Trang

Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

Ông giáo nuôi hươu

Ông là Trần Quốc Hào ở ấp 1, xã Phú Điền, huyện Tân Phú (Đồng Nai), giáo viên văn và cũng là PGĐ Trung tâm Cộng đồng xã. Nói chuyện với tôi, ông luôn mong muốn nâng cao trình độ dân trí nơi mình sinh sống.

Phú Điền qua lời kể của ông là một xã nghèo của Đồng Nai. Kinh tế mới phát triển được hơn 1 năm trở lại đây, người dân đã bắt đầu biết đến các mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả cao như nuôi cá sấu, bồ câu, chồn hương... thay vì nuôi heo như trước. Nhưng cái ông đang lo là trẻ em bỏ học còn nhiều, cha mẹ chưa ý thức được tầm quan trọng, chủ yếu để con đi kiếm tiền sớm. Gặp tôi, đúng lúc ông vừa mới đi vận động một số cha mẹ cho con đi học về.

Ông cũng như bao người ở đây đều muốn xã mình giàu hơn, đầy đủ hơn, mà trách nhiệm của người giáo viên kiêm PGĐ Trung tâm cộng đồng lại càng lớn. Nuôi lợn bấp bênh, dịch bệnh nhiều, giá cả thấp nên năm nào cũng lỗ, ông ấp ủ nuôi con vật khác lãi cao hơn.


Ông Trần Quốc Hào bên chuông nuôi hươu, nai của gia đình

Đầu năm 2011, thấy ở Hà Tĩnh nuôi nai, hươu bán nhung mà nhà nào cũng lãi lớn, ông quyết định đầu tư 1 cặp nai với giá 13 triệu đ/con. Lúc đó, khá bất ngờ là nai nuôi rất dễ, không phải chăm sóc nhiều do tính chất hoang dã. Nó dễ ăn, thứ gì cũng được, vệ sinh chuồng trại không cần ngày nào cũng dọn, 1 tuần 1 lần là được. Chỗ ở cho nai ông thu xếp từ chuồng heo cũ, làm mới, đóng cọc gỗ bự bằng cả bắp chân. Ông nói: "Phải đóng cọc to vì nai đến tuổi lớn là hay dùng sừng cà vào thành, cọc nhỏ là gãy liền".

Hươu nai môt năm sinh sản 1 lần, trung bình từ 1 đến 2 con. Những con nhỏ thì đem vào nhốt chung với bố mẹ để chăm sóc, lớn thì để chuồng riêng. Con già nhất của ông mua về cũng đã gần 5 năm tuổi, cao cả vài mét. Được cái, càng già, nhung hươu cho càng nhiều, càng chắc, nặng cả vài kg, hiệu quả kinh tế đem lại là rất lớn. Nhưng cũng đừng để nó quá tuổi thì sức khỏe sẽ yếu dần, bệnh tật nhiều, lúc đó nhung mất giá trị sử dụng.

Trung bình, 1 năm lấy nhung hươu, nai 1 lần, phải cao hơn 20 cm mới cắt. Mỗi lần lấy là phải 4 - 5 người giữ chân, đầu, để cắt. Không được phép tiêm thuốc mê vì hươu, nai rất nhạy cảm, thứ đó vào người dễ mắc nhiều bệnh nghiêm trọng khác.

Năm đầu cho thu nhập, số tiền lãi của ông thu về lên tới 50 triệu đồng. Một con số mơ ước với bước đầu khởi điểm. Ông vui mừng kể: "Nuôi chúng dễ dàng, ít tốn kém, thức ăn tận dụng từ thiên nhiên. Ít phải chăm sóc, tôi có nhiều thời gian hơn cho công tác xã hội của mình".

Dẫn tôi vào chuồng hươu, nai của mình, ông chia sẻ: "Tôi vừa mới bán đợt nhung cách đây vài ngày. Trung bình mỗi bộ nặng từ 1 - 2 kg, thành ra lãi hơn vụ đầu cả chục triệu".

Ngoài tiền lương nhà giáo, con vật này đang là nguồn thu nhập chính của gia đình ông. Lãi lớn, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư cũng không quá lớn, ông quyết định đem chúng đi phổ biến cho bà con trong xã, vận động người dân mạnh dạn nuôi thử. Hiện tại, đã có vài hộ nhen nhóm nuôi 1 hoặc 2 cặp.

Mong muốn làm giàu vùng quê, ông Trần Quốc Hào đã và đang cố gắng nỗ lực trong phong trào công tác xã, tâm huyết với nghề giáo của mình. Với chuồng hươu lãi lớn, ông quyết mở rộng nó, giới thiệu với bà con trong xã và bên ngoài, để tạo thu nhập ổn định và hiệu quả lâu dài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét