Trang

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

“Vua” sứ chia sẻ kinh nghiệm làm nghề với thế hệ trẻ

Hơn 20 năm trồng sứ, ngoài việc cung cấp những tác phẩm nghệ thuật đẹp cho đời, nghệ nhân Nguyễn Phúc Ánh (Út Ánh) còn truyền nghề cho nhiều thế hệ trẻ.

Hơn 20 năm trồng sứ, ngoài việc cung cấp những tác phẩm nghệ thuật đẹp cho đời, nghệ nhân Nguyễn Phúc Ánh (Út Ánh) còn truyền nghề cho nhiều thế hệ trẻ.
Nghệ nhân Út Ánh chăm sóc giống sứ mới

“Hồi nhỏ, mỗi khi bẫy chim đi ngang qua những vườn sứ trổ bông tôi thường đứng lại nhìn. Khi ấy, tôi thầm ước phải chi mình có một vườn sứ như thế”. Nghệ nhân Nguyễn Phúc Ánh (Út Ánh) tâm sự khi đưa tôi tham quan vườn sứ trổ bông rực rỡ nằm dưới chân cầu Bình Điền, huyện Bình Chánh - TPHCM. Ông cũng là người được mệnh danh là “vua sứ” ở Sài Gòn.

Bỏ công sưu tầm

Cũng vì mê loài hoa không kiêu sa nhưng quanh năm có bông mà khi lớn lên, sau những buổi đi làm, nghệ nhân Út Ánh thường mua sứ về trồng ở khoảng sân trước nhà. Dần dần, khu vườn rộng gần 6.000 m2 của ông tràn ngập những loài hoa sứ khắp mọi miền, trong đó không ít những cây có tuổi bằng chính tuổi đời 60 của ông.

Trong khu vườn của ông, tôi còn gặp những giống sứ mới như thần tài, kỳ duyên, bạch thiên hoa... đang nở hoa khoe sắc. Đặc biệt, nhiều gốc sứ to có hình thù kỳ lạ mà phải mất nhiều thời gian, công sức, nghệ nhân Út Ánh mới tạo được dáng đẹp như thế.

Giới thiệu với tôi cây sứ đang trổ bông mà trên bông có nhiều tầng nối nhau rất đẹp, ông tự hào: “Đây là giống sứ mới tôi vừa sưu tầm được. Tôi đặt tên cho nó là Phúc Ngọc trùng với tên của vườn nhà. Với tên gọi này, tôi muốn tri ân vợ mình, người có chung niềm đam mê yêu loài hoa sứ với tôi trong suốt nhiều năm qua”.

Tài sản lớn nhất là… sứ!

Với nhiều người, tài sản là của cải, tiền bạc nhưng với nghệ nhân Út Ánh thì không phải vậy. Tài sản lớn nhất của ông chính là những cây sứ quanh vườn. Ông yêu sứ vì chúng là loài cây chịu được khô hạn, dễ tạo dáng lại có tuổi thọ trung bình cao từ 60-70 năm. Ngoài ra, vườn sứ còn giúp ông quên đi mọi buồn phiền trong cuộc sống.

“Những khi có chuyện buồn lòng, tôi thường ra vườn tỉa cành, bón phân... Lạ lắm, chỉ cần ra đến vườn, chăm chút những cây hoa, uốn cành, tạo dáng cho chúng thì mọi phiền muộn dường như tan biến nhường chỗ cho sự phấn chấn, sáng tạo”. Ông kể chính nhờ vườn sứ mà cách đây 2 năm, ông lấy lại được sức khỏe sau cơn bạo bệnh. “Tôi bị ung thư trực tràng. Sau khi phẫu thuật, sức khỏe tôi yếu dần. Thế nhưng trở về nhà, được ra vườn, ngắm những cây sứ trổ bông, chăm sóc chúng, tôi thấy người khỏe lại, bệnh tật dường như cũng không còn”.

Đến vườn sứ của nghệ nhân Út Ánh, tôi còn nghe nhiều câu chuyện về niềm đam mê của ông đối với loài hoa này. Bà Đỗ Ngọc Quyên, vợ ông, nhớ lại: “Cách đây hơn 15 năm, khi nghe một người bạn nói ở Cai Lậy, Tiền Giang có một gốc sứ đẹp, ông nhất định đi xem. Hôm đó, ông dậy rất sớm, nôn nóng để đi Tiền Giang. Đến nơi, thấy sứ đẹp, ông ngỏ ý muốn mua. Người chủ vườn đòi bán cây với giá 12 triệu đồng, tương đương 3 cây vàng lúc bấy giờ. Thấy cây quá mắc, tôi bàn ra… Thế mà vài hôm sau, đã thấy cây sứ ấy trong vườn. Thì ra, ông đã mượn tiền của bạn bè để mua bằng được cây sứ đem về”.

Không giấu nghề


20 năm gắn bó với nghề trồng sứ, ông cũng đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm cho việc trồng và tạo dáng cho cây. Nghệ nhân Út Ánh nhấn mạnh: Cây sứ đẹp phải có rễ đều, thân một cốt, tàng phân chia đồng bộ theo hình tháp. Muốn sứ có bông đẹp cần phải ghép với những giống mới. “Khi ghép, sứ được giữ khô, tránh ẩm ướt. Ghép xong, phải dùng bao nhựa hay giấy báo phủ gốc lại để nhanh ra rễ. Sứ nên ghép vào mùa mưa, khoảng tháng 8, tháng 9. Khi ghép khoảng 2-3 tháng sau, sứ sẽ ra hoa”.

Nhiều năm trồng và ghép sứ, ngoài những tác phẩm sứ quanh vườn, ông còn vinh dự được nhận nhiều bằng khen qua các hội thi, hội hoa xuân. Ngoài ra, ông còn tham gia cùng Hội Hoa lan Cây cảnh huyện Bình Chánh- TPHCM truyền đạt kinh nghiệm trồng sứ cho nhiều thế hệ trẻ. Nghệ nhân Út Ánh cho biết: “Tôi muốn những kinh nghiệm mà tôi có được trong nhiều năm làm nghề được chia sẻ với thế hệ trẻ. Làm được điều đó sẽ giúp cho nghề trồng sứ ngày càng phát triển trong tương lai”.

1 nhận xét: