Trang

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Làm giàu từ mô hình nuôi lợn rừng

Đến nay mô hình của gia đình ông Hùng đã có hơn 100 con lợn rừng, trong đó có 3 con lợn đực giống và 9 con lợn nái sinh sản. Hàng năm từ đàn lợn giống này đã cung cấp cho gia đình ông trên 150 con lợn con


Phát huy phẩm chất anh Bộ đội cụ Hồ, nhiều người lính sau khi trở về địa phương dù mang trong mình thương tật nhưng họ không ngại khó, ngại khổ, tích cực tham gia phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Ông Quế Phi Hùng, thương binh 1/4 ở xóm Đào Nguyên xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) là tấm gương điển hình như thế.

Trở về với cuộc sống đời thường, mặc dù sức khoẻ yếu do vết thương chiến tranh thường xuyên tái phát nhưng ông Hùng vẫn không chịu nghỉ ngơi. Với tinh thần cần cù lao động, ông đã biến vùng đất cằn cỗi ở xóm Đào Nguyên trở thành một mô hình kinh tế VAC tổng hợp với hàng trăm cây ăn quả các loại và cải tạo hơn 2.000m2 mặt nước để chăn nuôi cá.

Không dừng lại ở đó, năm 2008, sau khi đi tham quan thực tế tại một số mô hình chăn nuôi lợn rừng ở các tỉnh phía Bắc, nhận thấy lợn rừng là loài động vật dễ nuôi, sức đề kháng tốt, thường chỉ mắc các bệnh ngoài da và rối loạn tiêu hóa đơn giản, do đó chi phí về thú y rất thấp, thức ăn cho lợn rừng cũng sẵn có.



Đàn lợn rừng của gia đình ông Quế Phi Hùng

Từ những đặc tính tự nhiên của lợn rừng dễ thích nghi với điều kiện thực tế ở địa phương nên ông đã mua một cặp lợn giống về nuôi thử nghiệm.

Để chăm sóc và thuần dưỡng loài vật này, ông đã phải đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu các kiến thức khoa học kỹ thuật về cách chăm sóc và thuần dưỡng lợn rừng. Từ những kiến thức đã tiếp thu được cộng với những kinh nghiệm trong thực tế, ông đã áp dụng trong phát triển chăn nuôi của gia đình mình.

Tận dụng diện tích vườn cây ăn quả với hơn 600 gốc vải, xoài, ông đã đầu tư hơn 20 triệu đồng để xây bờ tường bao bọc xung quanh, vừa tạo môi trường gần giống với môi trường tự nhiên, đồng thời không để đàn lợn ra ngoài phá hoại hoa màu của người dân trong vùng.

Theo ông Hùng, muốn nuôi được lợn rừng trước hết cần phải chọn giống tốt và hội đủ các yếu tố: Dáng cao, bụng thon, lông mượt, mõm thẳng. Tiếp theo cần phải xây dựng chuồng trại đúng quy chuẩn, chuồng nuôi lợn cần có bóng mát, có chỗ cho lợn nghỉ ngơi và nhất là phải tạo được không gian và nền đất thích nghi với bản năng hoang dã của lợn rừng.

Đến nay mô hình của gia đình ông Hùng đã có hơn 100 con lợn rừng, trong đó có 3 con lợn đực giống và 9 con lợn nái sinh sản. Hàng năm từ đàn lợn giống này đã cung cấp cho gia đình ông trên 150 con lợn con.

Chỉ riêng thời gian trong và sau tết Tân Mão vừa qua gia đình ông đã xuất bán được 80 con lợn giống, thu về trên 200 triệu đồng. Thu nhập từ nghề chăn nuôi lợn rừng đã giúp gia đình ông Hùng có của ăn của để và tích luỹ vốn để tái đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi.

Đây cũng là mô hình mà cấp uỷ, chính quyền địa phương và Trạm khuyến nông huyện Tân Kỳ đang có kế hoạch tổ chức cho bà con tham quan học tập để nhân rộng trên địa bàn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét