Trang

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Con đường trở thành tỷ phú cao su của một công nhân

Trước năm 1999, ông là công nhân của Nông trường Việt Trung, kinh tế gia đình còn gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân ông đã có nhiều trăn trở, suy nghĩ phải làm thế nào để phát triển kinh tế, thoát khỏi đói nghèo, ổn định cuộc sống gia đình. Và ông đã quyết định xin ra khỏi biên chế của Nông trường, bàn với vợ dắt cả gia đình vào khu đất gần đập Đá Mài để khai hoang lập nghiệp.

Ông là Trần Viết Lượng, hiện là Hội viên Hội nông dân - Giám đốc Doanh nghiệp Cao su Thanh Long, ở tiểu khu 9, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.


Hiện ông Lượng đã có trong tay 20 ha cây cao su, trong đó 18 ha đã cho khai thác mủ với sản lượng 150 tấn mủ nước/năm

Khởi nghiệp từ cây dưa hấu

Phấn khởi sau một năm sản lượng mủ cao su, cũng như doanh thu của doanh nghiệp tăng khá cao so với trước đây, hội viên nông dân Trần Viết Lượng dẫn tôi đi tham quan khu vườn trồng cao su bạt ngàn, rộng 20 ha, cũng như tìm hiểu về những dây chuyền chế biến mủ cao su hiện đại, khép kín đang ăn nên làm ra của gia đình ông. Hồi ức lại quá trình lập nghiệp của mình, hội viên nông dân Trần Viết Lượng cho biết có được như ngày hôm nay ông đã trải qua bao khó khăn, vất vả trước đó.

Sau mấy năm “nếm mật nằm gai” khai hoang được 20 ha đất đồi núi, ông liền nghĩ đến hướng làm ăn “lấy ngắn nuôi dài”. “Muốn có vốn liếng để đầu tư phát triển kinh tế trang trại, thì phải có vốn. Mà muốn có vốn, trước mắt phải trồng cây dưa hấu để tích lũy dần dần”. Sau khi bàn bạc và được sự thống nhất của gia đình, ông Lượng đã về xã Lý Trạch để học hỏi nghề trồng dưa hấu.

Khi đã có nguồn thu nhập ổn định từ dưa hấu, ông Lượng bắt đầu tính kế làm ăn lâu dài là trồng và phát triển diện tích cây cao su.

Thấy gia đình ông Lượng đang ăn nên làm ra từ cây dưa hấu, nhiều người trong vùng bắt đầu làm theo. Thế là chỉ sau 5 năm kể từ ngày ông đưa cây dưa hấu lên đất này, số hộ trồng dưa, số diện tích cũng như sản lượng dưa hấu ở thị trấn Nông trường Việt Trung nói riêng, ở Bố Trạch nói chung đã tăng lên một cách “chóng mặt”. “Nhà nhà trồng dưa, người người trồng dưa với một mong muốn được đổi đời nhờ cây dưa, vì thế, giá cả bán ra không ổn định, nhiều lúc người nông dân bị tư thương ép giá.

Bỏ dưa trồng cao su

Trước thực trạng khó khăn chung của cây dưa hấu, biết rằng sẽ rất khó làm giàu từ dưa, ông Lượng quyết định bỏ hẳn nghề trồng dưa và tập trung vào đầu tư cho 20 ha cao su của gia đình.

Trong đợt khai thác mủ đầu tiên, ông quyết định vừa tiếp tục làm nghề khai thác mủ cao su của gia đình, vừa làm thêm dịch vụ mua bán mủ cao su cho bà con trong vùng để tăng thu nhập.
Công việc buôn bán mủ cao su ngày càng thuận lợi, ông lại bàn với gia đình phải “cơm đùm gạo bới” sang tận Trung Quốc để học hỏi công nghệ chế biến mủ cao su. Sau khi trở về, vừa thu hoạch mủ trong vườn cao su của gia đình, vừa thu mua thêm của bà con nông dân trong vùng, ông Lượng quyết định đóng thùng thuê xe chở cao su đi bán khắp nơi – từ Bắc vào Nam. Tuy các xe hàng của ông đã được khách hàng thu mua hết, nhưng do chi phí vận chuyển bỏ ra quá cao, mấy xe hàng liên tục, ông chẳng lời lãi được bao nhiêu.

Đúc rút được kinh nghiệm từ những thất bại trong quá trình vận chuyển mủ cao su đi bán, ông Lượng đã quyết định dành tất cả vốn liếng tích cóp được bấy lâu, đầu tư 3,5 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su SVR 10, SVR 3L công suất 1.300 mủ khô/năm ngay tại quê ông và thành lập Doanh nghiệp Cao su Thanh Long hoạt động trên lĩnh vực trồng, chăm sóc, khai thác, thu mua và chế biến mủ cao su.

Để đáp ứng cho nhu cầu phát triển lâu dài của Doanh nghiệp, ông Trần Viết Lượng đã quyết định đầu tư 1,5 tỷ đồng xây dựng khu xử lý nước thải, đảm bảo cho hoạt động của Nhà máy không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Từ một người nông dân nghèo, đến nay hội viên Trần Viết Lượng đã có trong tay 20 ha cây cao su, trong đó 18 ha đã khai thác mủ với sản lượng 150 tấn mủ nước/năm, 02 ha tiêu có sản lượng 01 tấn/năm. Hiện nay, Doanh nghiệp Cao su Thanh Long của hội viên nông dân Trần Viết Lượng thu mua và chế biến được 1.200 tấn mủ cao su/năm, mang lại tổng thu nhập gần 20 tỷ đồng và tạo việc làm ổn định cho 15 – 10 lao động tại địa phương, với thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng tùy theo công việc được giao.
Mở rộng quy mô, Doanh nghiệp của ông lượng hoạt động ngày càng thuận lợi và hiệu quả, có nguồn thu nhập gần 20 tỷ đồng mỗi năm.

Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Trần Viết Lượng còn có nhiều đóng góp quan trọng trong các phong trào hoạt động của Hội Nông dân thị trấn Nông trường Việt Trung nói riêng và phong trào nông dân của cả tỉnh nói chung. Để giúp cho hội viên trong vùng thoát nghèo, ông Lượng đã quyết định cắt 3 ha cao su của mình tặng cho một nông dân khuyết tật nặng ở trong vùng, giúp gia đình này thoát nghèo và có cuộc sống khá giả. Ngoài ra, Doanh nghiệp của ông còn bỏ ra gần 70 triệu đồng hỗ trợ nhiều gia đình khó khăn và con em hội viên nông dân vươn lên học giỏi…

Với những thành tích tiêu biểu trong các phong trào, năm 2008, ông Trần Viết Lượng đã được Hội Nông dân tỉnh tặng giấy khen năm 2008; UBND huyện Bố Trạch tặng giấy khen năm 2010; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Cúp “Vì Nông dân Việt Nam” năm 2009; Bộ Tài chính tặng bằng khen năm 2011…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét