Trang

Thứ Hai, 10 tháng 7, 2017

33 tuổi đời, 20 năm làm nghề “bảo mẫu” cho đàn rắn mòng

Gần 20 năm qua, chàng trai Phạm Quách Tĩnh (SN 1984) ở thôn Tu Lễ, xã Kim Động, huyện Ứng Hòa, TP.Hà Nội đã làm “bảo mẫu” cho cả nghìn con rắn nước sơ sinh phát triển. Mô hình nuôi rắn nước mà anh Tĩnh đang gây dựng mang lại lợi nhuận cao, nếu nuôi rắn phát triển tốt có thể thu hàng tỷ đồng/ha.

Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng anh Tĩnh nằm sâu trong thôn Tu Lễ. Tĩnh có dáng người to đậm, nước da cháy nắng. Anh ngồi bên hiên nhà mải mê lướt facebook và “chát chít” với các bạn của mình trên mọi miền quê hương. Nom Tĩnh chẳng có vẻ gì là ông chủ của mô hình nuôi rắn nước đầu tiên của đất Thủ đô. Anh nhàn nhã như ông giáo làng sau nhiều năm cống hiến và được trở về nhà, vui thú điền viên. Không giống như người chăn nuôi các con vật khác, Tĩnh bảo: “Nuôi rắn nước, nói khó không sai mà nói nó vô cùng nhàn nhã cũng rất đúng. Đã hiểu về nó rồi, cứ ngồi một chỗ mà thu tiền”-Tĩnh tự hào khoe.

Công thức: 1 sào ao = 1 tỷ đồng


Theo anh Tĩnh, 1 sào ao có thể nuôi được 3.600 con rắn thương phẩm. Ảnh: X.T

Sau khi “đá” xong tuần trà, trái với cái vẻ an nhàn khi nãy, Tĩnh nhanh chóng mặc quần áo lao động, dẫn tôi ra thăm khu nuôi rắn. Ao nuôi rắn của Tĩnh nằm giữa đồng, quây kín bằng lưới chã, nom như một khu gia binh được bảo vệ nghiêm ngặt. Ra đến khu nuôi rắn, Tĩnh như người được tiếp thêm sức lực. Anh đi ủng, lội ruộng nhanh thoăn thoắt. Dường như chàng trai có khuôn mặt hình chữ điền đầy nghị lực này sinh ra để cống hiến cho vùng đất chiêm trũng quê mình. Anh gạt bèo, đưa đôi tay lực điền tìm mấy chú rắn đang đuổi bắt mồi nơi đáy ao.

Sáng bán cà phê, chiều về nuôi rắn

Cách đây gần 20 năm, Tĩnh đã tìm cách nuôi rắn nước nhưng bất thành. Nhiều lần thất bại liên tiếp càng khiến Tĩnh thêm phần quyết tâm. Để có tiền đầu tư nuôi rắn, Tĩnh đã từng lang bạt lên Hòa Bình bưng bê cho quán cà phê. Đến thời điểm này, sáng sớm tinh mơ Tĩnh cũng đã dậy bắt xe lên Thủ đô làm thuê cho quán cà phê nửa buổi, còn buổi chiều lại về quê nuôi rắn. Tĩnh lý giải, sau khi lấy vợ, sinh con, anh mới gom góp được số tiền nhỏ mua ngôi nhà cho riêng mình. Khoản đầu từ đó đã ngốn hết nguồn vốn để nuôi rắn của anh.

Sau một thôi, một hồi, Tĩnh mới lần được cái bẫy “mắt quái” – loại bẫy nhiều tầng được làm từ lưới chã. Phía trong có mấy chú rắn mòng ăn no căng. Bụng phưỡn ra như quả bóng được bơm căng hơi, con nào con nấy béo nung núc, da bóng mượt, dài cả mét. Tĩnh bắt chúng dễ như lấy đồ vật trong túi. Giơ đôi rắn mòng nằm ngoan ngoãn trong tay lên Tĩnh khoe: “Đây là đôi rắn giống, chúng đẻ khỏe hơn cả gà, mỗi năm 2 lứa, mối lứa ngoài 20 con. Cái giống này chỉ có công đẻ thôi, rắn con ra đời đều do bàn tay tôi chăm chúng”.

Khu ruộng trũng nuôi rắn của Tĩnh rộng vỏn vẹn 360m2 được biến thành ao nuôi rắn. Diện tích nhỏ vậy, nhưng Tĩnh nuôi được 200 con rắn sinh sản và vài trăm con rắn thương phẩm. Đưa đôi mắt tràn đầy nhựa sống, lấp lánh niềm vui nhìn quanh ao, Tĩnh như đang truyền thêm sinh khí cho vùng đất “chiêm khê mùa thối”. Khum khum 2 bàn tay vào nhau tạo thành cái gáo, anh vốc từng đám nước lên rồi lại thả ra. Sau vài lần làm đi làm lại như thế, rồi Tĩnh đưa nước lên mũi ngửi, hít mấy lần mới dừng lại. Hành động kỳ quặc này của Tĩnh khiến tôi có phần bất ngờ.

Không để ý đến sự ngạc nhiên của tôi, Tĩnh lội một vòng quanh ao, đưa đôi tay lần mò dưới lớp bùn sâu kiểm tra từng cái hang, cái hốc, từng đám bèo tây xem có gì khác thường. Đến khi cả ao nuôi rắn đã được “test” cẩn thận, Tĩnh mới thở phào nhẹ nhõm.

Anh Tĩnh đã thành công trong việc nuôi rắn mòng

Anh chia sẻ, kiểm tra nước trong ao rất quan trọng, bởi đây là yếu tố quyết định tới sự thành bại của người nuôi rắn. Nếu như nước thơm mùi bùn, không tanh nồng, thì mới đảm bảo là sạch. Ngược lại nước có mùi tanh nồng, lại liên tục vẩn đục, chứng tỏ nó bị bẩn và sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của đám rắn.

Lại nói đến môi trường sinh sống của loài rắn nước, Tĩnh thuộc nằm lòng như một nhà khoa học đam mê nghiên cứu động vật. Rắn nước chỉ sống ở ao tự nhiên - tức là đáy ao chưa bị tác động gì. Hơn nữa, loài này chỉ ăn cá nhỏ còn sống, chúng không ăn cá chết, chúng thích tự mình đi săn mồi. Ao nuôi rắn phải đóng nhiều cọc và thả bèo tây để rắn nghỉ ngơi, tắm nắng. “Nếu như không đáp ứng được các điều kiện đó “đừng hòng” nuôi được chúng. Còn cái khó nhất là kiếm thức ăn cho rắn, đặc biệt là rắn con, nhưng bù lại, nó cũng mang lại cho người nuôi lợi nhuận rất lớn”- chàng trai Tĩnh chia sẻ thêm.

Không giống như người nuôi rắn cạn đang phải vật lộn với cơn “rớt giá”, rắn nước lại tăng giá theo từng năm. Theo tính toán của Tĩnh, mỗi mét vuông có thể nuôi được 10 con rắn thương phẩm, như vậy 1 sào ao có thể nuôi được 3.600 con. Loài này rất ham ăn, chúng ăn hết 2,5kg cá con trong 1 năm và sau 2 năm, 1 con có thể đạt trọng lượng 1kg. Đấy còn chưa kể, loài này rất mắn đẻ, 1 năm chúng sinh sản 2 lần vào đầu tháng 4 và tháng 7. Khi một con rắn cái trưởng thành, mỗi lứa có thể đẻ được 20 con.

Có điều, loài này “hữu sinh nhưng vô dưỡng”, rắn mẹ đẻ con ra là bỏ luôn, anh Tĩnh trở thành “bảo mẫu” của các chú rắn con. “Rắn con sẽ ăn loại cá con, nên mình phải nắm được đặc tính sinh trưởng của chúng mà đưa lượng thức ăn xuống. Mỗi ngày cho ăn một ít, nói chung chăm sóc chúng cũng tốn nhiều công như chăm sóc trẻ em vậy”- anh Tĩnh so sánh.

Cứ theo cách tính của Tĩnh, nuôi rắn mòng – loại rắn hiền nhất trong các loài rắn này sẽ mang lại lợi nhuận kếch sù. Từ 1 sào ruộng có thể thu được cả tỷ đồng.

Thấy tôi nhẩm tính như vậy, Tĩnh lại cười giòn, dường như chàng trai nông thôn này cũng hiểu được về lý thuyết có thể đạt được mức lợi nhuận đó. Tĩnh tiếp tục phân tích về đặc tính của loài rắn nước khiến tôi có thêm kiến thức về loài rắn hiền như đất này. Trong khi sinh sản, tỷ lệ đực trong số các con rắn đẻ ra bao giờ cũng chiếm 1/3. Trái với các loài khác, giống đực của rắn nước lại rất nhỏ con, còi cọc nuôi mãi chỉ phí thức ăn, loại này nuôi mãi không chịu lớn, thường thì ngay trong năm đầu tiên, bao giờ anh Tĩnh cũng vớt hết rắn đực lên bán sớm. Nó chủ yếu có trách nhiệm truyền giống, chứ không mang lại lợi nhuận là bao.

Gần 20 năm nghiên cứu về rắn nước


Anh Tĩnh đã thành công trong việc nuôi rắn mòng. X.T

Đứng giữa cánh đồng chiêm trũng, nghe chàng trai có cái tên như trong phim Anh Hùng xạ điêu Quách Tĩnh này nói chuyện càng thêm phần thi vị. “Tính nết” của loài rắn, Tĩnh thuộc nằm lòng, chúng ăn khỏe, đẻ khỏe, nhưng thay da cũng liên tục. Đặc biệt là những con rắn đang trong quá trình sinh trưởng lột da nhiều hơn. Đây là nguyên nhân gây ô nhiễm ao nuôi trầm trọng. Suốt nhiều năm trời tìm hiểu về loài rắn này, Tĩnh mới tìm ra cách dọn đám da rắn. Cá trê ta và cá chép là 2 loài không thể thiếu trong ao nuôi rắn. Loại cá này có trách nhiệm dọn sạch tầng đáy ao, chúng ăn tất cả những da rắn lột ra, mà không gây thiệt hại gì cho đám rắn.

Một khi 2 loài cá cộng sinh trên không đủ sức dọn dẹp tầng đáy là đám rắn nước này mắc bệnh ghẻ ngay. Một con bị sẽ rất dễ lây ra các con khác, nên người nuôi phải theo dõi thường xuyên, phát hiện rắn bị ghẻ để điều trị kịp thời.

Sau rất nhiều lần thất bại, Tĩnh mới nghĩ ra cách hòa nước muối loãng đổ xuống ao để chữa bệnh ghẻ cho rắn. “Trước đó, tôi đã từng dùng kháng sinh, sát trùng chữa bệnh này cho rắn nước, nhưng đều thất bại. Dường như loài này ăn thức ăn từ tự nhiên, nên khi chữa bệnh cho chúng cũng phải lấy từ thiên nhiên”, Tĩnh chia sẻ.


Ao nuôi rắn phải được chằng chắn cẩn thận.

Câu chuyện của chúng tôi bỗng dừng lại khi trên mặt ao liên tục xuất hiện những vệt sóng dài. Mỗi lúc chúng lại di chuyển mạnh hơn, hàng nghìn vệt sóng như vậy vẽ kín mặt nước. Mặt ao khi nãy còn yên tĩnh, nay như sóng nổi liên hồi. Dưới làn nước, rắn đang tổ chức vây công săn mồi tập thể. Đám săn sắt, đòng đong, tôm riu như rơi vào cảnh vỡ chợ vì bị đám rắn nước lùa cho tơi bời. Công cuộc “đại khai sát giới” của loài rắn đã đến giờ. Từng đám tôm, tép trong ao liên tục bị đàn rắn nuốt chửng. Cuộc tàn sát trong ao kéo dài khoảng 30 phút mới dừng lại. Đám rắn mòng đã ăn no nê, bò lên hệ thống cọc ở ao nằm dài để tiêu hóa chiến lợi phẩm vừa săn được.

Tất cả những diễn biến trong khu nuôi rắn đều không lọt qua được đôi mắt tinh tường của chàng thanh niên đã dành nửa đời người tìm hiểu về chúng. Để loài rắn đỡ mất sức trong việc săn mồi, sắp tới Tĩnh sẽ đặt một cái máy bơm trong ao, tạo dòng chảy. Theo quy luật sinh tồn, loài cá nhỏ thường ngược dòng mà bơi, đám rắn nước chỉ cần phục sẵn ở nơi nước chảy, tha hồ mà bắt mồi.

Một điều cần lưu ý khi cho rắn ăn là rắn cũng rất dễ mất mạng khi nuốt phải nguồn thức ăn chưa được lựa chọn. Trong đó cá rô là nguyên nhân hàng đầu khiến rắn mòng… tử vong. Theo anh Tĩnh, cá rô có nhiều ngạnh cứng, rắn nuốt vào bụng sẽ bị rách hệ tiêu hóa, dẫn đến viêm đường ruột. Con nào ăn phải cá rô sẽ chết trong vòng vài ngày. Do vậy, trong ao nuôi rắn muốn có “bát ăn, bát để” phải tận diệt cá rô, đặc biệt là cá rô đồng rất nguy hiểm với loài rắn nước.

Không muốn có lỗi với ruộng đồng

Với 200 con rắn sinh sản trong ao, dự kiến năm nay đám rắn này sẽ mang lại cho Tĩnh khoản lợi nhuận không nhỏ. Nuôi loài bò sát này hiệu quả kinh tế đã rõ, nhưng có một điều mà tôi thắc mắc, tại sao Tĩnh không mở rộng quy mô nuôi rắn. Theo chia sẻ của Tĩnh, ngày nào cũng có khách gọi điện đến nhà để mua rắn. Có người muốn mua cả tấn, với giá 600.000-700.000 đồng/kg, mà anh không có đủ hàng bán. “Cái khó nó còn bó cái khôn anh à”, Tĩnh ngậm ngùi chia sẻ.

Sinh ra trên vùng quê nghèo khó, nhà Tĩnh lại thuộc diện hộ khó của thôn, nên anh em Tĩnh phải tự lập lo cuộc sống của mình từ rất sớm. Tuổi thơ của Tĩnh gắn bó với ruộng đồng. Tát nước, be bờ, đánh giậm, mò cua, bắt ốc vốn là sở trường của Tĩnh. Anh không nề hà làm bất cứ việc gì để kiếm sống. Bao năm, cày sâu, cuốc bẫm, bới đất, lật cỏ, vậy mà gia đình Tĩnh chưa hết khó.

Trong số các con vật nuôi quen thuộc của nhà nông, Tĩnh lại thích nhất con rắn nước. So với đám rắn cạn, rắn nước lại vô cùng khó nuôi vì nó đòi hỏi con mồi còn sống, bởi cho rắn cạn ăn rất nhàn. Giờ Tĩnh đang ấp ủ mở rộng ao nuôi rắn. “Đầu ra của loài rắn nước này rất rộng. Các nhà hàng trong nước thu mua rất nhiều, chưa bao giờ tôi có đủ hàng để bán. Đầu ra thuận lợi là động lực thúc đẩy tôi tìm tòi về rắn nước. Giờ quy trình kỹ thuật đã nắm chắc, tôi mà không nuôi chúng là có lỗi với ruộng đồng”, anh Tĩnh mạnh dạn chia sẻ.

Thứ Tư, 5 tháng 7, 2017

Bỏ lương 9 triệu về làng nuôi cá lồng muốn lãi 200 triệu/năm

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng giao thông vận tải II Đà Nẵng, làm việc ở mức lương 9 triệu đồng mỗi tháng, nhưng Lê Văn Công (khu phố 4, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị) quyết định về quê nuôi cá vược, cá hồng xây ước mơ làm giàu…

Khát vọng từ quê nhà

Một buổi chiều cuối tháng 5, chúng tôi bước lên con thuyền thúng để chàng trai trẻ Lê Văn Công đưa ra giữa dòng sông thăm mô hình nuôi cá lồng của anh.

Sinh ra ở vùng cửa biển, Công may mắn được bố mẹ tạo điều kiện cho đi học đến nơi đến chốn. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng GTVT II Đà Nẵng, Công được nhận vào một công ty xây dựng cầu đường. Chăm chỉ làm việc với mức lương 9 triệu đồng/tháng, Công được đi nhiều nơi, biết nhiều thứ. Thế nhưng, tận sâu trong thâm tâm chàng trai trẻ luôn khát khao cháy bỏng, đó là được làm giàu ở nơi chôn nhau cắt rốn.

Mô hình nuôi cá vược, cá hồng của nông dân trẻ Lê Văn Công đang phát huy hiệu quả. Ảnh: Ngọc Vũ

Lòng quyết tâm của Công được tăng lên sau khi nghe câu nói của một ông bầu bóng đá: “Ở đâu cũng có anh hùng, ở đâu cũng có thằng khùng thằng điên!”.

Công cho biết, ý câu nói đó của ông bầu là để động viên các cầu thủ thi đấu hết mình. Ở bất cứ đâu cũng có anh hùng, miễn sao thi đấu hết mình thì ít ra cũng là anh hùng trong lòng người hâm mộ.


Câu nói đơn giản, ấy mà đã giúp Công nghiệm ra rằng, mình phải cố gắng hết sức để thực hiện ước mơ. Ở đâu cũng có thể làm giàu, miễn là mình quyết tâm. Vậy nên, sau 3 năm làm công việc kỹ thuật xây dựng, Công quyết định bỏ về quê lập nghiệp.

Làm giàu từ nuôi cá lồng, bè

Ngôi nhà nhỏ của Công nằm sát mép sông Hiếu, gần cửa biển Cửa Việt. Con sông nước chảy hiền hòa, sạch sẽ. Nhận thấy điều kiện thuận lợi, Công nghĩ ngay đến việc nuôi cá lồng trên sông.

Để thực hiện ước mơ, Công lặn lội vào tận Vũng Tàu, Nha Trang, Huế và một số tỉnh khác học cách nuôi cá vược, cá hồng. Phải mất 8 tháng trời học hỏi và lao động, Công mới cơ bản nắm được các kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi cá lồng.


Đầu năm 2016, bằng số tiền 40 triệu đồng tích góp được từ những năm đi làm xây dựng, Công vay mượn thêm làm lồng, thả nuôi cá vược, cá hồng. Đây là mô hình nuôi cá hồng, cá vược trên sông đầu tiên ở Quảng Trị.

Với kiến thức học được cộng với sự nhanh nhẹn, chàng trai trẻ nuôi cá rất thành công. Tiếc thay, vì sự cố môi trường biển do Formosa gây ra nên không lời lãi được bao nhiêu.


Đầu năm 2017, Công tiếp tục thả 8.000 con cá giống trong 4 lồng diện tích 400m2. Công cho biết, dự kiến tháng 9 tới đây sẽ cho thu hoạch với tổng sản lượng khoảng 7 tấn cá thương phẩm các loại.


Thực phẩm bẩn đang là vấn đề lo ngại của xã hội hiện nay. Những thứ được nuôi trồng trong môi trường tự nhiên, sạch sẽ đang được mọi người lựa chọn. Đó là lý do mình chọn nuôi cá lồng trên sông”.

Lê Văn Công


Theo Công, cá vược, cá hồng ăn tạp, nuôi trong 7 tháng có thể xuất bán với trọng lượng 1kg/con trở lên.

Ở gần biển, hàng ngày Công mua cá nhỏ, cá tạp của các tàu đánh bắt về cho cá lồng của mình ăn. Cứ 4kg thức ăn (10.000 – 12.000 đồng/kg) sẽ cho ra 1kg cá vược, cá hồng thương phẩm. Nếu giá bán bình quân 120.000 đồng/kg cá lồng thì sau khi trừ chi phí, tổng mức lãi của Công lên tới 200 triệu đồng.

Công chia sẻ, để tạo thói quen, mỗi lần cho cá ăn thường huýt gió và vỗ vào các thanh gỗ trên bè. “Nuôi loại cá này không khó. Chủ yếu là môi trường nước, thức ăn sạch sẽ… và đặc biệt là phải có niềm đam mê” – Công thổ lộ.

Thứ Hai, 3 tháng 7, 2017

Trồng cây vừa ngắm hoa, vừa bán quả, lãi nửa tỷ đồng/năm

Ông Hàng A Sở, tiểu khu Pa Khen 1, thị trấn Nông trường Mộc Châu ( Sơn La) là nông dân trồng mận hậu giỏi được tuyên dương trong Ngày hội hái quả 20 trong tháng 5 vừa qua. Gia đình ông Sở trồng hơn 3 ha mận hậu, mỗi năm thu lãi nửa tỷ đồng.


Nhiều bà con dân tộc Thái, Dao… cũng tìm về vườn mận của ông Sở để tham quan, học tập cách làm.

Thay thế cây…thuốc phiện

Ngay từ năm 1991, khi cây mận hậu mới “bén duyên” với đất Mộc Châu, ông Sở đã mạnh dạn nhận 300 gốc về trồng trên đất nương nhà mình. Ông Sở thổ lộ: “Đó là loại cây mới với chúng tôi, do nhà nước đưa về giúp dân thay thế cây thuốc phiện. Ngày ấy nhiều người nghi ngờ về hiệu quả cây này lắm, nhưng tôi nghĩ, nhà nước đã đưa về, không tin thì tin vào ai nữa…”.

Du khách được thỏa thích trèo lên cây mận hậu hơn 20 năm tuổi trong vườn nhà ông Sở để hái quả.

Chỉ sau 3-5 năm chăm bón, những gốc mận hậu của ông Sở đã cho thu hoạch. “Khi đó việc bán quả mận khó hơn bây giờ. Nhưng dù sao thì vẫn còn hơn là trồng ngô, lúa nương. Vì thế nên sau 2 vụ thu quả, tôi quyết định trồng thêm. Tôi không trồng ồ ạt mà mỗi năm chỉ thêm từ 100-200 cây. Đất còn lại để trồng lương thực ăn hàng ngày…”, ông Sở kể.

Những trái mận tươi của nhà ông Sở được bày bán ngay bên lề đường vào tiểu khu Pa Khen.

Nhớ về những “thăng trầm” của cây mận hậu ở Mộc Châu, ông Sở cho hay: Có thời kì, giá bán mận quả chỉ 500 – 1.000 đồng/kg, khiến người trồng mận lao đao. Nhiều hộ đã phá bỏ vườn mận để thay thế bằng các loại cây trồng khác. Nhưng tôi thì không chỉ tăng thêm diện tích mà còn đầu tư phân bón, kỹ thuật chăm sóc để cây mận cho năng suất, chất lượng cao hơn…”.

Người Pháp bày người Mông chăm mận

Từ năm 2014 đến nay, mận hậu Môc Châu ngày càng được nhiều người biết đến và tiêu thụ tốt nhờ có sự tham gia tích cực của tỉnh, huyện trong việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu. Bên cạnh đó cũng có thêm nhiều sản phẩm chế biến từ mận như rượu mận, ô mai mận, mứt mận…Qua đó, giá bán mận cũng tăng lên. “Đó là một cơ hội tốt cho nông dân trồng mận như gia đình tôi...Mùa hoa mận nở hay mùa quả mận chín đều có nhiều khách du lịch lên ngắm và chụp ảnh... ” – ông Sở chia sẻ.

Các thiếu nữ đến từ Hà Nội thuê áo váy Mông để mặc khi đi thăm và chụp lưu niệm trong vườn mận.

Hiện nay, ông Sở và nhiều người trồng mận ở Mộc Châu đang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tỉa đốn, chăm sóc, bón phân cho cây mận theo hướng dẫn của các chuyên gia của Pháp. Dự án này có tên là ASODIA, được thực hiện từ năm 2009. Áp dụng kỹ thuật này, những gốc mận được trồng từ nhiều năm trước đã được trẻ hóa và tạo tán đẹp hơn. Đặc biệt là năng suất, sản lượng của cây mận cũng cao hơn so với trước.

Du khách hứng khởi với ý tưởng trực tiếp hái mận trên cây và tự tay mang ra khỏi vườn.

Ông Sở phấn khởi khoe: “Đến nay tôi đã có hơn 1.000 cây mận hậu đang cho quả. Năm ngoái, tôi thu được hơn 80 tấn quả, bán được 800 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 600 triệu đồng. Năm nay, khả năng sẽ lãi cao hơn vì giá bán cao hơn năm trước.

Tháng 5 vừa qua, ông Sở được nhận Giấy chứng nhận hộ trồng mận tiêu biểu của huyện Mộc Châu.


Nhiều người Mông ở Mộc Châu này đã học theo ông Sở, tích cực chuyển đổi cây trồng, lấy nguồn thu bù vào việc phá bỏ cây thuốc phiện. Nhờ thế cuộc sống của những người Mông trồng mận hậu theo cách làm của ông Sở cũng khá lên. Nhà tôi cũng thoát được nghèo là nhờ làm theo ông Sở đấy…”, ông Hàng A Chua.

Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

Trại nấm sạch lớn nhất Kon Tum, thu lãi 40 triệu/tháng

Chỉ với 5.000m2 đất, anh Hòa xây dựng được trang trại nấm sạch, mỗi tháng sản xuất hơn 4.000kg sản phẩm, trừ chi phí còn lãi 40 triệu đồng. Cũng nhờ thành tích này, anh là chủ nhân của giải thưởng Lương Định Của năm 2016.

Anh Hòa tỉ mẩn kiểm tra từng sạp nấm

Bước vào trang trại “Nấm sạch Tây Nguyên” ở thôn Kon Sơ Lam 2, phường Trường Chinh, Tp. Kon Tum, (Kon Tum), đập vào mắt chúng tôi là hàng nghìn mét vuông nhà xưởng, với nhiều loại nấm như linh chi, bào ngư, mộc nhĩ, nấm rơm…

Thật bất ngờ, ông chủ trang trại dáng người nhỏ thó, đen đúa và đậm chất nông dân này mới 27 tuổi. Anh Nguyễn Trọng Hòa tự hào cho biết: “Đây là cơ sở sản xuất, nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu lớn nhất tỉnh Kon Tum. Hiện nay mỗi tháng mình cung cấp hơn 4 tấn nấm bào ngư và nấm rơm cho thị trường trong tỉnh. Riêng mộc nhĩ, linh chi mình hướng đến các thị trường lớn như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội”.

Nói về thu nhập, anh Hòa cho biết sau khi trừ hết các chi phí, mỗi tháng vợ chồng anh thu lãi khoảng 40 triệu đồng. Với quy mô này, trang trại “Nấm sạch Tây Nguyên” đang giải quyết việc làm cho 7 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, với mức lương 3,6 – 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, mỗi tháng trang trại của anh Hòa còn cung cấp khoảng 30.000 phôi nấm cho nông dân trong vùng, đồng thời đến tận nơi hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nấm cho bà con.

Nhưng để đạt mức lãi khoảng 500 triệu đồng/năm, anh Hòa đã vượt không ít khó khăn, phải học hỏi kinh nghiệm dưới “vỏ bọc” làm thuê. Sau khi tốt nghiệp tại Khoa Vi sinh- sinh hóa Trường Đại học Khoa học tự nhiên Tp. Hồ Chí Minh năm 2011, anh vào làm thuê 3 năm liền tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao chuyên về trồng nấm ở TP. Năm 2014, Hòa trở về Kon Tum khởi nghiệp bằng nghề nấm đã học được.

Trang trại của anh Hòa tạo việc làm ổn định cho 7 lao động người dân tộc thiểu số.

“Thời tiết cao nguyên thất thường, việc đưa nấm từ miền Nam lên không dễ. Mình phải cải thiện giống nấm qua 3 - 4 thế hệ nuôi, mất cả năm trời mới tạo được giống nấm bào ngư thích nghi với khí hậu địa phương”, anh Hòa kể lại. Vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu vốn, không có đất, tiếp cận thị trường. Nhưng đã quyết là làm, cuối năm 2014 anh vay bố mẹ 200 triệu đồng xây dựng xưởng sản xuất phôi 100m2, rồi thuê thêm đất làm trang trại nấm 5.000m2...

Nhờ nắm bắt kỹ thuật, nhạy bén với thị trường, anh Hòa đã xây dựng trang trại Nấm sạch Tây Nguyên thành điểm đến học tập của bà con nông dân trong vùng. Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất kinh doanh, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, năm 2016 anh Nguyễn Trọng Hòa đã vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng.

Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

Nuôi tôm trong ao trải bạt, lãi ròng nửa tỷ đồng/ha

Bằng cách trải tấm bạt lớn bao xung quanh ao nuôi tôm thẻ chân trắng, anh nông dân Phạm Văn Tịnh (ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM) ngồi rung đùi thu lời tiền tỷ mỗi năm.

Theo ông Trần Văn Mùa, chủ tịch HTX Hiệp Thành, toàn huyện Nhà Bè có tổng diện tích ao nuôi tôm thẻ chân trắng khoảng 26ha với 10 thành viên. Trong đó, đáng chú y là cách nuôi tôm thẻ sáng tạo, cần mẫn của hộ anh Phạm Thanh Tịnh.

Một góc ao nuôi tôm trải bạt điển hình của anh Tịnh. Ảnh: T.Tuấn

Dẫn chúng tôi băng qua những bờ ruộng, con kênh nằm sâu trong ấp 3, dễ dàng nhìn thấy cơ nghiệp đầy tâm huyết của anh nông dân còn trẻ tuổi này.

Nước da ngăm đen, rắn rỏi, anh Tịnh cho biết: “Mình gắn bó với nghề nuôi tôm ở vùng đất Hiệp Phước đã hơn 10 năm nay rồi. Nghề nuôi tôm thẻ chân trắng cũng lắm thăng trầm, có những vụ tôm trúng mùa được giá, có vụ tôm bị dịch bệnh hành hoành khiến người nuôi lỗ trắng tay”.

Tuy nhiên, từ khi anh Tịnh khám phá hình thức trải bạt cho ao nuôi tôm, dịch bệnh hạn chế mà hiệu quả kinh tế lại tăng cao. Anh Tịnh giải thích: “Nuôi tôm trên bạt thì nguồn nước sạch sẽ hơn, các tạp chất độc hại tích tụ trong lòng đất không thấm vào con tôm gây bệnh được”.

Ngày xưa anh Tịnh nuôi tôm ao đất phải tốn công cải tạo, vệ sinh đất cẩn thận. Với ao trải bạt, công việc dọn dẹp diễn ra rất nhanh, rút nước ra rồi xả nước vào là cho nuôi tôm được ngay.

Nói ao trải bạt là theo cách nói dân dã của người Hiệp Phước, bởi thực tế vật liệu được làm bằng cao su nhựa, không thấm nước, có độ bền cao.

Anh Tịnh hồ hởi kéo lưới lên để bắt tôm thẻ. Ảnh: T.Tuấn

Anh Tịnh tiết lộ: “Với ao đất, mình nuôi tôm một năm chỉ từ 1-2 vụ, còn ao trải bạt có thể nuôi 3-4 vụ liên tiếp. Hiện diện tích ao nuôi tôm của mình khoảng 2ha, trong đó có 4 ao nuôi, 6 ao lắng, 1 ao ươm giống. Sản lượng bình quân từ 15-20 tấn/ha/năm”.

Với sản lượng bình quân như vậy, mỗi năm anh Tịnh bán tôm nguyên liệu ra thị trường với tổng doanh thu trên 2 tỷ đồng, thu lời ít nhất 1 tỷ đồng.

Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

Chàng trai trẻ kiếm trăm triệu đồng mỗi năm từ nghề nuôi thỏ

Nhờ sự chăm chỉ, quyết đoán và mạnh dạn trong đầu tư chăn nuôi, chàng trai trẻ Võ Thành Nghĩa (SN 1989, thôn Sơn Tây, xã Duy Hải, Duy Xuyên) đang làm giàu nhờ mô hình nuôi thỏ của mình.

Sau khi tốt nghiệp một trường Cao đẳng, trải qua nhiều nghề khác nhau nhưng không hiệu quả. Nghĩa quay trở về quê hương tìm hướng tự thân lập nghiệp. Anh đi khắp nơi tìm hiểu mô hình kinh tế. Nhận thấy nghề nuôi thỏ có khả năng làm giàu, phù hợp với khí hậu địa phương, ít dịch bệnh… anh thu xếp đi học hỏi khắp các trang trại.

Anh Võ Thành Nghĩa với đàn thỏ của mình

Bắt đầu khởi nghiệp vào tháng 3/2014, từ nguồn vốn vay mượn và số tiền dành dụm có được, anh Võ Thành Nghĩa quyết định xây dựng trang trại với diện tích 200m2. “Với số tiền ban đầu mình chỉ mua được 50 con giống về nuôi.

Những ngày đầu chưa có kinh nghiệm, thiệt hại nhiều, nhưng mình không nản lòng nên tiếp tục nuôi, rút kinh nghiệm dần. Hiện nay, trại thỏ có 200 con thỏ cái sinh sản, ở đây mình bán cả thỏ thịt và thỏ giống, lúc cao điểm tổng đàn là 2.000 con”, anh Nghĩa nói.

Theo anh Nghĩa, một năm thỏ đẻ từ 6-8 lứa, mỗi con cái sinh sản từ 5-8 con/lứa, nếu biết cách dưỡng sức và chăm sóc tốt cho thỏ thì cứ 3 tháng thỏ sẽ cho sinh sản 2 lần. Hiện giá thỏ thịt dao động từ 70-90 ngàn/kg, thỏ giống là 140 ngàn/kg. Sau khi trừ các chi phí, trang trại thỏ của anh cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.

Để tiết kiệm chi phí, đồng thời đảm bảo chất lượng thịt thỏ thơm ngon hơn, cùng với mua các loại thức ăn bột, anh còn tận dụng đất vườn để trồng cỏ sả làm nguồn thức ăn cho thỏ.

Anh Nghĩa đang làm giàu từ mô hình nuôi thỏ của mình

Có được thành quả như hôm nay, ngoài chọn nguồn thức ăn tốt và đảm bảo cho thỏ, anh Nghĩa còn đặc biệt quan tâm đến khâu chọn giống và vệ sinh chuồng trại.

“Việc đầu tiên là cần chọn giống tốt và phải trên một tháng tuổi, có trọng lượng từ 1kg/con trở lên. Chuồng phải thông thoáng, sạch sẽ, dễ vệ sinh. Đối với việc tiêm phòng, thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng của chúng để kịp thời phòng chống các dịch bệnh, nhất là bệnh ghẻ lở và tụ huyết trùng, thời điểm tiêm ngừa thích hợp nhất là lúc thỏ đạt từ 1-2kg, riêng thỏ giống cần chủ động tiêm ngừa trước khi phối giống”, anh Nghĩa chia sẻ.

Được biết, để ổn định đầu ra cho sản phẩm, anh Nghĩa chủ động tìm nguồn cung ứng cho các nhà hàng, khách sạn… tại Đà Nẵng và Hội An. Anh còn liên kết với các trại giống bao tiêu sản phẩm, liên kết cùng trang web thỏ giống miền Trung để cung cấp cho các nơi có nhu cầu…

Ngoài ra, anh Nghĩa còn phát triển mô hình nuôi chim yến trong nhà, với tổng đàn hơn 2.000 con. Yến nuôi trong nhà có thể cho từ 3-4 lần sinh sản/năm, mỗi lần anh thu được 700 tổ yến, giá thị trường hiện nay là 7-9 triệu/lạng. Anh còn cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật xây dựng nhà nuôi chim yến…

Anh Nguyễn Linh - Phó Bí thư đoàn xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) - nhận xét: “Với sự năng động, nỗ lực, dám nghĩ, dám làm của một người trẻ, anh Võ Thành Nghĩa là tấm gương tiêu biểu trên lĩnh vực kinh tế mà các đoàn viên xã Duy Hải cần noi gương”.

Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

Trồng cây tiền tỷ: Nghề trồng kiệu thu lãi 200-300 triệu đồng/ha

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi hơn 6 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng kiệu, khoai lang...mà gia đình bà Trương Thị Bích Chi, ngụ ấp Hiệp Bình, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) có lãi hơn 1tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí đầu tư.

Hơn 20 năm trước đây, vùng đất huyện Tam Nông bị nhiễm phèn nặng hầu như vụ lúa nào cũng thất mùa. Những năm bị sâu bệnh trên lúa nhiều thì gia đình bà Bích Chi coi như “mất cả chì lẫn chài”. Bà Chi cứ trăn trở với việc trồng cây gì để làm giàu trên đất phèn.

Trong các loại cây màu bà Chi trồng thì kiệu là loại cho năng suất cao và lợi nhuận hấp dẫn. Với diện gần 1 ha kiệu, mỗi vụ bà Chi thu lãi 20 - 30 triệu đồng/công. Hiện tại, kiệu cho năng suất từ 5 - 6 tấn/công và thương lái thu mua với giá kiệu tươi từ 14 – 15.000/kg, kiệu giống từ 70 – 120.000 đồng/kg. Ảnh: Chí Cường.

Nhận thấy nhiều hộ xung quanh trồng cây kiệu có hiệu quả, bà Chi đã bàn bạc với gia đình chuyển sang trồng kiệu trên 1 phần diện tích. So với trồng lúa, trồng kiệu có phần tốn kém chi phí nhân công và thời gian canh tác dài hơn, nhưng bù lại ít sử dụng nước, phân bón mà hiệu quả mang lại khá cao nên bà rất phấn khởi. Đây là mô hình làm giàu từ nông nghiệp.

Bà Chi cho Nhà nông/Danviet biết, từ khi chuyển sang trồng rau màu, trong đó có kiệu, áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên lợi nhuận của gia đình bà Bích Chi tăng lên hàng năm. Thấy việc trồng rau màu hiệu quả và thu lợi nhuận kinh tế cao nên gia đình bà đã chuyển toàn bộ diện tích 6,4 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu như: kiệu, khoai lang, ớt, dưa hấu...

Mô hình trồng xen canh, luân canh nhiều loại cây màu, gia đình bà Chi đã giải quyết việc làm, thu nhập cho 15 lao động thường xuyên và 25 lao động thời vụ. Ảnh: Chí Cường.

Tuy nhiên, để nắm bắt tốt thị trường tiêu thụ, đặc tính sinh trưởng của từng loại cây trồng, bà Chi đã chủ động xen canh, luân canh để có thể đạt năng suất cao, phẩm chất tốt, hạn chế tình hình các loại dịch hại lưu tồn trong đất. Với tính cần cù, ham học hỏi kinh nghiệm từ khâu chọn giống, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, dịch hại đúng lúc, đúng thời điểm, nắm bắt thị trường để bố trí lịch thời vụ, tìm đầu ra ổn định nên mô hình trồng xen canh, luân canh rau màu của gia đình bà Bích Chi nhiều năm liền luôn đạt hiệu quả cao.

Trao đổi với Nhà nông/Danviet, bà Trương Thị Bích Chi cho biết, sắp tới gia đình sẽ trồng thêm diện tích cây kiệu vì đây là loại cây trồng chủ lực của địa phương. Trong các loại cây trồng thì kiệu là loại cho năng suất cao và lợi nhuận hấp dẫn. Với diện gần 1 ha kiệu, mỗi vụ bà Chi thu lãi 20 - 30 triệu đồng/công. Hiện tại, kiệu cho năng suất từ 5 - 6 tấn/công và thương lái thu mua với giá kiệu tươi từ 14 – 15.000/kg, kiệu giống từ 70 – 120.000 đồng/kg.

Với khoai lang trắng, sau 4 tháng xuống dây giống thì gia đình bà Chi được thu hoạch. Khoai lang trắng cho năng suất khá cao từ 300-480 kg/công, trừ chi phí mỗi ha khoai lang trắng gia đình bà Chi thu lãi từ 100 - 150 triệu đồng/vụ. Ảnh: Chí Cường.

Ông Nguyễn Đờ Lál - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông cho biết, bà Chi là 1 trong những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi điển hình của địa phương.


Bà Trương Thị Bích Chi vinh dự được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của huyện, tỉnh. Bà 1 trong 200 cá nhân nhận Bằng khen của UBND tỉnh Đồng Tháp về thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” giai đoạn 2014-2016.

Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

Chỉ nuôi đặc sản ốc bươu đen mà kiếm 600 triệu đồng mỗi năm

Ông Nguyễn Văn Hùng, trú tại thôn Lạng Côn, xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy (Tp Hải Phòng) nổi tiếng trong vùng với nghề nuôi và nhân giống ốc bươu ta (hay còn gọi là ốc bươu đen-ốc nhồi) cho thu nhập tới 600 triệu đồng/năm.

Thành công nhờ lấy ngắn nuôi dài


Cách đây 30 năm, xã Đông Phương có chủ trương cho đấu thầu, khai hoang lập ấp, ông Hùng đã mạnh dạn lập trang trại bên bờ sông Đa Độ. Lúc đầu ông nuôi quảng canh các loài tôm cá tự nhiên, trong đó, ốc chỉ là thứ thu nhập phụ.

Ông Nguyễn Văn Hùng, xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) rất phấn khởi với mô hình nuôi, gây giống ốc bươu đen đặc sản. Ảnh: Thu Thủy.

Năm 2007, được cán bộ của phòng Nông nghiệp huyện Kiến Thụy động viên tham gia dự án bảo tồn và nhân giống ốc bươu đen, ông quyết định chú tâm nghiên cứu và tập trung đầu tư vào loài ốc đặc sản này. Những năm đầu do kinh nghiệm còn hạn chế, ông đã bị thất bại, ốc chết gần hết. Ông tiếp tục kiên nhẫn làm lại từ đầu.

Ốc bươu đen-ốc nhồi nuôi từ trang trại của gia đình ông Hùng luôn được các thương lái "săn lùng" mua với giá cao. Ảnh: Thu Thủy.

Phương châm của ông Hùng là lấy ngắn nuôi dài, lấy công làm lãi cũng bởi nuôi ốc bươu ta không hề tốn kém nhưng đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ được những công đoạn nghiêm ngặt về vệ sinh môi trường. Ốc bươu đen chỉ sống được trong môi trường nước sạch, không ô nhiễm, không được nuôi cùng ao với các loại cá ăn thịt như cá trắm đen, cá chuối hay nuôi vịt, ngan.

Bởi vì thức ăn của những loài này chính là ốc, trứng ốc. Cần vệ sinh ao nuôi mỗi năm 1 lần để diệt hết các loài cá có hại cho ốc. Đặc biệt ngày nào cũng phải đánh chuột nếu không chúng sẽ ăn hết ốc và trứng trú ngụ quanh bờ.

Ông Hùng kiểm tra trứng ốc bươu ta đang trong thời kỳ chờ nở con non. Ảnh: Thu Thủy.

Thức ăn của ốc bươu đen là những thứ có sẵn trong vườn nhà như lá sắn tàu, xơ mít, bèo tấm, bèo cái, thân cây chuối... Chỉ khi ươm ốc con 3 - 4 tuần tuổi thì mới vỗ bằng cám gạo để ốc con phát triển tốt hơn. Đặc điểm của ốc bươu đen là trú ngụ dưới bóng mát như cây lục bình, cây súng hay cây bánh đa, tạo cho ốc một thảm thực vật cho ốc làm nhà. Bờ ao không được kè kiên cố mà phải để tự nhiên bởi khi sinh sản ốc sẽ bám vào cây hoặc cỏ quanh bờ để đẻ trứng.

Cho ốc đẻ theo ý muốn

Để ốc giống khỏe mạnh, chất lượng tốt, ông Hùng phải lựa những con ốc bố mẹ to khỏe thân miệng đầy đặn để cho nuôi sinh sản. Mật độ nuôi từ 10 - 12 con/m2 theo tỷ lệ cân đối 1 đực - 1 cái. Hằng năm, cứ qua tiết thanh minh (tháng 3 âm lịch) thì ốc vào mùa sinh sản.

Ông Hùng chia sẻ với Nhà nông/Danviet kinh nghiệm: “Nếu cứ nhân giống theo phương pháp tự nhiên thì tỉ lệ con giống rất thấp. Tôi phải làm 1 công đoạn gom trứng ốc lại sau đó đặt trứng ốc vào các miếng xốp nhỏ có chiều dài từ 10 x 20cm, sau đó thả vào thùng xốp to hơn trong chứa nước, đưa chúng vào khu vực râm mát tránh ánh nắng mặt trời soi trực tiếp. Ảnh: Thu Thủy.

Để bảo vệ trứng giống, tốt nhất nên để trong nhà tắm, phun nước hàng ngày tạo môi trường ẩm thích hợp cho trứng ốc phát triển. Lúc mới đẻ, trứng có màu trắng, khi sắp nở thì chuyển sang màu trắng đục. Sau khoảng 15 ngày, trứng ốc nở, vỏ vôi của trứng sẽ từ từ tan biến tạo thành lớp keo bao bọc con bên ngoài. Khi ốc mới nở chỉ cho ăn bèo tấm, đến khi con to hơn hạt ngô thì cho ăn bằng cám gạo để kích thích ốc lớn nhanh hơn. Đến khi con ốc bằng hạt ngô thì thả xuống ao nuôi là được”.

Qua nhiều năm nghiên cứu tìm tòi, ông Hùng đã nhân giống thành công với tỉ lệ nở của trứng ốc bươu ta đạt tới 90%. Đến nay ông đã chủ động được số lượng ốc giống đáp ứng cho thị trường.

Toàn cảnh khu ao nuôi ốc bươu đen đặc sản của gia đình ông Hùng. Ảnh: Thu Thủy.

Thời gian nuôi thông thường từ giai đoạn trứng đến giai đoạn ốc thương phẩm là hơn 3 tháng. Nếu muốn giữ làm ốc bố mẹ thì cần nuôi kéo dài thêm 2 tháng nữa. Thời gian thu hoạch ốc thương phẩm rải rác trong năm do gối vụ, tập trung nhất là từ tháng 4-9. Ốc thương phẩm thường có trọng lượng khoảng 35 con/kg.

Xung quanh bờ các ao nuôi ốc bươu đen, ông Hùng trồng nhiều loại cây ăn quả, mỗi năm cũng có doanh thu hàng chục triệu đồng. Ảnh: Thu Thủy.

Hiện ông Hùng sở hữu một trang trại rộng trên 3.000m2 với 3 ao nhỏ. Trên bờ ông trồng hàng trăm cây mít và chuối. Mỗi năm ông thu hoạch hàng triệu con ốc giống và hàng tấn ốc thịt thương phẩm, bán với giá 100.000 đ/kg ốc thịt và 500 đ/con ốc giống.


“Với cách làm sáng tạo, ông Hùng đã bảo tồn được nguồn giống ốc đặc sản tại địa phương. Ông là nông dân giỏi cấp huyện và thành phố. Mô hình nuôi ốc bươu ta của ông Hùng đang được nhân rộng ra nhiều nơi khác trên địa bàn xã, huyện, thành phố và các tỉnh, thành khác…”, ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Phương.

Thứ Năm, 8 tháng 6, 2017

Lão nông canh con nước “độc” nuôi cá cảnh, thu cả trăm triệu/tháng

Con kênh cung cấp nguồn nước cho ao nuôi cá nhưng phía đầu nguồn là họng xả thải của khu công nghiệp. Để gây dựng được đàn cá cảnh, lão nông Nguyễn Tấn Phong (ấp 1, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM) phải ngày đêm canh con nước đục hay trong.

Đến ấp 1 hỏi Phong “cá cảnh” không ai không biết, đó là biệt danh mà người dân quý mến đặt cho ông và cũng bởi bản thân lão nông này đã gắn bó, chăm nuôi con cá cảnh suốt 15 năm nay.

Dẫn chúng tôi băng qua những con kênh, bờ ruộng đầy ắp nước, lão nông Nguyễn Tấn Phong giới thiệu cơ nghiệp là 12 ao nuôi cá cảnh, với diện tích khoảng 5ha.

Lão nông Nguyễn Tấn Phong bên ao nuôi cá cảnh. Ảnh: T.Tuấn

Vốc nắm thức ăn quăng xuống ao, từng đàn cá đủ sắc màu đã trồi nhanh lên khỏi mặt nước. Cá cảnh Nhật, cá Nam Dương, cá Koi được nuôi chủ yếu, mang lại lợi nhuận kinh tế cao.

Trao đổi với Nhà nông/Danviet, ông Phong cho hay: “Ngày trước tôi nuôi cá thịt bán kiếm lời, nhưng kể từ năm 2002 tôi bắt đầu nuôi cá cảnh. Đó là cơ duyên, khi ấy tôi sang chơi nhà bạn, thấy nuôi đàn cá cảnh đẹp quá. Tôi mang về vài con nuôi thử, đàn cá dễ nuôi chóng lớn. Đêm nằm ngủ tôi bàn với vợ nên bỏ tiền đầu tư nuôi lớn”.

Bỏ công đào ao, chọn nguồn giống, thức ăn, ông Phong tận dụng luôn lao động gia đình để cùng chăm ao cá. Kỹ thuật nuôi của ông Phong không có gì... quá cao xa, cá nuôi theo kiểu truyền thống, tự nhiên.

Một ao nuôi cá cảnh của ông Phong. Ảnh: T.Tuấn

Ông Phong chia sẻ với Nhà nông/Danviet: “Để nuôi cá cảnh ở vùng Bình Lợi này thì có ba điều cần lưu ý. Thứ nhất là canh chừng nguồn nước, hai là lưới để chống cá tạp xâm nhập, tranh ăn với cá cảnh. Cuối cùng là chế độ ăn cho cá phải điều độ. Người nuôi luôn nghĩ về con cá”.

Để làm được ba điều đó thật không hề đơn giản. Nhiều đêm trời mưa gió, ông Phong bật dậy cầm đèn pin chạy tất tưởi ra đồng coi kỹ màu sắc của nước. Các công ty, nhà máy vẫn thường lén lút xả thải ra con kênh. Nước thải ô nhiễm vào ao thì cá cảnh, cá Koi cũng ngắc ngoải chết.

Từng chứng kiến cảnh đàn cá chết vì nước thải ô nhiễm, ông Phong muộn phiền. Đứng nhiều tiếng đồng hồ bên con kênh, ông Phong nghĩ, phải tính toán được chu kỳ nước “độc” xâm nhập. Phải đào ao dự phòng, phải xử lý nguồn nước cho sạch trước khi dẫn vào ao nuôi.

Nguồn nước độc hại, ô nhiễm sẽ giết chết đàn cá. Ảnh: T.Tuấn

Nghĩ là làm, ông Phong lên thành phố tìm mua vôi bột, hóa chất xử lý nước phèn, nước đục. Khi cần đổi nước mới cho cá thì dẫn nước vào từ ao dự phòng.

Ông Phong khẳng định: “Ở vùng này một tháng chỉ có hai lần nước tốt thôi, còn lại toàn nước “độc”, nhiễm phèn nhiễm mặn cả. Bởi thế phải bằng mắt thường quan sát nguồn nước, rồi thử nghiệm, xử lý nước nhiều lần. Chắc chắn an toàn mới đưa vào ao”.

Hiện ao nuôi cá cảnh ông Phong đạt sản lượng tiêu thụ bình quân 500 - 600 kg/tháng, giá bán 120.000 - 150.000 đồng/kg. Bình quân thu vào từ 60 - 150 triệu/tháng.

Phong “cá cảnh” cũng đang dự tính cùng nuôi cá hợp tác với 18 hộ dân khác ở xã Bình Lợi với quy mô rộng đến 30 ha. Sở NNPTNT TP.HCM đang quảng bá hình ảnh, thương hiệu cho cá cảnh ông Phong. Những hội chợ thương mại, triển lãm sẽ mở cánh cửa thị trường cho cá cảnh vươn xa.

Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

Bí quyết của lão nông bắt cây dó “đẻ” ra trầm thu tiền tỷ

Nhờ bí quyết đặc biệt, lão nông đã bắt những cây dó “đẻ” ra trầm. Rồi bằng kỹ thuật và sự khéo léo, người nông dân này đã biến những cây dó đang “ôm” trầm trong mình thành sản phẩm mỹ thuật không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu, đem lại doanh thu hàng tỷ đồng/năm.

Nhờ nắm bí quyết đặc biệt trong tay, ông Trương Thanh Khoan (64 tuổi, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) đã bắt 7ha cây dó của gia đình “đẻ” ra trầm, đem lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Cây dó trồng được 4 năm thì tiến hành khoan vào thân. Quy trình là khoan gốc trước, đến thân rồi mới đến ngọn cây. Theo ông Khoan, trước đây do chưa có kỹ thuật nên ông chỉ lấy được thân và ngọn cây nhưng hiện tận thu được cả gốc cây.

Bí quyết giúp lão nông khiến cây dó “đẻ” ra trầm là việc thuần dưỡng kiến để lấy dịch...

Sau đó kết hợp với vi sinh lên men tạo ra bào tử nấm để làm nguyên liệu tạo trầm cho cây dó

Cây dó được bơm chế phẩm sau đó 1 năm thì cho thu hoạch

Cây dó "ôm "trầm đến tuổi thu hoạch sẽ được đưa về tiến hành soi, xỉa trầm hương

...và tạo thành sản phẩm mỹ thuật đẹp mắt và có giá trị

...cả gốc cây dó có trầm cũng được ông Khoan tạo thành những hình thù bắt mắt


Thậm chí còn làm được cả những chiếc lục bình

Ngoài ra còn có cả trầm kiến miếng, kiến ống. Các sản phẩm được làm từ trầm nhân tạo của ông Khoan có giá bán dao động từ 5 đến 20 triệu đồng/sản phẩm tùy từng loại.

Không những vậy lão nông Trương Thanh Khoan còn chiết xuất tinh dầu trầm. Hiện giá 1 kg dầu trầm ông bán tại nhà dao động từ 10.000 đến 15.000 USD

Phòng khách gia đình của người nông dân thành nơi trưng bày sản phẩm từ trầm

Nhờ chăm học hỏi, tìm tòi và đã cho kết quả nên ông Khoan được UBND tỉnh Đồng Nai tặng bằng khen và Cục sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký độc quyền đối với chế phẩm vi sinh kích thích cây dó để tạo trầm hương.

Sản phẩm trầm nhân tạo của ông Khoan không chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu qua các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia...Để thuận tiện cho công việc giao dịch với đối tác, hiện ông Khoan đã thành lập công ty. Lão nông cũng từng đón đoàn chuyên gia Malaysia sang thăm và học hỏi cách tạo trầm.

Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

Chàng trai 9X trồng nấm sạch ở "xó núi" mà dân phố ai cũng biết

Bị cho là “điên” khi dám vay hàng trăm triệu đồng mở trại trồng nấm ở nơi “xó núi”, nhưng rồi chàng trai trẻ Đàm Văn Bình (SN 1994) ở thôn Hạ Lý, xã Châu, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đã gặt hái thành công, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Cầm “sổ đỏ” vay tiền trồng nấm

Mất khá nhiều thời gian men theo con đường ngoằn ngoèo đầy bụi, chúng tôi mới tìm đến được trại nấm của anh Đàm Văn Bình nằm sâu trong một khu dân cư nhỏ dưới chân dãy núi Hoành Sơn.

Lúc chúng tôi đến, Bình đang lui hui tưới nước, chăm sóc nấm ở bên trong ngôi nhà nấm. Dừng tay tiếp chuyện chúng tôi nhưng cứ chừng dăm bảy phút, điện thoại của Bình lại đổ chuông. Anh cho biết: Mấy ngày hôm nay nhiều khách hàng gọi điện đến đặt hàng, nhưng trại không đủ nấm để giao.


Đàm Văn Bình và trại nấm cho thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm của mình. Ảnh: Phan Phương

Kể về cơ duyên đến với nghề làm nấm ở chốn “xó núi” này, Bình cho biết: Học hết lớp 9, do gia đình không có điều kiện, lại xa xôi nên Bình theo cha vào tận Bà Rịa – Vũng Tàu đi biển thuê cho các chủ tàu cá. Nhưng rồi nghề biển khắc nghiệt, lại là trai miền núi không thích nghi được với sóng gió của biển khơi nên Bình vào bờ lên Đồng Nai xin vào làm thuê cho một trang trại trồng nấm. Những ngày làm việc ở đây, Bình cảm thấy rất thích thú với công việc này và Bình nảy sinh ý định sẽ vừa làm vừa học thật tốt nghề trồng nấm để về quê lập nghiệp.

Năm 2013, Bình trở về quê dùng tất cả tiền bạc dành dụm được làm một nhà nấm nhỏ để làm trồng thử nấm sò. Sau vài lần nấm không chịu mọc, Bình lại chạy hàng chục km xuống thị trấn vào tiệm internet tra cứu cách trồng nấm, gọi điện hỏi những người quen trồng nấm ở Đồng Nai…, và cuối cùng thì những bịch nấm của Bình cũng nảy mầm, mọc sum suê.

Nhưng rồi một khó khăn mới lại nảy sinh khi nấm của Bình làm ra không biết bán cho ai. Thời điểm đó, với những nơi khác nấm trồng đã có mặt trong các bữa cơm hàng ngày của các gia đình nhưng “xó núi” nơi Bình ở thì nấm trồng vẫn rất lạ lẫm. Để bán nấm, chàng trai trẻ sau khi thu hoạch nấm lại dùng xe gắn máy vượt hàng chục Km chở về các chợ lớn ở vùng trung tâm rao bán, vào các nhà hàng để giới thiệu…

Dần dà, món nấm của Bình trồng ra bắt đầu được nhiều người biết đến và ưa chuộng. Nguồn nấm tự nhà nấm nhỏ sản xuất ra không thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng nên Bình quyết định đầu tư mở rộng sản xuất. Tuy nhiên lúc đó, bố mẹ Bình kịch liệt phản đối vì không thể lấy đâu ra khoản tiền 400 triệu đồng để đầu tư cho trại nấm.

Nhiều người thân, hàng xóm khi biết chuyện cũng nói Bình là “điên” vì bỏ ra một số tiền như vậy để trồng nấm ở cái “xó núi” này thì biết bán cho ai, bao giờ mới thu được vốn. Vì thương con, không muốn làm nhụt ý chí của con, cuối cùng bố mẹ Bình cũng đồng ý “cầm” thẻ đỏ của ngôi nhà đang ở vào ngân hàng để vay tiền cho Bình trồng nấm…

Trồng nấm sạch, không lo đầu ra

Ở trại nấm của Bình, các quy trình sản xuất đều khép kín từ làm phôi đến thu hoạch. Bên trong cơ sở, không ai được hút thuốc lá vì khói sẽ làm thối nấm. Hơn nữa, các loại nấm rất dễ bị sâu ăn nhưng không được sử dụng thuốc trừ sâu để đảm bảo sản phẩm sạch. Vì thế, Bình đối phó với sâu bằng cách cho nhện sinh sản tự nhiên bên trong trại để nhện tìm ăn các loại sâu khi chúng tấn công nấm.

Về kinh nghiệm trồng nấm đạt năng suất cao, Bình tâm sự: “Ngoài việc ủ phôi giống phải chất lượng, trong quá trình sản xuất phải đảm bảo 2 yếu tố là nhiệt độ từ 19 đến dưới 27 độ C; độ ẩm khoảng 90% thì nấm mới phát triển tốt. Do điều kiện khí hậu ở địa phương khắc nghiệt, đặc biệt là vào mùa hè nắng nóng kéo dài nên để đạt được nhiệt độ, độ ẩm nêu trên tôi phải lắp đặt hệ thống phun sương, tưới nước thường xuyên…”.

Những tai nấm sò sạch tinh khôi trong trại nấm của Bình rất được khách hàng ưa chuộng (ảnh: Phan Phương)

Tại trại nấm của Bình, ngoài nấm sò, anh còn làm thêm nấm rơm để tận dụng nguồn nguyên liệu sẳn có ở địa phương, ngoài ra anh đang nghiên cứu để làm nấm linh chi. Để có thêm người làm, Bình gọi anh trai là Đàm Văn Nghĩa đang đi làm thợ cơ khí về cùng làm nấm. Hiện trang trại nấm của anh Bình đã được mở rộng trên diện tích trên 500m2 với 3 nhà nấm, 1 xưởng ủ bịch phôi (vôi bột, mùn cưa, bông gòn) và một lò hấp với tổng mức đầu tư trên 500 triệu đồng.

Tuy ở nơi “xó núi” nhưng nhờ sản xuất theo quy trình sạch, chất lượng nấm tốt nên 2 năm qua, trại nấm của Bình đã được rất nhiều khách hàng biết đến. Đa số khách hàng đều tìm đến trại nấm của Bình để lấy sỉ, vì thế Bình không phải mang nấm đi bán lẻ từng kg như thời kỳ đầu.

Hiện, trại nấm của Bình trung bình mỗi ngày thu hoạch hơn 15 – 20kg nấm (mùa hè), 30 -40 kg nấm mùa đông, cao điểm lúc nấm nở rộ có ngày lên đến 100kg. Với giá bán từ 30.000 – 35.000 đồng/kg, mỗi năm trừ chi phí Bình thu lãi hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, Bình còn sản xuất phôi nấm để bán cho bà con xung quanh vùng.

Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Cầm chắc 200 triệu đồng/năm từ 5 sào măng tây xanh

Anh Phạm Xuân Cảnh, thôn An Dụ, xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng (TP.Hải Phòng) là trong những nông dân đầu tiên ở đất Cảng mạnh dạn đầu tư trồng măng tây. Hai năm nay, bình quân mỗi năm anh Cảnh lãi ròng 200 triệu đồng từ 5 sào “rau xanh cao cấp” này.

Rau cao cấp giàu dinh dưỡng

Mặc dù gắn bó với công tác Đoàn, phong trào thanh niên, nhưng anh Cảnh vẫn trăn trở với việc trồng cây gì để làm giàu, tìm mô hình làm giàu từ nông nghiệp. Sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu, anh biết đến cây măng tây-một loại cây có giá trị dinh dưỡng cao, giúp phòng nhiều bệnh nguy hiểm cho con người. Năm 2015, anh Cảnh đã mạnh dạn dồn điền đổi thửa được 5 sào ruộng để trồng thử 2.000 gốc măng tây.

Anh Phạm Xuân Cảnh chăm sóc ruộng măng tây xanh của gia đình. Bình quân mỗi ngày, anh thu hái 15kg măng tây, giá bán 80.000 đồng/kg. Ảnh: Ngân Phạm.

Trao đổi với Nhà nông/Danviet, anh Cảnh cho biết, đất quê màu mỡ, chỉ cần biết tính toán trồng cây gì để làm giàu là cuộc sống sẽ khấm khá. Anh đã sang tận Hải Dương để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tham khảo thêm nhiều tài liệu, các kênh thông tin để ứng dụng tiến bộ KHKT vào việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây măng tây.

Do là hộ đầu tiên ở Tiên Lãng trồng măng tây nên ban đầu vợ chồng anh đã gặp không ít khó khăn. Nhưng anh Cảnh đã miệt mài ngày đêm lao động, nghiên cứu đất đai, cây giống. Đất và cây đã không phụ công người, sau hơn 6 tháng trồng, lứa măng đầu tiên đã cho thu hoạch.

Anh Cảnh cho biết, măng tây xanh chỉ phải trồng 1 lần nhưng cho khai thác trong vòng từ 8-10 năm. Ảnh: Ngân Phạm.

“Ban đầu trồng, tôi rất lo lắng. Tiền đầu tư ngót nghét 100 triệu đồng. Tôi mất ăn, mất ngủ mấy tháng trời chờ cây lớn từng ngày. Đến khi lứa măng đầu tiên được thu hoạch, bán được giá tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, anh Cảnh thổ lộ.

Nói về đặc tính của cây măng tây, anh Cảnh cho hay, cây có khả năng chống chịu với mưa bão tốt. Tuy nhiên, khâu chăm sóc cũng đòi hỏi rất công phu. Phải thường xuyên cắt tỉa những cành lá già, dọn cỏ, hạn chế phân vô cơ, chủ yếu dùng phân hữu cơ và tuyệt đối không được dùng thuốc bảo vệ thực vật.

Những cây măng tây nào mắc bệnh thì phải cắt bỏ chứ không được phun thuốc. “Ngoài trồng măng tây, gia đình còn trang trại gà với gần 2.000 con nên tôi thường tận dụng nguồn phân gà để bón cho măng tây. Phân gà sau khi được ủ cùng trấu sẽ được bón ra ruộng. Thường thì một tháng sẽ bón phân 3 lần để đảm bảo măng tây luôn được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Đặc biệt, măng tây là giống cây ưa sạch, nếu nguồn nước bị ô nhiễm thì cây sẽ chết. Vì vậy, tôi đã đầu tư lắp thêm hệ thống nước sạch tưới tiêu tự động”, anh Cảnh chia sẻ.

Đến gốc cũng bán được tiền

Theo anh Cảnh, mới nghe nhiều người cho măng tây là cây trồng "sang chảnh", nhưng thực ra nếu hợp đất, hợp thời tiết thì cây rất dễ tính. Cây măng tây chỉ cần đầu tư trồng 1 lần là có thể thu hoạch sản phẩm liên tục từ 8 – 10 năm. Măng tây cho thu hoạch quanh năm, giá trị kinh tế gấp nhiều lần so với trồng lúa. Để đảm bảo năng suất cao, mỗi ngày thu hoạch măng 1 lần và hái liền trong khoảng 3 tháng. Sau đó, người trồng nghỉ hái từ 25 – 30 ngày để dưỡng cây.

Măng tây xanh vừa là thực phẩm cao cấp giàu chất dinh dưỡng, vừa là loại cây trồng có nhiều dược tính phòng, chữa bệnh. Ảnh: Ngân Phạm.

Do là loại cây ưa sáng nên vào mùa hè măng tây thường cho năng suất cao hơn. Đặc biệt, măng tây phải được thu hoạch vào ban đêm bởi khi đó, thân cây mới trắng, giữ được nhiều chất dinh dưỡng bên trong. Dù mới bén duyên với mảnh đất Tiên Lãng gần 2 năm, nhưng cây măng tây xanh đã chứng tỏ sự phù hợp với chất đất nơi đây. Hiện tại, với 5 sào măng tây, mỗi ngày anh Cảnh thu được khoảng 15 kg măng. Với giá bán ra thị trường trung bình 80.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình anh thu lãi khoảng 200 triệu đồng.

Anh Cảnh cho Nhà nông/Danviet biết, trồng măng tây xanh đến nay chưa lo ế bởi cứ thu hoạch ngày nào là bán hết ngay ngày đấy. “Các thương lái trong và ngoài huyện đến tận nơi để săn đón. Thậm chí, có người thân muốn mua cũng phải đặt trước 2 – 3 ngày. Ngay cả gốc măng tây, sau khi thu hoạch và bị loại ra cũng có người đến mua về để chữa bệnh. Măng tây có tác dụng chữa các bệnh có liên quan đến dạ dày, tim mạch, phòng ngừa bệnh ung thư, tốt cho đường ruột, tăng cường hệ miễn dịch…Và đặc biệt măng tây còn có tác dụng rất tốt trong việc chữa căn bệnh hiếm muộn”- anh Cảnh nói...

Hiện nay không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình , anh Cảnh còn khuyến khích thanh niên trong và ngoài xã tiếp tục mở rộng diện tích trồng măng tây và đảm bảo cả đầu vào, đầu ra cho sản phẩm của họ.