Trang

Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Gặp tỉ phú chân đất ở Khua Họ

Những việc lão nông Lầu Sáy Nhịa, ngoài 60 tuổi, bản Khua Họ, xã Huổi Một (Sông Mã, Sơn La) làm để trở thành tỉ phú thì chưa người Mông nào ở Sông Mã làm được. Ông là một người giỏi “kiếm tiền” từ trồng trọt, chăn nuôi, có uy tín trong cộng đồng và luôn tiên phong trong các việc khó...
Lão nông Lầu Sáy Nhịa đang tiếp tục mở rộng thêm khu chăn nuôi nhím 
(gấp đôi mô hình hiện tại)

Xuống núi làm tỉ phú...

Sau 30 phút đi xe máy từ trung tâm xã, chúng tôi có mặt tại bản Khua Họ. Đường tới tư gia của lão tỉ phú chân đất 100% được đổ bê tông và trên đường hỏi thăm không ai là không biết lão nông Lầu Sáy Nhịa.

Ngôi nhà gỗ lợp ngói của ông tỉ phú quả là hoành tráng, được ông thuê hẳn thợ dưới xuôi thiết kế và dựng theo đúng phong cách của dân tộc Mông. Xung quanh nhà là những gốc nhãn đang rộ hoa hay những gốc xoài, gốc mận đã cho thu hoạch nhiều năm nay. Cách nhà chừng 10m là khu chăn nuôi nhím, chăn nuôi lợn, bò... 60 tuổi nhưng trông ông vẫn vạm vỡ, chất giọng sang sảng.

Trong nhà ông có đầy đủ các vật dụng thiết yếu cho sinh hoạt, nền nhà được lát gạch hoa sáng bóng. Nơi phòng khách treo đầy thành tích ghi nhận của các cấp. Tôi đếm cả thảy 20 chiếc bằng khen, giấy khen, trong đó có Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huy chương vì giai cấp nông dân Việt Nam...

"Tôi là người Mông gốc ở bản Co Mạ A. Năm 1991, được Nhà nước tuyên truyền, vận động đã xuống núi để định canh, định cư. Ngày đó, cuộc sống của chúng tôi trên núi khổ lắm, quanh năm chỉ biết phá rừng làm nương. Cả bản không tìm nổi một hộ có mức sống trung bình. Ngày đó, nếu không xuống núi chắc không có cuộc sống ổn định như ngày hôm nay”. ông Nhịa bắt đầu câu chuyện.

Được biết ngày đó, ông Lầu Sáy Nhịa là người đầu tiên xuống núi. Ông cũng là người đầu tiên không phá rừng làm nương, không du canh, du cư. Được sự hướng dẫn, giúp đỡ của Nhà nước cộng với chút vốn tự có, ông Nhịa khai hoang đất chăn nuôi, trồng trọt. Việc đầu tiên ông làm là “học lỏm” cách trồng nhãn lấy quả của người Kinh và trồng ngô, khai hoang ruộng nước, nuôi gà.

Chỉ sau một năm, ông Nhịa đã có lãi. Không dừng ở đó, ông lại tiếp tục mở rộng khu chăn nuôi gà và nuôi thêm lợn thịt, bò. Cứ chỗ nào có đất hoang, ông lại lụi cụi vác cuốc cải tạo trồng nhãn, mận và tre. Thế rồi, tiếng lành đồn xa, sau 2 năm ông tiên phong xuống núi làm ăn hiệu quả, đã có hơn 20 hộ khác ở các bản vùng cao xuống núi định canh định cư ở bản Khua Họ. Bây giờ, Khua Họ đã có gần 30 hộ từ các bản vùng cao từ bỏ cuộc sống du canh, du cư để xuống núi học cách làm giàu của ông Nhịa.

Hiện tại, ông đang sở hữu mô hình trồng trọt, chăn nuôi trị giá hàng tỉ đồng. Trong đó, có 3,5 ha để trồng 250 gốc nhãn, 30 gốc mận, 20 gốc xoài và tre lấy măng, lấy cây; chăn nuôi hàng chục con lợn thịt, hàng trăm con gà đẻ, gà thịt, 700m2 ao thả cá, nuôi 40 con nhím. Mặc dù, trước đó ông đã bán bò để mua xe tải trị giá gần 400 triệu đồng nhưng khu chăn nuôi của ông vẫn còn 12 con bò. Ngoài ra, ông còn khai hoang 8 ha đất trồng ngô lai với gần 35 tấn hạt/năm; trồng gần 2 ha sắn để phục vụ chăn nuôi, khai hoang thêm 2 ha ruộng nước... mỗi năm ông nông Lầu Sáy Nhịa thu lãi 250 triệu đồng và cũng là người Mông duy nhất của huyện Sông Mã có thu nhập cao như vậy.

... Và làm nhiều việc khó

Thời điểm ông tiên phong xuống núi trong bản có khá nhiều trẻ em không được đi học, nhất là các em nữ. Bởi nhiều người còn quan niệm “học chữ không làm ra gạo, ngô, sắn”, “chỉ con trai mới được đi học chữ”. Khi đó, lớp học ở bản lụp xụp, cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học thiếu thốn đủ thứ...

Ông Nhịa đã đóng góp công, vật liệu để xây dựng trường lớp. Không kể ngày hay đêm, ông đến từng nhà vận động mọi người góp công, góp vật liệu dựng lớp học cho con em. Trong quá trình đi kêu gọi, ông Nhịa còn kiêm luôn cả việc tuyên truyền, giải thích cho mọi người lợi ích của việc cho con đi học chữ để xóa đói nghèo.

Thế rồi, một lớp học bằng gỗ rộng 4 gian đã được hoàn thành với sự đóng góp của cả bản. Theo đó, bất kể trẻ em là nam hay nữ đều được đến lớp học chữ. Và sau 20 năm xuống núi định canh, định cư, các hộ ở bản Khua Họ đã có nhiều thế hệ con, cháu được đến trường, được học chữ, nhiều người có bằng đại học, đang công tác tại các ngành khác nhau từ huyện đến xã, bản, trong đó gia đình ông Nhịa có 2 con trai, 1 con dâu đang công tác ở huyện Sốp Cộp và Sông Mã.

Trong câu chuyện kể về lão nông Lầu Sáy Nhịa, tôi còn được nghe kể rất nhiều đóng góp của ông khi cùng xã, bản thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động đồng bào mình không phá rừng làm nương rẫy; không tái trồng cây thuốc phiện; không nghe theo lời kẻ xấu; không du canh, du cư hay tuyên truyền những điều trái pháp luật. Cưới xin, ma chay cũng được người dân Khua Họ thực hiện theo nếp sống văn hóa mới. Đặc biệt, ông còn giúp không giống cây trồng, con nuôi cho 5 hộ nghèo trong bản, 3 hộ đã thoát nghèo từ sự giúp đỡ của ông...

Được biết, toàn bộ con đường bê tông hóa chạy quanh bản Khua Họ hay chạy tới tận cổng nhà của các hộ ở Khua Họ cũng là nhờ sự nhiệt tình, nhanh nhạy của ông khi xin được sự hỗ trợ của chương trình 925. Khi đó, ông lại tiếp tục một lần nữa phát huy tốt khả năng dân vận của mình để thu hút sự tham gia đóng góp của bà con hoàn thành việc bê tông hóa đường của bản.

Trước khi chúng tôi chia tay, ông Nhịa bộc bạch: Từ bao đời nay, người Mông có thói quen sinh sống ở những đỉnh núi cao, thiếu thốn đủ bề mà điều kiện tiếp xúc với văn minh cũng không có nhiều. Nếu không có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với các nguồn vốn, giúp đồng bào dân tộc sinh sống trên các triền núi cao xuống vùng thấp để định canh, định cư thì làm sao chúng tôi có cuộc sống ổn định như ngày hôm nay. Thực tế cho thấy những hộ hạ sơn hầu hết đều có điều kiện để phát triển kinh tế, được giao lưu về văn hoá với các dân tộc khác, tiếp cận với khoa học kỹ thuật và có cuộc sống tốt hơn. Chúng tôi ơn Đảng nhiều lắm....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét