kg/sào (quy ra khoảng 53 tạ/ha), trong khi cấy 25 - 30 dảnh/m2 thì chỉ được 48 - 50 tạ/ha. "Kết quả cho thấy, mật độ cấy càng thưa, năng suất càng cao. Do đó, sang năm nay, toàn bộ 100ha lúa nếp cái hoa vàng của xã đều cấy mật độ 11 dảnh/m2. Ruộng thí nghiệm ở diện hẹp, 4 dảnh/m2 dự kiến cũng cho kết quả tốt, nhưng phải chờ thu hoạch, cân đong cụ thể mới so sánh được năng suất" - ông Quy nói.

"Hà Nội đã ứng dụng phương pháp thâm canh SRI cho khoảng 60.000ha lúa, trên tổng diện tích gieo cấy 100.000ha. Nếu tiếp tục SRI để nhân rộng diện tích lúa nếp cái hoa vàng và tám xoan, sẽ giảm được 500 tỷ đồng chi phí và tăng thêm 500 tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm" - ông Hoàng Thanh Vân - Giám đốc Sở NNPTNT TP. Hà Nội nói.
Ông Đỗ Danh Kiếm - Phó Chi cục trưởng Chi Cục BVTV Hà Nội cho biết, không chỉ đạt năng suất vượt trội, việc ứng dụng SRI với lúa nếp cái hoa vàng còn giúp giảm lượng thóc giống từ 70 - 90% so với cấy theo phương pháp truyền thống, lượng phân đạm cũng giảm 20 - 25%. Đặc biệt, phương pháp này còn giúp cây lúa thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, tránh được nhiều loại sâu bệnh, từ đó tăng lợi nhuận cho nông dân trung bình trên 2 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Duy Hồng - Chi Cục trưởng Chi Cục BVTV Hà Nội cho biết, tại cuộc họp về tái cơ cấu ngành nông nghiệp mới đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã nhấn mạnh, tái cơ cấu là làm thế nào để giúp nông dân nâng cao thu nhập từ chính hoạt động sản xuất nông nghiệp của họ.

Hiện, một số mô hình của Hà Nội đã đạt được tiêu chí ấy, trong đó có mô hình lúa nếp cái hoa vàng. Mặt khác, giống lúa đặc sản này hiện chưa cung ứng đủ cho nhu cầu thị trường trong nước, thậm chí có nhiều tiềm năng xuất khẩu, nhưng chúng tôi cũng chỉ quy hoạch phát triển khoảng 3.500ha, chủ yếu ở 2 huyện Đông Anh, Thanh Oai để ổn định đầu ra.

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Trồng cam sành, thành tỷ phú

Cam sành Hàm Yên đã sẵn có thương hiệu, nhưng để làm nghề đạt hiệu quả không phải chuyện đơn giản. Hãy thử tìm hiểu kinh nghiệm từ vị "đại gia chân đất" ở Tuyên Quang.

Trong chuyến công tác tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, phóng viên được ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên giới thiệu một “đại gia chân đất” đã sử dụng rất hiệu quả tiền vay của ngân hàng để làm giàu với nghề trồng cam sành.

Quyết chí làm giàu“Đại gia chân đất” ấy là anh Nguyễn Văn Phò (quê Hàm Yên, Tuyên Quang) - người đã góp sức thay đổi diện mạo cho Khuổi Mù, thôn vùng cao thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Cam sành Hàm Yên đã sẵn có thương hiệu, nhưng để làm nghề đạt hiệu quả không phải chuyện đơn giản.

Anh Phò (phải) giới thiệu sản phẩm cam sành của gia đình với 
cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên.

Chẳng nói đâu xa, từ năm 2007 trở về trước, cây cam sành ở Khuổi Mù đã là nguồn sống của gần 40 hộ gia đình người Dao trên núi Ngòi Lịp, nhưng do thiếu vốn lẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế nên công việc sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ. Vì cuộc sống khó khăn, người Dao chỉ trồng cam với mục đích đổi gạo kiếm ăn từng bữa nên nhiều khi họ bị cánh thương lái ép giá, có lúc một cân cam chỉ bán… 1.000 đồng.

Quê gốc ở huyện Hàm Yên (giáp với huyện Bắc Quang), khi lên Khuổi Mù năm 2007, anh Phò khi ấy cũng chỉ là một người nông dân với số vốn trong tay rất hạn chế. Không có nhiều tiền, nhưng đổi lại, anh Phò có sự quyết tâm và tinh thần chịu thương, chịu khó. Vẫn quyết định trồng giống cam của quê hương Hàm Yên, nhiều đêm anh thao thức suy nghĩ cách làm ăn đạt hiệu quả, mang lại công việc ổn định cho gia đình cũng như nhiều lao động khác.

Ban đầu, nhìn cảnh đồi núi trơ trọi, điện không có, nước thiếu thốn, lại thêm đường sá đi lại rất khó khăn, chị Nguyễn Thị Hằng (vợ anh Phò) đã… bàn lùi khi tính chuyện quay về thị trấn Tân Yên để tìm việc khác. Nhưng, khi chí đã quyết, anh Phò quyết tâm phải làm bằng được.

Có được cơ ngơi như ngày hôm nay, anh Phò khẳng định, ngoài sự quyết tâm của bản thân anh và người thân trong gia đình, không thể không nhắc tới sự ủng hộ, động viên và giúp đỡ cho vay vốn rất đúng thời điểm của các cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đầu tiên, anh huy động tất cả mọi người trong gia đình phát rẫy, đào hố, phối hợp cùng người dân địa phương làm đường dẫn nước từ sông Bạc lên Ngòi Lịp. Tiếp đó, anh đánh liều đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên vay 400 triệu đồng. Con số ấy với nhiều người dân địa phương là một món tiền quá lớn và ít ai tin anh Phò sẽ vay được. Nhưng, sau khi khảo sát mô hình trồng cam và định hướng làm ăn, phát triển kinh tế trang trại của anh Phò, ngân hàng đã đồng ý cho vay vốn hỗ trợ lãi suất.

Biến không thành có

Khi khởi nghiệp, mọi thứ vô cùng khó khăn. Anh Phò lo, các cán bộ ngân hàng cũng lo chẳng kém. Ngay vụ cam đầu tiên, gia đình anh Phò mất trắng vì thiên tai. Không nản, anh Phò dồn hết số tiền còn lại để tiếp tục đầu tư vào trồng cam, nuôi gà và lợn. Cuối cùng thì trời cũng không phụ lòng người, từ vụ cam thứ hai trở đi, gia đình anh Phò liên tục thắng lớn. Ở lần thu hoạch gần nhất, 10ha cam đã mang về cho gia đình anh gần 200 tấn quả, nếu tính theo giá thị trường là 10.000 đồng/kg thì sau khi trừ đi các chi phí, gia đình anh Phò đã lãi 1,5 tỷ đồng.

Nhờ có người tiên phong như anh Phò, Khuổi Mù từ chỗ là thôn nghèo giờ đã thành thôn giàu ở xã Vĩnh Hảo vì bà con học tập và làm theo anh Phò. Anh Phò khẳng định: "Đất và cam ở Khuổi Mù này, nếu biết cách làm ăn thì lo gì không đạt được hiệu quả. Quan trọng là ý chí và sự hỗ trợ về vốn đúng lúc mà thôi". Lời bộc bạch của anh Phò chẳng sai chút nào bởi cam sành Hàm Yên đã được bầu chọn là 1 trong 50 loại quả có giá trị nhất Việt Nam và được rất nhiều người biết tiếng.
Có được đà, anh Phò mong muốn phát triển thương hiệu hơn nữa, để cam sành Hàm Yên có thể xuất khẩu ra nước ngoài. Để có được điều đó, anh không giấu giếm ý tưởng sẽ thành lập một hội cam sành Hàm Yên ở Khuổi Mù, để mọi người có thể trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về vốn cũng như sản xuất, tiêu thụ. Nghe chuyện, ông Tuấn khẳng định: “Nếu ý tưởng ấy thành hiện thực, ngân hàng chúng tôi sẵn sàng ủng hộ và giúp nông dân vay vốn để làm ăn, phát triển kinh tế”.

Trồng bắp lãi 40 triệu đồng/ha

Huyện An Phú được xem là vùng chuyên canh cây bắp lớn nhất An Giang, chủ yếu trồng bắp lai phục vụ thị trường trong nước làm thức ăn gia súc.

Ông Lê Văn Lợi ở ấp Bắc Đai, xã Nhơn Hội, huyện An Phú trồng 5 công bắp lai giống A333 cho biết, trong vòng 95 - 100 ngày sẽ cho thu hoạch, nhưng vụ này nhờ sử dụng sản phẩm thuốc Lacasoto 4SP của Cty Tân Thành giúp cây tạo hạt no đầy và đều trái.

Phun Lacasoto 4SP khi râu bắp đã khô, hạt đã tượng hình hoàn toàn và có màu vàng nhạt, còn khoảng 15 ngày nữa là thu hoạch về liều lượng do phun xịt trên bắp cần chậm, kỹ, tăng lượng nước khi phun mới đảm bảo đủ nước và thuốc cho cây.

Nên phun 2 gói 10 gr/bình 25 lít, 2 bình/công. Khi thu hoạch, bắp đạt năng suất bình quân 1,2 tấn/công cao hơn khoảng 250 kg/công so với ruộng bắp không dùng Lacasoto 4SP. Sau khi trừ chi phí 5 công bắp của ông Lợi lãi 20 triệu đồng.

Ông Phạm Thành Tâm, Phó phòng NN-PTNT huyện An Phú cho biết: Toàn huyện mỗi năm SX khoảng 4.000 ha bắp, chủ yếu trồng bắp lai 3 vụ. Hiện có nhiều nông dân bỏ lúa chuyển sang trồng bắp, vì bắp mang lợi nhuận cao gấp 2 - 3 lần, đầu ra luôn ổn định.

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Lập doanh nghiệp... kiểng lá, thu nhập như ý

Bắt đầu từ những cây kiểng lá bình thường quanh nhà, anh Đặng Văn Thanh, (SN 1978, ngụ ấp Hòa An, xã Long Thới, huyện Chợ Lách, Bến Tre) đã dựng được cho mình một cơ ngơi vững vàng và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm bà con nông dân.

10 năm trước, Đặng Văn Thanh lập nghiệp với nghề buôn bán trái cây - một trong những sản phẩm phổ biến của vùng Chợ Lách (Bến Tre). Dù cố gắng rất nhiều nhưng công việc này cũng không mang lại cho Thanh khoản thu nhập như ý.

Trong một dịp lên TP.HCM thăm người quen, anh có ghé qua một cửa hàng hoa ở khu chợ hoa Hồ Thị Kỷ. Là một cửa hàng lớn nhưng cũng chỉ có lèo tèo vài ba kiểu lá kiểng quen thuộc: Thiên tuế, cau vàng, phát tài… Những loại lá này rất phổ biến ở Bến Tre, thậm chí vườn nhà anh còn có nhiều loại đẹp hơn nữa. Nghĩ vậy, Thanh bảo với cô chủ hàng sẽ mang lên một số lá để họ xem thử.

Nói là làm, Thanh về Bến Tre thu thập các loại lá có sẵn ở địa phương, rồi thử cắm hoa trong nhà. “Nhìn cũng đẹp lắm, lá lại tươi rất lâu nên khi giới thiệu, được cửa hàng đồng ý luôn, vậy là mình thành đầu mối cung cấp lá cho họ” - anh Thanh kể.

Sau khi được một số tiểu thương chấp nhận, anh tiếp tục chọn giống và đi khắp nơi, kể cả ra nước ngoài để tìm thêm nhiều loại kiểng lá mới về trồng. Hiện tại, trong vườn nhà anh có khoảng 130 loài kiểng lá với hơn 20.000 cây các loại, như cọ, trúc đốm, nguyệt quế thái, dạ lan thanh… Mỗi ngày anh cắt lá cung cấp cho thị trường TP.HCM từ 7.000 - 10.000 sản phẩm.

Việc kinh doanh ngày càng phát triển, các đơn hàng liên tục tăng, gia đình gợi ý Thanh thành lập doanh nghiệp để tiện cho việc giao thương, buôn bán. Vậy là anh Thanh thành ông chủ trẻ của DNTN Thanh lá nghệ thuật.

Để có đủ nguồn hàng cung cấp cho thị trường với nhu cầu ngày càng lớn, anh hợp tác với các hộ gia đình trồng kiểng lá trong vùng. Ban đầu anh thu mua những sản phẩm có sẵn ở địa phương, sau đó, mang các loại giống mới đến, hướng dẫn bà con cùng trồng, chăm sóc và thu hoạch. Cuối cùng, anh đảm nhận luôn việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Theo anh Thanh, kiểng lá dễ trồng, dễ chăm sóc lại rất ít sâu bệnh nên phù hợp với các hộ gia đình có vốn ít, để vươn lên thoát nghèo. Hiện nay tại xã Long Thới, anh đã liên kết được với hơn 200 hộ cung cấp kiểng lá cho mình, bình quân mỗi hộ thu nhập từ 4 – 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra anh còn liên kết với hơn 500 hộ khác ở các xã và địa phương lân cận để mở rộng nguồn cung cấp hướng tới thị trường cả nước và xuất khẩu.

Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Nuôi tôm càng xanh mùa nước nổi

Khi nước lũ về, người nuôi tôm càng xanh (TCX) ở ĐBSCL bảo đó là cơ hội. Nhờ nguồn nước dồi dào mà nuôi tôm trúng trên 100 triệu đồng/ha. Mới đây lại thêm mô hình nuôi TCX toàn đực tạo ra sản phẩm đa dạng, hiệu quả cao.

Đón nước

Dân nuôi tôm lâu năm ở Đồng Tháp nói: “Năm nào nước lũ đầu nguồn đổ về mạnh, mực nước dâng cao ngập đồng, tôm càng mau lớn”. Từ nhiều năm qua, nông dân quen làm với mô hình lúa - tôm, sau khi thu hoạch lúa ĐX là bắt tay vào bồi đắp bờ bao, xử lý nền ruộng, đáy ao chuẩn bị cho vụ nuôi TCX.

Huyện Tam Nông là một trong những vùng nuôi TCX tập trung nhiều nhất ở khu vực đầu nguồn sông Tiền. Hàng trăm hộ đã tận dụng lợi thế nước lũ để nuôi tôm trong ao, nuôi trên mặt ruộng và đăng quầng ở một vài nơi chưa có bờ bao.

Mùa lũ năm nay, huyện Tam Nông có 75 hộ nuôi TCX trên 528 ha. Trong đó 5 xã gồm Phú Thành A, Phú Thành B, Phú Thọ, An Long và Phú Ninh tập trung nuôi TCX nhiều nhất. Hộ nuôi ít nhất 1 ha, có hộ nuôi quy mô trên 15 ha. Sau hơn 5 tháng, đến nay một số hộ bắt đầu thu hoạch tôm tỉa (thu chọn ra tôm trứng bán trước). Dự tính đến con nước đầu tháng 11 sẽ thu hoạch tôm thương phẩm.

Anh Nguyễn Văn Minh ở ấp Phú Long, xã Phú Thành B, huyện Tam Nông cho biết, mùa lũ năm nay là năm thứ 5 liên tiếp anh nuôi TCX, lãi cao hơn nhiều so với trồng lúa. Với diện tích 8 ha, nuôi thả mật độ 12 - 15 con/m2, sau hơn 2 - 3 tháng là có thể bắt đầu thu tôm tỉa bán để có tiền bù đắp vào chi phí mua thức ăn. Sau khoảng 5 tháng, tôm của ông Minh đạt cỡ loại 1 trọng lượng 100 gr/con chiếm khoảng 15 - 20%. Như vậy là đạt hiệu quả.

Ông Hứa Văn Điển ở ấp Phú Long, xã Phú Thành B chia sẻ kinh nghiệm 10 năm theo nghề nuôi TCX mùa lũ, ông nói: Năm nay gia đình ông có 7 ha thả nuôi tôm. Hiện tôm trong giai đoạn lớn nhanh. Đó là nhờ mực nước lũ năm 2013 cao hơn năm 2012. Tuy nước dâng cao có phần lo lắng, vất vả, nhưng nếu bảo vệ tốt thì hiệu quả cao.

Nuôi tôm vụ này đạt năng suất khá, ước khoảng 1,5 tấn/ha. Tổng thu sản lượng trên 7 tấn/ha với thời giá hiện nay có thể lãi ròng 500 triệu đồng. Đầu ra không quá lo, hiện có nhiều thương lái, một số Cty thủy sản ở TP.HCM xuống tận vùng thu mua với giá từ 135.000 - 265.000 đ/kg.

Lợi thế chuyển dịch SX
Con nước lũ năm 2013 khó đoán. Một số nông dân do dự, bởi từ đầu tháng tám âm lịch dòng nước đổ về chưa bộc lộ dấu hiệu mạnh mẽ của lũ lớn. Thế nhưng bất ngờ sau đó, nước lớn, mực nước dâng cao hơn năm 2012. Dọc theo các tuyến lộ ngang dọc về các huyện đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp, từ Cao Lãnh vô Tháp Mười rồi ngược lên các huyện Tam Nông, Hồng Ngự, Tân Hồng, nước đã tràn đồng, trắng xóa.

Ở những vùng ruộng sâu, không có hệ thống đê bao, làm lúa hai vụ, mùa nước nổi nông dân đóng cọc, giăng lưới nuôi cá, tôm là một trong những mô hình SX tạo thêm việc làm trong lúc nông nhàn, gia tăng thu nhập.

Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Trưởng trạm Thủy sản huyện Tam Nông, cho rằng: Mùa lũ năm nay diện tích nuôi TCX giảm khoảng 200 ha so với năm 2012. Đó là do một số hộ lo xa không có nước lũ về như năm ngoái, nuôi tôm chậm lớn, không đạt hiệu quả nên ngại đầu tư.

Mặt khác, năm nay chi phí đầu tư nuôi tôm quá cao, giá giống và thức ăn thủy sản tăng khiến cho một số hộ ngán ngại. Tuy nhiên đến nay cũng thấy nhẹ lo, nước lên khá và tôm mau lớn. Thêm vào đó nguồn thức ăn bổ sung (thả lưới bắt cá ngoài thiên nhiên phong phú), giảm bớt được chi phí thức ăn công nghiệp. Bà con ở Tam Nông cho biết, nuôi tôm lớn đạt chất lượng đồng đều, năng suất bình quân từ 1,5 - 1,8 tấn/ha, bán được giá, lợi nhuận hấp dẫn.

Theo ngành nông nghiệp huyện Tam Nông, tổng sản lượng tôm thu hoạch của toàn huyện hàng năm đạt gần 500 tấn. Nuôi tôm mùa lũ có nhiều mặt lợi ích, khi nông dân thu hoạch xong vụ tôm, sau đó xuống giống vụ lúa ĐX ít tốn phân bón, nhưng lúa rất trúng.

Ông Lê Hoàng Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Tháp, cho biết: Tổng diện tích nuôi TCX khoảng 1.100 ha, sản lượng hằng năm đạt 1.700 tấn tôm, chủ yếu nuôi trong ruộng lúa vào mùa lũ. Mô hình 1 vụ tôm - 2 vụ lúa đang có hướng phát triển tốt, nhất là nuôi tôm trong mùa lũ góp phần gia tăng thu nhập cho nông hộ. Đây là mô hình đột phá nhằm tận dụng lợi thế mùa nước nổi.

+ Mùa lũ năm nay vùng nuôi TCX tiếp tục phát triển mạnh ở các huyện Thoại Sơn, Châu Phú (An Giang). Tại TP Cần Thơ cũng SX 50 ha. Đặc biệt mô hình nuôi TCX toàn đực áp dụng tại An Giang, Cần Thơ đạt kết quả khá. Tuy nhiên giá giống đầu vụ cao do thiếu nguồn cung, giống nhập 150 đ/con, giống toàn đực 360 đ/con.

+ "Nhiều năm qua, tỉnh Đồng Tháp quan tâm chỉ đạo đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho bà con mở rộng vùng nuôi TCX. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ quy hoạch vùng nuôi tôm mùa lũ của Tam Nông cũng như một số huyện lân cận.

Ở các huyện khu vực đầu nguồn, nuôi TCX phát triển ngày càng mạnh theo hướng hình thành vùng nguyên liệu tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm chất lượng sạch, ổn định", ông Lê Hoàng Vũ chia sẻ.