Trang

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Cử nhân kinh tế đi nuôi lươn

Vốn đầu tư không lớn, lại mang về hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân ở TP HCM, Bình Dương đã quyết định đến với nghề nuôi lươn trong bể bê tông, thu về cả trăm triệu đồng mỗi vụ.

Tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế TP HCM và từng có thời gian hăng say kinh doanh chứng khoán, bất động sản, nhưng khi hai thị trường này không còn "hái ra tiền" do suy thoái kinh tế, anh Nguyễn Văn Hoàng (35 tuổi) quyết định chuyển hướng sang một ngành nghề hoàn toàn mới lạ với dân thành thị, đó là nuôi lươn trong bể bê tông.

"Nhìn vốn liếng ngày càng cạn dần, tôi quyết định phải tìm một mô hình kinh doanh khác ít rủi ro và bền vững hơn", anh Hoàng chia sẻ. Trong một lần tình cờ tham gia diễn đàn dành cho các nhà đầu tư, anh phát hiện ra nghề nuôi lươn đang rất phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long cho lợi nhuận cao, sẵn máu kinh doanh trong người, anh quyết tâm dành thời gian tìm hiểu.

Khâu khó nhất của trong việc nuôi lươn là chọn giống. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau nhiều tuần nghiên cứu về kỹ thuật, ích lợi từ việc nuôi lươn, anh Hoàng chắc chắn "nuôi lươn chính là nghề hái ra tiền". Sẵn có mảnh đất bỏ không do chưa tìm được người mua ở Phường Thạnh Lộc, Quận 12, anh nung nấu ý định làm giàu với con lươn.

Ban đầu, anh cũng bị nhiều người thân, bạn bè ra sức can ngăn do "mình là dân kinh tế, không biết gì về kỹ thuật nuôi trồng thì rủi ro rất cao", nhưng sau khi trải qua thất bại nhiều lần, anh vẫn quyết tâm với ý tưởng kinh doanh này. Năm 2012, anh Hoàng đã liên hệ với một số trại giống, trung tâm thủy sản An Giang để thăm quan, học hỏi kinh nghiệm. Sau khi nắm vững kỹ thuật, đến cuối năm, anh bắt tay vào xây bể lươn đầu tiên với diện tích 6m2. Ban đầu, anh nuôi một ít để rút kinh nghiệm, sau thấy khả quan anh mạnh dạn đầu tư xây khoảng 20 bể. Ước tính, tổng tiền giống và công xây dựng trang trại đạt khoảng 300 triệu đồng.

Theo anh Hoàng, chọn giống chính là khâu quan trọng nhất trong quá trình nuôi. Lươn giống phải khoẻ mạnh, kích cỡ đồng đều, lưng có màu vàng sẫm, chấm đen, bơi lội nhanh nhẹn, không xây sát, thương tổn, mất nhớt. Việc xây bể và làm đường ống cũng phải cận thận để tiện cho việc thay nước, chăm sóc. Bên cạnh đó, vị cử nhân kinh tế này cũng chủ động tìm đối tác để tiêu thụ lươn nội địa và xuất khẩu.

Kết quả là sau 6 tháng, đàn lươn thịt đầu tiên được thu hoạch, sản lượng khoảng 8 tấn, theo giá lươn trên thị trường khoảng 160.000 đồng/kg, anh Hoàng thu về hơn trăm triệu đồng tiền lãi. Sau một năm triển khai, đến nay trang trại còn tiến hành cung cấp lươn giống cho các hộ nông dân và có kế hoạch mở rộng thêm số bể. "Ước mơ của tôi là có thể phục vụ cả khâu chế biến, thông qua mở cửa hàng lươn chiên giòn", anh Hoàng bày tỏ.
Anh Nguyễn Văn Hoàng mong làm giàu với mô hình nuôi lươn trong bể bê tông. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phạm Thanh Sơn - sinh viên khoa kỹ thuật hóa học của một trường đại học tại TP HCM cũng chia sẻ đang khởi nghiệp từ nghề nuôi lươn không bùn. "Nuôi lươn không khó, quan trọng là chịu khó học hỏi về công nghệ và kỹ thuật. Công việc này cho mình nhưng trải nghiệm mà những công việc bình thường như gia sư, bán hàng không có được và sẽ giúp ích lớn cho cuộc sống sau này", Sơn tâm sự.

Tự mày mò kỹ thuật nuôi lươn qua sách báo và các diễn đàn trên mạng, giữa năm 2013, với số vốn khoảng 40 triệu đồng của bản thân và bố mẹ hỗ trợ, Sơn cùng gia đình xây 2 bể lươn tại quê nhà Bình Dương. Trong những ngày đầu, cậu sinh viên này đi đi về về giữa hai nơi để trông coi việc xây bể và thả lươn giống, khi công việc dần ổn định, mọi việc được Sơn giao lại cho người thân trong gia đình và chỉ về khi có chuyện đột xuất hoặc được nghỉ học tại trường.

Hiện Sơn đang chờ đón lứa lươn đầu tiên, song cậu chia sẻ khó nhất vẫn là tìm đầu ra. "Khoảng tháng nữa lứa lươn của mình mới xuất, nhưng từ bây giờ mình đã liên hệ trước với một số đầu mối thu mua. Phải tự chủ động đầu ra thôi", Sơn hy vọng.

Tại Việt Nam, lươn là loài thủy sản phổ biến. Thịt ngon, bổ nên được người dân trong nước rất ưa chuộng, đặc biệt, lươn cũng là mặt hàng xuất khẩu được nhiều nước ưa thích, nhất là thị trường Trung Quốc. Để đáp ứng nhu cầu về lươn thương phẩm ngày càng tăng, phong trào nuôi lươn phát triển rất mạnh ở nhiều địa phương trong cả nước.

Ban đầu, người nông dân thường chọn kiểu nuôi truyền thống là trong bùn đất, nhưng mô hình này dần bộc lộ một số hạn chế như lươn chui rúc trong bùn nên khó theo dõi số lượng, tốc độ tăng trưởng, khả năng bắt mồi, dịch bệnh…để có thể có những biện pháp xử lý kịp thời. Do vậy, nhiều hộ dân đã chuyển sang nuôi lươn không bùn, được các nhà khoa học đánh giá cho hiệu quả cao gấp 5 - 6 lần, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ lươn sạch.

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Bốn mùa thu hoạch

Theo ông Phan Xuân Vinh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Diễn Châu (Nghệ An), vùng đất bãi ngang phía đông QL 1A chạy dọc ven biển là một vùng đất cát pha, có diện tích khoảng 2.300 ha, chủ yếu đất trồng rau ngắn ngày.

Trước đây vùng đất này có thu nhập thấp nhất với cơ cấu cây trồng hằng năm thật đơn giản. Đó là, vụ xuân trồng lạc, năng suất bình quân 25 - 26 tạ/ha, sau đó là lúa mùa trỉa vãi khô xen lẫn những ruộng vừng, đậu xanh giống như một số xã huyện Nghi Lộc đang làm. Với cơ cấu này bình quân chỉ cho thu nhập từ 32 - 35 triệu đ/ha/năm.

Thấy được khó khăn lớn nhất là nguồn nước tưới và mặt bằng đồng ruộng không bằng phẳng, mùa khô hạn nặng, mùa mưa ngập úng cục bộ buộc người nông dân phải SX theo kiểu tùy cơ ứng biến, với phương châm Nhà nước và nhân cùng làm, UBND huyện Diễn Châu đã chỉ đạo các xã vùng bãi ngang tập trung cải tạo đồng ruộng, san lấp mặt bằng, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống mương máng, kết hợp giao thông nội đồng.

Ngày nay vùng đất bãi ngang thuộc các xã ven biển huyện Diễn Châu từ nghèo nàn, kém màu mỡ đã phủ một màu xanh quanh năm. Mùa xuân cây trồng chủ yếu là lạc. Lạc Diễn Châu nổi tiếng vừa nhiều vừa thơm ngon bởi phần lớn là giống lạc L14 và lạc Sen lai của quê hương xứ Nghệ.

Mỗi vụ xuân gieo trồng khoảng 1.700 - 1.800 ha lạc, chiếm 80% diện tích toàn vùng, năng suất lạc bình quân đạt 35 - 36 tạ/ha. Diện tích còn lại từ 500 - 600 ha gieo trồng các loại rau, đậu, dưa hấu…

SX dưa hấu đem lại hiệu quả kinh tế cao ở Nghệ An

Tiếp sau là vụ HT mới được hình thành trên vùng đất này trên chục năm nay. Ngày trước, sau vụ lạc xuân nông dân tranh thủ khi đất còn đủ ấm gieo trỉa lúa mùa bằng các giống lúa Bao thai, Mộc Tuyền, Ré Trầm, Ré Liệu… giờ thay vào đó là vừng và dưa hấu. Một màu xanh kín đồng từ dọc ven đường QL 1A xuống tận bờ biển, không nơi nào bỏ trống.

SX vụ HT trên vùng đất bãi ngang Diễn Châu như ngày hội. Ngày cũng như đêm, trên đồng ruộng luôn có người làm tấp nập. Ban đêm ánh điện sáng trưng, bà con ra đồng chăm sóc cây trồng, tưới nước, thu hoạch… Nhất là lúc thu dưa hấu vui như tết. Nhà nhà thu hoạch dưa, người xe tấp nập, ô tô của doanh nghiệp và tư thương ra giữa đồng để thu mua.

Theo ông Phan Xuân Vinh thì vụ HT ở vùng đất bãi ngang chưa có cây gì thời gian sinh trưởng ngắn, đầu tư ít lại cho thu hoạch cao như dưa hấu, bình quân mỗi ha trong vụ HT vừa rồi cho thu nhập bình quân từ 240 - 250 triệu đồng. Vừng và dưa hấu đều là những cây trồng ngắn ngày, dưa hấu 65 - 70 ngày, vừng 80 - 90 ngày đã cho tiền. Thu hoạch vừng, dưa hấu đến đâu thì gieo trồng cây vụ đông đến đó.

SX vụ đông năm nay ở vùng đất bãi ngang Diễn Châu được mùa lớn các loại cây rau màu, củ, quả. Trước và cả những ngày sát tết vừa rồi các loại rau ở vùng đất này bán tràn ngập khắp nơi.

Ông Ngô Bá Tuấn, Chủ nhiệm HTXNN Diễn Kỹ cho hay, HTX có 250 ha đất canh tác, trong đó 100 ha đất cát pha SX chuyên canh các loại cây rau màu 3 vụ/năm. HTX đã đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây lấp hoàn chỉnh hệ thống điện phục vụ cho bà con SX và cả thu hoạch ban đêm.

Còn ông Hoàng Tất Thành, Chủ nhiệm HTXNN Tiến Thành cho biết: Toàn HTX có 217 ha, trong đó 180 ha đất cát pha ven biển chuyên canh cây rau màu các loại đạt doanh thu bình quân 200 triệu đồng/ha/năm. Để đạt được thu nhập nêu trên, vấn đề đầu tiên là phải có nước tưới và có điện để bơm. Vì vậy HTX đã đầu tư trên 500 triệu đồng để kéo điện ra đồng. Đồng thời liên kết với Trạm Khuyến nông huyện tập huấn kỹ thuật SX. HTX đang phấn đấu đạt doanh thu 250 triệu đ/ha/năm vào 2015.

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Sen - cá lãi cao

Mỗi vụ trồng sen kết hợp nuôi cá, ông Trần Thanh Tùng, 51 tuổi ở ấp 6, xã Hòa Mỹ (Phụng Hiệp, Hậu Giang) lãi trên 70 triệu đồng trên diện tích 1,5 ha đất phèn, trũng sâu. Đây là mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng khá phù hợp với vùng đất canh tác lúa kém hiệu quả.

Ông Tùng bên cánh đồng sen

Ông Tùng chia sẻ: Làm lúa đất trũng không có lãi, thấy được việc trồng sen, nuôi cá thích hợp hơn nên mạnh dạn đầu tư. Trồng sen ít tốn công chăm sóc, ít bệnh, chi phí đầu tư bỏ ra nhẹ hơn so với lúa, mà lợi nhuận thì cao hơn rất nhiều lần. Năm 2013, ông Tùng bắt đầu trồng 3.500 con sen, với khoảng cách 4 m2/cây trên 1,5 ha đất trũng, phèn. Đồng thời, kết hợp thả nuôi 7 kg cá các loại. Sau 3 tháng bắt đầu thu hoạch sen và thu kéo dài đến vài tháng.

Sen là loại cây rất dễ trồng, cứ 6 tháng sen sẽ cho thu hoạch gương 1 lần, cứ 3 ngày thu hoạch 1 lần, mỗi công trung bình có thể thu hoạch được 300 - 350 kg, giá gương ổn định từ 10. 000 - 12.000 đ/kg.

Ngoài sen, mỗi vụ ông Tùng còn thu trên 1,2 tấn cá nuôi, với mức giá 20.000 đ/kg thu lãi 25 triệu đồng, lại không tốn chi phí chăm sóc, thức ăn. Tổng chi phí chỉ 2,5 triệu đồng mua thuốc sâu, phân bón, cá giống. Khoảng 2 tháng nữa ruộng sen lại bước vào thu hoạch. Nhờ học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nên sen năm nay phát triển tốt hơn năm ngoái. Lượng cá đồng trong ao cũng tăng. Ước tính thu hoạch sen, cá năm 2014 sẽ cho lãi trên 80 triệu đồng.

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Trồng dưa hấu hiệu quả

Gia đình ông Hồ Đức Cát ở xóm 4, xã Hưng Nhân (Hưng Nguyên) có gần 1 mẫu đất bãi, trừ diện tích trồng màu, còn hơn 3 sào đất cát bạc màu, ông đem cây dưa hấu trồng thử không ngờ cho hiệu quả kinh tế rất cao.


Cây có thời gian sinh trưởng rất ngắn, chỉ 55 - 60 ngày, mỗi lần trồng cho hoạch 10 -12 lứa quả, năng suất đạt 6 - 7 tạ/sào. Chỉ với 3 sào dưa đã cho gia đình ông thu nhập trên chục triệu đồng.

Ông Cát cho biết: Dưa hấu trồng từ đầu tháng Giêng đến trung tuần tháng 7 âm lịch. 2 ngày tưới nước 1 lần, 10 ngày tưới phân đạm 1 lần. Vào thời gian thu hoạch, sáng sớm cả nhà phải ra đồng soi đèn lựa những quả to để thu hái, chất lên xe chở ra chợ Vinh tiêu thụ. Vụ dưa năm ngoái sau khi trừ các khoản chi phí gia đình tích luỹ trên 30 triệu đồng. Gia đình ông dự tính sau khi thu hoạch lạc xuân sẽ trồng tiếp 5 - 6 sào dưa nữa.

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

Trồng tre măng Điền Trúc

Cây tre lấy măng Điền Trúc đã góp phần giảm nghèo cho đồng bào dân tộc Cơ Tu tại xã miền núi Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Sau 3 năm thâm canh tre măng cho thu hoạch từ 20 - 30 tấn/ha/năm. Với giá bán 4.000 - 8.000 đ/kg thì 1 ha cho thu nhập khoảng 80 - 240 triệu đ/năm.

Mạnh dạn chuyển đổi

Ông Lê Văn Hai, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Đà Nẵng cho biết, cây tre măng Điền Trúc được đưa về từ năm 2003 trồng thí điểm tại 3 xã Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Bắc (Hòa Vang) với diện tích trên 15 ha.

Đến năm 2010, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, cùng sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Đà Nẵng (nguồn kinh phí Trung ương và địa phương) hỗ trợ 100% cây giống, phân bón đã nhân rộng mô hình tre măng Điền Trúc ở 2 thôn Tà Lang và Dàn Bí lên 4,2 ha (mỗi ha 500 gốc). Đây là 2 thôn nghèo của xã Hòa Bắc, chủ yếu là đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống.

Trước đó, mô hình tre măng Điền Trúc trồng thí điểm ở 2 thôn này với diện tích 2 sào. Nhưng do tập quán canh tác của người dân miền núi thường thả rông trâu bò nên nương rẫy trồng măng bị phá hoại, hiệu quả chưa cao. Rút kinh nghiệm lần trước, Trung tâm phối hợp với Hội Nông dân xã Hòa Bắc vận động người dân rào vườn không thả rông trâu bò vào ban đêm nên hầu như nương rẫy không bị phá hoại, sau 3 năm trồng hiệu quả trông thấy.

Nhiều hộ thoát nghèo nhờ trồng măng Điền Trúc

Đến nay, đã có hơn 60 hộ trên tổng số 208 hộ dân tộc Cơ Tu ở hai thôn Tà Lang, Dàn Bí trồng tre măng Điền Trúc, trung bình mỗi hộ trồng từ vài sào tới hơn 1 ha hàng năm cho thu nhập đáng kể.

Dễ chăm sóc, lợi nhuận cao

Anh Nguyễn Cửu Phi (thôn Tà Lang) cho biết năm 2010 gia đình anh chỉ trồng 30 gốc tre măng Điền Trúc thử nghiệm, qua hơn 2 năm thấy hiệu quả nên trồng thêm 270 gốc. Theo anh, sau thời gian chăm sóc, theo dõi sinh trưởng và phát triển của tre Điền Trúc cho thấy giống cây này phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương.

Tre măng sinh trưởng phát triển tốt, chưa thấy xuất hiện sâu bệnh lạ. Hầu hết diện tích trồng tre của người dân có tỷ lệ cây sống cao đạt trên 90%, chiều cao cây tre đạt 2 - 3 m. Hiện có khoảng trên 85% số gốc đã ra măng và phát triển thành 1 - 3 cây tre.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn tre măng lâu năm của mình, anh Đỗ Tiến thổ lộ: “Năm 2003, tôi trồng 70 gốc thử nghiệm, tới năm 2007 trồng thêm 80 gốc, thấy dễ trồng và chăm sóc nên nhân giống vườn măng của mình lên 400 gốc như hiện tại. Năm đầu tiên tôi trồng định hình, sang năm thứ 2 cho thu hoạch bói (chưa chính thức) vì để tre phát triển thêm cây mới, đến năm thứ 3 thì cho thu hoạch đại trà”.

Với hơn 400 gốc mỗi năm anh Tiến thu hoạch khoảng 16 - 24 tấn măng/năm, bình quân 40 - 60 kg măng/gốc tre/năm. Khi được giá bán 4.000 - 8.000 đ/kg cho thu nhập khoảng 64 - 190 triệu đ/năm. Ngoài việc bán tre măng anh Tiến còn nhân chiết giống bán cho Công ty Giống cây trồng Đông Giang (Quảng Nam) và Nông trường Hải Vân (Đà Nẵng). Hàng năm anh nhân chiết khoảng 3.000 - 5.000 cây giống tùy theo nhu cầu thị trường.

Theo anh, trồng măng rất dễ bán vì nguồn cung luôn thiếu so với nhu cầu thị trường lại được tư thương tới tận nơi thu mua. Mặt khác, nếu măng ra trái mùa thì giá bán cao hơn từ 8.000 - 10.000 đ/kg. Thị trường tiêu thụ măng tại Đà Nẵng khá ổn định, thu hoạch bán rất nhanh, chưa có tình trạng rớt giá thê thảm.

Ông Đỗ Viết Vỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Bắc cho biết:

“Đồng bào Cơ Tu vui mừng, phấn khởi khi cây tre măng Điền Trúc có giá trị kinh tế cao góp phần giảm nghèo, trồng 1 lần cho thu hoạch nhiều lần, sản phẩm từ măng có thể chế biến ra nhiều loại như măng tươi, măng khô, măng luộc... tiêu thụ thuận lợi tại thị trường Quảng Nam, Đà Nẵng”.


Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

Tỷ phú cửa biển Hố Gùi

Cách đây hơn 20 năm, Hai Ánh (Phạm Ngọc Ánh, SN 1947) dẫn vợ con về ấp Hố Gùi, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau sang lại 14 ha đất rừng còn hoang hóa của Nông trường 2 ở ngã ba sông Hố Gùi (cách cửa biển Hố Gùi khoảng 2 km). Thấy vậy nhiều người cười bảo ông đất ở đâu không mua lại chọn miếng đất mom sông. Ấy thế mà, vài năm sau người ta phải gật đầu thán phục gọi Hai Ánh là tỷ phú.

Bằng giọng nói từ tốn, Hai Ánh kể cho chúng tôi nghe con đường chinh phục vùng đất phèn mặn từ những ngày đầu khi mới về lập nghiệp: “Khó khăn, vất vả dữ lắm chú ơi. Hồi đó không biết bà nhà tôi đã khóc bao nhiêu lần. Bà ấy trách tôi sao không chịu ở thành thị mà đưa về đây ở trong căn chòi nhỏ giữa rừng. Tôi nói với bà, đất ở đâu cũng không phụ lòng người, chỉ sợ con người không đủ sức và nghị lực khai phá mà thôi”.

Nuôi cá nước ngọt cửa biển

Xuất thân từ gia đình nông dân có truyền thống cách mạng, sau ngày giải phóng Hai Ánh không ở lại thành thị như bao người khác mà quyết định chọn vùng đất sát cửa biển Hố Gùi để phát triển kinh tế gia đình.

Ông tâm sự: “Thú thật khi mới đặt chân đến vùng đất này, tôi nghĩ quê hương mình có thế mạnh là “rừng vàng biển bạc”. Hơn nữa đất đai lại màu mỡ, tại sao rau cải, cá mắm không có để ăn… Từ những suy nghĩ đó tôi quyết tâm làm giàu cho bằng được trên vùng đất bị người ta chê”.

Mô hình nuôi cá nước ngọt đang đem về thu nhập cao

Sau khi sang lại 14 ha đất rừng, Hai Ánh bắt tay ngay vào công việc cải tạo đất. Hằng ngày ông ra sức đào mương, lên liếp, khai thông dòng chảy để nuôi tôm, nuôi cua… Đất không phụ công người, vuông tôm hơn 10 ha của Hai Ánh đã cho thu hoạch hàng chục triệu đồng/tháng. Từ những thành công bước đầu, ông nông dân thứ thiệt này tiếp tục bỏ công sức biến đất phèn mặn thành những bờ rau, ao cá.

Nắm bắt được thổ nhưỡng của vùng đất này là vào khoảng tháng 10 âm lịch hằng năm nước mặn sẽ dâng cao, nên khi đào mương nuôi cá nước ngọt Hai Ánh lên liếp cao hơn mực nước dâng. Nhớ lại lần đầu đào ao nuôi cá, Hai Ánh nói vui: “Ban đầu gan chưa lớn nên tôi chỉ đào một ao (hơn 500 m2) để nuôi thử. Thả đủ loại cá như cá tra, tai tượng, cá bổi, điêu hồng… đến cuối năm ao nước ngọt này cho thu hoạch hơn 500 kg cá. Sau khi trừ tất cả chi phí tôi còn lãi hàng chục triệu đồng. Hăng máu nên tôi quyết định đào thêm nhiều ao, áp dụng nhiều mô hình mới như nuôi ba ba, nuôi gà, vịt… còn trên bờ thì trồng đủ các loại rau màu, cây ăn trái”.

Từ một ao cá nước ngọt ban đầu, Hai Ánh nhân rộng ra thành 5 ao với diện tích hơn 4.000 m2, một năm cho thu hoạch hai lần, hơn 2 tấn cá các loại. Hơn 20 năm qua mô hình nuôi cá nước ngọt của Hai Ánh đã đem lại nguồn thu trên dưới 100 triệu đ/năm cho gia đình.

Ông Phạm Hoàng Sang, ngụ cùng địa phương thán phục: “Thú thật bây giờ nhìn thấy mô hình phát triển kinh tế của Hai Ánh mà phát ham. Hồi ông ấy mới bắt tay vào làm, ngay cả tôi là bạn thân của ông cũng không thể tin là thành công. Vì vùng đất này chỉ nằm cách cửa biển chưa đầy 2 km, nước mặn quanh năm. Vậy mà Hai Ánh đã tạo ra hẳn một trang trại với nhiều mô hình hiệu quả”.

Để có được nước ngọt, trong quá trình đào mương, Hai Ánh đặt ống dẫn nước ngọt từ giếng khoan ra từng ao. Đồng thời làm hệ thống thoát nước mặn ở tầng đáy phòng ngừa nước mặn ngấm vào khi mùa nước dâng. Sau khi chuẩn bị ao mương kỹ càng, Hai Ánh bắt đầu thả cá giống xuống nuôi. Ban đầu khi cá nhỏ Hai Ánh sang vùng U Minh tìm bèo về thả xuống ao làm thức ăn cho cá.

Dưới ao nuôi cá, trên bờ trồng màu, cây ăn trái

“Bèo chỉ giải quyết được thức ăn cho hàng tấn cá ở 5 ao lúc chúng còn nhỏ. Đến khi cá lớn thì phải cho ăn bằng các loại cá tạm mua ngoài cửa biển. Để có tiền mua cá tạp tôi quyết định trồng bông súng Đà Lạt ở 5 ao. Bông súng bán mỗi kg 10 ngàn, mỗi ngày thu hoạch khoảng 20 kg, trong khi cá tạp mua mỗi kg chưa tới 3.000 đồng. Như vậy tôi khỏi phải móc tiền túi ra mà vẫn có tiền mua thức ăn cho cá khỏe re”, Hai Ánh nói.

Ngoài các mô hình kinh tế nước ngọt, đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm cho gia đình, Hai Ánh còn áp dụng nuôi hàu gạch, hàu dây trong vuông tôm quảng canh cải tiến cho thu nhập cao. Nhờ biết làm ăn và ý chí làm giàu nên từ một nông dân không có “cục đất chọi chim” ngày nào, đến nay Hai Ánh đã có trong tay hàng chục ha đất (18 ha đất rừng đước đang vào độ tuổi thu hoạch, 12 ha nuôi tôm) với tổng nguồn thu gần 1 tỷ đ/năm.

Ông Hai sáng kiến

Ở ấp Hố Gùi, Hai Ánh không chỉ được biết đến là người đầu tiên phát triển được các mô hình kinh tế nước ngọt, mà ông còn được biết đến bởi sáng kiến dùng tre thay sắt thép khi làm cống sổ vuông, góp phần làm giảm chi phí hàng chục triệu đồng/cống cho người dân địa phương.

Nói về việc dùng tre làm khung đổ cống, Hai Anh phấn khởi: “Cách đây khá lâu tôi có dịp tham quan nhiều công trình thủy lợi ở nhiều địa phương khác. Khi về tôi suy nghĩ đến việc dùng thanh cây tre thay cho sắt làm khung đổ cống. Không ngờ khi bắt tay vào làm hiệu quả mang lại thấy rõ”.

Theo Hai Ánh, muốn cho cống có tuổi thọ lâu thì nên dùng tre Mạnh tông hay tre gai già. Cách thức làm cũng hết sức đơn giản, sau khi mua tre về chẻ ra thành miếng có kích thước bằng sắt 10, phơi khô. Khi tiến hành làm khung cống nên để khoảng cách từ 1 đến 1,1 tấc, dùng dây kẽm cột khung, sau đó là đổ hồ thông thường như khi dùng bê tông cốt thép. Chỉ tay về cái cống trước cửa nhà mình, Hai Ánh tự hào: “Cái cống có bộ khung bằng tre của tôi đã có tuổi đời gần 30 năm mà chưa hề hấn gì”.

Thu hoạch bông súng trong ao

Ông Sáu Lượt, ngụ cùng địa phương nói: “Sáng kiến dùng tre thay bê tông cốt thép khi làm cống sổ vuông tôm của Hai Ánh rất hay. Với giá sắt như hiện nay, quân bình một cái cống phải mất hơn 10 triệu đồng tiền sắt, còn khi dùng tre thì mất không tới 1 triệu đồng, mà độ bền của cống rất cao”.

Nhận xét về người nông dân tài ba này, ông Nguyễn Truyền Thống, Chủ tịch UBND xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn khẳng định: “Ông Hai Ánh là niềm tự hào và là tấm gương tiêu biểu đáng để nhiều người học hỏi. Ngoài việc biết làm giàu cho gia đình, Hai Ánh còn nhiệt tình truyền đạt kinh nghiệm giúp bà con ở địa phương làm giàu”.

Với những thành tích của mình, Hai Ánh là nông dân duy nhất đại diện cho Hội Nông dân tỉnh Cà Mau tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 8, tại Hà Nội năm 2010. Ngoài ra, ông còn liên tiếp nhận được nhiều Bằng khen “Nông dân SX giỏi" và "Nông dân tiên tiến” cấp huyện, tỉnh, Trung ương.

Kỹ sư Phạm Trường Giang, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Năm Căn khẳng định, nếu so sánh giữa sắt và tre trong xây dựng thì không thể so được. Nhưng tre thay sắt trong trường hợp đổ cống thì có thể giảm được chi phí. Vì cống vuông tuổi thọ khoảng 15 đến 20 năm là tốt. Trong vùng nuôi trồng thủy sản như Cà Mau hay Năm Căn thì nông dân nên mạnh dạn áp dụng.

Trong thời gian tới ngành chức năng sẽ nhân rộng cách làm này ra nhiều địa phương khác nhằm giảm chi phí SX cho người dân.


Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

Làm giàu với dưa lưới trong nhà màng

Hai vợ chồng anh Trần Hữu Vũ và Văn Thị Cẩm Lệ là những người đầu tiên lập trang trại trồng dưa lưới trong nhà màng ở Tây Ninh, mỗi năm thu hoạch 36-40 tấn với giá bán 22.000 – 28.000 đồng một kg.

Từng gắn bó với ngành địa ốc hơn 10 năm, rồi chuyển sang điều hành cơ sở kinh doanh gia đình, giờ đây vợ chồng chị Văn Thị Cẩm Lệ và anh Trần Hữu Vũ lại hướng sang lĩnh vực nông nghiệp tại ấp Suối Sâu, xã An Tịnh, Trảng Bàng - Tây Ninh với mô hình trồng dưa lưới trong các nhà màng.

Cách đây hai năm, vợ chồng chị Lệ có dịp tham quan Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM, rất ấn tượng khi thấy dưa lưới treo lủng lẳng trên các dây, quy trình trồng bài bản, không tốn nhiều nhân công, phù hợp với khí hậu nhiệt đới. Hơn nữa, trồng dưa lưới trong nhà màng lợi gấp 3 lần diện tích trồng ngoài ruộng.
Dưa lưới từ lúc trồng cho đến thu hoạch khoảng 55-65 ngày. Ảnh nhân vật cung cấp

Từ buổi trải nghiệm đó, anh chị bắt đầu tìm hiểu cặn kẽ về dưa lưới, từ kỹ thuật trồng bán thủy canh theo công nghệ tưới nhỏ giọt kiểu Israel, đến lựa chọn các kiểu xây dựng nhà màng thế nào cho phù hợp với cây dưa lưới trong điều kiện khí hậu nóng ẩm của vùng đất Tây Ninh.

Chị Lệ cho biết, lâu nay nông dân ở các tỉnh như Long An, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu... trồng dưa lưới ngoài ruộng theo từng luống. Trồng cách này, dưa thường bị nám một bên do nằm dưới đất, dễ bị sâu bệnh, côn trùng phá hoại, rụng trái hàng loạt bởi sương muối...

Năm đầu tiên, anh Vũ cho biết, do chưa có kinh nghiệm, cộng với sử dụng màng lưới không đúng kỹ thuật, khiến vườn bị bọ trĩ nhiều, tỷ lệ hao hụt gần 50% dù trái thu hoạch vẫn đạt khoảng 2 - 3 kg một trái.

Sau thất bại này, anh chị tiếp tục học kinh nghiệm từ các kỹ sư nông nghiệp về các loại bệnh trên cây, rong ruổi lên Đà Lạt xem các mô hình hệ thống nhà màng và quyết định xây thêm 2 nhà màng nữa. Lần này, anh chị cho gia cố thêm sắt thép để giàn khung có thể chịu lực 5-6 tấn dây và trái treo trên cáp cho mỗi khu nhà màng.

Vợ chồng anh chị Lệ đang dự định mở rộng thêm 10.000 mét vuông nhà lưới, với kỳ vọng thu hoạch 15-25 tấn dưa mỗi tháng. Ảnh nhân vật cung cấp

Hiện tại, trang trại của anh chị rộng khoảng 7.000 mét vuông, trong đó diện tích nhà lưới 4.500 mét vuông, làm đúng tiêu chuẩn, không thưa cũng không quá dày, nhiệt độ bên trong duy trì không quá 45 độ C, có bổ sung thêm hệ thống phun sương. Mỗi cây trồng trong một bầu giá thể, được lót bạt cao su cách ly với nền đất. Đồng thời, bón phân kết hợp với tưới nước nhỏ giọt được dẫn đến tận gốc theo đúng mức độ yêu cầu và hoàn toàn tự động. Từ lúc trồng cho đến thu hoạch khoảng 55-65 ngày, tùy thời tiết, hoặc 90-100 ngày, tùy giống.

Theo chị Lệ, dù trồng trong nhà lưới, côn trùng không vào được, nhưng vẫn phải rất kỹ khâu vệ sinh để tránh vi nấm lây lan. Cụ thể khi tỉa, cắt cành trên cây xong, phải đem ra ngoài ngay. Ngoài ra, chăm tỉa quấn cành trong giai đoạn đầu phải rất tỉ mỉ, để dây dưa bò thẳng trên dây. Việc thụ phấn cũng cần đúng lúc và kịp thời (thường vào sáng sớm), để trái tăng trưởng đồng loạt, tròn đều, lưới trên trái đẹp.

Hiện tại, mỗi năm trang trại thu hoạch ít nhất 4 vụ, năng suất bình quân khoảng 3 tấn trên 1.000 mét vuông cho mỗi vụ, với trên 90% là dưa loại một, trọng lượng khoảng một kg trở lên tùy giống.

Anh Vũ cho hay, ngày càng nhiều người biết đến trang trại, ghé thăm và tìm hiểu về cách trồng dưa lưới trong nhà màng.Cách đây 3 tháng, anh chị đã nhận được giấy chứng nhận VietGap cho trang trại.

Giá bán dưa lưới ngay tại nhà vườn hiện khoảng 22.000 – 28.000 đồng một kg, tùy theo giống. Thông thường, người mua thích chọn loại dưa 2 kg trở xuống. Dưa của anh chị hiện được bao tiêu, cung cấp cho hệ thống các siêu thị lớn tại TP HCM.

Chi phí đầu tư trong phạm vi nhà lưới trung bình 350.000 đồng một mét vuông. Hệ thống ống tưới khoảng 350 triệu đồng cho 1.000 mét vuông, chưa kể các khoản chi khác cho nhà điều hành, sân bãi, bể ngầm... Hiện tại, nhà vườn có 5 công nhân làm việc với trang thiết bị phần lớn là tự động hóa theo công nghệ tưới Israel.

Với năng suất và giá bán như hiện nay, anh Vũ tính toán, sau 2-3 năm, có thể thu hồi vốn đầu tư. Anh chị đang dự định mở rộng thêm 10.000 mét vuông nhà lưới, với kỳ vọng thu hoạch 15-25 tấn dưa mỗi tháng.

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Nuôi "đồ bỏ" thu tiền triệu

Trước đây, dân miền Tây coi tép, cua, ốc, dông... như "đồ bỏ", ít người muốn nuôi. Còn nay, những "đồ bỏ" đang mang thu nhập cao cho nhiều người, khi chúng bỗng thành đặc sản.

Nhiều nông dân miền Tây đang đẩy mạnh nuôi cua, ốc, tép đồng... để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của các nhà hàng, khách sạn trong vùng và thị trường TP.HCM.


Mô hình nuôi cua đồng của gia đình ông Nguyễn Văn Khánh, ấp Hưng Quới, xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp không tốn kém nhiều chi phí đầu tư, nhưng mỗi năm mang lại lợi nhuận từ 30-40 triệu đồng.


Ông Khánh cho biết, nuôi cua rất dễ, chỉ cần bao lưới xung quanh cao chừng 1 mét, giữ mực nước trong ruộng khoảng 5-7cm thì có thể mua cua về thả nuôi. Với 1.000 m2 đất ruộng, gia đình thả khoảng 2-4 tấn cua.


Từ một hộ nghèo ở khóm Tây Khánh 7, phường Mỹ Hoà, TP. Long Xuyên (An Giang), anh Huỳnh Chấn Kim” kiếm vài trăm ngàn mỗi ngày nhờ nuôi tép đồng (tép rong) trong ao. Trong ảnh, anh Kim rải thức ăn viên công nghiệp cho tép ăn.


Nuôi tép rong cũng không tốn nhiều chi phí thức ăn, công chăm sóc. Với diện tích 2.500m2 nuôi tép kết hợp trồng bông súng, hàng ngày gia đình anh bắt tép đi bán thu từ 400.000 – 500.000 đồng.


Ông Ngô Thành Lâm, ở khu vực Tân Thạnh, Phường Trường Lạc, quận Ô môn (TP. Cần Thơ) nuôi 2ha ốc trong ao vườn cây ăn trái, cho biết: "Nuôi ốc không cần đầu tư, chúng tự sinh sôi nẩy nở, tự tìm thức ăn sẵn có trong ao. Ốc nuôi từ lúc mới nở trứng đến thu hoạch khoảng 2 - 3 tháng, nuôi loại này dễ bán lại lời cao".


Bình quân một tháng ông Lâm thu hoạch ốc hai lần, giá ốc bán tại nhà 13.000 -15.000 đồng/kg, còn bán tại chợ giá từ 18.000 -20.000 đồng/kg.


Anh Bùi Vĩnh Thái, ở ấp Hòa Thuận, xã Hòa Bình, huyện Châu Thành – An Giang là người đầu tiên ở An Giang nuôi thành công cá chạch bùn với diện tích 10 ao (5ha).


Hiện giá cá bán tại ao là 350.000 đồng/kg, còn bán ở nhà hàng giá từ 500.000 đồng đến 550.000 đồng/kg) nhưng không phải dễ tìm mua. Bình quân mỗi tháng gia đình anh Thái thu nhập hàng chục triệu đồng.


Anh Trần Văn Chánh ở ấp Bà Đen, xã An Cư, huyện Tịnh Biên – An Giang đang đầu tư nuôi dông tự nhiên trên vùng đất nhà.


Hiện giá dông rất cao, dao động từ 350.000-400.000 đồng/kg được nhiều nhà hàng, quán ăn săn lùng.


Nhiều nông dân ở vùng Bảy Núi – An Giang cũng đang phát triển mạnh nuôi tắc kè (thằn lằn núi).


Mỗi kg tắc kè được bán với giá tiền triệu giúp nhiều người thu đến trăm triệu mỗi năm.

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

Ớt ngọt lãi to

Niên vụ đông xuân 2013 – 2014, anh Nguyễn Hùng Lân ở thôn Lạc Viên, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đã mạnh dạn đầu tư trên 90 triệu đồng để trồng 12.000 cây ớt ngọt giống ARISTONE trên diện tích 3.000m2 đất sản xuất nông nghiệp.

Nhờ biết đầu tư phân bón đúng thời vụ đồng thời chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, do đó vườn ớt ngọt của gia đình anh Lân phát triển tốt không xảy ra nấm bệnh.


Đặc biệt là ớt ngọt từ trước Tết nguyên đán đến nay thị trường tiêu thụ mạnh, lại được giá cao nên chỉ sau hơn 2 tháng thu hoạch, gia đình anh Lân đã thu nhập từ 3 sào ớt ngọt, bán với giá từ 20.000 - 29.000đ/kg.

Tổng thu nhập được hơn 550 triệu đồng, sau khi đã trừ các khoản chi phí đầu tư anh còn lãi trên 375 triệu đồng. Anh Lân khẳng định, nếu với diện tích đó mà trồng cây cải thảo hoặc cây bắp sú thì thu nhập chỉ được 20 triệu đồng. Hiện nay vườn ớt ngọt của gia đình anh Nguyễn Hùng Lân vẫn đang ra quả và tiếp tục cho thu hoạch đến hết tháng 3./2014.

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Nuôi cá sặc rằn thu tiền tỷ

Hơn một tỷ đồng là số tiền lãi hằng năm của anh Trần Văn Khoát ở ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) nhờ mô hình nuôi cá sặc rằn.

Anh Khoát (40 tuổi) ấp ủ giấc mơ làm giàu từ rất lâu, nhưng loay hoay mãi với mấy công ruộng vẫn không thể khá được. Năm 2009, anh mạnh dạn mướn xe múc 3.000 m2 đất ruộng làm ao nuôi cá sặc rằn. Đúng là “vạn sự khởi đầu nan”, năm đầu tiên còn thiếu kinh nghiệm lỗ hơn 100 triệu đồng. Thấy lỗ lớn gia đình và nhiều người khuyên bỏ cuộc, nhưng với quyết tâm phải thành công, anh đã tự tìm tòi học hỏi kỹ thuật nuôi và rút kinh nghiệm từ lần thất bại.

Thu hoạch cá sặc rằn

Năm 2010, anh thả 5.000 con giống vào 4 ao nuôi đã được xử lý rất kỹ. Sau 8 tháng chăm sóc, cá đạt trọng lượng 6 con/kg. Năm đó anh thu được 7 tấn, tính ra tiền được khoảng 550 triệu đồng, trừ chi phí còn lời 300 triệu.

Tiếp nối thành công trên, anh Khoát mạnh dạn đầu tư nhiều hơn. Đến năm 2013 anh mở rộng diện tích lên 7.000 m2. Sản lượng thu được khoảng 25 tấn, với giá cá khá ổn định, dao động từ 80 - 100 ngàn đồng/kg, anh thu được khoảng trên 2 tỷ đồng. Trừ chi phí thức ăn khoảng 800 - 900 triệu và tiền thuê nhân công, còn lãi hơn 1 tỷ.

Trong thời gian 5 năm nuôi cá, từ 2009 - 2013, trừ tất cả các chi phí anh Khoát thu về gần 5 tỷ đồng. Sau vài năm chúng mánh, căn nhà gỗ trước đây đã được thay bằng một căn hộ sang trọng với đầy đủ tiện nghi.

Theo anh Khoát nuôi cá sặc rằn không khó lắm, về kỹ thuật khá đơn giản. Diện tích ao nuôi có thể dao động từ 300 - 1.000 m2, bờ bao phải cao để tránh ngập lụt. Trước khi thả cần phải cải tạo ao. Đầu tiên là hút bớt bùn cặn bưới đáy, sau đó vãi vôi sống (CaO) để hạ phèn và diệt khuẩn, khoảng 10 kg CaO/1.000 m2 là phù hợp. Sau khi cải tạo xong tiến hành lấy nước vào để thả cá giống con, mực nước ao nuôi khoảng 1,5 - 2 m.

Về cá giống, trọng lượng khoảng 250 con/kg là phù hợp để thả, mật độ cá con khi thả vào khoảng 20 - 30 con/m2 là tốt nhất. Trong thời gian nuôi nên chú ý thay nước mỗi tháng từ 1 - 2 lần.

Sau mỗi vụ thu hoạch, anh Khoát luôn chọn ra những con cá bố mẹ tốt nhất để ép sinh nở, nhằm chủ động nguồn cá con. Hiện tại anh đã đầu tư xây 3 bể để ép cá con. Chính vì thế anh không lo về nguồn cá giống kém chất lượng. Thậm chí là điểm cung cấp nguồn cá giống cho những hộ khác.

Anh Khoát cho biết thêm, khó khăn đáng kể nhất khi nuôi cá sặc rằn là cá bị bệnh về đường ruột và bị nấm. Nhưng có thể theo dõi để phòng ngừa, vấn đề này cũng không quá khó để khắc phục.

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2014

Nuôi cá trê lai hốt bạc

Không đến tận ao nuôi cá trê lai của bà con thôn Phú Sơn 2, xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang (Đà Nẵng) thật khó tin về nguồn thu hơn 100 triệu đồng/sào ao (500 m2). Tính ra, mỗi năm người nuôi cá ở đây thu hơn 2 tỷ đồng/ha.

Có lẽ hiếm hoạt động kinh tế nào của nhà nông đạt nguồn thu kỷ lục như vậy, bởi ở Hoà Vang SX lúa, năm được mùa nhất 13 tấn/ha, gặp lúc được giá cũng chỉ đạt 70 - 80 triệu đồng.

Theo chân Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Khương Trần Hữu Khoá, chúng tôi đến khu vực có hàng chục ao nối tiếp nhau sát kênh chính hồ Đồng Nghệ. Tại đó, nhiều người đang cho cá ăn. Khi ông Trần Văn Chính vãi thức ăn xuống, mặt ao bỗng dưng nổi sóng, từng đàn cá nổi lên dày đặc tranh nhau đớp mồi.

Ông Chính cho biết: "Cá trê lai, mật độ thả 30 - 35 con/m2. Chỉ sau 4 tháng kể từ khi thả, cá đạt trọng lượng gần nửa kg/con. Trung bình, mỗi sào thu 1,5 - 1,8 tấn. Với giá 27 nghìn đồng/kg, mỗi năm hơn 2 lứa, thu trên 100 triệu đồng/sào là thường. Với nhà tôi, trước tết thu hoạch 2 ao 1.000 m2, trừ hết các khoản chi phí lãi ròng 100 triệu đồng. 2 ao này chừng nửa tháng nữa thu hoạch".

Khu vực nuôi cá trê lai của thôn Phú Sơn 2, xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang

Lão nông gần 40 tuổi đúc kết: "Từ trước đến nay triển khai nhiều hoạt động kinh tế, nhưng chỉ nuôi cá trê lai đem lại nguồn thu lý tưởng và ổn định nhất. Thực ra, hàng chục năm nay cá nước ngọt nuôi khá phổ biến ở Hoà Khương, nhưng thả trê lai chưa lâu. Loại cá này nuôi không khó, năng suất rất cao, duy chỉ đầu ra sản phẩm không phải lúc nào cũng thuận lợi".

Vài ba năm gần đây, khách hàng từ Tây Nguyên đến đặt mua số lượng lớn, bà con mới có cơ hội mở rộng diện tích. Nghe nói họ mua vận chuyển sang Lào và Campuchia tiêu thụ. Được cái, hễ xuất bán là thu hết cả ao, rất tiện thả lứa khác.

Ở Phú Sơn 2, hộ ông Trần Hữu Chung đã đổi đời từ hoạt động nuôi cá trê lai. Trên 5 sào ao, năm nào hộ nông dân ở vùng trung du này cũng thu gần 20 tấn cá, tổng doanh thu trên dưới nửa tỷ đồng. Hỏi về chi phí, lão nông này nói ngay: "Tính tất tần tật các thứ từ con giống, thức ăn, công chăm sóc, thuốc xử lý… khoảng gần một nửa. Với hoạt động này hộ thả nuôi 5 sào ao, thu lãi ròng 250 - 300 triệu đồng khá phổ biến".

Chỉ vào ngôi nhà bề thế bên đường bê tông rộng 5,5 mét, ông cho biết: "Cách đây dăm năm, nhà cửa thôn này khá xập xệ, thế mà chỉ 3 - 4 năm nuôi cá hộ nào hộ nấy xây nhà chẳng khác biệt thự". Tìm hiểu về kỹ thuật nuôi trê lai, ông Chung bật mí: "Thực ra trê lai là loại dễ nuôi nhất trong các loại cá nước ngọt. Nó ăn rất tạp và lâu ngày chưa thay nước cũng chẳng sao. Tuy vậy, để đạt năng suất cao, trước hết phải thả con giống tốt".

Hiện bà con ở đây lấy giống tại Phú Ninh, Quảng Nam. Thức ăn cho cá là loại chế biến sẵn, hoặc cá biển xay nhuyễn. Mỗi ngày cho ăn một lần vào buổi sáng, tỷ lệ phụ thuộc vào tuổi thả. Có điều kiện thay nước thường xuyên cá chóng lớn và hạn chế dịch bệnh.

Quá trình nuôi thường xuyên xử lý ao bằng nước vôi. Nuôi trê lai tỷ lệ hao hụt thấp, cá chóng lớn, nhờ vậy năng suất vượt trội so các loại cá khác. Hộ nuôi đúng quy trình kỹ thuật có thể đạt 2 tấn/sào/ lứa.

Giở cuốn sổ đem theo, ông Trần Hữu Khoá, Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Khương nói như khoe với chúng tôi. Cả xã hiện có 59 ha ao nuôi cá nước ngọt, trong đó khoảng 15 ha nuôi trê lai thâm canh. Diện tích này sẽ tăng thêm 10 ha trong năm 2014 nay.

Huyện Hoà Vang đã nhất trí phương án mở rộng khu vực nuôi cá nước ngọt ở Hoà Khương và đầu tư khá nhiều kinh phí để mở đường mà xây mương thoát. Mấy năm nay hơn 100 hộ nuôi cá ở địa phương đều thu nhập cao hơn hẳn so các hoạt động kinh tế khác.

Ở Phú Sơn 2 tính sơ sơ đã có dăm bảy hộ mua ô tô con, ô tô tải, nhà cửa đều khang trang bề thế. Nhiều người cho rằng, nuôi cá nước ngọt đang hái ra tiền quả không ngoa. Thống kê chưa đầy đủ, vụ cá trước và sau Tết các ao hồ trên địa bàn xã đã cung cấp cho thị trường khoảng 350 tấn cá các loại.

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

Nuôi cá tầm ở xứ Mường

Cứ tưởng trên núi cao, rừng thẳm, người dân chỉ có cách chống đói, thoát nghèo dựa vào đất đai, lâm sản… nhưng thật bất ngờ, ông Hà Văn Vận, người dân tộc Mường ở thôn Sui Quan, xã Khánh Thượng (Ba Vì) đã “phát tài” nhờ nuôi cá tầm.

Năm 1990, sau khi rời quân ngũ ông Vận trở về với xứ Mường, mang trong mình bầu nhiệt huyết và khát vọng của người lính để xây dựng quê hương giàu đẹp. Nhưng ở một vùng sơn cước còn đầy khó khăn như Khánh Thượng thì cái đói, cái nghèo như chiếc vòng kim cô cứ đeo đẳng cuộc sống vợ chồng ông mãi.

Cho đến một ngày cuối tháng 4/2013, duyên may đã đến khi ông đang đi làm rừng thì nghe tin có một đoàn cán bộ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội về khảo sát con suối để nuôi cá tầm. Sau khi tìm hiểu, các chuyên gia cho biết khu vực suối gần nhà ông có điều kiện thuận lợi để nuôi.

Mới đầu ông không tin. Vì từ trước đến nay ông chỉ mới nghe đến loại cá đặc sản này trên tivi và phải nuôi ở những vùng có không khí mát mẻ như Sa Pa (Lào Cai) hay Đà Lạt (Lâm Đồng), kỹ thuật nuôi cũng không đơn giản chút nào.

Kiểm tra cá tầm nuôi tại nhà ông Vận

Do đây là một loài cá mới nên ông cùng nhiều hộ dân xung quanh vẫn còn hoài nghi và đặt ra nhiều câu hỏi như nuôi như thế nào, đầu ra của sản phẩm ra sao? Trước vô vàn những khó khăn đặt ra, nhưng với ý chí quyết tâm và ham học hỏi, ông sẵn sàng mạo hiểm áp dụng cái mới để có cơ hội thoát nghèo.

Ông Vận đã tiếp nhận chương trình nuôi cá tầm thương phẩm do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội và Trạm Khuyến nông Ba Vì triển khai; được hỗ trợ 100% giống, một phần thức ăn, đường ống dẫn nước, bể nuôi. Trung tâm Khuyến nông đã cử cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống hướng dẫn ông cách thiết kế bể nuôi, lựa chọn địa điểm đặt ống dẫn nước, thiết kế hệ thống dẫn nước vào bể dưới dạng phun mưa nhằm tăng hàm lượng oxy cho cá.

Sau khi công tác chuẩn bị đã xong, ông cùng người dân xung quanh hồi hộp và háo hức để được tận mắt nhìn thấy những chú cá tầm bơi trong dòng nước mát. Ngày thả giống, bà con làng trên xóm dưới đến xem như trẩy hội làm ông rất phấn khởi và nghĩ về một lứa cá đặc sản bội thu.

Nhưng mọi việc không thuận như ông nghĩ. Ngay hôm sau trong bể đã có một vài con không chịu bơi mà cứ phơi trắng bụng. Lúc này lo lắng đã hiện rõ trên khuôn mặt của vợ ông. Bà con thì luôn bàn tán và nghĩ chắc ông phải bỏ cuộc.

Đứng trước những khó khăn và áp lực tâm lý nhưng ông Vận vẫn chắc tay lái, vững tay chèo không hề nao núng. Ông nghĩ: “Phải kiên định theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông chăm sóc cá cho đúng phương pháp, điều kiện thời tiết khí hậu vùng cao. Câu động viên của người cán bộ khuyến nông “Đâu cần khuyến nông có, đâu khó có khuyến nông” như tiếp thêm sức mạnh cho ông vượt qua. Ngay khi cá chết, cán bộ khuyến nông đã có mặt để tìm nguyên nhân.

Do cá phải vận chuyển đường dài, một vài con bị mệt và chưa phù hợp với khí hậu đã dẫn đến hiện tượng cá chết. Khó khăn nối tiếp khó khăn. Do đây là một đối tượng nuôi mới được đưa về nuôi ở Khánh Thượng nên đôi khi thời tiết mưa nhiều và môi trường biến động cũng dẫn đến hiện tượng cá bệnh chết.

Ông Vận đã được cán bộ khuyến nông hướng dẫn ông tỉ mỉ từ cách vệ sinh bể nuôi; cho ăn đúng 4 định; theo dõi tập tính bắt mồi; phân thải, màu sắc cá để phát hiện bệnh xử lý kịp thời. Đây là loài cá yêu cầu sống trong môi trường nước có hàm lượng oxy cao, nước sạch, nhiệt độ đảm bảo nên khi ông Vận đã làm tốt công tác quản lý bể nuôi nên cá ít bị bệnh.

Với ý chí quyết tâm, tuân thủ chặt chẽ quy trình nuôi cá tầm mà cán bộ khuyến nông hướng dẫn, cuối cùng những con cá tầm “đỏng đảnh” khó nuôi đã sống khỏe ở xứ Mường.

Kết quả với cỡ cá thả ban đầu chỉ 100 gr/con, sau thời gian 6 tháng nuôi đạt 2.000 gr/con và có thể xuất bán ra thị trường. Do đây là nguồn cá tầm được nuôi từ nguồn nước sạch nên nhiều nhà hàng từ Hà Nội đặt mua. Theo ước tính của ông Vận sau khi trừ chi phí về con giống, thức ăn, đầu tư cơ sở vật chất với bể 50 m3 nước, nuôi 500 con cho gia đình thu nhập gần 40 triệu đồng.

Theo ông Vận, sở dĩ cá tầm có được lợi nhuận cao là do tận dụng nguồn nước suối dồi dào không phải chi phí tiền điện để bơm nước. Khoản thu nhập trên tuy chưa phải là lớn, nhưng đối với người dân vùng núi còn nhiều khó khăn như Khánh Thượng thì đây là một bước tạo đà trong phát triển kinh tế hộ gia đình.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng Khuyến nông chăn nuôi, thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, mô hình nuôi cá tầm lần đầu tiên ở Thủ đô thành công, cần được nhân rộng nhằm cung cấp sản phẩm cá tầm sạch mang thương hiệu Khánh Thượng cho thị trường. Để giúp người dân phát huy lợi thế mở rộng nghề nuôi cá tầm rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành về vốn, kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm...

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

Nuôi gà thu 1,2 tỷ đồng/năm

Trang trại nuôi gà rộng 3ha của gia đình anh Dương Văn Hiệp, thôn Ba Gò, xã Trung Mỹ (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) nằm khuất sâu bên trong khu đất đồi bỏ hoang của xã.

Anh Hiệp kể: “Tôi vốn là người ở thôn Tích Trung lấy vợ ở thôn Ba Gò (cùng thuộc xã Trung Mỹ). Tôi đi làm thuê khắp nơi nhưng thu nhập chẳng đáng là bao”...

Thấy gia đình bên vợ có diện tích đất đồi rộng nhưng lại để hoang, anh Hiệp nảy ra ý định chăn nuôi. Qua tìm hiểu địa hình, anh thấy nuôi gà là thích hợp nhất. Vậy là anh bàn bạc với vợ, hỏi ý kiến bố vợ và nhận được sự đồng ý.

Anh Hiệp cho gà ăn.

Đầu năm 2012, anh Hiệp cùng với vợ ra cải tạo khu đất đồi, quây tường bao rồi xuống tận trại giống ở Thụy Phương (Từ Liêm, Hà Nội) mua 500 con gà ta lai về nuôi. “Thắng lợi đâu chưa thấy, tôi đã gặp ngay “quả đắng” khi chưa có kinh nghiệm chăn nuôi, thiếu kỹ thuật nên đàn gà gặp dịch bệnh, thiệt hại 5-6 tạ thịt”- anh Hiệp nhớ lại.

Tưởng chừng sau cú vấp ngã ban đầu, anh Hiệp sẽ từ bỏ ý định làm giàu từ con gà, nhưng được vợ và nhất là bố vợ ủng hộ một phần vốn, anh quyết tâm nuôi lại từ đầu. Lần này, anh đầu tư mạnh tay hơn trước, nuôi 1.000 con. Để không gặp thất bại như trước, anh Hiệp tìm đọc thêm tài liệu hướng dẫn về cách nuôi gà. Và thành công đã đến với anh.

Tiền lãi thu được, anh tiếp tục mua thêm gà giống về nuôi, đồng thời xây dựng hoàn thiện hệ thống chuồng trại. Hiện nay đàn gà của gia đình anh Hiệp đã lên tới 3.000 con.

“Nuôi gà quan trọng nhất là khâu tiêm phòng dịch. Ngoài ra phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, cho ăn đúng yêu cầu kỹ thuật thì đàn gà mới sinh trưởng và phát triển tốt được” - anh Hiệp chia sẻ kinh nghiệm.

Trung bình mỗi năm anh nuôi 4 lứa gà, xuất 5-6 tấn/lứa. Với giá bán trung bình 55.000 đồng/kg, anh Hiệp cho biết, mỗi năm doanh thu của trang trại đạt gần 1,2 tỷ đồng.

Bà con ND muốn tìm hiểu kinh nghiệm nuôi gà, liên hệ với anh Hiệp qua số điện thoại: 0968.002.585.

Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Phong lan Monkara

Trong khi hàng trăm hộ trồng hoa ở Đà Nẵng đầu tư khá nhiều kinh phí đúc chậu to, chậu nhỏ, trồng cúc vàng, cúc trắng, ly ly, đồng tiền… bán vào dịp Tết thì anh Nguyễn Xuân Hùng ở tổ 4, thôn Dương Sơn, xã Hoà Châu, huyện Hoà Vang lặng lẽ làm nhà lưới bằng khung thép, phủ kín khu vườn rộng 200 m2 trồng phong lan Monkara, có xuất xứ từ Thái Lan.

Sau 18 tháng kể từ ngày đưa giống về, khu vườn phong lan đơm bông rất đẹp, đủ màu sắc. Đều đều mỗi tuần vài ba lượt, anh Hùng chọn những bông đã bung cánh, cắt, gói ghém cẩn thận giao cho các shop hoa ở phố.

Anh Hùng chăm sóc lan Monkara

Đã từng chiêm ngưỡng sự đài các của nhiều loài phong lan, song ai trong chúng tôi như bị thôi miên trước vẻ đẹp kiêu sa và quyến rũ của loài Monkara taị vườn nhà anh Hùng. 2.000 cây trồng có hàng có lối trên nền vỏ đậu phụng, cây nào cây nấy xanh ngắt, vươn những chiếc lá như lưỡi kiếm, trong đó không ít cây đã trổ những bông màu vàng chanh, tím nhạt... “Loài phong lan này trổ bông quanh năm. Khi bông đã bung cánh là cắt bán. Bông có thể chưng hơn 1 tháng mới thay”, anh Hùng cho biết.

Theo anh, thực ra mấy năm trước anh đâu dám nghĩ đến nghề lạ hoắc này. Công cuộc xây dựng nông thôn mới như làn gió lành tràn về làng quê, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trở thành nhu cầu tất yếu của mỗi nhà. Bởi, nếu chỉ bám mấy sào ruộng, đủ ăn đã khó nói chi làm giàu. Đang lúc bế tắc hướng phát triển kinh tế, anh sực nhớ đến người bạn có trang trại trồng phong lan ở huyện Củ Chi, TPHCM.

Sắp xếp công việc, anh xách túi làm chuyến hành trình về phương Nam. Khi tận mắt chứng kiến kiểu làm ăn của người bạn, anh nhận thấy, loài cây này mới là cơ hội để làm giàu. Được ông bạn cổ vũ, giúp đỡ, anh lưu lại đó ít ngày học hỏi kinh nghiệm trồng phong lan cắt cành.

Về lại Đà Nẵng, dồn hết vốn liếng, vay mượn người thân, bạn bè được 400 triệu, anh đầu tư dựng nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới bằng vòi phun xoay. Xong xuôi đâu đó, vào lại Củ chi mua cây giống. Mỗi cây đưa về đến vườn trị giá 150.000 đồng.

Thế rồi, vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Đến nay có thể lạc quan nói rằng, hướng đi này phù hợp với xu thế phát triển nền nông nghiệp đô thị. Phong lan Monkara hợp khí hậu thổ nhưỡng Đà Nẵng, bông rất đẹp. Mỗi cây thường trổ 2 - 3 bông/lượt. Cắt đi rồi, khoảng 1 tháng sau đã thấy nhú lên bông khác. Đợt đầu tiên thu 20 triệu đồng. Vụ hoa tết vừa qua, hơn 1.500 cây trổ được đưa ra thị trường.

“Hồi mới đưa về cứ nghĩ, loài phong lan có nguồn gốc từ Thái Lan này trồng để đơm bông không đơn giản. Thế nhưng, trồng rồi mới hay, làm giàu từ loài hoa này không khó. Điều quan trọng nhất là tưới đều và chủ động phòng ngừa các loại nấm gây hại. Từ kinh nghiệm của người bạn, 18 tháng qua, tôi duy trì đều đặn việc phun thuốc trừ nấm mỗi tháng 2 lần", anh Hùng chia sẻ.

Hỏi về khâu tiêu thụ, nở nụ cười tươi, anh cho biết, không đủ đáp ứng nhu cầu khách hàng. Loại phong lan cắt cành này, nhiều người ưa chuộng, shop nào cũng đặt mua. Tới đây sẽ mở rộng quy mô, phát triển lên 5.000 cây.

Vô vàn cách làm giàu tại các làng quê, song cách làm giàu của anh Nguyễn Xuân Hùng rất đáng nhân rộng. Bởi, hoạt động này không chiếm ít diện tích đất, vừa làm giàu, vừa làm đẹp cho đời. Tính ra, trên phạm vi 200 m2 trồng phong lan Monkara, khi cả 2.000 cây cho thu hoạch, mỗi năm, anh Hùng có trong tay ngót nửa tỷ đồng. Quả là nguồn thu lý tưởng ở vùng thuần nông.