Trang

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Nuôi kỳ đà kinh tế

Anh Nguyễn Tấn Khanh, ngụ ở ấp 3 - xã Bình Thới (Bình Đại) là nhân viên quản lý cửa hàng Quang Minh - chuyên cung cấp thức ăn và thuốc nuôi trồng thủy sản. Tuy bộn bề công việc nhưng với sự nhạy bén, chịu khó học hỏi, anh đã mạnh dạn đầu tư trên 170 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mua kỳ đà giống về nuôi.


Mô hình nuôi kỳ đà của anh Nguyễn Tấn Khanh

Đầu năm 2010, sau khi đi nhiều nơi tìm hiểu, anh Khanh biết kỳ đà là một loại động vật hoang dã, dễ nuôi, ít bị bệnh, thịt ngon và bổ, thị trường ưa chuộng mạnh. Tuy nhiên, việc nuôi kỳ đà ở xã Bình Thới cũng như cả huyện Bình Đại chưa được người dân quan tâm. Anh Khanh đã dành ra 200m2 đất làm chuồng rồi lên tận Đắk Nông mua 300 con kỳ đà giống về nuôi, mỗi con có trọng lượng từ 800g-1,2kg, giá 300.000 đồng/kg. Anh Khanh cho biết: Nuôi kỳ đà không khó, vì nó rất thích bóng tối nên chỉ cần tráng nền xi-măng, xây tường bao bọc và rào bằng lưới sắt xung quanh, phủ thêm lá dừa nước tạo bóng tối; đồng thời tạo ra các hang bằng các viên ngói, gạch, ống nước, hồ nước lớn, nhỏ để làm nơi trú ẩn cho kỳ đà. Hàng ngày, vệ sinh chuồng 1 lần và cho ăn 1 lần vào lúc 11 giờ trưa. Thức ăn chủ yếu là phổi heo và các loại cá tạp. Kỳ đà nếu được chăm sóc đúng kỹ thuật thì khoảng 4 tháng đạt trọng lượng 2-4kg/con, lúc này kỳ đà cái đã bắt đầu sinh sản, bình quân mỗi con đẻ từ 10-12 trứng/đêm, cá biệt có con đẻ từ 16-18 trứng/đêm. Sau hơn 1 năm nuôi, mỗi con kỳ đà có trọng lượng 800g-1,2kg đã tăng trọng, cân nặng từ 9-13kg.

Anh Khanh cho biết: Hiện có nhiều người hỏi mua kỳ đà thịt nhưng tôi không bán. Hướng tới, tôi sẽ nhân giống kỳ đà, đầu tư kinh phí mở lò ấp trứng để cung cấp kỳ đà giống cho thị trường. Kỳ đà không nằm trong danh mục cấm khai thác, buôn bán nhưng việc nuôi và kinh doanh kỳ đà phải có giấy chứng nhận đăng ký với Hạt Kiểm Lâm địa phương.

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Làm giàu từ thất bại của cha

Bài học và sự thất bại chua xót của người cha sau 20 năm theo nghề nuôi ba ba không ngăn nổi ước mơ vươn lên làm giàu của Đoàn Thanh Sơn.
Đoàn Thanh Sơn ở xã Cát Thịnh, H.Văn Chấn, Yên Bái, bước vào nghề nuôi ba ba trong sự phản đối kịch liệt của gia đình. Bởi thất bại nhãn tiền từ nghề nuôi ba ba của cha Sơn vẫn còn đó và luôn ám ảnh mỗi thành viên trong gia đình. Sơn kể, nghề nuôi ba ba khiến cha anh rơi vào cảnh khuynh gia bại sản. 20 năm theo nghề, tốn không biết bao nhiều tiền đầu tư, cuối cùng thất bại, ông phải nhờ hàng xóm tới dỡ nhà, lấy tài sản gá nợ vì không có tiền trả nợ. Chưa kể trước đó, Sơn còn có quyết định mà bạn bè cho là gàn dở: học hành không thua kém bạn bè nhưng sau khi tốt nghiệp THPT, bạn bè miệt mài ôn thi đại học thì Sơn đi học nghề chăn nuôi, ôm mộng mở trang trại từ mảnh đất nơi cha từng thất bại.

Đoàn Thanh Sơn tại trang trại nuôi ba ba sinh sản - Ảnh: Lê Quang

Trước khi dốc tiền đầu tư nuôi ba ba gai, Sơn nghiên cứu kỹ lưỡng, mổ xẻ chi tiết từng bài học dẫn đến thất bại trong nghề này khiến gia đình từng rơi vào cảnh rau cháo nuôi nhau. Sơn cho rằng, nguyên nhân thất bại của cha là quá thiếu tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, nuôi chủ yếu dựa bằng kinh nghiệm cá nhân. Con giống thu gom trôi nổi nên ba ba thương phẩm có chất lượng không đồng đều, rất khó bán. Người nuôi ba ba khi ấy chưa biết cách tiếp thị sản phẩm ra thị trường khiến đồng vốn đầu tư bị ứ đọng, rất khó xoay vòng tái đầu tư.

Vừa miệt mài học tập, tham quan mô hình nuôi ba ba tích lũy kiến thức, Đoàn Thanh Sơn vừa tìm cách thuyết phục gia đình ủng hộ dự án khởi nghiệp từ nghề nuôi ba ba. Khi biết không thể cản nổi quyết tâm của Sơn, gia đình chỉ đồng ý hỗ trợ 30 triệu đồng vốn ban đầu. Vay thêm 20 triệu đồng, Sơn dốc sức lao động, đầu tư xây khu ao ba ba rộng gần 2.000 m2.

Khởi nghiệp với 40 cặp ba ba gai, đến nay trang trại nuôi ba ba của Đoàn Thanh Sơn đã tăng lên hơn 100 cặp sinh sản, mỗi năm cung cấp cho thị trường khu vực phía bắc khoảng 5.000 con giống. Ngoài ra, trong trang trại của Sơn lúc nào cũng nuôi hàng trăm con ba ba thương phẩm phục vụ nhu cầu tiêu thụ của các nhà hàng, khách sạn lớn tại Yên Bái và các tỉnh xung quanh.

Sau gần 5 năm khởi nghiệp, Sơn gây dựng được cho riêng mình một trang trại nuôi ba ba bề thế. Theo tính toán của ông chủ trẻ, tiềm năng của trang trại vẫn còn rất lớn. Ba ba non chưa chào đời đã có người đặt tiền. Ba ba gai thương phẩm thì dễ bán, giá cao và không sợ thiếu đầu ra. Thế nên, Sơn đang tích lũy vốn đầu tư, nâng quy mô trang trại lên đến 500 cặp sinh sản, mở rộng đàn ba ba gai đáp ứng nhu cầu con giống, thực phẩm cho thị trường.

Thành công ban đầu trong nghề nuôi ba ba khiến trang trại của Sơn trở thành điểm đến tham quan, học tập kinh nghiệm của thanh niên trong tỉnh. Hiện tại, Sơn đang trực tiếp tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, cung cấp con giống giúp 4 thanh niên trong xã gây dựng mô hình nuôi ba ba thương phẩm.

Sơn cho rằng, thành công từ nghề nuôi ba ba hôm nay được khơi nguồn từ những thất bại của người cha. Dù không nói ra nhưng Sơn hiểu, cha nặng lòng và tâm huyết với nghề này. “Đến giờ, cha vẫn luôn là người thầy lớn và cộng sự đắc lực truyền dạy, chỉ bảo kinh nghiệm và bí quyết trong nghề nuôi ba ba”, Sơn nói.

Thay đổi nhận thức của thanh niên nông thôn

Ngoài nuôi ba ba, Sơn còn sở hữu khoảng 4 ha đất đồi trồng keo, cây bồ đề và hơn 1 ha trồng chè bát tiên đang thời kỳ thu hoạch. Sơn cũng thường xuyên vận động góp phần thay đổi nhận thức của nhiều thanh niên địa phương: thay vì phải thoát ly tìm việc làm, nhiều bạn trẻ tìm cách học nghề, bám trụ lập nghiệp trên mảnh đất quê hương.

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Làm giàu từ đồng vốn ít ỏi

Ngày càng có nhiều thanh niên vươn lên làm giàu bằng nghề nông. Họ đã làm “thay da đổi thịt” ở những vùng quê nghèo. Điều đáng nói, các ông chủ trẻ dưới đây đều xuất phát từ đồng vốn rất ít ỏi.


Anh Nguyễn Trường Duy. Ảnh: internet
Nhà nghèo, Nguyễn Trường Duy (29 tuổi, ấp 1, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) đi làm các nơi kiếm sống. Tới Đồng Tháp, thấy nhiều người nuôi ếch thịt cho thu nhập cao, Duy thích thú nên chú tâm học hỏi. Nắm được bí quyết nuôi ếch đẻ, tháng 3.2008, Duy về bàn với gia đình chuyển 1 ha đất ruộng sang nuôi ếch. Vùng này bấy lâu người ta nuôi cá tôm, ếch thì còn lạ lẫm quá, chưa ai nuôi bán thịt nên người thân Duy cứ bàn ra, sợ ếch nó nhảy đi hết hay bị bệnh là trắng tay.

Duy cố thuyết phục rồi cả nhà cũng xiêu lòng. Ít vốn liếng nên anh chỉ mua vài trăm con ếch giống với giá 1.000 đồng/con. Lứa đầu nuôi, bán ra Duy lời được vài trăm ngàn đồng, nhưng bao nhiêu đó cũng đủ để anh tính chuyện lớn hơn.

Lần thứ hai Duy thả nuôi 600 ếch con. Kinh nghiệm có đủ nên lần này bầy ếch ít bệnh. Qua 6 tháng nuôi, ếch cái đã đạt trọng lượng 600 g/con, ếch đực 200 – 300 g/con. Duy bán ếch thịt nhưng lựa những ếch bố mẹ tốt giữ lại cho đẻ để bán ếch con.


Làm giàu từ đồng vốn ít ỏi. Ảnh: internet
Duy cho biết, ếch dễ tàn hại lẫn nhau giành mồi khi đói nên phải thả con giống kích cỡ bằng nhau và thả đồng loạt với mật độ dày (100 con/m2). Ếch con cho ăn thức ăn viên công nghiệp, lúc lớn cho chúng ăn cua, cào cào, ốc bươu vàng… Mùa mưa là mùa sinh sản của ếch. Một con ếch đẻ khoảng 3.000 trứng, trên 97% trứng đều nở. Lúc đó, Duy sàng lọc lựa các con khỏe mạnh, những con yếu hay bị bệnh loại bỏ. Ếch nuôi khoảng hai tháng có lái tới mua thịt với giá 30.000 đồng/kg. Hiện Duy đã thành thạo nuôi ếch con và cho ếch đẻ trái mùa từ tháng 9 tới tháng 3 năm sau. Duy nói, ếch con ngay mùa giá 800 đồng/con, còn ếch trái mùa giá 1.000 đồng/con. Mỗi năm thu nhập từ ếch, trừ chi phí, Duy còn lãi trên 150 triệu đồng.

Duy nói lúc đầu do ít vốn nên anh bán 50% ếch con, tiền bán ếch dùng mua thức ăn nuôi lũ ếch còn lại. Nhờ khéo tính xoay đồng vốn nên hiện nay Duy đã có hơn 75.000 con ếch, gồm ếch thịt sắp xuất chuồng 4.000 con, ếch con bằng ngón tay cái 2.000 con, còn lại là ếch bố mẹ. Hiện Duy mở thêm hai điểm nuôi ếch ở cùng xã.

Thấy Duy nuôi ếch thoát nghèo nên nhiều thanh niên tới học hỏi. Duy chỉ bảo tận tình, không giấu nghề nên nhiều thanh niên nuôi ếch thu nhập khá, cuộc sống bớt khó khăn. Vì lẽ đó, Duy vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của trong năm 2010 do T.Ư Đoàn trao tặng cho các nhà nông trẻ xuất sắc.

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Cử nhân 2 bằng đại học đi trồng nấm, thu 50 triệu/tháng

Tốt nghiệp 2 trường đại học, nhưng Phạm Xuân Quyền (tổ 7, Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, Đà Nẵng) chọn làm giàu bằng việc trồng nấm rơm.


Anh Quyền chăm chút cho từng bịch nấm

Đến thăm khu sản xuất của anh Quyền, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy cơ ngơi 2.000m2 với từng dãy nhà tôn khép kín, bên trong là nấm. Anh Quyền tâm sự: “Để có được cơ ngơi này, tôi phải vất vả hơn 10 năm trời...”.
Năm 2002, anh Quyền cầm tấm bằng cử nhân quản trị du lịch cùng bằng cử nhân luật đi xin việc ở thành phố. Nhưng với đồng lương tháng ba cọc ba đồng không đủ sống, sau gần 1 năm bám trụ thành phố, anh quyết định về quê lập nghiệp. Tuy nhiên lúc đó vốn liếng không có, bản thân anh cũng không có kiến thức gì về nông nghiệp.

“Chạy quanh tìm cây, con giống để nuôi trồng tôi cũng không thấy loại nào phù hợp. Cuối cùng nhờ người thầy giáo thời đại học giới thiệu mô hình trồng nấm rơm, tôi cùng gia đình quyết định vay mượn tiền mua nguyên liệu, dụng cụ bắt tay vào nghề trồng nấm” - anh Quyền kể.

Giai đoạn này cơ sở nấm của anh độc quyền trên thị trường Đà Nẵng nên nấm làm tới đâu bán hết tới đó. Thừa thắng, anh thuê đất của các gia đình trong vùng mở rộng mô hình trồng nấm. Chỉ trong vòng 1 năm anh giàu lên trông thấy.

“Khi đó, tôi có đủ tiền mua xe hơi, xây nhà cao tầng. Nhưng thấy bà con lối xóm đang nghèo quá, tôi tiết kiệm tiền để giúp đỡ bà con trong vùng xây dựng mô hình trồng nấm. Nói gì thì nói, dù sao mình cũng được học hành đàng hoàng. Không thành đạt được ở thành phố cho rạng rỡ gia đình thì mình cũng giúp được gì đó cho xóm làng quê hương”- anh Quyền bộc bạch.

Mô hình trồng nấm của gia đình anh đang phất lên như diều gặp gió thì Đà Nẵng bước vào giai đoạn “đại công trường”. Đất đai, nhà cửa gia đình anh nằm hết trong diện giải tỏa. Hết đất, mô hình trồng nấm của anh bị đình trệ, thu nhập của gia đình cũng như bà con trồng nấm trong vùng cũng mất theo. Không chấp nhận cái nghèo, anh mày mò tìm hiểu kỹ thuật trồng nấm tiên tiến ít lệ thuộc vào đất. “Lần mò mãi tôi tìm ra được mô hình trồng nấm trong nhà tôn ít phụ thuộc vào quỹ đất mà lại cho hiệu quả cao, rất phù hợp với vùng giải tỏa như quê tôi” - anh Quyền tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Hiền- Phó chủ tịch hội nông dân quận Liên Chiểu cho biết, cơ sở trồng nấm của anh Quyền đã giải quyết việc làm ổn định cho hơn 15 lao động trong vùng. Mô hình này rất hiệu quả với bà con nông dân nên anh Quyền còn là đầu mối cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở làm nấm trên địa bàn thành phố.

Anh Quyền tiết lộ, hiện thu nhập của anh từ trồng nấm khoảng 50 triệu đồng/tháng. Có điểm tựa vững chắc anh mạnh dạn nghiên cứu để từng bước cho ra thị trường các sản phẩm đặc biệt từ nấm như: nước mắm nấm, mắm ruốc từ nấm.

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Mô hình "chung cư lợn" 40 tỷ đồng

Mô hình "chung cư lợn" 40 tỷ đồng
Về xã Tân Ước (huyện Thanh Oai) hỏi thăm tình hình chăn nuôi sẽ được người dân ở đây chỉ ngay đến ông Long "chung cư lợn". Ông có cái tên như vậy bởi ông là người đầu tiên ở khu vực (mà cũng là người đầu tiên trên địa bàn thành phố) mạnh dạn thay đổi phương thức chăn nuôi, đưa lợn lên nuôi ở tầng cao nhằm tiết kiệm diện tích, giảm chi phí trong chăn nuôi.

Cơ ngơi chăn nuôi của ông Long được đầu tư khá công phu trên diện tích 2,18 ha với 2 khu chuồng nuôi được ngăn cách bởi một diện tích ao và hệ thống đường nằm giữa. Một bên khu chuồng được xây dựng theo kiểu chuồng một dãy, đây là khu chuồng cũ khởi điểm từ ngày ông Long ra xây dựng trang trại (năm 2007). Đối diện bên kia là một khu chuồng nuôi gồm 4 dãy trong đó 3 dãy chuồng 2 tầng và 01 dãy chuồng 3 tầng trông giống như căn hộ chung cư (mới đưa vào sử dụng đầu năm 2012). Có lẽ đây chính là điều đặc biệt ở trang trại này mà ông Long có cái tên “chung cư lợn”.

Kiểu chuồng “chung cư” này ông Long tiết kiệm được gần 200 triệu đồng chi phí so với trước đây

Hiện tại khu chuồng tầng “chung cư” này ông chuyên nuôi nái và lợn úm với khoảng trên dưới 100 nái và 1000 lợn úm, còn lợn thịt thương phẩm ông tách hẳn khu riêng nên rất thuận cho việc chăm sóc nuôi dưỡng. Cái được lớn mà ông thấy khi nuôi lợn trên chuồng tầng cao là hạn chế được dịch bệnh do nuôi ở trên cao khí hậu thoáng mát hơn, giảm hẳn được ô nhiễm môi trường trong chuồng nuôi.

Về hiệu quả kinh tế, ông phấn khởi cho biết, khi nuôi trên chuồng tầng tỷ lệ sinh sản cao hơn hẳn khi nuôi ở khu chuồng nuôi cũ. Cụ thể: tỷ lệ động dục, đậu thai đạt cao trên 90%, trước kia là 80 – 85%; Tỷ lệ khô thai, thai chết lưu giảm còn dưới 3%, trước kia 5%. Tỷ lệ con đẻ trên một nái tăng đạt bình quân 9,7 – 10 con trên lứa sau cai sữa. Bên cạnh đó làm giảm tỷ lệ dùng thuốc kháng sinh, thuốc sát trùng chỉ bằng 2/3 so với trước. Trọng lượng con khi sinh tăng hẳn, nếu trước đây từ 1,3 – 1.4 kg/con thì nay đạt trung bình 1,5 – 1,6 kg/con. Số con hao sau cai sữa giảm, độ đồng đều cao hơn hẳn.

Một điều rất quan trọng là khi nuôi ở khu này ông luôn kiểm soát được vệ sinh an toàn thú y, môi trường tốt. Đàn lợn thịt do lợn con được sinh ra trong điều kiện môi trường tốt, trọng lượng cao, úm đảm bảo vì vậy lợn thịt tiêu tốn thức ăn thấp, thời gian chiếm chuồng giảm so với trước kia được 10 ngày trên một lứa. Mặt khác khi chăm sóc nuôi dưỡng lợn ở đây tất cả cùng ở một dãy chuồng nên vừa đỡ tốn nhân công, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Ông Long cho biết, sau hơn một năm triển khai nuôi lợn theo kiểu chuồng “chung cư” này ông tiết kiệm được gần 200 triệu đồng chi phí so với trước đây. Từ diện tích hơn 2ha này, hàng năm, như năm 2012, trang trại của ông đã cung cấp ra thị trường gần 800 tấn lợn hơi và hàng ngàn con giống các loại, doanh thu năm 2012 đạt gần 40 tỷ.
Định hướng của trang trại trong năm tới là tiếp tục tập trung vào việc tăng đàn nái và tự sản suất giống bố mẹ bằng việc phát triển chăn nuôi thêm 300 lợn nái ông bà; nâng sản lượng thịt lợn hơi đạt 900 – 1000 tấn, có chất lượng tốt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng năm cung cấp cho thị trường khoảng 3000 con giống đạt tiêu chuẩn. Đưa chăn nuôi theo phương thức chăn nuôi dùng thức ăn sinh học lên 40% vào cuối năm 2013 và những năm tới. Phấn đấu doanh thu trong những năm tới của trang trại đạt trên 50 tỷ đồng.

Mô hình “chung cư lợn” của ông Long là một điểm sáng về phương thức chăn nuôi mới, hy vọng với sự quan tâm hơn nữa của các cấp các ngành, sự đồng thuận của người dân, mô hình chăn nuôi của ông ngày càng được nhân rộng./.

Bí quyết làm giàu của nông dân Ðà Lạt

Ông Ðinh Xuân Toản chăm sóc vườn cà chua.
Từ những nhà nông canh tác đại trà và không có kế hoạch sản xuất, bị ép giá hoặc phải chấp nhận lỗ nay họ sắm được xe chở hàng, ổn định kinh tế, mở rộng trang trại... Bí quyết thành công của những nông dân đó là ngoài kỹ thuật trồng trọt, luôn cập nhật những kiến thức mới còn có sự am hiểu nhu cầu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, nhất là phải có đầu ra ổn định.

Bán hàng cho nhà phân phối lớn không dễ

Trong thời kỳ hiện nay, việc làm nông không đơn thuần là làm theo cảm tính và kinh nghiệm sẵn có của nông dân. Người tiêu dùng, nhất là các nhà phân phối bây giờ cũng trở nên "khó tính" và đa dạng hơn rất nhiều, ngoài những yêu cầu cao về mẫu mã sản phẩm, chất lượng và quy cách sản phẩm, đặc biệt là các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cũng được đòi hỏi một cách khắt khe.

Xuất thân là một giáo viên, bà Thu Cúc ngụ tại Suối Vàng (Ðà Lạt) bắt đầu làm nông sau khi về hưu năm 2007. Thời điểm đó, bà hầu như không có kinh nghiệm về nông nghiệp mà phải tự học từng bước thông qua các tài liệu và sự tư vấn của bạn bè.

Bà Cúc cho biết: "Ban đầu tôi tự học hỏi mọi kỹ thuật nhưng không biết sản phẩm mình làm ra có thật sự chất lượng hay không vì thương lái thu mua chỉ quan tâm sản phẩm làm ra đẹp hay xấu để ra giá mua và thường xuyên bị ép giá. Muốn bán được cho những nhà cung cấp lớn khó lắm vì họ áp dụng rất nhiều tiêu chuẩn. Không chỉ kiểm tra chất lượng, vệ sinh của từng đợt hàng mà họ còn kiểm tra cả quá trình canh tác của nông dân. Ngay cả việc thu hoạch theo cách nào hay quy cách giao hàng cũng phải bảo đảm trong khi bản thân tôi lại không biết áp dụng tiêu chuẩn nào để vừa ý khách hàng.

Trước khi các tiêu chuẩn về Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) ra đời năm 2008, nước ta đã có rất nhiều chương trình sản xuất nông sản an toàn đối với rau, quả, và cây dùng làm thức uống. Nhiều nơi các quy định đó đã xây dựng thành quy trình phổ biến cho nông dân thực hiện và mang lại các kết quả đáng khích lệ.

Tại Ðà Lạt, năm 2005, Tổ chức Thị trường quốc tế đã tổ chức chứng nhận GAP cho một số cơ sở sản xuất rau và cà-phê. Năm 2006, Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam cũng bắt đầu tổ chức tập huấn thực hành nông nghiệp theo tiêu chuẩn Global GAP để tạo nguồn rau quả sạch phân phối ra thị trường.

Ông Ðinh Xuân Toản, nông dân tại xã Ðạ Ròn, huyện Ðơn Dương, tỉnh Lâm Ðồng cho biết: "Ban đầu, chúng tôi thấy khá bất tiện vì phải học hỏi kỹ thuật chăm sóc mới bằng cách như cách ly, cách sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, ghi nhật ký... Việc ghi chép nhật ký tưởng như phức tạp nhưng lại có hiệu quả, trước đây chúng tôi chỉ nhớ nhẩm nên thường xảy ra nhầm lẫn, việc ghi chép cũng giúp chúng tôi rút được kinh nghiệm từ các vụ mùa trước như cách sử dụng phân bón, các loại sâu bệnh có thể gặp phải... giúp chúng tôi chủ động hơn trong các vụ sau và đáp ứng được nhu cầu khách hàng".

Làm giàu từ nông nghiệp không khó

Nắm được nhu cầu thị trường ngày càng quan tâm tới các sản phẩm an toàn và định hướng về nhu cầu thị trường tốt, nông dân bắt đầu từng bước đi vào sản xuất có kế hoạch theo đơn đặt hàng từ doanh nghiệp. Bà Cúc chia sẻ với chúng tôi: "Tôi nhận thấy thị trường rau mùi khá tiềm năng mà chưa nhà vườn nào đầu tư cho nên tôi bắt đầu chuyên canh những loại rau mùi theo đơn đặt hàng. Rau mùi tùy theo loại, có loại đến ba hoặc năm năm mới phải thay một lần nên vốn đầu tư thấp mà giá bán các loại rau này rất cao".

Hiện nay trang trại của bà Cúc trồng các loại rau mùi như ngò, húng, quế tây... trên diện tích hơn 6.000 m2 và một diện tích tương đương dành để trồng các loại cây trồng khác cho thu nhập hơn một tỷ đồng mỗi năm.

Bên cạnh sự am hiểu thị trường, các nhà nông chuyên nghiệp còn áp dụng kỹ thuật canh tác và giống cây trồng mới cho năng suất cao dưới sự hỗ trợ của đội ngũ kỹ sư nông nghiệp. Ông Toản, người trồng giống cà chua theo phương pháp bán thủy canh cho biết, trung bình mỗi cây cho khoảng từ 7 đến 8 kg, giống cà tím mới ông đang canh tác cũng cho năng suất cao từ 4 đến 5 tấn mỗi ngày vào chính vụ cao hơn giống thường từ 1,5 tấn đến 2 tấn trên cùng diện tích. Ðặc biệt, canh tác theo tiêu chuẩn mới giúp nhà nông giảm thiểu chi phí vật tư đồng thời kiểm soát được dịch bệnh tốt hơn.

Cái lợi lớn nhất từ những thay đổi này là giúp các nhà nông có được sự tin tưởng từ các công ty thu mua lớn tạo đầu ra ổn định. Ông Toản cho biết thêm, mỗi ngày ông đáp ứng đơn hàng cho Công ty Metro từ 1 đến 2 triệu đồng dịp chính vụ có thể lên đến 15 triệu đồng mỗi ngày, lợi nhuận riêng với đối tác này khoảng 450 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, 20 chủ trang trại khác chung nhóm sản xuất với ông Toản cũng rất tự hào về thành công của mình khi làm việc với đối tác này.

Ngoài việc phối hợp cùng các chuyên gia nông nghiệp Hà Lan đào tạo và hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng giống mới, cải tạo năng suất, chất lượng và hỗ trợ đầu ra, công ty Metro còn phối hợp với nông dân lập kế hoạch sản xuất theo năm nhằm tăng cường hiệu quả sản xuất. "Từ khi hợp tác với Metro, tôi đã học hỏi thêm cách sử dụng máy tính, email và nhận đơn hàng qua in-tơ-nét. Nhờ sản xuất và tiêu thụ ổn định tôi có thể lo cho cả bốn đứa con được đi học. Ðứa lớn nhất đang học đại học trên thành phố", ông Toản chia sẻ.

Sự bắt tay giữa nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp đã tạo ra hiệu quả cao trong việc phát triển kinh tế. Cách làm nông hiện đại của những nông dân chuyên nghiệp này thể hiện một định hướng phát triển bền vững phù hợp với xu thế chung của thị trường. "Cái cần là phải có sự yêu nghề, không ngừng học hỏi kỹ thuật canh tác hiện đại và tìm được đối tác có uy tín thì làm giàu từ nghề nông không khó", bà Cúc chia sẻ bí mật làm giàu của mình.

Nuôi rắn độc thu 30 triệu đồng/tháng

Với nghề nuôi rắn độc, trung bình mỗi tháng anh Nguyễn Văn Khánh (ở P.Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) thu về từ 25 - 30 triệu đồng.

Anh Khánh quê ở tỉnh Tây Ninh, ra Quảng Ngãi hành nghề bán rắn ngâm rượu từ năm 1996. Lăn lộn 10 năm, anh Khánh mới tích lũy đủ vốn mua 1.000 m2 đất ở xã Nghĩa Kỳ (H.Tư Nghĩa) để lập trang trại nuôi rắn và kỳ đà. Bên cạnh đó anh cũng “lên đời” cho quán nhậu của mình thành nhà hàng với các sản phẩm chế biến từ 2 loại động vật này. Ban đầu, anh Khánh nuôi 50 con rắn hổ trâu, 30 con hổ bành và 10 con kỳ đà bố mẹ. Trầy trật mãi rồi anh cũng có được kinh nghiệm và nuôi ngày càng thành công.

“Hiện số rắn nuôi chủ yếu để cung cấp thịt cho nhà hàng của tôi. Nếu tính theo giá thị trường, trung bình mỗi tháng tôi thu về từ 25 - 30 triệu đồng nhờ nuôi rắn”, anh Khánh cho hay. Theo tính toán của anh, vì anh tự cung cấp nguồn rắn thịt cho nhà hàng của mình nên số lãi thực tế cao hơn nhiều, do giảm nhiều chi phí trung gian. Mỗi con rắn con hiện tại có giá khoảng 150.000 đồng, rắn bố mẹ có giá từ 1 - 1,2 triệu đồng/kg.

Anh Khánh đang tính toán mở rộng số ô nuôi rắn để có rắn thịt và rắn giống bán ra ngoài. Anh Khánh cho biết: “Với 40 ô, mỗi ô từ 7 - 15 con tùy lớn nhỏ, hiện tôi đã có khoảng 500 con rắn kể cả hổ trâu và hổ bành, cả rắn sinh sản và rắn thịt. Trong tháng 7, trang trại tôi có khoảng 200 trứng rắn và 80 trứng kỳ đà sẽ nở. Nếu không có gì thay đổi, tôi sẽ đầu tư thêm 40 ô nữa để nuôi lứa rắn sắp nở ra”.

Theo anh Khánh, rắn là loài dễ nuôi, hầu như không chịu ảnh hưởng của bệnh tật, thức ăn cũng dễ kiếm như cóc, ếch nhái… Khoảng 3 ngày thì cho ăn và vệ sinh chuồng sạch sẽ. Trứng rắn cũng không cần nhờ đến máy móc can thiệp, mình có thể tự làm thùng ấp cho nó với đất thịt có độ ẩm từ 70 -80%. Thỉnh thoảng nên đem trứng rắn phơi nắng buổi sáng một tí cho tốt. Tận dụng đất trống của trang trại, anh Khánh còn trồng thêm chanh, sả và một số rau quả để chế biến các món rắn. Theo anh, việc này vừa đảm bảo rau sạch vừa tăng thêm thu nhập.

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Giám Đốc Chim Cút

Trong khi người nuôi lợn, nuôi gà, nuôi vịt đang lúng túng, người bỏ chuồng không, người nuôi cầm chừng chưa muốn tái đàn do dịch bệnh, giá giống và thức ăn chăn nuôi tăng cao thì con chim cút trở thành vật nuôi thay thế ưu việt. 
Chỉ cần bỏ ra từ 20 – 25 ngày người nuôi chim cút đã có thu hoạch nên đồng vốn quay vòng rất nhanh, hơn nữa chi phí thức ăn nuôi chim cút thấp hơn nhiều so với nuôi lợn và gà. Từ nuôi chim cút, không ít người giàu lên.

Công ty Chăn nuôi chim cút Nguyễn Hồ hiện ở số 95/5, ấp Long Bình, xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, chuyên sản xuất và cung cấp chuồng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và trứng cút lộn, trứng cút lạt lớn nhất nhì khu vực Tây Nam bộ. Mấy tháng trở lại đây, trụ sở của công ty luôn nhộn nhịp. Từ khâu nhập trứng, kiểm tra phân loại, ấp trứng, xử lý tia cực tím, đóng gói, xuất trứng cho các siêu thị, đến bộ phận sản xuất chuồng và nhóm chuyên đi lắp ráp chuồng cho các trang trại trong và ngoài tỉnh, diễn ra nhịp nhàng và rất khẩn trương.

Bà Lê Kim Châu, giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Hồ cho biết, hai vợ chồng theo nghề nuôi chim cút đã được 15 năm, trước đây do đồng lương công chức không đủ lo cho gia đình, bà xin nghỉ việc, về kinh doanh nông sản, chăn nuôi heo…Sau những năm vật lộn vối nghề nông, bà thấy con chim cút có duyên làm giàu cho mình nhất.

TỪ MÊ CHIM CÚT

Năm 1998 gia đình bắt đầu nuôi chim cút, lúc đầu do chưa có kỹ thuật, chim cút nuôi hao hụt, chết nhiều, tỷ lệ đẻ trứng thấp. Bà lặn lội lên Đồng Nai tham quan những hộ nuôi trước, tìm hiểu thông tin trên sách báo về áp dụng cho đàn cút của gia đình, nhờ chăm sóc tốt đàn chim cút nhanh chóng bình phục và phát triển tốt. Năm 2001 đàn chim cút của bà lên tới 20.000 con, đang làm ăn ngon lành, tưởng mình đã thành công, nào ngờ năm 2002 – 2003 dịch cúm gia cầm tràn về.

Đàn chim của gia đình tuy không bị dịch nặng, nhưng cũng cùng chung số phận là bị tiêu hủy hoàn toàn. Bao nhiêu công sức, tâm huyết, tiền bạc, chỉ trong vài ngày đã tan tành mây khói. Không nản chí, đầu năm 2004 bà lại cùng chồng gom hết tiền bạc của nhà và mượn thêm tiền của ngân hàng, xây dựng lại chuồng trại, mua giống tổ chức lại sản xuất.

Để tránh bớt rủi ro, cũng như phòng dịch bệnh, ngay từ khâu con giống, nguồn thức ăn được công ty tính toán kỹ lưỡng. Trong suốt quá trình nuôi công ty đã không ngừng miệt mài nghiên cứu và đã sáng chế ra kiểu chuồng hoàn toàn mới bằng sắt, có nhiều ưu điểm như: gọn nhẹ, chiếm ít diện tích, làm vệ sinh dễ dàng, chuồng thoáng mát, có hệ thống uống nước tự động, hệ thống làm lạnh và đặc biệt hệ thống máng ăn hạn chế được thức ăn rơi vãi. Kiểu dáng chuồng rất phù hợp nuôi quy mô công nghiệp, có thể áp dụng ở nhiều địa phương trong cả nước.

Bà Châu cho hay, thức ăn rất quan trọng, nó là một trong những yếu tố quyết định thành công hay thất bại của trang trại chăn nuôi. Chính vì vậy, công ty đã liên kết, ký hợp đồng trực tiếp với một số công ty sản xuất thức ăn gia cầm có uy tín trong nước. Thức ăn chở về, công ty cân đối lại và bổ sung thêm một số vi lượng cần thiết, đặc biệt là chế phẩm sinh học ALL – ZYM. Sử dụng ALL – ZYM trong thức ăn giúp cho chim cút hấp thu triệt để đạm, phòng chống bệnh tiêu chảy rất tốt.

Nhờ thực hiện nghiêm ngặt chế độ phòng dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại, đàn chim cút được chăm sóc tốt, dần dà trang trại của bà và vệ tinh nuôi tới gần 300.000 con chim mái và 60 máy ấp trứng cút lộn, với công suất 15.000 trứng/máy. Hiện nay, công ty xuất bán khoảng trên 200.000 trứng/ngày, trứng chim sản xuất ra không đủ cung cấp cho thị trường.

TRỞ THÀNH GIÁM ĐỐC

Không chỉ ngừng tại đây, trong khi thị trường tiêu thụ trứng chim cút rất mạnh, cầu vượt quá cung, việc phát triển quy mô lên công ty là điều tất yếu. Bà Châu kể lúc đầu phải vận động khó khăn lắm mới có 1 – 2 người tham gia nuôi chim cút. Để khuyến khích bà con chăn nuôi, bà đã đầu tư gần như 100% vốn, từ con giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, chuồng trại, thức ăn, bao tiêu sản phẩm…Khi người chăn nuôi thấy hiệu quả thì họ tự giới thiệu cho nhau cùng nuôi.

Hiện nay công ty đã cung cấp chuồng, phát triển hệ thống trại nuôi vệ tinh trong tỉnh Tiền Giang lên 30 hộ, chưa kể một số tỉnh khác như: Nghệ An, Quảng Nam, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, với phương thức công ty đầu tư và cung cấp chuồng trại, thức ăn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc, bao tiêu sản phẩm. Nhờ công ty chăn nuôi chim cút Nguyễn Hồ nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, tới đây công ty sẽ mở rộng diện tích chăn nuôi, nhập thêm giống chim cút ngoại, cũng như đầu tư trang thiết bị tân tiến hơn, khoa học cao, đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu trứng cút trong thời gian tới.

Anh Võ Thành Trung, ấp Long Bình, xã Long An, huyện Châu Thành, là một trong những vệ tinh nuôi chim cút rất hiệu quả cho biết: Công ty Nguyễn Hồ chăn nuôi cút rất thành công, bà giám đốc Lê Kim Châu không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo. Trước đây gia đình tôi cũng khó khăn lắm, cuộc sống thu nhập chỉ nhờ làm lúa, làm rẫy. Từ khi chuyển qua nuôi chim cút với tổng đàn 15.000 con, một tháng trừ chi phí cũng thu được 20 triệu đồng, nhờ nguồn thu nhập ổn định này mà tiền con cái học hành không phải lo nghĩ gì.

Tỷ phú cá lăng đuôi đỏ

Ông Nguyễn Nhật Lệ, GĐ Trung tâm Khuyến nông Đăk Lăk cho biết, toàn tỉnh có khoảng 150 hộ nuôi cá lăng đuôi đỏ với diện tích 15 ha, chủ yếu nuôi trong ao đất và lồng bè. Điển hình là hộ anh Nguyễn Minh Tuấn, người tiên phong nuôi cá lăng đuôi đỏ ở hồ Ea Kao.
Tuấn cho biết, quê anh ở Hải Hậu (Nam Định). Năm 1990 anh vào Buôn Mê Thuột (Đăk Lăk) lập nghiệp. Cuộc sống đầy rẫy khó khăn, anh phải làm đủ thứ nghề như trồng cà phê, sửa xe honda, cơ khí, buôn cá lăng ở Đồng Nai…

Trong thời gian buôn cá, anh cứ trăn trở, tại sao ở Đồng Nai nuôi cá lăng được mà Đăk Lăk chưa nuôi được? Năm 2002 anh quyết định khăn gói về Đồng Nai "tầm sư học đạo". Nói là đi học chứ thực ra là đi làm thuê cho một cơ sở nuôi cá lồng bè ở hồ Trị An. Sau 3 năm miệt mài vừa học vừa làm, anh đã có được một số vốn kiến thức, kinh nghiệm và quay trở về Đăk Lăk với khát khao, hy vọng sẽ làm giàu bằng nghề nuôi cá.

Kiểm tra cá lăng đuôi đỏ

Khác với nhiều người nuôi cá lăng trong ao đất, anh nuôi trong lồng bè và chọn huyện K’rông Nô làm bản doanh để nuôi thử nghiệm. Lúc đầu anh chọn nhiều giống cá để nuôi thí điểm như cá lăng đuôi đỏ, rô phi, điêu hồng…


Qua 2 năm nuôi thử, do còn thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật chưa cao, hơn nữa do nguồn nước bị nhiễm phèn nặng, nước đục, cá bị chết nhiều dẫn tới thất bại. Khổng nản chí, anh lại lặn lội đi khắp các địa phương trong tỉnh để khảo sát địa hình, nguồn nước để tìm địa điểm nuôi. Cuối cùng anh đã chọn được hồ nước tự nhiên là hồ Ea Kao, TP Buôn Mê Thuột để nuôi cá lăng đuôi đỏ.

Anh Tuấn cho hay, rút kinh nghiệm từ bài học thất bại lần trước, lần này trước khi thả cá, anh lấy nước trong hồ để xét nghiệm, thấy độ pH, sau đó mới quyết định làm lồng bè và tiến hành thả cá giống. Để thử nghiệm chắc chắn anh làm 10 lồng, trong đó nuôi 3 lồng cá lăng và 7 lồng vừa nuôi cá rô phi và điêu hồng.

Sau thời gian nuôi anh thấy cá rô phi không có hiệu quả, ngượi lại cá lăng nha lại phát triển rất tốt, cá mới nuôi 14 tháng trọng lượng đạt 2 kg/con. Thời điểm thu hoạch bán được 200.000 đ/kg. Từ thành công ban đầu tới nay anh đã đầu tư được 40 lồng, mỗi lồng rộng 36 m2, trong đó có 20 lồng nuôi cá thương phẩm và 20 lồng ương cá giống.

Anh Tuấn chia sẻ, so với nuôi trong ao đất, thì nuôi cá lăng đuôi đỏ trong lồng bè hiệu quả hơn nhiều. Nuôi trong hồ có dòng chảy ổn định, nước lưu thông liên tục nên môi trường luôn sạch, cá ít bị bệnh, khỏe mạnh, mau lớn, không phải tốn tiền thuốc thú y thủy sản.

Hơn nữa dễ kiểm soát và cân đối lượng thức ăn, cho cá ăn vừa đủ, không thừa không thiếu. Nuôi theo phương pháp này tiết kiệm được 5% tiền chi phí thức ăn. Đặc biệt thịt cá dai và ăn ngon hơn, giá bán cao hơn cá nuôi trong ao từ 5.000 - 10.000 đ/kg. Sản lượng cũng cao hơn. Năm 2012 gia đình anh thu hoạch cá thương phẩm được 46 tấn/1 lứa (15 tháng)/20 lồng, bán với giá trung bình 150.000 đ/kg thu được gần 7 tỷ đồng, chưa kể tiền bán giống.

Hỏi về thức ăn cho cá, anh Tuấn cho biết, thức ăn cho cá lăng chủ yếu là cá biển, trùn quế, tôm nhỏ… mua ở chợ về xay cho ăn. Tuy nhiên, giá cả thức ăn ngoài thị trường đôi khi cũng thất thường. Để chủ động nguồn thức ăn cho cá, anh đã xây dựng khu nuôi trùn quế rộng 300 m2 và chế ra một chiếc máy để xay cá và trùn quế.

Bí quyết làm thức ăn cho cá của anh Tuấn là: Cá tạp + trùn quế (cả phân trùn, để làm chất kết dính) + cám gạo, tất cả cho vào máy xay nhuyễn vo viên cho cá ăn. Trộn thức ăn theo cách này, khi thức ăn xuống nước sẽ chậm tan, giúp cho cá ăn hết không bị lãng phí. Đặc biệt giảm được 1/3 chi phí tiền mua thức ăn cho cá, đồng nghĩa với tăng 1/3 lợi nhuận.
Ngoài sáng kiến tự chế máy làm thức ăn cho cá của gia đình, hàng năm anh còn xuất bán 20 tấn trùn giống với giá 30.000 đ/kg cho các hộ nuôi thủy sản trong tỉnh.

Anh Tuấn cho biết thêm, cá lăng có hàm lượng dinh dưỡng rất cao và đang trở thành món ăn đặc sản nên được các nhà hàng trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng. Chính vì vậy sản lượng cá thương phẩm và cá giống của gia đình SX ra không đủ cung cấp cho thị trường…

Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ mô hình nuôi cá lăng trong lồng bè, tháng 7/2011, NM thủy điện Sêrêpôk 4 đã đầu tư lồng và thả nuôi hơn 40.000 con cá lăng đuôi đỏ trong 44 lồng. Sau gần 6 tháng nuôi, trọng lượng từ 70 con/kg ban đầu đã tăng lên 3 - 4 con/kg. 
Anh Trần Duy Viễn, PGĐ NM thủy điện Sêrêpôk 4 cho biết: Sau khi tham quan một số mô hình nuôi cá lăng trong lồng trên địa bàn tỉnh, Cty đã hỗ trợ công đoàn NM đầu tư gần 2 tỷ đồng làm lồng, mua giống cá lăng về thả. Qua theo dõi thấy cá sinh trưởng và phát triển tốt.