Trang

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Mô Hình Nuôi Con Đặc Sản Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Được thuê đất với diện tích gần 2.000 m2, ông Nguyễn Công Nguyên (xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn) đã đầu tư xây dựng chuồng trại, quy hoạch nuôi các con nuôi đặc sản: Lợn rừng, lợn Mường, baba, gà thuốc, gà Lương Phượng, gà Hoàng Gia, chim bồ câu… mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Nuôi lợn rừng tại trang trại của ông Nguyễn Công Huân


Nói về quá trình xây dựng trang trại nuôi các con đặc sản, ông Nguyên cho biết: Bắt đầu từ năm 2010, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, ông được thuê đất có thời hạn 49 năm. Bằng nguồn vốn của gia đình cùng vốn vay Ngân hàng, ông đã đầu tư xây dựng chuồng trại, đào ao nuôi các con nuôi đặc sản.Trong đó, ông đã dành một phần diện tích để nuôi lợn rừng theo phương pháp quây nhốt. Thời điểm bắt đầu nuôi, ông gặp không ít khó khăn do tập tính hoang dã của con giống. Sau khi tìm hiểu loài vật nuôi này, ông đã khắc phục được khó khăn trên, đàn lợn giống sinh sản tốt và đã cho thành phẩm là lợn rừng giống và lợn rừng thương phẩm.

Hiện trang trại của ông lúc nào cũng có trên 10 con lợn rừng sinh sản và vài chục con lợn rừng nuôi thương phẩm. Theo ông, để nuôi thành công lợn rừng theo phương pháp nuôi nhốt cần quan tâm đến việc chọn con giống, đồng thời phải nghiên cứu kỹ về tập tính của con vật và áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, cách phòng và điều trị bệnh thường gặp cho vật nuôi. Chuồng trại phải đảm bảo ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè, nền chuồng bằng phẳng có độ dốc từ 1-2 độ để thoát nước bẩn và phải cao hơn vùng đất xung quanh. Là động vật hoang dã nên việc bố trí sân chơi là rất cần thiết, xung quanh khu vực sân chơi có thể dùng lưới thép B40 kiên cố và đảm bảo chắc chắn.

Về kỹ thuật nuôi lợn rừng sinh sản, với lợn đực cần nuôi riêng và tỷ lệ phối giống là 1 lợn đực cho 5-10 lợn cái. Lợn cái trong thời gian mang thai ngoài các thức ăn thường gồm rau, củ, quả, ngũ cốc các loại, cần bổ sung thêm thức ăn giàu dinh dưỡng, nhất là đạm, khoáng và sinh tố. Đối với lợn con mới đẻ nên cho bú mẹ sữa đầu càng sớm càng tốt. Lợn rừng cũng mắc các bệnh như lợn nhà, vì vậy cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và thường xuyên theo dõi những biểu hiện khác thường của lợn nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời. Do nắm vững kỹ thuật nuôi lợn rừng, cùng công tác phòng bệnh tốt nên đàn lợn rừng của trang trại ít bị bệnh, tỷ lệ sinh sản đạt cao, chất lượng lợn thương phẩm đảm bảo.
Cùng với nuôi lợn rừng, lợn Mường, ông Nguyên đã đầu tư xây dựng 6 ao nuôi ba ba, mỗi năm cung ứng ra thị trường trên 3.000 con ba ba thương phẩm. Trang trại của gia đình ông Nguyên còn nuôi gà thuốc, gà Lương Phượng, gà Hoàng Gia, chim bồ câu... Đây đều là những con nuôi vốn dĩ sống và thích nghi với điều kiện tự nhiên nên chúng rất dễ nuôi, nhưng lại có giá trị kinh tế cao. Ví dụ như gà thuốc là giống gà quý, rất bổ dưỡng, giá mỗi kg gà lên tới 300 nghìn đồng, đắt gấp hơn 2 lần so với gà ta. Nhờ vậy, mỗi tháng thu nhập của gia đình ông Nguyên lên đến hàng chục triệu đồng từ nuôi gà và chim.

Sau khi trừ chi phí, mỗi năm trang trại mang lại cho gia đình ông Nguyên nguồn thu nhập trên 500 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho 3-4 lao động với thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng. Sự thành công của trang trại chăn nuôi các con đặc sản của ông Nguyên đã tạo ra hướng đi mới trong phát triển sản xuất chăn nuôi, đa dạng hoá các đối tượng nuôi, đặc biệt là các đối tượng nuôi mới, đặc sản có giá trị kinh tế cao.

Ông Nguyễn Công Nguyên cho biết thêm: Do trang trại chăn nuôi các con nuôi đặc sản của gia đình ông gần với khu du lịch nên hiện nay cùng với việc phát triển, mở rộng các con nuôi đặc sản, ông đang xây dựng nhà hàng phục vụ các món ăn đặc sản được nuôi từ trang trại. Khách du lịch sẽ được tham quan trang trại và thưởng thức các món ăn bổ dưỡng từ các con nuôi đặc sản.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét