Trang

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

9X tật nguyền thu tiền tỷ nhờ vườn ươm cây giống xuất ngoại

Trần Kim Việt ở Hà Tĩnh khuyết tật đôi chân từ nhỏ. Ra trường với hai bằng đại học, 1 bằng thạc sĩ nhưng anh quyết định trở về làm giàu trên quê hương.

Là con trai cả trong gia đình 4 anh em ở huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh), sinh ra đôi chân đã không lành lặn, chân trái bị teo do di chứng chất độc da cam. Thiệt thòi hơn bạn bè cùng trang lứa vì bệnh tật, nên lúc bạn bè đi học, Việt lại tập đi từng bước nặng nề trên đôi chân khập khiễng. Khao khát đến trường, 9X xin bố mẹ cho đi học cùng lớp với em gái kế mình.

Thương em vất vả phải chở mình đi học, Việt bắt đầu tự tập xe đạp rồi tự đến trường trên chính đôi chân tật nguyền của mình. Suốt 3 cấp học, với nghị lực vươn lên, anh đã đạt nhiều danh hiệu khiến thầy cô, bạn bè nể phục.

Ước mơ trở thành bác sĩ nhưng không thành, với số điểm thi 25,5, Việt trúng tuyển nguyện vọng 2 vào ngành Nông học trường đại học Vinh. Anh đã làm đủ thứ nghề từ gia sư, bán sách, sửa máy tính để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống bản thân và giúp bố mẹ một phần chăm lo cho các em.

Năm thứ hai đại học, Việt hoàn thành đề tài nghiên cứu về giống cây gió trầm và quyết định tạo giống thí nghiệm ngay trên chính quê hương. Cứ mỗi lần học xong, Việt lại bắt xe đò gần 100 km về nhà, nhờ bố mẹ, anh em tới các vườn trầm của người dân về ươm.

Vườn ươm của Việt hiện có hơn 50 loài cây ăn trái và cây kinh tế khác, mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng. Ảnh: Văn Trường.

Với số tiền 3 triệu kiếm được từ việc làm thêm, chàng sinh viên mới ra trường đã vay mượn thêm để đầu tư phát triển giống trầm hương, một năm sau vườn ươm cho thu nhập gần 30 triệu.

“Tôi luôn mong muốn làm giàu trên quê hương. Nhưng không có vốn, ở nhà bố mẹ thì còn nghèo, không biết xoay vốn từ đâu, nhiều lúc cũng muốn dừng lại”, Việt cho hay.

Thấu hiểu mong muốn của con, bố mẹ Việt không ngần ngại mang sổ đỏ căn nhà đang ở đi thế chấp ngân hàng vay 200 triệu đầu tư vào cho cậu con trai xây dựng vườn ươm.

Năm 2013, hơn 40.000 cây trầm giống từ vườn được xuất bán ra nước ngoài. Có tiền, Việt tiếp tục ươm giống trầm cùng với nhiều loại cây trồng khác… Hiện, vườn ươm của Việt đã có hơn 50 loài cây ăn trái và cây kinh tế khác, mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng.

Để phục vụ cho dịp Tết Đinh Dậu 2017, Việt đã tìm hiểu kỹ thuật và trồng thành công hơn 50 gốc cam đường canh (một giống cam đặc sản ở miền Bắc) trong vườn nhà để người dân chọn mua chơi Tết. Ảnh: Văn Trường .

Để thuận lợi cho việc giao dịch và phát triển vườn ươm, tạo điều kiện cho người dân địa phương trong việc bao tiêu sản phẩm, Việt thành lập công ty cho riêng mình.

Chưa dừng lại ở đó, chủ vườn ươm còn đi đến nhiều vùng đất khác học hỏi thêm kỹ thuật nhân giống, trồng và chăm sóc để về hoàn thiện cho vườn ươm của mình và hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho bà con trồng cây.

Hiện chàng trai này có cơ ngơi lên đến hàng tỷ đồng, với 1 công ty riêng và 3 cơ sở hợp tác kinh doanh khác. Sản phẩm từ vườn ươm của Việt không những có mặt khắp trên cả nước, mà còn có mặt trên thị trường các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào và Campuchia.

Năm 2016, Việt là một trong 85 đại biểu xuất sắc nhất nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng. Chàng trai trẻ này còn nhận được nhiều giấy khen khác của cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã trao.

Bà Trần Thị Thị (mẹ Việt), cho hay Việt sinh ra thiệt thòi nhưng lại chưa bao giờ chịu dừng lại từ việc học đến kinh doanh.

Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

Thạc sĩ tài chính thu mỗi tháng gần tỷ đồng từ rau sạch

Đang là cán bộ một chi nhánh ngân hàng tại TP Đà Lạt, anh Nguyễn Văn Dương (37 tuổi) đã nghỉ việc để về đầu tư trang trại rau thủy canh hiện đại cho hơn 30 tấn rau sạch mỗi tháng.


Là thạc sĩ tài chính ngân hàng, vài năm trước anh Nguyễn Văn Dương không nghĩ mình sẽ chuyển hướng làm nông nghiệp sạch. Khi còn làm việc tại ngân hàng, quá trình đi thẩm định cho vay vốn, anh Dương nhận thấy phần lớn người nông dân hiện vẫn phun thuốc, bón phân kiểu truyền thống, nên khó thâm nhập những thị trường ngày càng khó tính, yêu cầu cao về rau sạch.

"Cũng chính từ đó, khi thấy tiềm năng nhu cầu thị trường rau sạch đang ngày càng tăng cao, năm 2014 có cơ hội được sang Thái Lan tìm hiểu công nghệ sản xuất rau sạch tiêu chuẩn châu Âu, về nước tôi đã quyết tâm triển khai dự án", anh Dương chia sẻ. Khoảng thời gian này đối với anh Dương gặp nhiều khó khăn khi vừa phải lo làm công việc tại ngân hàng, vừa lo sản xuất rau sạch.

Cựu cán bộ ngân hàng hiện dồn hết tâm huyết cho mô hình rau sạch.


Tháng 6/2015, anh Dương dồn tiền để mua 4 ha đất tại tổ Vạn Thành (phường 5, TP Đà Lạt), trong đó đầu tư hơn 12 tỷ đồng nhập các thiết bị từ Thái Lan để trồng 1 ha các loại rau thủy canh. Đây là một trong những vườn thủy canh lớn và hiện đại bậc nhất tại Đà Lạt.

Hạt giống rau nhập từ nước ngoài sau khi được trồng trong xơ dừa (đã diệt khuẩn, sạch các mầm bệnh) sẽ được đặt vào hệ thống đường nằm cách bề mặt đất khoảng 70cm. Chất dinh dưỡng được pha theo tỷ lệ thích hợp sẽ hòa vào nước chảy qua những ống dẫn để nuôi sống cây rau phát triển từ lúc trồng trong giá thể xơ dừa cho đến lúc thu hoạch. Tất cả các công đoạn canh tác rau thủy canh được thực hiện tự động.

"Nguồn nước tưới đảm bảo các tiêu chuẩn là yếu tố quan trọng và quyết định tới năng suất và chất lượng rau nên thường xuyên được kiểm tra các đặc tính an toàn, sau khi đảm bảo các yếu tố 'chuẩn' thì mới đưa vào hệ thống ống dẫn", anh Dương chia sẻ.

Song song với việc trồng rau sạch, anh Dương lo tìm đầu ra cho sản phẩm. Bằng việc đưa sản phẩm tặng đầu mối tiêu thụ dùng thử trong lứa đầu tiên, ngay lập tức các đối tác đã đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm rau thủy canh của trang trại. Bởi với quy trình sản xuất hiện đại, khép kín, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, quy mô lớn, có thể cung cấp hàng liên tục không bị gián đoạn bất kể mùa nào trong năm. Hiện trang trại của anh Dương đã có nền tảng vững chắc trong khâu tiêu thụ là chuỗi các siêu thị lớn, hệ thống cửa hàng đồ ăn nhanh và cả xuất khẩu.

Anh cho biết thêm, trồng rau thủy canh ban đầu vốn rất lớn nhưng với mỗi lứa rau ăn lá chỉ cần 25 đến 30 ngày là thu hoạch nên hàng năm có thể trồng được nhiều vụ hơn cách trồng giá thể hay trồng trên đất, giá bán cũng cao hơn nên khả năng thu hồi vốn nhanh.

Đến tháng 3/2016, anh Dương chính thức nghỉ việc ở ngân hàng và thành lập Công ty TNHH Đà Lạt rau thủy canh, chuyên cung cấp, lắp đặt chuyển giao kỹ thuật trồng rau thủy canh.

Hiện nay, mỗi ngày trang trại rau thủy canh của anh Dương thu hoạch hơn 1 tấn rau sạch bao gồm rau ăn lá như: xà lách các loại, cải, rau muống... cho thị trường các tỉnh thành trong cả nước và xuất khẩu sang Hàn Quốc. Với giá bán trung bình khoảng 35.000 đồng một kg, sau khi trừ các chi phí, mỗi tháng lợi nhuận đạt từ 800 đến 900 triệu đồng.

Chưa dừng lại ở đó, trong chiến lược kinh doanh của mình, anh Dương đã dành 3ha còn lại để đầu tư mô hình kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và thu hút khách tham quan. Đây là mô hình du lịch canh nông khép kín đầu tiên ở thành phố Đà Lạt. "Ban đầu tôi dự kiến mở cửa đón khách vào đầu tháng 1/2017, nhưng ngay từ khi cơ sở vật chất đang hoàn thiện mà mỗi ngày đã có hàng trăm lượt người, ngày cao điểm tới cả ngàn lượt", anh Dương chia sẻ.

Với mong muốn để mỗi du khách lên Đà Lạt có thể tham quan nhà vườn hiện đại, trải nghiệm những việc làm của nông dân, được thu hoạch và có thể mua sắm nông sản ngay tại chỗ mà không phải di chuyển từ điểm này sang điểm khác, đến nay anh Dương đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để xây dựng các khu sản xuất rau thủy canh, cà chua, khu trồng hoa, dâu tây công nghệ cao, hệ thống nhà hàng chuyên phục vụ các món rau và một khu trưng bày với khoảng 30 loại rau sạch giới thiệu tới du khách.

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

Trại nấm mỡ triệu đô của đôi vợ chồng Việt kiều

Được Chính phủ Canada vinh danh là người trồng nấm mỡ số một, khi có tuổi, vợ chồng ông Tăng Thành Đức quyết định về Việt Nam và chọn xã N’thôn Hạ ở Lâm Đồng mở trại nấm kiểu mẫu để nông dân và doanh nghiệp học tập cách làm.


Ông Tăng Thành Đức và vợ là bà Huỳnh Thị Nghiêm định cư ở Canada năm 1981. Ông Đức vốn tốt nghiệp ngành cơ khí trước 1975. Với kiến thức chuyên môn sẵn có nên khi định cư ở Canada, ông Đức đi làm cho hãng xe GMC, nhưng chỉ 4 năm sau ông bỏ việc chuyển qua trồng nấm mỡ và nhanh chóng trở thành nông gia số một tại đây trong lĩnh vực này.

Bà Huỳnh Thị Nghiêm cho biết, vợ chồng bà người gốc Sài Gòn, có chung với nhau 6 người con, nay đã trưởng thành và đều đang sinh sống tại Canada. Thời hoàng kim với nghề làm nấm của gia đình là vào những năm 1996-1997, lúc đó vợ chồng bà sở hữu 3 trang trại trồng nấm mỡ tại Canada, với diện tích gần 100 hecta. Lúc đó ông Đức là Chủ tịch Hội những người trồng nấm mỡ nổi tiếng Canada và được Chính phủ trao tặng danh hiệu người trồng nấm mỡ số một vì trang trại của gia đình đứng đầu về cả sản lượng và chất lượng.


Nấm mỡ, hay còn gọi là nấm trắng, có hình thù đặc trưng cả cuống và mũ nấm đều trắng toát và có hình tròn như nửa quả cầu, đường kính 3-8cm, ưa khí hậu mát mẻ, giai đoạn phát triển hệ sợi cần khoảng 24-28 độ C và giai đoạn ra nấm cần lạnh (từ 15 đến 18 độ C).


Ông Tăng Thành Đức tâm sự, trước đây vợ chồng ông thường về Việt Nam để làm từ thiện và đi chùa, bản thân ông nhận thấy nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng nhưng có phần hạn chế về trình độ phát triển. Từng đi rất nhiều nơi trong nước, nhưng cuối cùng ông chọn xã N’thôn Hạ, thuộc huyện Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng để sinh sống. Nơi đây khá xa trung tâm huyện và dân cư phần lớn là người dân tộc bản địa nhưng có khí hậu mát mẻ, trong lành, yên bình và phù hợp để phát triển cây nấm mỡ.

Năm 2010, vợ chồng ông Đức tiến hành mua 5 hecta đất ở xã N’thôn Hạ, sau đó lập Công ty Hoa Sen và xin giấy phép đầu tư trồng nấm mỡ. Dự án được tỉnh Lâm Đồng ủng hộ vì trước đó nhiều công ty của Nhật và Đài Loan đã đầu tư trồng ở Lâm Đồng nhưng chưa thành công. Riêng ông nhận thấy, ở miền Bắc nông dân có làm nấm mỡ nhưng ở dạng thủ công nên chỉ tiêu thụ nội đia và khó được các thị trường lớn chấp nhận. Còn tại miền Nam gần như chưa có nơi nào sản xuất, trong khi thị trường nấm mỡ trên thế giới đang rộng mở.

"Canada đất rộng nhưng có chưa tới 30 triệu dân. Hội những người trồng nấm ở đây có trên 60 người chủ, mỗi ngày sản xuất ra hàng nghìn tấn, chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ và một số thị trường khác", ông Đức nói và giải thích sở dĩ các nông gia tại đây tập trung phát triển cây nấm mỡ vì đây là loại nấm cao cấp, được các nhà hàng Mỹ ưa chuộng.


Ông Đức phải ghi chú các hướng dẫn cụ thể cho các công nhân vận hành máy.


Theo ông Đức, năm 2010, ông nhận được giấy chứng nhận đầu tư trồng nấm mỡ nhưng mãi đến tháng 7/2014, vợ chồng ông mới bắt tay vào sản xuất. Tỉnh Lâm Đồng có lúc tưởng vợ chồng ông không triển khai dự án nên nhiều lần đốc thúc và tham quan thực tế thì thấy công việc chuẩn bị trang trại vẫn rất tích cực. Trên thực tế, ông Đức chỉ muốn làm dự án này để chuyển giao mô hình và kỹ thuật vì khu sản xuất của ông hiện chưa tới 3.000m2, chỉ bằng một phần rất nhỏ so với trang trại ở Canada. Với chuyên môn là một kỹ sư cơ khí, trong suốt 4 năm đó, ông Đức miệt mài làm việc, tự tay làm ra những chiếc máy công cụ và nhà xưởng bằng chính sắt thép mua tại địa phương.

Giai đoạn thi công nhà sản xuất nấm, ông Đức thuê thêm 3 thợ hàn phụ. Sau khi ông đo vẽ, ra sắt, thợ hàn cứ việc theo chỉ dẫn để thực hiện từng chiếc máy. Ông chỉ về Canada mua những chiếc đồng hồ đo nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, sức gió… và bộ điều khiển trung tâm, do đó giá thành giảm một nửa.

Theo tính toán của ông Đức, dây chuyền vận hành trại nấm của ông ở N’thôn Hạ tốn một triệu USD. Tuy nhiên, do diện tích cả khu sản xuất và chứa nguyên liệu chỉ rộng chưa tới 3.000m2 nên nhiều loại máy móc hoạt động chưa hết công suất. Hiện tại trại nấm sử dụng 4 lao động thường xuyên tại địa phương, sản lượng nấm đạt 10 tấn mỗi tháng, với giá bán tại trại là 100.000 đồng một kg. Ông Đức cho biết, sản lượng có thể đạt tới 15 tấn mỗi tháng mà chất lượng vẫn đảm bảo nếu dùng các biện pháp kỹ thuật, nhưng do bạn hàng tìm đến ông chỉ chừng đó nên ông chưa tăng sản lượng.

"Vợ chồng tôi thực hiện dự án này với mục đích chuyển giao kỹ thuật, nên khi trại nấm đi vào hoạt động, nhiều bà con địa phương tới tham quan, tôi rất mừng và hy vọng họ sẽ làm theo được, nhưng thực tế không phải vậy. Để vận hành và biết cách làm đòi hỏi người trồng phải có trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên vì cần phải xem được các bảng ghi chép, công thức hoá học, thành phần hoà trộn", ông Đức chia sẻ và cho biết thêm, ngay cả 4 công nhân của ông dù làm việc rất tốt, nhưng vẫn phải chỉ như học thuộc lòng khi vận hành hệ thống máy, còn đến khâu đòi hỏi kiến thức, kỹ thuật thì họ không làm được.

Vì áp dụng công nghệ, nên công việc tại trang trại khá nhẹ nhàng, ông Đức và 2 công nhân có thể vận chuyển 60 tấn giá thể vào giàn trồng nấm trong thời gian chỉ một buổi, sau đó chỉ việc vận hành máy móc.

Theo nhận định của ông Đức, ở Việt Nam có nhiều nhà đầu tư dư vốn để thực hiện các dự án thế này, nhưng họ chưa thực sự đam mê, hoặc còn dè dặt về khâu kỹ thuật. Còn các hộ gia đình cũng khó liên kết thành tổ hợp để làm thành dự án công nghiệp công nghệ cao một cách bài bản. Thời gian trước, một đoàn ở Củ Chi lên tham quan và đề nghị chuyển giao kỹ thuật làm nấm rơm, nhưng ông Đức trả lời nấm rơm rất dể làm và cả nước đã làm, nên khuyên nên làm dự án nấm mỡ theo công nghệ Canada của ông. Dù đoàn Củ Chi rất tâm huyết và tiếp tục liên lạc một thời gian, cuối cùng phải dừng lại vì không có vốn…

Tiến sĩ Lê Xuân Thám, Giám đốc Sở Khoa học công nghệ tỉnh Lâm Đồng nhận định, trại nấm của ông Tăng Thành Đức là một trại nấm có kỹ thuật tiến tiến nhất ở Việt Nam hiện nay. Sản phẩm nấm ở đây không chỉ đạt tiêu chuẩn VietGap mà chất lượng tương đương với loại nấm mỡ sản xuất tại Canada đang được nhiều nước nhập khẩu

Riêng vợ chồng ông Đức cho biết, sở dĩ họ chọn Lâm Đồng để mở trại nấm, ngoài lý do khí hậu thích hợp, ở Đà Lạt còn có Viện nghiên cứu hạt nhân. Khi bắt tay vào làm, vợ chồng ông đã liên hệ với Viện để mua giống nấm mỡ có nguồn gốc Bắc Mỹ. Hiện mỗi tháng 2 lần, vợ chồng ông Đức lại lái xe 50km lên Viện để lấy giống nấm về gieo trồng, mỗi lần trên 300kg. Giá ở Viện hạt nhận giao là 40.000 đồng một kg. Còn tại Canada thì khâu này rất thuận tiện vì có nhiều công ty chuyên chung cấp giống chuyên nghiệp. Các chủ trang trại chỉ việc đặt hàng, báo ngày giờ cụ thể sẽ được giao hàng tận nơi.

Cam tiến vua xứ Bắc cho quả ngọt trên cao nguyên

Cam Canh vốn nổi tiếng ở đất Bắc. Tuy mới được di thực lên cao nguyên Lâm Đồng mấy năm gần đây nhưng loại quả tiến vua này nhanh chóng thích nghi với vùng đất đỏ bazan màu mỡ và chín rộ đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên rất được ưa chuộng.

Nghe nhiều người tấm tắc khen “cam Canh, bưởi Diễn”, anh Trần Mạnh Chiến (32 tuổi) về quê Hưng Yên mua 1.500 cây cam Canh vào trồng xen trong 1,5 ha cà phê tại thôn Nhân Hòa, Đan Phượng, Lâm Hà, Lâm Đồng. Được chăm sóc đúng kỹ thuật nên sau 3 năm, cây bắt đầu cho thu hoạch rộ. Sinh trưởng ở vùng đất mới nhưng cam Canh vẫn giữ được hương vị đặc trưng: ngọt, thanh mát và thơm dìu dịu.


Vườn cam Canh của anh Chiến chín rộ dịp Tết Nguyên đán.

Ban đầu cây chỉ cho thu hoạch vào tháng 11, 12 âm lịch nên giá trị vườn cam mang lại chưa cao. Anh Chiến đã can thiệp kỹ thuật để cam Canh cho quả quanh năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán. Sản phẩm không chỉ tiêu thụ tại Lâm Đồng mà còn được bán rất chạy ở TPHCM. Thấy sức mua lớn, anh Chiến mạnh dạn chặt bỏ cây cà phê, mở rộng diện tích cam lên 3,5 ha và đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Hiện đã có 1.000 cây ra quả với sản lượng bình quân 30 kg/cây, 25 tấn/ha, giá bán trên 55.000 đồng/kg, doanh thu đạt hơn 1,3 tỷ đồng/ha/năm.

Ông Nguyễn Phú Tuấn cũng đã trồng thành công cây cam Canh trong vùng rừng núi Bidoup (thôn Long Lanh, xã Đạ Chais, Lạc Dương, Lâm Đồng). Bên cạnh việc thu hoạch quả, ông còn tạo dáng cho loài cây này làm cây kiểng trưng Tết với giá từ 1 - 2 triệu đồng/cây. Quả đẹp, ngon, lại sai lúc lỉu tượng trưng cho sự may mắn, đại cát, đại lợi nên rất hút hàng.

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

Tuổi chuột nuôi rắn kiếm tiền tỷ

Nguyễn Ngọc Quyết, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), tuổi cầm tinh con chuột (1984) nhưng lại mát tay với nghề nuôi rắn. Quyết đang sở hữu trang trại nuôi rắn hổ trâu “khủng”, với thu nhập nửa tỷ đồng mỗi năm.

Bí thư đoàn mê rắn

Đến thôn Phú Hữu hỏi nhà Nguyễn Ngọc Quyết, người dân chỉ ngay ngôi nhà 2 tầng khang trang, nổi bật có kiến trúc độc đáo, với cổng đá to đẹp nhất làng. Chúng tôi tới thăm khi anh cùng các thanh niên trong làng đang tất bật làm trại cho các em nhỏ chơi trung thu. Hỏi ra mới biết anh Quyết là Bí thư Đoàn thanh niên thôn Phú Hữu. Anh Quyết phấn khởi nói: “Tôi tay trắng lập nghiệp. Có được cơ ngơi này là nhờ cả vào đàn rắn đấy. Mình làm cán bộ đoàn, nhà mình cũng là nơi sinh hoạt của đoàn thanh niên thôn”.

Cận cảnh một ổ trứng rắn hổ trâu. Ảnh: Thu Hà

Quyết kể, bố mẹ anh làm nghề nông, hoàn cảnh rất khó khăn. Tốt nghiệp cấp 3, anh đi học nghề lái máy ủi, máy xúc những mong đổi đời. Tuy nhiên, trái với ước mơ và dự định, nghề công nhân vốn nhọc nhằn, nguy hiểm mà thu nhập lại chẳng đáng là bao. Anh thường xuyên phải đi theo các công trình tại các vùng hẻo lánh Tây Bắc. Có khi, cả năm chỉ về thăm gia đình được 1, 2 lần.

Vào dịp cuối năm 2006, trong một lần về ăn Tết cùng gia đình, Quyết bị tai nạn gãy xương đùi. Ròng rã một năm trời chữa trị anh mới đi lại được. “Nhiều đêm liền tôi nghĩ đến tương lai mà thấy mù mịt, bế tắc quá. Sau tai nạn, sức khỏe tôi suy yếu rõ rệt, không thể tiếp tục theo nghề lái máy ủi, máy xúc như trước nữa. Tôi đau đáu với suy nghĩ mình phải làm gì để không trở thành gánh nặng cho bố mẹ khi tuổi đời còn trẻ”, anh Quyết ngậm ngùi nhớ lại.

Thế rồi tình cờ trong một lần về quê ngoại ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), vốn nổi tiếng với nghề nuôi rắn. Ngỡ ngàng thấy cơ ngơi hoành tráng của nhiều người thân chỉ nhờ vào nuôi rắn. Anh mê ngay những con rắn “gớm giếc”. Lúc đó anh chỉ nghĩ đơn giản họ làm được thì tại sao mình không thể. Thế là anh gom góp tiền quyết định khởi nghiệp với nghề nuôi rắn hổ trâu. Thấy hoàn cảnh khó khăn, họ hàng bán 30 con rắn với giá “vừa bán vừa cho”. Anh đến với nghề nuôi rắn hổ trâu với một cơ duyên như thế.

Cắm sổ đỏ nuôi con đặc sản.


Vốn chỉ quen cầm vô lăng lái máy ủi, máy xúc nên khi đến với nghề nuôi rắn, anh Quyết gặp rất nhiều khó khăn. Anh phải cặm cụi nhờ vả người thân ở Vĩnh Phúc chỉ bảo từ những điều nhỏ nhất. Vừa nuôi vừa tìm tòi tự rút kinh nghiệm. Nhưng khó khăn nhất với anh lúc bây giờ là đồng vốn eo hẹp, bởi vốn đầu tư con giống và thức ăn khá đắt đỏ.

“Thức ăn của rắn hổ trâu là chuột, cóc, ếch, nhái… Chúng ăn rất sạch và đảm bảo con mồi phải còn sống. Để nuôi được 1kg rắn thương phẩm cần đầu tư 9 kg thức ăn. Như vậy để rắn thương phẩm đủ điều kiện xuất bán có trọng lượng 2 kg cần tiêu tốn 18 – 20 kg thức ăn. Với giá 25.000 – 30.000 đồng/kg thức ăn, chi phí cho mỗi con rắn đến lúc bán lên tới 500.000 đồng”, anh Quyết chia sẻ.


“Nuôi con gì cũng vậy phải kiên trì gắn bó với chúng. Thực tế trong thôn có nhiều hộ nuôi rắn nhưng không phải ai cũng đeo bám, quyết sống chết với nghề” - Anh Nguyễn Ngọc Quyết

Để có tiền cho con trai đầu tư nuôi rắn, bố mẹ anh đã phải “cắm” sổ đỏ vay vốn ngân hàng. Thời điểm năm 2007, anh Quyết là người đầu tiên ở xã thử nghiệm mô hình nuôi rắn hổ trâu. Quyết định đầu tư đầy rủi ro ấy từng bị mọi người cho là “dở hơi”. Có người còn bảo anh “khùng”, ăn còn chẳng đủ lại đòi nuôi con đặc sản.

Bỏ ngoài tai mọi lời đàm tiếu, anh Quyết cặm cụi chăm sóc đàn rắn. Ngày cũng như đêm, anh theo dõi sát sao từng diễn biến của đàn rắn để có điều chỉnh kịp thời. Thậm chí, anh nhận ra cả tiếng khò khè khi rắn bị bệnh viêm phổi. Quả nhiên “Trời không phụ lòng người”, ngay lứa đầu, anh Quyết đã bội thu với số tiền lãi lên đến hàng chục triệu đồng. Được đà anh tiếp tục mở rộng quy mô nuôi rắn thương phẩm.

“Ban đầu, tôi chỉ định nhập rắn về nuôi thương phẩm, nhưng sau thấy chăn nuôi đơn giản, ít tốn kém, thu nhập cao, nên tôi đã tìm hiểu và xây dựng mô hình nuôi rắn sinh sản để nhân giống, cung cấp trứng rắn và rắn giống ra thị trường”.

Anh Quyết bảo, giống như nuôi rắn thương phẩm, lúc bắt đầu chuyển sang nuôi rắn sinh sản anh gặp không ít khó khăn. Năm 2009, rắn thương phẩm được giá, đặc biệt trứng rắn “đội giá” lên 300.000/quả, anh quyết định nhập 200 con rắn cái về đẻ trứng và nhân giống. Vì còn “non tay”, chưa phân biệt rắn đực – cái nên lứa rắn nhập đợt ấy có đến 3/4 là rắn đực, nuôi mãi chỉ thấy rắn to ra chứ không đẻ được trứng. Chuyến ấy, anh lỗ vài chục triệu đồng.

Tiếp bước thành công

“Có một điều rất lạ, những lúc đứng trước khó khăn như vậy nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Càng gắn bó với con rắn, tôi càng thấy đam mê nên quyết tâm phải bám trụ lấy nó. Đến bây giờ không cần nhìn, nhắm mắt sờ tôi cũng biết đâu là con rắn đực, đâu là rắn cái. Khi đã hiểu được con rắn thì sẽ thấy đây là con vật nuôi dễ tính hơn tất cả những con vật nuôi khác”, anh Quyết thổ lộ.

Anh Quyết hướng dẫn cách phân biệt rắn đực và rắn cái. Ảnh: Thu Hà

Hiện tại, trại rắn của anh Quyết có trên 300 rắn đẻ, lượng rắn con và trứng rắn liên tục được các thương lái mua đặt mua hết. 6 tháng đầu năm 2016, trại rắn của anh cung cấp ra thị trường trên 500 con rắn thương phẩm, 1.000 con rắn giống và 600 trứng rắn. Anh Quyết khoe: “Năm nay rắn được giá. Thời điểm này, trứng rắn bán ra thị trường khoảng 100.000/quả, rắn nở có giá 150.000 – 170.000 đồng/con. Với rắn thương phẩm, giá loại 1 với cân nặng 1,5kg/con trở lên là 520.000 đồng/kg, loại 2 với cân nặng 1kg – 1,4kg/con giá 380.000 đồng/kg. Hiện tại gia đình tôi “cung không đủ cầu” do các thương lái luôn đặt hàng trước”.

Để việc làm ăn bài bản, anh Quyết còn đầu tư cả xe bán tải để giao sản phẩm tận nơi cho khách hàng. Chia sẻ kinh nghiệm thành công anh Quyết bộc bạch: “Để có rắn con giống khoẻ mạnh, khâu chọn giống rắn bố mẹ rất quan trọng và ảnh hưởng lớn đến chất lượng sau này. Cần chọn rắn đực đuôi to, bụng trắng. Còn rắn cái nên chọn những con có thân hình tròn, màu sắc bóng mượt, nhiều viền đen hai bên dưới bụng kết dính liền nhau. Rắn đực và rắn cái phải khác dòng để khi lai tạo tránh trùng huyết”.

Dù giá cả thị trường thường xuyên biến động, trại rắn hổ trâu của anh Quyết năm nào cũng cho thu nhập đều đặn 500 triệu đồng trở lên. Nhà anh vừa là trang trại vừa là nơi giao dịch với khách hàng.

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2017

Làm giàu bằng giống gà tiến vua

Đông Tảo - giống gà tiến vua nức tiếng cả nước được biết đến trên đất Hưng Yên - nay đã được ông Phạm Huy Tấn gây giống và nuôi thành công tại Thanh Hóa

Sinh ra và lớn lên trên đất Hưng Yên nhưng ông Phạm Huy Tấn (SN 1970; hiện ngụ xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) không có điều kiện đầu tư nuôi giống gà Đông Tảo tiến vua nức tiếng của quê hương mình. Ông bôn ba khắp nơi làm ăn. Trong một lần vào Thanh Hóa, ông thấy đất đai mênh mông mà người dân bỏ phí nhiều nên nảy ra ý tưởng đưa giống gà Đông Tảo vào đây nuôi thử.

Sau nhiều lần đắn đo, năm 2011, ông quyết định bán hết nhà cửa ở huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) vào xã Xuân Du mua lại 4.000 m2 đất. Để cải tạo mảnh đất khô cằn này, vợ chồng ông phải mất nhiều công sức san ủi, trồng các giống cây như bưởi, cam, quất… để cầm cự ban đầu trên vùng đất mới. Sau khi đã có lưng vốn, ông Tấn đầu tư 500 triệu đồng làm trang trại hoàn chỉnh, về quê đưa 180 con gà giống Đông Tảo vào nuôi thử nghiệm. Lứa nuôi đầu tiên, gà chết quá nửa nhưng ông thấy gà lớn nhanh, thịt chắc và thơm ngon chẳng thua kém gì ở quê Hưng Yên.

Đàn gà Đông Tảo đặc sản ở trang trại của ông Phạm Huy Tấn


Từ lần thất bại đó, ông quyết mày mò, tìm hiểu kiến thức chăn nuôi gà Đông Tảo từ những người có kinh nghiệm ở quê và rồi tìm hiểu thêm thông tin trên sách báo khoa học. Thử nghiệm nhiều lần, ông đã nắm chắc kinh nghiệm từ khâu chọn giống, chọn thức ăn phù hợp cho đến chăm sóc, phòng bệnh... cho gà.

“Thực chất, việc nuôi gà Đông Tảo không khó. Lúc đầu sức đề kháng gà hơi yếu nên nếu chăm tốt được khâu này khi gà trưởng thành sẽ rất khỏe và phát triển khá nhanh. Vì thế, khi xây dựng chuồng trại phải chú ý cho thoáng mát về mùa hè và giữ ấm vào mùa đông” - ông Tấn nói.

Cũng theo ông Tấn, nếu nuôi nhốt chật hẹp, gà sẽ lười vận động, dễ sinh bệnh và nếu có nuôi được thì chất lượng thịt cũng không đạt. “Nuôi giống gà này phải có không gian rộng lớn, có sân chơi, nhiều ánh nắng, cây cối để gà vận động, bay chạy, đồng thời cho gà ăn các thức ăn tự nhiên như cám, lúa, bắp, rau xanh… thì gà sẽ phát triển rất tốt, chất lượng thịt thơm ngon” - ông Tấn chia sẻ.

Nhờ chịu khó học hỏi mà chỉ sau 2 năm gầy dựng, trang trại gà của ông Tấn đã phát triển ổn định. Năm 2013, ông tiếp tục đầu tư mua máy ấp trứng để chủ động nhân giống cung cấp ra thị trường. Trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm trang trại của ông xuất bán khoảng 4 tấn gà thịt và 7.000 con gà giống. “Năm nay, tôi nuôi trên 4.000 con nhưng hiện khách đã đặt trước gần hết, chỉ còn 400 gà mẹ và gần 1.000 con gà thịt. Năm nay là năm con gà nên bà con đặt gà ăn Tết cũng nhiều, chắc không đủ gà để bán” - ông Tấn hồ hởi.

Hiện trang trại của ông bán 100.000 đồng/con gà giống, 300.000-500.000 đồng/kg gà thịt. Riêng loại gà nuôi lâu năm, đạt 5 kg/con, được bán với giá từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg. Với thành công trên, ông Tấn đã thuê khoảng 3 ha đất mở rộng trang trại. Ông cũng đang nuôi thử nghiệm một số giống gà quý của nhiều địa phương khác như gà đồi Yên Thế, gà đồi Ba Vì, gà Móng Hà Nam… để nhân rộng mô hình.

Giúp nhiều người mở trang trại

Ông Nguyễn Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Xuân Du, cho biết gia đình ông Phạm Huy Tấn là điển hình nông dân giỏi, phát triển trang trại của địa phương. “Anh ấy không chỉ biết làm giàu cho mình mà còn giúp đỡ nhiều hộ dân trong xã cùng nhân rộng mô hình trang trại chăn nuôi. Hiện trong xã đã có vài chục hộ đến học tập kinh nghiệm chăn nuôi và có nhiều gia đình xây dựng trang trại theo mô hình của anh Tấn, thu nhập rất khá” - ông Sinh nói.

Thứ Hai, 9 tháng 1, 2017

Trai nghèo Bắc Giang thu nhập trăm triệu nhờ nấm

Nhờ trồng nấm, anh Đồng Văn Hiệp (SN 1981, ở Nghĩa Hưng, Lạng Giang, Bắc Giang) từ một thanh niên nghèo khó đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương và đẩy mạnh phong trào trồng nấm trên địa bàn.

Mở hướng đi mới

Nghĩa Hưng là một xã còn nhiều khó khăn của huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Người dân ở xã chỉ quẩn quanh với vài sào ruộng, rồi làm thuê, làm mướn, nuôi vài con gà, con vịt. Một lần được tham gia lớp tập huấn về trồng nấm do Hội Nông dân xã tổ chức, anh Hiệp nhận thấy một cơ hội có thể đổi đời mình.

Trang trại nấm của anh Điền Văn Hiệp.

Nhiều ngày liền, anh bỏ thời gian lên mạng, tìm sách báo viết bài về trồng nấm và đam mê với nấm từ lúc nào không hay. Nhưng “trăm nghe không bằng một thấy”, anh Hiệp trực tiếp đến nhiều trang trại nấm trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm, quyết tâm làm nấm.

“Khi đó, đầu ra của nấm là vấn đề khiến tôi lo nhất. Tôi phải đến nhiều chợ đầu mối ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội… để trực tiếp xem khả năng tiêu thụ như thế nào. Và tôi càng quyết tâm hơn khi thấy nhu cầu tiêu thụ khá lớn, tạo cơ hội cho mình bắt tay vào sản xuất nấm”, anh Hiệp nói.

Bắt đầu từ 500m2 nhà lán, Đồng Văn Hiệp tập trung vào trồng mộc nhĩ, nấm sò, nấm mỡ và nấm rơm. Anh Hiệp vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Và nấm không phụ công người, năm đầu tiên, gia đình anh Hiệp thu nhập hơn 100 triệu đồng từ cây trồng này. Tiếp đó, nhiều đơn vị đến tận nơi để đặt hàng, anh Hiệp không còn phải lo đầu ra nữa.

Năm 2014, anh Hiệp tiếp tục đầu tư kinh phí, mở rộng diện tích lên 1.500m2, đồng thời sử dụng 110 tấn nguyên liệu sản xuất nấm. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên nấm sinh trưởng tốt và cho sản lượng cao. Năm 2014, anh có thu nhập gần 200 triệu đồng từ nấm.

Mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại

Năm 2015, mô hình trồng nấm của gia đình anh Đồng Văn Hiệp được UBND tỉnh Bắc Giang hỗ trợ gần 1 tỷ đồng. Anh Hiệp mạnh dạn vay vốn thêm từ bạn bè, người thân để tiếp tục mở rộng quy mô nhà xưởng, diện tích lán trại lên 3.000m2.

Cùng đó, anh quyết định mua sắm và lắp đặt nồi hơi công nghiệp, lò hấp thanh trùng nguyên liệu, máy sàng và trộn nguyên liệu, giàn phun tưới nấm tự động và các thiết bị, dụng cụ sản xuất khác.

Thành quả của vụ trồng nấm 2015, là 4 tấn mộc nhĩ khô, gần 20 tấn nấm sò, lợi nhuận đạt hơn 300 triệu đồng, mặc dù thời tiết bất lợi ảnh hưởng sự phát triển của nấm. Nấm sản xuất ra đến đâu được đặt mua hết đến đó. Hiện anh Hiệp phải từ chối đơn đặt hàng của một số đầu mối tiêu thụ với số lượng lớn ở Hải Phòng, Thái Nguyên do không có đủ sản phẩm để đáp ứng.

Vụ nấm 2016, anh Hiệp đưa 600 tấn nguyên liệu trồng nấm vào sản xuất, trong đó chủ yếu là nấm mộc nhĩ, nấm rơm và nấm sò. Ngoài nhân lực của gia đình, cơ sở trồng nấm của anh còn giải quyết việc làm ổn định cho 5 lao động với mức thu nhập 3,5 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động mùa vụ.

Là chủ của trang trại nấm quy mô lớn nhất nhì huyện nhưng anh Hiệp vẫn luôn tìm tòi kỹ thuật mới ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, ấp ủ mở rộng trang trại theo hướng chuyên môn hóa, tạo thêm nhiều sản phẩm nấm sạch cung cấp cho thị trường.

Năm 2015, gia đình anh vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước.

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2017

Tự tạo cơ hội: Lót bạt trên cát nuôi cá lóc


Ông Trần Khương thăm dò đàn cá lóc của gia đình mình

Với phương pháp lót bạt trên cát để nuôi cá lóc, ông Trần Khương ở tỉnh Quảng Nam đã thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Vùng đất cát H.Thăng Bình được ví như “sa mạc” thu nhỏ, bởi diện tích bao quanh toàn cát trắng. Ấy vậy mà cách đây 10 năm, ông Trần Khương (43 tuổi, ở tổ 3, xã Bình Triều, H.Thăng Bình, Quảng Nam) đã mạnh dạn bới cát lên, trải bạt và khoan giếng bơm nước vào để nuôi cá lóc.

Ông kể về cơ duyên với nghề nuôi cá lóc: Trước đây hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải bôn ba khắp nơi để làm thuê với đủ thứ nghề. Một lần thất nghiệp, được bạn rủ về nhà ở Đồng Tháp chơi, rồi ở lại làm thuê cho một trang trại nuôi cá lóc. Thấy mô hình nuôi cá này mang lại hiệu quả kinh tế cao, rồi nghĩ sao họ nuôi được mà mình không thử. Thế là năm 2006, ông về quê nhà, hành trang mang theo là những kinh nghiệm học được từ mô hình nuôi cá lóc ở Đồng Tháp. Sau khi bàn với vợ, ông quyết định nuôi cá lóc trên chính phần đất trống sau vườn của gia đình. Với 20 triệu đồng tích góp được, ông mua hơn 2.000 con giống để lấy ngắn nuôi dài. Ao nuôi ở đây được ông dùng tấm bạt trải lót để giữ nước, rồi dùng bao xi măng đổ đất vào, chất lên thành bờ ao.


Ông Nguyễn Văn Cưng, ở ấp Tân Phước, xã Giục Tượng, H.Châu Thành (Kiên Giang), cho biết: “Gia đình tôi thả nuôi hơn 20.000 con cá lóc trong 3 cái mùng lưới (mỗi mùng ngang 2,5 m, dài 3 m), phụ phẩm từ cá biển dùng làm thức ăn cho cá. Sau 4 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng 350 - 500 gr/con, trừ hết chi phí thu lãi gần 40 triệu đồng/vụ”.

Thời gian đầu, dù tự tin với những kỹ thuật nuôi cá lóc tích lũy được sau nhiều năm. Ông Khương vẫn cẩn thận, vừa làm vừa rút kinh nghiệm trong môi trường khí hậu khắc nghiệt của miền Trung. Hằng ngày, ông quan sát tỉ mỉ từng dấu hiệu, phản ứng của đàn cá với điều kiện nuôi. Sau gần 7 tháng nuôi, vụ cá đầu tiên ông thu được 6 tạ cá thịt. Thấy hiệu quả tốt, ông tiếp tục nhân rộng quy mô nuôi. Đến nay gia đình ông có 5 ao với tổng diện tích hơn 200 m2, thả hơn 30.000 con cá lóc. Mỗi ao ông thả 6.000 con với diện tích 40 m2, ao có chiều dài 15 m, chiều rộng 4 m, chiều cao 1 m.
Cũng theo ông Khương, mỗi năm gia đình ông xuất bán 2 vụ, mỗi vụ ông bán ra thị trường hơn 30 tấn cá. Nuôi trong vòng 6 - 7 tháng là có thể xuất bán với trọng lượng mỗi con khoảng 0,8 - 1 kg. Thuận lợi trong việc chăn nuôi là thương lái từ các chợ đầu mối trong tỉnh và ngoài Đà Nẵng đều đến tận nhà thu mua nên tiết kiệm được khoản chi phí vận chuyển. Hiện nay, giá ngoài thị trường dao động từ 45.000 - 50.000 đồng/kg. Với 2 vụ cá nuôi, sau khi trừ chi phí giống, thức ăn, gia đình ông thu về gần 500 triệu đồng/năm.

Thức ăn chủ yếu của cá lóc là cá tạp. Với 30.000 con có thể ăn gần 4 tạ cá tạp mỗi ngày. Để chủ động nguồn thức ăn cho cá, ông Khương không ngần ngại bỏ ra 300 triệu đồng để đầu tư kho đông lạnh chứa được hàng chục tấn thức ăn. Tranh thủ những lúc giá cá tạp xuống thấp, ông bỏ tiền ra mua về chất vào kho. Đặc biệt vào những ngày mưa bão, ngư dân không ra khơi thì ông có nguồn thức ăn dự trữ cho cá. “Sau khi bán hết số cá trong ao, đích thân mình lại vào tận Đồng Tháp để nhập con giống về. Hiện ở địa phương chưa thể nhân thành công được con giống. Đây thật sự là một thiệt thòi rất lớn đối với người chăn nuôi địa phương”, ông Khương nói.

Với kinh nghiệm gần 10 năm nuôi cá lóc, ông Khương chia sẻ thêm: “Nuôi cá lóc trong bạt tuy không phát triển nhanh bằng ao hồ nhưng mình có thể chủ động được nguồn nước, đồng thời kiểm soát được các dịch bệnh về cá nên ít khi gặp rủi ro. Trong quá trình nuôi, khâu quan trọng và quyết định đến hiệu quả chính là nguồn nước. Để giảm tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi và không để nguồn nước bị bẩn dễ gây bệnh cho cá, mỗi ngày phải thay nước cho các bể cá một lần vào buổi sáng sớm”.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Khương còn giải quyết công ăn việc làm cho 4 lao động tại địa phương với thu nhập 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ông còn hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều người dân trong và ngoài tỉnh có nhu cầu nuôi loại cá này. Bạn đọc có nhu cầu học hỏi kinh nghiệm từ mô hình nuôi cá lóc trên đất cát của ông Khương, có thể liên hệ số điện thoại: 0905315847.

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2017

9x làm chủ trang trại heo rừng tiền tỷ

Khởi nghiệp với số vốn chỉ vài triệu đồng nhờ làm phụ hồ, sau 6 năm chàng sinh viên nghèo Đoàn Phan Dinh đã sở hữu trang trại heo rừng có tổng giá trị cả tỷ đồng.


Tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư thú y Đại học Cần Thơ, Đoàn Phan Dinh, sinh năm 1991, Châu Thành, Đồng Tháp, không chọn làm việc cho các cơ sở thú y mà chọn một ngã rẽ riêng với nghề nuôi heo rừng.

Dinh kể, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ước mơ làm chủ đã nhen nhóm nên chàng trai trẻ này thường lục lọi sách báo để tìm kiếm những mô hình kinh doanh mới, lạ, đặc biệt là những mô hình liên quan đến chăn nuôi. Phát hiện mô hình nuôi heo rừng có nhiều thú vị, Dinh quyết định tìm hiểu sâu hơn và nhận thấy, đây là loài vật nuôi có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, mọi kế hoạch chỉ dừng lại ở ý tưởng vì không có tiền, gia đình lại kịch liệt phản đối vì cho rằng ý tưởng của chàng trai này là viển vông.


Những chú heo rừng này được sống trong khuôn viên rộng rãi. Ảnh: Nam Lê.


Không bỏ cuộc, năm 2011 vừa học ở trường, Dinh vừa tranh thủ thời gian làm phụ hồ ở các công trình xây dựng để dành dụm tiền. Năm thứ 2 đại học, Dinh mua được 2 con heo rừng giá 8,5 triệu đồng và bắt đầu khởi nghiệp với loài vật nuôi hoàn toàn xa lạ ở đất đồng bằng này. Vừa chăn nuôi, vừa học hỏi và tự rút kinh nghiệm, sau 6 năm tổng đàn heo trong chuồng đã tăng gấp 250 lần so với ngày đầu khởi nghiệp.

Thoạt nhìn trang trại heo rừng của anh “nông dân 9x” này có vẻ rất bình thường, chỉ là khoảnh vườn nhãn tiêu da bò khoảng 2.000 m2 được cải tạo lại với những ô chuồng và sân thoáng đãng để đàn heo chạy nhảy hay những hố bùn nhão cho heo tắm... Tuy nhiên, theo Dinh, trang trại heo rừng này ứng dụng hầu hết các kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến nhất hiện nay.

Minh chứng rõ nhất là trang trại với quy mô tổng đàn trên 500 con, nhưng khồng hề có mùi khó chịu từ các chất thải. Để tạo môi trường thông thoáng gần giống với môi trường ngoài tự nhiên của heo rừng, khu vực chuồng được thiết kế khá bài bản và khoa học. Đệm lót sinh học là giải pháp ưu tiên được chủ trang trại chọn lựa nhằm kiểm soát tốt chất thải, từ đó các mầm bệnh cũng được cách ly hiệu quả.

Trang trại heo rừng giúp Dinh có hơn nửa tỷ mỗi năm. Ảnh: Nam Lê.


Thức ăn cho đàn heo ở đây cũng rất khác, không phải là những viên thức ăn công nghiệp thường thấy, mà gồm những loại nông sản, rất bình thường có khắp nơi ở đất miền Tây như: chuối cây, khoai lang, lục bình, bã đậu nành, bã hèm, cám gạo… Những thành phần đơn giản này được phối trộn một cách bài bản thành khẩu phần dinh dưỡng phù hợp với từng lứa tuổi của đàn heo rừng. Nhờ tận dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm có tại địa phương nên giá thành sản xuất heo rừng ở đây cũng khá cạnh tranh.

Hiện tại, mặc dù heo rừng của Dinh được nuôi ở đồng bằng, nhưng do được kiểm soát tốt từ khâu giống đến quy trình sản xuất nên chất lượng heo của trang trại này được nhiều khách hàng ở Tây Nguyên và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ưa chuộng. Trung bình mỗi con heo rừng giống có giá khoảng 1 triệu đồng, giá heo thịt được xuất bán tại trang trại từ 100.000 đến 120.000 đồng một kg, tương đương với giá gà vườn bán tại địa phương. Theo tính toán của ông chủ 9x, trung bình mỗi năm trang trại có thể cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 con heo rừng các loại. Sau khi trừ tất cả chi phí, mỗi năm Dinh thu lãi hơn nửa tỷ đồng.

9x này tâm sự: “Khi Việt Nam tham gia TPP ngành chăn nuôi của Việt Nam sẽ chịu áp lực cạnh tranh lớn từ những mặt hàng chăn nuôi giá rẻ của các cường quốc lớn. Tuy nhiên, tôi tin tưởng với sản phẩm đặc thù như heo rừng và có bước chuẩn bị tốt về sản xuất theo hướng an toàn thì sản phẩm thịt heo rừng vẫn có phân khúc thị trường ổn định”.

Chia sẻ về hướng phát triển trong thời gian tới Dinh cho biết, sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất của trang trại. Ngoài heo rừng chàng trai 9x này cũng mong muốn phát triển thêm các giống gà, vịt ở địa phương theo hướng an toàn sinh học. Ngoài ra, Dinh cũng đang thực hiện mô hình liên kết với nông dân để sản xuất heo rừng. Theo đó, trang trại sẽ cung cấp heo giống, hỗ trợ kỹ thuật thú y và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Theo tính toán, sau khoảng 4-6 tháng, các hộ chăn nuôi có thể lãi khoảng một triệu đồng một con. Ý tưởng cùng nhau làm giàu và phát triển trên mảnh đất quê hương cũng là mơ ước mà “nông dân trẻ” này ấp ủ.

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2017

Làm giàu từ nuôi heo, cắt lúa thuê

Từ một hộ nghèo, ông Danh Bình, người dân tộc Khmer đã trải qua nhiều năm bươn trải, tích luỹ để có cơ ngơi và thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.


Ông Danh Bình (ấp 7, xã Vị Tân, Vị Thanh, Hậu Giang) cho biết, cách đây trên 20 năm, sau khi lập gia đình, ông được cha mẹ cho 1,5 công đất ruộng (1.500m2) để sản xuất, mưu sinh. Lúc đó, các hệ thống tưới tiêu, kênh nội đồng vùng này chưa được hoàn thiện như bây giờ, nên năng suất lúa khá thấp, một năm chỉ canh tác 1-2 vụ, làm không đủ ăn.

Với cả trăm con heo, hai máy gặt đập liên hợp và 15 công lúa, ông Bình thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.


Không cam chịu cảnh nghèo khó, vợ chồng ông quyết định đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống. Lúc đó còn trẻ nên sung sức, ai mướn gì ông cũng làm, từ đào đất, vác lúa, làm hồ… Vì chịu khó, không sợ cực nên sau nhiều năm tích góp, ông đã để dành được chút vốn rồi bàn với vợ nuôi lợn thịt.

Lúc đầu, ông nuôi khoảng 5 con lợn thịt, sau khoảng 4 tháng, trừ chi phí lãi trên 1 triệu đồng mỗi con. Có thu nhập là vậy, nhưng gia đình ông khá tiết kiệm chi tiêu, nên mỗi năm đều mua thêm được một công đất để sản xuất. Từ đó, số ruộng đất của gia đình cũng dần dần nhiều hơn.

Không chỉ biết cách làm giàu cho gia đình, ông Danh Bình còn tạo công ăn việc làm cho trên 10 lao động ở địa phương, trung bình mỗi người thu nhập khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng.

Có được vốn sau bao năm vất vả, với mong muốn kinh tế gia đình ngày càng vững chắc, năm 2013, ông Bình mạnh dạn mua máy gặt đập liên hợp với giá trên 600 triệu đồng để làm dịch vụ gặt lúa thuê. Không dừng lại ở đó, năm 2014 ông mua thêm một chiếc nữa với giá gần 700 triệu đồng.

Theo ông Bình, năm 2015, từ hai máy gặt đập liên hợp ông không chỉ gặt lúa thuê cho các hộ ở xã Vị Tân, mà còn sang các tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang… mỗi năm có thể gặt thuê khoảng 1.500 công đất. “Có máy thì mình phải chịu khó đi nhiều nơi để tìm mối nên nhiều khi tôi đi mười bữa, nửa tháng mới về nhà một lần. 15 công lúa ở nhà vợ tôi trông coi, nhưng khi có bệnh thì tôi phải về phun thuốc. Ngoài ra, gia đình tôi vẫn duy trì nuôi lợn thịt, để tăng thêm thu nhập”, ông Bình bộc bạch.

Theo ông Bình, việc phát triển kinh tế gia đình, vượt qua khó khăn thì có nhiều cách, nhưng chủ yếu là mình phải có sự cố gắng và kiên trì. Đến nay, ông đã có 15 công đất, hai máy gặt đập liên hợp, ngoài ra, hàng năm còn nuôi trên 100 con lợn thịt... trừ chi phí, lãi trên 300 triệu đồng mỗi năm.

Ông Nguyễn Văn Lẹ - cán bộ xóa đói, giảm nghèo xã Vị Tân, nhận xét: “Ông Danh Bình là một trong những hộ Khmer trên địa bàn xã chịu thương, chịu khó, dám nghĩ, dám làm trong sản xuất. Cách làm giàu của ông rất đáng để nhiều người dân trong xã học hỏi, làm theo. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng các mô hình, cách thức làm ăn hay, hiệu quả, để tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm dần, đời sống người dân phát triển”.

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Trang trại thỏ mang về tiền tỷ mỗi năm

Bế tắc vì trồng rau không gặp thời, Nguyễn Văn Dũng (Đơn Dương, Lâm Đồng) chuyển sang nuôi thỏ và hiện sở hữu trang trại 4.500 con, cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.


Lớn lên ở nông thôn, nên Nguyễn Văn Dũng (thôn Châu Sơn, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương) sinh năm 1976 đã lấy vợ khi mới bước qua tuổi 23. Lập gia đình sớm rồi có con, cuộc sống hai vợ chồng Dũng khá khó khăn dù đã được bố mẹ cắt đất cho làm riêng. Nguyên nhân là công việc trồng rau mang lại kết quả rất bấp bênh.

Không cam chịu, vợ chồng Dũng xoay qua làm vệ tinh tiêu thụ rau nhưng cũng không ổn vì luôn bị thâm vốn. Năm 2005 trong lúc túng quẫn, Dũng bàn với vợ mua 30 con thỏ giống để nhân đàn, tìm hướng làm ăn mới. Theo Dũng, thỏ sinh sản rất nhanh, mỗi năm một thỏ mẹ đẻ 5-6 lứa, mỗi lứa trừ hao hụt cũng còn trung bình 8 thỏ con, mà chuồng trại lại đơn giản.

Vì không có vốn, Dũng chặt cây quanh vườn làm nhà nuôi thỏ. Ban đầu mái trại là những tấm bạt mua theo mét, theo khổ giá rất rẻ. Để làm mát chuồng và che mưa nắng, Dũng phủ mái thêm một lớp rơm và trồng cây dây leo. Vừa làm vừa học, Dũng tranh thủ lên Đà Lạt vào các nhà sách tìm mua những cuốn sách mới về chăn nuôi, đặc biệt là thỏ để thu nhập kiến thức và thêm kinh nghiệm đã rút ra từ thực tế.

Năm 2007 khi đàn đã lên tới 1.000 con thì Dũng gặp sự cố vì thỏ bị bệnh xuất huyết truyền nhiễm rồi chết hết. Trắng tay, nhưng vì còn chuồng nên Dũng không nản chí. Lúc đó nhờ có em trai đang học Trung cấp nông nghiệp, chuyên ngành thú y ở Bảo Lộc nên Dũng tham khảo kiến thức từ cậu em và tiếp tục gây lại đàn thỏ.

Không phủ nhận kiến thức chuyên ngành, nhưng Dũng vẫn khẳng định thành công như hôm nay là nhờ kết hợp kiến thức sách vở và thực tế chăn nuôi vì có một vài bác sĩ thú y và bạn cùng học với em trai Dũng thấy anh làm được cũng phát triển đàn nhưng tỷ lệ thành công thấp.


Nguyễn Văn Dũng đang sở hữu trang trại thỏ 4.500 con.


Chị Nguyệt vợ Dũng cho biết, nuôi thỏ chơi thì dễ, nhưng nuôi kinh tế thì rất khó. Khi gầy dựng lại đàn thỏ được 1.000 con, hằng ngày sản lượng thỏ thịt bán không hết nên sau khi tính toán, dù không phải là đầu bếp, Nguyệt vẫn mạnh dạn mở quán bán thịt thỏ với dăm bảy món tại địa phương. Khách hàng chuộng nhất là 2 món cà ri thỏ và thỏ rôti. Mở quán được 2 năm và tìm được đầu ra tốt, hai vợ chồng quyết định nghỉ bán quán để tập trung nuôi thỏ thương phẩm.

Từ 3 năm nay, gia đình Dũng luôn duy trì đàn thỏ ở mức 4.000-4.500 con trên diện tích trại 700m2. Ngoài 2 vợ chồng trực tiếp chăm sóc, Dũng còn thuê thêm 2 lao động làm thường xuyên. Thức ăn cho thỏ ngoài cám gạo dùng ăn dặm thì vợ chồng Dũng dành ra một ha đất để trồng cỏ nuôi thỏ. Dũng cho biết đàn thỏ của anh mỗi ngày tiêu thụ một tấn cỏ tươi. Mùa nắng cỏ được trồng kín trên diện tích một ha, còn 6 tháng mùa mưa cỏ phát triển rất nhanh nên chỉ trồng 7.000m2, 3.000 m2 còn lại canh tác các loại rau thương phẩm.

Nuôi thỏ khâu quan trọng nhất là vệ sinh chuồng trại và giữ ấm cho đàn. Trung bình hàng ngày phải xịt rửa nền chuồng 2 lần. Trại thỏ của Dũng ngoài cung cấp thỏ thịt còn được nhiều người tìm tới mua thỏ giống về nuôi với giá 140.000 đồng một kg. Thỏ thịt được các nhà hàng quán ăn đặt mua, trung bình mỗi ngày trại xuất chuồng 15 thỏ thịt, với số lượng 35-37kg, lúc cao điểm có ngày xuất với số lượng cả trăm con.

Thỏ nuôi được 4,5 tháng đạt trọng lượng từ 2,3 đến 2,5kg mỗi con là Dũng xuất chuồng. Thịt thỏ sau khi giết mổ, anh giao cho khách với giá 130.000 đồng một kg, trung bình một con thỏ sau khi giết mổ thu được 230.000 đồng.

Dự định sắp tới của Dũng là sẽ phát triển gấp đôi đàn thỏ, đăng ký thương hiệu trại và đầu tư nuôi theo tiêu chuẩn Gap. Thị trường tiêu thụ được Dũng nhắm tới là các siêu thị và TP HCM. Anh tiết lộ từ 3 năm nay kinh tế gia đình khấm khá là nhờ đàn thỏ này, tuy có làm thêm rau nhưng giá cả bấp bênh, riêng đàn thỏ sau khi trừ mọi chi phí mỗi tháng lãi từ 50 đến 60 triệu đồng.

Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2017

Thu tiền tỷ nhờ “ép” cam, quýt ra trái vụ

Từng bị gia đình phản đối vì phá 2 ha cà phê đang tuổi kinh doanh nhưng bà Yến vẫn “cả gan làm liều” để có được thu nhập gần 4 tỷ đồng mỗi năm nhờ cam, quýt trái vụ.

Bị chửi vì trồng cam, quýt…

Cùng với xã Đắk Gằn (huyện Đắk Mil) thì nhiều năm nay xã Đắk Nia (Thị xã Gia Nghĩa) nổi tiếng là địa phương cung cấp trái cây cho toàn tỉnh Đắk Nông. Tới Đắk Nia, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước những đồi cam, quýt bạt ngàn đang vào mùa thu hoạch. Nổi tiếng nhất xứ cam quýt này có lẽ là “vua cam” Trần Thị Yến (thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia).


Nhờ “ép” cam, quýt ra trái vụ mà mỗi năm gia đình bà Yến thu lợi cả tỷ đồng.

Năm 2008, trong một lần ghé thăm vườn trái cây tỉnh Bến Tre, thấy nông dân miền sông nước làm giàu nhờ trồng cam, quýt nên bà Trần Thị Yến nảy sinh ý tưởng đưa loại trái cây này về với đất Tây Nguyên. Sau khi tự tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật canh tác các loại cây ăn trái có múi, bà Yến đề xuất ý tưởng kinh doanh của mình với gia đình.

“Tôi tìm hiểu tài liệu của Trung tâm khuyến nông thì được biết thổ nhưỡng và khí hậu ở xã Đắk Nia này rất thích hợp để trồng cây ăn trái, đặc biệt là cam quýt nên bàn với chồng chặt cà phê đi trồng thử. Song vừa nêu ý kiến thì nhiều người trong gia đình đã gạt phăng, thậm chí vợ chồng tôi còn không nói chuyện với nhau mấy ngày trời”, bà Yến kể lại thời điểm kế hoạch kinh doanh liên tục vấp phải sự phản đối của gia đình.

“Nhưng càng phản đối, bà ấy lại càng quyết tâm thực hiện ý tưởng trồng cây ăn trái nên dần dà gia đình chúng tôi cũng đành chấp nhận thử nghiệm. Thời điểm đó, tôi “giao khoán” cho bà ấy 2 ha cà phê đang độ tuổi kinh doanh để trồng cam, quýt”, ông Phan Duy Lam (chồng bà Yến) cho biết.

Bà Yến chia sẻ thêm, trong 3 năm đầu, cuộc sống của gia đình bà lâm vào cảnh khó khăn, vất vả bởi chi phí đầu tư cho loại cây trồng này tiêu tốn hơn 2 tỷ đồng trong khi cam, quýt chưa được thu. “Khi đó, tôi như ngồi trên đống lửa vì chưa nhìn thấy hiệu quả kinh tế. Mỗi năm trôi qua tôi lại càng sốt ruột vì cây cứ phát triển tươi tốt mà không ra hoa. Phải đến tận năm 2011, vườn cam này mới cho những “quả ngọt” đầu tiên, thu nhập năm đó cũng trên 800 triệu đồng”.

Đổi đời nhờ cam, quýt trái vụ


Vụ mùa đầu tiên thành công ngoài mong đợi, gia đình đồng ý cho bà Yến tiếp tục đầu tư để mở rộng vườn cam, quýt lên 7 ha. Song với mong muốn có giá bán cao, thị trường đầu ra ổn định, bà Yến lại nghiên cứu đặc tính sinh trưởng của cam, quýt để “ép” chúng ra hoa trái mùa.

“Vua cam Đắk Nia” chia sẻ: “Cho cam quýt ra hoa, kết trái trái vụ rất đơn giản nếu nắm rõ thời vụ của loại cây này. Cây cam, quýt chỉ cần cung cấp đủ lượng nước thì sẽ ra hoa nên tôi căn cứ vào đó để chọn thời điểm tưới nước cho cây.”


Cam, quýt trái vụ của “vua cam Đắk Nia” vẫn bóng đẹp và đảm bảo chất lượng.

Cụ thể, vào mùa mưa nhà vườn sẽ trải bạt để không cho nước mưa ngấm xuống đất; đến mùa khô lại tăng cường tưới nước cho cây thì chu kỳ ra hoa, kết trái của cây sẽ bị đảo ngược theo ý muốn của người trồng.

“Năm nay cũng là năm thứ 3 tôi cho cam quýt ra trái vụ. Mùa thu hoạch này sản lượng cam, quýt ước tính trên hơn 100 tấn. Với giá bán thị trường trên 30 ngàn đồng/kg thì chúng tôi cũng thu được gần 4 tỷ đồng. Tôi có đi khảo sát thực tế ở một số chợ trong tỉnh thì thấy nhu cầu thị trường vẫn rất lớn nên trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình lên khoảng 9 ha ”, bà Yến vui vẻ thông tin thêm.

Được biết, mỗi năm vườn trái cây của gia đình bà Yến cho sản lượng hàng trăm tấn nhưng chưa bao giờ phải lo lắng về đầu ra do thị trường luôn khan hiếm cam, quýt trái vụ. Ngoài thương lái trong tỉnh đến đặt hàng thì cam, quýt của gia đình bà Yến còn được đưa đi tiêu thụ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Buôn Ma Thuật...

Ngoài việc mang lại tiền tỷ cho gia đình, vườn cam, quýt của bà Yến còn tạo công ăn, việc làm thường xuyên và ổn định cho khoảng 20 lao động với mức lương ổn định 4,5 triệu đồng/tháng.

Trao đổi về mô hình trồng cam, quýt trái vụ này, ông Nguyễn Thái Ban, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia đánh giá: “Đây là một trong những mô hình tiêu biểu của địa phương trong quá trình thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Việc gia đình bà Yến mạnh dạn đưa giống cây cam, quýt vào trồng trái vụ đã khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế của địa phương. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu để mở rộng mô hình này, giúp nông dân trên địa bàn học hỏi, phát triển kinh tế”.

Trong khi đó, ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Đắk Nông cho biết: “Hiện nay toàn tỉnh khoảng 1000 trang trại, trong đó phần lớn là trồng trọt. Nhiều hộ gia đình đầu tư vốn và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hoặc mạnh dạn sản xuất theo hướng trái vụ đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với vai trò hỗ trợ nông dân trong tỉnh, hội sẽ tạo mọi điều kiện để các hộ vay vốn hoặc đưa khoa học vào sản xuất”.