Trang

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

Người lính già làm giàu từ ba ba và nhím

Từ một cựu chiến binh nghèo, rồi liên tục làm ăn thua lỗ, đến nay, ông Hùng (thị trấn Kỳ Sơn, Hòa Bình) đã dần khẳng định được hướng đi đúng của mình là nuôi con đặc sản. Mỗi năm thu ròng 1,2 tỷ đồng khiến ông trở thành nông dân giỏi được nhiều biết đến.

Ông là Đỗ Mạnh Hùng 54 tuổi, một cựu chiến binh ở khu I, thị trấn Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Sau 7 năm trong quân đội, xuất ngũ năm 1982 trở về địa phương sản xuất, ông Hùng ngày đêm trăn trở để tìm hướng để thoát nghèo. Nghề đầu tiên mà ông thử sức là làm gạch. Để có vốn đầu tư, ông phải vay vốn ở bên ngoài với lãi suất rất cao, khi bắt tay vào việc lại gặp rất nhiều khó khăn, sản phẩm làm ra phải đi mời chào từng khách hàng, thời tiết lại không ủng hộ, nhiều lần nước lũ tràn về làm ông mất trắng, vì vậy cuộc sống vẫn khó khăn chồng chất. Tuy nhiên ông vẫn cùng vợ con quyết không chịu lùi bước. Công sức lao động của ông bắt đầu được đền đáp, cuộc sống thoát dần cảnh nghèo.

Ông Hùng đang xem xét số ba ba gai giống. Ảnh: Kim Dung.

Chưa hài lòng với cuộc sống hiện tại, qua sách báo, ông nhận thấy thị trường có xu hướng tiêu thụ mạnh các loại con đặc sản. Năm 2006, ông lặn lội lên tận Yên bái, Sơn La để học hỏi kinh nghiện nuôi ba ba, rồi mua con giống về nuôi. Nhưng do nóng vội lại chưa có kinh nghiệm nên ông đã nhanh chóng thất bại, 60 triệu đồng đổ vào số ba ba và xây dựng chuồng trại coi như “bốc hơi”.

Không nản chí, người cựu chiến binh lại một lần nữa lên Yên Bái để mua về giống ba ba gai. Ba ba gai là giống hay ăn, chóng lớn và ít bệnh tật, giá bán cao từ 1,6 đến 2 triệu đồng mỗi kg, gấp 4 lần ba ba trơn. Lúc đầu ông chỉ nuôi ba ba thương phẩm, nhưng nhận thấy thị trường Hòa Bình chưa có nơi nào cung cấp giống, vì vậy ông nuôi thêm cả ba ba giống để quay vòng khi xuất ba ba thịt, đồng thời cung cấp con giống cho những người có nhu cầu.

Hiện nay, trong vườn nhà ông có 12 ô ao nuôi ba ba trong đó có 8 ô nuôi ba ba đẻ và 4 ô nuôi ba ba gai thương phẩm. Với cách nuôi xoay vòng, bé thì bán giống lớn thì chuyển sang nuôi để bán thịt, trong vườn nhà ông Hùng không những không thiếu ba ba để nuôi mà còn để cung cấp cho nhiều người có nhu cầu về giống ba ba trong vùng và các vùng lân cận.

Ông tâm sự: “Nuôi con gì cũng vậy, trước tiên phải có tâm huyết với con vật mình nuôi, không nản chí, thứ hai quan trọng phải có kỹ thuật nuôi và người nuôi phải có kinh nghiệm thì nhất định sẽ thành công”.

Chẳng hạn, sau một thời gian nuôi ông nhận thấy ba ba gai có một đặc tính khác với ba ba thường là lớn rất nhanh, lại không tốn diện tích sống. Một ô ao rộng khoảng 30 – 40m2 có thể thả được 100 con giống, thức ăn của ba ba dễ kiếm chỉ là ốc, nhái, cá nhỏ, giun…Tuy nhiên môi trường sống của ba ba gai lại đòi hỏi phải sạch: thành ao xây cao, rải cát ở mép bờ để cho ba ba bò lên đẻ.

Giá một con ba ba giống hiện nay ông bán từ 450.000 đến 500.000 đồng mỗi con. Đến nay gia đình ông có gần 200 con ba ba thương phẩm, chưa kể ba ba đẻ và con giống. Một năm trừ chi phí, gia đình ông thu về trên 400 triệu đồng từ tiền ba ba.

Không chỉ dừng lại ở nuôi ba ba, năm 2008, xem tivi có nói đến việc nuôi nhím làm giàu, ông quyết định tiếp tục thử sức với nghề này, bắt đầu từ việc thăm các mô hình nuôi nhím ở Ba Vì (Hà Nội) và Sơn La. Ban đầu ý tưởng của ông bị vợ ngăn cản quyết liệt, vì cho rằng nuôi nhím có nhiều rủi ro, chẳng may hỏng thì chỉ có nước đem bán “củi”, vì con nhím giống có giá thành cao, những hơn 10 triệu đồng mỗi cặp. Tuy nhiên trước sự quyết tâm của ông cùng với sự động viên của bạn bè, ông đã mang về nhà 10 cặp nhím giống, và rồi thêm 60 đôi nhím giống nữa.

Ông Hùng đang cho nhím ăn. Ảnh: Kim Dung.

Hiện tại trong chuồng nhà ông có gần 200 con nhím giống to nhỏ các loại. Ông Hùng cho biết mỗi cặp nhím trưởng thành có giá khoảng 25 đến 27 triệu đồng, nhím mẹ đang chửa có giá 40 triệu đồng và đôi nhím con có giá 16 triệu đồng.

Thăm khu chuồng trại nuôi nhím và ba ba của ông Hùng mới thấy được tính khoa học, bài bản trong cách làm của ông. Mỗi ô nuôi nhím và nuôi ba ba đều được đánh số cẩn thận để tiện cho việc theo dõi và lai giống để tránh trùng huyết thống. Chuồng trại đảm bảo được các yếu tố kỹ thuật như thông thoáng về mùa hè, ấm áp về mùa đông, hệ thống cống rãnh được xây dựng kiên cố dưới nền chuồng trại.

Ông Hùng tâm sự: Thời gian đầu khi đưa ra ý tưởng nuôi ba ba rồi đến nuôi nhím, ông không những không được vợ con ủng hộ mà ngược lại bị phản đối rất quyết liệt, cho rằng ông vẽ chuyện. Tuy nhiên, bây giờ thì ông chứng tỏ được mình đã quyết định đúng.

Ông Phí Văn Bằng, Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Kỳ Sơn nhận xét: "Ông Hùng là một cựu chiến binh, một hội viên hội nông dân tiêu biểu đã biết cách làm giàu chính đáng cho gia đình và bản thân trên chính mảnh đất của gia đình".

Có thể nói mô hình nuôi ba ba kết hợp với nuôi nhím đã đem lại thành công. Từ chỗ gia cảnh khó khăn, đến nay, mỗi năm ông Hùng thu về khoảng 1,2 tỷ đồng, nhờ đó, cuộc sống gia đình đã thay đổi đáng kể, ngôi nhà cũ nay được thay bằng ngôi nhà 2 tầng khang trang, nhiều tiện nghi hiện đại đã được trang bị.

Không chỉ làm ăn giỏi, ông Hùng còn tích cực tham gia các phong trào hoạt động ở địa phương, và sẵn sàng giúp đỡ về kỹ thuật nuôi nhím và ba ba cho những ai có nhu cầu. Hiện tại ông là Chi hội phó chi hội cựu chiến binh khu I, đại biểu hội đồng nhân dân thị trấn Kỳ Sơn. Ông cũng tiết lộ trong thời gian tới sẽ mở rộng việc chăn nuôi gà đen để không ngừng làm giàu cho gia đình và xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét