Trang

Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Cử nhân văn thành triệu phú nhờ nuôi thỏ

Ra trường với tấm bằng loại ưu, Trần Thanh Cần bỏ dở đam mê văn chương để theo đuổi giấc mơ làm giàu từ nuôi thỏ trên quê hương mình.

Trong trang trại thỏ hơn 400 m2, Trần Thanh Cần (28 tuổi) ở xã Sơn Phú, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh loay hoay cho đàn thỏ con mới sinh vài tuần tuổi ăn.

Dẫn chúng tôi dạo một vòng trang trại với hơn 400 con thỏ nái, Cần kể về cơ duyên đến với nghề. Từ nhỏ Cần đam mê văn chương, niềm đam mê và kiến thức thơ ca giúp anh đậu vào khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Huế.

Trong một lần bạn rủ tới thăm mô hình nuôi thỏ ở Huế, thấy thỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao, thích thú, Cần nuôi ước mơ trở thành ông chủ một trại thỏ ở quê hương.

Từ bỏ đam mê văn chương, Cần trở về làm giàu với trại thỏ của mình. Ảnh: Phạm Trường.


Năm 2012, ra trường với tấm bằng loại ưu, nhưng ước mơ làm giàu từ những chú thỏ con vẫn mãi trong suy nghĩ Cần. Có trong tay 15 triệu đồng dành dụm từ học bổng và công việc làm thêm hồi đại học, Cần trở về quê và quyết định đầu tư hết vào làm chuồng trại rồi bắt xe ra Hà Nội mua 11 con thỏ New Zealand về nuôi thử.

Chỉ sau thời gian ngắn, toàn bộ số thỏ vừa nuôi cứ chết dần không lý do. Sau khi tìm hiểu kỹ, Cần hiểu rằng nuôi thỏ không hề đơn giản mà cần rất có kỹ thuật, kinh nghiệm.

Thấy con trai thất bại, bố mẹ nhiều lần khuyên anh từ bỏ chọn con đường khác “sạch sẽ”, phù hợp với chuyên ngành đã học. Không chịu đầu hàng, với quyết tâm và đam mê của mình, Cần thuyết phục bố mẹ cho vay vốn mở trại trên diện tích 400 m2 và mua thỏ địa phương nuôi lấy thịt, tiếp tục nghiên cứu thêm tập tính giống loài này.

Bắt tay vào giống nuôi mới, lần này thay vì làm chuồng bằng gỗ, Cần chuyển sang làm chuồng sắt để tránh mối mọt và tạo nấm như gỗ. Anh còn dùng thêm đệm lót sinh học giúp kiểm soát tốt chất thải để cách ly mầm bệnh. Thức ăn cho thỏ anh chỉ dùng lá mít, lá chuối, cỏ voi… và các phế phẩm nông nghiệp.

Sau 3 tháng chăm bẵm, 60 con thỏ thương phẩm cũng được xuất bán và mang về số lãi hơn 20 triệu đồng. Với mong muốn nhân rộng đàn, Cần tìm hiểu thêm kiến thức chăn nuôi thỏ giống qua mạng, học hỏi kinh nghiệm những chủ trang trại lớn từ nhiều nơi.

Đầu năm 2013, anh đầu tư hơn 30 triệu đồng ra Ninh Bình mua 50 cặp thỏ nái New Zealand về nuôi. Để có tiền đầu tư, ngoài công việc thường ngày Cần xin làm thêm phụ hồ để kiếm tiền mua thức ăn cho thỏ và nâng cấp chuồng trại.

Một năm sau đó, mỗi cặp thỏ nái cho ra 5 lứa thỏ con, nhân số lượng trong chuồng có lúc lên đến 2.000 con.

Với trại gần 400 thỏ nái, mỗi năm anh thu về hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Phạm Trường.


“Thỏ sinh sản khá nhanh, mỗi cặp bố mẹ mỗi lứa đẻ từ 5 đến 10 con. Thỏ con sau khi nuôi 3 tháng sẽ bán thịt với giá 100.000-110.000 đồng/kg. Với thỏ giống mỗi con bán với giá từ 120.000-140.000 đồng/kg”, Cần cho hay.

Không dừng lại ở đó, Cần tiếp tục mở rộng chăn nuôi bằng việc đưa giống thỏ chất lượng đến với nông dân trong vùng. Anh còn mở thêm xưởng cơ khí, tự tay làm chuồng thỏ bằng sắt, bán thỏ giống cho người nuôi. Anh còn tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh… rồi thu mua lại thỏ thương phẩm hoặc thỏ giống cho người dân.

Hiện mỗi năm trại anh xuất ra thị trường 110.000-20.000 con giống và 2 tấn thỏ thịt, thu về hàng trăm triệu đồng. Cần còn là cán bộ kỹ thuật, thu mua sản phẩm thỏ thịt phụ trách huyện Hương Sơn cho một công ty thực phẩm Hà Nội. Anh tạo công ăn việc làm cho 5 lao động ở địa phương với mức lương từ 3 - 5 triệu đồng/tháng.

Không chỉ được biết đến là ông chủ trại thỏ tiền tỷ, Cần còn là một phó bí thư đoàn xã năng nổ, giúp bao người trẻ học tập và phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương.

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

Ươm khát vọng tỷ phú trên bãi hoang Đa Đa

Kiên trì trong 25 năm, anh Nguyễn Văn Hữu - hội viên chi hội nông dân (ND) xóm 1, xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An và gia đình đã biến một vùng đất cằn cỗi, khô hạn thành trang trại xanh cho lãi ròng 3-4 tỷ đồng/năm.

Bước chân người khai mở

Nói tới bãi Đa Đa, nhiều người dân xã Hưng Yên Bắc còn nhớ như in, xưa kia nơi đây là vùng đất cỗi cằn, mỗi năm có tới 3 - 4 đợt hạn hán, tịnh không một giọt nước. Vùng đất hoang sơ thuở ấy in đậm trong tâm trí người dân bởi tiếng chim đa đa hoang hoải cả góc trời. Ấy thế mà 5-7 năm lại đây, bãi Đa Đa được nhuộm xanh mát mắt với những vườn cây trĩu quả. Khu vườn người giáo dân Nguyễn Văn Hữu rợp một màu xanh cây trái và đa dạng các loại hình sản xuất, chăn nuôi.


Nhớ lại những ngày tháng đầu tiên đặt chân lập nghiệp trên vùng đất cằn cỗi, chính anh Hữu cũng không ngờ có buổi hôm nay. Anh kể, sau 3 năm đi bộ đội, năm 1989, anh xuất ngũ về quê lấy vợ. Cuộc sống khó khăn ở quê khiến anh từng theo bạn bè lên vùng đá đỏ Quỳ Châu tìm cơ hội đổi đời. Anh Hữu cũng từng quản lý, điều hành một doanh nghiệp tư nhân nhỏ chuyên khai thác đá. Cái nghề cuối cùng anh làm là nghề chụp ảnh. “Làm nghề này, tôi được đi nhiều nơi, rồi trồng hoa, cây cảnh để phối cảnh chụp hình cho khách. Ban đầu chỉ là trồng chơi, về sau cũng tập tành chiết, ghép, tạo thế, dâm cành, ươm cây… Tự dưng cái nghề cây cảnh nó ngấm vào người lúc nào không hay…” - anh Hữu nhớ lại.

Một góc vườn ươm cây cảnh, trồng cây ăn quả của gia đình anh Nguyễn Văn Hữu. Ảnh: Hoàng Minh

Năm 1992, địa phương có chủ trương di dời dân khai phá vùng kinh tế mới, vợ chồng anh Hữu và 15 hộ khác tiên phong vào bãi Đa Đa. Anh huy động anh em, họ hàng giúp đào ao, trước là để lấy nước sinh hoạt, tưới cây, sau là để thả cá. Cực nhọc là vậy, thế nhưng ông Trời vẫn trêu người có trí- vào mùa khô hạn cả cái ao sâu 4m cũng chỉ đọng lại vũng nước nhỏ. Vận hội thực sự đến với anh và các hộ khác khi năm 2007, xã Hưng Yên (chưa chia tách), ngăn đập Khe Ngang, bãi Đa Đa mới bừng lên sức sống. Kể từ đây anh Hữu có thêm động lực để thực hiện ước mơ ươm trồng cây cảnh, cây ăn quả đã ấp ủ bấy lâu.

Anh Hữu khai khẩn, đấu thầu thêm đất, chuyển đổi đất cho anh em, làng xóm để tạo nên 1 vùng đất rộng 2,2ha để ươm trồng, nhân giống các loại cây cảnh, cây ăn quả… Với sự chăm chỉ, cần cù, ham học hỏi, đặc biệt là luôn giữ uy tín với các bạn hàng nên dù đóng ở vùng đất không thuận lợi mà bạn hàng tự tìm đến với anh Hữu ngày một nhiều thêm.

Lãi ròng 3-4 tỷ đồng/năm

Tính đến hết năm 2016, toàn tỉnh Nghệ An có hơn 146.000 hộ ND đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Qua thực tế cho thấy, ngày càng xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn với vốn kinh doanh hàng tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, thu nhập hàng năm từ 100 triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Hiện nay đã có hơn 21.000 hộ có mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm; khoảng 463 hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Đến nay, các cấp Hội ND trong tỉnh đã phối hợp xây dựng được khoảng 158.000 mô hình phát triển kinh tế hộ…

Đến nay trong vườn anh Hữu luôn có hàng trăm cây cảnh cổ thụ; còn cây ăn quả, cây công trình, cây công sở nhiều không kể hết. Cứ lớp này xuất đi lại có lớp khác được nhân, ghép, chiết hoặc mua về. Không chỉ thế anh còn kết hợp chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, vịt, bồ câu, ao cá, lấy cái này bổ trợ cái kia mà vẫn không từ bỏ niềm đam mê dịch vụ chụp ảnh, quay phim.

Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình anh còn có lãi ròng 3-4 tỷ đồng, thu nhập 33 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức tiền công 6-7 triệu đồng/người/tháng. Những lúc cao điểm còn thuê thêm lao động thời vụ ở trong vùng.

Trưởng thành từ hoàn cảnh khó khăn, lại được nhiều người thân quen giúp đỡ nên khi có điều kiện, anh Hữu luôn tâm niệm phải giúp ích lại cho đời. Mỗi năm anh dành từ 7-10 triệu đồng ủng hộ, giúp đỡ những gia đình chính sách, hộ có người ốm đau, hoạn nạn, khó khăn đột xuất. Đặc biệt, với các hộ gia đình trong bãi Đa Đa và những vùng lân cận, anh luôn sẵn lòng hỗ trợ cho vay giống cây để phát triển kinh tế. Nguồn cây giống từ gia đình anh được bán trả chậm, thậm chí là hỗ trợ không lấy tiền cho những hộ nghèo đã làm nên một bãi Đa Đa tươi màu cây trái.

Hồ thả cá rộng 2.0002, hàng năm anh Hữu thu nhập khoảng 70 triệu đồng. Ảnh: Hoàng Minh

Khoe với chúng tôi vườn cây ăn quả với đủ loại mít Thái, bưởi da xanh, hồng xiêm, xoài, ổi Đài Loan… đang độ trổ hoa, đậu quả, ông Nguyễn Văn Luân ở xã Hưng Yên Bắc bộc bạch: “Nếu không tận mắt thấy Hữu ươm trồng thành công các giống cây, và nếu anh không rộng lòng cho vay cây giống chưa chắc gia đình tôi đã dám làm theo”.

Ngày 24.3, UBND và Hội ND tỉnh Nghệ An đã tổ chức hội nghị đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi lần thứ X, giai đoạn 2012-2016. Tại hội nghị, anh Nguyễn Văn Hữu là 1 trong 131 gương mặt nhà nông suất sắc được nhận đón nhận bằng khen của UBND tỉnh Nghệ An.

Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

Cho lợn nghe nhạc Pháp “hái” tiền tỷ mỗi năm

Đó là phương pháp nuôi lợn độc đáo mà bà Nguyễn Thị Liên – chủ trang trại giun quế PHT ở xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đang áp dụng thành công. Mỗi năm, trang trại này cung cấp cho thị trường Thủ đô gần 100 tấn thịt lợn thương phẩm VietGAP.


Các chuồng nuôi lợn được bà Liên thiết kế nửa kín, nửa hở, vừa giúp đàn lợn ấm áp vào mùa đông, mát mẻ sưởi nắng ấm vào mùa hè.

Bà Liên cho biết, hiện quy mô trang trại này rộng 2.000m2 gồm chuồng trại nuôi lợn, gà, giun quế, trồng bưởi… đều khép kín theo quy trình VietGAP và việc xử lý phân thải từ lợn cũng rất triệt để. Cụ thể, khi lợn thải ra phân sẽ được công nhân đưa đi nuôi giun quế, xử lý qua hầm biogas sau đó phân mùn được đưa đi trồng bưởi, hoa…Đặc biệt, thức ăn dành cho đàn lợn tại trang trại gồm giun quế, bã bia, rau xanh, thảo dược…Tất cả được xay trộn lẫn và nấu chín trước khi cho lợn ăn.

Để lợn có chất lượng thịt sạch, bà Liên còn dùng các thảo dược để phòng, trị bệnh cho đàn lợn.

Cùng với đó, bà Liên còn lắp một giàn nghe nhạc Pháp (dòng nhạc nhẹ nhàng, êm ái) giúp lợn xả stress cho chất lượng thịt giàu dinh dưỡng nhất có thể. Được biết, sau quá trình chăn nuôi đến nay trang trại của bà Liên đã có đầy đủ chứng nhận đạt quy chuẩn VietGAP. Tổng doanh thu hàng năm của bà Liên khoảng 2 tỷ đồng. Ngoài ra, trang trại của bà còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 15 lao động địa phương với mức lương trên dưới 4 triệu đồng/người/tháng.


Để có đủ giun quế chế biến thức ăn cho đàn lợn, bà Liên đã xây dựng 3 trại nuôi giun, mỗi tháng cung cấp đàn lợn trên 7 tạ giun/trại.

Theo bà Liên, hiện trang trại của bà đang xúc tiến xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm thịt lợn để từng bước mở rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn có sử dụng giun quế trong thành phần thức ăn. “Đây sẽ là hướng đi về lâu dài giúp sản phẩm có được chỗ đứng trên thị trường cạnh tranh ngày một gay gắt hiện nay” – bà Liên chia sẻ.


Bà Liên đang điều chỉnh âm thanh “dàn” nhạc Pháp cho phù hợp để đàn lợn nghe mà không ảnh hưởng đến khu dân cư. “Thường ngày tôi cho lợn nghe nhạc khoảng 8h (trong giờ hành chính) thấy rất hiệu quả, đàn lợn cũng rất thích thú hay chạy nhảy theo tiếng nhạc” – bà Liên tiết lộ.

Cận cảnh “dàn” nhạc Pháp độc đáo được bà Liên lắp đặt cho lợn nghe xả stress

Cũng theo bà Liên, âm nhạc Pháp vốn đã nổi tiếng với giai điệu dịu êm, nhẹ nhàng, sâu lắng, ca từ lãng mạn và giàu ý nghĩa không chỉ đối với người mà còn giúp cho vật nuôi xả stress, cùng với việc kết hợp cho ăn giun quế sẽ giúp cho chất lượng thịt lợn ngon, thơm hơn.

Sản phẩm thịt thành phẩm cuối cùng có đầy đủ nhãn mác, nguồn gốc… cung cấp cho các hệ thống cửa hàng bán thực phẩm sạch trong nội thành.

Là một trong những trang trại chăn nuôi lợn sạch ở Ninh Bình, ông Phạm Tuấn ở huyện Gia Viễn đang có ý định đầu tư lắp đặt dàn nhạc phục vụ đàn lợn của gia đình. “Âm nhạc là ngôn ngữ kỳ diệu mà không chỉ người mà các vật nuôi cũng đều có thể cảm nhận được, đặc biệt là nhạc Pháp, đây là dòng nhạc có giai điệu rất tuyệt vời, êm ái, sâu lắng… sẽ giúp cho đàn lợn xả stress rất hiệu quả trong phòng bệnh và nâng cao chất lượng thịt” – ông Tuấn chia sẻ.

Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

Đem 3 tỷ đồng “đánh cược” nghề nuôi lợn

Từ một thợ điện máy lành nghề, không hề có kinh nghiệm chăn nuôi, anh Trần Văn Quang (thôn Bir, xã Chư Păh, thị xã Ayun Pa, Gia Lai ) đã “liều” mình đem 3 tỷ đồng “đánh cược” với nghề nuôi lợn...

“Đánh cược” với nghề mới

Chúng tôi thực sự choáng ngợp khi bước vào trang trại nuôi lợn quy mô của gia đình anh Trần Văn Quang. Đó là một trang trại có diện tích lên đến 1,5ha với hơn 1.200 con lợn lớn nhỏ giống siêu nạc.

Trước khi đến với nghề nuôi lợn, anh Quang vốn là một thợ sửa chữa điện máy lành nghề. Nhưng ở địa phương càng ngày càng có nhiều người mở tiệm sửa chữa điện máy nên thu nhập của anh dần thấp đi. “Trong đầu tôi lúc nào cũng suy nghĩ phải làm cái nghề gì đó để vợ con bớt túng thiếu, chứ sống kiểu thu nhập không ổn định thế này thì khổ quá” - anh Quang kể…

Để có trang trại hoành tráng, quy mô như hiện nay, anh Quang đã phải bỏ ra hơn 3 tỷ đồng tiền vốn. Nguồn vốn này anh đi vay mượn người thân và thế chấp tài sản vay tín dụng ngân hàng.


Anh Trần Văn Quang đang chăm sóc đàn lợn trong trang trại của gia đình. Ảnh: Đăng Nhật

Nhằm phát triển lâu dài, anh quyết định xây dựng mô hình chuồng trại nuôi lợn hiện đại với hệ thống phòng lạnh khép kín, đảm bảo nhiệt độ trong chuồng luôn dưới 27 độ C. Để không gây ảnh hưởng đến môi trường, anh đầu tư xây dựng hệ thống hầm khí biogas, sử dụng chính khí gas để chạy máy phát điện phục vụ cho quá trình hoạt động của trang trại. Mọi công đoạn chăm sóc lợn trong trang trại đều được anh Quang thiết kế tự động hóa.

Bằng việc áp dụng hệ thống tự động trong chăn nuôi, trang trại của anh không phải tốn nhiều nhân công chăm sóc. Mỗi trại lợn chỉ cần 2 nhân công để theo dõi tình hình phát triển của đàn lợn cũng như làm vệ sinh chuồng trại. Nhờ các quy trình khép kín nên chi phí nuôi lợn giảm đi rất nhiều; tình trạng dịch bệnh trong trại gần như không xảy ra.

Làm ăn lớn phải tính đầu ra


Mô hình nuôi lợn của anh Trần Văn Quang rất hiện đại và quy củ. Tuy nuôi với số lượng lớn nhưng không gây ô nhiễm môi trường. Chính quyền thị xã rất ủng hộ và khuyến khích các hộ nông dân trên địa bàn áp dụng chăn nuôi theo mô hình này…”.

Ông Lê Minh Trí - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ayun Pa

Sau khi xây dựng chuồng trại xong, anh Quang đã ký hợp đồng với Công ty C.P Việt Nam để thả lứa lợn đầu tiên vào đầu tháng 10.2015. Công ty này sẽ đầu tư heo con, thức ăn và toàn bộ vaccine tiêm phòng bệnh. Gia đình anh Quang chỉ gia công chăm sóc, vệ sinh chuồng trại theo quy trình công ty hướng dẫn. Nhờ đó, lợi nhuận từ việc nuôi lợn liên kết với công ty cũng khá. Đến thời điểm xuất chuồng anh Quang được công ty này trả chi phí chăn nuôi là 3.000 đồng/kg lợn hơi…

Anh Quang chia sẻ: “Cái khó của nông dân mình là đầu ra. Bởi vậy muốn làm ăn lớn nhất quyết phải lo được đầu ra cho sản phẩm. Như tôi, khi liên kết với công ty chỉ cần nuôi lợn đủ lớn, đạt đến độ tuổi xuất chuồng là công ty sẽ lo bao tiêu, người chăn nuôi chỉ tốn kém về phần đầu tư vốn ban đầu, xây dựng cơ sở hạ tầng cho đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật đã được hướng dẫn là đủ…”.

Anh Quang cho biết, đến nay, trừ chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình lãi ròng hơn 600 triệu đồng từ nghề nuôi lợn. Kế hoạch trong tương lai gần của anh Quang là tiếp tục đầu tư thêm 1,4 tỷ đồng để nâng số đầu lợn nuôi thêm 1.000 con.

Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

Thu tiền tỷ từ rau thủy canh

Là kỹ sư công nghệ thông tin đang làm chủ một doanh nghiệp lớn ở tỉnh Bắc Giang, anh Nguyễn Văn Tuấn (thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) rẽ ngang đầu tư trồng rau thủy canh. Mô hình của anh được nhiều nơi áp dụng và mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Anh Nguyễn Văn Tuấn bên sản phẩm rau thủy canh. Ảnh: N.T.

Vợ chồng mâu thuẫn vì bỏ kinh doanh đi trồng rau

Nhớ lại mối “lương duyên” của mình với rau thủy canh, anh Tuấn nói đó thực sự là một quyết định khó khăn với anh. Là một kỹ sư công nghệ thông tin, đang làm chủ một doanh nghiệp cung ứng giải pháp công nghệ thông tin, khi thấy anh cứ mải mê với những cọng rau, ngọn cỏ cả gia đình đều phản đối. Thậm chí vợ chồng anh đã không ít lần cãi cọ nhau bởi việc anh quá chú tâm vào trồng rau mà quên đi công việc kinh doanh của mình.

“Ban đầu mình chỉ nghĩ là làm sao để có rau sạch ăn cho gia đình nhưng sau đó càng nghiên cứu, đi sâu vào tìm hiểu cách trồng rau thủy canh, mình càng đam mê. Các mô hình trồng rau thủy canh ở Việt Nam chỉ có ở các trang trại lớn, còn mô hình nhỏ cho các gia đình chưa có”, anh Tuấn nhớ lại. Mặc cho vợ, bố mẹ phản đối, một mình anh loay hoay với các sơ đồ, các ống nhựa PVC, các dung dịch và cây, hạt giống… Không ít lần thất bại bởi không có trong tay kiến thức nền về nông nghiệp nhưng anh không nản chí.

“Anh Tuấn làm việc nhiều ngày với một niềm đam mê hiếm thấy. Thậm chí anh chỉ trở về nhà để ngủ chứ không hề đoái hoài gì đến vợ con”, chị Hoàng Thị Tâm, vợ anh Tuấn kể lại.

Sau nhiều ngày mò mẫm, anh Tuấn cho ra đời hệ thống trồng rau thủy canh bằng phương pháp hồi lưu, tức là dùng hệ thống bơm nước liên hoàn lên các giá thể để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Nhưng anh lại thất bại với việc trồng cây bởi cứ đưa vào là… chết. Tiếp tục lần mò thử nghiệm, tìm đọc các loại tài liệu về cây trồng, anh Tuấn phát hiện ra cây chỉ sống được trong môi trường thủy canh ở thời điểm nhất định và với một hàm lượng dinh dưỡng hợp lý. Không có chuyên gia bên cạnh, anh tự thử nghiệm, tự rút ra kinh nghiệm với nhiều đời cây và cẩn thận ghi chép mới đưa ra được công thức để trồng. “Đó thực sự là niềm hạnh phúc của tôi khi lứa rau đầu được thu hoạch”, anh Tuấn kể.

Mô hình phù hợp cho mọi gia đình

Ngay tại sân thượng tầng 4 nhà anh Tuấn ở phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang, là mô hình trồng rau thủy canh. Theo anh Tuấn, trồng rau thủy canh có nhiều ưu điểm: giúp cây trồng phát triển đồng đều, không có sâu bệnh, không phải làm đất, không có cỏ dại… Đặc biệt, việc trồng rau theo phương pháp thủy canh không mất nhiều thời gian chăm sóc bởi anh Tuấn đã thiết kế một hệ thống tự động bơm nước hẹn giờ khiến cho cây trồng luôn có đủ chất dinh dưỡng để phát triển. Điều này cũng làm cho thời gian phát triển và thu hoạch giảm rất nhiều, cho năng suất cao hơn từ 25-40% so với trồng ngoài đồng ruộng.

Hiện cửa hàng rau an toàn trên địa bàn thành phố Bắc Giang do Cty TNHH MTV Thiên An của anh cung cấp có lượng người mua rất lớn và thường xuyên không có đủ hàng để bán. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, anh Tuấn đang mở rộng diện tích trồng rau thêm 400m2 tại huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang).

Bên cạnh đó, anh sẵn sàng cung cấp, lắp đặt và chuyển giao công nghệ cho bất kỳ người nào có nhu cầu muốn trồng rau thủy canh tại nhà để bảo đảm một nguồn thực phẩm sạch đồng thời nhận bao tiêu toàn bộ các sản phẩm làm đúng theo quy trình của anh. Anh Tuấn còn thiết kế rất nhiều kiểu kệ trồng thủy canh khác nhau phù hợp với điều kiện của từng gia đình, nhất là các gia đình ở đô thị.

Với chỉ khoảng 10 m2 cùng với đầu tư khoảng 4-5 triệu đồng bằng các thiết bị do anh Tuấn cung cấp là các gia đình 6 người đã có đủ rau ăn thường xuyên. Nhận thấy mô hình của anh phù hợp với điều kiện của các gia đình, khách hàng đến với anh ngày càng nhiều.


Tận dụng các kiến thức về công nghệ thông tin, anh Nguyễn Văn Tuấn đã mở rộng thị trường thông qua trang web bán hàng trực tuyến. Hiện nay, ngoài tỉnh Bắc Giang, mô hình trồng rau thủy canh mang thương hiệu Thiên An của anh đã có mặt tại khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

Người phụ nữ biến đất cằn thành trang trại tiền tỷ

Bằng sự chịu khó và tính toán nhạy bén, chị Thơ đã tạo lập được trang trại quy mô, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Với suy nghĩ “Người yêu đất, đất không phụ người”, chị Phùng Thị Thơ, ở thôn Vật Lại, xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội đã mạnh dạn nhận thầu 12 ha đất đồi trống cằn cỗi để xây dựng mô hình kinh tế trang trại vườn-ao-chuồng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động với thu nhập ổn định.

Chị Phùng Thị Thơ là 1 trong 100 phụ nữ tiêu biểu toàn quốc sẽ được vinh danh trong Chương trình Tự hào phụ nữ Việt Nam nhân Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII sắp tới.

Chị Thơ chăm sóc vườn dứa sắp cho thu hoạch. (Ảnh: Báo Hà Nội mới)

Đến thăm trang trại của chị Phùng Thị Thơ, bà chủ trang trại vừa thoăn thoắt làm việc, vừa chia sẻ, là nông dân thuần túy, nguồn thu chính để nuôi bố mẹ già và 3 con nhỏ ăn học chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Năm 2010, khi địa phương có chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế hộ nông nghiệp, gia đình chị Thơ đã mạnh dạn nhận thầu 12 ha đất đồi trống cằn cỗi theo hình thức khoán 50 năm của xã Vật Lại.

Lúc đó, tài sản duy nhất và cũng là lớn nhất của gia đình chị là 1 con trâu. Chính "đầu cơ nghiệp" ấy đã gắn bó cùng chị suốt những năm khai hoang, vỡ đất. Vất vả không kể siết, nhưng với suy nghĩ “Người yêu đất, đất không phụ người” nên chị quyết tâm mua sách về tự mày mò, nghiên cứu, ở đâu có mô hình làm kinh tế trang trại hiệu quả là chị tìm đến học hỏi kinh nghiệm.

“Ban đầu chưa biết nuôi gà nên gia đình trồng đậu, đến tháng tư đậu ra nhiều quả ở cả 2 mảnh đồi khiến việc thu hoạch rất khó khăn. Sau đó, gia đình lại trồng củ đậu để lấy tiền trả cho nhân công, lấy tiền chăm cây bưởi, chăm cây nhãn...Trước những khó khăn ban đầu, bản thân luôn phải xem, nghe báo đài để biết thông tin thị trường, mô hình chăn, nuôi cũng như thông tin tiêu thụ”, chị Thơ bày tỏ.

Sau khi chị Thơ cùng gia đình xây dựng mô hình kinh tế theo hướng trang trại vườn-ao-chuồng, đã không ít lần, bản thân chị và gia đình nản chí muốn bỏ cuộc. Nhưng được sự động viên của Hội Liên hiệp phụ nữ, Chi hội Nông dân xã Vật Lại, tạo điều kiện cho chị được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan các mô hình kinh tế tiêu biểu, chị đã kiên trì, khắc phục khó khăn, không ngừng tích lũy kinh nghiệm.

Sau những tháng ngày vất vả, thành quả mà gia đình chị Phùng Thị Thơ đạt được là những vạt đồi phủ kín cây xanh, là những màu vàng mỗi độ cây vào mùa trái chín.

Hiện, mô hình trang trại của chị Thơ đạt quy mô trên 12 ha, với 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản; 11 ha vườn trồng hơn 1.000 cây bưởi Diễn, 1.000 cây nhãn, 600 cây mít, 20 vạn gốc dứa và 1.000 m2 chuồng trại nuôi các loại gia súc, gia cầm đặc sản như nhím, lợn rừng, 800 gà thả đồi, cho tổng doanh thu 4,5 - 5 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí bình quân thu nhập đạt hơn 1 tỷ đồng/năm.

“Trước đây cũng đông nhân công lao động nhưng giờ tôi thực hiện tự động hóa, đầu tư máy đào gốc, chặt rễ cây, máy bón phân… Bên cạnh đó, nhờ theo dõi thông tin thị trường, thấy cây nhãn Hương Chi vừa ngọt vừa thơm nên đã phát triển và được thị trường chấp nhận”, chị Thơ cho biết.

Chị Phùng Thị Thơ là một trong 8 cá nhân được trao tặng Danh hiệu Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu 2016; là 1 trong 100 phụ nữ tiêu biểu toàn quốc 2017.

Với những người có nhu cầu học tập kinh nghiệm nuôi trồng, chị Thơ đều tận tình giúp đỡ về vốn, kỹ thuật, vật tư để sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Chị cũng đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động với thu nhập ổn định từ 3 - 7 triệu đồng/tháng..Gia đình chị còn chủ động nhận giúp đỡ một số hộ nghèo về vốn, việc làm để phát triển sản xuất, tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chị Nguyễn Thị Hà, thôn Vật Lại, xã Vật Lại, huyện Ba đã 7 năm làm việc tại trang trại cho biết, ngoài việc tạo điều kiện người dân có công ăn việc làm, chị Thơ còn tạo điều kiện cho chị em làm ruộng, chăn nuôi tại gia đình. Chị Thơ nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm với những người có trang trại đến học hỏi cách trồng cây ăn quả và nuôi gia súc gia cầm…

Thành công từ mô hình kinh tế trang trại vườn-ao-chuồng, gương làm giàu của gia đình chị Phùng Thị Thơ đã trở thành tấm gương cho những hộ dân trong vùng học tập và làm theo.

Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2017

Thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi thỏ

Nhờ đức tính cần cù chịu khó, ông Lê Văn Cững (cựu chiến binh, SN 1955, Lâm Đồng) đã phát triển chăn nuôi cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Đến xóm Bến Tre, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) không khó để tìm đến nhà cựu chiến binh Lê Văn Cững, bởi sự “nổi tiếng” của ông trong việc chăn nuôi thỏ. Cần cù, chịu khó, dám mạnh dạn thay đổi là những gì mà người dân ở xóm nói về quyết tâm vượt khó làm giàu của người cựu chiến binh này.

Ông Lê Văn Cững chia sẻ, cũng như bao gia đình lập nghiệp trên vùng đất Nam Tây Nguyên này, ban đầu gia đình ông chủ yếu sống dựa vào cây cà phê. Tuy nhiên, sức khỏe của ông không thể chiến thắng địa hình đồi núi của vùng đất cao nguyên.


Cựu chiến binh Lê Văn Cững bên trang trại nuôi thỏ của gia đình mình

Tình cờ một lần xem chương trình truyền hình về nuôi thỏ, ông liền quan tâm tới mô hình này. Sau một thời gian khá dài nghiên cứu sách, báo, người cựu chiến binh quyết định lên TP Đà Lạt (Lâm Đồng) và tìm đến một số trang trại nuôi thỏ để thực tế tìm hiểu.

Cuối năm 2010, ông quyết định thử nghiệm với 2 cặp thỏ giống (trị giá 600.000 đồng) đầu tiên. Sau một thời gian nuôi thử, cặp thỏ giống bắt đầu sinh sôi phát triển và tăng đàn. Nhưng nuôi thỏ với người mới bước vào nghề như ông không hề đơn giản, đàn thỏ có lúc bị dịch bệnh.

Với hơn 700 con thỏ trong đó có 100 con thỏ mẹ, gia đình ông Cũng thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Không nản chí, ông Cững lại chạy ngược xuôi tìm hiểu các kỹ thuật chăn nuôi và phát triển đàn thỏ quy mô lớn để về áp dụng cho đàn thỏ của gia đình. Từ kinh nghiệm đúc kết được sau lần thất bại, đến nay, trang trại thỏ của ông đã lên đến hơn 700 con.

Hiện nay, đàn thỏ của ông còn có 100 con thỏ mẹ, mỗi con đẻ từ 8 - 10 con/tháng. Trang trại của ông mỗi tháng cung cấp ra thị trường hàng trăm kg thỏ thịt, cùng với thỏ mẹ và thỏ giống. Với đầu ra và giá bán ổn định, mỗi năm, gia đình ông thu lãi hàng trăm triệu đồng.

“Nuôi thỏ thì không khó, nhưng phải kiên trì vì thỏ cũng rất dễ mắc bệnh khi thời tiết thay đổi. Vì thế cần nắm bắt được chính xác những biểu hiện các bệnh của con thỏ để có giải pháp phòng chống và điều trị kịp thời. Ngoài ra, cần chăm sóc và có chế độ ăn uống hợp lý, nguồn thức ăn phải đảm bảo. Khâu vệ sinh chuồng trại cũng rất quan trọng, luôn phải sạch sẽ, mùa lạnh phải được giữ ấm”, ông Cững chia sẻ.

Ông Lê Văn Cững không ngại chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi thỏ giúp bà con lối xóm phát triển kinh tế

Không chỉ phát triển chăn nuôi trong gia đình mà ông Cững còn giúp những người hàng xóm đồng hương cải thiện đời sống. Đồng thời, kiêm luôn kỹ thuật viên hướng dẫn tận tình, thuốc men mỗi khi thỏ bệnh. Ông Cững nói, chỉ cần họ chịu khó, kiên trì chăn nuôi thì ông sẵn sàng giúp mà không ngại ngần.

Từ một cựu chiến binh mất sức khỏe, đến nay ông Cững đã trở thành một lão nông nuôi thỏ “lành nghề”. Hiện nay, ngoài thị trường tiêu thụ huyện Lâm Hà và TP Đà Lạt, ông Cững cũng đang mở rộng thị trường ra các tỉnh phía Bắc.

Hỏi về ông Cững, người dân trong xóm ai cũng khâm phục ý chí vươn lên của cựu chiến binh này. Ông Võ Văn Tài, trưởng xóm Bến Tre (xã Đạ Đờn) là người chứng kiến toàn bộ quá trình vươn lên thoát nghèo của ông Cững cho biết: “Người dân ở xóm Bến Tre trước nay vẫn chủ yếu trồng cà phê, ông Cững là người đi tiên phong trong việc thoát nghèo bằng cách chăn nuôi thỏ.

Phải nói ông Cững là một người có ý chí, dám mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi để phát triển kinh tế. Nhờ đức tính cần cù của người lính Bộ đội Cụ Hồ, từ hai bàn tay trắng ông Lê Văn Cững đã vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, cũng đã có một vài gia đình ở địa phương học tập theo mô hình chăn nuôi của ông Cững và đã bước đầu cho thu nhập ổn định”.

Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

Người “gọi chim vào nhà xây tổ” kiếm trăm triệu mỗi năm

Xây nhà, đầu tư trang bị các thiết bị dẫn dụ chim yến, anh Tú (Thanh Hóa) gọi được hàng ngàn con chim yếu về xây tô, cho thu nhập trăm triệu đồng mỗi năm.

Nghề gọi chim yến vào nhà xây tổ

Nguyễn Văn Tú (SN 1989, thôn Tây Hòa, xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc - Thanh Hóa) hiện một trong những người đầu tiên ở xứ Thanh kiếm cả trăm triệu mỗi năm từ “lộc trời” nuôi chim yến tự nhiên.

Ngôi nhà 2 tầng của anh Tú dùng tầng 2 để nuôi yến

Theo anh Tú chia sẻ năm học xong cấp 2 do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh phải nghỉ học.

Năm 19 tuổi, Tú vào Nam làm công nhân.

Sau một thời gian, anh lại vào tỉnh Khánh Hòa để học cách nuôi, chăm sóc chim yến cũng như cách lắp đặt âm thanh để thu hút, dẫn dụ chim yến ngoài tự nhiên vào trong nhà làm tổ, đẻ trứng.

Khi đã thành tài, và với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, năm 2013, anh Tú trở về quê bàn với bố mẹ vay mượn để xây căn nhà 2 tầng. Tầng 1 là nơi để gia đình sinh hoạt, còn tầng 2 rộng 100m2 anh chia thành 2 ngăn để thực hiện ước mơ của mình về việc nuôi chim trời.

Để thực hiện công việc này, ban đầu anh phải lắp hệ thống sàn gỗ, máy tạo mùi bầy đàn, hệ thống âm thanh để gọi chim vào làm tổ .

Anh kể: Hệ thống âm thanh dẫn dụ yến gồm những loa nhỏ gắn gần tổ yến, băng đĩa nhạc dụ yến, trên trần nhà là những xà ngang cho chim đu bám và những hộp gỗ vuông chuyên dùng phù hợp với tập tính của chim yến.

Hệ thống sàn gỗ để yến bám vào làm tổ

Khoảng vài tháng thì anh lại gỡ tổ yến một lần


Yến đang xây tổ

Ban đầu người thân, bạn bè và hàng xóm đều khuyên anh không nên làm cũng như xem anh là dở, thần kinh khi cho đó là việc không tưởng.

Nhưng sau khi xây dựng hoàn thành và dụ chim về nhà làm tổ, đến tháng 8-2014, anh bắt đầu nhận được “quả ngọt” đầu tay khi thu hoạch được 5 lạng tổ yến, bán được 20 triệu đồng.

Khi anh Tú đang vui mừng và tràn đầy hi vọng nhất thì bất ngờ 2.000 con chim yến bỗng nhiên lăn ra chết.

Ước mơ xây dựng thương hiệu yến sào xứ Thanh

“Sau khi yến chết, tôi đã suy nghỉ rất nhiều và tìm cách làm lại từ đầu với việc lắp thêm hệ thống sưởi ấm cho yến vào mùa đông vì ở miền Bắc thời tiết khắc nghiệt hơn ở trong Nam.

Tôi cũng xây dựng thêm bể hút ẩm để tạo độ ẩm, nhiệt độ trong phòng lúc nào cũng bình quân từ 25-32 độ C, độ ẩm 85-95% để tổ yến có thể bám được ở sàn gỗ cũng như việc đẻ trứng và chăm sóc con non” anh Tú chia sẻ.

Anh Tú với mong muốn tạo lập thương hiệu yến sào xứ thanh

Theo anh Tú thì hiện nay gia đình anh Tú có khoảng 1.000 con yến đang sinh sống trong nhà. Vì là chim tự nhiên nên cứ sáng chim bay đi kiếm ăn đến tối lại bay về nhà ở và làm tổ.

Với giá bán hiện nay tổ yến thô có giá 2,5 triệu đồng/lạng và yến sạch giá từ 3-3,5 triệu đồng/ lạng thì gia đình anh thu về từ 80-100 triệu đồng mỗi năm.

“Hiện nay, do số lượng chưa nhiều nên tôi mới chỉ bán cho các hộ gia đình tiêu dùng và các đại lý bán lẻ trong tỉnh. Còn về tương lai tôi đang tính vươn xa để đưa sản phẩm yến của mình ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, đồng thời tôi cũng đang chuẩn bị hồ sơ để xin chứng nhận thương hiệu yến sào xứ Thanh” anh Tú tâm sự.

Những chú chim yến non được sinh ra


Sáng sớm chim bay đi kiếm ăn, chiều tối lại bay về nhà

Không chỉ thành công trong việc gọi chim yến về nhà làm tổ, anh Tú còn đi lắp đặt hệ thống nhà yến cho nhiều hộ trong vùng và các vùng lân cận.

Năm 2017, số lượng chim non nở nhiều và số lượng chim về nhà làm tổ tăng nên anh Tú đang tính mở rộng mô hình cũng như có thu nhập cao hơn và tăng lên 200-300 triệu đồng năm.

Thứ Hai, 6 tháng 3, 2017

Chuyện về người thương binh “phá núi, bạt rừng” kiếm tiền tỉ mỗi năm

Trở về từ chiến trường với thương tật 3/4, thương binh Lê Viết Hừng ở thôn Đông Hà, xã Kỳ Lâm, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã phát huy tinh thần người lính Cụ Hồ, không ngại khó, ngại khổ, chịu khó tìm tòi học hỏi để phát triển và làm giàu từ mô hình VAC.

Tàn nhưng không phế


Những ngày đầu năm mới, chúng tôi tìm về xã Kỳ Lâm để gặp ông Lê Viết Hừng, một cựu chiến binh làm kinh tế giỏi vào hạng nhất nhì vùng thượng huyện Kỳ Anh. Ông là người mà bất cứ người dân nào nơi đây khi nghĩ tới đều đọng lại sự nể phục về nghị lực của một cựu binh “tàn nhưng không phế”.

Cựu binh Lê Viết Hừng đang say sưa kể về quá trình lập nghiệp trên quê hương

Tiếp chúng tôi bên ấm chè xanh, ông Hừng trầm tư hồi tưởng lại quá khứ khó khăn đến tận cùng của bản thân và gia đình.

Ông kể: “Đất nước hòa bình, tôi xuất ngũ trở về quê hương vào năm 1976. Tài sản mang về chả có gì ngoài những thương tật, những cơn đau thể xác quằn quại. Rồi ngày lập gia đình, khó khăn lại càng chồng chất khó khăn, khi mà phải lập nghiêp xây dựng gia đình chỉ với hai bàn tay trắng. Khổ sở vô cùng!”

Ngày đó, nơi cái miền quê nghèo của ông mọi người đều nghèo. Những năm 80 của thế kỷ trước, ở quê ông từng đoàn người kéo nhau vào Nam với hi vọng thoát nghèo; ông Hừng và vợ cũng không nằm ngoài những người nuôi hi vọng đó.

Thế nhưng, những mộng tưởng đổi đời ở miền đất mới nhanh chóng vụn vỡ với vợ chồng ông.


Cựu binh Lê Viết Hừng

Bởi rằng, nơi đất khách quê người này làm ăn đối với một người khỏe mạnh đã khó huống hồ chi ông còn mang trên mình những thương tật từ chiến tranh để lại. Không có vốn làm ăn, vợ chồng ông chỉ đi làm thuê kiếm sống qua ngày.

Mặc dù vậy, trong thời gian làm thuê trên đất khách với tư duy nhanh nhẹn của anh lính Cụ Hồ, ông đã để ý tìm tòi, học hỏi được một số kiến thức về chăn nuôi, làm vườn rừng, trang trại… Để rồi từ đó, hai vợ chồng ông quyết định trở về quê lập nghiệp vì nghĩ rằng không đâu bằng quê hương mình.

Đến ông chủ trang trại vang danh

Năm 2001, hai vợ chồng ông lại quay trở về quê hương. Và cũng tại vùng đất này, bằng chính bàn tay và khối óc của mình, vợ chồng ông bắt đầu xây dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng.

Ông Hừng kể: “Sau khi nghiên cứu kỹ các vùng đất bỏ hoang tại xã, vợ chồng tôi đã làm đơn xin UBND xã Kỳ Lâm nhận lại vùng đất tại đập Cây Rễ với diện tích 12 héc - ta đất để xây dựng mô hình hình VAC.

Điền trang bạc tỉ của người cựu chiến binh

Những ngày đầu nhận đất, cả làng đều nghĩ tôi là “kẻ dở người”. Bởi vì nơi đây ngày xưa chỉ là vùng đồi núi hoang vu, cây cối um tùm, đất đá ngổn ngang...

"Tức chí bấm chí” hai vợ chồng chúng tôi quyết tâm làm bằng được, để chứng minh cho mọi người thấy “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Chúng tôi dựng một căn lều tạm, dắt díu đàn con lên theo ở lỳ trên đó, phát quang bụi rậm, san đất, đập đá… cực khổ vô cùng tận. Đến giờ nghĩ lại vẫn còn thấy sao thời đó mình làm được như vậy?”

Dần dần với ý chí, nỗ lực không ngại khó, ngại khổ hai vợ ông Hừng đã biến vùng đất hoang vu thành cơ ngơi hoành tráng.

Năm 2013, với kinh nghiệm học hỏi được từ các mô hình và sự quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ của chính quyền địa phương, đặc biệt là với sự hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh, vợ chồng ông đã quyết tâm xây dựng trang trại chăn nuôi lợn liên kết quy mô 1200 con.

Theo đó, gia đình ông bỏ vốn để đầu tư chuồng trại hiện đại, đạt chuẩn, đảm bảo các yêu cầu về diện tích, ánh sáng, nhiệt độ, xử lý chất thải… công ty cung cấp giống, thức ăn, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Đầu tư 2 chuồng nuôi lợn với quy mô 1200 con, mỗi năm trừ chi phí trang trại đem lại cho gia đình ông Hừng khoảng 500 triệu đồng.

Với hình thức đó, ông đã đầu tư xây dựng 2 chuồng nuôi lợn với quy mô 1.200 con mỗi năm. Hai chuồng lợn này đem lại cho gia đình ông khoảng 500 triệu đồng sau khi đã trừ tất cả mọi chi phí.

Ngoài việc phát triển mô hình nuôi lợn, ông còn phát triển các diện tích trồng rừng và các loại mô hình khác như trồng cây nguyên liệu, đào ao thả cá, nuôi hàng nghìn con gà, chuồng nuôi lợn rừng… mỗi năm cũng đem lại cho gia đình ông vài trăm triệu đồng.

Với các mô hình này, mỗi năm gia đình ông Hừng thu nhập trên dưới 1 tỉ đồng, trong đó thu từ 2 chuồng lợn 500 triệu đồng, nuôi lợn rừng, bò, trâu 100 triệu đồng, thu từ sản phẩm cây lâm nghiệp, cây ăn trái 400 triệu đồng.

Với sự nỗ lực vươn lên, dám nghĩ, dám làm, đến nay cuộc sống của gia đình ông đã ổn định, trang trại được xây dựng khang trang, có cảnh quan ao hồ thoáng mát.

Không chỉ dừng lại ở việc làm giàu cho gia đình mình, ông Hừng đã dành nhiều tâm huyết truyền dạy kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt của bản thân để những người dân nghèo nơi quê có được cơ hội làm giàu như ông. Hiện trang trại của ông đã tạo điều kiện làm việc thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương với mức lương 5 triệu đồng/ tháng.

Không dừng lại ở đó, năm 2014, nhận thấy tại các xã vùng trên chưa có lò giết mổ gia súc, người dân vẫn giết mổ nhỏ lẻ tại nhà hoặc tại các khu chợ, không được kiểm tra vệ sinh thú y triệt để khiến cho nguy cơ gây nhiễm dịch bệnh cao, mất an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường bị ảnh hưởng, ông đã mạnh dạn bỏ ra số tiền 1,5 tỉ đồng để xây dựng lò mổ phục vụ cho nhu cầu cho người dân 5 xã vùng trên của huyện Kỳ Anh.

Cựu chiến binh Lê Viết Hừng cũng là người tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương và đảm nhận các chức vụ Phó chủ tịch hội Nông dân xã, hội viên hội Cựu chiến binh xã…

Đàn lợn rừng chờ ngày xuất chuồng của gia đình ông Hừng.

Ông Phạm Thái Hòa, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lâm nhận xét: “Thương binh Lê Viết Hừng là hội viên điển hình vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường; chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Với những nỗ lực vượt khó và những đóng góp của mình,vào năm 2008 ông Lê Viết Hừng được vào Phủ Chủ tịch gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và được tặng quà vì thành tích “Những người có công điển hình làm kinh tế giỏi”; Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng bằng khen và nhiều giấy khen của UBND huyện Kỳ Anh và các đoàn thể huyện Kỳ Anh trao tặng.

Thứ Sáu, 3 tháng 3, 2017

Lão nông thu tiền tỷ mỗi năm từ bán cây giống dưa chuột, cà chua

Chỉ bằng cách mày mò, học hỏi qua sách báo, mạng Internet ông Nguyễn Khắc Mạnh – Giám đốc HTX Dịch vụ và Nông nghiệp Đình Bảng, Từ Sơn (Bắc Ninh) đã tự thiết kế được nhà ươm cây giống và hệ thống tưới nước nhỏ giọt công nghệ Israel mang về thu nhập hàng tỷ đồng/năm cho gia đình.

Trước những năm 2009, gia đình ông Mạnh cũng chỉ trông vào cây lúa. Nhưng quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn không đủ tiền cho con ăn học. Hai vợ chồng ông đã quyết tâm bỏ cây lúa và đầu tư vào việc trồng cây giống theo công nghệ mới, đồng thời cho các con theo học ngành Cây trồng của Học viện Nông nghiệp Việt Nam để có kiến thức phục vụ công việc của gia đình.

Dưa chuột được trồng bằng giá thể và tưới bằng hệ thống tưới nhỏ giọt

Nhận thấy dưa chuột bao tử và cà chua đang được rất nhiều công ty xuất nhập khẩu cần cây giống với số lượng lớn nên ông Mạnh chỉ tập trung vào phát triển 2 loại cây giống này.

Lúc đầu mới trồng cũng gặp khá nhiều khó khăn do vốn quá ít, mọi kỹ thuật đều chỉ là học qua sách báo, cây giống trồng nhiều nhưng kết quả thu được chỉ được vài phần. Không nản chí, ông tìm đến các mô hình khác đã thành công để xin chia sẻ kinh nghiệm và từ đó tìm kiếm đầu ra ổn định, lâu dài.


Thời điểm này cây giống đã xuất đi hết, chỉ còn dưa chuột lấy quả trồng trong nhà ươm cây giống của ông Mạnh

Đến năm 2012, có chút vốn liếng ông Mạnh đã dành số tiền tích lũy đó để xây dựng nhà ươm cây giống và hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel. Tất cả đều do ông tự đọc, tự học qua sách báo, mạng Internet. Mô hình cứ dần dần được hình thành, mỗi lần lại đầu tư vài triệu, nhưng đến giờ tổng số tiền đầu tư vào cơ ngơi gần 1 ha này cũng đã ngót nghét 1,5 tỷ đồng.


Hiện tại, không chỉ có 1 ha trồng cây giống, trồng dưa chuột và cà chua thành phẩm, ông Mạnh còn chung với một người bạn trên Sơn La 1 trang trại gần 3 ha. Từ 2 trang trại này, mỗi 1 vụ (khoảng gần 2 tháng) ông Mạnh lại xuất đi khoảng 8 trăm nghìn đến 1,2 triệu cây cà chua giống với giá 1.500 đồng/cây, thu về gần 1,2 tỷ đồng. Trừ mọi chi phí đi mỗi vụ gia đình ông thu về khoảng 400 triệu đồng, riêng việc bán cây giống cà chua một năm gia đình ông Mạnh đã thu về gần 2,5 tỷ đồng.

Ngoài ra ông còn xuất đi 1 triệu cây dưa chuột giống mỗi vụ với giá 3.200 đồng/cây. Thu nhập từ cây dưa chuột giống thậm chí còn cao hơn cả cây cà chua.


Cây giống cà chua cũng đã xuất đi hết, chỉ còn vườn cà chua lấy quả mới trồng thử nghiệm

Ông Mạnh cho biết, hiện giờ ngoài cung cấp cây giống, ông đang ký hợp đồng với 1 công ty theo từng năm một, riêng năm 2017 này cung cấp 1000 tấn dưa chuột, còn sản lượng năm sau thì chưa rõ. Mỗi một cân dưa chuột họ sẽ thu mua với giá 12.000 đồng. Toàn bộ dưa chuột của ông đều được trồng bằng đất bazan trộn với xơ dừa. Đất bazan được chở từ Thanh Hóa ra, mỗi 1 xe đất như vậy ông Mạnh phải trả 10 triệu đồng. Còn xơ dừa được ông thu mua với giá 28.500 đồng/bao 10 kg.


Hệ thống tưới nhỏ giọt phía dưới cứ 1 tiếng lại tự động tưới 1 lần

Với cà chua thành phẩm, một thực tế mà ông Mạnh chia sẻ, dân mình cứ sợ cà chua to là của Trung Quốc, hoặc quả to quá thì họ lại nghi ngờ bón cái gì, phun thuốc gì mà quả to thế nên rất cẩn trọng với loại cà chua quả to này. Nhưng thực tế không phải, mà trồng bằng công nghệ mới như này chất lượng quả rất cao, quả to, thịt quả dày. Giá lại rẻ hơn nhiều, dễ cạnh tranh, hiện ông Mạnh mới trồng thử nghiệm nhưng dự kiến giá bán ra thị trường là 8.500 đồng/kg.

Cả mô hình 1 ha ở Từ Sơn chỉ cần 3 – 4 người làm là đủ. Tuy nhiên, rủi ro của mô hình công nghệ này cũng khá cao, một ngày đi ăn cỗ không để ý tới mà mất điện, là mất ngay cả vườn. Do 1 tiếng là cây phải được tưới 1 lần, nếu hệ thống tưới mất điện cả ngày không có gì can thiệp thì cây sẽ chết hết đồng loạt, ông Mạnh cho biết thêm.


Cả nhà ông Mạnh đang trồng thử cây hành giống

Vợ ông Mạnh đang trồng thêm hành giống thử nghiệm cho biết, từ lúc trồng cây giống bán đến giờ, đời sống gia đình được cải thiện rất nhiều. Đã mua được nhà, mua được xe ô tô, 1 sào trồng cây giống này tạm tính cũng đã cho thu nhập bằng 10 sào lúa. Ngoài diện tích sản xuất ra vẫn còn thừa khá nhiều đất để trồng rau cải thiện và trồng được cả đào Tết nên cũng có của ăn của để.