Trang

Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

“Bà đỡ” của người trồng mía

Từ hai bàn tay trắng, ông Trịnh Huy Khuê, xóm 11, xã Thọ Bình, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đã "chinh phục" đồi hoang để trở thành một doanh nhân cỡ bự. Hơn thế, ông còn tạo việc làm cho hàng ngàn lao động quê hương.

Năm 1989, ông Khuê xuất ngũ về quê và lập gia đình. Ba đứa con cũng lần lượt ra đời. Vừa nuôi mẹ già, vừa nuôi con nhỏ, mọi chi tiêu của gia đình ông chỉ trông vào mấy sào ruộng. Vợ chồng ông phải làm đủ nghề mà vẫn không đủ ăn.


Ông Trịnh Huy Khuê (thứ hai bên phải) trao đổi với lãnh đạo Hội ND tỉnh Thanh Hóa về sản xuất vụ mía năm 2013.

Đánh thức đất hoang

Những lúc bươn chải kiếm sống, ông nghĩ: "Mình trẻ, có sức khỏe, vậy tại sao không nhận những phần đất đồi hoang hóa kia mà làm?". Được sự đồng thuận của vợ, ông xin nhận thầu 5ha khu đồi của xã để canh tác. Chỗ nào đất tốt, bằng phẳng, ông trồng mía, những chỗ còn lại, ông trồng cây lấy gỗ và xen canh các loại rau màu để "lấy ngắn nuôi dài".

Trừ chi phí, năm đầu tiên ông bỏ túi 20 triệu đồng. Vậy là cái đói, cái nghèo đã dần dần từ bỏ gia đình ông. Không bằng lòng với thực tại, ông nhận thêm 25ha đất đồi của xã để mở rộng sản xuất và trực tiếp ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy Đường Lam Sơn.

Hiện, ông Khuê đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2.000 lao động địa phương, và hàng năm cung cấp cho Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn khoảng 18.000 tấn mía nguyên liệu

Năm đầu tiên, ông chỉ trồng 10ha mía, trong khi nhà máy đường luôn nằm trong tình trạng thiếu nguyên liệu. Ông Khuê tâm sự: "Lúc đầu, mình chưa có kiến thức, kinh nghiệm trồng mía, nên chỉ làm vừa thôi". Đúng thời điểm đó, Hội ND huyện Triệu Sơn phối hợp với Nhà máy Đường mở lớp tập huấn trồng mía, ông tạm dừng mọi công việc để tham gia khóa học.

Kiến thức và kinh nghiệm có được như tiếp thêm nghị lực cho ông. Thành công nối tiếp thành công, công việc làm ăn của ông ngày càng trôi chảy. Dành dụm được số vốn kha khá, ông mạnh dạn đứng ra ký hợp đồng bảo lãnh cho các hộ nghèo trong xóm với Nhà máy Đường Lam Sơn phát quang đồi hoang, trồng mía. Nhờ đó, chỉ sau 10 năm, vùng đất Thọ Bình đã mở rộng được gần 200ha trồng mía với 250 gia đình tham gia. Đến nay số diện tích mía do ông Khuê đứng ra làm chủ hợp đồng lên đến 300ha với 500 hộ trồng, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn người.

"Bà đỡ" của nông dân nghèo
Để việc sản xuất, kinh doanh được thuận lợi, người trồng mía phải nắm chắc kiến thức thâm canh, ông Khuê đã phối hợp với Nhà máy Đường Lam Sơn mời cán bộ kỹ thuật về tận các thôn để mở các lớp tập huấn; đồng thời, phối hợp với một số trung tâm nghiên cứu khoa học lớn nghiên cứu chất đất cung cấp các loại giống mía phù hợp cho năng suất, chất lượng cao.

Nhưng làm sao để bà con thuận lợi trong việc trồng mía, đồng thời vừa phải đảm bảo được năng suất, chất lượng? Trả lời câu hỏi này, ông đã bỏ ra hàng tỷ đồng để mua phân bón cung cấp trả chậm cho bà con. Sản xuất thuận lợi, làm ăn có lãi, ông mạnh dạn đầu tư các loại máy móc nông cụ để phục vụ trọn gói cho các hộ trồng mía.

Ông Khuê tâm sự: "Cái khó của làm trang trại là vốn đầu tư ban đầu không nhỏ nên ND rất sợ thua lỗ. Khi đã có nguồn cung, cầu ổn định, bà con mới an tâm canh tác và vững tin phát triển đồng mía của mình".

Năm 2009, ông Khuê quyết định thành lập Công ty Trịnh Thành Minh. Hiện nay, trong tay ông có 6 xe vận tải, 3 máy làm đất, 2 máy xúc, 2 máy ủi... và tạo công ăn việc làm trực tiếp cho trên 40 lao động với mức thu nhập từ 4,5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2012, trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu khoảng 700 triệu đồng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét