Trang

Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Làm thử để thành công thật

24 tuổi bắt tay vào làm kinh tế. 9 năm sau, Đinh Quang Lâm là ông chủ trang trại, mỗi năm thu lãi khoảng 200 triệu đồng.

Vùng quê của Đinh Quang Lâm nằm ở phía Tây của Ninh Bình. Là một xã miền núi nên đời sống kinh tế cũng như cơ sở vật chất của người dân nơi đây gặp nhiều hạn chế. Nhiều người trẻ rời quê với mong muốn thoát nghèo, những người ở lại phải chật vật mới đủ sống. Thế nhưng Đinh Quang Lâm vẫn quyết định ở lại lập nghiệp từ điều kiện khó khăn này.

Có chung điểm xuất phát như bao người trẻ khác ở xã Cúc Phương, huyện Nho Quan – Đinh Quang Lâm khởi nghiệp với số vốn ít ỏi của gia đình sau bao năm dành dụm. Trước mắt anh khi đó chỉ toàn khó khăn: trong tay thiếu vốn, không có nhiều kiến thức. Tuy nhiên, anh vẫn quyết tâm lựa chọn con đường làm giàu của riêng mình.

Khởi nghiệp với đàn lợn 7 con, Đinh Quang Lâm đã tự học hỏi kinh nghiệm để mở rộng dần quy mô chăn nuôi. Khi đàn lợn sinh lãi cũng là lúc anh có điều kiện để bước vào những thử nghiệm mới. Anh tâm sự: “Mình lúc nào cũng muốn thử nghiệm cái mới. Mình nghĩ điều quan trọng nhất là dám thử nghiệm, thất bại thì rút ra kinh nghiệm rồi đầu tư khôn ngoan hơn. Có làm thì mới thu được % cơ hội thành công, còn nếu không làm mà lúc nào cũng e ngại thì cơ hội thành công luôn là 0%.
Đinh Quang Lâm hiện đang là chủ của một mô hình trang trại tổng hợp, mỗi năm thu lãi 200 triệu đồng. (Ảnh: Nobita)

Trải qua nhiều lần nuôi thử các con vật khác nhau, đã có lúc gặp thất bại tưởng mất hết cả vốn liếng – đến nay, Đinh Quang Lâm đã thành công với mô hình trang trại tổng hợp chăn nuôi với nhiều con vật: lợn, gà, dê, nhím, ong, hươu, lợn rừng, hơn 10 ha đất trồng rừng và trồng hoa màu.

Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

Trồng rau thơm thu tiền tỷ

Là người tiên phong đưa các giống rau thơm Tây từ Pháp về trồng, hiện mỗi năm gia đình bà Phạm Thị Thu Cúc (Lâm Đồng) thu về gần 1,2 tỷ đồng từ những loại cây này.

Sau những tháng ngày mệt mỏi vì kinh doanh bất động sản thua lỗ, bà Phạm Thị Thu Cúc quyết đoạn tuyệt với nghề này. Vay mượn thêm tiền bạc, gia đình bà Cúc bỏ Đà Lạt vào vùng Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng mua đất lập vườn, tập làm nông dân.

Vốn liếng hạn hẹp, kỹ thuật không có là những trở lại lớn đối với một người làm nông nghiệp. Sáng ra vườn, tối tìm đến những người có kinh nghiệm trồng rau công nghệ cao trong vùng để học hỏi, áp dụng vào sản xuất, cuối cùng những lô hàng rau sạch của gia đình bà Cúc cũng đã đến được với người tiêu dùng TP HCM.

Bà Cúc bên vườn rau thơm Pháp.

Khi thị trường đã quen mặt sản phẩm rau công nghệ cao của gia đình bà Cúc, lãnh đạo một siêu thị lớn tại TP HCM động viên bà Cúc đưa giống rau thơm châu Âu về trồng để cung cấp cho người nước ngoài, siêu thị này cam kết bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất lúc này là rau thơm Tây chỉ hướng tới người dùng nước ngoài, tức chiếm sản lượng tiêu thụ rất ít trong khi chi phí đầu tư sản xuất, hạt giống nhập khẩu giá cao, khả năng thua lỗ là rất lớn nhưng họ vẫn quyết định thực hiện.

Một khó khăn nữa khiến bà Cúc không thể ngờ tới đó là mua hạt giống rau thơm Tây không dễ mặc dù vào thời điểm này, con gái của bà đang du học ở Pháp. “Do mua với số lượng ít nên con gái tôi tìm đến công ty hạt giống nào ở Pháp họ cũng từ chối không bán vì còn liên quan đến hóa đơn, chứng từ…”, bà Cúc cho biết.

Phải khá chật vật và mất nhiều thời gian thuyết phục, kể cả nhờ bạn bè ở nước sở tại tác động, cuối cùng con gái bà Cúc mới mua được hơn 10 loại giống hạt rau thơm Tây như chervil (ngò rí Tây), basil (quế Tây), chocolate mint (bạc hà tây tím), thyme (xạ hương Tây), rosemary (hương thảo Tây)… tại một công ty miền Nam nước Pháp gửi về cho bà Cúc trồng thử.

Đất đã sẵn, giống có trong tay nhưng không có kỹ thuật, gia đình bà Cúc không biết trồng ra sao, thời gian nào trong năm là chính vụ của các loại rau này để gieo trồng? Dò hỏi khắp các mối quan hệ cũng không ai biết cách trồng, chăm sóc loại rau thơm Tây này, cuối cùng bà đành tự mò mẫm gieo trồng, chăm sóc y như trồng các loại rau công nghệ cao ở Đà Lạt, vừa làm vừa theo dõi để điều chỉnh kỹ thuật canh tác.

Sau gần hai tháng, vườn rau thơm Tây trong nhà kính với hơn 10 loại đã đâm chồi, đẻ nhánh phủ kín mặt đất. Siêu thị Metro đứng ra nhận bao tiêu sản phẩm cho gia đình bà Cúc. Thế nhưng, trong hàng chục kg rau thơm Tây của gia đình bà Cúc khi đó chuyển xuống TP HCM mỗi ngày chỉ bán được 2-3kg, phần còn lại đều phải đổ bỏ.

Sản phẩm làm ra không bán được dẫn đến thua lỗ không chỉ vài tháng mà kéo dài cả năm nhưng bà Cúc vẫn kiên trì sản xuất, đưa ra thị trường để người tiêu dùng làm quen dần, hy vọng sẽ tiêu thụ tốt trong tương lai.

Đến nay mỗi ngày bà Cúc cho xuất đi TP HCM khoảng 30kg, với giá bán bình quân là 100.000 đồng mỗi kg, tính ra mỗi năm rau thơm Tây cho gia đình bà thu về gần 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, gia đình bà Cúc còn trồng nhiều loại hoa màu khác. Hằng ngày bà rất bận rộn vì khắp nơi liên hệ đặt hàng.

Diện tích rau thơm Tây cũng được gia đình bà cho mở rộng từ vài trăm mét lên 4.000 m2 trong nhà kính. Bà Cúc tiết lộ, trong thời gian tới sẽ chế biến các rau thơm Tây thành trà khô thương phẩm. Đây là hướng đi mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ các loại rau mới được di thực về Việt Nam này.

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Làm giàu từ cà phê chồn, nuôi dế

Anh Nguyễn Hữu Phương và Nguyễn Quang Huy (Lâm Đồng) từ hai bàn tay trắng đã xây dựng nên được những trang trại chồn, dế lớn, thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Tại huyện Lâm Hà (vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng), anh Nguyễn Hữu Phương (29 tuổi) được biết đến là một trong những người đi tiên phong sản xuất cà phê chồn - loại cà phê hảo hạng và giá cao.

Nhận thấy ở Việt Nam, chỉ thành phố Đà Lạt và các huyện lân cận như Lạc Dương, Lâm Hà trồng được cà phê arabica - thức ăn khoái khẩu của chồn, nhiều năm trước anh Phương vượt hơn 350km xuống huyện Củ Chi (TP HCM) mua về 10 con chồn (mỗi con 5 triệu đồng), nuôi thêm vài tháng rồi cho ăn quả cà phê.

Mỗi kh cà phê chồn được bao tiêu với giá 1 triệu đồng. Ảnh: Giacaphe

“Enzyme tiết ra từ dạ dày chồn hương đã thúc đẩy quá trình lên men và các men tiêu hóa thấm qua lớp vỏ trấu của hạt cà phê. Nhờ vậy cà phê có hương vị mạnh, dìu dịu, ngai ngái rất đặc biệt so với các loại cà phê thông thường”, anh Phương chia sẻ.

Vì arabica ở Lâm Hà chỉ cho thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 10, nên từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, anh Phương phải lên các xã Xuân Trường, Xuân Thọ ở Đà Lạt để mua quả cà phê cho chồn ăn, song chỉ mua đủ cho 2 ngày bởi để lâu hơn thì cà phê bị cũ, hấp hơi sẽ bị chồn chê. Kỳ công vậy nên mỗi kg hạt cà phê chồn, anh Phương bán với giá từ 800.000 - 1 triệu đồng.

Ngoài công việc kinh doanh cá nhân, anh Phương còn là Chủ nhiệm câu lạc bộ chăn nuôi trẻ huyện Lâm Hà, tập trung những bạn trẻ chí thú làm ăn và tâm huyết với nghề chăn nuôi. Hàng tháng, mỗi thành viên câu lạc bộ đóng góp 300.000 đồng để giúp đỡ những người khác đang gặp khó khăn về vốn. Hiện nguồn quỹ đã lên đến 100 triệu đồng, luân phiên cho các thành viên vay với chu kỳ 4 tháng, tương ứng với thời gian chăm sóc và xuất chuồng một lứa vật nuôi.

Ngoài anh Phương, trong câu lạc bộ còn có anh Nguyễn Quang Huy đang thành công với mô hình nuôi dế. Vốn là sinh viên Đại học Đà Lạt nhưng vì gia cảnh, Huy đành bỏ dở chuyện học hành xuống vùng kinh tế mới Lâm Hà kiếm sống.

Năm 2006, nghe một người ở miền Đông Nam bộ ăn nên làm ra nhờ nuôi dế, anh Huy vượt hàng trăm cây số đến trang trại dế ở huyện Củ Chi để tìm hiểu thực tế. “Người ta quá kín tiếng nên em chẳng học hỏi được nhiều, phải tiếp tục mày mò tích lũy kiến thức từ sách vở, internet… để chăm số con giống mua về”, anh Huy bày tỏ.

May mắn là đàn dế thích nghi với nơi ở mới, lớn nhanh và mắn đẻ. Anh Huy mang mẻ dế đầu tiên lên Đà Lạt để tiếp thị tại các nhà hàng, quán nhậu. Không ít nơi từ chối nhưng cuối cùng anh cũng tìm được vài ba người chịu đánh cược với món ăn lạ. Từ vài chậu nhựa nuôi dế ban đầu, anh Huy phát triển thành trại rộng 200 m2 với hàng chục chiếc lồng, mỗi lồng khoảng 4m2 chứa hàng vạn con dế.

Ban đầu chỉ nghĩ đến việc nuôi dế để bán cho người dân làm thực phẩm với giá từ 160.000 - 200.000 đồng/kg, nhưng vì trại nằm ven tỉnh lộ 725 nối TP Đà Lạt với huyện Lâm Hà - tuyến đường được nhiều đơn vị lữ hành khai thác tour du lịch, anh Huy đã quảng bá, liên kết để cơ sở nuôi dế của mình trở thành điểm tham quan.

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

Lập trình viên chuyển nghề dạy chim hót, thu tiền tỷ mỗi năm

Từng du học tại Nga, sau đó về nước tìm được một công việc lập trình viên với mức lương ổn định nhưng anh Phúc mê nuôi chim nên bỏ nghề.

Anh Nguyễn Văn Phúc, 27 tuổi, ở thôn Hiệu Chân, xã Tân Hưng (Sóc Sơn, Hà Nội) từng có du học 4 năm ở Nga về lập trình công nghệ thông tin. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp và về nước, Phúc tìm được một công việc ổn định với mức lương khá. "Làm được một năm, tôi quyết định bỏ nghề về nuôi chim với bố. Phần vì mức lương chưa thỏa đáng với công sức mình bỏ ra, phần vì tôi mê nghề nuôi chim quá”, Phúc kể.

Ngày anh bỏ việc văn phòng về quê, không khí trong nhà Phúc trầm lắng vô cùng. Hàng xóm thì lời ra tiếng vào, bảo rằng Phúc dại, bỏ một công việc bao người mơ ước để về làm nông dân… Nghĩ đến một đống tiền của đã đầu tư cho Phúc ăn học, gia đình anh ra sức khuyên ngăn, nhưng cũng chẳng ăn thua. Ông Nguyễn Văn Vân - bố Phúc bảo: “Nó là người quyết đoán lắm, đã nói là làm nên cuối cùng gia đình đành chiều theo”.

Anh Nguyễn Văn Phúc bên lồng chim cu gáy hàng năm mang lại tiền tỷ cho anh và gia đình. Ảnh: Báo Dân việt

Lúc đầu chưa có vốn, Phúc vay mượn gia đình, anh em mua được 200 đôi bồ câu Pháp. Nuôi được 3 tháng thì đàn chim bỗng thi nhau chết, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Vừa cụt vốn, vừa hụt hẫng, Phúc chán nản và có ý định bỏ nghề... “Bố tôi có kinh nghiệm nuôi bồ câu đã hơn chục năm nay, nhưng tôi không nuôi theo cách của bố. Vì kinh nghiệm còn non, nên tôi thất bại. Ngã rồi thì phải đứng dậy mà đi thôi...”, Phúc kể lại.

Vậy là ngày ngày, Phúc học hỏi thêm kinh nghiệm từ bố, rồi tham khảo sách, báo và đi tham quan mô hình ở khắp nơi. Cứ nghe tin ở đâu có người nuôi chim bồ câu giỏi là anh tìm đến học hỏi. Có kiến thức, kỹ thuật trong tay, anh dần tăng đàn, từ 200 đôi lên 500 đôi và bây giờ Phúc đã có hơn 5.000 đôi chim bồ câu, cu gáy. Ngoài ra, trung bình mỗi tháng anh cung cấp cho thị trường khoảng 1.200 đôi bồ câu thịt và giống; 200 đôi cu gáy và khoảng 150 đôi bồ câu Mỹ, thu về 150 – 220 triệu đồng.

Mặc dù nuôi bồ câu rất thành công, nhưng Phúc lại được người ta biết đến chủ yếu với “biệt tài” nuôi chim cu gáy. Phúc tâm sự, sau những thành công trong việc nuôi chim bồ câu, anh nhận thấy nhu cầu chơi chim cảnh, đặc biệt là chim cu gáy rất lớn. Hơn nữa loại chim này rất hiếm, chủ yếu bắt được ngoài tự nhiên chứ ít ai thuần dưỡng nuôi sinh sản được, do vậy giá chim cũng không hề rẻ. Năm 2011, anh bắt đầu nuôi chim cu gáy, ban đầu mua được 20 đôi, rồi gây dựng dần lên.

Theo anh Phúc, một con cu gáy có giá phải đảm bảo có mã ngỗng (to con, ngực nở, chân to, cánh rộng), vành hạt cườm ở cổ nhỏ, đều (cườm vừng thì giọng thổ, cườm nổ thì giọng kim), khi gù phải được 4 - 5 lèo và cuối cùng là sự thuần thục, chỉ cần vẫy tay là gù.

Nuôi cu gáy đã công phu, dạy cho cu gáy hót còn công phu gấp bội. Hỏi về cách luyện hót cho chim, anh Phúc cười bảo: “Mình có lợi thế là biết về công nghệ thông tin. Mình sưu tầm vài giọng hót chuẩn, rồi mở loa vào mỗi buổi sáng cho chim hót theo. Cho chúng nghe nhiều lần để quen với tiếng hót, rồi dạy chúng hót theo sự điều khiển của mình…”

Thông thường để có con chim vừa hay, vừa đẹp phải luyện ít nhất 2 năm. “Tôi huấn luyện rất nhiều con rồi, nhưng ấn tượng và thành công nhất là con cu gáy '3 lèo 6 bổ' (tức gù được 3 lèo và bổ liên tục 6 cái), được khách mua trả 19 triệu đồng. Năm ngoái, tôi thu về hơn 3 tỷ đồng, lãi hơn một tỷ đồng”, Phúc cho hay.

Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

Nuôi gà đá, thu tiền tỷ ở miền Tây

Mỗi con gà đá mà nông dân Bến Tre nuôi có giá gấp 5 đến 10 lần gà thương phẩm. Cá biệt có con khi đã ăn được 1-2 độ thì giá trị đội lên 15-20 triệu đồng.

Mấy năm gần đây, tại một số tỉnh ĐBSCL, đặc biệt là Bến Tre nổi lên phong trào nuôi gà đá. Ông Ngô Văn Tươi ở ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách – Bến Tre, cho biết, ngoài việc kinh doanh cây giống và hoa kiểng ra, ông dùng thời giờ nhàn rỗi để nuôi khoảng chục con gà đá phía bên hông nhà, mỗi tháng xuất bán 2-3 con cũng kiếm lời trên 10 triệu đồng.

"Nuôi gà đá chỉ từ 7 - 8 tháng là đạt trọng lượng 2,2 đến 2,5 kg/con, đủ chuẩn xuất chuồng bán. Nếu nuôi được nhiều con gà hay, dáng đẹp, nhanh nhẹn, tung đòn giỏi thì tiền bán càng cao", ông Tươi cho biết.


Trại nuôi gà đá của anh Nguyễn Văn Phúc ở xã Sơn Định, Chợ Lách.

Đa số người nuôi gà đá hiện nay đều cho biết, họ có thu nhập cao với công việc này mà lại nhàn hơn so với các nghề khác. Theo ông Tươi, một người muốn có kinh nghiệm chăm sóc và biết chọn gà, xem tướng mạo gà chỉ cần nuôi vài bầy là thạo. Còn để có gà hay, số lượng gà tốt nhiều trong bầy nuôi thì việc lai tạo giống là khâu quan trọng nhất. Muốn có được những con gà chiến, người nuôi phải chú ý đến con bố mẹ, nhất là con mái phải khoẻ mạnh, hung dữ, nhanh nhẹn. Ngoài ra, gà mẹ phải lớn khỏe, thường đạt trọng lượng từ 2,8 - 3,5kg. Như vậy khi lai tạo tỷ lệ gà hay trong bầy sẽ nhiều hơn.


Mỗi con gà đá bình thường có giá cao gấp 5 đến 10 lần gà thương phẩm. Ảnh: Ngọc Trinh.

Những người nuôi số lượng nhiều mỗi năm có thể chọn được hơn 150 con gà chiến trong tổng số khoảng 80 -100 đàn gà đẻ. Khi tuyển chọn xong, họ sẽ cho nhốt riêng và "o bế" cho lớn để thành gà đá.

Nuôi gà đá khác với gà thịt là nhốt riêng từng con trong một chuồng rộng 1 m2. Mỗi ngày phải vệ chuồng trại sạch sẽ, thức ăn chủ yếu là lúa, nước uống lúc nào cũng có sẵn trong chuồng. Chính vì được chăm sóc kỹ nên đa phần gà đá có sức đề kháng rất cao, ít bệnh hơn so với gà thông thường.

Mỗi con gà đá có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng. Còn nếu săn được những con gà "thiện chiến" của người khác về thuần dưỡng, một thời gian có thể bán lại cho các tay lão luyện với giá hàng chục triệu đồng. Gà đá mỗi con mỗi vẻ, màu sắc đa dạng, khác nhau, như gà điều, gà xám, gà ô, gà tía, gà chuối...

Anh Nguyễn Văn Phúc ở xã Sơn Định, Chợ Lách đang sở hữu trại nuôi gà đá từ 300 - 500 con/năm, cho biết, nuôi gà đá tuy rất công phu nhưng dễ kiếm tiền. Song người nuôi phải có kinh nghiệm, nhất là khả năng nhận diện về tướng mạo. Như phải chọn được những con gà hùng dũng, màu sắc bắt mắt, có chân cao, to khoẻ, vẩy ở chân đều, tiếng gáy trong và thanh.... và chăm sóc, nâng niu gà như người thân trong nhà.

Theo anh Phúc, nuôi gà đá muốn mau lớn và thịt săn chắc quan trọng nhất ở khâu cho ăn. Gà đá khác với gà thương phẩm, lúc còn nhỏ phải ăn tấm, khi lớn lên cho ăn lúa ngâm trong nước 1 đêm để giúp dễ tiêu hóa và thịt săn chắc, ít mỡ gà mới nhanh nhẹn. Ngoài ra, nhiều người còn cho gà ăn thêm giun, thằn lằn, dế, lòng đỏ trứng, thịt bò, tép, trứng vịt lộn, chuối xiêm... để bồi dưỡng và tăng cường sức chiến đấu.

Hiện nay, trại nuôi của anh Phúc chủ yếu bán cho thị trường nước ngoài (Campuchia) để phục vụ trò chơi giải trí trong các trường gà. Giá bán mỗi con gà đá của anh thấp nhất là 1 triệu đồng, cao nhất lên 25 triệu đồng. Doanh thu từ trại gà này mỗi năm lên cả tỷ đồng.


Con gà chuối của anh Phúc đá thắng 3 độ, đang được giới chơi ngã giá 25 triệu đồng nhưng anh chưa chịu bán. Ảnh: Ngọc Trinh.

Ông Trương Phước Cáo, gần 70 tuổi, một chuyên gia nuôi gà đá ở xã Phú Phụng – Chợ Lách cho biết, một con gà hay phải có tầm vóc to lớn, cơ bắp khoẻ mạnh, chân cao, cựa đều, mỏ to và nhọn, mắt nhỏ và sâu, lớp vảy ở chân dầy và cứng. Nhiều người mê gà không những ở tiếng gáy, ở ngoại hình, nhất là bộ lông hấp dẫn, mà còn ở cách đá. Mỗi thế đá của con gà độ có một bản lĩnh riêng. Có con tung đòn như vũ bão, có con lâm trận cả giờ, chân run rẩy nhưng vẫn lì lợm không đầu hàng trước đối thủ.

Để có được một con gà độ đủ sức đưa ra "chiến trường", người nuôi phải xổ liên tục (cho đá thử trước), xem chân, xem tướng, coi vẩy, coi mắt... để đánh giá khả năng chịu đòn và tránh đòn, đặc biệt là đòn đá phải đẹp và hiểm. Sau đó mới tỉa lông ở các vùng đầu, cổ, ức, đùi và vô nghệ thường xuyên cho thịt săn chắc, phòng khi đối phương đâm cựa sắt.

Theo một lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, toàn huyện có trên 100 hộ chuyên nuôi gà đá bán, mang lại lợi nhuận rất cao, hơn cả với nghề sản xuất kinh doanh cây giống, hoa kiểng nổi tiếng trong huyện. Ngành nông nghiệp cũng đang khuyến khích mô hình này, vì đây là nghề không cần đầu tư, chỉ cần người nuôi có kinh nghiệm và tay nghề giỏi.

Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

Nông dân nuôi lươn lãi trên trăm triệu

Mỗi tấn lươn thương phẩm, người nông dân lãi trung bình 30 triệu đồng, mang về thu nhập mỗi lứa thả nuôi hàng trăm triệu đồng.


Con lươn được giá, mang lại thu nhập cao cho người nuôi.

Toàn huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) hiện có 52 hộ, nuôi 85.000 con lươn trong 200 hồ xi măng, bồn lót bạt… tập trung nhiều tại các xã An Long, Phú Thọ, Phú Thành A và Phú Thành B.

Chín hộ nông dân trong huyện đã thu hoạch được 50 hồ, bồn với 3,5 tấn lươn thương phẩm. Nhiều thương lái ở trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp đến tận nơi thu mua lươn với giá dao động 124.000-132.000 đồng một kg, tăng từ 10.000 đến 15.000 đồng một kg so với tháng trước.

Theo đa số người nuôi lươn ở xã Phú Thọ, đầu tư khoảng 3,5kg thức ăn sẽ cho ra một kg lươn thương phẩm. Với giá bán như hiện nay, trung bình mỗi tấn lươn người nuôi có lãi khoảng 30 triệu đồng.

Với 32 bồn xi măng, ông Trần Văn Đẳng (ấp An Thịnh, xã An Long) thả 22.400 con lươn giống. Sau hơn 7 tháng chăm sóc, lươn đạt trọng lượng bình quân 4 con một kg, bán được 123.000 đồng. Nhờ đó, thu nhập của gia đình ông trên 578 triệu đồng, trừ các khoản chi phí đầu tư và công chăm sóc còn lãi hơn 180 triệu đồng.

Anh Bi (xã An Long) hiện đang nuôi 14.000 con lươn trong 20 bồn xi măng cạnh nhà. Đàn lươn của anh đang tăng trưởng tốt, không có dấu hiệu bị bệnh, trung bình từ 3 - 4 con một kg. Anh Bi cho biết: "Với giá bán như hiện nay, gia đình tôi sẽ lãi khoảng 200 triệu đồng".

Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014

Chàng trai nghèo khởi nghiệp từ 15 triệu đồng nấm bào ngư

Tình cờ xem mô hình trồng nấm bào ngư trên tivi, Nguyễn Sĩ Luận (sinh năm 1982) mày mò tìm hiểu, vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách huyện Châu Thành (An Giang) để mua phôi và thành công ngay sau 3 tháng thử nghiệm.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, không có ruộng đất, trình độ học vấn lại hạn chế nên từ nhỏ Luận phải chật vật làm thuê để mưu sinh. Anh luôn trăn trở tìm cách thoát nghèo.

Một lần, anh tình cờ xem được mô hình trồng nấm bào ngư được giới thiệu trên tivi mang lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí thấp, phù hợp với điều kiện gia đình. Như tìm được lối thoát, anh đi xe máy hàng trăm cây số đến Vĩnh Long trực tiếp tham quan các mô hình trồng nấm bào ngư ở đây để học hỏi kinh nghiệm.

Không lâu sau đó (12/2009), anh mạnh dạn dựng trại, lập kệ, trồng thí điểm 1.000 bịch phôi bằng số vốn 15 triệu đồng vay từ Ngân hàng chính sách huyện. May mắn, lứa phôi đầu tiên cho năng suất cao, trừ các chi phí anh lời được 3,2 triệu đồng. Từ thành công đó, anh mua thêm meo giống, mở thêm hai nhà trại và trồng trên 4.300 bịch phôi.


Mô hình trồng nấm bào ngư của anh Luận. Ảnh: Tiền Phong

Sau hơn 3 tháng chăm sóc, mỗi bịch phôi cho năng suất từ 280 - 300gr nấm, bán cho thương lái với giá từ 35.000 - 42.000 đồng/kg, trừ đi chi phí, anh còn lãi trên 30 triệu đồng. Mô hình trồng nấm bào ngư của anh ngày càng thu hút nhiều cá nhân và các cơ quan đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Để mở rộng quy mô sản xuất, anh vận động thanh niên trong ấp cùng tham gia mô hình của mình thành lập Tổ hợp tác trồng nấm bào ngư xã An Hòa, đồng thời mở các lớp tập huấn mời các chuyên gia về giảng dạy kỹ thuật trồng nấm cho năng suất cao. Bên cạnh đó anh hướng dẫn một số thanh niên trong ấp cách xây dựng trại, kệ và kỹ thuật trồng nấm để cùng phát triển mô hình.

Từ chỗ trồng và chăm sóc nấm bằng phương pháp thủ công, qua các lớp tập huấn anh đã cải tạo trồng nấm trong nhà kính, hệ thống tưới tiêu tự động nên năng suất và chất lượng nấm ngày càng tăng cao.

Luận chia sẻ kinh nghiệm, trồng nấm bào ngư có hai cách chủ yếu là chất phôi lên kệ và treo bằng dây, anh chọn cách chất phôi lên kệ. Kệ được làm tre hoặc xi-măng cao từ 1,6 – 1,8m, bề ngang khoảng 30cm, đủ để vừa bịch phôi và không được chất quá ba lớp. Khoảng hơn 40 ngày sau, khi tơ chạy trắng bịt phôi thì sẽ giật nút chai và mới bắt đầu tưới nước cho đến khi thu hoạch dứt điểm. Khoảng một tuần sau, phôi bắt đầu xuất hiện những tai nấm tơ.


Anh Nguyễn Sĩ Luận trong một lần ra thăm lăng Bác. Ảnh: Tiền Phong

Trước đây, sản phẩm nấm bào ngư chủ yếu do bạn hàng đến tận nhà thu gom, nên nhiều lúc không ổn định, có khi hàng bị tồn đọng. Với mong muốn tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm và mang nấm tươi sạch đến tận tay người tiêu dùng anh Luận kết hợp cùng với xã Đoàn và Hội Nông dân xã An Hòa liên hệ với siêu thị Co.opmart Long Xuyên.

“Qua quá trình kiểm nghiệm gắt gao, phía siêu thị đưa ra kết luận “nấm sạch, không phun thuốc, không chất bảo quản, an toàn cho người sử dụng”. Họ đồng ý ký kết hợp đồng tiêu bao sản phẩm lâu dài với chúng tôi, trung bình mỗi tháng 900 kg, với giá 40.000 đồng/kg”, anh Luận chia sẻ.

Từ điều kiện thuận lợi trên anh đã chủ động trong việc thu gom nấm bào ngư từ bạn bè và các hộ trồng nấm trên địa bàn xã đảm bảo đầu ra ổn định cho các hộ trồng nấm tạo sự yên tâm trong khâu trồng và dần tạo chuỗi nhóm liên kết sản xuất ổn định hơn.

Đặc biệt, anh Luận còn có sáng kiến tận dụng xác phôi sau khi thu hoạch để trồng nấm rơm và cải mầm nhằm kiếm thêm thu nhập và giải quyết được vấn nạn ô nhiễm môi trường. Nhờ sự năng động, sáng tạo đó, tổng doanh thu của Tổ hợp tác trồng nấm bào ngư hằng năm đạt trên 450 triệu đồng.

Mô hình trồng nấm bào ngư của anh Nguyễn Sĩ Luận vừa được Trung Ương Đoàn tuyên dương là một trong 10 mô hình, câu lạc bộ, tổ hợp tác và hợp tác xã tiêu biểu năm 2014. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tặng Bằng khen cho anh Luận vì có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế tập thể. Năm 2013, anh Luận vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của.

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Nông dân đổi đời từ vèo cá lóc

Bắt đầu với số vốn khiêm tốn để mua con giống và làm vèo - lồng nuôi từ lưới hoặc túi nylon, nông dân có thể thu lãi cả chục triệu đồng từ cá lóc.


Những cái vèo nuôi cá đang mang lại thu nhập tốt cho người nông dân. Ảnh: Ngọc Huyền

Nuôi cá lóc (cá quả hay cá chuối) trong vèo không cần diện tích lớn, chỉ đòi hỏi khoảng chục mét vuông mặt nước. Diện tích nhỏ như vậy có thể tận dụng ven bờ các con kênh, rạch hay ngăn một góc ao. Cá lóc nuôi trong vèo được ăn cá tạp, ốc, hến nên thịt chắc và ngon như cá sống môi trường tự nhiên, hoàn toàn không có thuốc hoá học, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Đặng Văn Kiệt ở ấp Thạnh An 3 (xã Thạnh Thới Thuận, Trần Đề, Sóc Trăng), là người đầu tiên nuôi cá lóc trong vèo và được nhiều người dân nơi đây học theo. Trước, cuộc sống gia đình ông Kiệt rất khó khăn vì không có ruộng đất sản xuất. Khi biết được hình thức nuôi cá lóc trong vèo, ông đi tìm thầy học.

Sau đó, ông quyết định vay vốn ngân hàng hơn 10 triệu đồng, làm vèo bằng lưới nylon, quây 9m2 mặt nước, thả 1.000 con cá giống. Nuôi gần 4 tháng, khoảng 3 con đạt một kg với giá bán 45.000 đồng. Tổng cộng, ông Kiệt lãi được 8 triệu đồng từ lứa đầu tiên.

Hiện nay, ở xã Thạnh Thới Thuận có rất nhiều người nuôi cá lóc trong vèo. Những người ít đất hoặc không có đất, tận dụng kênh rạch với sự cần cù là có được thu nhập khá. Cá lóc nuôi trong vèo sạch nên có giá cao, thường hút hàng.

Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

'Vua' rắn mối miền Tây làm giàu với rắn hổ hành

Nuôi rắn mối thành công, anh Thuyết tiếp tục xây chuồng nuôi rắn hổ hành bằng phương pháp khá đơn giản, nhưng có giá bán lên tới 400.000 đồng mỗi kg thịt thương phẩm.


Anh Thuyết với những con rắn hổ hành nuôi trong trang trại rắn mối. Ảnh: Ái Nam

Trong trang trại của "vua" rắn mối miền Tây Nguyễn Văn Thuyết ở khóm 10, phường 1, TP Bạc Liêu (Bạc Liêu), nhiều chuồng mới được xây với tường cao ngang ngực. Mỗi chuồng dài khoảng 5m, ngang 2m, chủ nhân thả nuôi khoảng 2.000 con rắn hổ hành mà không cần đậy nắp chuồng.

Anh Thuyết cho biết đã bắt đầu nuôi thử nghiệm gần 4 năm nay. Ban đầu anh tìm mua rắn nhỏ ngoài tự nhiên, sau đó đem về nuôi lớn rồi cho phối giống. Với số lượng nhiều như vậy nhưng ít khi nhìn thấy rắn, bởi hàng nghìn con bò sát này thường trốn trong lớp xơ dừa xay nhuyễn được rải dưới đáy chuồng, dày khoảng 30-40 cm.

Rắn sinh sản được anh Thuyết đưa ra ngoài chờ ngày đẻ. Ảnh: Ái Nam

"Thức ăn của rắn hổ hành chủ yếu là ếch, nhái, chuột… Mỗi tuần cho chúng ăn 3 lần, mỗi lần khoảng 1-2kg và sau 10 tháng nuôi mỗi con rắn nặng từ một kg trở lên", anh Thuyết cho biết.

Theo anh Thuyết, cứ khoảng 3-4 ngày khi thấy sơ dừa khô thì phải dùng bình xịt phun sương nước. Lượng phân rắn thải ra rất ít, tự phân hủy trong xơ dừa nên không ô nhiễm môi trường.
Xơ dừa được anh Thuyết dùng để nuôi rắn hổ hành. Ban ngày loài bò sát này chui rúc trong sơ dừa, ban đêm bò lên săn mồi là những con ếch, nhái được thả trên lớp xơ dừa. Ảnh: Ái Nam

Không chỉ nuôi rắn hổ hành thương phẩm bán với giá trên 400.000 đồng mỗi kg, anh Thuyết còn cho rắn sinh sản để gầy đàn và bán giá 100.000 đồng một con giống hoặc 800.000 đồng mỗi kg rắn con.

"Rắn hổ hành hoang dã còn rất ít trong khi sức tiêu thụ ngoài thị trường khá nhiều, nên rất hút hàng. Nghề nuôi rắn hổ hành nhàn rỗi, không mất nhiều thời gian chăm sóc nhưng thu lãi rất cao", anh Thuyết chia sẻ.

Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

Hốt bạc nhờ hồi sinh loại cây sắp tuyệt chủng

Cây chúc chỉ cho trái mỗi năm một lần vào mùa mưa với số lượng khiêm tốn, nên loại đặc sản này có giá bán cao (gấp 5-6 lần cây cùng họ là chanh), cho thu nhập hàng triệu đồng mỗi cây.

Trái chúc được xem là đặc sản của vùng Bảy Núi, An Giang, trồng nhiều ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Hiện nay, trái này có giá cao gấp 5-6 lần chanh.
Cùng họ với chanh nhưng chúc lại có vỏ xù xì, vị chua dùng để lấy nước, đặc biệt có mùi thơm giữ rất lâu. Tiếng Khmer gọi là Kôt-sôt, một loài cây đặc hữu của các huyện miền núi.

Hiện trái chúc bước vào mùa thu hoạch rộ nên giá bán chỉ từ 70.000 đến 80.000 đồng/kg. Còn vào thời điểm nghịch vụ, những tháng nắng, giá lên 130.000 đến 140.000 đồng/kg.

Chúc rất dễ trồng, không cần chăm sóc vẫn phát triển tốt. Đây là cây có múi thích nghi tốt trong thời kỳ biến đổi khí hậu khắc nhiệt. Cây chúc trồng từ 5-8 năm mới thu hoạch, và mỗi năm chỉ cho trái 1 lần vào mùa mưa, với năng suất khoảng 30 đến 50kg/cây (khoảng 8-10 trái/kg). Cây chúc càng lâu năm trái càng sai.

Theo chị Lụa, ngoài việc bán trái, lá chúc cũng được săn mua, với giá 220.000 đến 250.000 đồng/kg. Những cây chúc loại cổ thụ trên 10 năm cũng luôn được giới chơi kiểng săn mua, giá từ 5 đến 10 triệu đồng, loại 2 năm tuổi giá giao động khoảng 300.000 đến 600.000 đồng/cây.

Ngoài ra, từ rất lâu, phụ nữ vùng này vẫn lấy trái chúc gội đầu cho mượt tóc.

Cây đặc sản vùng biên này còn chế biến rất nhiều món ăn, như cháo bò vắt nước trái chúc, gà hấp lá chúc, cháo gà lá chúc, bò nướng lá chúc, cá lóc hấp lá chúc...Chính nhờ vậy mà cây chúc, vốn một loài cây rừng sắp tuyệt chủng lại có dịp hồi sinh và ngày càng được nhiều người quan tâm.

Ông Nguyễn Văn Hải ở vùng Bảy Núi mỗi năm ươm giống bán ra hàng ngàn cây, với giá từ 15.000 - 30.000đ/cây.

Theo quan niệm từ xa xưa, người Khmer thường trồng chúc để ăn trái xua rắn và lấy lá làm thuốc. Ngày nay, loại cây này được trồng để làm giàu cho gia đình.