Trang

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Bỏ túi 50 triệu đồng/tháng nhờ nuôi thỏ New Zealand

Chán với cảnh làm ruộng quanh năm mà vẫn nghèo, ông Hoàng Sỹ Nam (thôn Văn Trung, xã Tân Chi, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) đã tự mày mò, tìm hiểu qua sách báo về kỹ thuật nuôi thỏ. Hiện nay, chuồng thỏ hơn 3.000 con của lão nông này đã cho thu nhập hơn 50 triệu đồng/tháng.

Được vài người bạn mách nước rằng, thỏ Newzealand là một giống thỏ có nhiều ưu điểm hơn so với các giống thỏ thông thường khác như khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh, sinh sản nhiều, thịt thơm ngon, hấp dẫn, ông Nam đã lặn lội tới các trang trại nuôi thỏ New Zealand ở các tỉnh khác để tìm mua giống về với hy vọng thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Ngày đầu ông Nam mới nuôi thỏ là từ tháng 8/2015, thời điểm đó còn gặp rất nhiều khó khăn vì đây là lĩnh vực còn quá mới với ông. Mặt khác, ở Việt Nam thỏ New Zealand còn chưa phổ biến. Thỏ nuôi mãi không lớn do thức ăn chưa phù hợp. Lông thỏ không được óng mượt nên chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các công ty thu mua nước ngoài. Bên cạnh đó, việc xử lý phân thỏ chưa tốt nên khu vực nuôi rất nhiều mùi hôi thối ảnh hưởng tới cảnh quan và đời sống của cư dân xung quanh.

Để khắc phục tình trạng đó, hai vợ chồng ông Nam đã phải mày mò tìm hiểu các sách kỹ thuật nuôi thỏ từ cải tiến cách nuôi, xử lý mùi và tận dụng phân thỏ.


Thỏ chủ yếu ăn cám công nghiệp

Sau một thời gian đã có kinh nghiệm và tích lũy được vốn, ông Nam đã quyết định tự thiết kế, đầu tư chuồng trại nuôi thỏ quy mô lớn hơn. Vốn đầu tư ban đầu phải bỏ ra cho chuồng trại, con giống cũng khá lớn, khoảng 800 triệu đồng.

Khi chuồng trại và chất lượng thỏ đã đủ tiêu chuẩn, ông mời công ty của Nhật về khảo sát và ký hợp đồng thu mua hết sản phẩm trong vòng 30 năm. Như vậy khâu khó nhất là đầu ra đã giải quyết được và ông Nam dự tính chỉ mất hơn 1 năm là có thể thu hồi vốn.

Trung bình 1 tháng, ông Nam xuất đi 400 con thỏ, mỗi con đều nặng 2,3 kg với giá 90.000 đồng/kg. Trừ mọi chi phí đi, bắt đầu từ tháng thứ 3 mô hình nuôi thỏ của ông Nam sẽ đem lại 50 triệu đồng tiền lãi.

Do phải xuất hàng liên tục hàng tháng nên ông Nam có rất nhiều đàn thỏ để nuôi gối liên tục. Do đó, cứ đều đặn, sau 1 tháng lứa này xuất thì lứa gối tiếp theo đã đủ cân để xuất chuồng.

Ông Nam cho biết, vì là công ty Nhật Bản bao tiêu sản phẩm nên các quy định về thỏ cũng rất nhiều, cân nặng phải đủ 2,3 kg mới được xuất. Nếu thỏ nặng hơn thì người nuôi thỏ sẽ phải chịu thiệt. Lông thỏ lúc nào cũng phải bóng đẹp, lông xấu người ta không lấy thì phải bán ra ngoài cho các nhà hàng. Khách hàng Nhật yêu cầu rất kĩ về lông thỏ, do bộ lông này được dùng để làm các sản phẩm thời trang.


Thỏ con

Rất nhiều người đã đến đây để hỏi thăm về mô hình và kỹ thuật nuôi thỏ đều được ông Nam hướng dẫn cụ thể. Từ việc mua giống New Zealand với giá 300.000 đồng/con, mua ở đâu, cho đến cách nhân giống ra sao để sau một thời gian không phải mua thỏ giống, đều được ông Nam nhiệt tình hướng dẫn.

Để đảm bảo chất lượng thịt, thỏ ở đây chủ yếu ăn cám công nghiệp, loại cám nhiều chất xơ để thỏ không quá nhiều mỡ. Nhưng ngoài ra, vẫn phải cho thỏ ăn thêm rau xen bữa bảo đảm đủ dinh dưỡng.

Bà Nguyễn Thị Mai, vợ ông Nam không ngần ngại chia sẻ, gia đình chủ yếu chỉ bán cho công ty của Nhật, ngoài ra nếu thỏ bị lỗi về lông thì đã có một số nhà hàng bao tiêu hết. Chi phí để nuôi 1 con thỏ tới lúc xuất chuồng rơi vào khoảng 100.000 đồng/con. Ngoài ra, mình còn thiết kế hệ thống gom phân thỏ phía dưới để tận dụng phân thỏ rơi. Phân thỏ theo đường thoát sẽ xuống hố bioga để tận dụng làm chất đốt.


Thỏ con được nhốt chung 1 lồng

Chị Thu Phương, chủ một nhà hàng ăn ở Tiên Du thường hay nhập thỏ của nhà anh Nam cho biết, nhiều khách hàng đã chán với các món ăn truyền thống nên nhà hàng đã bổ sung thêm thực đơn thỏ và bán khá tốt. Thịt thỏ mềm, có vị ngọt, thơm, lại cực kỳ dễ chế biến, hàm lượng protein trong thịt thỏ cao hơn các loại thịt khác.

Thời gian đầu mới bán nên chỉ nhập lẻ thỏ với giá 100.000 đồng/kg, hiện giờ đã đặt buôn theo tháng, nhưng cũng vướng 1 điều là thỏ lỗi không có nhiều nên khách muốn ăn thỏ ngon, đảm bảo chất lượng thì phải chờ, chị Phương cho biết.

Anh Nguyễn Phụng Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Chi cho biết, mô hình nuôi thỏ New Zealand của ông Nam ở thôn Văn Trung đem lại hiệu quả kinh tế rất cao và đã có công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm, sản phẩm ra đến đâu là hết đến đấy. Đây là một mô hình nông nghiệp làm kinh tế điển hình của xã cần nhân rộng.

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

Đạo diễn truyền hình trồng rau sạch kiếm hơn 200 triệu mỗi tháng

Từng 5 năm làm đạo diễn truyền hình, cuối cùng, anh Phạm Công Chính lại ổn định sự nghiệp với nghề trồng rau nuôi cá và kiếm trung bình hơn 200 triệu đồng mỗi tháng.

Tốt nghiệp ngành Quản lý văn hóa, anh Phạm Công Chính quyết định học tiếp ngành Đạo diễn điện ảnh. Nhưng cơ hội đến, anh bỏ ngang để đi làm đạo diễn truyền hình. Sau 5 năm lăn lộn với các chương trình trên VTV, HTV, anh Chính lần nữa rẽ ngang để khởi nghiệp. Anh gom góp vài tỷ đồng để lập công ty truyền thông, với dự định sản xuất phim điện ảnh hành động. Tuy nhiên, chưa có phim ra rạp thì công ty đã… phá sản.

Dạo đó, bản thân vừa thích ăn rau lại thấy bạn bè lo lắng về các thông tin rau không an toàn, chứa hóa chất, thuốc tăng trưởng…, anh Chính lên mạng học cách trồng rau sạch. Lúc đầu định làm một vườn rau nhỏ cho gia đình và bạn bè nhưng càng tìm hiểu thì anh càng đam mê. Sự nghiệp sang trang khi anh bán chiếc xe Mercedes, thuê 6.000m2 đất ở quận 9, TP HCM để trồng rau, nuôi cá. Mất khoảng 3 tháng nghiên cứu và hoàn thiện các mô hình, anh Chính quyết định đầu tư 5 tỷ đồng để lập trang trại. Trong đó, rau mất hơn 2 tỷ, cá tốn gần 3 tỷ. Riêng 1.000m2 rau trồng trong nhà kính đã có chi phí đầu tư đến 1,5 tỷ đồng.

“Hệ thống trồng thủy canh trong nhà kính mất 1,5 tỷ cho 1.000m2 vì chi phí xây dựng ở Sài Gòn cao hơn. Nếu ở Đà Lạt thì người ta có thể làm nhà kính với chi phí hơn 200 triệu là được. Ống máng đều phải nhập khẩu. Mỗi một ống là hơn 300.000 đồng, rồi còn thiết bị, phân bón…”, anh Chính cho biết.

Hiện trang trại tại quận 9 của anh đang canh tác cùng lúc 3 mô hình: Aquaponics , Hidroponics và Organic. Trong đó, Aquaponics là phương pháp trồng rau thủy canh của Mỹ, không cần đất, không dùng phân bón, không dùng hóa chất, kết hợp với nuôi cá để cho rau sạch và cá sạch. Aquaponics sử dụng nước tuần hoàn từ bể cá để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng. Đồng thời, nước cũng được lọc sạch bởi cây trồng và cung cấp lại cho bể cá.

Phương pháp Hidroponics thì xuất xứ từ Israel. Rau được trồng trên giá thể hoặc xơ dừa chứ không cần đất. Phương pháp này cho rau thu hoạch sớm hơn Aquaponics khoảng 7 ngày. Ngoài ra, một số loại rau vẫn được anh trồng trên đất theo phương pháp Organic, bón bằng phân trùn quế.

“Rau tôi không phun xịt gì cả. Sâu nhiều thì tôi cũng bắt bằng tay nên lá có thể ăn ngay tại vườn. Làm cái này ăn thua là cái tâm thôi. Mình giữ cái tâm để không phun xịt là được. Chứ phun mấy con sâu này thì phun cái một là xong, sạch trơn luôn”, anh Chính chia sẻ.

Anh Chính cho biết chỉ bắt sâu bằng tay chứ không sử dụng thuốc hóa học để diệt trừ. Ảnh: Viễn Thông 

Hiện tại, trang trại của anh Chính bán ra thị trường 200kg rau mỗi ngày, bao gồm: xà lách Hà Lan các loại, diếp cá, rau muống, đậu rồng, khổ qua rừng, khổ qua ta, dưa leo, mồng tơi… Nếu giá rau thông thường trên thị trường trung bình tầm 55.000 đồng mỗi kg thì anh Chính bán 60.000 đồng. Mức giá này tương đối rẻ so với các thương hiệu rau sạch khác, có giá trung bình từ 80.000 đến 90.000 đồng mỗi kg. Tính tổng cộng, mỗi ngày doanh thu chỉ từ việc bán rau của anh khoảng 7 triệu đồng, tức khoảng 210 triệu đồng một tháng. Anh đang đặt mục tiêu doanh thu mỗi ngày là 12 triệu đồng, tức 360 triệu đồng mỗi tháng.

Ngoài trang trại ở quận 9, anh Chính cũng mới vừa đầu tư một trang trại 2.000m2 tại Đà Lạt để trồng rau củ, cà chua và khoai tây theo phương pháp Organic. Một mảnh đất 12 hécta tại Củ Chi cũng đang được anh cân nhắc để hợp tác đầu tư với một tập đoàn nước ngoài. Tuy nhiên, anh tỏ ra khá thận trọng trong việc mở rộng quy mô mà hướng vào việc xây dựng thương hiệu và hệ thống phân phối.

“Đang có mười mấy dự án để tôi có thể mở rộng mô hình canh tác đến vài chục hécta. Tuy nhiên, tôi thấy nhiều người đang ồ ạt làm thủy canh nên một số nhà vườn cũng tồn đọng. Do đó, tôi chọn đi theo hướng chuyển giao công nghệ, mở rộng hệ thống phân phối và xây dựng thương hiệu của mình tại TP HCM”, anh Chính cho biết.

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

Nuôi dê, thu 2 tỷ đồng/tháng

Rời bỏ vị trí quản đốc tại một công ty xuất nhập khẩu ở TPHCM với mức lương cao, cử nhân Quản trị kinh doanh Phạm Văn Hưng trở về cao nguyên Di Linh (Lâm Đồng) cùng người thân mở trang trại chăn nuôi dê núi đầu tiên trên vùng đất này.

Nuôi dê công nghệ cao

Năm 2013, nhận thấy chăn nuôi dê là mô hình kinh tế tiềm năng nên chàng trai tuổi 30 Phạm Văn Hưng rời TPHCM, tìm đến một số trang trại để tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, Hưng trở về quê hương (xã Gia Hiệp, huyện Di Linh, Lâm Đồng) vận động anh em trong gia đình phá bỏ vườn cà phê, cùng nhau lập trại chăn nuôi dê rộng 3 ha. Hưng sang Thái Lan học kỹ thuật, chọn mua hàng trăm con dê giống Boer về nuôi.

Vạn sự khởi đầu nan, mặc dù đã kỳ công chăm sóc nhưng sau 4 tháng, đàn dê chậm phát triển và thường xuyên bị bệnh. Đàn dê 300 con giảm dần, còn gần 200. Nhiều người nghi ngại về mô hình chăn nuôi này, người thân cũng bàn lui trước áp lực lớn về vốn. Không nản chí, Hưng tìm thuê những kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm ở các nơi về theo dõi, xử lý sự cố, chăm sóc đàn dê và chuyển giao kỹ thuật. “Qua đó, bản thân mình cũng có cơ hội học hỏi để có kỹ năng chuyên sâu hơn trong lĩnh vực này”, Hưng nói.

Anh Phạm Văn Hưng trong trại nuôi dê.

Các kỹ thuật viên ở trang trại cho biết, ưu điểm của dê Boer là ăn khỏe, tăng trọng nhanh, thân hình to lớn. Trọng lượng của dê đực có thể lên tới 60 - 70kg. Tuy nhiên, vì con giống được nhập về từ nước ngoài nên phải có cách chăm sóc phù hợp để dê nhanh chóng thích nghi với thời tiết, khí hậu tại nơi ở mới, trong đó chú trọng phòng chống dịch bệnh và vệ sinh chuồng trại, như: phun xịt thuốc tiêu độc khử trùng, dọn và xử lý phân, nước thải thường xuyên để đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh.

“Kỹ thuật và đầu ra là hai điều quan trọng nhất khi triển khai mô hình chăn nuôi này. Nắm thật chắc kỹ thuật rồi mới triển khai đầu tư. Hoặc là hợp tác với những công ty lớn để được chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu đầu ra”.
Phạm Văn Hưng

Sau khi làm chủ kỹ thuật và tích lũy được nhiều kinh nghiệm, Cty TNHH dê núi Lâm Đồng do Phạm Văn Hưng làm giám đốc mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trang trại lên 5ha, xây dựng hoàn thiện mô hình chăn nuôi khép kín với vốn đầu tư cả chục tỷ đồng, bao gồm các khu vực chuồng trại, đồng cỏ, chế biến thức ăn… Hệ thống chuồng trại được đầu tư hiện đại thuận lợi cho việc gắn mã số riêng cho mỗi cá thể rồi theo dõi qua hệ thống máy tính. Thông tin của từng con được phân tích, tổng hợp để đưa ra các quyết định quản lý toàn bộ chu trình chăn nuôi, phân loại nhóm dê, luân chuyển đàn, quản lý sinh sản và phát hiện sớm dịch bệnh. Trang trại có các chuyên gia về dinh dưỡng, kỹ sư chăn nuôi và đội ngũ thú y chăm sóc đàn dê; quản lý chặt chẽ từ khâu cho ăn, phối giống, sinh sản đến phòng ngừa và chữa bệnh nên chất lượng dê giống, dê thịt đều đảm bảo trước khi xuất bán.

Doanh thu 2 tỷ đồng/tháng

Nói về bí quyết kinh doanh, Hưng khẳng định, công ty rất chú trọng công tác hậu mãi. Mỗi khi xuất bán dê giống đều cử kỹ sư đến tận nơi để hướng dẫn cách làm chuồng trại, trồng cỏ, chăm sóc, chữa bệnh… và nếu bà con yêu cầu, công ty sẽ thu mua lại sản phẩm sau quá trình chăn nuôi với giá thỏa thuận. Trang trại còn có chế độ bảo hành: Con dê nào được chăm sóc đúng kỹ thuật nhưng đến khi đủ tháng (khoảng 10 tháng) mà không động dục thì khách hàng có thể trả lại cho công ty. Bởi chú trọng chất lượng và làm ăn uy tín nên trang trại này trở thành nơi cung cấp dê giống, dê thịt uy tín đối với khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Trại dê của gia đình Hưng ngày càng phát triển. Hiện số lượng dê đã được nhân lên hơn 1.000 con. Bình quân mỗi tháng, công ty xuất bán khoảng 200 con dê giống và gần 100 con dê thịt. Giá dê giống trên dưới 10 triệu đồng/con, còn dê thịt hơn 4 triệu đồng/con. Doanh thu hơn 2 tỷ đồng/tháng. Nhiều nơi đặt mua dê thịt với số lượng lớn nhưng trang trại không đủ lượng hàng để cung cấp.

Phạm Văn Hưng dự định sắp tới mở rộng quy mô trang trại và tăng đàn lên 6-7 nghìn con; chú trọng hơn nữa đến khâu nuôi dê lấy sữa vì sữa dê hiện có giá cao, cung không đủ cầu và sẽ phối hợp đưa thịt dê sạch vào siêu thị. Việc bán phân dê cũng mang lại cho Công ty nguồn thu đáng kể.

Chính quyền địa phương đánh giá đây là mô hình chăn nuôi dê theo hướng trang trại đầu tiên ở Di Linh, đảm bảo vệ sinh môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên giới thiệu nhiều đoàn đến trang trại tham quan, trao đổi kinh nghiệm nuôi dê núi. Trang trại tách biệt hẳn khỏi khu dân cư, không gây ô nhiễm môi trường. Đàn dê sinh trưởng tốt, nhiều triển vọng phát triển, hy vọng cung cấp nguồn giống tốt để bà con nông dân phát triển chăn nuôi dê tại địa phương.

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017

Thạc sĩ nước ngoài về quê “xúc phân gà”, kiếm tiền tỉ mỗi năm

Anh Nguyễn Văn Nguyên được biết đến là người đàn ông dám từ bỏ lương ngàn đô để về quê chăn gà, nuôi tôm, mang lại doanh thu trên 10 tỷ đồng mỗi năm.

Thạc sỹ cuốc đất, “xúc phân gà”

Anh là Nguyễn Văn Nguyên (SN 1976, trú tại Tân Học, Thạch Hạ, TP. Hà Tĩnh, Hà Tĩnh).


Anh Nguyễn Văn Nguyên bên trang trại gà 20.000 con của mình.

Cách đây ít năm, anh còn phát triển nghề nuôi tôm tự nhiên bằng các loại rong rêu, tảo. Sau này, anh mới bắt đầu lấn sân sang chăn nuôi gà, lợn, mở các siêu thị mini nhỏ chuyên cung cấp thực phẩm sạch cho người dân.

Nhắc đến anh, bạn bè vẫn thường đùa “Người ta đi du học nước ngoài, với mong muốn về ngồi ghế salon, phòng máy lạnh, chỉ tay 5 ngón rồi hưởng lương bằng đô. Còn với nó thì về quê cuốc đất, xúc phân gà!”.

Nghe bạn bè nói, anh vẫn cứ cười tự tin “Chờ đi, rồi có ngày bọn bay lại về quê tìm tao mua trứng sạch, gà sạch”.

Nói về cái duyên đến với nghề chăn nuôi, anh Nguyên tâm sự: Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được mời về làm việc tại một tập đoàn kinh tế nước ngoài ở Sài Gòn, nhưng không thể “giam mình” trong văn phòng làm việc nên tôi quyết định từ bỏ và theo đuổi đam mê du học nước ngoài, lấy được tấm bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh trước khi trở về quê hương. 8 năm học tập ở CHLB Đức, lúc nào tôi cũng đau đáu nỗi nhớ nhà, muốn trở về lập nghiệp trên chính vùng sông nước nơi tôi đã sinh ra.


Trận lũ lụt vừa qua, anh đều đặn tham gia các đoàn từ thiện đưa gà giống về cung cấp cho bà con vùng lũ Hương Khê, Vũ Quang.

Năm 2012 anh bắt đầu khởi nghiệp, từ cái nôi của cha mình. Với kiến thức có được, cộng với sự “truyền lửa” của người cha, anh đã tiếp quản trang trại nuôi trồng thủy sản của gia đình.

“Có được cơ ngơi kinh doanh lớn và uy tín, mục tiêu kinh doanh hướng tới sản xuất hàng hóa sạch, chất lượng cao để cung cấp cho thị trường, tạo niềm tin. Muốn vậy, mình phải áp dụng quy trình nuôi đảm bảo sạch, an toàn với con nuôi và môi trường” – đó là tiêu chí hàng đầu mà cơ sở kinh doanh của anh hướng đến.

Mỗi năm thu hàng chục tỉ đồng

Để có mặt hàng thực phẩm sạch, an toàn, chất lượng, anh Nguyện tự mày mò, nghiên cứu, tìm hiểu cách chế biến thức ăn cho tôm, gà, cua… tránh sử dụng thức ăn công nghiệp, hóa chất. Thức ăn cho gà được tự chế bằng cách nấu chín cá trộn với cám ngô, gạo, rong rêu đã được lên men vi sinh.

Đối với tôm, anh dùng thức ăn là cá tươi, nhuyễn thể 2 mảnh và giun, rươi, rong biển được tạo ra từ dưới đáy hồ. Vì thế mà sản phẩm tôm, cua, trứng gà trang trại sản xuất ra không đủ cung ứng cho thương lái.

Mỗi ngày cơ sở chăn nuôi gà của anh Nguyên xuất hàng ngàn quả trứng ra thị trường.

Chính vì đề ra nguyên tắc sản xuất thực phẩm sạch, an toàn nên quy trình chăn nuôi của anh Nguyên cũng rất khác người. Sau mỗi vụ thu hoạch tôm, anh sử dụng phân gà, vôi bột để xử lý ao hồ, không dùng bất kỳ loại hóa chất nào. Bởi, theo anh Nguyên, ao hồ khi xử lý bằng hóa chất chỉ kéo dài tuổi thọ được 3 – 4 năm, sau đó sẽ trở thành một vùng đất “chết”.

Dẫn chứng chính là ao tôm của gia đình anh, mặc dù đưa vào sản xuất hàng chục năm nay nhưng năm nào cũng như hồ nuôi mới. Khi cho phân gà lên men xuống hồ không chỉ tạo độ phì nhiêu cho đất, cân bằng độ PH mà còn tái tạo giun, rươi, rong rêu làm thức ăn cho tôm, gà. Đặc biệt, mùa ốc phát triển trong hồ thay vì xử lý hết ốc như các mô hình khác, anh Nguyên để lại làm thức ăn cho tôm, cua nhằm tăng thêm đạm, canxi cho chúng.

Nhờ môi trường nuôi phong phú, mỗi lứa tôm anh Nguyên thu hoạch gối đầu kéo dài từ tháng 3 đến tháng 10 âm lịch. Đặc biệt, trà tôm đầu tiên thời gian nuôi chỉ khoảng 2 tháng 10 ngày là có thể thu hoạch được. “Chính những mẻ tôm trái vụ đã giúp tôi bán được giá cao, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích”, anh Nguyên cởi mở nói.

Năm 2016 là năm ngành hải sản của Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển, kinh doanh theo đó mà sụt giảm. Tuy nhiên, nhờ đảm bảo chất lượng, hải sản bán ra của công ty anh vẫn ổn định.

Tôm nuôi tại hồ được bày bán tại siêu thị mini gia đình ở TP.Hà Tĩnh

Với sự bền bỉ, cố gắng nay anh đã sở hữu toàn bộ 36 ha và thả hơn 6 triệu con tôm sú, 50.000 con cua giống; 20.000 con gà và hàng trăm con lợn rừng.

Cuối năm 2016, anh mở thêm 2 siêu thị mini tại TP.Hà Tĩnh chuyên cung cấp thực phẩm sạch cho người dân. Mô hình kinh tế của anh có doanh thu trên 10 tỷ đồng mỗi năm. Thị trường tiêu thụ ngoài các chợ đầu mối, nhà hàng trên địa bàn tỉnh, anh còn cung ứng cho các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An.

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2017

Từ bỏ lương nghìn đô, thạc sĩ về quê chăn lợn kiếm tiền tỉ mỗi năm

Đang làm việc cho một công ty Nhật ở TP. Hồ Chí Minh với mức thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng, kỹ sư Phan Công Vũ (SN 1986, quê ở Kỳ Anh – Hà Tĩnh) đã bỏ ngang về quê làm trang trại chăn nuôi lợn.

Thạc sĩ về quê… nuôi lợn

Phan Công Vũ sinh ra và lớn lên tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi tốt nghiệp khoa Cầu đường, Trường Đại học GTVT TP. Hồ Chí Minh vào năm 2009, anh được một công ty tư vấn xây dựng của Nhật Bản nhận vào làm việc với mức lương từ 20-25 triệu đồng/tháng.


Trang trại của HTX Hoàng Phát do Phan Công Vũ làm giám đốc được đầu tư giai đoạn đầu hết 8 tỉ đồng với mong muốn đưa thực phẩm sạch phục vụ nhu cầu thị trường.

Tuy lương cao nhưng chán cảnh làm thuê nên Vũ đã bỏ ngang để tìm kiếm hướng đi mới.

Đến năm 2014, sau khi hoàn thành xong chương trình học Thạc sĩ tại Trường Đại học GTVT, Phan Công Vũ đã quyết định về quê cùng gia đình xây dựng trang trại.

Nhận thấy chăn nuôi lợn trên địa bàn chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, tự phát, phần lớn con giống được mua trôi nổi trên thị trường hoặc do người dân tự chọn lọc, không đảm bảo chất lượng, an toàn dịch bệnh và do nhu cầu của thị trường ngày một lớn về chăn nuôi bằng thực phẩm sạch có nhiều tiềm năng nên Vũ đã quyết tâm đầu tư công sức cũng như tài chính để xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn hiện đại, quy mô lớn.

Trang trại chăn nuôi lợn của Vũ nằm tại thôn Đông Sơn, xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh rộng đến gần 12ha.

Cơ ngơi bạc tỉ

Năm 2015, Vũ đã thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Hoàng Phát do mình đứng ra làm chủ.


Với kinh phí ban đầu từ số tiền tích cóp của bản thân trong mấy năm đi làm, cộng thêm vốn gia đình và vay ngân hàng, Vũ đã đầu tư một trang trại bề thế với tổng kinh phí hơn 8 tỉ đồng.

Sau gần 2 năm thực hiện, đến nay, HTX đã đi vào ổn định và có lãi.

Hiện tại, HTX đã xây 3 chuồng nuôi heo thịt, mỗi chuồng 800m2 với 1.800 con lợn, mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 450 tấn lợn thịt.

Nhờ nắm bắt được hướng dẫn khoa học kỹ thuật cũng như chủ động phòng chống các loại dịch bệnh nên lợi nhuận mỗi năm thu về xấp xỉ 1 tỉ đồng.

Vũ tâm sự, sau những thành công ban đầu, dự định sắp tới của anh sẽ là chăn nuôi dòng lợn sạch không sử dụng chất kháng sinh, chất kích thích, đầu tư con giống, thức ăn kết hợp với các trung tâm đánh giá để đưa ra thị trường sản phẩm thịt lợn sạch đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.


Đầu tư hệ thống camera để giám sát việc công nhân cho lợn ăn cũng như để theo dõi tình hình từng chuồng lợn.


Vũ cho biết, để có được cơ ngơi như ngày hôm nay thì anh đã đổ không biết bao nhiêu tiền bạc và công sức.

“Với giai đoạn đầu tư này thì số vốn phải bỏ ra là 16 tỉ đồng, hiện HTX đã có khoảng 8 tỉ, số còn lại thì phải đi vay ngân hàng.” – Vũ cho biết.

Ngoài mô hình nuôi lợn thịt thương phẩm, HTX còn nuôi thêm lợn thả rông, lợn rừng với diện tích 3ha phục vụ nhu cầu cho các nhà hàng vào các ngày lễ, tết…

Những sản phẩm này không sử dụng cám công nghiệp, chỉ cho ăn bằng rau xanh có bổ sung protein bằng giun quế (giun quế mua giống về nuôi) nên được thị trường ưa chuộng.

Hiện nay, chàng trai này sở hữu hàng chục con lợn rừng giống và nhân giống thành công khoảng trăm lợn con mỗi lứa. Mỗi tháng bán khoảng 20 – 30 con, nên riêng doanh thu từ lợn rừng đã giúp Vũ thu về hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Bên cạnh chăn nuôi lợn, HTX Hoàng Phát còn kết hợp trồng hàng chục ha rừng theo quy mô tập trung, 2 ha chè, đào ao thả cá, chăn nuôi gà thả vườn, đầu tư vào các giống trái cây ăn quả… góp phần tạo công ăn việc làm cho gần chục công nhân lao động ở địa phương, với mức lương bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng.

Vũ cho biết, HTX có được như ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực cố gắng của bản thân, sự động viên giúp đỡ từ gia đình thì chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để HTX yên tâm xây dựng và phát triển.


HTX đang có nhiều giống lợn rừng và nhân giống thành công trăm con mỗi lứa

“Thời gian đầu, do chưa quen cộng với thiếu kinh nghiệm về lĩnh vực chăn nuôi nên có rất nhiều khó khăn từ vấn đề giống, thức ăn, đến dịch bệnh … có những lúc phải thức trắng đêm vì lợn cũng là chuyện thường tình.

Ngoài ra, khi bắt đầu khởi công xây dựng trang trại lại gặp những lúc mưa to, gió lớn... cũng gây thiệt hại không nhỏ, rồi vào mùa mưa bão, lũ cuốn trôi gia súc, tài sản. Những lúc đó chỉ còn biết nuốt nước mắt đứng nhìn tài sản trôi theo dòng nước thôi.” – Vũ tâm sự.

Nói về những khó khăn, Vũ cho rằng muốn mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi thì phải đầu tư thêm trạm điện vì hiện tại điện mà HTX đang sử dụng vừa thiếu vừa yếu. Mong muốn làm sao được tiếp cận các nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách để đầu tư lâu dài, bền vững.

Ngoài ra, Vũ cho biết nếu muốn phát triển nghề chăn nuôi này một cách bền vững có hiệu quả thì phải tiếp cận được với các chính sách, các yếu tố KHKT mà Liên minh HTX Việt Nam là đơn vị chủ đạo để gắn kết xây dựng các HTX với chuỗi giá trị hàng hóa sản phẩm có sức lan tỏa cao ra thị trường.

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2017

Thành tỷ phú nhờ nuôi loại cá... lắm thị phi

Con cá chép thường sau nửa năm cho ăn đậu tằm nhập từ Trung Quốc biến thành loại cá giòn với thịt ngon và ít tanh hơn hẳn, nhưng có người đồn là nhờ ăn hóa chất mà cá biến thành đặc biệt như vậy...

Vào khoảng cuối năm 2009, trong một lần tình cờ lên Hà Nội, ông Trần Văn Đương (xã Nam Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương) được một người bạn giới thiệu về giống cá lạ: Cá chép giòn. Dù đã cố gắng tìm hiểu về ngọn nguồn gốc tích, song ông cũng chỉ biết phong thanh rằng “kỹ nghệ” nuôi cá chép giòn có gốc gác từ Trung Quốc, sau đó được một số hộ dân sống ven sông Hồng (Hà Nội) áp dụng nhưng không mấy thành công vì không có kinh nghiệm.

Một số hộ dân ở xã Nam Tân, Nam Sách, Hải Dương đã trở thành tỷ phú nhờ nuôi cá chép giòn 

Loài cá lạ này đã gợi ra trí tò mò và thôi thúc ông Đương quyết tìm bằng được bí quyết để mang về quê ông – nơi có con sông Kinh Thầy vốn đã đi vào thơ ca nhưng thực tế nhiều gia đình như ông vẫn nghèo đói khi không cậy nhờ gì được từ con sông quê hương này.

Qua tìm hiểu, ông biết được rằng, những chú cá chép giòn kia không phải là một giống cá khác biệt với cá chép thông thường bán ở chợ hiện nay. Cái khác ở đây chính là cách nuôi, mà cụ thể là thức ăn đã biến nó từ một con cá chép thường thành “chép giòn”.

Theo đó, khi nuôi, người ta sẽ nhập về những chú cá chép thường có trọng lượng trên dưới 1kg, sau đó cho vào nuôi với thức ăn chính là đậu tằm được nhập từ Trung Quốc hoặc từ các nước có khí hậu lạnh.

Hạt đậu tằm sau khi được nhập về sẽ được ngâm nước muối nhạt cho mềm vỏ, sau đó mới mang cho cá ăn. Chỉ sau khoảng 4 - 6 tháng ăn đậu tằm, những chú cá chép thông thường sẽ bỗng trở nên săn chắc, thịt ăn rất giòn và thơm, ít mùi tanh của cá.

Ông Đương cho biết, những ngày đầu mới làm quen với nghề này những khó khăn là không kể hết. Bởi với ông mọi thứ dường như vẫn quá xa lạ. Từ cách nuôi, cách chăm sóc cá cho đến tìm nguồn thức ăn, rồi đầu ra cho cá cũng khiến ông nhiều lúc muốn bỏ cuộc.​

Thức ăn của cá chép là hạt đậu tằm

Song bằng chính sự đam mê với sông nước và quyết tâm thoát nghèo, ông Đương cùng với con trai là Trần Văn Vương đã tìm hiểu các tài liệu nói về cách nuôi cá chép giòn. Rồi theo thời gian, ông trời đã không phụ lòng bố con ông. Những lứa chép giòn đầu tiên cũng đã được xuất đi với giá từ 200 – 300 nghìn/kg.

Ông kể, những năm đầu khi mới mang cá ra chợ bán hoặc vào các nhà hàng giới thiệu, hầu hết khách đều khẳng định cá ăn ngon, giòn, song họ cũng không khỏi nghi ngờ về chất lượng của cá. Một số người còn cho rằng, bố con ông đã cho cá ăn hóa chất hoặc bơm trộn chất gì đó vào thức ăn thì cá mới có thể giòn được như vậy.

Những đồn đoán cay nghiệt đó của dư luận, khách hàng lại một lần nữa làm bố con ông lao đao khi nhiều mẻ cá xuất ra không có người mua, buộc ông phải cầu cứu đến cơ quan chức năng. Sau đó, Sở Nông nghiệp rồi phòng và cả Trung tâm khuyến nông, thủy sản huyện Nam Sách đã xuống để kiểm tra, xác thực các tin đồn về chất lượng cá.

Chi cục Thủy sản tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đã về tận bè cá của ông để nghiên cứu đề tài về loại cá này. Kết quả phân tích cho thấy, hạt đậu tằm và thịt cá trắm giòn đảm bảo chất lượng dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm.


Theo các cơ quan quản lý, đậu tằm chỉ trồng được ở miền núi nơi có khí hậu ôn đới mát mẻ. Tại Việt Nam, do khí hậu không phù hợp, loại đậu này cho năng suất không cao nên người nuôi cá phải nhập khẩu với số lượng lớn từ Trung Quốc. Đậu tằm có tác dụng chuyển đổi axit amin trong cơ thể khiến các cơ co lại và chuyển sang giòn.

Mọi khúc mắc, nghi ngờ cuối cùng cũng đã được tháo gỡ khi những thông tin chính thống về chất lượng cá chép giòn được đăng tải công khai trên báo chí. Thế nên, không lâu sau, đơn hàng cứ tới tấp đổ về buộc bố con ông phải mở rộng, đóng thêm nhiều bè, lồng. Ông được bà con trong làng đặt cho biệt danh “Đương cá” từ đó.

Đến những “tỷ phú lồng bè”

Nói về những thành công của nghề nuôi cá chép giòn, ông Đương chia sẻ: “Giai đoạn đỉnh điểm thành công của nghề nuôi cá chép giòn là khoảng 4 năm trước, khi đó mỗi bè cá tôi có thể lãi đến vài trăm triệu đồng. Mỗi năm xuất khoảng 15- 20 lồng thì cũng có trong tay ngót 5 tỷ đồng mỗi năm”, ông kể.

Sau hơn 7 năm lăn lộn với cá chép giòn, hiện ông Đương đã có trong tay một cơ ngơi nhiều người mơ ước. Căn biệt thự rộng gần 1.000m2 của ông cũng là ngôi nhà bề thế nhất ở Nam Tân và các xã lận cận. Ông còn sắm cả xe hơi tiền tỷ.

Căn nhà khang trang được xây từ tiền nuôi cá chép giòn 

Có trong tay hàng chục tỷ đồng, hiện ông Đương đã bắt tay vào đầu tư một tổ hợp sinh thái, du lịch ẩm thực ngay khu đô thị mới ở thị trấn Quốc Tuấn, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm nay.

Việc ông Đương phất lên nhờ cá chép giòn cũng khiến không ít người dân sống ven sông Kinh Thầy tò mò, muốn đi theo để thoát nghèo. Thế nên dần dần một hộ, rồi hai, ba…cũng lần lượt ra sông lân la, tìm hiểu cách ông Đương nuôi cá giòn đã khiến một khúc sông Kinh Thầy đoạn qua xã Nam Tân kín lồng bè nuôi cá.

Một số người có vốn hay vị thế trong vùng cũng đứng ra lập bè nuôi cá. Trong số đó phải kể đến ông Nguyễn Trung Tựu, nguyên Chủ tịch xã Nam Tân. Dù là người đi sau nhưng hiện ông Tựu trở thành người sở hữu nhiều bè cá nhất trên dải sông Kinh Thầy với khoảng 20 bè, tương đương với hàng chục tấn cá các loại, bao gồm chép giòn, trắm giòn, cá lăng…

Cũng nhờ đó mà trong năm 2015 vừa qua, ông đã vinh dự trở thành một trong những nông dân tiêu biểu của Hải Dương được lên Hà Nội nhận danh hiệu “Công dân tiêu biểu” toàn quốc.

Thế nhưng, theo ông Tựu, để kiếm được đồng tiền từ con cá không hề dễ dàng. Trận lũ lịch sử năm 2015 cũng đã cướp đi của gia đình ông khoảng 15 tỷ đồng khi toàn bộ hàng chục bè cá trên sông đã bị lũ cuốn trôi khi đang chờ xuất bán.

Trên thực tế, một số hộ đi sau, mới bắt đầu tham gia nuôi cá giòn vài năm trở lại đây cũng không hẳn đã dễ dàng do giá cá sụt giảm mạnh. Hiện giá cá chỉ dao động từ 120 -150 nghìn/kg, thay vì hơn 200 nghìn/kg như mấy năm trước. Một số hộ đã trót vay hàng chục tỷ đồng từ ngân hàng nhưng đầu ra tiêu thụ cá gặp khó khiến cho lãi mẹ đẻ lãi con, dù là nhà cao cửa đẹp nhưng vẫn đang là con nợ ngân hàng.

Theo tìm hiểu của PV Infonet, lý do khiến cho thị trường vẫn chưa thực sự biết đến loại cá này nhiều là do khâu tiếp thị chưa đúng cách. Bản thân các chủ bè cá vẫn thiếu đi kiến thức lẫn kinh nghiệp bán hàng ra thị trường, chỉ trông chờ vào các mối tiêu thụ quen từ nhiều năm nay.

Đặc biệt, hầu hết các lứa cá xuất ra hiện nay đều được vận chuyển vào thị trường miền Nam, trong khi thị trường lớn ngay gần Hải Dương là Hà Nội lại có mức tiêu thụ không đáng kể.

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2017

Thu 100 triệu đồng từ 7 quả trứng gà rừng

Nhặt được 7 quả trứng gà rừng, anh Hà bỏ vào ổ gà nhà ấp được 3 con. Sau đó, anh nhân đàn và đem về nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm.


Năm 2002, anh Phạm Văn Hà (43 tuổi, xã Duy Sơn, Duy Xuyên, Quảng Nam) đi chăn trâu bò ở ven rừng, gặp con gà đang ấp trứng. Khi trâu bò đi qua, gà vùng khỏi tổ, anh phát hiện 7 quả trứng liền mang về nhà bỏ vào ổ gà đang ấp.

Nhiều người "xúi" anh đem luộc ăn vì cho rằng sẽ không thành công. Có người còn nói, gà rừng không nuôi được, rước chúng về nhà sẽ gặp họa vì bao đời nay không một ai nuôi chúng. Nhưng anh Hà không nghe. Sau gần 20 ngày chờ đợi, số trứng nở ra được ba con gồm hai mái, một trống.

Nhà anh Hà ở gần bìa rừng, mỗi vụ lúa chín gà rừng về ăn rất nhiều. Đã không ít lần anh đặt bẫy bắt nhằm nuôi làm cảnh nhưng bất thành. "Khi gà nở ra, mình mừng lắm nhưng nuôi chúng thì chưa biết cách thức thế nào", anh Hà kể.

Từ 7 quả trứng nhặt được, anh Phạm Văn Hà phát triển nuôi gà rừng, mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Ảnh: Sơn Thủy.


Những ngày sau đó, anh tìm kiếm tài liệu kỹ thuật chăn nuôi gà rừng nhưng không có, đành tự mày mò. Gà được nuôi nhốt trong chuồng, nguồn thức ăn chính là côn trùng, đến lúc lớn kết hợp tập cho ăn thêm gạo, cám, cỏ và thóc.

Nuôi nhốt trong chuồng bộ lông gà không đẹp, anh Hà đưa lồng ra bìa rừng để chúng làm quen môi trường tự nhiên, sau đó mới thả rông. Mở cửa chuồng, tất cả gà bay vào rừng. Anh nghĩ chúng đã bỏ "chủ nhân" vào rừng sinh sống. Ai ngờ, sau 3 ngày gà bay về đậu xung quanh cây trong vườn. Anh đưa thức ăn thì chúng bay xuống mổ, đêm đến đưa gà vào chuồng.

Qua quá trình tìm hiểu, anh Hà từng bước xây dựng chế độ ăn uống một cách khoa học, cũng như nắm bắt thói quen của loài gia cầm này để giữ chân chúng. Để tập thói quen, mỗi bữa ăn anh huýt sáo kêu chúng về, cứ dần thành quen, đàn gà sáng ra đi ăn, chiều tối lại về chuồng.

Gà rừng làm tổ ấp nở như gà nhà. Ảnh: Sơn Thủy.


"Khó khăn nhất là việc tập cho gà rừng ở trong chuồng, bởi chúng thường đậu trên cành cây. Đêm xuống anh phải bắt gà vào chuồng, còn không là ngủ ngoài vườn hết. Dần dà thành quen, chúng cũng ngủ trong chuồng", anh Hà nói và cho biết nhiều người đến học hỏi kinh nghiệm, mua gà về nuôi nhưng đều thất bại bởi không kiên nhẫn.

Theo anh Hà, gà rừng có sức đề kháng cao, không cần nhiều thức ăn, ít dịch bệnh, thịt chắc, thơm ngon. Hiện thị trường rất dễ bán nên thu hồi vốn nhanh. Gà rừng sinh sản nhiều, mỗi năm đẻ 4-5 lứa, mỗi lứa 7-15 trứng.

"Đến nay trang trại có hơn 200 con gà rừng. Trung bình gà thịt giá 500.000 đồng/kg, gà giống cảnh 2 tháng tuổi giá một triệu đồng/cặp, còn gà trưởng thành giá 1,8-2 triệu đồng/cặp. Mỗi năm trang trại nuôi gà rừng giúp tôi thu về gần 100 triệu đồng", anh Hà tiết lộ.

Đàn gà của anh Hà có thể nuôi bằng công nghiệp, nhưng lông không đẹp, bán gà cảnh không ai mua, do đó buộc phải thả vườn.

Đàn gà rừng được anh Hà thuần dưỡng, nuôi thả như gà nhà. Ảnh: Sơn Thủy.


"Trước đây tôi nghĩ chỉ nuôi vài con chơi cho vui, nhưng sau thấy nuôi gà rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu ra phong phú nên bắt đầu xem đây là nghề chính. Nuôi gà rừng không khó, chủ yếu là phải đam mê và hiểu tập tính của chúng mới có thành quả", anh Hà chia sẻ.

Đồng hành với phát triển gà rừng, tại trang trại của mình, anh đã đầu tư nuôi thêm gà chọi. Loại gà chọi giá rẻ nhất 500.000 đồng một con, còn loại "chiến" lên đến vài chục triệu đồng.

Anh Hà luôn trăn trở với việc bảo tồn những loài vốn sống trong môi trường tự nhiên nhưng nay khan hiếm do việc săn bắt tràn lan. Hiện anh đã nhân giống chim bìm bịp thành công, một loại chim quý được dân gian dùng ngâm rượu điều trị bệnh, bán với giá cao.

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2017

Trại cá hồi trên đỉnh Mẫu Sơn của chàng thanh niên Dao

10 bể nuôi cá hồi đặt ở thôn Khuổi Cấp, cách đỉnh Mẫu Sơn khoảng 5km đang đem lại lợi nhuận vài trăm triệu mỗi năm cho anh Trình, một thanh niên người Dao.

Gần trưa, thời tiết mùa đông trên đỉnh Mẫu Sơn vẫn âm u, những ngôi nhà giữa lưng chừng núi khuất mờ giữa mịt mù mây. Anh Triệu Văn Trình (31 tuổi, xã Mẫu Sơn, Lộc Bình, Lạng Sơn) đang lúi húi xây sửa thêm cho khu vực nuôi cá hồi. Đây là năm thứ 2 anh “làm bạn” cùng loài cá này.

Năm 2011, sau khi nghe các phương tiện thông tin đại chúng nhắc tới nuôi cá hồi tại khu vực Sa Pa đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh và một người cùng xã quyết định lên đó tham quan học tập kinh nghiệm. Qua khảo sát, anh thấy Mẫu Sơn có khí hậu gần giống Sa Pa, để nuôi cá hồi không phải quá khó, ngoài các điều kiện thời tiết thì cần nguồn nước sạch, lượng oxy cao.

Nhận thấy Mẫu Sơn có điều kiện khí hậu, tự nhiên phù hợp nuôi cá hồi, anh Trình mạnh dạn đầu tư. Ảnh: Hồng Vân


Do chạy lo tìm vay vốn nên đến năm 2015, anh Trình mới đầu tư xây dựng được 5 bể nuôi cá hồi. Suốt thời gian từ 2011 đến 2015, anh đến một số cơ sở nuôi cá hồi quan sát, ghi chép kinh nghiệm, cách nuôi và trực tiếp theo dõi quá trình người hàng xóm cạnh nhà chăm sóc cá ra sao, cần kĩ thuật gì đặc biệt...

Khi tự tin với kiến thức về loài cá này, anh Trình chọn địa điểm nuôi ở khu vực thôn Khuổi Cấp, cách đỉnh Mẫu Sơn khoảng 5km. Nơi đây có nguồn nước từ khe suối tự nhiên chảy quanh năm nên rất thuận lợi cho việc nuôi cá hồi. Anh Trình đặt mua 1.000 con giống từ Sa Pa với giá 80 triệu đồng.

Bước đầu, gia đình anh đầu tư gần 400 triệu vào việc xây dựng bể, kéo điện thắp sáng, xây nhà trông cá, mua máy bơm nước, thức ăn chăn nuôi cá... Số tiền này anh vay mượn của ngân hàng và người thân. Ban đầu anh khá lo lắng vì dù đã tính toán chi li chi phí nhưng lần “khởi nghiệp” này vẫn quá tốn kém. Nhưng được vợ con động viên, nhận thấy cơ hội phát triển kinh tế, anh lại lao vào thực hiện.

“Kinh tế gia đình tôi so với bà con trên Mẫu Sơn thì có khấm khá hơn nhưng số tiền ban đầu bỏ ra đầu tư khá lớn, tôi cũng lăn tăn một chút. Sau đó, nghĩ rằng mình đã hiểu, nắm rõ loài cá này thì tội gì không thử làm”, anh Trình chia sẻ.

Mỗi ngày anh cho cá ăn 2 lần, tắm muối và theo dõi đảm bảo nước tự nhiên chảy qua các bể để có đủ oxy cho sự phát triển của cá. Theo anh Trình, vì cá hồi là loài nước lạnh nên vào mùa hè nhiệt độ cao cá dễ chết, do đó phải theo dõi thường xuyên. “Năm ngoái, tôi nuôi 1.000 con nhưng chết mất gần 300 con do thời tiết, nên năm nay tôi mua thêm máy bơm liên tục thay nước”, anh Trình cho biết.

Hệ thống bể nuôi cá hồi của anh Trình trên Mẫu Sơn. Ảnh: Hồng Vân


Cá hồi sau một năm tuổi nặng hơn 1,5 kg, anh bán với giá 400.000 đồng một kg cho các nhà hàng tại Lạng Sơn và du khách tham quan trên khu du lịch Mẫu Sơn. Vào những dịp cuối tuần, nghỉ lễ, khách lên khu du lịch đông, có lúc số lượng cá không đủ cung cấp cho nhu cầu của nhà hàng. Anh nhẩm tính, trừ tất cả chi phí, số lãi thu về gần 150 triệu. Với người dân ở một xã vùng 3, đây số tiền rất lớn, là động lực giúp anh tiếp tục gắn bó cùng cá hồi.

Anh cho hay, số cá chết do thời tiết, nhiều người gạ anh bán lại với giá 300.000 đồng một kg, nhưng anh lắc đầu từ chối vì sợ ảnh hưởng đến uy tín làm ăn lâu dài. Chàng thanh niên người Dao thật thà nói: “Khách cũng như mình đều muốn được ăn ngon, mình còn bán cá nhiều năm nữa, ăn cá không tươi khách sẽ thắc mắc, phải giữ được uy tín sau này con cháu mới làm ăn dễ được”.

Hiện tại, anh Trình có hai khu vực nuôi hơn 3.000 cá hồi với 10 bể. Ngoài nuôi cá hồi, anh còn nuôi gà 6 ngón, làm rượu từ men lá truyền thống... phục vụ du khách.

Ông Dương Trồng Mình, Chủ tịch xã Mẫu Sơn cho hay, mô hình nuôi cá hồi của anh Trình là mô hình thứ 2 trên Mẫu Sơn thành công, đem đến hướng phát triển mới cho người dân khi Lạng Sơn đẩy mạnh hoạt động du lịch trong thời gian sắp tới.

“Khu du lịch Mẫu Sơn được đầu tư xây dựng sẽ thu hút nhiều du khách, cá hồi chắc chắn sẽ là một trong những đặc sản của Lạng Sơn khiến du khách muốn quay lại nhiều lần nữa”, anh Trình tự tin nói về tương lai.